24 August 2016

Vài khái niệm bình dân ngày xưa

Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Dự Bị 
(lichsuvn.net)

Cho đến thế kỷ XIX giáo dục chưa quảng bá sâu rộng trong nước ta. Số người có học rất ít. Họ chỉ biết chữ Hán, văn chương, thi phú, Nam sử, Bắc sử và điển tích của Trung Hoa mà thôi. Sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật và người ngoài rất hạn chế.

Tất cả những kinh nghiệm sống của dân tộc ta được gói ghém trong những câu ca dao, những vần thơ, khúc hát, những câu châm ngôn, tục ngữ hay những câu nói ngắn gọn và dễ nhớ. Trong khuôn khổ bài viết ngắn ngủi nầy chúng tôi xin nói qua vài khái niệm bình dân của tiền nhân chúng ta trong quá khứ. Phần lớn những khái niệm ghi trong bài nầy được tìm thấy ở cả ba miền đất nước. Một vài khái niệm chỉ được tìm thấy ở miền Nam mà thôi.

Khái niệm Văn Hóa

Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa sau gần 11 thế kỷ Bắc thuộc. Người Việt Nam học phương pháp canh tác, phép cưới hỏi, văn hóa, tư tưởng và học thuật của người Trung Hoa.

Ba tôn giáo quan trọng và lâu đời nhất ở Việt Nam là Khổng, Lão và Phật giáo. Khổng và Lão giáo đều xuất phát từ Trung Hoa và do người Trung Hoa giảng dạy cho dân thuộc địa từ năm 111 trước Tây Lịch đến năm 938 sau Tây Lịch. Phật giáo tuy không xuất phát từ Trung Hoa nhưng do các sư tăng người Trung Hoa giảng dạy ở nước ta. Chùa chiền ở Việt Nam phỏng theo kiến trúc thảo mộc của chùa chiền ở Trung Hoa. Kiến trúc nầy hoàn toàn khác với kiến trúc bằng gạch hay đá của các chùa chiền Tiểu thừa ở Lào, Cambodia, Miến Điện và Tích Lan (Sri Lanka). Kinh kệ đều viết bằng chữ Hán chớ không phải bằng chữ Phạn (Sanskrit) nên các tu sĩ Phật giáo Việt Nam đều phải học chữ Hán như các tu sĩ Thiên Chúa giáo học chữ La Tinh vậy. Cho đến đầu thế kỷ XX không tu sĩ Phật giáo Việt Nam nào biết chữ Sanskrit cũng như không tu sĩ Thiên Chúa giáo Việt Nam nào biết tiếng Hebrew (Do Thái). Đó là sự trùng hợp vô cùng ngộ nghĩnh vì Việt Nam không tiếp nhận Phật giáo và Thiên Chúa giáo trực tiếp qua trung gian giáo sĩ Nepal, Ấn Độ hay Do Thái.

Người Minh hương có nhiều cống hiến trong công cuộc nam tiến của dân tộc Việt Nam. Trần Thượng Xuyên có công khai phá đất Đông Phố (Biên Hòa, Sài Gòn). Dương Ngạn Địch khai phá đất Mỹ Tho và Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích mở rộng đất Hà Tiên. Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành… đều là những người Minh hương nổi tiếng trong nước. Hầu hết các thành phố lớn ở miền Nam đều có nhiều người Hoa sinh sống. Chợ Lớn là thànhh phố có nhiều người Hoa nhất trong nước. Ở miền Bắc, Hải Phòng và các đảo đá vôi trong Vịnh Hạ Long có nhiều thương gia, ngư phủ người Hoa cư trú. Người Hoa sống rải rác và thưa thớt ở các tỉnh miền duyên hải Trung Bộ.

Người Việt Nam có thức ăn riêng. Nhưng họ rất hưởng ứng thức ăn Trung Hoa và mơ ước như người Trung Hoa được:
Ăn cơm Quảng Châu
Cưới vợ Tô Châu,
Về chết ở Hàng Châu.
Họ cũng thích đọc những pho truyện Tàu dầy cộm như Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Thủy Hử, truyện Phong Thần, và, trong thập niên 1960 và 1970, Cô Gái Đồ Long, Thần Điêu Đại Hiệp, Lộc Đỉnh Ký… của nhà văn tả phái tỵ nạn ở Hong Kong: Kim Dung (Kim Yung).

Việt Nam là quốc gia ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nhất trên bán đảo Ấn-Trung (Indochina) mặc dù đa số dân trong nước tin theo triết lý Phật giáo.

Đạo Phật xuất phát từ Kapilavastu gần xứ Nepal bây giờ. Vào thế kỷ III các nhà sư Ấn Độ như Chi Cường Lương (Kallyanaruci) và Ma La Kỳ Vực (Marajivaka) đến Phù Nam (Fu Nan; Cambodia) và Giao Chỉ rồi sang giảng đạo Phật ở Quảng Đông. Người Việt Nam không tiếp nhận triết lý Phật giáo trực tiếp qua các sư tăng Ấn Độ mà qua các sư tăng Trung Hoa.

Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia và Lào theo Phật giáo nguyên thủy hay Tiểu Thừa (Theravada; Hinayana). Phật giáo ở Việt Nam là Phật giáo Đại Thừa (Mahayana) giống như Phật giáo ở Trung Hoa. Trong chùa có nhiều Phật, Bồ Tát (Boddhisattvas) và La Hán. Ngoài ra còn có cả những danh nhân Trung Hoa như Quan Công, Tần Thúc Bảo, Trần Huyền Trang v.v…

Người Việt Nam không ăn bốc, không mặc xà rông và không theo tục hỏa thiêu như người Ấn Độ. Họ thích ăn thịt bò trong khi người Ấn Độ xem bò là vật thiêng. Người Ấn ăn thịt dê, một thứ thịt tương đối hiếm ngoài chợ thịt Việt Nam. Trong quá trình nam tiến người miền Nam thích ăn cà ri Ấn Độ và cà ri Bà Lai (Mã Lai), một món ăn đặc thù của người Ấn Độ và các dân tộc da sậm ở Nam Á. Thức ăn béo, cay và dồi dào hương vị nầy được nấu bằng sữa hay nước cốt dừa với bột nghệ, ớt khô lẫn tươi, thảo mộc và thịt gà hay dê. Cà ri Bà Lai được nấu bằng cá thái từng miếng nhỏ nấu với bột nghệ, thảo mộc, ớt khô nghiền nhuyễn ăn với cà tím thấu chua và muối ớt.

Người miền Nam rất sợ nợ Chà hay nợ xã tri (cũng có nơi gọi là sét-ty ). Xã tri do chữ chetty mà ra. Nó ám chỉ những người Ấn Độ chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lời ở miền Nam dưới thời Pháp thuộc. Đó là nợ xanh, xít, đít, đui (cinq, six, dix, douze) tức 5 trả thành 6 và 10 trả thành 12. Người mắc nợ Chà thường không bao giờ trả nổi nên phải bán vợ, đợ con để phục dịch cho chủ nợ hay cầm cố đất đai của tổ tiên để trừ nợ. Ở ấp Đông Ba, xã Tân Thới, quận Lái Thiêu có một vùng đất do một xã tri Ấn Độ làm chủ. Ông ta xây hai cái mạch để tắm. Mạch đó được dân địa phương gọi là mạch Chà. Vào cuối thập niên 1959 một bộ trưởng nội vụ trong chánh phủ Ngô Đình Diệm mua mạch nầy và một miếng vườn ở Bình Nhâm để làm nơi nghỉ mát.

Ở Sài Gòn và Chợ Lớn có chùa Ấn giáo (Bà La Môn) và Chùa Hồi giáo (Islam). Người Ấn theo đạo Bà La Môn giàu có hơn người Ấn theo đạo Hồi. Họ có nhiều phố xá ở Chợ Cũ Sài Gòn. Họ làm giàu bằng nghề bán vải, cho vay và đổi tiền. Người Ấn theo đạo Hồi thường làm gác dan cho các xí nghiệp trong thành phố.

Việt Nam chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa cổ xưa trên thế giới: văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Tuy thế người Việt Nam không xem Trung Hoa hay Ấn Độ là sư phụ của mình mà chỉ xem họ là anh mà thôi.

Tiền nhân chúng ta gọi người Trung Hoa là anh Ba và người Ấn Độ là anh Bảy. Theo người miền Nam anh Ba là người anh thứ nhì trong nhà nghĩa là thứ bậc trong gia đình còn thấp hơn anh Hai tức anh Cả ở miền Bắc hay miền Trung. Những chữ anh Ba và anh Bảy nói lên liên hệ văn hóa, chủng tộc và địa lý gần xa giữa Việt Nam, Trung Hoa và Ấn Độ. Anh Ba có vẻ gần gũi hơn anh Bảy về mọi mặt. Anh Ba sống đều khắp ba miền đất nước. Anh Bảy chỉ tập trung ở miền Nam mà thôi. Khi gần chết, anh Bảy bỏ vợ con Việt Nam ở lại để về miền dưới chết và hỏa táng.

Khái niệm Địa Lý


Tuy sống quanh quẩn bên lũy tre làng, tiền nhân của chúng ta cũng có khái niệm địa lý đúng với thực tế. Các bậc tiền bối của chúng ta gọi các dân tộc ở Nam Á như Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia là người miền dưới tức là những người xuất phát từ phía Nam nước ta.

Người Việt Nam gọi Trung Hoa là Bắc quốc vì nước nầy ở phía Bắc. Người Pháp được gọi là Tây vì họ ở phương Tây. Năm 1905 nhà cách mạng Phan Bội Châu phát động Phong Trào Đông Du nhằm khuyến khích học sinh sang Nhật du học. Gọi là Đông Du vì quần đảo Phù Tang nằm về phía đông của nước ta.

Trong các vườn cây ăn trái ở Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn trong tỉnh Bình Dương có một loại dâu trái tròn, vỏ ngoài mịn như nhung. Trước khi ăn phải vò cho trái dâu mềm và tươm chất ngọt trong múi dâu. Có người gọi đó là trái bòn bon vì nó tròn như viên kẹo ( bonbon : kẹo). Có người gọi đó là dâu miền dưới để phân biệt với dâu ta vì nó xuất phát từ Nam Á.

Khái niệm Nhân Chủng

Người Việt Nam ngày xưa không phân biệt người Ấn Độ (Hindu) với người Mã Lai và người Indonesia. Họ gọi chung những người miền dưới nầy là Chà Và . Từ thời Hậu Lê (1428 – 1527) thương nhân từ các đảo ở Nam Á đến buôn bán ở Đại Việt. Người Việt Nam biết ít nhiều về người Chà Và. Thực tế, Chà Và hay Chà Bà là chữ phiên âm của chữ Java, một đảo quan trọng về kinh tế lẫn nhân văn ở Indonesia.

Đến giữa thế kỷ XIX liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Sài Gòn. Trong hàng ngũ quân Tây Ban Nha có nhiều người Phi Luật Tân (lính Tagals) vì lúc bấy giờ quần đảo Phi Luật Tân (1) đặt dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha hay I Pha Nho. Người miền Nam có dịp thấy một giống người da màu, tóc xoăn và mắt to. Họ vội vã đưa ra một nhận xét về nhân chủng học qua câu:
Chà Và, Ma Ní tí te,
Cái bụng thè lè, con mắt ốc bươu.
Người Phi Luật Tân được gọi là người Ma Ní vì thủ đô của xứ họ là Manila. Trong mọi tình huống tốt hay xấu, người Việt Nam lúc nào cũng có óc khôi hài và tinh thần bất phục. Họ tỏ ra không ngán người Ma Ní trong hàng ngũ phe thắng trận ở Sài Gòn mà còn có những câu hát chế diễu và chê bai.

Năm 1945 tướng Gracey chỉ huy một toán lính Anh và lính Gurkhas (Nepal) đến Sài Gòn giải giới quân đội Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16. Người miền Nam gọi lính Gurkhas là lính Chà Chóp vì họ đội mũ có cái chóp trên đầu.

Khái niệm Thời Gian

Ngày xưa khi chưa có đồng hồ, người ta biết giờ giấc qua tiếng gà gáy, vị trí của mặt trời (mặt trời mọc, mặt trời lặn, mặt trời trên thiên đỉnh), mặt trăng, tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông công phu ngày hai buổi từ các chùa chiền. Đôi khi người ta đốt một cây nhang và dùng đó làm đơn vị thời gian và khoảng cách. Thí dụ: Đi từ chợ Thủ đến chùa Cô Hồn chưa tàn một cây nhang thì tới.

Chúa Trịnh Tráng (1623 – 1657) là người Việt Nam đầu tiên được giáo sĩ Alexandre de Rhodes tặng cho một cái đồng hồ. Đến khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam đồng hồ và dương lịch được dùng ở Việt Nam. Nhưng số người có đồng hồ và biết chữ để xem đồng hồ rất ít. Khoảng 30% học sinh học lớp ba ngày xưa ( cours élémentaire ) biết xem đồng hồ. Ở vào trình độ nầy chỉ có học sinh giỏi toán mới biết xem đồng hồ. Vì các số trên đồng hồ đều là số La Mã. Học sinh phải biết cửu chương mới biết tính phút. Ở nông thôn mặt trời, mặt trăng, tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ, tiếng gà gáy vẫn còn dùng để định giờ giấc. Sinh hoạt hàng ngày của nông dân kéo dài từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

Khái niệm về Xuất Xứ Của Sự Vay Mượn và Học Hỏi Nơi Các Nước

Từ khi lập quốc đến hậu bán thế kỷ XIX nước ta chỉ có liên hệ với Trung Hoa, Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La, Ai Lao và Pháp mà thôi. Những khái niệm về sự thiết lập sứ quán như ngày nay hoàn toàn vắng bóng.

Quan hệ giữa nước ta và Trung Hoa là quan hệ của nước nhỏ đối với nước lớn. Sứ bộ nước ta được phái đến Trung Hoa để mang cống phẩm cho Bắc quốc, để cầu viện hay để điều đình một vấn đề gì đó giữa hai quốc gia. Những người được cử đi sứ thường mang về nước những vật lạ và quí giá. Nhiều sứ giả còn học nghề ở Trung Hoa đem về truyền bá trong nước. Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613) học nghề dệt khi đi sứ sang Trung Hoa. Ông được xem là tổ nghề dệt ở nước ta.

Trên bước đường nam tiến, dân tộc Việt Nam thường xuyên đụng độ với người Chiêm Thành và người Chân Lạp (Khmers). Người Việt Nam học cách trồng lúa của người Chiêm (Chàm). Do đó, có lúa Chiêm, vụ Chiêm, cánh đồng Chiêm v.v… Các vua nhà Trần thích nhạc và vũ điệu Chiêm Thành.

Những địa danh như Mỹ Tho (Ma Sa: Bà Trắng), Trà Vinh (Preatrapeang: Hồ Thánh), Sài Mạt tức Hà Tiên (Bantay-Meas: Thành bằng vàng), Cà Mau (Tuk Khmau: Nước đen)… ở Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc đều là những chữ phiên âm từ tiếng Khmer.

Liên hệ giữa Việt Nam và Xiêm La không mấy tốt đẹp vào thế kỷ XVIII và XIX. Trong cuộc nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn, người Xiêm đưa quân giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh. Quân Xiêm bị Nguyễn Huệ đánh bại ở Rạch Gầm. Vấn đề Cambodia và Lào khiến cho Việt Nam và Xiêm La không có chung mẫu số chánh trị. Về phương diện quân sự thường thường Việt Nam có ưu thế hơn Xiêm La. Nhưng, nhờ sự lãnh đạo khéo léo và sáng suốt của vua Rama V tức Chulalongkorn trong phim The King and I, Xiêm La là một trong ba quốc gia Á Châu thoát khỏi họa xâm lăng của người Bạch chủng vào thế kỷ XIX trong khi Việt Nam bị người Pháp đô hộ. Vua Tự Đức cử phái đoàn sang Xiêm La quan sát để học hỏi kinh nghiệm của nước nầy dù rằng mọi việc đã muộn màng.

Những người đi sứ thường mang theo về nước một số vật quí giá kể cả các giống thú hay hột giống. Những vật đó gọi là đồ sứ. Nhưng khi nói đến đồ sứ người ta chỉ nghĩ đến chén đĩa quí giá (china) mà thôi.

Chuối sứ là chuối được mang về nước sau khi đi sứ. Người ta còn gọi nó là chuối Xiêm để nói rõ hơn về xuất xứ của nó từ Xiêm La (Siam) tức Thái Lan bây giờ. Ở nước ta nhất là ở miền Nam có nhiều vật mang từ Xiêm La về như mãng cầu Xiêm (Annona muricata), vịt Xiêm, cá Xiêm v.v… Người miền Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều của Xiêm La khi nấu canh Xiêm Lo vì Nguyễn Phúc Ánh và đoàn tùy tùng từng lánh nạn và sống ở Xiêm La từ năm 1784 đến 1787.

Chuối Xiêm là một trong hai loại chuối có nhiều công dụng ở miền Nam. Cây chuối con và bắp chuối dùng để làm rau ghém hay làm gỏi gà. Thân chuối bầm nhuyễn trộn với cám cho heo ăn độn. Củ chuối dùng để hầm với xương. Lá chuối dùng để gói cơm, xôi, thịt, cá, mắm v.v… Trái chuối Xiêm chín ăn rất ngon. Mỹ Tho nổi tiếng về việc sản xuất mứt chuối, kẹo chuối và chuối sấy. Trước kia khúc quanh của Quốc lộ 13 gần Trung Tâm Bác Ái được gọi là truông Mứt Chuối vì gần đó có lò sản xuất mứt chuối. Người ta còn dùng trái chuối Xiêm chín ép mỏng để nuôi con giấm. Cây chuối hột cũng có những công dụng tương tự như chuối Xiêm. Nhưng người ta chỉ ăn trái chuối hột khi còn non ( chuối chát ) chớ không ăn chuối hột chín. Theo y học cổ truyền người ta dùng nước trong thân cây chuối hột để trị bịnh tiểu đường.

Mãng cầu Xiêm giống như trái bình bát nhưng không cùng màu với bình bát. Khác với mãng cầu ta, cây mãng cầu Xiêm ( Annona Muricata ) thích hợp với vùng đất bưng có nhiều nước. Mãng cầu Xiêm có vị chua và ngọt rất ngon. Lá mãng cầu Xiêm có nhiều tinh dầu. Trong thập niên 1960 và 1970 nhiều nhà trồng tỉa ở Nhị Bình và Bình Nhâm ghép mãng cầu Xiêm với cây bình bát để có trái mãng cầu Xiêm to rất đẹp nhưng ăn không ngon.

Vịt Xiêm là một giống vịt to lớn có thể nặng trên 10 ki-lô. Lông vịt Xiêm màu xanh đậm hay trắng toát, mướt và lóng lánh. Người ta tin rằng huyết vịt Xiêm trống, già và đen tuyền có khả năng trị bịnh lao. Ngược lại thịt vịt Xiêm lai rất độc. Nuôi vịt Xiêm mái có lợi về thịt và trứng. Vịt Xiêm mái đẻ rất sai và khéo ấp trứng. Một con vịt Xiêm mái có thể đẻ từ 20 đến 30 trứng. Sau một tháng ấp trứng ta có thể có 20 đến 30 con vịt con. Nhưng vịt Xiêm ăn mạnh như heo và thường bị chết toi nên người ta không thích nuôi giống vịt nầy. Điều đáng lưu ý là, ngày nay người ta không thấy vịt Xiêm ngay tại Thái Lan tức nước Xiêm La ngày xưa.

Những nhà nuôi cá lia thia rất thích cá Xiêm. Đó là một giống cá đá màu xanh sậm với kỳ vi mầu đỏ. Cá Xiêm rất gan dạ và hiếu chiến. Người đá độ cá lia thia ăn tiền không dùng cá Xiêm để đá độ vì mất nhiều thì giờ chờ đợi kết quả. Có khi cả hai con cá đều bị đui cả mắt, kỳ vi rách nát nhưng không con nào chịu bỏ chạy cả.

Canh Xiêm Lo là một loại canh thịt hay cá nấu với nhiều loại lá cây ăn ngon và mát. Chữ Xiêm Lo là do sự phát âm của chữ Xiêm La (2) mà ra.

Người Việt Nam mơ ước được hưởng tiện nghi của giường Tây hay giường chạm trổ đẹp đẽ như giường Lèo (Lào). Sư mơ ước ấy gói ghém trong câu:
Ăn cơm Tàu,
Lấy vợ Nhật,
Ngủ giường Tây (3)
hay:
Một vợ: ngủ giường Lèo.
Hai vợ: nằm chèo queo.
Ba vợ: nằm chuồng heo.
Người Việt Nam cũng khen ngợi lụa Lèo, một loại lụa mát, mịn, óng ánh, trang nhã và sang trọng.

Từ khi tiếp xúc với người Pháp một số thú vật, thảo mộc hay sản phẩm thuộc địa nhập từ Pháp vào đều được kèm theo tĩnh từ Tây như gà Tây, khoai Tây, dưa Tây, bánh Tây, đồ Tây, nhạc Tây, kèn Tây, thuốc Tây, giường Tây v.v… Tĩnh từ Tây được trân quí như một cái gì quí giá, khan hiếm và vĩ đại. Nó gợi lên sự tinh vi và nét ưu việt của kỹ thuật Tây. Từ đó mỗi khi mua một món hàng người ta thường hỏi người bán: “Đồ nầy là đồ ngoại hay đồ lô ?” Chữ lô ở đây do chữ local (địa phương) mà ra. Nó ám chỉ hàng nội hoá phần lớn mang nhãn hiệu made in Cholon để phân biệt với hàng nhập cảng từ Pháp vào tức là hàng ‘ngoại hóa’.

Khái niệm về Ăn Uống và Bảo Vệ Sức Khoẻ

Người Việt Nam rất tôn trọng định luật tự nhiên như đói ăn rau, đau uống thuốc . Người nghèo, muốn được dinh dưỡng đầy đủ thì bắt ốc hái rau. Thảo mộc quanh nhà, dọc theo bờ suối hay lũy tre làng đều ăn được và có ít nhiều dược tính.

Nước mắm là thức ăn phổ biến khắp cả nước. Mắm tôm cũng quan trọng không kém gì nước mắm. Mắm tôm ở miền Nam không giống mắm tôm ở miền Bắc và Trung về màu sắc và hương vị. Người miền Bắc ăn cà pháo với mắm tôm hay rau muống luộc chấm với nước mắm hay mắm tôm hòa với chút chanh và ớt. Mắm tôm dùng để nêm bún riêu, bún bò Huế. Loại mắm nầy làm bằng con ruốc mầu đỏ bầm. Ở miền Nam người ta ăn thịt ba rọi, bún, rau sống, ớt tươi và tỏi sống với mắm tôm Gò Công, loại mắm tôm màu vàng sậm, làm bằng tôm chà nhuyễn như mustard . Khi ăn phải hòa với giấm, đường, tỏi, ớt đâm nhuyễn để chế ngự bớt vị mặn và mùi vị khá nồng của mắm. Mắm tôm Gò Công dần dần trở nên khan hiếm trên thị trường. Điều nầy chứng minh rằng số người nghèo trong xã hội tăng vọt. Nhiều thành phần trung lưu trở nên nghèo khó.

Dân nông thôn trong tỉnh Bình Dương dùng rau càng cua làm gỏi, luộc rau sam hay hái rau chạy, rau đắng, lá bồ ngót nấu canh để dùng trong các bữa cơm hàng ngày. Người ta cũng dùng lá vang để nấu canh chua thay cho me hay cà tô mát . Mắm nêm, dưa mắm là món ăn thường thấy trong các bữa ăn của nông dân Bình Chuẩn, Tân Khánh, Thuận Giao, Phú Hữu, An Mỹ, Phúc Chánh. Phần lớn các thôn nữ trong tỉnh rất khéo trong việc tráng bánh tráng, gói bánh cấp, bánh cúng, bánh chưng, bánh ú, bánh tét, bánh ếch và làm bánh bò, bánh tổ.

Bánh tổ hay bánh ổ là một loại bánh mật dẻo và ngọt như bánh ếch, to bằng cái tràng và dầy từ 3 đến 5 phân. Nó được phơi khô để có thể giữ lâu ngày và dùng làm lương khô. Khi ăn người ta cắt một phần của bánh đem chiên với mỡ ăn thay cơm trong thế chiến thứ hai. Đó là thời kỳ mà thức ăn và các loại hàng tiêu dùng đều khan hiếm. Trong thời kỳ nầy củ nầng ( Dioscorea Hispida ) rất đắc dụng mặc dù sự biến chế củ nầng đòi hỏi rất nhiều thời gian ủ và vắt sạch nhựa độc. Nếu không, người ăn có thể bị say hay trúng độc.

Nấu nướng là một nghệ thuật. Nó cũng có những nguyên tắc hóa học hòa nhịp với luật âm dương ngũ hành. Người ta dùng tiêu, ớt, hành, tỏi, riềng, gừng để chế ngự các mùi vị quá nồng của thức ăn và để đem lại thăng bằng giữa hàn và nhiệt. Người ta ăn thịt vịt với nước mắm gừng và rau ngò om vì thịt vịt hàn. Ăn thịt gà hay thịt bò thì phải có rau quế, rau răm. Ăn cẩu nhục thì phải có riềng và lá mơ. Ăn gỏi cuốn thì phải có hẹ, tỏi sống và tương hột bầm nhuyễn. Ăn thịt bò nướng thì phải có lá lốp, lá mắm nêm, khế, chuối chát, rau thơm. Ăn gỏi rùa, rắn thì phải có nước mắm me. Ăn chả cá phải có rau thì là. Ăn gỏi cá sống phải có đọt sung. Cháo lươn phải nấu với ngó môn và củ khoai môn (taro root) và nêm với mắm ruốc. Ở miền Nam có nhiều dừa nên trong các thức ăn mặn, ngọt đều có nước cốt dừa hay nấu với nước dừa. Thịt heo kho với nước dừa thì ngon tuyệt. Thức ăn ngon của giới thượng lưu và trung lưu ở miền Nam được tóm lược trong những câu hát ngắn gọn sau đây:
Cua biển xào,
Lòng nấu hẹ,
Thịt kho hầm nấu với nước dừa ngon lắm ai ơi!
Gói bánh ú, bánh tét, bánh chưng thì phải dùng lá tre, lá chuối hột hay lá dong ( Phrynium Parviflorium ). Gói nem thì phải dùng lá vông tức ngô đồng ( Erythrina Ovalifolia hay Erythrina Variegata ). Lá vông nem ăn được và có tác dụng làm cho người ăn dễ ngủ.

Phở và chả lụa là món ăn rất phổ biến ở miền Bắc. Nó được dân miền Nam hưởng ứng sau năm 1954. Phở chủ yếu dựa vào thịt bò. Rau ăn phở gồm có giá, rau quế và ngò gai. Tiệm phở Nam Việt trên đường Guillemet (Phát Diệm, hiện nay là Trần Đình Xu) là tiệm phở đầu tiên ở Sài Gòn trước khi có cuộc di cư. Đây cũng là hội quán bóng bàn, nơi đào tạo vô địch bóng bàn Trần Hữu Đức và nữ vô địch bóng bàn Trần Thị Kim Ngôn.

Hủ tiếu Mỹ Tho tổng hợp thịt heo và vài loại hải sản như mực, tôm, cua. Ăn hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu Nam Vang (Phnom Penh) phải có giá, tần ô, ớt hiểm và tỏi ngâm giấm. Tiệm hủ tiếu Thanh Xuân ở Chợ Cũ Sài Gòn nổi tiếng về loại hủ tiếu nầy. Sau 1975 ông chủ tiệm hủ tiếu nầy sang Pháp trước khi định cư ở San Diego, California.

Bún bò Huế rất dồi dào hương vị và được nấu với thịt bò lẫn thịt heo ăn với bắp chuối thái nhuyễn trộn với giá và các loại rau thơm. Sau năm 1975 một tiệm bún bò Huế nổi tiếng xuất hiện trên đường Cao Thắng thu hút nhiều thực khách cố tìm lại dư âm của quá khứ cơ hồ như mãi mãi không trở về trong thời kỳ khan hiếm thực phẩm trong nước.

Kinh nghiệm nấu nướng đưa các bà nội trợ Việt Nam đến kết luận bò teo, heo nở trong quá trình kho hay nấu hai loại thịt nầy. Đó là một nhận xét gợi hình, vui vui, lý thú và đầy tính khoa học đáng cho chúng ta phải lưu ý.

Chén nước mắm ăn bì cuốn, bánh bèo bì, bún thịt nướng là tổng hợp của nước mắm, đường, giấm, tỏi, tương ớt và đồ chua tức là tổng hợp của các vị mặn, ngọt, chua, cay và nồng. Nước mắm dùng ăn canh chua chỉ có vị mặn và vị cay mà thôi. Vị mặn của nước mắm chế ngự vị chua của canh. Vị cay của ớt thái mỏng chế ngự mùi tanh của cá. Chén mắm nêm ngon dùng để ăn lòng bò hay thịt bò nhúng giấm phải có tỏi, tương, ớt, đường, giấm và thơm bầm nhuyễn. Tương ăn nem nướng hay gỏi cuốn phải được bầm nhuyễn, trộn với đường và xào với mỡ hành xong bỏ tỏi, tương ớt và đậu phọng vào. Các chất liệu trong chén nước mắm, nước tương bổ túc cho nhau, chế ngự nhau và làm tăng màu sắc, hương vị và giá trị cho nhau. Chúng gợi lên sự hòa hợp, hợp tác, hợp quần và cộng đồng sinh tồn trong tinh thần thân hữu và huynh đệ của những người dùng chúng trên bàn ăn.

Những người sành ăn thường là những người sành rượu hay những nghệ sĩ. Người ta đề cao: nhất bì (da); nhì cốt (xương) . Khi ăn thịt gà, món ngon là: nhất phao câu, nhì đầu chéo cánh. Những ý niệm trên không hoàn toàn đúng theo quan niệm của người Hoa Kỳ. Họ được dinh dưỡng đầy đủ nên không cần chất béo của phao câu gà. Họ không thích ăn xương và da vì sợ hư răng và thặng dư chất cholesterol.

Người Việt Nam chê phổi bò khi nói: “ Dở như phổi bò .” Điều nhận xét nầy rất đúng. Ăn phổi bò chẳng những không ngon mà còn có thể bị nhiễm trùng. Họ cũng sợ ăn thịt bò vá, heo vá, vịt Xiêm lai, ba ba, cua đinh. Vì lý do vệ sinh người ta khuyên không nên ăn lòng heo để cách đêm. Vì lý do mê tín người ta tránh giết và ăn thịt của con heo 5 móng mà người ta cho rằng tiền thân của nó là người. Người ta không thích ăn thịt ngựa vì có nhiều phong. Người theo đạo Phật không ăn gừng, riềng, hành, tỏi, hẹ, cẩu nhục, ngưu nhục. Người ăn cẩu nhục không ăn óc và bộ đồ lòng của con vật nầy vì sợ bị bịnh chó dại và sinh lòng trâu dạ chó. Người ta không ăn thịt mèo và thịt con trút tức con tê tê hay xuyên sơn giáp vì sợ xui xẻo. Nhiều người không ăn ngỗng vì cho rằng ngỗng là con vật có căn tu. Chúng sống chung thủy với nhau và không ăn tôm, tép như vịt. Nhưng đàn bà sinh con khó nuôi lại ăn trứng ngỗng luộc cho dễ nuôi con. Những người học gồng hay bùa không ăn lươn, ếch, thịt trâu, thịt chó, thịt mèo và các loại rau như rau dấp cá, khế, chuối chát ngò om vì sợ bùa hết linh. Gia đình thi hào Nguyễn Du không ăn cá chép vì một giấc chiêm bao kỳ lạ. Nhiều người không ăn con vật trùng tuổi với mình. Thí dụ người tuổi Mùi không ăn thịt dê hay người tuổi Dậu không ăn thịt gà vậy. Nhưng số người kiêng cử nầy rất ít trong một quốc gia nơi dân chúng thiếu thịt trầm trọng đến nỗi mối, rươi, nhộng, nhái, chuột, bù tọt, cào cào, cắc ké, kỳ nhông, dế cơm, ốc sên, còng gió, ba khía, cá bống kèo đều được dùng để dinh dưỡng.

Ở nông thôn mỗi người Việt Nam là một ông thầy thuốc của chính mình khi bị bịnh. Khi ho thì có gừng, rau tần, chanh non, đường phèn. Khi đầy bụng thì uống nước gừng. Khi đi chảy thì lấy muối rang chườm trên rún, uống rượu ngâm với tiêu lớp, hay đâm đọt ổi hòa với muối mà uống. Người ta dùng cùi chỏ xoay mạnh trên đốt xương sống của người bịnh ngang với rún thì cơn bịnh bị chận đứng ngay. Bị thủng thì ăn bánh bèn, một loại bánh làm bằng cám gạo. Bị té tức, máu bầm thì uống đồng tiện hay vắt nước cua đồng giã nhuyễn mà uống. Khi bị ghẻ thì đi hái các loại lá cây có vị chua và chát nấu nước tắm. Bị gãy xương thì băng một con gà giã nhuyễn vì tin rằng chó liền da, gà liền xương. Khi bị cảm thì đánh gió bằng đồng xu. Khi bị xỉu thì giật tóc mai và hú hồn ba lần. Khi bị chảy máu thì có lá thuốc hàn (sống đời hay trường sinh), lá bò xít, lọ nồi hay lọ chảo. Khi bí tiểu tiện thì đắp con dế mèn hay con dán giã nát trên rún. Bị mụt lẹo thì lễ ở sau lưng và nặn máu. Bị bịnh thương hàn (ban cua) thì rước thầy đến nhà dùng đèn dầu tìm kiếm nơi ẩn trú của vi trùng trên lưng người bịnh mà cắt và nặn máu cho vi trùng bị trục ra khỏi cơ thể người bịnh. Dĩ nhiên cách chữa trị nầy không cứu được nhiều bịnh nhân. Nhưng điều làm cho chúng ta ngạc nhiên là, ngay từ xưa, trước khi Pasteur khám phá ra vi trùng, các ông thầy lang Việt Nam không có kiếng hiển vi, nhưng với cặp mắt kiếng gọng kẽm và cây đèn dầu, cũng thấy được vi trùng thương hàn có ngoe, có càng như con cua nên đặt tên cho bịnh nầy là ban cua. Khi bị suyễn thì nuốt thằn lằn bạch (bích hổ). Khi mất ngủ thì ăn canh lá vông, lá dâu tằm hay ngó sen. Khi đau lưng, yếu sinh lý thì mua đuôi heo nấu với đậu đen mà ăn, ăn canh hẹ, uống rượu cắc kè, huyết chim sẻ hay rượu ngâm với con mối chúa!
Thương chồng nấu cháo cao lương,
Nấu canh hoa bí, nấu chè hột sen.
Sự chữa trị tương đối đơn giản. Nó dựa trên nguyên lý tự nhiên ăn gì bổ nấy. Trẻ em bị bịnh kim tích, bụng ỏng và ốm tong teo thì cho ăn cháo cóc. Người suy dinh dưỡng da bọc xương ăn hột vịt lộn để bồi bổ sức khoẻ. Hột vịt lộn là thuốc bổ rẻ tiền và kiến hiệu vô cùng. Trên đồng bằng sông Cửu Long người ta nuôi rất nhiều vịt thả ngoài đồng để ăn lúa sót sau mùa gặt. Khi mắt mờ thì ăn gan heo, gan gà. Khi đau bao tử thì mua bao tử heo hầm với tiêu sọ mà ăn. Khi thiếu máu thì ăn tiết canh vịt, tiết canh heo. Khi mất trí nhớ thì ăn óc heo. Khi bị bịnh lao thì ăn phổi heo nấu với hẹ hay uống huyết dơi quạ hay huyết vịt Xiêm trống màu đen. Sản phụ muốn có nhiều sữa cho con bú thường ăn súp đậu xanh hầm với dựng bò. Bị táo bón thì ăn me chua hay hái lá muồng trâu tức nam đại hoàng ( Cassia Alata ) nấu nước mà uống v.v…

Với sự tin tưởng vô biên vào Trời sinh, Trời nuôi dân tộc ta sinh tồn vững mạnh để viết lên những trang sử hào hùng và dựng lên một giang sơn cẩm tú trên bờ Thái Bình Dương sau nhiều thế kỷ dài đấu tranh đẫm máu và đẫm lệ chống xâm lăng, phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu và thường xuyên đương đầu với lụt lội, bão, tố, hạn hán và hoàng trùng.

Khái niệm về việc Bảo tồn và Cải thiện Dòng giống

Ngày xưa tuổi tối thiểu để lập gia đình là 13 cho nữ và 16 cho nam ( nam thập lục, nữ thập tam ). Đối với thời đại chúng ta số tuổi nầy còn quá nhỏ để lập gia đình. Với tuổi 13 và 16 sự phát triển cơ thể của con người chưa được hoàn chỉnh. Đó là lý do cho thấy tại sao những người con trưởng ngày xưa thường không nhanh nhẹn, hoạt bát bằng những người con thứ. Chỉ số thông minh của đứa trẻ có cân lượng cao với cơ thể phát triển hoàn chỉnh luôn luôn cao hơn những đứa trẻ sinh non và nhẹ cân.

Việc cưới xin giữa những người cùng chung một giòng máu hay nói rõ hơn bà con bên nội bị cấm đoán. Sự cấm chỉ nầy nhằm ngăn chận sự loạn luân làm mất phẩm chất của loài người đồng thời cũng ngăn ngừa bịnh đồng huyết tính và tình trạng kém mở mang trí tuệ của những đứa trẻ đồng huyết tính. Thái sư Trần Thủ Độ là người phá vỡ sự ngăn cấm những người trong họ cưới gả nhau vì sợ ngai vàng nhà Trần rơi vào tay họ khác. Bản thân ông chung sống với vợ vua Lý Huệ Tôn, con gái của Trần Lý có liên hệ huyết thống rất gần với ông ta. Viên thái sư độc đoán, thô bạo và quyền uy nầy làm áp lực cho vua Trần Thái Tôn ăn ở với chị dâu (Thuận Thiên công chúa) của mình đang mang thai vì Chiêu Thánh tức Lý Chiêu Hoàng, em của Thuận Thiên, không có con. Tướng Trần Quốc Chân vừa là chú vừa là cha vợ của vua Trần Minh Tôn. Một bà là mẹ của vua Trần Nghệ Tôn. Một bà là mẹ của vua Trần Duệ Tôn.

Sự chung sống giữa những người đồng huyết thống rất thông thường ở Âu Châu. Một người con trai của Nga hoàng Nicholas II, vị Nga hoàng cuối cùng của triều Romanov, bị bịnh đồng huyết tính không thầy thuốc nào trong nước chữa được khi bị rỉ máu đến nỗi phải nhờ phù thủy Rasputin chữa trị để rồi cả triều đình phải cúi đầu vì sự lạm quyền của người phù thủy thô bạo và huyền hoặc nầy.

Để cải thiện dòng giống, phụ nữ Việt Nam mang thai phải đứng ngồi ngay ngắn; nhìn cái đẹp; xa lánh hình ảnh xấu xí, chuyện hãi hùng; đọc và nghe những chuyện vui, lạc quan và xua đẩy sự buồn rầu, bi quan ra khỏi tâm não của mình. Dinh dưỡng và nghỉ ngơi phải điều độ. Ý niệm mẹ tròn con vuông luôn luôn phải có trong tư tưởng.

Chuyện vợ chồng đẹp sinh con xấu xí hay vợ chồng cú đẻ con Tiên vẫn thường thấy trên mặt hành tinh nầy. Ỷ Lan Thái Phi, Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ há không phải là thôn nữ vườn trà ở Bắc Ninh sao? Chúng ta không có ảnh của Ỷ Lan và Đặng Thị Huệ. Nhưng chắc chắn hai bà rất đẹp và quyến rũ mới được vua Lý Thánh Tôn (1054 – 1072) và chúa Trịnh Sâm (1767 -1782) say mê và sủng ái. Ỷ Lan làm giám quốc khi vua Lý Thánh Tôn mở cuộc nam chinh. Chúa Trịnh Sâm vì quá say mê sắc đẹp của Đặng Thị Huệ mà phế con trưởng (Trịnh Khải) để lập con thứ là Trịnh Cán (con của Bà Chúa Chè) lên làm thế tử.

Khái niệm về Sự Khôn Dại

Về sự khôn dại tiền nhân ta nhắc nhở:
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.
hay:
Có tiền mua Tiên cũng được.
hay:
Ăn cỗ đi trước,
Lội nước đi sau.
hay:
Gởi lời thì nói,
Gởi gói thì mở.
hay:
Người khôn nói trước rào sau
Để cho người dại biết đâu mà ngờ.
Sự khôn dại trên sòng bạc thì có:
Nhất gian lận.
Nhì trường vốn.
Ăn thì dùa.
Thua thì giật.
Có nhiều yếu tố thành công lớn độc lập với đạo đức như:
Nhất lì,
Nhì đểu,
Ba du côn.
Trai gái khôn ngoan thì chọn người phối ngẫu theo tiêu chuẩn dưới đây:
Trai khôn tìm vợ chợ đông.
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.
Nghĩa là trai khôn phải cưới vợ biết buôn bán, làm ăn. Gái khôn phải có chồng quân nhân gan dạ và mạo hiểm. Trong bất cứ thời đại nào và bất cứ ở nước nào quân nhân đều ăn mặc quần áo có màu sắc đẹp đẽ và mang gươm hay súng lục liên trông rất uy vệ. Đó là cách khích lệ thanh niên làm tròn sứ mạng vệ quốc của mình. Quân đội là nơi đào tạo anh hùng nêu danh trong sử sách trong một quốc gia triền miên bị tàn phá vì chinh chiến và nội loạn.

Câu chuyện dưới đây cho ta một mẫu người ‘ khôn ‘:

Ngày xưa có một thằng mồ côi không nơi nương tựa phải về sống nhờ người chú. Chú nó là một nhà nông cần cù. Trái lại nó là người lười biếng và xảo trá. Nó lười và xảo trá một cách đáng ghét đến nỗi chú nó phải bỏ nó vào cũi với ý định nhờ biển cả trị bịnh lười và xảo trá của nó. Khi ra đến biển thằng cháu lười và xảo trá biết thế nào chú nó cũng liệng nó xuống biển. nó nói với chú nó:

‘Thưa chú, trước khi chú liệng cháu xuống biển cháu muốn nhờ chú một việc.’

‘Việc gì? Nói mau đi!’, chú nó hỏi.

‘Cháu sắp đi xuống cõi khác nhưng lại bỏ quên một cuốn sách ở nhà. Cháu cần nó để xuống dưới đó làm ăn để khỏi quấy rầy bà con ở dưới đó. Phiền chú về nhà lấy cuốn sách ở trong hộc tủ dùm cháu’, thằng lười nói.

‘Không được! Mầy lộn xộn quá!’, chú nó quát.

‘Không lẽ chú không giúp cháu hoàn lương ở cõi khác sao? Chú muốn cháu mãi mãi lười và gian xảo thì tại sao chú muốn liệng cháu xuống biển? Chú có gì mà sợ nếu chú về nhà lấy dùm cháu cuốn sách mà cha cháu truyền lại. Cháu nằm trong cũi làm sao ra được mà chú sợ’, thằng lười nói.

Người chú nghe thằng cháu nói có lý nên an lòng về nhà đi tìm quyển sách, để cái cũi nhốt thằng cháu lười và xảo trên bãi biển.

Người chú vừa rời khỏi bãi biển thì có một thằng cùi đi đến gần cái cũi. Nó cất tiếng hỏi:

‘Mầy ngồi trong đó làm gì?’

‘Ngồi trong nầy có nhiều cái hay lắm. Tao không thể nói cho mầy biết được đâu’, thằng lười đáp.

‘Nếu mầy nói cho tao biết những điều hay ấy thì mầy sai tao làm cái gì tao cũng làm’, thằng cùi nói.

‘Không được!’, thằng lười nói một cách quả quyết.

Thằng cùi nài nỉ mãi, thằng lười mới nói:

‘Thôi được. Vì mầy van xin mãi nên tao phải nói.’

‘Cám ơn mầy!’, thằng cùi nói.

Thằng lười chậm rãi nói: ‘Hồi trước tao bị cùi còn nặng hơn mầy nữa. Mặt mày tao sần sùi và lở lói dơ bẩn lắm. Nhờ ngồi trong cũi nầy mà bây giờ da mặt tao mới được mịn màng như mầy thấy đó.’

‘Mầy có thể cho tao vô ngồi trong đó được không?’, thằng cùi đề nghị.

‘Không được. Chật lắm!’, thằng lười nói.

‘Cho tao ngồi một chút thôi,’ thằng cùi nài nỉ.

‘Phải có một ít thời gian bịnh mới lành chớ mầy ngồi một chút thì làm sao lành bịnh liền ngay được’, thằng lười nói.

Thằng cùi nài nỉ nữa. Cuối cùng thằng lười đồng ý cho nó vào cũi ngồi với điều kiện phải đi kiếm búa để tháo cũi cho nó ra và kiếm đinh cho nó đóng cũi để nhốt thằng cùi lại. Ra khỏi cũi, thằng lười bỏ chạy.

Chú thằng lười về nhà kiếm mãi mà không thấy quyển sách đâu cả. Ông ta tức giận vì bị thằng cháu gạt nên chạy thẳng ra bờ biển và vận dụng tất cả sức mạnh và sự giận dữ của mình mà liệng cái cũi xuống biển. Thế là thằng cùi chết. Thằng lười vẫn còn sống.

Thằng lười đi dọc theo chợ xem có cái gì để ăn cắp bán lấy tiền nuôi thân. Bỗng nó gặp một công tử cột ngựa để vào quán ăn sáng. Con ngựa rất đẹp. Trên lưng ngựa lại có túi thơ và một túi bạc. Đúng là ngựa của người có học, giàu có và có quyền hành. Nó ăn cắp con ngựa và mua quần áo thật sang trọng để mặc. Nó cỡi ngựa về thăm chú nó.

Gặp mặt nó, chú vừa sợ vừa hổ thẹn. Sợ vì nó bị quăng dưới biển rồi sao bây giờ lại hiện về đây. Hổ thẹn vì bây giờ nó sang trọng quá. Nó ăn mặc sang trọng và cỡi ngựa đẹp lại có túi thơ bên hông.

‘Mầy làm gì mà bây giờ sang trọng như vậy?’, chú nó ngạc nhiên hỏi.

‘Trăm sự cũng nhờ chú. Khi chú liệng cháu xuống biển, cháu sợ quá vì không biết xuống đó làm gì mà sống. Không ngờ khi xuống dưới lại gặp đông đảo bà con và người quen. Vui quá! Họ đón tiếp cháu rất ân cần và giúp đỡ cháu tận tình nên cháu mới được khá giả như ngày hôm nay. Tổ tiên có hỏi thăm chú. Tổ nội lẫn tổ ngoại hỏi sao chú không xuống để các tổ giúp đỡ cho chú khỏi phải làm nghề nông vất vả nhọc nhằn mà vẫn nghèo khổ quanh năm’, thằng lười nói.

‘Làm sao xuống dưới đó?’, người chú hỏi.

‘Chú đóng một cái cũi như đã làm lúc trước cho cháu rồi vào ngồi trong đó. Cháu đem ra biển và liệng xuống biển giùm cho chú. Đó là cách nhanh nhất để gặp tổ tiên và chia tiền của các ngài’, thằng lười nói.

Người chú sốt sắng đóng cũi và vào ngồi cho thằng lười đem ra biển. Thằng lười dùng hết sức mình để liệng cái cũi cuống biển không một chút tiếc thương. Thằng lười và xảo trá đã giết một thằng cùi tham sống và một người chú ác tâm và tham tiền của.

Ở miền Nam người ta cho rằng:
Trên đời có bốn thằng ngu:
Thứ nhất: lãnh nợ.
Thứ nhì: làm mai,
Thứ ba: gác cu,
Thứ tư: cầm chầu.
Đó là bốn việc làm phục vụ đại chúng không lợi lộc bao nhiêu mà bị người đời chê bai, mai mỉa. Người lãnh nợ thì phải trả nợ. Người làm mai thì bị trách móc khi cặp vợ chồng do mình làm mai không được êm ấm. Người gát cu bỏ hết thì giờ và công ăn việc làm để bẫy dược một con chim không màu sắc, không biết nói mà chỉ gù. Người cầm chầu đánh sai thì bị làng đóng trăng hay nhẹ nhất là mắng nhiếc, sỉ vả.

Người ngu nhất trong các chuyện kể ở nước ta có lẽ là thằng chồng ngu khi gặp đám ma thì cười, gặp đám cưới thì khóc, gặp hỏa hoạn thì nói tốt đôi nói lái là tôi đốt và gặp vịt le le dưới đầm lầy thì hỏi mua. Tuy nhiên, tiền nhân khuyên ta không nên chê cười trước bịnh tật, thất bại hay sự khờ dại của người khác vì:
Cười người chớ có cười lâu.
Cười người hôm trước hôm sau người cười.
Khái niệm Yêu nước và Bài ngoại.

Khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ vào thế kỷ XIX, đa số dân Nam Kỳ vùng lên chống Pháp bằng những phương tiện thô sơ như dao, búa, gậy gộc, giáo mác v.v… Những phương tiện nầy không đảm bảo sự thành công nhưng đã nói lên lòng yêu nước và yêu độc lập của dân ta. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bị mù nên không góp mặt trong các phong trào kháng chiến chống Pháp. Ông dùng sức mạnh của thơ văn để kích thích lòng yêu nước và tạo niềm tin chiến thắng của ta qua tài thao lược của nhân vật Lục Vân Tiên.

Thơ Lục Vân Tiên được phổ biến khắp Nam Kỳ qua những người hành khất bên chiếc độc huyền cầm thô sơ. Những người hành khất đã đưa tên tuổi của những nhà lãnh đạo kháng chiến như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương…, những Lục Vân Tiên thời đại, đến tận các thôn làng hẻo lánh ở miền Nam, từ đất Đồng Nai hùng vĩ đến đồng bằng sông Cửu Long trù phú và từ Đồng Tháp Mười vắng lặng đến rừng U Minh âm u.

Xã hội miền Nam bắt đầu có những biến đổi lớn lao. Những cuộc kháng chiến đều lần lượt bị đánh dẹp. Guồng máy cai trị của Pháp trở nên vững mạnh. Đa số dân chúng âm thầm chờ đợi thời cơ mới. Một số khác thi hành khẩu hiệu:
Nắng chiều nào che theo chiều nấy.
hay:
Ăn theo thuở.
Ở theo thì.
hay:
Ở bầu thi tròn,
Ở ống thì dài.
Nhiều thiếu nữ đẹp có chồng thầy thông, thầy ký làm việc trong chánh phủ thuộc địa. Có người có chồng Tây vừa có nhiều tiền lại có nhiều quyền thế. Những người có khuynh hướng đối kháng lại những thiếu nữ nầy dùng những câu hát ru con để nhắn nhủ họ hay mỉa mai họ:
Chiều chiều ông chánh (tỉnh trưởng) về Tây,
Cô Ba ở lại chịu lời đắng cay.
hay:
Chiều chiều ông chánh về Tây,
Cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn.
Thông ngôn ký lục bạc chục không màng,
Lấy thằng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.
Trên 90% dân Việt Nam vào thế kỷ XIX là nông dân. Tinh thần bảo thủ của họ rất cao. Vào thế kỷ XIX họ có cái nhìn bất khoan dung đối với những người như Cô Ba và những người hợp tác với Pháp dù ở cấp thấp như các thầy thông, thầy ký .

Do lòng yêu nước và óc bài ngoại cực đoan nhiều người không cho con học chữ quốc ngữ. Họ bài xích đạo Thiên Chúa vì xem đó là đạo của người Tây. Chữ Hán tức chữ Nho hay chữ Nam là chữ của Thánh Hiền nên được trân quí. Khi thấy chữ Thánh Hiền dưới đất người ta không dám đạp lên và cũng không liệng chữ Thánh Hiền ở nơi ô uế mà trân trọng lượm lên và đốt đi. Người ta cũng không dùng giấy hay báo có chữ Thánh Hiền để gói mắm. Do sự tôn sùng Khổng giáo, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng có thái độ nghiêm khắc đối với đạo của người Tây trong tác phẩm của ông. Năm 1874 các Văn Thân ở Nghệ An nổi lên chống Pháp và đốt phá các làng Thiên Chúa dưới khẩu hiệu Bình Tây Sát Tả. Không thấy Tây thiệt hại mà chỉ thấy nhiều người Việt theo đạo Thiên Chúa thiệt hại về nhân mạng và tài sản mà thôi.

Những người lính Việt Nam trong quân đội Pháp ngày xưa há không được gọi là lính khố xanh, lính khố đỏ, lính Nam triều là lính khố vàng và những người làm việc cho Pháp là Việt gian ? Chữ khố bao hàm ý nghĩa chê bai và khinh bỉ. Nó gợi lên sự nghèo nàn và lạc hậu, mặc dù trên thực tế những người lính nầy ăn mặc và mang giầy chỉnh tề.

Năm 1945 nhiều người bị chết oan ức vì có người buộc tội họ là Việt gian đôi khi chỉ vì ganh ghét hay tư thù. Biết chữ, có tư hữu và có chút quyền hành ở xã thôn đều bị lên án Việt gian, phản quốc hay phản động. Ý niệm đấu tranh giai cấp bắt đầu lấn át khái niệm yêu nước đơn thuần. Xã hội biến thiên từ trọng sĩ, trọng hiền sang thái độ khinh miệt, chê bai và triệt tiêu người có học.

Mọi thái cực đều xấu và dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại.

Khái niệm về Sự Đoàn Kết

Đoàn kết là hai chữ ngắn gọn, đơn sơ nhưng khó đạt được. Tiền nhân ta nói đến sức mạnh của sự đoàn kết bằng những nhận xét đơn giản như:
Tam ngu thành hiền.
Cha nó lú, chú nó khôn.
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Người ta cũng dùng hình ảnh của chiếc đũa và bó đũa để nói lên sự yếu kém của sự sống riêng rẽ (chiếc đũa) và sự vững mạnh của tinh thần hợp quần (bó đũa). Câu Hợp quần <đoàn kết> gây sức mạnh là câu dịch ý từ L’union fait la force mà ra.

Cha mẹ thường kêu gọi con cái mình đoàn kết. Đó là sự đoàn kết trong tinh thần cốt nhục và huynh đệ. Các nhà lãnh đạo quốc gia không ngừng kêu gọi dân chúng đoàn kết. Đó là sự đoàn kết của cộng đồng dân tộc, những người đồng chủng và đồng văn cùng nhau chia xẻ sự vinh nhục lịch sử trong quá trình đấu tranh cho sự trường tồn đất nước và sự sinh tồn của dân tộc.

Đoàn kết thường thấy trong hiểm nguy và gian khổ. Nó thường vắng bóng trong cảnh lợi lộc, vinh hoa, phú quí.

Vua Trần Nhân Tôn không phải là một vị vua xuất chúng trong lịch sử nước nhà. Nhưng đó là một vị vua có tinh thần dân chủ khi triệu tập hội nghị trên sông Bình Than để tham khảo ý kiến các quan và hội nghị Diên Hồng để tham khảo ý kiến các bô lão khi nước ta bị quân Mông Nguyên xâm chiếm. Tinh thần dân chủ ấy cũng được tìm thấy nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khi dùng người dựa vào chân tài chớ không căn cứ vào giai cấp xã hội. Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… đã đi vào lịch sử mặc dù các vị ấy xuất thân là người đan sọt và thợ lặn. Nhờ tinh thần dân chủ đó mà toàn dân đều tham gia vào việc chống giặc nên nước ta mới thắng được đoàn quân dũng mãnh nhất thế giới thời bấy giờ vào những năm 1285 và 1288.

Khái niệm Kinh Tế và Xã Hội

Trong xã hội nông nghiệp, những người giàu có là những người có nhiều điền sản, ao cá, ruộng dâu, vườn cây ăn trái và có đông đảo con cái lực lưỡng, khỏe mạnh và cần cù lao động. Có đông con tức là có một lực lượng canh tác và sản xuất hùng hậu. Đó là lý do tại sao ngày xưa người ta quan tâm đến việc bắt rể sau khi gả con và tin rằng đa tử đa tôn là đa phúc .

Ngoài hoa lợi do nông sản đem lại, những phú nông còn có hoa lợi phụ khá lớn mà không tốn nhiều công lao do việc đào ao thả cá mang lại. Do đó có câu:
Nhất thả cá.
Nhì gá bạc.
Tiền nhân chúng ta ngày xưa nhận xét rằng:
Mua vàng thì lỗ.
Mua thổ thì lời.
Nhận xét nầy chỉ đúng trong thời bình trong một quốc gia có luật pháp và có định chế chánh trị ổn cố. Nó không đúng vào thời chiến và trong chế độ cộng sản. Vào thời chiến kinh tế bấp bênh, giá trị đồng tiền có khuynh hướng sụt giảm nên việc tích lũy vàng có lợi hơn tích lũy tiến bạc. Trong thời chiến chủ đất không thể bám vào đất đai của mình vì lý do an ninh nên đất cũng không sinh lợi được. Dưới chế độ cộng sản, đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Các chủ đất trở thành nạn nhân của chế độ vì được xem là một trong các thành phần trí, phú, địa, hào mà chánh quyền vô sản phải triệt hạ bằng mọi phương cách và mọi giá.

Với câu ” cất nhà thì dại; cất trại thì khôn” tiền nhân ta khuyến khích việc kinh doanh và ý thức rằng xây nhà không sinh lợi bằng cất trại. Trong một giai đoạn lịch sử nào đó, việc cất nhà hay xây trại đều không có lợi vì nhà thì bị tịch thu và trại thì bị quốc hữu hóa.

Người xưa có cái nhìn nước đôi về nghề rừng và nghề biển khi nói: “ Nhất phá sơn lâm; nhì đâm hà bá .” Đó là hai nghề dễ kiếm tiền và làm giàu rất nhanh nhưng cũng là nghề đầy dẫy nguy hiểm. Người Việt Nam tin rằng đốn cây cổ thụ và giết các loại cá to lớn rất xui xẻo. Người phá sơn lâm dễ bị cây đè chết hay bị sốt rét ngã nước và cổ trướng do muỗi mòng và lam sơn chướng khi gây ra. Ngư phủ phải đương đầu thường xuyên với cảnh sóng to gió lớn và bão táp mưa sa dập dồn.

Trong thời kỳ 1976 – 1990 ngư phủ ở Việt Nam được lợi thế trong việc vượt biên và tổ chức vượt biên nhờ sống gần biển và có nhiều kinh nghiệm về biển cả.

Câu:
Nhất sĩ, nhì nông,
Hết gạo chạy rông.
Nhất nông nhì sĩ.
rất đúng trong hoàn cảnh chánh trị và xã hội của nước ta. Nó nói lên cảnh thăng trầm đột ngột trong xã hội và sự chua chát của kẻ sĩ sau những biến thiên chánh trị. Câu nầy đã được kiểm chứng ở nước ta trong suốt quá trình lịch sử và gần đây, ở miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Sự thăng trầm chánh trị, kinh tế và xã hội được tóm lược trong câu:
Không ai giàu ba họ,
Không ai khó ba đời.
Tiền nhân chúng ta dạy lòng bác ái bằng một câu ngắn ngủi:
Thương người như thể thương thân.
Hay bằng một nhận xét về sự biến đổi của cuộc đời qua câu:
Trời có sáng, có tối.
Người lúc thịnh, lúc suy.
hay:
Sông có khúc, người có lúc.
Bên cạnh đó lại có một nhận xét đầy mỉa mai, chua xót và thấm thía khiến cho lòng bác ái của con người trở nên khắc khoải, cạn cùn với câu:
Cứu vật, vật trả ơn.
Cứu nhơn, nhơn trả oán.
Chế độ quân chủ dạy cho tiền nhân ta chánh danh và định phận với:
Con vua thì lại làm vua.
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
hay:
Con rồng thì đẻ ra rồng.
Liu điu thì đẻ ra dòng liu điu.
Xã hội ta ngày xưa chỉ có 4 nghề: Sĩ, Nông, Công, Thương.

Sĩ là những người ăn học, hy vọng được đỗ đạt để ra làm quan.

Nông nghiệp là nghề chánh yếu của đại đa số dân chúng trong nước. Nghề nông dầm mưa dãi nắng cực khổ lại không kiếm được nhiều tiền. Người ta nghĩ đến việc tiến thân bằng đường cử nghiệp với hy vọng được làm quan vừa nhàn nhã, quyền uy lại kiếm được nhiều tiền. Vua có nhiều cung phi mỹ nữ. Quan có nhiều nàng hầu. Kẻ sĩ được trọng vọng qua câu:
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau.
hay:
Một người làm quan cả họ được nhờ.
hay:
Một đêm quân tử nằm kề,
Còn hơn thằng mán vỗ về quanh năm.
hay:
Chẳng tham ruộng cả, ao liền,
Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ.
Công là nghề nặng nhọc nhưng không kiếm được nhiều tiền. So với nhà nông thì thợ thủ công đỡ nặng nhọc hơn vì không phải phơi mình dưới ánh nắng đổ hoa. Thợ thủ công phải che dấu sự khéo léo của mình để khỏi bị tiến cử lên kinh đô làm việc trong hoàng thành vừa xa nhà, vừa ít lương, lại có nhiều trách nhiệm và hiểm nguy khi có biến cố trong triều.

Thương là nghề buôn bán. Ngày xưa nghề buôn bán được xem là nghề của đàn bà. Đó là dạng buôn thúng bán mẹt như câu hát ru con diễn tả dưới đây:
Chiều chiều vịt lội, cò bay,
Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng.
Vô rừng bứt một sợi mây;
Đem về thắt gióng cho nàng đi buôn.
Đi buôn, đi bán không lỗ thì lời,
Đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng.
Việc buôn thúng bán mẹt rất vất vả mới tìm ra nguồn sống. Người đi buôn ra đi khi trời hừng sáng và về nhà vào lúc đỏ đèn.

Muốn có nhiều tiền thương nhân phải phiêu lưu mạo hiểm, tha phương cầu thực. Trong xã hội chịu ảnh hưởng Khổng giáo nghề buôn bán bị xếp hạng tư trong bốn nghề.

Sự quí trọng kẻ sĩ và xem thường giới nông – công – thương khiến cho những người làm việc bàn giấy ở nước ta lúc nào cũng kênh kiệu. Guồng máy hành chánh, thư lại lúc nào cũng phức tạp và cồng kềnh trong khi kinh tế quốc gia hoàn toàn ngưng đọng. Nhưng thay thế kẻ sĩ bằng những người không trí thức lại càng tai hại hơn.

Tiền nhân ta luôn luôn khuyên con cái tránh xa tứ đổ tường: tửu, sắc, tài, phiến. Đó là những tệ đoan xã hội làm bại hoại con người và phá vỡ an ninh, trật tự xã hội.

Người say rượu thì trí tuệ không còn minh mẫn sáng suốt.

Người hiếu sắc tự phá hoại hạnh phúc gia đình. Vì:
Bắc thang lên hỏi ông Trời,
Có tiền cho gái có đòi được không
Đó là chưa nói đến bịnh tật do sắc dục gây ra.

Người cờ bạc thì nghèo khó và dễ sinh ra óc tham lam vì:
Bần cùng sinh đạo tặc
hay:
Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết đem thân ăn mày
(có sách viết là: ‘Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm’ )

Người hút hoang phí tiền bạc và tự làm cho mình suy nhược, ích kỷ và nghèo túng. Khoảng cách từ hút sang xách rất gần. Đó là hậu quả tất yếu của tứ đổ tường.

Những người biện minh cho tứ đổ tường nói rằng người không uống rượu là người không bạn; người không mèo mỡ là người thiếu dương tính, thiếu tài ba và thiếu duyên dáng để ngoại giao bên ngoài; người không biết đánh bài là người thiếu óc mạo hiểm và mưu lược; người không hút là người không biết hưởng lạc thú trên đời.

Nhà văn Kim Dung nặn ra nhân vật Vi Tiểu Bảo rất người trong tứ đổ tường. Vi Tiểu Bảo không có nguồn gốc rõ rệt. Anh ta chỉ biết mẹ mà không biết cha. Anh ta là người vô học và không có gì phi phàm cả. Điểm nổi bật của anh ta là hiếu đễ với mẹ, hào hiệp với đời, bất phục cường quyền, xem thường sự sống chết và dám làm tất cả những gì mà anh ta nghĩ là đúng. Vi Tiểu Bảo thành công hơn các quan văn võ trong triều và những người nổi tiếng khác như Trần Cận Nam, lãnh tụ của Thiên Địa Hội, vì anh ta rất dứt khoát và biết rõ cái tầm thường và nhược điểm của con người để chinh phục họ, thắng họ hay đưa họ về phía mình. Anh ta có những cái tầm thường và nhược điểm đó trong cuộc sống hàn vi đầy sóng gió, bị áp bức vì cô đơn, yếu thế, bị khinh bỉ vì nghèo khó, thất học và không cha. Trong sự đấu tranh sinh tồn, nửa tối nửa sáng, nửa chánh nửa tà, nửa thành nửa bại, nửa sống nửa chết, anh ta bắt buộc phải dứt khoát và nhậm lẹ. Anh ta chỉ có thắng và huề chớ không có thua vì anh ta không có gì để mất. Vi Tiểu Bảo là mẫu người tiêu biểu cho chủ nghĩa thực dụng vậy.

Thằng Bờm của chúng ta cũng theo chủ nghĩa thực dụng. Anh ta gói ghém tinh thần thực dụng của anh ta trong nắm xôi mà phú ông đưa ra để đổi lấy chiếc quạt mo. Anh ta không có những đặc điểm mà Vi Tiểu Bảo có. Đầu óc mộc mạc của Thằng Bờm biến anh ta thành một người thụ động, quá đơn giản và mất tự tin đến không dám nhận lấy trâu, bò, ao sâu cá mè để biến chúng thành những nắm xôi. Chủ nghĩa thực dụng của Vi Tiểu Bảo rất động và tích cực. Trái lại chủ nghĩa thực dụng của Thằng Bờm quá tịnh và tiêu cực.

Những người chia sẻ lối sống của Vi Tiểu Bảo cho rằng vũ trụ xây dựng từ Âm (-) và Dương (+). Xã hội loài người cũng được xây dựng trên cái tốt và cái xấu . Sự quân bình của tốt và xấu là quân bình của xã hội như vũ trụ có ngày và đêm, mặt trăng và mặt trời v.v… Cây mọc trên bãi cát sạch sẽ chưa hẳn tốt tươi hơn cây mọc trên bãi đất đen đầy phân và rác rến. Bãi cát sạch không tạo điều kiện phát triển và đâm hoa kết quả cho cây bằng bãi đất đen đầy phân và rác rến. Đó là tính bất tương hợp giữa đạo đức, chánh trị và kinh tế vậy.

*

Không có khái niệm, học thuyết, chủ nghĩa hay triết lý nào tuyệt đối đúng và mãi mãi đúng. Mọi vật đều tương đối và không thoát khỏi sự chi phối của chu kỳ phát sinh, phát triển và suy tàn. Trên mặt hành tinh nầy không có gì bất biến cả. Ngay cả các tôn giáo cũng có những biến cải cho phù hợp với hoàn cảnh mới với những tiến bộ và phức tạp mới để tồn tại.

Mọi vật hiện hữu trong vũ trụ đều có công dụng, lợi ích và lý do hiện hữu của chúng. Chúng bổ túc cho nhau, khắc chế nhau, kềm hãm nhau để cộng đồng sinh tồn và để tạo sự tiến hoá và quân bình trong vũ trụ chớ không phải để diệt nhau hầu giành độc quyền hiện hữu và sinh tồn trái với ý muốn của ĐẤNG đã tạo ra chúng.

Những khái niệm của tiền nhân ta đúng trong hoàn cảnh và thời gian mà chúng được khai sinh. Vài khái niệm không còn thích hợp nữa. Nhưng có những khái niệm khác vẫn còn đúng với thời gian và không gian.

Chúng ta là những thực khách trên bàn ăn. Những khái niệm trên là những thức ăn. Thực khách có quyền lựa chọn món ăn nào thích hợp với khẩu vị của mình để nuôi dưỡng thể xác và tinh thần của mình. Đôi khi, vì lý do nầy hay lý do khác, thực khách không ăn những thức ăn có sẵn trên bàn mà mua thức ăn bên ngoài để ăn. Thực khách thích ăn những món ăn khác nhau. Nhưng tất cả đều cùng một điểm chung: Đó là sự sinh tồn.

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
(Nguồn: art2all.net via Blog SauĐong)
___________

Chú thích:

(1) Khi đô hộ quần đảo Phi Luật Tân người Tây Ban Nha lấy tên hoàng đế Philip II (1527 -1598) đặt tên cho thuộc địa. Đó là nguồn gốc của tên nước Philippines.

(2) Nước Xiêm La còn gọi là Tiêm La vì được hình thành bởi nước Tiêm và La Hộc. Năm 1938 Xiêm La được đổi thành Thái Lan (Thailand) có nghĩa là đất của người Thái. Phan Bội Châu là người mở đầu cho những hoạt động cách mạng ở Trung Hoa và Xiêm La vào đầu thế kỷ XX.

(3) Pháp.

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...