03 February 2014

Ăn Tết ở California

    (Kính tặng cô Nguyệt)

“A lô! Cho tôi gặp nhà văn Lê Văn Tám ạ!” “Dạ, Tám tôi nghe đây” “Chú còn mấy tập truyện của chú không chú?” “Dạ còn. Ðủ ba tập” “Chú gửi cho cháu ba tập nghe!” “Dạ. Cô cho tên và địa chỉ, sáng mai tôi đi gửi ngay cho cô” “Cháu tên Nguyễn thị Chín, địa chỉ... Ðó là tiệm nail của cháu” “Cô là chủ tiệm nail? Giàu lắm nghe!” “Chẳng giàu có gì đâu chú ơi! Kinh tế xuống, tiệm ế quá, ngồi không cũng buồn, mua chuyện chú đọc để giết thì giờ. Chị Nguyệt Thu, bạn cháu khen chú viết hay lắm, bảo cháu mua sách chú mà đọc” “Cho tôi gửi lời cám ơn cô Nguyệt Thu đã có lời khen. Và cám ơn cô đã gọi mua sách” 

Tuần sau, vào một buổi tối “A lô! Cho cháu gặp chú Tám ạ!” “Dạ, Tám tôi nghe đây” “Sao cháu gọi chú mấy lần mà không trả lời?” “Sorry! Cái điện thoại tôi nó thích thì nó reo, không thích thì nó làm thinh. Vì thế tôi không nghe mà trả lời cô. Xin cô thông cảm” “Chú xài điện thoại rẻ tiền lại cưng nó quá nên nó làm nũng với chú. Thay cái khác đi chú ơi!” “Ðiện thoại tôi mua hai nghìn đô la mà rẻ tiền à? Tôi mua đấu giá. Trầy vi tróc vảy mới mua được nó chứ không dễ đâu. Quí lắm đó!” “Trời đất! Mua đấu giá ở đâu mà tới hai nghìn đô một cái điện thoại cũ như vậy?” “Mua ở viện bảo tàng. Ðây là cái điện thoại xưa nhất trong viện bảo tàng...“ Cô Chín phì cười “Nãy giờ, chú nói mà cháu tưởng thiệt. Báo cho chú biết, cháu nhận được sách chú gửi rồi. Cám ơn chú” “Tôi cũng nhận được check cô gửi rồi. Cám ơn cô nhiều. Ðọc xong, cô cho tôi vài nhận xét, dở chỗ nào? Ðề nghị sửa đổi ra sao. Ðược vậy tôi mới tiến bộ. Ai cũng khen lấy lòng, đâu quí bằng chê” “Vậy là những lời chị Nguyệt Thu khen chú là vô giá trị, phải không? Cháu mét chị ấy. Người đọc khen thì phải cám ơn chứ!” “Xin cô nói với cô Nguyệt Thu, tôi rất cám ơn. Còn nhận xét của cô ra sao sau khi đọc truyện của tôi?” “Cháu chỉ mới đọc vài chuyện. Chẳng có gì hay ho. Nói chú viết dở thì tội nghiệp chú. Nhưng chị Nguyệt Thu thì lại khen nức nở. Ðang ngồi đọc, chị ấy phì cười, đọc chuyện khác thì chùi nước mắt” “Bạn cô khóc hay ứa nước mắt?” “Chị ấy khóc, phải lấy khăn lau” “Vậy là cô ta gần năm mươi” “Sao chú biết?” “Những người lớn tuổi, hơi xúc động là chảy nước mắt dù họ đâu có muốn khóc. Ngáp cũng chảy nước mắt, ho cũng chảy nước mắt. Người ta nói mắt mũi kèm nhèm là vậy. Tuyến nước mắt bị hỏng rồi. Cô nhớ nhắc bạn cô, khi đọc sách tôi, xin cho vài ý kiến xây dựng nghe!” “Chị ấy khóc thiệt chứ không hơi xúc động như chú nói đâu, vì chị ấy chưa đến năm mươi. Ham nói chuyện, cháu quên những thắc mắc mà chị Nguyệt Thu nhờ cháu hỏi chú. Những chuyện chú viết, có thật không chú?” “Cũng có thật chút ít, viết thật quá, người ta chán. Tôi phải thêm chi tiết vào cho chuyện được hấp dẫn. Có ông nhà văn nào đó nói. Chuyện hư cấu bao giờ cũng thật hơn chuyện thật” “Cô gái ma trong tranh hiện ra với cậu thanh niên. Chuyện có thật không chú? Bức tranh đó bây giờ ở đâu chú?” “Làm gì có ma, thì làm sao mà chuyện thật được. Nói với bạn cô rằng đọc để giải trí, đừng tin những gì tôi viết mà bị ám ảnh. Có phải cô đang xuống xe không?” “Sao chú biết?” “Nghe cô đóng cửa cái rầm, còn bấm cái remote “tít, tít”. Cô đang vô nhà. Phải không?” “Sai rồi. Cháu vô tiệm cơm chỉ” “Cơm chỉ là sao?” “Muốn ăn món nào thì chỉ món đó, người bán cho vô hộp, đem về nhà ăn, khỏi nấu nướng mất công” “Vậy cũng tiện. Nhưng tôi có ý kiến nầy, nếu không vừa ý thì đừng giận. Là nên nấu nướng cho chồng con, đó là niềm vui của người vợ. Nấu vài món đơn giản thôi, nhanh lắm” “Chú dạy đời lầm người rồi. Cháu sống một mình, chồng con gì đâu mà phải nấu nướng” “Cô chưa lập gia đình à? Xin lỗi nghe!” “Cháu cũng có chồng nhưng bây giờ tan hàng rồi. Ðang ở chung với chị Nguyệt Thu, người mê truyện chú viết đó” “Tôi không dám hỏi chuyện riêng tư của cô, nhưng người như cô, vui vẻ, khôn lanh, có công ăn việc làm vững vàng thì dư sức có một gia đình đàng hoàng như những người khác” “Ðể hôm nào có thì giờ, cháu kể chuyện gia đình của cháu cho chú nghe. Chuyện dài lắm, chú mà nghe được dám viết thành tiểu thuyết hay lắm, nhưng kết cuộc là cháu đã li dị chồng cháu. Anh ta lăng nhăng quá. Trẻ không tha, già không từ. Hiện đang ở Việt Nam với cô vợ đáng tuổi con anh ta” Chia buồn với cô, và khen cô có nghị lực. Lần sau, lấy chồng phải cẩn thận, lựa người đàng hoàng. Ðừng hấp tấp” “Còn chú thì sao? Vợ con ra sao?” “Tôi cũng như cô. Ăn cơm chỉ” “Vậy là cháu biết mục đích lời khuyên của chú rồi. Ý chú muốn nói đàng hoàng như chú phải không?” “Tầm bậy. Tôi tám mươi tuổi, già hơn cô nhiều lắm. Hơn nữa, tôi thích sống độc thân. Tự do, thoải mái quen rồi” “Ông nào gặp gái cũng hát bài “độc thân, vợ bỏ, vợ chết”. Khi người ta khám phá ra là có vợ sờ sờ ra đấy thì bảo không hạnh phúc, sắp li dị, rồi nói xấu vợ đủ điều. Mấy bài đó xưa quá chú ơi. Chú có bài hát nào khác mấy ông kia không?” “Biết hết! Vô mua đồ ăn mà về cho sớm” “Cháu đang sắp hàng đây” “Bye cô!” “Chú mất lịch sự. Ðể cháu, là đàn bà, nói bye trước” “Dạ. Xin lỗi. Tôi quen nói với bạn trai. Không muốn chuyện trò nữa thì bye, chẳng ai trách. Mà trước sau gì cô cũng bye tôi trước” “Bye chú!”

 “A lô! Chú Tám!” “Dạ. Tám tôi nghe đây. Tiệm vắng khách, gọi nói chuyện cho đỡ buồn. Phải không?” “Cháu bắt chước chú, nói. Biết hết! Quả nhiên, tiệm hơi vắng khách. Chị Nguyệt Thu, bạn cháu nhớ chú, bảo cháu gọi, hỏi thăm chú có mạnh khỏe không?” “Nói với bạn cô, đừng nhìn cái hình ở bìa sau tập truyện mà lầm. Cái hình đẹp trai, cao ráo đó tôi chụp cách đây cả vài chục năm. Bây giờ tôi già rồi, hom hem lắm. Có cảm tình thì tôi cám ơn, nhưng gặp thì sẽ thất vọng vô cùng” “Chị bạn cháu cũng rất già. Coi bộ còn già hơn chú nữa. Nhưng chị ấy nói, yêu chuyện chú viết, yêu nhân vật trong truyện, chứ tác giả thì chị ấy chỉ khen là có tài làm người đọc không chán” “Truyện tôi đăng báo, ra sách, từ trước đến nay, người ta không chê chỉ vì tội nghiệp tác giả, chứ khen thì hiếm lắm. Các ông văn sĩ khác được nhiều người khen nên họ coi thường, còn tôi, cô Nguyệt Thu là người duy nhất khen tôi nên tôi quí và có cảm tình với cô ấy lắm. Có cô Nguyệt Thu ở đó không? Cho tôi gặp trực tiếp để cám ơn cô ta” “Chú chờ cháu. Chị Nguyệt Thu ơi! Ðến đây nói chuyện với nhà văn Lê văn Tám, “người đẹp” của chị nè. Sao chị lắc đầu? Mắc cỡ à? Cứ bắt em làm trung gian, mai mối mà chẳng ai trả công cả. Chú Tám ơi! Chị ấy mắc cỡ, không dám nói chuyện với chú” “Tết nay tôi qua Cali. ăn tết với bạn bè bên đó, tôi nhất định phải gặp cô Nguyệt Thu để cám ơn cô ta” “Ðể cháu hỏi trước chị Nguyệt Thu, có chịu cho chú gặp không? Cháu không quyết định được. Nếu chị Nguyệt Thu không muốn gặp chú, xin chú đừng đến tiệm của cháu mà tìm nghe. Chị ấy và cháu sẽ giận chú, không tiếp đâu. Nhưng hôm nào chú qua đây?” “Khoảng hăm chín, ba mươi tết. Tôi qua ăn tết với bạn bè” “Có thể cháu sẽ gặp chú, để xem mặt mũi hiện nay của chú ra sao. Dung nhan mùa hạ trong quá khứ của chú rất đáng để chị Nguyệt Thu của cháu chiêm ngưỡng. Cháu nói nhỏ với chú điều nầy. Chị Nguyệt Thu mặc cảm già và xấu, giọng khàn khàn như đàn ông nên không muốn nói chuyện với chú là vì vậy” “Thưa giùm tôi với cô Nguyệt Thu. Dù cô ta có già cỡ nào, xấu xí cỡ nào tôi vẫn yêu thương, quí trọng cô ta. Nếu cô cũng có viết lách, cô sẽ thông cảm với tôi. Tôi rất yêu thương những nhân vật tôi dựng nên. Nay có người quan tâm đến chúng, tôi rất biết ơn. Tình cảm giữa tôi với cô Nguyệt Thu hoàn toàn trên tinh thần, trên sự cảm thông. Nó không liên hệ gì đến vật chất. Xin cô Nguyệt Thu đừng bận tâm về dung nhan hay giọng nói của mình” “Cháu không ngờ chú yêu nhân vật trong truyện của chú đến cỡ đó. Cháu tưởng những nhân vật chú dựng lên như là phương tiện để chú nói ra những suy nghĩ, tâm tình của chú, sau đó, chú sẽ quên đi” “Tôi có đọc đâu đó, hình như chuyện một nhà văn bên Pháp. Một hôm, một người bạn đến thăm nhà văn, thấy ông ta ngồi khóc sụt sùi. Hỏi vì sao khóc? Ông ta nói cô X. chết rồi. Ông bạn hoảng kinh hỏi. Cô X. nào? Cô ta là gì của anh? Vì sao chết? Chết khi nào? Ông ta mếu máo nói. Vừa mới chết. Bị bịnh chết. Người bạn hỏi. Cô ta chết, anh đến viếng thăm chưa? Ði ngay với tôi. Ông nhà văn lắc đầu, chỉ tay vào mấy trang giấy để trên bàn. Thì ra, cô X. là nhân vật do ông ta dựng lên trong một tác phẩm” “Cháu hiểu rồi. Cháu hiểu vì sao chú thương mến chị Nguyệt Thu của cháu. Ðể cháu thuyết phục chị ấy gặp chú, kẻo tội nghiệp chú”

“Chú Tám gọi, phải không? Cháu nghe đây. Cám ơn chú đã gọi cháu. Chị Nguyệt Thu nhớ chú nên cứ hỏi "Chú Tám có gọi không?" “Cô nói vậy để tôi mừng chứ tôi và cô Nguyệt Thu có gặp nhau, chuyện trò bao giờ mà nhớ? Cô biết hiện giờ tôi đang ở đâu không? Tôi đã về Cali. rồi. Sáng nay có mấy người bạn rủ đi điểm tâm, tôi mời cô và cô Nguyệt Thu cùng đi. Ðược không cô?” “Ðể cháu hỏi chị Nguyệt Thu. Gặp chú ở đâu? Lúc mấy giờ?” “Khách sạn tôi đang trọ nằm ở góc đường Westminster và Brookhurst. Gần đó có một tiệm phở. Mấy ông bạn hẹn tôi mười giờ sáng nay tại tiệm phở đó” “Cháu biết tiệm phở đó rồi. Khoảng mười giờ mà cháu và chị Nguyệt Thu không bận khách thì tụi cháu sẽ chạy đến ngay. Hi vọng sẽ đến đúng giờ. Bye chú.

Trước mười giờ, cô Chín đã đến tiệm phở. Cô ngồi vào một bàn ở góc tiệm, khuất sau mấy chậu cây cảnh. Cô gọi một tô phở, nhìn đồng hồ rồi nhìn quanh, tìm kiếm. Tiệm đông khách, đầy tiếng chào hỏi, chuyện trò, cười nói ồn ào. Một lúc có một toán đàn ông lớn tuổi đi vào, ngồi ở một bàn lớn, giữa tiệm. Ăn xong tô phở, cô Chín bình thản đến quày trả tiền, liếc nhìn mấy ông đó rồi về chỗ ngồi. Rồi cô rụt người xuống, nấp sau chậu cây cảnh, và lấy điện thoại ra bấm số. Bàn bên kia, một người đàn ông, tuổi trên sáu mươi, cao và gầy, đứng lên, lấy điện thoại ra, nhìn rồi áp lên tai “A lô. Cháu là Chín đây. Xin lỗi chú, cháu và chị Nguyệt Thu đang kẹt khách, không đến tiệm phở gặp chú được” “Khi nào xong?” “Khoảng nửa tiếng nữa” “Tụi tôi chờ được” “Cám ơn chú. Nhưng xin lần khác, nghe chú! Chị Nguyệt Thu có ý kiến như thế nầy. Tối mai, mời chú đến nhà tụi cháu ăn tất niên rồi đón giao thừa với tụi cháu. Ðược không chú?” “Mấy ông bạn cũng mời tôi đến nhà ăn tết, nhưng khi hai cô mời thì dù ông tổng thống Mỹ năn nỉ tôi đến nhà trắng, tôi cũng từ chối để đến thăm hai cô” “Tối mai, lúc mười giờ, tụi cháu chờ chú trước chợ Phước Lộc Thọ” “Chợ đông người, làm sao nhận ra hai cô?” “Tụi cháu sẽ ngồi ở ghế đá, trước cửa chợ, gần tượng mấy ông Phước Lộc Thọ “Sợ lúc đó, nhiều cô ngồi ở đó, tôi biết ai?” “Một trong hai đứa cháu sẽ ve vẩy chiếc khăn tay màu đỏ” “Tôi hiểu rồi. Ðúng mười giờ tối mai. Phải không cô?” “Dạ. Nhưng tụi cháu sẽ ngồi ở đó từ mười giờ đến mười giờ năm phút là đi ngay. Như vậy để tiện cho chú, không muốn gặp thì cứ bảo là tới trễ. Dĩ nhiên, sau đó, coi như chấm dứt. Chú đừng gọi cháu, cũng đừng tới tiệm tụi cháu” “Tôi qua đây để thăm hai cô. Sao lại không muốn gặp?” “Lúc gặp mặt, chú sẽ biết tại sao. Hai đứa cháu xấu và già lắm. Không dám soi gương để nhìn mặt mình, nói vậy chú đủ biết xấu cỡ nào” “Bạn bè mà cô bận tâm làm gì chuyện đó. Chỉ sợ gọi taxi đến không kịp” “Nếu kẹt đường thì gọi cho cháu để tụi cháu chờ thêm ít phút nữa” “Tôi sẽ đến trước mười giờ cho chắc ăn”

Ông Tám đến chợ Phước Lộc Thọ đúng giờ. Trước chợ vắng hoe, chỉ có một bà già ngồi trên ghế dài, trước chợ. Ông không nghĩ rằng đó là cô Chín, vì giọng nói trong điện thoại là của người còn trẻ, khoảng bốn chục tuổi. Bà cụ nầy mà nói chuyện, tất giọng phải thều thào, run rẩy.

Ông Tám cứ đứng phân vân, không biết hai cô có đến không? Bỗng nhiên, ông thấy bà già đó cầm chiếc khăn tay màu đỏ, giơ lên và vung vẫy như người ta đuổi ruồi. Như vậy, bà cụ nầy là cô Nguyệt Thu, vì nghe cô Chín bảo rằng, cô Nguyệt Thu già và không dám nói trên điện thoại. Ông hết sức cảm động. Một người lớn tuổi như thế mà chịu đọc truyện của ông còn nhắn gửi lời khen nữa, thật đáng quí trọng. Ông Tám bước đến trước người đàn bà, cúi chào và nói “Chào cô Nguyệt Thu. Tôi là Lê Văn Tám đây. Có phải cô chờ tôi không?” Bà cụ ngước lên, giọng run run “Cô Nguyệt Thu nào? Tôi đâu có phải là cô Nguyệt Thu” Ông Tám cười vui vẻ “Tôi biết rồi. Cô là cô Chín. Phải không?” Bà cụ lắc đầu “Ông hỏi lầm người rồi” “Xin lỗi cụ. Tôi đến đây tìm một cô bạn. Thấy cụ vẫy khăn, tôi tưởng là dấu hiệu để nhận biết nhau” Bà cụ ngước nhìn ông Tám và nói “Cô hàng xóm của tôi, đưa tôi đi chơi từ chiều đến giờ. Cô ấy bảo tôi ngồi đây chờ, cô ra sau chợ lấy xe, rồi quay lại đón về. Cô ấy đưa cái khăn nầy, bảo vẫy lên. Có ai đến hỏi thì bảo ra parking sau chợ mà tìm” Ông Tám cám ơn bà cụ rồi đi băng qua thương xá, ra cửa sau, bước xuống parking, đứng nhìn quanh. Bãi đậu xe còn lưa thưa mấy chiếc, có lẽ của người buôn bán trong thương xá, đang dọn dẹp để về chuẩn bị đón giao thừa. Ông Tám ra đứng giữa khoảng trống, để cô Chín, nếu có ở đó, dễ nhìn thấy. Ðứng một lúc, không thấy ai, ông lấy điện thoại ra gọi “A lô! Phải cô Chín đó không? Tôi đang đứng trên parking sau chợ Phước Lộc Thọ đây. Tôi đến rất đúng giờ. Hiện cô đang ở đâu?” “Chú đến đúng giờ hả? Có gặp cháu không?” “Cô hỏi kỳ cục vậy? Gặp cô thì đã không gọi điện thoại đến cô. Tôi chỉ thấy một bà cụ ngồi ở đó thôi” “Bà cụ đó là cháu. Chú thấy già quá nên không đến gặp. Phải không? Từ nay đừng gọi cháu, đừng đến tiệm cháu. Vĩnh biệt chú. Chú nói đủ thứ, nào là tinh thần, nào là tình cảm thôi chứ tuổi tác hay dung nhan chú không quan tâm. Bây giờ thấy bà già thì không thèm gặp” “Tôi có đến gặp. Hỏi có phải là cô Nguyệt Thu không? Bà cụ lắc đầu. Hỏi phải cô Chín không? Cũng lắc đầu. Nhưng bà cụ bảo tôi ra sau chợ, chỗ parking mà tìm cô. Tôi ra đây nãy giờ mà chẳng thấy ai cả! Bây giờ cô đang ở đâu? Tôi đến đúng giờ mà cô cũng cho tôi “leo cây” (thất hứa). Hay là lúc tôi xuống xe trước thương xá, cô thấy một ông già, cô chán quá không muốn gặp chứ gì? Bây giờ cô đang ở đâu?” Có tiếng cười rộ lên trong điện thoại “Cháu đang đứng sau lưng chú chớ ở đâu!” Ông Tám quay ra phía sau. Một chị đàn bà, khoảng bốn mươi tuổi đang đứng nhìn ông cười “Cháu là Chín đây nè!” Ông Tám mừng rỡ “Tôi tưởng cô bỏ tôi bơ vơ nơi đất khách quê người...” Cô Chín cười, đến một chiếc xe đậu gần đó, mở cửa xe “Mời chú lên xe. Mình ra trước chợ đón bà cụ. Ðể bà cụ ngồi chờ nãy giờ, tội nghiệp” Ông Tám lên ngồi ghế trước, liếc nhìn chị đàn bà, chỉ thấy mái tóc che nửa mặt và chiếc mũi thanh tú hơi hếch lên vẻ nghịch ngợm. Ông không dám nhìn lâu, nhưng cũng áng chừng, chị ta là một người đàn bà bình thường, chí thú làm ăn và vui tính, dễ gây cảm tình với khách. Người rất thực tế, không sống bằng nội tâm, không thích đọc sách báo “Sao cô Nguyệt Thu không đến?” “Chị Nguyệt Thu đang ở nhà cháu, sửa soạn, trang điểm cho đẹp để đón chú” “Cô làm tôi cảm động và hồi hộp quá.

Xe ngừng trước thương xá, ông Tám xuống xe, mở cửa, bà cụ lên ngồi ở ghế sau. Xe chạy ra đường lớn. Một lúc sau, vào một khu gia cư với cây cối um tùm hai bên, với đèn đường tù mù, với những ngôi nhà thấp, kiểu xưa “ Mình phải đưa bà cụ về nhà rồi mới về nhà cháu. Chị Nguyệt Thu đang chờ chú ở nhà. Chú cứ tiếp tục hồi hộp và cảm động. Gặp người đẹp xong, dám sáng tác thành một chuyện tình lãng mạn, hấp dẫn lắm. Phải không chú?” “Không có đâu! Tình bạn bè làm sao biến thành chuyện tình lãng mạn được. Lúc nãy có hồi hộp, nhưng bị lầm người, bây giờ hồi hộp lần nữa, hi vọng không bị lầm người” “Chú sắp thất vọng, vì chị nguyệt Thu còn già hơn bà cụ nầy nữa” “Không sao. Người lớn tuổi mà chịu khó đọc sách tôi thì tôi càng quí mến hơn” 

Xe ngừng trước một ngôi nhà thấp, cũ kỹ. Cô Chín bấm điện thoại nói gì đấy. Cửa mở, một lũ nhỏ chạy ra xe, reo hò “Ngoại về! Ngoại về! Ngoại đi chơi có vui không ngoại? Có mua gì cho tụi con không ngoại?” Chúng mở cửa xe, dìu bà cụ vào nhà “Cha bây! Ðứa nào cũng có quà cả. Cám ơn cô Nguyệt nghe!” “Dạ. Không có chi. Chúc bác năm mới sức khỏe, vui vẻ. Sáng mai bác có đi chùa không? Con ghé đón” “Ði chớ! Nhớ nghe. Tôi có phong bì mừng tuổi cô. Sáng mai, mời cô đến xông đất” “Con không dám đâu. Sáng mai con ngừng xe ngoài đường, bác đi ra” Xe chạy tiếp, vòng vèo một vài khúc quanh rồi ngừng trước một ngôi nhà cũng giống như ngôi nhà lúc nãy “Mời chú vô nhà. Không biết chị Nguyệt Thu đi đâu mà không thấy xe?” Ông Tám giúp cô Chín xách mấy bịch rau quả, đi theo cô Chín. Cô lại mở điện thoại “Chị Nguyệt Thu đó hả. Em về nhà rồi, nhưng chị đi đâu? Em có đón nhà văn Lê Văn Tám về đây. Sao? Chị đang ở nhà bà chị trên Los. hả? Khi nào về? Chuẩn bị lên đường về đây hả? Không sao, chị yên tâm. Nếu chị không về kịp trước mười hai giờ thì em sẽ nhờ chú Tám giúp em nấu nướng, chuẩn bị đón giao thừa. Chị về sau giao thừa thì xông đất nhà em, em sẽ được hên suốt năm. Chị hên lắm nghe, được chú Tám hỏi thăm hoài, còn em, gặp chú, đón chú về đây mà chú không thèm nhìn em, không thèm khen em đẹp. Không phải người thiếu lịch sự mà vì hồn vía bị chị bắt mất rồi. Chú Tám nói, chưa gặp mặt mà chú đã "trồng cây si" chị rồi. Thực mà! Không phải chuyện vô lý, mà em cũng không nói thêm đâu. Chị nói sao? Chị cũng “trồng cây si” chú Tám à? Xứng đôi quá rồi. Tuổi hơi chênh lệch nhưng không sao. Chưa đến sáu mươi. Còn ngon lành, không phải tám mươi tuổi, già lọm khọm như chú nói đâu. Dạ. Bye chị! Nhớ về sớm kẻo chú Tám trông nghe!”

Ông Tám lắc đầu, không lên tiếng phản đối, chỉ yên lặng theo cô Chín vô nhà. Một ngôi nhà tiêu biểu của giai cấp bình dân ở Mỹ. Một phòng khách có xa lông, bàn ăn, nhà bếp ... Một bàn thờ nhỏ sát vách, có vẻ tạm bợ, cúng xong thì dẹp đi. Trên bàn thờ có hai chân đèn bằng đồng, cao cỡ gang tay, một lư hương bằng cái chén lớn, để phía trước, giữa bàn là đĩa trái cây, một bình hoa. Tựa vào vách là hai tấm hình của hai người lớn tuổi, có lẽ là cha mẹ cô Chín. “Mời chú ngồi, cháu chuẩn bị lễ vật rước ông bà. Còn cúng giao thừa nữa” “Hình như người ta rước ông bà về vui xuân với con cháu từ chiều ba mươi tết, sao cô lại đón ông bà khuya quá vậy? Hay là các cụ gọi điện thoại cho cô, báo bị trễ tàu?” “Năm nào cháu cũng rước ông bà vào chiều ba mươi tết, đến khuya cúng giao thừa. Tết nào cháu cũng khóc vì nhớ nhà. Năm nay, có chú nên cháu rước ông bà hơi trễ, để khoe với ông bà rằng năm nay cháu không cô đơn, như vậy, các ngài cũng vui lây. Và cháu sẽ cười chứ không khóc như mọi năm. Bây giờ chú giúp cháu vài việc vặt. Cháu đã nấu sẵn mấy món rồi, chỉ hâm lại là xong. Chú lấy giùm cháu ấm nước, cho nước vào, bắc lên bếp, rồi lấy gói trà, cho vào bình trà nhỏ, để lát nữa cúng. Bình trà lớn thì dành cho chú và chị Nguyệt Thu. Cháu không biết uống trà. Chú lại đây phụ với cháu khiêng cái bàn nhỏ nầy ra trước cửa, để cúng giao thừa... Từ từ kẻo đổ bánh trái, hoa quả. Ðược rồi. Cám ơn chú! Chú mở cửa trước giùm cháu. Có lẽ chị Nguyệt Thu cũng sắp về rồi, chú đừng sốt ruột” “ Tôi đâu có sốt ruột. Chỉ sợ cô thúc hối, cô ấy chạy xe quá nhanh, nguy hiểm”

Ông Tám làm theo lời cô Chín sai bảo, loanh quanh trong nhà, bưng thức ăn để lên bàn thờ, chế nước sôi vô bình trà... Ðôi khi ông lúng túng, lớ ngớ khiến cô Chín cười “Vụng về như vậy, chú chỉ xứng với chị Nguyệt Thu thôi”  “Bộ cô Nguyệt Thu cũng vụng về như tôi sao?” “Chị Nguyệt Thu giỏi lắm. Gì cũng làm được. Chú sẽ khỏi phải làm gì cả” “Khi nào có cô Nguyệt Thu, cô đừng nói vậy, cô ấy giận tôi, nghĩ rằng tôi không đứng đắn. Tôi với cô ấy chỉ là tình bạn văn nghệ thôi” “Cháu xin lỗi. Nhưng hình như chị Nguyệt Thu có cảm tình với chú nhiều lắm. Quá tình bạn văn nghệ” “Cô nói cho tôi vui thôi, chứ cô Nguyệt Thu có gặp người thật của tôi bao giờ mà vượt quá tình bạn. Tôi sợ lát nữa, về đây, cô ấy không thèm nhìn tôi vì tôi không giống như trong hình. Cô gọi cô Nguyệt Thu, hỏi đến đâu rồi? Ðịnh chờ cô ta về để cùng cúng giao thừa hay đúng mười hai giờ thì bắt đầu?” “Ðúng giờ thì cúng. Chị ấy về trễ coi như xông đất năm mới. Bây giờ còn sớm. Có lẽ mình nên rước ông bà trước” Cô Chín trao cho ông Tám mấy chén, đũa để ông đặt lên bàn thờ và nói “Bây giờ cháu phải tắm rửa cho sạch sẽ, tinh khiết mà rước ông bà, đón chúa Xuân” “Nhiều người về Việt Nam ăn tết. Sao cô không về thăm nhà?” “Ba mẹ cháu mất rồi. Cháu không có anh chị em gì cả. Nói nhớ nhà chứ đúng ra là tủi thân. Nhà đâu còn mà nhớ!” Ông Tám an ủi “Mấy ông bà Việt kiều về Việt Nam "thăm nhà", nhưng rồi lại mong chóng đến ngày "về nhà" ở hải ngoại. Nơi nào mình sống tự do, an toàn, thoải mái, nơi đó là nhà” Cô Chín đi vào phòng. Ông Tám ngồi xuống xa lông, nhìn quanh. Ông quen sống một mình, cô đơn cũng có cái thú của nó, nhưng ông biết, cô Chín, là đàn bà sẽ buồn lắm, nhất là trong những ngày cuối năm, thấy thiên hạ rộn ràng sắm tết, đón xuân, gia đình đoàn tụ, cô thì chỉ một mình. May mà có cô Nguyệt Thu ở chung, có người trò chuyện, chứ về nhà, thui thủi, cũng buồn thật.

Ðang suy nghĩ vơ vẩn thì cô Chín đi ra. Cô như một người khác. Ông Tám chỉ nhìn thoáng nhưng cũng biết cô đẹp hơn lúc nãy. Mái tóc cô ngắn ngang vai, ôm lấy khuôn mặt bầu bỉnh, sáng như trăng rằm. Một chút phấn hồng lên má và chút son nhẹ trên môi. Cô mặc áo dài nhung đen, óng ánh màu tím đậm. Cô đến trước ông Tám cười duyên dáng “Chú cháu mình cùng cúng nghe!” Vì cô đứng gần nên ông Tám mới thấy đôi mắt cô Chín đẹp. Vừa như ngơ ngác vừa buồn buồn, nhất là hàng mi dài khiến đôi mắt như sâu thẫm, long lanh. Ông Tám không dám nhìn lâu. Ông đến bàn thờ, thắp đèn, đốt nhang đưa cô Chín “Cô cúng trước, tôi cúng sau” Cô Chín vùng vằng, phụng phịu “Chú! Sao chú không khen cháu đẹp? Dù cho cháu xấu, chú cũng phải khen đẹp. Chú mất lịch sự!” Ông Tám bối rối “Xin lỗi cô. Lúc nãy tôi buột miệng định khen cô đẹp, áo cô cũng đẹp, nhưng trong nhà nầy chỉ có mình tôi với cô, tôi phải giữ lời, sợ cô hiểu lầm, cô sợ tội nghiệp” Cô Chín nhìn ông Tám cười “Chú nói vậy để an ủi cháu nhưng cháu biết, chú mong gặp chị Nguyêät Thu nên không quan tâm đến người khác. Hay là chú sợ chị Nguyệt Thu ghen. Phải không?” “Mong cô Nguyệt Thu thì có, nhưng thật tình tôi không có ý nghĩ gì khác ngoài tình bạn cả. Bây giờ cô cúng đi. Nhớ đừng khóc” Cô Chín cầm mấy cây nhang, đến trước bàn thờ, ngần ngừ như mắc cỡ “Chú đừng nghe cháu khấn! Cháu cũng không khóc đâu” “Tôi sẽ ra cửa đứng, nhưng trước sau gì tôi cũng sẽ được nghe cô hoặc cô Nguyệt Thu khấn vong linh tôi” “Sao vậy chú?” “Tôi chết trước hai cô, sẽ hiện hồn đến thăm hai cô, hai cô sợ quá, khấn vái, năn nỉ tôi đừng đến thăm hai cô nữa” Cô Chín lại phụng phịu “Chú đừng làm cháu sợ. Cháu không biết chú đang đứng đây là ma hay là người? Chú viết chuyện ma nên bây giờ chú thành ma rồi” “Ma cà bông thì có. Tôi đứng xa rồi, cô cúng đi” Ông Tám đứng nhìn cô Chín cúng lạy. Hai bàn tay cô cầm nhang vái trước bàn thờ, thong thả, dịu dàng. Cô khấn lầm thầm rồi cắm nhang vào lư hương và ngồi xuống xếp chân, thành kính cúi lạy. Trong không khí trang nghiêm, mùi nhang thoang thoảng, ánh đèn lung linh, cô Chín như một cô bé đang lễ phép dâng lên cha mẹ, tổ tiên những lời chúc mừng với tấm lòng thành. Có thể cô cũng cầu xin quí ngài phù hộ cho cô, sang năm mới được sức khỏe, gặp nhiều may mắn.

Khi cô Chín cúng xong, ông Tám cũng đến trước bàn thờ, thắp nhang và vái lạy nhưng không khấn lời nào.

Cô Chín mời ông Tám đến xa lông uống trà. Hai người ngồi đối diện. Cô rót trà “Mời chú. Còn nửa giờ nữa là đến giao thừa” Ông Tám nhìn ra cửa. Cô Chín cười “Mong người đẹp về. Phải không?” “Tôi muốn gặp cô Nguyệt Thu để tìm hiểu, vì sao cô muốn gặp tôi mà lại không chịu nói trong điện thoại?” “Lát nữa, chị Nguyệt Thu về đây, chú sẽ hiểu vì sao. Cháu nói chuyện nầy chú nghe. Trong tập truyện của chú, có một truyện ngắn mà mỗi lần đọc đến là chị ấy khóc. Truyện “Núi Ðá Chồng”. Chị Nguyệt Thu nói. Chú kể chuyện chứ không viết truyện. Chuyện chú kể giống y như đã xảy ra cho chính chị ấy, cũng tại một quán cơm, nhưng trên đường Ða Lạt - Sài Gòn chứ không phải trên đường Ða Lạt - Nha Trang như trong truyện của chú. Truyện ngắn đó có thật không chú? Chú có phải là anh chàng đó không?” “Một cậu thanh niên gặp và chuyện trò với một cô gái, sau đó chia tay. Nó rất bình thường, có thể xảy ra bất cứ đâu. Tôi cũng gặp một cô bé như thế, nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn xúc động. Tôi kể chuyện đó để tưởng nhớ cô, để tưởng niệm một tình yêu ngây thơ, tinh khiết” “Chú có thể kể hết câu chuyện thật cho cháu nghe được không?” “Cô gái thật mà tôi gặp chỉ khoảng mười hai tuổi thôi. Chúng tôi đi từ Ða Lạt về Sài Gòn, dừng lại ăn cơm ở Ðịnh Quán. Cô bé đó phụ giúp gia đình bưng thức ăn cho khách. Cô bưng tô canh ra đứng sau lưng tôi. Thấy thức ăn nóng, sợ cô làm đổ, tôi đỡ lấy tô canh, nhưng cô lại để nguyên hai bàn tay cô với tô canh trên tay tôi. Cả hai lúng túng. Cô cười, tôi cũng cười rồi cả bàn ăn cùng cười vui, chế giễu cô, khiến đôi má cô hồng lên, rất dễ thương. Từ lúc đó, dù không có việc gì, cô cũng đứng loay hoay sau lưng tôi. Chúng tôi trò chuyện. Tôi hỏi cô tên gì? Học trường nào? Lớp mấy?... Chỉ vơ vẩn thôi, nhưng cô trả lời như hụt hơi, sau nầy nhớ lại, tôi mới biết là cô bé rất xúc động. Cô vào bếp một lúc lại đi ra, lại đứng sau lưng tôi, lính quính, lo lắng như muốn nói gì với tôi, rồi nhìn chiếc xe đò, như sợ xe chạy. Ðến khi chúng tôi lên xe thì cô đứng trước cửa nhìn tôi đăm đăm. Không hiểu sao, xe không nổ máy. Mọi người lại phải xuống xe, vào quán ngồi chờ người tài xế sửa xe. Tôi lang thang đến một tảng đá lớn gần quán cơm, ngồi ngắm cảnh núi rừng hoang vắng. Chiều hôm đó, trời đầy mây, u ám như sắp mưa. Hơi núi đá, như sương lạnh, từ trên dốc núi tràn xuống đường, lảng đảng trong bụi cây, trong khe suối, bao phủ trên mặt đường. Hai bên đường vắng ngắt, chỉ thưa thớt năm bảy ngôi nhà lẻ loi, co ro trong sương mù như cảnh tranh thủy mạc. Cô bé đó lại đến bên tôi. Tôi ra dấu, cô ngồi xuống cạnh tôi. Chúng tôi lại chuyện trò. Tôi hỏi về hai tảng đá vĩ đại chồng lên nhau gần đó, hỏi về cuộc sống của cô, nơi núi rừng, có buồn không? Cô trả lời, giọng bình tĩnh và vui chứ không ngập ngừng, hụt hơi như lúc nãy. Tôi xem cô như một em bé ngây thơ, và cô, quả thật rất ngây thơ, trong sáng. Khi xe sửa xong, tôi đứng dậy, ôm hôn lên trán cô và hẹn, có dịp, sẽ ghé thăm cô” Cô Chín yên lặng một lúc rồi nói “Chị Nguyệt Thu nói chú tên Tâm chứ không phải tên Tám” Ông Tám ngạc nhiên “Sao cô ấy biết tên thật của tôi?” “Lát nữa gặp, chú hỏi chị ấy, cháu làm sao biết được. Chị ấy còn nói, chú ít tuổi, chứ không phải tám mươi như chú nói” “Cô nầy mới thật là tài. Chưa gặp mà biết hết về tôi” Cô Chín nhìn xuống tách trà “Dám chị Nguyệt Thu là cô bé ở Ðịnh Quán, nên khi đọc truyện ngắn đó, chị ấy khóc. Lần nào cũng khóc và mong được gặp chú” “Có lẽ vậy nên cô Nguyệt Thu muốn gặp tôi. Nhưng điều chắc chắn là tôi và cô ta không nhận ra nhau. Mấy mươi năm rồi, ai cũng thay đổi, thành người lạ rồi!”

Ðêm ba muơi tết, dù ở xứ người nhưng không khí thiêng liêng, đầm ấm của gia đình vẫn tràn ngập khắp nơi. Cả hai yên lặng lắng nghe bước chân của chúa Xuân đâu đây, để nhớ lại niềm vui rộn rã, háo hức chờ đợi tết của thời niên thiếu ở quê nhà. Bỗng nhiên cô Chín ngẩng lên nhìn ông Tám cười, như muốn nói điều gì quan trọng lắm nhưng lại thôi “Chị Nguyệt Thu chưa về kịp. Chú cháu mình cúng giao thừa nghe!” Cô đứng lên, đến thắp nhang, đưa cho ông Tám một cây nhang “Chú đứng cạnh cháu đây. Chú cháu mình cùng chào đón chúa Xuân. Chú có biết khấn như thế nào thì khấn giùm cháu” “Tôi cũng như cô, nhưng mình cứ thưa gửi bình thường, tưởng tượng như chúa Xuân và các vị thần đó đang đứng trước mặt vậy. Cốt ở lòng thành và tin tưởng rằng các vị đó có uy lực siêu nhiên, sẽ chấp nhận lời cầu xin của mình và ban phước lành cho mình. Cô cầm nhang để lên trán như tôi, tôi sẽ thưa với đất đai, thổ thần phù hộ cho cô được sức khỏe và nhiều may mắn trong việc làm ăn” Ông Tám lầm thầm khấn, cô Chín thành kính lắng nghe và cùng lạy với ông. Cúng xong, cô vui vẻ nói “Sang năm mới rồi. Chị Nguyệt Thu chưa về. Chú xông đất nhà cháu nghe!” Ông Tám ngạc nhiên “Tôi đang đứng trong nhà cô thì làm sao xông đất được?” “Cháu có cách. Chú đi cửa sau, ra đường, lòng vòng đâu đó chừng mươi phút, rồi chú đến cửa trước, gõ cửa, cháu ra đón chú, vậy là chú xông đất nhà cháu” “Chỉ có cô mới nghĩ ra được cách xông đất kỳ lạ như thế nầy. Thôi thì, cô bảo sao, tôi cũng phải vâng lời để cô vui lòng” “Chú đi ra cửa nầy. Ðể cháu mở đèn sau nhà cho chú thấy đường. Nhớ nhà cháu chưa? Ðừng đi lộn vào nhà khác, bị bà nào giữ lại thì chị Nguyệt Thu bắt đền cháu. Cháu làm sao kiếm một ông, vừa già vừa xấu như chú mà đền cho chị ấy?” Ông Tám cũng cười “Cô nói tôi mới biết vì sao tôi tán tỉnh cô nào cũng bị nhìn bằng nửa con mắt” Ông Tám theo cửa sau, ra đường, một lát, quay lại. Cửa trước hé mở. Ông gõ cửa và chờ đợi. Cô Chín mở cửa và reo lên “Chào chú. Mời chú vào. Năm mới, chúc chú sức khỏe, vạn sự như ý” Ông Tám bước vào nhà và lấy trong túi áo ra hai phong bì nhỏ màu đỏ, loại dùng để mừng tuổi cho trẻ con. Ông trao cho cô Chín một phong bì “Mừng cô thêm một tuổi. Thêm đẹp, thêm xinh” Cô Chín cầm lấy phong bì rồi ôm luôn ông Tám khiến ông ngỡ ngàng. Cô tựa đầu vào ngực ông và sè tay ra “Phong bì kia cũng của cháu” Cô vói tới thì ông Tám giơ chiếc phong bì lên cao “Không được. Ðây là của cô Nguyệt Thu” Cô vẫn vói tay đến chiếc phong bì “Nguyệt Thu nào? Cháu là Nguyệt Thu dây!” Ông Tám kinh ngạc “Chứ lúc nãy cô gọi ai?” “Có gọi ai đâu? Cháu giả bộ nói vô điện thoại chứ có bấm số đâu!” “Vậy cô Chín là cô nào? Cô có hai tên à?” “Tên Chín là tên giả. Chú là Tám thì cháu là Chín. Em út, thua một nút. Tên thực của cháu là Nguyệt Thu. Nhưng mọi người đều gọi cháu là Nguyệt. Con bé Nguyệt trong tiệm cơm ở Ðịnh Quán đó. Tên Nguyệt. Ðúng không?”

Trong nhà, yên tĩnh kỳ lạ, thơm nức mùi tết, mùi của nhang trầm, của hơi thở xúc động, của tiếng thì thầm vỗ về dịu dàng, của mùa Xuân len lén bước qua cửa, vào phòng khách...

Một lúc sau, cô Chín dụi mặt vào ngực ông Tám để chùi nước mắt. Rồi cô thở ra “Cám ơn Trời Phật đã xui khiến cháu đọc truyện chú viết và tìm thấy chú”

Phạm Thành Châu

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...