23 February 2014

UPR và sự hóa thân của Liên Hiệp Quốc

Nguyễn Gia Kiểng
Phải nói thực là cho tới vài năm gần đây tôi ít quan tâm tới Liên Hiệp Quốc, còn Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì tôi chỉ coi như một trò hề. Không phải vì tôi khinh thường Liên Hiệp Quốc, con kiến đâu dám coi thường trái núi. Tôi không quan tâm tới Liên Hiệp Quốc vì một lý do khác xin được trình bày sau:

Trong kỳ họp Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Cập (UPR) thứ 18 về tình trạng nhân quyền tại Genève từ 27-01 đến 07-02-2014 vừa qua chính quyền cộng sản Việt Nam đã nhận được 227 khuyến nghị – ngôn ngữ ngoại giao có nghĩa là khiển trách và đòi hỏi cải thiện – từ 106 quốc gia tham dự. Con số 106 quốc gia quan tâm chứng tỏ một tình trạng đáng lo ngại. Cùng ngày 5-2 một quốc gia khác, Cộng Hòa Dominican, cũng được rà soát tình trạng nhân quyền cùng với Việt Nam và chỉ có 46 quốc gia thấy cần phải có mặt. Các quốc gia chỉ tham gia nếu thấy có vấn đề. Trong đợt kiểm điểm thứ hai này chỉ có những chế độ anh em của Hà Nội lôi kéo được trên 100 quốc gia tham dự: Trung Quốc 137, Cuba 133, Nga 102.

Con số 227 khuyến nghị càng có ý nghĩa lớn hơn. Nó cho thấy dưới mắt Thế giới chính quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm quyền con người trên rất nhiều điểm, nó cũng chứng tỏ tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã tồi tệ hơn thay vì được cải thiện từ đợt kiểm điểm trước, bởi vì năm 2009 Việt Nam "chỉ" nhận được 123 khuyến nghị. Nhưng không phải chỉ có thế, các khuyến nghị đều rất nghiêm trọng chứ không phải như những khuyến nghị đối với các nước khác: hôn nhân đồng tính, tự do phá thai, sai biệt nam nữ v.v... Chính quyền CSVN bị tố giác là đã đàn áp nhân quyền ngay bằng luật pháp với những điều khoản như các điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự và nhiều nghị định khác, đã giam cầm thô bạo nhiều tù nhân lương tâm chỉ có tội nói lên một cách ôn hòa quan điểm của mình.

Và Hà Nội đã phản ứng ra sao? Không đợi đến tháng 6-2014, hạn kỳ để trả lời và phản bác nếu muốn, chính quyền Việt Nam ngay từ bây giờ đã cho biết là sẽ chấp nhận hầu hết các khuyến nghị. Đây là một chọn lựa khôn ngoan bởi vì những vi phạm đã quá rõ ràng. Thí dụ như những bản án quá sức thô bạo đối với Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Xuân Nghĩa, Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần,Vi Đức Hồi, Đinh Đăng Định, Đỗ Thị Minh Hạnh… để chỉ kể một vài trong số hàng trăm trường hợp. Tranh luận chỉ làm xấu mặt thêm cho Hà Nội. Tuy vậy có nhiều triển vọng là sự khôn ngoan của Hà Nội chỉ là một khôn ngoan chiến thuật, nghĩa là tránh né tranh luận để được yên thân rồi vẫn cứ tiếp tục phớt lờ và vi phạm, như họ đã từng làm sau đợt kiểm điểm kỳ I năm 2009. Cảm tưởng này càng được tăng cường khi đọc bài phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc, trưởng phái đoàn Việt Nam tại phiên họp UPR ngày 5-2. Đó là một bài phát biểu từ tốn, không khiêu khích kiểu "dân chủ xã hội chủ nghĩa hay hơn gấp một triệu lần dân chủ tư bản" như bà Nguyễn Thị Doan, cũng không phản bác những khuyến nghị mà còn nhìn nhận những thiếu sót. Nhưng vẫn che đậy và dối trá. Ông Ngọc khoe khoang Việt Nam có tới gần một nghìn tờ báo đủ loại cho 90 triệu dân - một số lượng báo tương đương với số báo phát hành tại một thành phố trung bình tại các nước dân chủ - mà quên nói rằng tất cả đều là báo nhà nước. Ông khoe rằng từ năm 2009, khi Việt Nam tham dự khóa họp UPR đợt I, Việt Nam đã ban hành hoặc sửa đổi 25 đạo luật mà quên nói thêm là tất cả đều nhắm mục đích giới hạn hơn nữa các quyền tự do vốn đã rất hạn hẹp. Trong số này ông kể cả bộ luật hình sự, dù các điều 79, 88 và 258 không những vẫn còn được giữ nguyên mà còn được tận dụng hơn để giáng hàng nghìn năm tù cho hàng trăm người dân chủ ôn hòa. Ông cũng lờ đi sự kiện là các án tù đã khắc nghiệt hơn hẳn; những tội danh trước đây bị xử 2 hoặc 3 năm tù sau năm 2009 có thể bị xử nặng gấp hai hoặc ba lần, thậm chí bốn lần (Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm, Điếu Cày 12 năm, Tạ Phong Tần 10 năm, Nguyễn Văn Lý 8 năm, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm, nữ sinh Đỗ Thị Minh Hạnh 7 năm).

Nhưng sự khôn ngoan chiến thuật đó lần này sẽ chỉ là một sự dại dột. Hà Nội sẽ lầm to nếu nghĩ rằng vẫn có thể nói thế nào cũng được như trước đây, bởi vì thế giới biết, và biết rõ, những gì xảy ra tại Việt Nam. Chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông. Lần này chính quyền cộng sản sẽ còn lầm to hơn nữa bởi vì Thế giới đã thay đổi và chính bản chất của Liên Hiệp Quốc cũng đang thay đổi. Những người dân chủ Việt Nam cũng sẽ lầm nếu thất vọng vì Liên Hiệp Quốc đã không lên án và trừng phạt Việt Nam vì những vi phạm.

Đừng ngộ nhận bản chất của Liên Hiêp Quốc.

Liên Hiệp Quốc ra đời sau thế chiến II để thay thế cho Hội Quốc Liên (League of Nations, Société des Nations) và để đừng lặp lại kinh nghiệm của Hội Quốc Liên. Kinh nghiệm đó là một đối thoại giả dối vẫn còn hơn không có đối thoại, một hòa bình tồi tệ vẫn hơn chiến tranh. Năm 1933 những cáo buộc và đòi hỏi cứng rắn đã khiến các chế độ quốc xã Đức, phát xít Ý và quân phiệt Nhật rút khỏi Hội Quốc Liên, và Thế Chiến II đã xảy ra. Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1945 ngay sau Thế Chiến II với sứ mạng là để chiến tranh lạnh không biến thành chiến tranh nóng, nghĩa là thế chiến thứ III. Cho đến nay nó không phải là nơi để lên án và trừng phạt. Nó là một diễn đàn để thảo luận và thỏa hiệp. Nó tránh sự gay cấn và tìm mọi cách để giảm nhiệt. Nó dung túng cả ngôn ngữ lưỡi gỗ nếu cần. Niềm tin căn bản của nó là, một mặt, nếu không có chiến tranh thể chế dân chủ sẽ dần dần xác nhận bằng thành quả sự đúng đắn của nó trong khi các chế độ độc tài sẽ để lộ bộ mặt thật gớm ghiếc và, mặt khác, những gì đúng càng được nhắc lại nhiều lần thì càng thêm sức thuyết phục trong khi những gì sai trái càng được lặp lại càng thêm trơ trẽn. Và Liên Hiệp Quốc đã làm tròn sứ mệnh của nó, phong trào cộng sản đã sụp đổ mà không xảy ra thế chiến. Để làm tròn sứ mạng trọng đại này Liên Hiệp Quốc đã phải hy sinh nhiều nguyên tắc và bỏ qua nhiều vấn đề, đồng thời cũng đã phải chấp nhận nhiều nghịch lý cay đắng. Người ta còn nhớ hình ảnh Khruchev tháo giầy đập bàn và la hét giữa đại hội đồng, Castro chiếm diễn đàn suốt tám giờ để lên án đế quốc Mỹ và chủ nghĩa tư bản, các chế độ hung bạo thao túng Cao Ủy Nhân Quyền và UNESCO v.v. Liên Hiệp Quốc không phải là nơi để trừng phạt những chế độ chà đạp nhân quyền và công pháp quốc tế. Sứ mạng gần như duy nhất của nó là để tránh cho thế giới khỏi lâm vào thế chiến. Chính vì thế mà tôi không quan tâm tới Liên Hiệp Quốc, nó không có chức năng để giải quyết những vấn đề đau nhức trong đất nước hoạn nạn của tôi. Còn cái Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì quả thật chỉ là một trò hề, dù là một trò hề thô bỉ nhưng bắt buộc, một cái giá phải trả để thế giới không bùng cháy.

Sự trừng phạt của Liên Hiệp Quốc thực ra cũng có, nhưng không phải như những người chầu chực ở văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền nghĩ. Nó phơi bày bản chất bạo ngược của những chế độ độc tài để dư luận thế giới đánh giá và mỗi quốc gia tự rút ra kết luận cho mình trong chính sách đối ngoại. Và dần dần sự trừng phạt này ngày càng có thực chất bởi vì thế giới đã thay đổi và sứ mạng của Liên Hiệp Quốc cũng phải thay đổi theo.

Hai cột mốc cần được lưu ý trong tiến trình hóa thân của Liên Hiệp Quốc.

Cột mốc thứ nhất là khi bức tường Berlin sụp đổ, cuối năm 1989. Phong trào cộng sản thế giới đã tan rã và nguy cơ thế chiến không còn. Sứ mạng của Liên Hiệp Quốc đã đạt được và nó cần một sứ mạng mới để có lý do tiếp tục tồn tại. Sứ mạng ấy khó có thể chỉ là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia bởi vì đó đã là vai trò của nhiều kết hợp khu vực. Cũng khó có thể chỉ là gửi những đoàn peacekeeper tới các vùng lâm vào tình trạng hỗn loạn vì đó chủ yếu tùy thuộc các nước giầu mạnh. Như vậy sứ mạng chính của Liên Hiệp Quốc từ nay chỉ có thể là để bảo vệ các giá trị phổ cập từ lâu đã được đưa vào hiến chương nhưng vẫn chưa được thể hiện: dân chủ, nhân quyền và công pháp quốc tế. Sau nhiều năm dò dẫm, năm 2006 Hội Đồng Nhân Quyền ra đời để thay thế cho Cao Ủy Nhân Quyền đã quá bị tai tiếng, đánh dấu một chuyển hướng quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Năm sau cơ chế Kiểm Điểm Định Kỳ Toàn Cầu (UPR) về nhân quyền được thành lập, theo đó mọi quốc gia đều bị kiểm điểm về tình trạng thực hiện nhân quyền khoảng 5 năm một lần. UPR có quyền đề nghị những biện pháp chế tài với những chính quyền ngoan cố không tuân thủ những khuyến nghị. Liên Hiệp Quốc như vậy đã có chức năng trọng tài và chế tài trên nguyên tắc. Trên nguyên tắc thôi chứ chưa được thể hiện trên thực tế bởi vì tất cả mọi quốc gia đều phải qua thủ tục rà soát định kỳ chứ không riêng gì những nước bị đánh giá là độc tài, và Hội Đồng Nhân Quyền cũng rất tránh nói tới trừng phạt. Có thể ví UPR như một cái thòng lọng; muốn thuyết phục các chế độ độc tài quàng chiếc thòng lọng đó vào cổ mà chỉ dùng "áp lực mềm" người ta phải làm như đó chỉ là một trò chơi, mọi người đều quàng cả. Điều khác biệt là ở chỗ cái thòng lọng đó sẽ chỉ dần dần thắt lại quanh cổ những chế độ độc tài.

Cột mốc quan trọng thứ hai là năm 2011 với sự khởi động của một làn sóng dân chủ mới - làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới- bắt đầu bằng Mùa Xuân Ả Rập. Hàng loạt các chế độ độc tài sụp đổ hoặc tự chuyển hóa về dân chủ. Làn sóng dân chủ này vẫn còn đang tiếp tục, nhưng ngay từ bây giờ so sánh lực lượng đã quá rõ ràng. Các nước độc tài đều tụt hậu, sức mạnh quân sự quá thua sút so với khối các nước dân chủ và trọng lượng kinh tế gộp chưa bằng 15% kinh tế Thế giới. Các nước dân chủ không cần và cũng không sợ các chế độ độc tài nữa. Từ nay Liên Hiệp Quốc có thể hành động một cách quả quyết hơn. Nó đang hoàn tất tiến trình hóa thân từ một diễn đàn thành một tòa án, từ sứ mạng tránh thế chiến sang sứ mạng áp đặt trật tự dân chủ. Sự trừng phạt có thể bắt đầu.

Thực ra sự trừng phạt đã bắt đầu, dù vẫn là một cách gián tiếp. Chính chế độ CSVN đã bị chế tài ngay cả nếu họ không nhận ra được. Hãy so sánh con số đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước năm 2009 và bây giờ. Trong hai năm 2007 và 2008, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, khối lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã lớn hơn hẳn các nước trong vùng. Hiện nay nó hầu như không còn gì, trừ những công trình đã xúc tiến khá xa và không thể bỏ ngang. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không phải là nguyên nhân duy nhất. Nhận thức mới của thế giới là độc tài và tham nhũng đi đôi với nhau, nhân quyền là đảm bảo cho một sinh hoạt kinh tế lương thiện. Các chế độ độc tài còn lại đang sống những ngày cuối cùng khó khăn. Từ nay chúng còn thêm một khó khăn mới, chúng sẽ không yên thân với Liên Hiệp Quốc.

Chế độ cộng sản Việt Nam sẽ phạm một sai lầm lớn, có thể là sai lầm cuối cùng và rất bi thảm, nếu nghĩ rằng họ vẫn còn có thể tiếp tục khá lâu như hiện nay. Hơn lúc nào hết họ cần có đủ sáng suốt để thay đổi, để làm tác nhân thay vì nạn nhân của cuộc chuyển hóa nhất định phải tới, đang tới và đang gia tốc. Và nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam không có nổi sự sáng suốt đó thì chính những người cộng sản phải đủ khôn ngoan và trách nhiệm để rời bỏ nhanh chóng một con tàu đang chìm và đang đe dọa làm chết đuối cả một dân tộc cùng với nó. Vì đất nước và vì chính họ.

(Nguyễn Gia Kiểng, 
02/2014- eThongLuan)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...