04 March 2016

Tin ngắn đáng chú ý

Mỹ cảnh cáo Trung Quốc sẽ lãnh hậu quả vì quân sự hóa Biển Đông (VOA, 02/03/2016)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, ngày 28/1/2016.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh cáo Trung Quốc chớ có ‘quân sự hóa’ Biển Đông và đe dọa sẽ có ‘những hậu quả cụ thể’ tiếp theo nếu Bắc Kinh không hạ giảm các hoạt động trong khu vực.

Phát biểu tại San Francisco hôm qua, Bộ trưởng Ash Carter khẳng định : ‘Trung Quốc không được quân sự hóa Biển Đông.’

Ông Carter nhấn mạnh các hoạt động của Bắc Kinh có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hay xung đột giữa các nước có tranh chấp, đồng thời tuyên bố rằng ‘Những hành động cụ thể sẽ dẫn tới những hậu quả cụ thể.’ Bộ trưởng Ash Carter nói

"Trung Quốc trỗi dậy, không thành vấn đề, nhưng hành xử một cách gây hấn thì đó là một vấn đề".

Bộ trưởng Carter nói nếu Trung Quốc coi thường lời cảnh báo này, quân đội Mỹ sẵn sàng tăng cường điều động tới Châu Á-Thái Bình Dương và sẽ chi thêm 425 triệu đô la cho các hoạt động diễn tập quân sự chung với những nước trong khu vực bị Trung Quốc đe dọa.

Trong bài phát biểu hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc lại ‘Phải nói rõ là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu bè qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, như những gì chúng ta đang làm trên khắp thế giới.’ Ông Carter nhấn mạnh ‘Tất cả chúng ta đều có lợi ích cơ bản trong an ninh hàng hải Châu Á, kể cả ở Biển Đông.’

Mỹ tăng cường tuần tra ở Biển Đông 

Hãng tin Hoa Kỳ Fox News đưa tin hôm 4/3, Hải quân Mỹ đã điều một hàng không mẫu hạm cùng 5 tàu chiến hộ tống vào biển Đông, vài ngày sau khi có tin Trung Quốc chặn tàu cá của Philippines – một đồng minh của Mỹ. Tiểu hạm đội tàu sân bay Mỹ bao gồm hàng không mẫu hạm John C. Stennis, 2 khu trục hạm là tàu Stockdale và Chung-Hoon, 2 tuần dương hạm là Antietam và Mobile Bay.

Tàu chỉ huy Blue Ridge, nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội 7, cũng đang hiện diện trong khu vực và trên đường tới Philippines. Các nguồn tin cho hay hàng không mẫu hạm John C. Stennis cùng hai khu trục hạm, hai tuần dương hạm và tàu chỉ huy thuộc Hạm đội 7 đã được đưa vào khu vực biển đang có tranh chấp này trong những ngày gần đây.

 Xâm phạm quyền tự do đi lại

Mới nhất, giới chức Philippines hôm 2/3 cáo buộc Trung Quốc kiểm soát trái phép bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa và đang triển khai một số tàu tại ngư trường này.

Ông Eugenio Bito-onon Jr, Thị trưởng thành phố Kalayaan gần đó, cho biết tàu Trung Quốc hiện diện ở bãi Hải Sâm từ cách đây hơn 1 tháng, đồng thời cáo buộc hành động này của Bắc Kinh xâm phạm quyền tự do đi lại của tàu thuyền Philippines. Một ngư dân Philippines nói với tờ Philippines Star rằng họ bị tàu Trung Quốc xua đuổi khi tìm cách vào khu vực này hồi tuần rồi.

Máy bay tuần tra của Không lực Philippines xác nhận ít nhất 4 tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đang neo đậu tại các khu vực đầm phá của Hải Sâm. Reuters dẫn lời người phát ngôn quân đội Philippines cho biết họ đang kiểm tra xem tàu Trung Quốc có định hiện diện lâu dài ở bãi Hải Sâm hay không. Đây cũng chính là nơi một tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc bắn cảnh báo ngư dân Philippines hồi năm 2011.

Lào : Thêm một người Trung Quốc thiệt mạng trong một vụ tấn công (RFI, 02/03/2016)

Công nhân Trung Quốc đang thi công đoạn đường sắt nối liền Trung Quốc với Lào ở làng Bopiat, tỉnh phía Bắc Luang Namtha.

Từ đầu năm đến nay, tại miền Bắc Lào đã liên tiếp nổ ra nhiều vụ tấn công võ trang mà nạn nhân là người Trung Quốc. Vụ việc mới nhất xẩy ra hôm qua, 01/03/2016 nhắm vào một lán trại của công nhân Trung Quốc ở miền Bắc Lào, khiến một người thiệt mạng và ba người khác bị thương.

Theo hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã, được hãng tin Mỹ AP trích dẫn, một số kẻ lạ mặt vào tối hôm qua đã nổ súng vào một khu trại tạm trú cho công nhân một công ty Trung Quốc tại tỉnh Luang Prabang. Ngoài một công nhân Trung Quốc bị chết, còn có ba người khác bị thương, trong đó có hai trường hợp bị thương nặng.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, đây là vụ tấn công thứ hai được xác nhận từ đầu năm đến nay, nhắm vào người Trung Quốc tại miền Bắc Lào. Bản tin của Tân Hoa Xã tuy nhiên không cho biết là thủ phạm vụ tấn công có thực sự nhắm vào người Trung Quốc hay không. Vấn đề là bên cạnh vụ tấn công nói trên, cũng vào hôm qua, một chiếc xe buýt và một chiếc xe tải nhỏ chạy trong vùng này cũng bị phục kích, khiến ít nhất năm người Lào bị thương.

Giới quan sát ghi nhận là với việc gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc tại Lào, với các công ty Trung Quốc mở rộng hoạt động, đưa công nhân từ Trung Quốc qua Lào làm việc, tâm lý thù nghịch đối với với người Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng. Mới tháng Giêng vừa qua, một vụ nổ bom tại vùng đồi núi Xaysomboun hẻo lánh đã khiến hai công dân Trung Quốc thiệt mạng và một người khác bị thương.

Trọng Nghĩa

Kinh tế Trung Quốc suy thoái gây lo ngại nhiều cho thế giới

Khi nền kinh tế thứ hai thế giới khựng lại, kinh tế toàn cầu cũng sẽ lao đao theo. Tình trạng "sức khoẻ" của kinh tế Trung Quốc đang gây lo ngại ngày càng nhiều cho thế giới, mà biểu hiện mới nhất là cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s hôm nay, 02/03/2016, vừa hạ mức đánh giá triển vọng các trái phiếu chính phủ của Trung Quốc từ "ổn định" xuống "tiêu cực".

Qua việc hạ mức đánh giá như trên, cơ quan này báo động về mức nợ công ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc và cũng qua đó bày tỏ thái độ nghi ngờ về khả năng của Bắc Kinh tiến hành các cải tổ kinh tế cần thiết.

Theo dự đoán của Moody’s, việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ khiến cho nợ của các ngân hàng đầu tư công tăng lên, bởi vì chính quyền sẽ càng thúc đẩy đầu tư để kích thích nền kinh tế. Việc cơ quan này hạ mức đánh giá triển vọng tín dụng từ "ổn định" xuống "tiêu cực" có nghĩa là trong trung hạn, khả năng hạ điểm tín nhiệm về nợ công của Trung Quốc sẽ càng lớn. Nếu điểm tín nhiệm này bị hạ bậc, thì khi vay tiền trên các thị trường quốc tế, Trung Quốc sẽ phải chịu những lãi suất cao hơn. Theo thẩm định của Moody’s, nợ công của Trung Quốc tính đến cuối năm 2015 đã lên đến 40,6% GDP, so với mức 32,5% vào năm 2012.

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...