14 March 2016

Liệu một cơ hội để mang lại hòa bình cho Việt Nam đã bị bỏ lỡ vào năm 1963?

TTR: Cho đến nay tin tức về những cuộc trao đổi giữa Nam và Bắc Việt Nam hồi đầu thập niên 60 thế kỷ trước vẫn cho thấy chưa thu thập được nhiều chứng liệu và vẫn còn gây chia rẽ giữa những người quan tâm. Giới biên khảo vẫn còn tiếp tục điều tra, truy cứu hầu soi sáng vấn đề. Bài viết có nhan đề như trên bàn về một quyển sách có nội dung liên hệ mà tác giả là một giáo sư sử học. Bài viết khá dài nên chỉ xin trích lại những phần chính. 

Tạ Vân Anh
(Nguồn: Trích từ Trang Dân Luận)

Đó là một câu hỏi “bâng khuâng” mà Gs Sử học Margaret K. Gnoinska tự hỏi trong cuốn sách của bà có tên là Ba Lan và Việt Nam, 1963: Chứng Cớ Mới về Ngoại Giao Bí Mật Cộng Sản và “Vụ Maneli” (Poland and Vietnam, 1963: New Evidence on Secret Communist Diplomacy and the "Maneli Affair") dựa trên các tài liệu giải mật của Ba Lan thời đó.

Cuốn sách xuay quanh:
1) đề xuất “Trung lập hóa Việt Nam” và
2) vấn đề liệu ông Nhu có hay không có liên lạc với miền Bắc về đề xuất này thông qua trung gian của ông Mieczysław Maneli, Trưởng đại diện của Ba Lan trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến (ICC) vào thời gian trước đảo chánh 1.11.1963.

Với người Việt miền Nam chúng ta hồi ấy và cho đến nay thường chỉ nghe đến tin đồn là ông Nhu có đi Tánh Linh thuộc tỉnh Phước Tuy giả đi săn để gặp ai đó đại diện của miền Bắc Cộng sản. Sau này được vài nhân vật kề cạnh hai ông Diệm Nhu chứng thực rằng ông Nhu có đi Tánh Linh nhưng không biết gặp ai ở đó trong khi tin xầm xì rằng đó là ông Phạm Hùng (Ủy viên Bộ Chính Trị Trưởng ban Thống nhất Trung ương Đảng từ năm 1958 đến 1966)

. . . . . . .

Chuyện thứ nhất: Ý tưởng trung lập hóa Việt Nam

Ý tưởng trung lập hóa Việt Nam đã được đề cập bởi Ba Lan vào đầu năm 1963 khi Ngoại trưởng Ba Lan Adam Rapacki gặp nhà lãnh đạo Ấn Độ Jawaharlal Nehru trong chuyến thăm Ấn Độ từ 20 đến 22 tháng Giêng

Sau đó ý tưởng này cũng đã được chia sẽ với Đại Sứ Mỹ tại Ấn Độ là John Kenneth Galbraith. Phản ứng của Galbraith là tích cưc. Ông báo cáo về Bộ Ngoại Giao nhưng bị bỏ qua. TT Kennedy kịp thời thấy báo cáo kêu ông tiếp tục thăm dò nhưng Rapacki đã rời Ấn Độ nên không gì xảy ra tiếp theo đó. Ý tưởng Trung lập hóa Việt Nam sau đó được bàn bạc giữa Ba Lan với lãnh đạo Liên Sô và họ cũng đồng ý.

Mieczysław Maneli Trưởng đoàn Đại diện của Ba Lan trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến là người mang nhiều thông tin về việc giải pháp Trung lập hóa Việt Nam. Trong những tháng của đầu năm 1963, Maneli trong một số công điện mật đã “mô tả các cuộc thảo luận chung về kế hoạch cho tương lai của Bắc Việt, thường nhấn mạnh mong muốn của Hà Nội là thống nhất đất nước và loại bỏ quân đội Hoa Kỳ, cũng như một số cuộc thảo luận mơ hồ về trung lập hóa miền Nam Việt Nam theo kiểu Lào” trong nhiều lần gặp Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Xuân Thủy và Hà Văn Lâu Trưởng Ban Thống Nhất của Đảng. Ông Xuân Thủy cũng muốn bắt đầu bằng trao đổi văn hóa và kinh tế (đổi than lấy gạo) trước khi có một giải pháp chính trị.

Các điều trên cho thấy cho đến lúc này ý tưởng trung lập hóa miền Nam là chưa đến tai ông Nhu.

Sự kiện ông Hồ Chí Minh từ Hà Nội gửi cành đào cho ông Diệm vào dịp Tết là có thật (có lẽ Maneli mang dùm vào) tuy nhiên có kèm theo đề nghị giao thương không thì không tài liệu nào khẳng định. Nhưng đề nghị giao thương văn hóa và kinh tế như Maneli kể trên đây cho thấy các lãnh đạo miền Bắc cũng rất quan tâm đến việc “trung lập hóa” miền Nam.

Tuy nhiên, lãnh đạo miền Bắc muốn “trung lập hóa” miền Nam phải nằm trong lợi ích của họ, nghĩa là quân đội nước ngoài phải được rút hết, miền Nam không được gia nhập bất cứ liên minh quân sự - hai điều mà nếu “trung lập hóa” cả miền Bắc thì miền Bắc không có gì phải lo. Việc “trung lập hóa” như họ muốn hóa ra cuối cùng là “chính phủ này sẽ biến thành một nước xã hội chủ nghĩa bằng con đường hòa bình, và chứ không bằng phương tiện quân sự.”

Trung lập hóa miền Nam như thế sẽ khó được lãnh đạo VNCH chấp nhận.

Vì sao Mỹ không thấy giải pháp “trung lập hóa” miền Nam này là thuận lợi cho họ để rút đi từ 1963 hay sau đó khoảng một năm, tránh cho dân tộc chúng ta phải chịu đau thương mất mát thêm 12 năm bom đạn và họ phải mất hơn năm mươi ngàn sinh mạng và hàng trăm tỷ đô la chưa kể hàng trăm tỷ khác để lo cho các vấn đề của cựu chiến binh. Có gì khác về kết quả cho người Mỹ với giải pháp “Trung lập hóa” (giả hiệu) năm 1963 với cách (Việt Nam hóa chiến tranh) mà đã bỏ rơi VNCH năm 1973).

Làm sao trung lập khi phe chủ chiến miền Bắc quyết tâm dùng vũ lực, “đã lên kế hoạch tổ chức một đội quân 500 ngàn người ở miền Nam năm 1965. Các chi phí bảo dưỡng được trả bởi người Trung Quốc, và phần còn lại đến từ các nguồn trong nước” [Tài liệu số 16: Công điện giải mật]. Làm sao trung lập khi Trung cộng chỉ muốn hai miền Việt Nam đánh nhau, hoặc nữa hòa bình nữa chiến tranh để thành phên dậu an toàn cho họ yên tâm mà phát triển đất nước của họ. Liệu lãnh đạo chủ chiến miền Bắc có nhìn thấy gì còn cao hơn lý tưởng chủ nghĩa xã hội của họ?

Trung lập theo kiểu Lào ký kết trong Hiệp Định Geneva năm 1962, quân Bắc Việt chẳng những không rút đi còn tăng cường thêm – suy ra vấn đề cực kỳ phức tạp chứ không đơn giản là rút quân, bắt tay hát bài ca chiến thắng. Ngay Hiệp Định Geneva năm 1954, bao nhiêu các bộ Việt Minh ở lại miền Nam trong đó có ông Lê Duẫn. Hiệp định là một đàng, ý đồ là một nẽo.

Theo tôi, nếu có xảy ra một hội nghị Geneva hay ở đâu đó để Trung lập hóa miền Nam thì hội nghị đó sẽ kéo dài rất lâu, vừa đánh vừa đàm, Mỹ muốn rút thì giá nào cũng rút miễn là “rút lui trong danh dự” mà họ cũng chả cần danh dự được hiểu theo cách nào. Hội nghị cũng sẽ bị bàn tay lông lá của các nước “anh em” không theo ý chúng là không xong. Ngày nay bàn tay chúng không thấy lông lá vì chúng đeo găng tay bằng nhung.

Tóm lại, “Trung lập hóa miền Nam hay cả Việt Nam hay cả Đông Dương” chỉ là chuyện trong mơ. Khi nào mình mạnh cả về quân sự lẫn kinh tế và thiên thời địa lợi như Thụy Sĩ thì sự “trung lập” là Trung lập kiểu Thụy Sĩ thì lúc ấy là điều vạn phúc cho Dân Tộc
Nếu “Trung Lập” kiểu Lào chỉ là thứ đầu hàng để Mỹ rút quân, để hòa bình lập lại trong một nước xã hội chủ nghĩa không còn tiếng súng nhưng bất kể hậu quả thế nào thì đúng là một cơ hội hòa bình đã bị bỏ lỡ. Nước Việt Nam lúc ấy sẽ theo khuôn mẫu của Tầu, của Triều Tiên và sẽ ra sao? Lào và Campuchea sẽ thành nước gì?

Chuyện thứ hai: liệu ông Nhu có liên lạc với miền Bắc không?

Theo tài liệu được giải mã, Maneli thừa nhận đã gặp Nhu hai lần, một lần công khai vào ngày 25 tháng Tám và một lần bí mật vào ngày 02 tháng Chín năm 1963

Tuy nhiên, trong cuốn sách có đoạn "Vào mùa xuân năm 1963, tôi đã bí mật được Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai của ông là Ngô Đình Nhu, thông qua Roger Lalouette, Đại sứ Pháp ở Sài Gòn, tiếp cận với Chính phủ Hà Nội để tìm hiểu khả năng cho một giải pháp hòa bình của cuộc chiến", có nghĩa là Diệm và Nhu cũng đã muốn tìm giải pháp Hòa Bình thông qua Đại sứ Pháp, có thể Nhu chỉ nhờ ông này và ông này nhờ lại Maneli. Cái logic cho thấy nếu nhờ được Maneli thì việc gì phải nhờ qua Đại Sứ Pháp.
Lần thứ nhất ngày 25 tháng Tám, Bộ Ngoại Giao VNCH có một buổi tiếp tân công khai trong đó “Đại Sứ Ý Orlandi và đại diện Vatican, Đức ông Salvatore d'Astata, sắp xếp cuộc họp [cho Nhu gặp Maneli]”

Ngày 29 tháng 8 năm 1963 De Gaulle kêu gọi công khai cho giải pháp Trung lập hóa cả hai miền Việt Nam (đương nhiên là có chuyện rút quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam). Ở đây người ta tự hỏi sao có chuyện De Gaulle tuyên bố giải pháp Trung lập bốn ngày sau khi Maneli gặp Nhu ở buổi tiếp tân?

Lần gặp thứ hai của Maneli với Nhu là ngày 2 tháng 9, 1963 mà thư mời đến tay Maneli vào lúc 2 giờ sáng ? sao gấp gáp vậy. Nhưng nội dung lại không có gì quan trọng. Phải chăng “đấy là một nỗ lực của Nhu để thấu cáy Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ ngày càng bực tức với sự bất lực hoặc sự không sẵn sàng của chế độ Diệm nhằm chống lại phe đối lập cộng sản trong nước.”

Dầu về mặt công khai, Maneli chỉ gặp Nhu hai lần nhưng Maneli đã “gặp Đại sứ Pháp Lalouette nhiều lần hơn so với bất kỳ Đại sứ phương Tây nào khác ở Sài Gòn” và Nhu lại nói chuyện [nhiều lần?] với Lalouette – có thể Maneli cũng đã nhiều lần khác đã nói chuyện với Nhu qua trung gian của Lalouette. Bằng cớ là tuyên bố của Degaulle xảy ra chỉ 4 ngày sau cuộc gặp Maneli-Nhu lần thứ nhất, một tuyên bố chính trị không thể khơi khơi ngẫu hứng mà phải qua nhiều dò ý, tham khảo, tính toán.

Theo tôi việc ông Nhu tìm cách “nói chuyện” với bên kia là có thật và có tính toán. Tôi cũng tin rằng hai ông Diệm Nhu và ít ra một vài lãnh đạo phía Bắc thuộc phe “sống chung hòa bình” cũng muốn tìm một giải pháp chính trị cho Việt Nam, hoặc Trung lập hoặc tiến hành Tổng tuyển cử theo Hiệp Định Geneva để chấm dứt chiến tranh.

Tôi nghiêng về vế thứ hai là Tổng tuyển cử vì có lẽ ông Nhu tin rằng VNCH nay đã đủ mạnh để buộc có một Tổng tuyển cử tự do và có giám sát quốc tế, điều mà VNDCCH đã từ chối áp dụng và do đó tạo một trong các cớ chính đáng để miền Nam không thi hành Hiệp định Geneva. Thực chất, nếu Tổng tuyển Cử xảy ra vào năm 1956 thì 80% dân sẽ bầu cho ông Hồ Chí Minh (“And US President Dwight Eisenhower admits, “I have never talked or corresponded with a person knowledgeable in Indochinese affairs who did not agree that had elections been held as of the time of the fighting, a possible 80 per cent of the population would have voted for the communist Ho Chi Minh as their leader.” [3]).

Tôi tin rằng vào khoảng từ đầu năm 1963 khi ý tưởng “trung lập hóa” thành hình và suốt mấy tháng sau đó, đặc biệt là vào tháng 9/1963, đã được trao đổi hay được truyến dẫn giữa Ba Lan, Liên Sô, Pháp, VNDCCH và VNCH, và cả Mỹ ở các mức dộ khác nhau. Tháng 9/1963 Lê Đức Thọ có bài viết báo trên Báo Nhân Dân nói rằng một số đảng viên bị ảnh hưởng của "chủ nghĩa xét lại" vì thế nghi ngờ chiến lược thống nhất đất nước của đảng. Lúc này cuộc tranh chấp giữa hai phe chủ hòa (theo Liên Sô) và phe chủ chiến (theo Trung Cộng) bắt đầu lộ diện rõ ràng hơn . Điều đó cũng có thể giải thích vì sao sau đề nghị giao thương Nam Bắc của TT Phạm Văn Đồng (có thể sau lưng là ông Hồ Chí Minh) không thành hình . Cũng có thể vì Diệm Nhu bị đảo chánh và bị giết, điều mà sau này nhiều thông tin cho thấy đó là việc làm của Mỹ với cáo buộc là Diệm Nhu âm mưu bán đứng miền Nam (đó cũng là lý lẽ mà nhóm tướng lãnh đảo chánh đưa ra để biện minh và chạy tội).

Theo ý kiến chủ quan của tôi, bất cứ nhà lãnh đạo chính trị nào vì quyền lợi của Dân Tộc đều tìm cách liên lạc và “nói chuyện” với đối phương trên cơ sở ít nhất là hai bên cùng có lợi . Chiến tranh là giải pháp cuối cùng cực chẳng đã mới làm . Ý đồ và thủ đoạn của mỗi bên là chuyện thứ hai kế tiếp sau khi hai bên chịu ngồi chung đàm phán với nhau. Trách ông Nhu liên lạc với miền Bắc không chứng minh được gì. Hội đàm Paris là ai chủ động liên lạc và khởi xướng: Mỹ và Bắc Việt . Cuối cùng Mỹ đã tháo chạy trong “danh dự” bỏ mặc cho miền Nam . Vì sao lại trách ông Nhu? Nếu như thời thế thuận lợi, một giải pháp chính trị nào đó đã thành hình: Việt Nam trung lập, Việt Nam một nước hai chế độ hay hình thái nào đó tránh được cho Đất Nước hơn chục năm nội chiến với giá trả đầy xương máu và tàn phá mất mát, vô ích hoàn toàn vô ích.

Đọc xong cuốn sách, tôi cũng “bâng khuâng” như tác giả. Nếu ngày ấy phe chủ hòa lãnh đạo miền Bắc có lẽ Đất Nước ta đã có một cơ hội, miền Bắc thoát Trung miền Nam thoát Mỹ lợi dụng mâu thuẩn của hai khối Cộng Sản – Tự Do để xây dựng Đất Nước tránh cảnh tương tàn gần hai mươi năm. Ít ra tôi cũng có một giấc mơ như thế.Theo ý kiến chủ quan của tôi, bất cứ nhà lãnh đạo chính trị nào vì quyền lợi của Dân Tộc đều tìm cách liên lạc và “nói chuyện” với đối phương trên cơ sở ít nhất là hai bên cùng có lợi. Chiến tranh là giải pháp cuối cùng cực chẳng đã mới làm. Ý đồ và thủ đoạn của mỗi bên là chuyện thứ hai kế tiếp sau khi hai bên chịu ngồi chung đàm phán với nhau. Trách ông Nhu liên lạc với miền Bắc không chứng minh được gì. Hội đàm Paris: ai chủ động liên lạc và khởi xướng: Mỹ và Bắc Việt. Cuối cùng Mỹ đã tháo chạy trong “danh dự” bỏ mặc cho miền Nam. Vì sao lại trách ông Nhu? Nếu như thời thế thuận lợi, một giải pháp chính trị nào đó đã thành hình: Việt Nam trung lập, Việt Nam một nước hai chế độ hay hình thái nào đó tránh được cho Đất Nước hơn chục năm nội chiến với giá trả đầy xương máu và tàn phá mất mát, vô ích hoàn toàn vô ích.

Đọc xong cuốn sách, tôi cũng “bâng khuâng” như tác giả. Nếu ngày ấy phe chủ hòa lãnh đạo miền Bắc có lẽ Đất Nước ta đã có một cơ hội, miền Bắc thoát Trung miền Nam thoát Mỹ lợi dụng mâu thuẫn của hai khối Cộng Sản – Tự Do để xây dựng Đất Nước tránh cảnh tương tàn gần hai mươi năm. Ít ra tôi cũng có một giấc mơ như thế.

Tạ Vân Anh, phế binh VNCH đang ở Mỹ, đã về hưu, rãnh rỗi đọc sách để hiểu chuyện đời. Thấy cuốn sách có nhiều thông tin về vụ ông Nhu đi gặp ông Phạm Hùng nên dịch để ai quan tâm đọc để biết và suy tư với vận mệnh của Dân tộc

PS: Ai muốn có bản dịch cuốn sách, vui lòng email cho ThangMo247@gmail.com

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/John_F._Kennedy
[2] The Vietnam war, A Concise International History bởi Mark Atwood Laurence
[3] http://www.historycommons.org/context.jsp?item=vietnam_637

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...