20 March 2016

Đảng viên Trung Quốc yêu cầu Tập Cận Bình từ chức

CHÀO ĐỒNG CHÍ TẬP CẬN BÌNH…

Chúng tôi là những đảng viên cộng sản trung thành. Nhân dịp “Lưỡng Hội” toàn quốc, chúng tôi viết lá thư này yêu cầu đồng chí từ chức khỏi tất cả vị trí trong đảng lẫn lãnh đạo quốc gia. Việc chúng tôi đưa ra yêu cầu này xuất phát từ lợi ích đảng, lợi ích quốc gia và lợi ích đồng bào, và trên hết là sự an toàn cá nhân đồng chí cũng như gia đình đồng chí. Đồng chí Tập Cận Bình, từ khi được bầu vào vị trí tổng bí thư tại Hội nghị trung ương 18, sự quyết tâm đánh tham nhũng bằng chiến dịch đả hổ đã dẫn đến ít nhiều tiến triển về vấn đề tham nhũng không lành mạnh trong nội bộ đảng.

Sự lãnh đạo cá nhân của đồng chí trong các nhóm lãnh đạo trung ương hướng đến cải cách toàn diện cũng như khối lượng công tác khổng lồ mà đồng chí thực hiện về phát triển kinh tế đã nhận được không ít ủng hộ công chúng, và những nỗ lực này không phải không được chúng tôi chú ý.

Tuy nhiên, đồng chí Tập Cận Bình, chúng tôi không còn chọn lựa nào khác là phải chỉ ra rằng, bởi sự thu gom quyền lực vào bàn tay đồng chí một cách rõ ràng và bởi sự quyết định trực tiếp của đồng chí, chúng ta đang đối mặt với những vấn đề chưa từng có tiền lệ và những khủng hoảng trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, lý tưởng đến văn hóa.

Về chính trị, sự từ bỏ truyền thống quan trọng của đảng, trong đó quan trọng nhất là là từ bỏ hệ thống dân chủ lãnh đạo tập trung của Ban thường vụ Bộ chính trị, thay vào đó, đồng chí buộc tất cả lãnh đạo ở tất cả các cấp phải ủng hộ vị trí của đồng chí ở trung tâm, đã mang lại một sự tập quyền quá mức. Khi củng cố sức mạnh các cơ quan đảng trong hệ thống đại biểu nhân dân, trong Chính hiệp, trong Quốc vụ viện, đồng chí đã làm suy yếu sức mạnh độc lập của tất cả cơ quan nhà nước, trong đó có (cơ quan của) Thủ tướng Lý Khắc Cường và những người khác. Trong khi đó, sự cài đặt giám sát của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương tại các đơn vị và doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra một hệ thống quyền lực mới, dẫn đến sự thiếu minh bạch ở tất cả cơ quan ban ngành và gây hoang mang trong tiến trình ra quyết định.

Về ngoại giao, sự từ bỏ phương châm “thao quang dưỡng hối” (ẩn mình chờ thời) của đồng chí Đặng Tiểu Bình đã không chỉ thất bại trong việc tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi mà còn cho phép Bắc Triều Tiên hoàn thành các cuộc thử nghiệm hạt nhân thành công, khiến mang lại một mối đe dọa rất to lớn đối với an ninh quốc gia Trung Quốc, cho phép Mỹ trở lại châu Á thành công, hình thành nên một mặt trận thống nhất với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và các nước Đông Nam Á, cùng liên thủ át chế Trung Quốc. Về việc xử lý vấn đề Hong Kong, Macao, Đài Loan, vì thiếu sự tuân thủ khái niệm sáng suốt của đồng chí Đặng Tiểu Bình về “nhất quốc, lưỡng chế”, nên (đồng chí) đã tạo ra tình huống phức tạp hơn, cho phép đảng Dân chủ Cấp tiến giành được quyền lực tại Đài Loan và để cho tâm lý độc lập của Hong Kong trỗi dậy. Cụ thể sự việc liên quan Hong Kong, cách thức đưa những người bán sách về Hoa lục một cách không bình thường đã trực tiếp làm tổn hại chính sách “nhất quốc, lưỡng chế”.

Về kinh tế, với tư cách lãnh đạo nhóm điều hành tài chính-kinh tế (“Trung Cộng Trung ương Tài Kinh tiểu tổ”), sự can thiệp trực tiếp của đồng chí trong chính sách phát triển vi mô lẫn vĩ mô đã tạo ra sự mất ổn định trong thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, khiến tài sản của hàng trăm ngàn thường dân biến mất. Các cuộc cải cách ở phía nguồn cung và chính sách năng lực sản xuất đã dẫn đến việc sa thải hàng loạt tại các công ty nhà nước; việc đóng cửa các công ty tư nhân cũng đưa đến việc nhiều vụ sa thải. Sáng kiến “Nhất đái, Nhất lộ” (“Một con đường, một vành đai”) đã rút một khối lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ đưa đến các quốc gia và khu vực hỗn loạn mà không mang ngược lại (lợi ích kinh tế) gì. Sự tiêu xài khủng khiếp dự trữ ngoại hối và các chu kỳ giảm giá nhân dân tệ đã khiến niềm tin mọi người ngày càng tụt giảm, đưa kinh tế quốc gia đến bờ vực sụp đổ. Mọi người đều muốn thay đổi!

Về lĩnh vực tư tưởng, sự nhấn mạnh khái niệm “họ đảng” (“môi thể tính đảng” – chú thích của MK) đối với truyền thông (tên của mọi cơ quan truyền thông đều phải mang “họ” đảng, theo yêu cầu của Tập Cận Bình – MK) đã cho thấy có một sự xem thường đặc tính đại diện nhân dân của truyền thông và điều này khiến cả nước choáng váng. Sự ủng hộ của đồng chí đối với Chu Tiểu Bình và Hoa Thiên Phương như là đại diện của mặt trận văn học đã khiến vô số người lao động nghệ thuật-văn học bất mãn cay đắng (Chu Tiểu Bình và Hoa Thiên Phương là hai cây bút chuyên viết bài ca ngợi Tập – MK); sự cho phép trực tiếp các đơn vị văn hóa ca tụng đồng chí và việc bổ nhiệm bà em vợ đồng chí (em của Bành Lệ Viện) làm giám đốc và nhà sản xuất Chương trình mừng xuân của Đài truyền hình trung ương đã biến một chương trình gala vốn nổi tiếng thành một công cụ tuyên truyền cá nhân của đồng chí. Sự cho phép thói sùng bái cá nhân này, đồng thời cấm đoán “sự thảo luận không đúng đắn” về chính phủ trung ương, lẫn phương pháp “toàn đảng chỉ có một tiếng nói” (“nhất ngôn đảng” - MK) , đã khiến chúng tôi, những người từng trải qua Cách mạng Văn hóa, không thể không âm thầm lo ngại: đảng, đất nước và nhân dân ta không thể chịu nổi thêm một thập niên tai họa!

Đồng chí Tập Cận Bình, việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng với sức ép cao để uốn nắn điều chỉnh những xu hướng không lành mạnh trong đảng đã có hiệu quả nhưng vì không có những biện pháp hỗ trợ cũng như mục tiêu, nó lại mang đến sự trì trệ ở tất cả các cấp chính quyền, khiến viên chức quá sợ đến mức không làm việc, mang lại những tiếng nói bất bình trong bách tính và sự phân hủy nền kinh tế nước nhà chỉ thêm tệ hại. Chúng tôi cũng thấy mục tiêu chủ yếu của chiến dịch chống tham nhũng chỉ là một sự tranh giành quyền lực. Chúng tôi lo ngại rằng kiểu tranh giành quyền lực nội bộ đảng này có thể dẫn đến những nguy cơ cho sự an toàn cá nhân của đồng chí lẫn gia đình đồng chí.

Do đó, đồng chí Tập Cận Bình, chúng tôi cảm thấy rằng đồng chí đừng nên ám ảnh những khả năng dẫn dắt đảng và đất nước vào tương lai, và chúng tôi tin rằng đồng chí không còn thích hợp ngồi ở vị trí tổng bí thư. Vì sự nghiệp đảng, vì hòa bình lâu dài và sự ổn định quốc gia, và vì cả sự an toàn cá nhân lẫn gia đình đồng chí, chúng tôi yêu cầu đồng chí từ chức khỏi tất cả vị trí đảng lẫn nhà nước, và hãy để Trung ương đảng và nhân dân chọn một lãnh đạo đức hạnh có thể đưa chúng tôi vào tương lai một cách mạnh mẽ.

……

Đây là lá thư yêu cầu Tập Cận Bình từ chức, được post vào đầu giờ ngày 4-3-2016 trên trang Wujie News (thuộc SEEC Media Group, Alibaba và chính quyền Tân Cương) nhưng sau đó nhanh chóng được rút xuống. Washington Post đã tìm được bản cache của lá thư này. Liên quan bức thư còn có một số tình tiết đáng chú ý (tôi sẽ làm từ từ).



Ghi chú: Lưỡng hội là kỳ họp thường niên kéo dài hai tuần, với 3.000 đại biểu tập trung ở Bắc Kinh, gồm kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và kỳ họp Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính Hiệp – một cơ quan tư vấn chính trị tương đương Mặt trận Tổ quốc)
Chủ đề: Thế giới.

Theo FB Mạnh Kim
Mạnh Kim
Theo FB Mạnh Kim
(Via Dân Luận)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...