07 October 2013

ĐIỂM SÁCH:

(Người chuyện cho tôi bài dưới đây không biết gì hơn, ngoài cái bài trơ trọi nầy về Gs Trị. Tôi xin gởi anh xem, không biết anh đã có chưa. Nếu chưa xin tìm hiểu thêm nơi nào có bài nầy. T.T.Tuệ)
"Nguyễn Văn Tường [1824-1886] và Cuộc Chiến Chống Đô Hộ Pháp của Nhà Nguyễn"  của Giáo Sư Nguyễn Quốc Trị (1929-2013)

1.  Tác giả:

Nếu văn là người thì trước hết, xin tóm lược thân thế và sự nghiệp của tác giả.  Sinh năm 1929, Giáo Sư Nguyễn Quốc Trị (GS Trị) là cháu 3 đời của Quận Công Nguyễn Văn Tường (NVTường).  Vượt qua hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn vì cha mất sớm, tác giả đã tốt nghiệp các trường QGHC và Luật tại SGN và University of Southern California, Los Angeles (M.A. và Ph.D. về Hành Chánh Công Quyền.)  Sau nhiều năm phục vụ tại phủ Tổng thống và Thủ tướng, ông được Tổng thống VNCH bổ nhiệm làm Viện Trưởng Viện QGHC cho đến 1975.

Tại Hoa Kỳ, sau 1975, GS Trị chuyên chú vào việc khảo cứu, viết sách, giảng dạy đại học, và làm cố vấn cho World Bank và USAID.  Năm 1997, GS hồi hưu để dốc lòng săn sóc bà Trị bịnh nặng cho đến năm 2001, khi bà qua đời.  Tiếp đó, sau hơn 12 năm tận tụy nghiên cứu, tác giả đã xuất bản cuốn sách gần 1,200 trang này.  Nói tóm lại, GS Trị là một học giả hiếm có với đầy đủ tài trí, đức độ, lòng nhiệt thành, và đặc biệt là kinh nghiệm và uy tín để đảm trách nhiệm vụ lịch sử nặng nề và rất tốn kém nầy.

2. Nội dung và hình thức:

Tuy rằng trong vài chục năm qua đã có nhiều hội thảo và biên khảo về sách lược chống Pháp của nhà Nguyễn, NVTường, và phong trào chống Pháp; tác phẩm này của GS Trị là công trình đầu tiên đã bao quát và tổng hợp được hầu hết các vấn đề liên hệ đến quốc sách và phong trào chống Pháp. Lịch sử giai đoạn này đã được kẻ thắng trận--chính quyền thuộc địa và các quan lại thân Pháp-- viết lại trong suốt thời gian 80 năm đô hộ nhằm biện minh và tuyên truyền cho chánh sách thuộc địa.  Ảnh hưởng của các sử sách đó đã in sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ và còn tồn tại đến ngày nay.

Phần Dẫn Nhập giới thiệu bối cảnh lịch sử từ Gia Long đến Hàm Nghi và trình bày và tóm lược các chương mục theo sau.  Các chương mục này được phân tích theo từng tiêu đề riêng biệt, không theo thứ tự thời gian và do đó, đòi hỏi vài kiến thức về lịch sử Việt Nam từ thời Gia Long đến Hàm Nghi, cũng như lịch sử Pháp cùng thời.

Tác giả đã thận trọng kiểm chứng các tài liệu có sơ suất căn bản như sai lầm năm tháng, địa danh, tên tuổi, và nhất là những hồ sơ vô căn cớ hoặc dựa vào các tin đồn vu vơ, không kiểm chứng được.  GS Trị cũng nêu rõ những tài liệu của các nhóm lợi ích, vì quyền lợi riêng tư của mình, đã cố tình dựng đứng lên để xuyên tạc sự thật hoặc để vu khống cá nhân theo đường lối của bộ máy tuyên truyền thuộc địa.  Trong trường hợp này, GS Trị đã đối chiếu và phối kiểm cẩn thận với các dử kiện khác để phản biện trước khi bác bỏ.  Nói chung, tác giả đã áp dụng những lề lối nghiên cứu khoa học của phương pháp sử, dựa vào các tài liệu nguyên thủy của chính phủ, tư nhân, và các hội truyền giáo Pháp và Y Pha Nho tại thư viện quốc hội Mỹ, ở rất nhiều văn khố Pháp tại Paris và Aix en Provence.  GS Trị đã cẩn thận sao chép, so sánh và phối hợp với những tài liệu của triều đình Việt Nam như Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện.  Ngay cả khi khai thác tài liệu chính thức, tác giả cũng đã nêu lên những ưu và khuyết điểm của các nguồn nầy.  Từ đó, tác giả đã tìm được những dẫn chứng khách quan, xác thực, hoặc hợp lý để phản biện những điều nêu ra trong sử thuộc địa, tóm lược như sau. 
        
a)   Các vua từ Gia Long đến Hàm Nghi:

Kể từ thời vua Gia Long, bang giao Việt-Pháp trở nên trực tiếp quan trọng đến lịch sử Việt Nam.  Khi người Pháp khởi sự xâm lăng, nội bộ Việt Nam đang bị phân tán, loạn lạc vì ngoài Bắc thì dư đảng nhà Minh vẫn còn lộng hành và phong trào phục hưng nhà Lê vẫn còn âm ỷ; trong Nam thì các phong trào chống đô hộ Pháp nổi lên khắp nơi.  Trong tình thế phức tạp nầy, vua Tự Đức đã cấp bách áp dụng quốc sách hòa để thủ, thủ để mưu chiến do NVTường đề xướng và dẫn đầu. Do đó, tác giả đã chú trọng vào thân thế, sự nghiệp, và thành tích của NVTường trong chiến lược chống Pháp.
 
Trong tập I, tác giả đưa ra những bằng cớ rằng vua Gia Long, là một minh quân hàng đầu trong lịch sử Việt Nam.  Trên phương diện cá nhân, nhà vua là một người tài đức, có chí hướng vững mạnh và đã được các danh tướng hết lòng hy sinh. Về quân sự, nhà vua tỏ ra là một người dũng lược có thừa, đã vượt qua nhiều thử thách cực kỳ nguy hiểm trong hàng chục năm để trở về trong chiến thắng vinh quang, thống nhất sơn hà.  Trên phương diện ngoại giao, nhà vua đã tỏ ra rất khéo léo và hiểu biết các văn hóa khác biệt khi giao thiệp và cầu viện ngoại quốc.  Ngài có công giúp vua Thái đánh Miến Điện và rất khôn khéo khi đối xử với vua Thái theo đúng phong tục Thái.  Đối với Giám Mục Bá Đa Lộc (GM BDLộc), nhà vua đã tỏ ra rất nể trọng và đã ủy thác hoàng tử Cảnh cho GM với trọng trách cầu viện Pháp.  Mặt khác, nhà vua đã dùng các chuyên viên quân đội Pháp trong việc môi giới mua bán khí giới.  Sau khi thống nhất đất nước, nhà vua biết lấy lễ nghĩa Nho giáo để phủ dụ cựu thần nhà Lê.

Tác giả đã đưa ra nhiều bằng chứng để phản biện những cáo buộc vô căn cứ của sử thuộc địa về cá nhân cũng như về chính sách kinh tế và chính trị của các vua từ Gia Long cho đến Tự Đức, chủ yếu là các điều sau:

Tin đồn là vua GL ngược đãi các bại tướng Tây Sơn là vô căn cứ có mụch đích bôi nhọ cá nhân, ám chỉ rằng nhà vua là người tiểu nhân, tâm địa độc ác và không biết lễ nghĩa.

Sau thống nhất, vua GL đã không vong ơn bội nghĩa đối với nước Pháp (như sử thuộc địa đã cáo buộc) vì nước Pháp đã không thi hành hiệp ước Versailles như đã hứa và không giúp đỡ gì trong thời chiến tranh.

Để cảm ơn sự giúp đỡ của GM Lộc, Vua GL đã có chính sách dễ dãi, nhân nhượng đối với vấn đề truyền và hành đạo Gia Tô.

Vua Gia Long và Minh Mạng là một minh quân đã thiết lập một hệ thống pháp trị cho vua quan và hoàng tộc để tránh lạm quyền và đặc biệt là chọn đúng người kế vị có tài đức xứng đáng với nhiệm vụ thiêng liêng của một vị hoàng đế.  Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuộc, Tòa Khâm Sứ đã can thiệp vào chính sự Việt Nam rất nhiều.

Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức không phải là bạo chúa giết đạo như như sử thuộc địa đã cáo buộc. Triều đình đã chủ trương nhân nhượng, khoan hòa đối với việc truyền đạo Gia Tô.    

Có bằng cớ chứng tỏ rằng triều Nguyễn không chủ trương bế quan tỏa cảng như sử thuộc địa đã ghi.  Ngược lại, triều đình đã cố gắng gởi sứ giả đi nhiều nơi, mưu cầu giao hảo với các cường quốc như Trung Hoa và Y Pha Nho để cầu viện hoặc tránh cô lập và tránh việc Pháp độc quyền thao túng tại VN.  Tuy nhiên, qua các hòa ước, người Pháp đã cấm Việt Nam không được liên lạc hoặc giao thương với nước ngoài.

Ngược với luận cứ của sử thuộc địa, GS Trị đã tìm được bằng chứng rằng triều Nguyễn rất muốn canh tân xứ sở.  Nhận biết quân đội Việt Nam quá yếu vì kỹ thuật thấp, các vua đã lo gởi sinh viên xuất ngoại và các phái đoàn kỹ thuật đi mua máy móc để mưu cầu học hỏi và áp dụng những kỹ thuật tân tiến, nhất là các kỹ thuật quân sự cần cấp như kỹ thuật đóng, điều hành và bảo trì tàu thuỷ, súng ống.  Vua cũng cho thiết lập các cơ xưởng và trường kỹ thuật v.v… Những cố gắng này không có kết quả vì người Pháp đã hết sức kềm hãm không cho Việt Nam phát triển kỹ thuật và giao thiệp với nước ngoài.

Ngay cả trên địa hạt kinh tế, trong một nước có truyền thống trọng sĩ khinh thương, triều đình cũng khuyến khích các hoạt động xí nghiệp tư giao thương với nước ngoài.

Nói tóm lại, theo các trích dẫn của GS Trị, các vua triều Nguyễn đã tỏ ra có đầu óc canh tân và muốn giao thương để mở mang kinh tế, thương mại và nâng cao trình độ kỹ thuật.  Tuy nhiên, vì thế yếu, Việt Nam bị ngăn cản không được liên lạc với bên ngoài và vì vậy phải dùng quốc sách hòa để thủ, thủ để mưu chiến mong canh tân xứ sở và chuẩn bị kháng chiến lâu dài.  Do đó, tác giả đã chú trọng vào thân thế, sự nghiệp, và thành tích của NVTường, người chủ trương quốc sách chống Pháp.

b)      Nguyễn Văn Tường và phong trào chống đô hộ: 

Ông Tường là tác giả và thủ lãnh của quốc sách hòa để thủ, thủ để mưu chiến và phong trào chống xâm lăng Pháp; do đó, bộ máy tuyên truyền đô hộ đã chú tâm vu cáo ông về đạo đức cá nhân cũng như trong hành vi chính trị.  GS Trị đã viện dẫn nhiều tài liệu để bác bỏ các vu cáo sau đây của sử thuộc địa.  

GS Trị dẫn chứng rằng trong quốc sách hòa để thủ, thủ để mưu chiến, NV Tường chủ trương thu phục nhân tâm của giáo dân và phủ dụ nhóm văn thân.  Tác giả đưa ra bằng chứng để bác bỏ vu cáo cho rằng ông Tường chủ trương tàn sát cướp bóc, phá hại giáo xứ, dùng tín đồ để giết văn thân và dùng văn thân để giết hại tín đồ.  Trái lại, ông Tường đã tỏ ra rất công bằng với giáo dân và văn thân.

Trong vòng vài tháng, nhiều yếu nhân bị chết như vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, vài hoàng thân và phụ chánh Trần Tiễn Thành.  Những cái chết này có nhiều uẩn khúc nhưng, dựa trên nhiều tài liệu và tin cậy, GS Trị viện dẫn bằng chứng cho rằng ông Tường không liên can đến các vụ nầy.

Sau ngày thất thủ kinh đô, NV Tường được mật lệnh của vua Hàm Nghi trở lại kinh đô để nghị hòa với Pháp, phủ dụ văn thân, mong hồi phục lại phần nào cơ đồ nhà Nguyễn. Ông trở lại cọng tác với Pháp nhưng việc không thành và bị đầy qua Tahiti, chẳng bao lâu thì mất.  Vì là một mật lệnh, chủ ý của vua Hàm Nghi không được phổ biến rộng rãi và việc trở về của NV Tường là lý do ông bị buộc tội là người một dạ hai lòng.  Vài nhóm văn thân cho rằng ông là người phản quốc, đã ra hợp tác với Pháp vì danh lợi khi nhà vua phải bôn tẩu.  Đây là thời điểm đau đớn nhất và oan ức nhất trong sự nghiệp và thanh danh của ông Tường.  

Ngược với sử thuộc địa,  tác giả đã đưa ra nhiều bằng cớ rằng NV Tường được dân chúng đương thời ngưỡng vọng, kể cả các sĩ quan và quan chức Pháp, những kẻ tử thù của ông.

3.  Đề nghị

Người đọc không khỏi thán phục vì nội dung, hình thức và tầm vóc của tác phẩm, đặc biệt là sự biết sâu rộng và nhiệt huyết của tác giả ở tuổi 84.  Sau đây là một vài đề nghị thô thiển với tác giả.

Trước hết, đây là một tác phẩm được nghiên cứu và xếp đặt theo từng đề mục riêng biệt. Do đó, không thế nào tránh khỏi việc cùng một tài liệu hoặc nhân vật có thể liên hệ chằng chịt qua nhiều đề mục khác nhau.  Do đó, tác giả nên lưu ý khi phải lập lại cùng một luận cứ hoặc dẫn chứng tại nhiều nơi khác nhau để tránh trùng hợp.

Thiên khảo cứu lớn và bao quát này đòi hỏi độc giả một trình độ căn bản về lịch sử đương thời của Việt Nam và Pháp mới có thể thông hiểu, theo dỏi và định giá các tài liệu dẫn chứng, do đó phần chú thích rất quan trọng và nếu được khai triển thêm thì sẽ rất hữu ích.

4.      Kết thúc:

Tập sách "Nguyễn Văn Tường [1824-1886] và Cuộc Chiến Chống Đô Hộ Pháp của Nhà Nguyễn." là một công trình khảo cứu lớn và trọn vẹn bao gồm một quốc sách chống ngoại xâm qua nhiều triều đại.  Đóng góp lớn của GS Trị là đã tổng hợp và minh chứng các yếu tố lịch sử quan trọng trong một thời đại đầy uẩn khúc và phức tạp của Việt Nam.  Nhưng quan trọng nhất là, trong khi dày công và can đảm đi tìm sự thực của lịch sử, GS đã khôi phục thanh danh cho một dân tộc, một triều đaị và nhiều nhân vật mà tên tuổi đã bị sử sách thuộc địa dìm vào vực sâu trong gần một trăm năm đô hộ.  Ảnh hưởng này vẫn còn tồn tại sau nhiều thế hệ.  Đã đến lúc, người Việt cần có cái nhìn thẳng thắn, trực diện và bao quát để tìm hiểu sự thực của những sai trái nầy.  Tác phẩm của GS Trị là một bước tiến vững mạnh trong chiều hướng này.

Norman N. VanToai
NvanToai@yahoo.com
____

Phụ lục:

Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh cùng nhiều hội đoàn trong cộng đồng đã tổ chức buổi ra mắt sách “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn”

Trong phần giới thiệu tác giả Giáo Sư Nguyễn Quốc Trị, Ông Bửu Viên cho biết, Giáo sư Nguyễn Quốc Trị sinh năm 1929, năm nay ông 84 tuổi, hiện cư ngụ tại Gaithersburg, MD. Khoảng thập niên 1940 GS Nguyễn Quốc Trị đã sớm tham gia hoạt động cách mạng, dưới cờ của Đại Việt Quốc Dân Đảng, xứ bộ Bắc Kỳ. GS Trị tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh, tốt nghiệp Cao học, Đại học Luật Khoa Saigon và tốt nghiệp Tiến sĩ ở Đại học Southern California. Nhiệm sở đầu tiên của GS Nguyễn Quốc Trị là Văn Phòng Phủ Tổng Thống, Đệ nhất CH. Sau được mời giữ chức Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh....

No comments:

Post a Comment

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...