(2) Sự nghiệp
Gs Nguyễn Vĩnh Thượng
Trong suốt 30 năm sáng tác và trước tác, Ông đã để lại một công trình văn hóa khổng lồ; trên 120 bài viết và sách. 2.1. Tủ sách gia đình:
Tháng 7 năm 1958, Trương Vĩnh Tống, con của Petrus Ký – đã đem tặng viện Khảo Cổ Sài gòn tất cả những tài liệu và sách vở trong thư viện gia đình của thân phụ ông mà ông còn giữ lại. Ông Tống đã kê khai thành 12 loại như sau:
- Địa lý, Sử lý, Ngôn ngữ học, Khoa học
- Giáo dục, chính trị, kinh tế, Nho học, Phật học
- Văn chương, văn học sử, tiểu sử
Ngoài ra, còn có rất nhiều bản thảo chưa in. Các bản thảo này do chính Trương Vĩnh Ký chép tay, hiện còn tàng trữ tại các nơi sau đây:
(i) Thư viện Khoa Học Xã Hội Trung Ương ở Hà Nội
(ii) Thư Viện Khoa Học Xã Hội tại Sài gòn, gồm có các bản thảo do Trương Vĩnh Tống đã tặng Viện Khảo Cổ Sài gòn hồi năm 1958.
(iii) Nhà thờ chợ Quán ở Sài gòn.
2.2. Tác phẩm.
Chúng ta có thể phân loại các tác phẩm của ông thành các loại chính sau đây:
2.2.l. Các sách dạy ngôn ngữ; hoặc dạy tiếng Pháp cho người Việt, hoặc dạy chữ Hán cho người Việt và người Pháp: Abrégé de Grammarie Annamite (1867), Cours Pratique de Langue Annamite (1868), Cours de Lague Mandarine ou de Caractères Chinois (1875)..., Vocabulaire Annamite Francais (1887), Tam Thiên Tự Giải Âm (1877), Dictionnaire Francais Annamite (1884) ...
2.2.2. Các sách giáo khoa mà Ông đã soạn cho Nha Học Chánh Nam Kỳ: quyển Manuel des Écoles Primaires nội dung gồm có: Histoire Annamite, Histoire Chinoise (1870), cuốn này còn được viết bằng chữ quốc ngữ nữa. Các cuốn sách viết bằng tiếng Pháp để dạy về địa lý và sử ký Việt Nam: Petit Cours de Géographie de la Basse Cochinchine (1875), Cours d’histoire Annamite à l’Usage des Écoles de la basse Cochinchine (1875) . ..
2.2.3. Các bài biên khảo viết bằng tiếng Pháp dành cho các độc giả Việt và Pháp có học thức: Souvenirs Historiques sur Saigon et ses Environs (1883). Flores Annamites (1884)
Études Comparées des Langues et Écritures des 3 Branches Linguistiques (1894) .. .
_
2.2.4. Các sách viết bằng chữ quốc ngữ là những công trình tiền phong về chữ Quốc ngữ trong lịch sử văn học Việt Nam cận đại. Chúng ta có thể phân làm các loại sau đây:
a. Các bản dịch ra chữ Quốc ngữ của các sách viết bằng chữ Hán của các nhà nho : Trung Dung (1875), Mạnh Thượng Tập Chú (1875), Sơ Học Vấn Tâm (1877), Đại Học (1877), Tam Tự Kinh Quốc Ngữ Diễn Ca (1884), Minh Tâm Bửu Giám (1893).
b. Các bản diễn âm ra chữ Quốc ngữ các tác phẩm văn Nôm của các nhà nho xưa với những chú giải: Kim Vân Kiều (l 875), Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (1875), Huấn Nữ Ca (1882), Thơ Dạy Làm Dâu (1883), Gia Huấn Ca (1888), Lục Súc Tranh Công (1887), Phan Trần (1889), Lục Vân Tiên (1889)...
c. Các bài do Ông sáng tác bằng chữ quốc ngữ: Chuyện Đời Xưa (1886), Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1876), Gia Định Phong Cảnh Vịnh (1882), Trương Lương Tùng Xích Tòng Tử Du Phú (1881), Trương Lương Hầu Phú (1882), Ngư Tiều Trường Điệu (1882), Cờ Bạc Nha Phiến Diễn Ca (1885). . .
Chúng ta thấy trong tủ sách gia đình của ông Trương Vĩnh Ký có cả sách nghiên cứu Phật học nữa như quyển Quan Âm có bút tích của Ông viết bằng chữ Pháp được 2 trang giấy.
Trong toàn bộ tác phẩm của Ông , ta không thấy có bài nào viết về Đạo Thiên Chúa. Mặc dù Trương Vĩnh Ký là tín đồ Thiên Chúa giáo và Ông đã hấp thụ sự giáo dục ở các trường thầy dòng mà cách giáo dục ở đây không theo truyền thống Á đông, nhưng trong phong cách và tư tưởng của Trương tiên sinh chúng ta thấy Ông quả là một nhà Nho thuần thành, một bậc thâm Nho đáng kính mến. Ông tin tưởng rằng các giá trị tinh thần truyền thống phải được bảo tồn vì các thế giá này đã tạo nên nền đạo lý tốt đẹp trong xã hội ta. Ông đã hô hào cải cách học vấn, thay đổi hình thức giảng dạy và học tập mới bằng cách sử dụng chữ Quốc ngữ dễ học hơn chữ Hán tự và chữ Nôm, có như vậy giáo dục mới có tính đại chúng tức là ai ai cũng có thể học được, trước đây sự học vấn chỉ là đặc ân cho một số người mà thôi.
3. Petrus Ký: Nhà hành chánh lỗi lạc
Ngoài việc làm thông ngôn, dạy học, viết sách, Trương tiên sinh còn đảm nhận những chức vụ hành chánh trong thời gian hợp tác với Pháp. Trong lúc thi hành nhiệm vụ lúc nào Ông cũng lấy sự an nguy của dân tộc làm ánh sáng soi đường cho việc làm của Ông, Ông luôn luôn ước mong với nhiệm vụ của mình sẽ là một cơ hội để đem lại sự thịnh vượng cho đất nước. Ông đã được đề cử vào chức vụ hành chánh nhiều lần, đặc biệt vào năm 1876, Thống Đốc Duperré cử Ông ra Bấc Kỳ để nghiên cứu tình hình chính trị ở đây. Năm 1886, Toàn quyền Paul Bert cử Ông làm việc bên cạnh triều đình Huế từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1886.
3.l. Gia Định Báo
Tờ công báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, dưới sự
quản lý rất giỏi của Trương tiên sinh. Theo Huỳnh Văn Tòng trong quyển “Lịch sử Báo Chí Việt Nam”, Saigon: Trí
Đăng 1973; đây là luận án Tiến sĩ đệ tam cấp trình ở Đại học Paris năm 1971;
vào năm 1863, Thống Soái Nam Kỳ Lagrandière (nhậm chức từ tháng 5 năm 1863 đến
tháng 4 năm 1868) đã cho ra đời tờ báo bằng tiếng Pháp “Le Courier de Saigon”,
rồi hai năm sau là ngày 15 tháng 4 năm 1865, ông cho ra đời tờ Gia Định Báo, số
l, và bổ nhiệm ông Ernest Potteaux làm chánh tổng tài (tức chủ nhiệm kiêm chủ
bút bây giờ) trông nom, Đốc phủ sứ Paulus Huỳnh Tịnh Của đảm nhiệm dịch các
nghị định, thông báo của Thống Soái phủ Nam Kỳ từ chữ Pháp ra chữ Việt; lúc này
mỗi tháng ra một số vào ngày 15 gồm có 4 trang giấy khổ nhỏ, nội dung toàn là
phần công vụ. Nói khác đi, Gia Định Báo chỉ là một tờ công báo thuần túy mà
thôi.
Ngày 6 tháng 9 năm 1869, tân Thống soái Nam Kỳ G.
Ohier bổ nhậm ông Trương Vĩnh Ký vào chức chánh tổng tài của Tờ Gia Định Báo có
hưởng lương hàng tháng. Đốc phủ Paulus Của vẫn còn là nhân vật nồng cốt trong
ban biên tập, Huỳnh Tịnh Của là tác giả quyển “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” xuất bản
vào năm 1895.
Vừa nhận nhiệm vụ chủ nhiệm kiêm chủ bút xong,
Trương tiên sinh liền cho cải tổ về hình thức lẫn nội dung của tờ Gia Định Báo
ngay:
Về
hình thức: mỗi tháng xuất
bản 2 kỳ, rồi sau đó tăng lên 4 kỳ, số trang tăng lên đến 16, có khi đến 20;
vẫn còn khổ nhỏ.
Về
nội dung: được thêm nhiều
tiết mục phong phú hơn trước, chia làm 2 phần: - Phần công vụ, 4 trang, vẫn
tiếp tục đăng các qui định, thông báo của Súy Phủ. Phần tạp vụ, 12 trang có khi
16 trang, đăng các bài thơ, phú, truyền thuyết, tiểu luận về lịch sử, văn hóa.
Trong suốt 4 năm (1869 - 1872) quản trị tờ Gia
Định Báo, Trương tiên sinh luôn luôn khuyến khích các công chức Việt Nam viết
bài vở hoặc gởi tin tức về cho tờ báo với mục đích tập luyện viết văn bằng chữ
quốc ngữ và tập làm báo. Tờ Gia Định Báo được tài trợ bởi Thống Súy Phủ nên
được phát không cho các làng, xã và trường học. Tờ Gia Định Báo đã được sự ái
mộ của dân chúng, rất nhiều người chỉ mong đợi cho tới kỳ phát báo để lấy báo
đem về nhà đọc, có khi họ còn đọc to lên để cho người không biết chữ quốc ngữ
cùng nghe. Hồi đó họ gọi tờ báo là tờ nhựt trình.
Bùi Đức Tịnh trong quyển “Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (l865 - 1932)”
xuất bản ở Sài gòn năm l992, trang 37 và 38 đã nhận định :
“Trong chức
vụ chánh tổng tài Gia Định Báo, ông đã tìm một phương hướng để thực hiện cuộc
duy tân (…). Từ trước và khi bắt đầu Pháp thuộc vẫn tiếp tục theo đà có sẵn,
người trí thức chỉ mong thi đỗ để làm quan. Khuyến khích và tạo điều kiện tập tành
cho các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập viết báo, viết văn, thật sự Trưng
Vĩnh Ký đã gây một cuộc Minh Tân nhỏ trong giới văn học trước khi những người
chủ trương Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn 'mở cuộc Minh Tân' trong lãnh
vực kinh tế.”
Tại Bắc Kỳ, từ khi Pháp đặt chân đến đây vào năm
1885, họ đã cho ra hai tờ nhật báo viết bằng tiếng Pháp là tờ Avenir du Tonkin
và tờ Courier d’ Haiphong.
Năm 1890, tại Hà Nội, Toàn quyền De Lanessan cho
phát hành tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo viết bằng chữ Hán để đăng tải các công
văn và chỉ dụ của chính phủ thuộc địa, mãi đến năm 1907 tờ này mới có chữ Quốc
ngữ bên cạnh phần chữ Hán. Năm 1905, tại Hà Nội, ông Babut, một tư nhân người
Pháp, cho ra tờ Đại Việt Tân Báo có một phần chữ Hán và một phần chữ Quốc ngữ
và giao cho nhà nho Đào Nguyên Phổ làm chủ bút.
Như vậy, sự sinh hoạt văn hóa bằng chữ Quốc ngữ đã
xuất hiện ở Nam Kỳ 40 năm trước khi ở Bắc Kỳ. Petrus Ký quả là vị Tổ của làng
báo chí bằng chữ Quốc ngữ.
3.2. Petrus Ký: Nhà hành chánh chí công vô tư
Năm 1876 (Ất Hợi), Thống Đốc Duperré cử Ông ra Bắc
Kỳ để nghiên cứu tình hình chính trị ở đây trong 3 tháng. Đọc tờ trình này, ta
thấy Ông có những nhận định rất sâu sắc và xác thực về tình hình chính trị và
xã hội của ta lúc bấy giờ ở đất Bắc; Ông là một nhà hành chánh duy lý
(rational) đã không để mọi thiên kiến và sự vị nể về tôn giáo ảnh hưởng vào
việc công.
Trong tập du ký “Chuyến đi Bắc năm Ất Hợi”, từ 14 tháng 01 đến lo tháng 4 năm 1876,
có phần ghi lại tờ trình gởi tham mưu trưởng Regnault de Promesnil để chuyển
cho Thống đốc Duperré như sau:
Sài
Gòn, ngày 28 tháng 4 năm 1876
Thưa
Tham mưu trưởng,
Tôi
xin gởi đến ông bản báo cáo mà ông cần về tình hình chính trị ở Bắc Kỳ mà tôi
vừa đi xem. (bỏ qua phần tường thuật về cuộc hành trình từ Saigon ra đất Bắc).
Tôi
xin phép được nói thật thà, có sao nói vậy, vả lại tôi cũng phải bảo vệ danh dự
của tôi là người được hỏi.
Tôi
không nói những xích mích dường như đã xảy ra giữa bổn xứ theo đạo, với giáo
xứ. Những cái đó tôi không được rõ lắm.
Trước
hết tôi nói sự kinh ngạc của tôi đối với cảnh thảm hại hận thù tôn giáo, họ
ghét nhau dữ lắm. Và trong những việc vừa xảy ra, nếu những nho sĩ và những
người khác bên lương đã làm những tội ác ghê gớm thì sự thật là người bên giáo
cũng chẳng vừa gì trong việc báo thù. Khi tôi đến thăm các giáo xứ, tôi có bày
tỏ với các ngài nỗi lo sợ của tôi. Tôi cố gắng làm cho họ thấu trước, tai hại đối
với giáo dân, gây ra bởi hành vi thiếu suy nghĩ của vài người bên giáo. Tôi còn
cho rằng giới giáo sĩ đi quá xa trong quyền lợi của họ, và khư khư đòi đền bồi
thiệt hại trước thái độ biết điều của những nhà chức trách bên lương, tôi dám nói
rằng họ lắm khi cũng chịu khổ từ phía những người xấu bên đạo. Về điều này tôi
chỉ xin kể việc ông Tổng Đốc Nam Định đã nhìn làng mạc nhau rún bị cướp, bị đốt
và một số người trong gia đình chết thê thảm bởi hành vi của những người Cơ-rê-chiêng.
Thôi cho tôi phủ một tấm vải che lên cảnh thảm khốc của cuộc chiến tranh tôn
giáo này.
Còn
như cái cảnh mà tôi sắp trải ra trước mắt ông, cũng không kém buồn thương. Thú
thiệt, ngực tôi phập phồng, lòng tôi buồn bực trước cảnh đói khó đang nhiễu hại
đám dân khổ này của xứ Bắc Kỳ.
Tôi
đã nghiên cứu kỹ các tầng lớp xã hội, rồi một nỗi thương đau chiếm ngập lòng tôi.
Nhưng ở đây hãy để cho tôi nói mấy lời cảm cảnh với các nhà cầm quyền địa
phương. Họ biết tôi là người khách, có trùm đầu bằng cái áo hộ mạng của nhà nước
Pháp, mà họ vẫn tiếp niềm nở, đàng hoàng, lễ phép chân chất.
(....)
Người có tiền của, run sợ mà
dấu diềm huê lợi của họ. Người buôn bán thì trốn chui trốn nhủi. Người công kỹ
thuật âu lo, bởi vì gia tài của Ất, của Giáp đều như phú thác cho tham ô của cả
một guồng máy quan liêu.
Trong khi ấy, đông đảo người
dân - những người không có ai coi ra gì - người thợ ư ? người lao công, cày
ruộng ư ? Đều rên siết vì nghèo khó tột cùng và đang trải qua những ngày dài không
cơm ăn, không việc làm.
Và sự đói nghèo trong dân đà
quá mức, khắp nơi rống tiếng hét gào sửa đổi, đòi một sự cai trị đủ sức trị an,
để đem ngày mai lại cho dân, để bảo đảm quyền sở hữu, để đem lại cho công nghệ và
thương mại sự an toàn và sự hoạt động cần thiết cho chúng sống. Tóm lại là kéo khỏi
vực thẩm, kéo ra khỏi nạn đói, dân đen đang hấp hối.
(...)
Nhưng đối với tôi, không có gì
nghi ngờ, ảnh hưởng của nhà nước Pháp sẽ gây được không mấy khó khăn và sẽ có
sức nặng trong sự thi hành những cải cách cần thiết: cải cách chánh trị, cải
cách kinh tế.
Trong lòng tôi đọng lại niềm
tin thắm thiết rằng Triều đình Huế nếu không có sự giúp đỡ thì không đủ sức làm
cái công việc đồ sộ như vậy và chỉ có nước Pháp là có sức đỡ đần dân tộc đang
héo hắt này, nếu Triều đình thiệt lòng tin cậy vào sự giúp đỡ bảo hộ của nó.
Thưa Tham mưu trưởng,
Đó là những nhận xét chung mà
tôi có bổn phận trình bày với Ông.
Cuối cùng, tôi mong rằng quan
Toàn Quyền đã có chủ tâm lớn đến quyền lợi của dân chúng khốn khó thì hãy ban
cho các câu chuyện vừa kể một sự rộng xét và tin tưởng nó là kết quả của một sự
xem xét cẩn thận trong khi tôi làm nhiệm vụ nhỏ nhoi này.
Ký tên Petrus Trương Vĩnh Ký.
Nếu
đọc lại bản phúc trình trên một lần nữa, chúng ta càng khâm phục cái tinh thần
duy lý của Ông, cái lập trường loại bỏ những vị nể tôn giáo hay tín ngưỡng, cái
lập trường loại bỏ những thiên kiến của người tín đồ cuồng tín. Thật vậy, chúng
ta đều biết rằng, Ông là người theo đạo Thiên Chúa Giáo vào thời ấy. Trước đó,
theo Khâm Định Việt Sừ Thông Giám Cương Mục thì vào năm 1533, vua Lê Quang Tông
đã ra chỉ dụ „Cấm Đạo Gia Tô“ và từ đó kéo theo các việc dẹp đạo cho đến thế kỷ
XIX. Nhưng Ông được người Pháp trọng vọng. Chúng ta thấy Ông đã thẳng thắn lên
án các người theo đạo Thiên Chúa trả thù và lộng quyền đàn áp lại người lương
khi họ dựa vào thế lực người Pháp. Đây là một triết lý chính trị rất đáng suy
nghĩ Thêm vào đó, trong tờ trình chúng ta còn thấy Ông đã động lòng trắc ẩn đối
với nhiều người dân nghèo thiếu ăn thiếu mặc, Ông cũng thẳng thắn lên án bọn
quan lại tham ô.
Trương
tiên sinh quả đã có một nhận định rất sâu sắc và sáng suốt về thời cuộc ở Bắc
Kỳ vào lúc ấy, về tình trạng quan lại tham nhũng, nạn cường hào ác bá, dân tình
đói khổ, tình hình xung đột đẫm máu giữa người lương kẻ giáo. Rồi Ông mạnh dạn đề
nghị rằng việc cần thiết nhất là phải thi hành một cuộc cải cách hành chính,
cải cách tư pháp, cải cách kinh tế.
Tinh
thần chí công vô tư trong công vụ hòa cùng với lòng cảm thông mến nước thương
dân của Ông quả là một thái độ của bậc trí thức cao thượng, của một hành chánh
chân chính. Lòng yêu nước còn dược thể hiện tận đáy lòng, bởi vì nhịp đập của trái
tim Ông lúc nào cũng đồng điệu với nhịp đập của trái tim của đồng bào và của
quê hương, nên Ông đã dứt khoát từ chối không nhập Pháp tịch qua bức thư đề
ngày 15 tháng 9 năm 1888 gởi cho một người bạn Pháp là Pène Siefert.
Tờ
trình trên dĩ nhiên do ông viết bằng chữ Pháp, còn toàn thể truyện du ký này đã
được con út của ông là Nicolas Trương Vĩnh Tống dịch ra tiếng Pháp vào năm
1929: „Voyage au Tonkin en 1876“. Truyện này còn được dịch sang tiếng Anh „Voyage to Tonkin in the year Ất
Hợi 1876” bởi P.J. Honey, London, School of Oriental and African Studies, 1982.
3.3. Petrus Ký: Nhà thuyết khách tài ba
Tháng 4, năm 1886, toàn quyền Paul
Bert cử ông ra làm việc bên cạnh triều đình Huế. Chỉ trong vòng 4 tháng làm
việc ở đây, từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1886, với tài ngoại giao khéo léo, Ông
đã thuyết phục được vua Đồng Khánh và triều đình Huế chấp nhận sự hợp tác và
bảo hộ của Pháp.
Trong thư gửi cho toàn quyền Paul
Bert, Ông đã viết có đoạn như sau:
Huế, ngày 17 tháng 6 năm 1886
“Tôi sẽ bỏ lại bọn nịnh thần, tôi đã
lựa chọn những người có thực tài kinh tế (l) mà hầu giúp cho Hoàng Thượng và
sung vào Cơ Mật Viện.
Những người có tài không thiếu gì,
cứ chọn trong số các nhà Nho học theo đạo Khổng, là chỗ tôi thường trông cậy để
lo dìu dắt xã hội.
Những đạo giáo, cuộc sống xã hội, muốn
sanh tồn được ấy là nhờ cái nguyên tắc luân lý mà thôi, mà dầu tôn giáo nào đi
nữa cũng gồm chung những nguyên tắc ấy, chớ không có chi lạ. Trong đạo trị
nước, nếu biết nghĩ như thế, thời tức nhiên phận sự hoàn toàn chẳng có chi khó,
nếu các tôn giáo không làm chi náo động dân chúng, thời nhà nước cứ giữ địa vị
trung lập mà điều đình. Tôi nói đây là có ý muốn cho ông biết rằng, hễ luận đến
quyền lợi quốc gia thời tôi không thể kể đến cái đức tin riêng của tôi. Trong
bộ sử ký tôi viết, thời tôi cũng đã tỏ cái ấy rồi.
Ký tên
P.Trương Vĩnh Ký
(l) Kinh
tế, viết tắt chữ kinh bang tế thế
có nghĩa là sửa nước, giúp đời hoặc kinh
thế tế dân có nghĩa là trị đời, giúp dân.
Một lần nữa, chúng ta thấy Trương
tiên sinh lập lại cái điệp khúc về triết lý chính trị , về tôn giáo của Ông.
3.4. Petrus Ký:Nhà hành chánh có bản lãnh và đầy tự tin
Năm 1863, Ông tháp tùng với chánh sứ Phan Thanh
Giản đi công du tại Pháp. Khả năng ngoại giao của Ông đã được cả triều thần của
Napoléon III khen ngợi. Ngoài giờ công cán ông còn tiếp xúc với nhiều văn nhân,
triết gia, sử gia, khoa học gia có tầm vóc quốc tế như Victor Hugo (1802 -
1885) là một nhà đại văn hào ở thế kỷ XIX có rất nhiều tác phẩm với nhiều đề
tài phong phú và có nhiều ảnh hưởng trong văn học Pháp và thế giới, trong số
các tác phẩm của ông có 2 quyển tiểu thuyết nổi tiếng nhất là Les Misérables (1862) và Notre Dame de Paris (1831). Les Misérables đã được dựng thành kịch, được nhiều
hãng phim cho quay lại và hiện nay có cả băng video nữa; đặc biệt nhà văn Hồ
Biểu Chánh (1885 - 1958), tức Đốc Phủ sứ Hồ Văn Trung, đã từng làm chánh văn
phòng cho Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, Thủ Hiến Nam Kỳ thời Nhật vừa mới thua và
Tây trở lại hồi 1945 - 1946, đã mô phỏng chuyện này mà viết thành quyển tiểu
thuyết nổi danh ở miền Nam là truyện Ngọn Cỏ Gió Đùa. Ernest Renan (1823 -
1892) là sử gia, triết gia và một nhà văn sau này, ông đỗ Thạc sĩ triết học năm
1848 và tiến sĩ văn chương năm 1852, chính Renan đã đề bạt Trương Vĩnh Ký vào
danh sách dự tuyển văn hào thế giới vào năm 1874. Bác sĩ Paul Bert (1833 -
1886) đỗ Bác sĩ y khoa và Tiến sĩ khoa học, đã là Bộ Trưởng Giáo Dục dưới thời
Thủ Tướng Gambetta từ tháng 01 năm 1881 đến tháng 01 năm 1882, là toàn quyền xứ
An nam và Bắc kỳ năm 1886, và v.v. để trao đổi kiến thức với họ. Những học hỏi
cua Trương tiên sinh về đạo lý Khổng Mạnh, tinh hoa của văn hóa Đông Phương,
với các thầy đồ trong thời thơ ấu; những học hỏi của Ông ở các trường của thầy
dòng về Triết lý La - Hy, cái hiểu biết tận gốc rễ của văn hóa Tây Phương;
ngoài những học hỏi ở nhà trường, những hiểu biết kinh viện đó, Ông còn đọc
biết bao sách vở nghiên cứu về các nền văn hóa Đông và Tây phương; do đó, Ông
có được một kiến thức uyên bác về văn hóa Đông và Tây phương. Ông luôn luôn so
sánh để tìm ưu điểm của khoa học kỹ thuật Tây phương để tổng hợp lại mà xây dựng
cuộc cải cách giáo dục cho đất nước ta. Qua các bài viết của Ông, ta thấy khi
đến Paris, Ông không bao giờ bị chóa mắt trước cảnh dây thép nói và dây điện
chạy giăng ngang trên không trung, hoặc cảnh khói tàu bay cao nghi ngút ở bến
cảng như một số nhà văn nông nổi
cùng thời với Ông đã khiếp vía trước
cảnh văn minh vật chất khi họ vừa bước chân tới Pháp. Ông rất tự tin, tự trọng
và khiêm tốn trong khi mạn đàm với ngoại nhân ở nơi đất khách. Cũng chính bác
sĩ Paul Bert đã đánh giá được năng lực của Ông, nên khi nhậm chức toàn quyền xứ
Annam và Bắc Kỳ, vào năm 1886, đã cử Ông làm việc bên cạnh triều đình Huế.
3.5. Petrus Ký: Nhà hành chánh thanh liêm
Trương tiên sinh đã được toàn quyền
Paul Bert trọng dụng, đã được vua Đồng Khánh quý mến. Tuy thân cận với triều
đình Huế và quen biết nhiều ngoại nhân, nhưng không bao giờ Ông lợi dụng chức
vụ để “ăn tiền” của cải hối lộ. Sự trong sạch và lòng thanh liêm ấy đã tạo nên
cuộc sống của Ông rất thanh đạm, nhứt là những ngày về hưu Ông lại càng sống
trong cảnh túng thiếu. Nhưng Ông luôn luôn vui vẻ, luôn luôn “an bần lạc đạo”, và lấy việc đọc sách,
viết văn làm niềm vui. Thử so sánh với đời sống cá nhân của một vị quan đồng
thời với Ông là Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải, chỉ giữ nhiệm vụ có bảy năm
(1890 - 1897) mà đã tạo nên dinh thự nguy nga lộng lẫy. Tuy nhiên, Trương tiên
sinh được một phần thưởng tinh thần xứng đáng là trong lúc Ông còn sinh tiền thì
các học trò của Ông đều kính trọng và dân chúng từ Bắc vô Nam ai ai cũng
kính mến Ông. Kể từ khi Ông qua đời tính đến nay đã trên một trăm năm rồi mà khi
nhắc đến Ông, ai ai cũng thương tiếc kính phục một con người trong sạch liêm khiết.
Tờ tuần báo “Lục Tỉnh Tân Văn” số 29,
ra ngày 4 tháng 6 năm 1908 đã vận động cho việc dựng tượng Petrus Trương Vinh
Ký, và tôn vinh Ông là vị thầy của cả nước ta:
“Ông Đốc Ký!
Ông
này khi sanh tiền hay là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng ỷ thế mà hại quê
hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa (Pháp) biết phong tục lễ nghĩa của con nhà
An Nam cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày
lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sanh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả
nước và của Nam Kỳ. Nay ông Phủ Minh Tân (ý chỉ Đốc Phủ sứ Gilbert Trần Chánh
Chiếu) nghĩ thương kẻ hiền ngõ cậy các quan hiệp nhau lập hội quyên tiền đặng
dựng hình ổng mà dương hậu thế, thì chúng ta thảy phải vui mừng nên cúng kẻ ít
người nhiều đặng giúp cho nên việc thì cũng đặng vinh hiển chung nhau...”
Tuần báo Đồng Nam, số ra ngày 02 tháng 9 năm 1943
tại Sài Gòn, nhân ngày giỗ thứ 45 năm của Trương Vịnh Ký đã viết rằng:
“Làm sao nói
hết thân thế và sự nghiệp trước tác của Trương Vĩnh Ký cùng ảnh hưởng của Cụ và
sự nghiệp Cụ đối với người và văn hóa Việt Nam.
(…)
Vả lại cụ Trương Vĩnh Ký là một nhân vật lịch sử mà các lớp người sau không có
quyền lãng quên được.”
Nhà văn Lê Thanh đã vượt ngàn dậm từ Hà Nội vô Sài
Gòn và đến tận nhà ông Trương Vĩnh Ký để trang trọng đọc từng tờ di cảo, từng
trang nhật ký của Trương tiên sinh để viết quyển “Trương Vĩnh Ký” do Tân Dân xuất bản năm 1943 ở Hà Nội. Để biết một
phần nào lòng tôn kính của một nhà văn ở đất Bắc Kỳ đối với nhà bác học ở đất
Nam Kỳ, chúng ta hãy đọc cảm tưởng của Lê Thanh khi bắt đầu viết quyển sách này
như sau:
“Trên con
đường Sài Gòn Chợ Lớn bên tay phải, một miếng đất vuông vắn, xinh xẻo, có cái
bề ngoài của một biệt thự. Du khách đi qua đọc mâý dòng chữ La Tinh đắp trên tường
ngôi nhà bát giác xây ở giữa, cảm thấy một rung động kín đáo, dừng bước cầu
nguyện cho một linh hồn đây là chỗ an nghĩ của nhà học giả Việt Nam - Trương Vĩnh
Ký.
Cửa
lúc nào cũng mở rộng cho du khách bước vào. Nhà bát giác là một phần, trong
cùng vườn, một ngôi nhà còn mới dựng theo một kiến trúc rất cổ, tàng trữ tất cả
những cái có một quan hệ lịch sử với Trương tiên sinh.
Tôi
đến đây hàng tháng, trong những chồng sách đã cũ, đống giấy đã nát, tìm kiếm
tài liệu để viết tập tiểu sử Tiên sinh.
Hôm
nay cầm bút bắt đầu tập tiểu sử này, tôi bâng khuâng, ngần ngại muốn đặt bút
xuống chờ một lúc khác có cảm hứng hơn. Bây giờ chắc tôi không làm được việc gì
vừa ý, những ý tưởng hiện tôi có, nếu tôi đặt lên giấy, sẽ không tỏ được một
phần những điều tôi muốn viết.
Cái
hình ảnh của Trương tiên sinh tôi sẽ phác ra đây có phải đâu hình ảnh linh động
mà tôi đã dò được theo từng nét trong những chồng sách, tập giấy kia.
Phải
mời các ngài đi với tôi đến tận nơi cùng tôi đi sâu vào những tập thư, quyển
nhật ký ... gần mục nát, phải được đặt trước các ngài một chồng giấy mỏi mệt hơn
nửa phần bị gián nhấm, mọt đục chỉ còn lu mờ ít dòng chữ và mùi mực nhạt. Các
ngài mới có thể tìm thấy những nét tinh tế của cái tâm hồn mà từ trước đến nay
hễ nói đến là người ta cho là khó hiểu.
Còn
gì có thể gửi cho người ta biết một tâm hồn hơn là những bức thư gửi người
thân, những trang nhật ký ở trong ấy tất cả việc lớn, nhỏ, những mẫu tư tưởng,
những niềm tâm sự...
Hơn
một lần, nghiêng mình trên trang di cảo vàng úa, tôi cảm thấy tâm hồn tôi săn
lại, khi thấy bằng những dòng chữ rời rạc, Tiên sinh ghi những nỗi lo phiền,
buồn tủi... Tôi đã cảm thấy lạnh trong tâm hồn khi đọc mấy chữ ấy, tôi nhận
thấy sự đau đớn nhiều hơn sức mạnh, tôi được biết rằng vì quá tận tuỵ cho nhà,
cho nước, cho văn chương, cho tư tưởng mà Tiên sinh đã phải trả giá đắt bằng cả
sức khoẻ và sau cùng cả cái đời của Tiên sinh.
Nhưng
có phải ai cũng có cái may mắn được đến đây để tìm cái tôi đã tìm và để có
những cảm giác tôi đã có đâu (*). Nghĩ vậy tôi đành làm công việc theo sức lực
của tôi. Mong các ngài sẽ rộng lượng đối với sự hèn yếu của ngòi bút tôi, thêm
vào đây cả sự gay go của thời đại này nữa.”
(*) Lê Thanh cũng đã ghi trong sách của ông đôi
lời cảm tạ như sau: “Tôi thành thực cảm
ơn ông Trương Vĩnh Tống, thứ nam Trương tiên sinh, đã hết sức giúp đỡ tôi trong
khi chúng tôi tìm tài liệu tại nhà kỷ niệm “Trương Vĩnh Ký” tại chợ Quán, đã mở cửa thư viện gia đình ở
đường Frères Louis (nay là đường Nguyễn Trải), Sài Gòn, cho tôi xem nhiều giấy
má can hệ về Trương tiên sinh, đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện thuộc cái đời riêng
của Tiên sinh. Ông đã dặn tôi nên dè dặt khi lựa chọn tài liệu. Tôi đã thận
trọng chỗ ấy. Tuy vậy nếu có đoạn nào làm cho ông không vừa ý, chúng tôi xin
lỗi trước và thưa rằng cái gì thuộc về Trương tiên sinh đã thuộc về lịch sử cả
rồi. Mà cái gì thuộc về lịch sử đều đáng quý cả”
Quyển sách này do Ứng Hoè Nguyễn văn Tố đề tựa, Nguyễn
Văn Tố là một học giả có nhiều uy tín và nổi danh ở tiền bán thế kỷ XX.
Cũng chính Nguyễn Văn Tố trong bài “Petrus Ký (1837 - 1898) đăng trong Bulletin
de la Société Mutuelle du Tonkin, tom 27 no. l - 2 Janvier - Juin
1937, tr. 27 - 67, đã nhận định sâu sắc và xác đáng về nhân cách đáng quý mến
của Trương tiên sinh bằng ba chữ: “Science,
Conscience ét Modestie” (Khoa Học, Tâm
Thuật và Khiêm tốn).
Ưng Bình Thúc Dạ Thị, nhà lão thành có kiến thức
uyên bác ở xứ Huế, trong tập thơ “Tiếng
Hát Sông Hương” do Tôn Nữ Hỷ Chương
xuất bản
năm 1972, nơi tr. 46, có bài thơ “Văn hào Trương Vĩnh Ký” đã diễn tả một lòng kính trọng tiền nhân như sau:
“Đạo
đức văn chương là ông Trương Vĩnh Ký,
Có
tân thơ, có báo chí, có tự vị rõ ràng,
Thanh
danh rạng giữa dinh hoàn,
Học
xưa biết trước chỉ đàng cho hậu sanh.”
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ
trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên Sài Gòn, là Trưởng ban tổ chức ngày
giỗ 100 năm của nhà bác học Petrus Ký tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ vào
ngày 30 tháng 8 năm 1998 đã viết bài “Trường Petrus Ký và nhà bác học Trương
Vành Ký” trong đặc san kỷ niệm buổi giỗ này, nơi tr.121 và 122, có một nhận xét
rất chí lý về Trương tiên sinh như sau:
“Nói đến
Petrus Trương Vĩnh Ký là phải nói đến vai trò “khai đường mở lối” của Ông trên
các địa hạt sau dây:
(l)
Dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ nôm và chữ Hán trong việc biên khảo, trước tác.
(...)
(2)
Viết câu văn xuôi thay lối văn biền ngẫu của các nhà Nho. Trong văn chương chữ
Hán và chữ Nôm, không có văn xuôi, tất cả là văn có vần có đối như thi, phú,
hát nói ... Petrus Ký là người đầu tiên viết văn xuôi trong lãnh vực sáng tác.
(3)
Xây dựng nền học thuật mới tổng hợp văn hoá Á Đông và văn minh Tây Phương để
thay thế nền học thuật cũ của Nho gia. Ông là người đầu tiên đề xướng việc học
hỏi khoa học kỹ thuật của văn minh Âu Tây đồng thời bảo tồn và phát huy tinh
thần đạo đức của Á Đông. Đó là con đường mà sau này nhóm Nam Phong tạp chí của
thế hệ 1917 sẽ tiếp nối. Đó cũng là tinh thần dân tộc, khai phóng và nhân bản
mà nền giáo dục phổ thông của Việt Nam Cộng Hòa dùng làm nguyên tắc căn bản
(...).
(4)
Petrus Ký là người đầu tiên làm báo theo đúng nghĩa của một tờ báo. Thật ra thì
tờ Gia định báo chỉ như một tờ tin tức công quyền, chuyên đăng những nghị định,
những thông cáo của chính quyền mà thôi. Khi Petrus Ký trông coi thì tờ báo mới
có thêm tin tức và những bài vở có giá trị khảo cứu sáng tác.”
Gần dây, Christine Nguyễn đã trình một tiểu luận
bằng Master of Library Science tại Queens College City University Of New York,
Hoa Kỳ, vào ngày 26 tháng 12 năm 1995 với đề tài “Petrus J. B. Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) and The Dissemination of Quốc
ngữ. An Annotated Bibliography of by and about a
Vietnamese Scholar”.
(Petrus Jean Baptiste (1837 - 1898) và sự truyền bá chữ Quốc ngữ: Thư tịch có
chú giải về các tác phẩm do Trương tiên sinh viết và các tác phẩm viết về nhà
bác học Việt Nam này).
Các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký có
một số lượng đồ sộ cùng với một nội dung vô cùng phong phú, thuộc nhiều đề tài khác
nhau như sử ký, ngữ học Việt Nam, dịch thuật, chú thích Tứ Thư (Đại học, Trung
dung, Luận ngữ, Mạnh tử), văn học dân gian, các bản văn chữ Nôm, chữ Nho, sách
giáo khoa ...; và nhất là có giá trị lịch sử, sẽ là đối tượng của nhiều luận án
sau này nữa.
Ngày nay cuộc đời và sự nghiệp văn
hóa của Trương Vĩnh Ký đã có tầm vóc quốc tế. Chúng ta có thể thấy Petrus Ký ở trong
nhiều bộ bách khoa tự điển, tự điển tiểu sử danh nhân bằng 3 thứ tiếng Việt,
Anh và Pháp.
Ngoài bài viết rất có giá trị của
Nguyễn Văn Tố bằng tiếng Pháp hồi năm 1937 tại Hà Nội mà tôi dẫn ở trên, còn có
một quyển khác cũng rất có giá trị do một người Pháp viết:
-
Jean
Bouchot, Petrus J. B. Trương Vĩnh Ký: Un
Savant et un Patriot Cochinchinois, 3ème éd. Revue et conigée, Sai Gon: Nguyễn
Văn Của, 1927, l06p.
Có nhiều sách viết về Tiên sinh bằng tiếng Anh,
trong đó có 3 quyển đáng lưu ý là:
-
De
Francis, John, Colonialism and Language Policy
in Việt Nam: Contributions to the Sociology of Language, NewYork; Mouton
Publishers, 1977, 293 trang.
-
Milton,
E, Osborne, The French Oresebce in
Cochinchina and Cambodia:
Rule and Response (1859 - 1905). Ithaca:
Cornell University Press, 1969, 379 trang.
-
Thomsom,
J., The Straits of Malacca, Indochina: or, Ten Year's Travels, Adventures and
Residence Abroad, NewYork: Harper & Brothers, 1875), tr.177, 178. Đây
là cuốn du ký vùng Đông Nam Á, trong đó Thomsom có kể lại việc đã gặp Petrus
Ký, ghi lại tiểu sử của Trương tiên sinh và khen Petrus Ký nói tiếng Anh rất
giỏi: “Perfect English, with just a
slight accent, while in French he could converse with the same purity and ease.”
Tr. 177
Phong cách đáng tôn trọng của Trương
tiên sinh và sự nghiệp văn hóa lẫy lừng của Ông đã là đề tài cho nhiều bài thuyết
trình, bài viết cũng như nhiều quyển sách có giá trị, có nhận định sâu sắc,
khách quan vô tư, và có tinh thần dân tộc, khai phóng, nhân bản, chẳng hạn như:
-
Đặng
thúc Liêng, Trương Vĩnh Ký Hành Trang,
Sài Gòn: nhà in Xưa Nay, 1927.
-
Huyền
Mặc Đạo Nhân, Danh Nhân Nam Kỳ: cụ Trương Vĩnh Ký, Sài
Gòn: Báo Nguyệt San Đồng Nai, số 23 - 24, l5 Janvier - l Février 1933, tr. 21 -
26.
-
Huỳnh
Văn Tòng, Tờ Báo đầu tiên ở Việt Nam, Gia
Định Báo, Lịch sử báo chí ViệtNam, Sai Gòn: Trí Đăng , 1973, tr.51 - 56.
-
Khổng
Xuân Thu, Trương Vĩnh Ký, Sai Gòn;
Tân Việt, 1958.
-
Lê
Thanh, Trương Vĩnh Ký, Biên Khảo, Hà
Nội: Tân Dân, 1943.
-
Lưu
Khôn, Một Quan Niệm Chép Sử của Sĩ Tải
Petrus Trương Vĩnh Ký ,California: Đặc San Petrus Ký,1998, tr.30 - 31.
-
Nguyễn
Thanh Liêm, Trường Petrus Ký và Nhà bác
học Petrus Ký, California: Đặc san Petrus Ký 1998, tr. 119 - 123.
-
Nguyễn
Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký, Con Người và Sự
Thật, Sài Gòn: Ban Khoa Học Xã Hội, tháng 5 năm 1993.
-
Nguyễn
Văn Trung, Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa.
Sài Gòn: Hội Nhà Văn, tháng l l năm 1993.
-
Phạm
Thế Ngũ, Trương Vĩnh Ký trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Tập III, Sài Gòn: Quốc Học Tùng
Thư tr. 51 - 56.
-
Vũ
Ký, Trương Vĩnh Ký: Nhà thông thái và nhà
giáo dục, trích bài diễn văn của chính giáo sư Vũ Ký đại diện Bộ Giáo Dục Việt
Nam Cộng Hòa đọc trong buổi lễ Tưởng niệm Trương Vĩnh Ký ngày 02 tháng 8 năm
1973 tại Sài Gòn, đăng lại trong đặc san Petrus Ký 1998, tr.23 - 29.
-
Vương
Hồng Sển, Cánh Buồm Bể Hoạn trong quyển
Hơn Nửa Đời Hư, Califomia: Văn nghệ,
1994, tr.237 - 238.
3.6. Quan niệm về xuất xử của Petrus Ký
Trương tiên sinh đã từng gặp những
thăng trầm trên bước hoạn lộ. Ngày 11 tháng 11 năm 1886, toàn quyền Paul Bert
từ trần tại Hà Nội vì bị bịnh. Trong lúc đó tiên sinh đang nghỉ phép ở Sài Gòn,
hay tin này Ông liền cáo bịnh để xin từ chức và không còn trở ra Huế làm việc
nữa. Quyền Thống sứ Paulin Vial, nguyên là một phụ tá của Paul Bert, đã tìm
cách triệt hạ các người của Paul Bert ấy. Tháng 12 năm 1886, Paulin Vial ra
lệnh sụt lương của Petrus Ký và còn dự định bãi chức ông nữa, có thể một phần
để dứt vây cánh của Paul Bert nhưng cũng có thể vì Ông đã biết quá nhiều trong
lúc làm nhiệm vụ trung gian giữa chánh phủ bảo hộ Pháp và triều đình Huế, cũng
có thể vì Ông vẫn luôn luôn thương đồng bào và yêu nước Việt Nam. Nhưng may mắn
thay, nhờ Petrus Ký có nhiều bạn thân ở Tây can thiệp nên họ đưa Ông trở lại
làm việc tại Súy phủ Sài Gòn và cho đi dạy học trở lại. Lúc ấy Ông được 50 tuổi
ta, và đã hiểu biết thế nào là thiên mệnh. Trước Ông , Nguyễn Công Trứ cũng đã
từng trải qua cảnh vinh nhục trên bước hoạn lộ:
“Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi,
Đổi thay ắt đã thấy ba đời*
Ra trường danh lợi vinh liền nhục,
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Chuyện
cũ trải qua đà chán ngắt,
Việc
sau nghĩ lại chẳng thừa hơi.
Đã
hay đường cái thường ra thế,
Sạch
nợ tang bồng mới kể người”.
(Nguyễn
Công Trứ, Làm quan bị
cách)
-----------
* Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị
Trên chính trường, vinh nhục như trở
lòng bàn tay. Hôm nay chiến thắng thì làm vua hưởng vinh quang, ngày mai thua
thì làm giặc chịu nhiều cảnh nhục nhã. Chán ngán quan trường, nhiều vị quan
muốn vứt bỏ mọi chức tước, công hầu, khanh tướng nào có còn ý nghĩa gì nữa; lợi
danh, thị phi cũng bỏ ngoài tai để lui về ở ẩn, để vui thú điền viên và hưởng
cảnh an nhàn.
Quan niệm về xuất xử của ông thì
cũng như của các nhà Nho ngày xưa: “tiến vi quan, thoái vi sư”. Xuất
là ra làm quan, xử là về ở ẩn. Nhưng lúc nào tiến, lúc nào phải dừng lại, lúc
nào thoái, đó là một triết lý hành động tùy thuộc vào quan niệm về cuộc đời của
từng người. Theo Petrus Ký, Trương Lương là tấm gương minh triết soi sáng cho Ông
về con đường xuất xử Ông đã tỏ bày tâm sự này qua bài “Trưng Lương hầu phú” được Ông sáng tác vào năm 1882, và trong một
bức thư gởi cho các bạn thân để trả lời câu hỏi: “Tại sao tôi đắc thời mà không chịu ở lại làm quan tại triều đình Huế”,
có đoạn như sau:
“(…) Ông đã
có viết thư mà hỏi tôi sao từ giã đường công danh đi mà không chịu làm quan nữa
...? Giữa đám tiệc tôi không dám nói cho hết tiếng mà đáp lại cho hết ý. Nên
nay có thiếp của các ông gởi mừng ngày lễ bổn mạng tôi xin tạm ít chữ trần
trình cho các ông hay, kẻo các ông có lòng thương mà tiếc cho tôi.
Ở
đời xử đám công danh là khó lắm, đưa đường danh lợi là hiểm nghèo lắm; một là
nên hai là hư, mà hư thì thường thường nhiều hơn, hễ mê hễ đắm ham hố quá thì
làm sao bắt chước Trương Lương dụng khí minh triết bảo thân (khôn ngoan để giữ mạng sống), là lo xét coi vọi nhắm chừng cho biết
đường tấn thối mà rứt mình ra khỏi bẫy được”.
Trương Lương là ai mà Trương Vĩnh Ký đã tôn sùng
và quý mến như vậy? Chúng ta hãy trở về lịch sử xa xưa của Trung Quốc để tìm
hiểu về Trương Lương.
Nhà Tần (221 - 206 tr.TL) bạo ngược. Tần Thủy
Hoàng đã đốt sách chôn học trò. Các vua nối nghiệp vẫn tiếp tục chính sách bạo
tàn ấy, cho nên có nhiều cuộc loạn nổi lên. Trần Thắng khởi binh ở đất Kỳ, Hạng
Lương và cháu là Hạng Tịch ở đất Ngô, Lưu Bang ở đất Bái. Trần Thắng và Hạng Lương
lần lượt bị tử trận. Cuối cùng thì Hạng Tịch và Lưu Bang tiến vào được đất Tần,
cướp phá kinh đô Hàm Dương, giết vua cuối cùng của nhà Tần là Vương Tử Anh,
quật mồ Tần Thủy Hoàng và đốt sạch các cung thất nhà Tần. Hạng Tịch, tức Hạng
Võ, lập Sở Hoài Vương làm Nghĩa Đế, nhưng chẳng bao lâu lại giết đi để tự xưng
là Tây Sở Bá Vương. Hạng Võ phong Lưu Bang làm Hán Vương ở đất Ba Thục và Quang
Trung.
Hán vương Lưu Bang may mắn có 3 bậc tuấn kiệt giúp
sức là: Tiêu Hà coi việc phụ chính, Trương Lương làm quân sư, Hàn Tín làm đại
tướng, nên quyết tranh giành thiên hạ với Tây Sở Bá Vương Hạng Võ. Hán - Sở
tranh hùng được gần 6 năm thì Hàn Tín đánh bại Hạng Võ. Hạng Võ thua trận và
chạy tới sông Ô Giang thì tự vận. Trong 6 năm tranh hùng ấy, quân sư Trương Lương
đêm ngày ở bên cạnh Lưu Bang để bàn mưu, hiến kế. Hán vương Lưu Bang lên ngôi
Hoàng đế năm 202 trước Tây lịch, tức là vua Cao Tổ liền phong điền và bổng lộc
cho hơn một trăm khai quốc công thần trong đó có Hàn Tín làm Sở Vương, Tiêu Hà,
Bành Việt, Anh Bố đều được phong vương.. . Riêng Trương Lương thì ông đã khéo
léo tìm cách từ chối mọi chức tước, công hầu khanh tướng, và xin về Lưu Huyện,
thuộc đất Bái là nơi mà ông đã theo Lưu Bang phất cờ khởi nghĩa chống nhà Tần. Trương
Lương trở về vui thú điền viên, sống đời của kẻ ẩn sĩ.
Lưu Bang là một nông dân vô học, vô tài, thiếu đức,
nhưng lại có nhiều thủ thuật cao cường và thâm độc. Lúc vừa mới lên ngôi, Lưu
Bang đã say mê cơn chiến thắng và tự đắc tưởng rằng đã đến lúc không cần tới
các kẻ có tài đã từng theo giúp ông nữa. Một hôm ông mắng Lục Giả rằng: “Ta
ngồi trên mình ngựa mà được thiên hạ, đâu cần học Thi, Thư”, có hôm Lưu Bang gặp
một nho sinh ở ngoài đường rồi lấy nón của người học trò liệng xuống đất và đái
lên nón ấy. Hán Cao Tổ lại có lòng nghi kỵ, luôn luôn sợ người lật đổ. Nên
chẳng bao lâu, Lưu Bang giết hoặc hãm hại sạch cả khai quốc công thần mà vua có
ý nghi ngờ, họ là những người đã từng vào sanh ra tử để giúp cho Lưu Bang xây
dựng đế nghiệp nhà Hán. Hàn Tín và Bành Việt bị giết cả ba họ
Anh Bố thấy vậy bỏ trốn nhưng rồi cũng bị giết. Tiêu
Hà thì bị bắt cầm tù . . . Riêng Trương Lương đã về ẩn dật nơi thảo dã, xa cách
kinh thành nên đã bảo toàn được tính mạng. Đó là thái độ “minh triết bảo thân” của ông. Người đời sau tôn sùng và quý mến
Trương Lương nên đã lập miếu thờ ông. Trương Lương là bậc minh triết đáng tôn
kính. Quả thật là:
“Tri mệnh,
thức thời duy tuấn kiệt” (Nguyễn Công Trứ - Cầm, kỳ, tửu)
Việc làm của Lưu Bang đã khiến hiền tài ẩn náu,
không ai dám ra làm quan. Nội triều không có kỷ cương, rối loạn; dân chúng thì
đói khổ; giặc Hung Nô thì quấy nhiễu ở biên thùy: Thế rồi Lưu Bang mới nhận ra
ngồi trên lưng ngựa có thể chiếm thiên hạ, vó ngựa, binh đao chỉ làm khiếp lòng
người mà thôi; chứ ngồi trên lưng ngựa thì không thể nào mà trị được thiên hạ. Muốn
trị thiên hạ thì phải cần đến kẻ sĩ, đến những người có học thức, với tài kinh
tế (viết tắt chữ kinh bang, tế thế có nghĩa là sửa nước, giúp đời; hoặc kinh thế,
tế dân có nghĩa là trị đời, giúp dân). . . Nên cuối cùng Hán Cao Tổ đã dùng Lục
Giả, Thúc Thôn Thông, Lịch Tư Cơ nghiên cứu phép tắc của thời trước mà đặt ra triều
nghi, từ đó triều đình mới có trật tự; và sửa đổi việc trị dân,nên dân chúng
mới có đời sống khá hơn. Hán Cao Tổ làm vua được 8 năm thì băng hà.
Dân chúng Trung Quốc cũng đã tôn kính Khổng Minh
Gia Cát Lượng và Quan Công, hai nhân vật lỗi lạc theo phò tá cho hậu duệ nhà
Hán là Lưu Bị dưới thời Tam Quốc, và đã lập miếu thờ các vị này ở khắp nơi;
thời dân Việt Nam cũng tôn kính nhà minh triết Trương Vĩnh Ký như vậy.
4. Kết Luận
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã có công lao to tát
trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, Ông là vị Tổ của ngành báo chí viết bằng
chữ Quốc ngữ . . . Riêng trong lĩnh vực hành chánh, Trương tiên sinh là một nhà
hành chánh lỗi lạc, luôn luôn chu toàn phận sự của mình, trong công vụ lúc nào
Ông cũng chí công vô tư, và nhất là Ông có lòng thanh liêm, một đức tính cao
quý của nhà hành chánh. Tiên sinh là một người trí thức cao thượng có đầy tâm
huyết đối với sự an nguy của đất nước và dân tộc. Trương tiên sinh rất đáng
được tôn sùng và kính mến.
Trong bài “Trương
Vĩnh Ký: Người thầy giáo xuất chúng của đất Nam Kỳ” đăng trong Đặc san Petrus
Ký, số kỷ niệm ngày giỗ trăm năm nhà bác học Petrus Ký, do Liên Hội ái Hữu
Petrus Ký Bắc và Nam Cali ở Hoa Kỳ thực hiện, tháng 8 năm 1998, tr.41, tôi đã
viết:
“Petrus Ký
và sự nghiệp của tiên sinh sẽ sống mãi với thời gian. Trương tiên sinh là nhà
bác học, nhà yêu nước, nhà hiền triết, nhà văn, nhà giáo xuất chúng của Việt
Nam. Chúng ta không những phải học hỏi những kiến thức quý báu của tiên sinh mà
còn phải học hỏi cái tấm gương đạo đức sáng ngời của tiên sinh nữa. Trương tiên
sinh quả là bậc siêu nhân (superior man), một vĩ nhân của nước việt Nam . Tiên
sinh đã làm tròn sứ mạng lịch sử của mình giữa lúc đất nước đã rẽ qua một khúc
quanh mới: triều đình Huế và các sĩ phu đã không giữ được đất nước, giang san
đã bị Pháp thôn tính, mà nhiều người trí thức vào thời điểm ấy phải có một sự
lựa chọn để cứu vãn cho đất nước.
Như
đã trình bày ở trên, tiên sinh chỉ có con đừờng là ra hợp tác với Pháp và nhờ đó
mà có thể vận động cuộc cách mạng về giáo dục để nâng cao dân trí và canh tân
đất nước.
Điều
mà tiên sinh thành công là cuộc cải cách về học vấn, các thế hệ thanh niên sau
này đã nghe lời dạy của tiên sinh mà quyết tâm đi học cái Tây học để học hỏi
cái học thuật, tư tưởng, kỹ thuật, kinh tế, chính trị ... của Tây Phương, và
cuối cùng sử dụng cái sở học này mà tranh đấu giành lại độc lập, tự do cho đất
nước.
Petrus
Ký là vị thầy kính yêu muôn đời của Việt Nam, kiến thức của Trương tiên sinh có
chiều cao ngất trời. Tiên sinh đã vận dụng cái vốn kiến thức quý báu đó vào
ngòi bút để chuyển lửa, để truyền đạt ngọn lửa cải cách giáo dục vào tim, vào
óc của kẻ hậu sinh với ước mơ thế hệ mai sau sẽ thực hành lời dạy của mình; bao
nhiêu mong ước ấy có ngờ đâu đã trở thành hiện thực. Những người như tiên sinh
thì sống mãi mãi trong tâm thức của chúng ta. (For men such as he
who lives in our hearts and our minds forever)”.
No comments:
Post a Comment