13 February 2014

MỐI LO PHƯƠNG BẮC

Vương Văn Bắc
 (Trích đoạn trong sách “Nghĩ Về Ngày Mai Đất Nước”)

Dẫn nhập

Sau khi bức Tâm Thư cảnh báo về đại họa Bắc thuộc từ UBCBT (Ủy Ban Chống Bắc Thuộc) được gởi đi, trong những ngày gần đây, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư hồi đáp của các thân hữu, từ nhiều nơi trên thế giới với những đóng góp thơ văn, bài vở, sách, phim ảnh và rất nhiều khuyến khích, hỗ trợ tinh thần cũng như những cam kết cộng tác. Đặc biệt là ngay những ngày đầu UBCBT đã nhận được sự đóng góp của một nữ lưu từ Đức quốc, cô Huyền Thoại đã giúp cho UB thiết lập ngay trang Facebook mang tên “Ủy Ban Chống Bắc Thuộc”, để việc trao đổi và phát tán tài liệu được dễ dàng hơn.

Thay mặt cho UBCBT chúng tôi xin chân thành ghi nhận thiện chí đóng góp và những dặn dò của các bậc đàn anh, các thân hữu gần xa. Tất cả đã là một khích lệ lớn cho chúng tôi. UBCBT

Vấn đề nào phải được coi là khẩn thiết nhất đối với những người mà Lịch Sử đã giao phó cho trách nhiệm nắm giữ vận mệnh Việt Nam?

Câu hỏi này thường được quanh quẩn trong đầu óc tôi, từ lúc còn bé ngồi học Sử ký nước Việt trên ghế nhà trường, đến khi lớn lên và bị lôi cuốn vào cơn lốc của thời cuộc. Câu trả lời thực không dễ dàng vì mỗi nước lại có những đòi hỏi riêng biệt về nhiều mặt: an ninh, giáo dục, kinh tế, môi trường…

Tuy không bao giờ có tham vọng tìm được lời giải đáp thích đáng nhất, tôi vẫn nghĩ rằng đối với người giữ trách nhiệm ở Việt Nam, vấn đề khẩn thiết nhất về mặt nội trị là làm sao ngăn ngừa được, nếu cần thì loại trừ hoặc ít nhất cũng giảm thiểu đến mức tối đa, những mối chia rẽ bắt nguồn từ những khác biệt địa phương, tín ngưỡng, giai cấp xã hội, chủ trương chính trị… có khả năng làm rạn nứt khối cộng đồng dân tộc.

Về mặt ngoại giao, vấn đề khẩn thiết nhất - mặc dù đã xuất hiện ngay từ thuở Việt Nam lập quốc – là mối đe dọa tạo nên bởi sự hiện diện, ở biên giới phía Bắc, của một quốc gia vừa lớn, vừa mạnh, vừa đã có sẵn nhiều cuộc tranh chấp chưa thanh toán xong với Việt Nam trong quá khứ, vừa vẫn biểu lộ một xu hướng bành trướng ảnh hưởng thế lực của mình trong toàn vùng. Vấn đề này, tạm gọi tắt là “Mối lo phương Bắc”, sẽ là chủ đề của bài này.

Câu nói rõ ngay rằng đây không phải là một lời kêu gọi đào sâu hận thù giữa hai lân bang, càng không phải là truyền đơn cổ võ thái độ bài ngoại, bài Hoa. Chúng ta không có ý đi theo con đường lạc hậu và tiêu cực ấy, ngõ hầu bảo vệ đất nước và duy trì hòa bình.

Mối lo phương Bắc: một đe dọa tưởng tượng hay có thực? 

Đã từng có những người, không rõ vì lạc quan hay quá tin tưởng ở sức mạnh vạn năng của ý thức hệ cho rằng mối lo phương Bắc là một ảo giác hơn là một hiện thực, một ám ảnh, di sản của thời Bắc thuộc hơn ngàn năm, vẫn còn day dứt trong ký ức cộng đồng của dân tộc mình, nhưng thực ra không có thực chất nữa. Tôi còn nhớ có lần tại bàn hội đàm ở Paris hồi cuối thập niên 60, khi chúng tôi nhắc tới những cuộc xâm lược tàn bạo, đã diễn ra rất nhiều năm trong thời Bắc thuộc đã khiến cho tổ tiên chúng ta có cơ hội lập những chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng, trên ải Chi Lăng, trên gò Đống Đa…một vị đại biểu thuộc phái đoàn Hà Nội đã phản bác là ta không có quyền qui tội cho Trung Quốc những điều sai trái gây ra bởi những triều đại phong kiến không phải Hán tộc.

Lời biện bạch này thoạt nghe có vẻ khéo léo, nhất là khi kín đáo nhắc đến gốc gác Mông Cổ của Nguyên triều hay gốc gác Mãn Châu của Thanh triều, nhưng xét kỹ chỉ là lời ngụy biện không giá trị. Quả vậy, những cuộc xâm lăng từ Trung Quốc hướng về Việt Nam đã thực sự xảy ra ở bất cứ thời đại nào, thượng cổ hay hiện đại và do bất cứ chính quyền nào, phong kiến hay vô sản. Chỉ cần nhắc lại một vài sự kiện đã diễn ra trong thời đại chúng ta: năm 1979 khi Trung quốc tiến quân qua biên giới tàn phá sáu tỉnh miền Bắc Việt Nam, chính quyền Bắc Kinh do đảng cộng sản lãnh đạo dưới sự điều khiển của Đặng Tiểu Bình; ngày 8-1-2005 khi pháo thuyền Trung cộng bằn chết 6 ngư phủ Việt Nam, gây thương tích và cầm tù nhiều ngư phủ khác trong vịnh Bắc Việt chính quyền Bắc Kinh vẫn do đảng CS lãnh đạo bởi Hồ Cẩm Đào. Những sự kiện ấy chứng minh mối lo phương Bắc không phải là đặc trưng của một triều đại, cũng không tùy thuộc vào nguồn gốc hay xu hướng chính trị của người cầm quyền. Mối lo phương Bắc rõ ràng bắt nguồn từ những hoàn cảnh địa lý, lịch sử nhất định. Lòng người dù yêu hay ghét, tốt hay xấu cũng chẳng thể thay đổi được những hậu quả của hoàn cảnh này.

Thực tại địa lý đáng để ý đầu tiên là tầm cỡ quá lớn, so sánh với Việt Nam, của nước láng giềng Bắc phương, về diện tích cũng như về nhân số, về lực lượng quân sự cũng như về khả năng kinh tế, về ảnh hưởng trên quốc tế cũng như về hào quang trong văn học. Tầm cỡ lớn lao ấy dễ dàng đưa tới thái độ bá quyền. Thái độ ấy được biểu hiện lộ liễu hay kín đáo tùy theo tập tục của mỗi nước lớn, nhưng chắc chắn không bao giờ vắng bóng hẳn. Một nước lớn thô bạo tham lam sẽ tìm cách chiếm đoạt tất cả hay một phần lãnh thổ, tài nguyên của các nước nhỏ láng giềng. Dù không muốn – hay   không thể - tham lam vơ vét đến mức ấy, nước lớn láng giềng cũng sẽ tìm cách ảnh hưởng, chi phối chính sách ngoại giao nội trị của nước nhỏ, sao cho những lợi ích an ninh hay kinh tế của mình khỏi bị đe dọa hoặc bị thiệt thòi bởi những chính sách này. Vì thế, tình trạng đối lập đương đầu giữa hai nước láng giềng lớn nhỏ khác nhau khó tránh được. Một thực tại địa lý đáng kể khác là những con sông quan trọng nhất của Việt Nam như sông Cửu Long hay sông Hồng Hà, đều bắt nguồn hoặc chảy qua lãnh thổ Trung Quốc do đó nước này có khả năng làm khó dễ và gây áp lực đối với nước láng giềng nhỏ của mình. Tại một hội nghị về sông ngòi vừa họp tại Côn Minh hồi đầu tháng 7 năm 2005, nhiều đại biểu từ những nước Đông Nam Á đã vạch trần những hậu quả tai hại của việc Trung Quốc cho xây dựng bừa bãi những đập thủy điện trên những dòng sông sẽ chảy qua các nước ấy, về các phương diện môi trường, lưu lượng, thủy sản, thủy tải.

Sau hết, nhưng không phải là ít đáng chú ý hơn hết, là tình trạng biên giới giữa hai nước Việt Hoa, trên bộ cũng như dưới nước không được ấn định rõ ràng. Sự trạng đáng tiếc này chứa đựng nguy cơ tranh chấp nghiêm trọng giữa đôi bên, đã có từ thời Pháp ký hiệp ước Thiên Tân với triều đình Mãn Thanh, ngày 6-6-1885. Nhằm sửa chữa điểm khiếm khuyết ấy, đặc ủy Pháp, ông Ernest Constans, đã ký tại Bắc Kinh với đại diện Thanh triều ngày 26-6-1887 một thỏa ước nhằm minh định biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ. Thỏa ước này thường được gọi là thỏa ước Constans.

Gần đây hơn, nhà cầm quyền Hà Nội đã ký kết với Trung Quốc hai bản hiệp ước nhằm giải quyết vấn đề biên giới: bản hiệp ước về biên giới đường bộ ngày 30-12-1999 và bản hiệp ước phân định Vịnh Bắc Bộ ngày 25-12-2000.

Tuy nhiên hai thỏa ước này đã được thương thuyết và ký kết một cách âm thầm, không được thảo luận rộng rãi tại Quốc Hội và trước công luận, đã bị nhiều người Việt trong nước và ngoài nước chỉ trích là chứa đựng nhiều nhượng bộ cho bên Trung Quốc, so với những chứng tích lịch sử, với thỏa ước Constans, với các nguyên tắc công pháp, với Luật Biển Liên Hiệp Quốc.

Nhớ lại những thực tại địa lý đáng ngại ấy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy rằng lịch sử bang giao Trung Quốc - Việt Nam đã ghi nhận nhiều cuộc tranh chấp xung đột. Phản ảnh cuộc tranh đấu dai dẳng và những chiến công hiển hách của Việt Nam là những thiên hùng ca xuất sắc nói lên ý chí tồn tại như một nước độc lập của dân tộc Việt Nam, từ bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư…” của Lý Thường Kiệt, qua bài “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo đến bài “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi.     

Những thực tại địa lý lịch sử ấy chứng minh rằng mối lo phương Bắc tương ứng với một đe dọa rất hiện thực chứ không hoang tưởng. Nhận xét này không bao hàm một khuynh hướng bài ngoại, bài Hoa nào cả. Một người Việt có thể yêu thơ Đường, mê truyện chưởng, thích phim Trung Hoa… nhưng vẫn không thể quên sự thật này. 

Mối lo phương Bắc có tính cách khẩn trương không?

Cũng có người cho rằng mối lo phương Bắc tuy có thực nhưng đã ở với chúng ta từ hàng ngàn năm rồi, không làm gì còn có tính cách cấp bách nữa, vì vậy Việt Nam có thể cứ dần dà thong thả lo liệu, nay hãy để ý giải quyết trước những vấn đề khẩn cấp, như tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, ngăn ngừa dịch cúm gà vịt, bài trừ tệ nạn tham nhũng đang hoành hành….Nghĩ như vậy là không nhớ rằng chấp chính phải toan tính trước cho kịp thời, do đó phải chăm chú theo dõi các dấu hiệu và diễn biến bên ngoài ngõ hầu phản ứng không trễ. Nếu ta quan sát biến chuyển của tình hình Trung Quốc hiện thời, ta thấy gì?

Đối với một quốc gia thường trải qua những chu kỳ trị rồi loạn, loạn rồi trị, hợp tan tan hợp như Trung Quốc, nước này hiện đang ở trong giai đoạn ổn định. Quá trình thay thế cấp lãnh đạo đã diễn ra từ năm 2002 đến nay mà không xảy ra những vụ xung đột, đảo chính như thường lệ; cặp Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo đã củng cố được quyền hành của họ mà không vấp phải những thách thức hay chống đối nào đáng kể. Những thời kỳ ổn định như vậy thường là lúc Trung Quốc ráo riết hoạt động trên mặt quốc ngoại để bành trướng bá quyền. Năm 2005 đã đem lại nhiều dấu hiệu đáng ngại về phương diện này. Đầu năm 2005, Bắc Kinh đe dọa làm mạnh đối với Đài Loan và cho biểu quyết đạo luật chống phân ly, đe dọa dùng võ lực nếu đảo quốc này tuyên bố độc lập. Tháng tư năm 2005, mượn cớ Nhật Bản cho xuất bản quyển sách sử học miệt thị Trung Hoa, Bắc Kinh phát động một loạt biểu tình bạo động đánh phá nhiều cơ quan lãnh sự và cơ cở thương mại của Nhật trên đất Tầu. Ngày 4 tháng 6 năm 2005, khi ghé Tân Gia Ba, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Rumsfeld tiết lộ là tổng số kinh phí quốc phòng của Trung Quốc cao hơn số chính thức công bố rất nhiều. Ông băn khoăn tự hỏi vì sao Trung Quốc lại bỏ ra nhiều tiền để mua sắm vũ khí đến mức ấy trong khi không có nước nào trên thế giới đe dọa Trung Hoa. Hồi đầu tháng này, Hồ Cẩm Đào ghé thăm Putin ở Mạc Tư Khoa để hâm nong thế liên minh quân sự Nga – Hoa đã tắt ngúm từ lâu, đồng thời để yêu cầu Nga đặt ống dẫn dầu xuyên Tây Bá Lợi Á (Siberia) đến cửa ngõ Trung Quốc để sẵn sàng cung cấp nhiên liệu cho nước mình.

Sau hết cách đây không lâu Bắc Kinh vừa thông báo cho các nước hữu quan ý định của Trung Quốc mau chóng tiến hành những cuộc thăm dò tìm kiếm mỏ dầu khí trong vùng biển bao quanh quần đảo Trường Sa trong biển Đông.

Tất cả những đám mây đen chồng chất ấy tỏ rõ mối lo phương Bắc không chỉ là một vấn đề thường xuyên, cổ điển có thể tạm xếp lại trong ngăn kéo, mà trái lại, có tính cách thời sự, nóng bỏng, đòi hỏi Việt Nam phải ấn định và tiến hành mau chóng những phương sách thích hợp để đối phó.

Cần làm gì để đối phó?

Đứng trước nguy cơ ngày càng hiển hiện ấy, dĩ nhiên ta không thể như con đà điểu, bưng tai bịt mắt để khỏi thấy sự thực, cũng chẳng thể huyênh hoang tuyên bố sẽ đập tan quân thù dễ dàng. Những lời phát biểu ấy chỉ có lợi ích giúp cho hả giận, bớt lo, chứ chẳng có công dụng thực tiễn nào.

Giải pháp liên minh với một hay nhiều ngoại bang lớn mạnh khác có vẻ là một ý kiến đúng đắn và khả thi. Nhân chuyến viếng thăm Hoa Thịnh Đốn của thủ tướng chính quyền Hà Nội hồi tháng sáu năm 2005, có người đã gợi lại ý kiến ấy. Tuy nhiên ta phải nhận thức là ý kiến này đầy bất trắc rủi ro. Quả vậy, quyền lợi của hai quốc gia không phải bao giờ cũng đồng nhất với nhau. Khi quyền lợi, ưu tiên đã khác biệt thì liên minh cũng sẽ lỏng lẻo, tan rã.     
     
Xét cho cùng, giải pháp duy nhất vừa khả thi vừa thích đáng là tạo lập mau chóng khối đại đoàn kết dân tộc, thông qua sự bãi bỏ độc quyền độc đảng, thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên thực sự, long trọng thừa nhận và nghiêm chỉnh tôn trọng mọi quyền tự do cơ bản cho toàn thể nhân dân, chấm dứt mọi phân biệt đối xử căn cứ trên tín ngưỡng, địa phương, giai cấp xã hội. định hướng chính trị ngõ hầu tập họp được tối đa dân Việt Nam chung quanh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, hạnh phúc dân tộc chứ không vì một ý thức hệ hay chủ nghĩa ngoại lai nào.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Trung Quốc rất thực tế: Trước lực lượng biểu hiện bởi khối đoàn kết dân tộc của chúng ta, họ sẽ suy nghĩ nhiều lần trước khi lao mình vào một cuộc xâm lăng phiêu lưu mà giá phải trả có thể lớn lao hơn nhiều so với kết quả thu hoạch được. Trong quá khứ, sau khi Thoát Hoan trốn chạy về Tầu hay sau khi Tôn Sĩ Nghị lội sông tháo lui, khởi thủy vua Tầu đã dự định cất quân sang xâm lược Việt Nam lần nữa, nhưng sau lại phải tháo lui và nhận lời cầu hòa vì sợ phải đụng độ lần nữa với khối đoàn kết keo sơn của dân tộc Việt Nam.

09-07-2005
Vương Văn Bắc

"Nghĩ Về Ngày Mai Đất Nước" ,
Văn Bắc Vương, Xuân Tích Phạm - Cơ sở Âu Việt, 2006.
101 trang
____________
Luật sư Vương văn Bắc sinh năm 1927 tại Bắc Ninh, học trò trường Bưởi rồi Đại học Luật khoa Hà Nội. Năm 1954, di cư vào Nam. Năm 1964 ông làm Giáo sư giảng dạy môn chính trị học tại Viện Đại học Đà Lạt và Học viện Quốc gia Hành chánh (1964-1974). Ông hành nghề luật sư tại tòa Thượng thẩm Sài Gòn, và có chân trong phái đoàn Việt Nam Cộng hòa tại Hòa đàm Paris. Ông từng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục rồi Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Anh năm 1972. Năm 1973 ông kế nhiệm ông Trần Văn Lắm làm Tổng trưởng Ngoại giao của Việt Nam, đến đầu năm 1974 khi Trung Cộng mở cuộc xâm chiếm ở Quần đảo Hoàng Sa, ông xúc tiến soạn văn kiện Tuyên cáo chủ quyền của VNCH năm 1974 trên hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, “Tuyên cáo của Bộ Ngoại Giao VNCH về việc Trung Cộng xâm lược đảo Hoàng Sa năm 1974”, và “Bạch thư của VNCH” đầu năm 1975 lên án vụ chiếm đoạt trước diễn đàn quốc tế. Các phái đoàn ngoại giao ở Sài Gòn được triệu đến Bộ để nghe ông xác định chủ quyền của Việt Nam trên Quần đảo Hoàng Sa như sau:

“Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam Cộng Hòa rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần tử bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa là một sự kiện hiển nhiên và không chối cãi được, căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử và pháp lý quốc tế...  ”

Khi chiến cuộc gia tăng, miền Nam với tình trạng sút giảm viện trợ từ đồng minh Hoa Kỳ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử ông sang Á Rập Saud tìm cách vay quốc vương Á Rập một ngân khoản để trang trải chiến cuộc. Sự việc không thành. Ông liền bay sang Washington, DC vận động vay từ Hoa Kỳ nhưng cuối cùng cũng không đạt được mục đích. Ông từ chức ngày 25 tháng 4, 1975 và sau khi mất nước, ông tỵ nạn tại Pháp. Năm 1986 trong buổi hội thảo về Chính nghĩa của Thuyền Nhân VN ông đã nói ‘nếu Hiệp định Paris ngày 27-01-1973 được thi hành nghiêm chỉnh thì đã tránh được thảm họa thuyền nhân’.

Ông mất ở Paris ngày 20 tháng 6 năm 2011.

LỜI NGƯỜI XƯA:
Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.
Trần Bình Trọng danh tướng đời nhà Trần.

Dân tộc chúng ta đôi khi hùng mạnh, đôi khi yếu kém, nhưng chưa bao giờ chúng ta thiếu những anh hùng.
Bình Định Vương Lê Lợi.

No comments:

Post a Comment

Trăng Không Già..., thơ