03 November 2011

Yếm Thu, tranh Nguyễn Thế Vĩnh

Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long

Ðôi gò Bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch Đào nguyên suối chửa thông
(Hồ Xuân Hương)
 
Bức họa mùa thu lẽ ra trình làng sớm hơn nhiều nhưng không hoàn thành được vì mỗ trục trặc sức khỏe. Tưởng tranh đã bị "sượng", nhưng bạn bè nói là không sượng. Thế là bức vẽ lại được tiếp tục và hoàn tất cũng vẫn còn trong mùa thu. (Ở Canada tháng 9, 10, và 11 là mùa thu).  Bức tranh chưa có tên Anh ngữ. Mời quí anh chị coi cho vui.  

Yếm trong "Yếm Thu" có hơi khác với yếm xưa, nó có vẻ tân thời, nhưng mục đích yếm cũ hay "yếm" mới vẫn là một. Xin trích một đoạn từ Wikipedia nói về yếm. (A.C.La)

**
Yếm trong thơ văn Việt Nam

Hình ảnh chiếc yếm đã đi sâu vào ca dao Việt Nam. Nó đã trở thành một chủ đề quán xuyến quen thuộc, tạo nên sự lãng mạn và đáng yêu cho những câu thơ ca tình tứ của dân tộc.

Từ những câu tỏ tình của các chàng trai trong các cuộc gặp gỡ
Hỡi cô mặc áo yếm hồng
Đi trong đám hội có chồng hay chưa?...
Cô kia yếm trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh.
Bao giờ cà chín cà xanh
Anh cho một quả để dành mớm con.
Cho đến câu nhớ nhung, mong đợi của kẻ xa quê
Mình về mình có nhớ chăng
Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình.
Ta về ta cũng nhớ mình
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao
Rồi chiếc yếm lại trở thành vật trao tình của các cô gái trẻ. Yêu anh thì mới trao yếm cho anh. Khi anh hỏi mượn em chiếc yếm là ý anh muốn hỏi em có yêu anh không, có đồng ý theo anh không.
Thuyền anh ngược thác lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Ở gần mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang
Dải yếm thì làm sao mà dùng dây kéo thuyền được, làm sao mà bắc cầu được? Nhưng đấy chỉ là ẩn ý thôi, cái anh thực sự muốn là chân tình của em. Em phải dùng "yếm" làm dây bắc cầu thì anh mới sang.

Rồi dải yếm lại trở thành một biểu tượng cho tình yêu giữa đôi trai gái
Trời mưa trời gió kìn kìn
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông
Bên ngoài mưa gió lạnh rét, đôi uyên ương dùng đôi dải yếm để đắp và vẫn thấy ấm áp hơn nằm trong nghìn lớp chăn bông. Đó không phải là vì dải yếm có sức cách lạnh tốt, mà là vì dải yếm là biểu tượng cho tình yêu của lứa đôi, tình yêu ấy có thể làm ấm lòng người giữa tiết trời giá rét.

Đối với những đôi trai gái không được nên duyên nên phận vợ chồng như mong ước, chiếc yếm lại hiện lên trong câu thơ xót thương tiếc nuối của các chàng trai.
Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân
Yếm còn trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ thi sĩ Việt. Tác giả bài "Chùa Hương" khi tả một cô thiếu nữ đẹp đang lên chùa đã viết
"Em đeo giải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao".
Vẫn nguồn cảm hứng từ chiếc áo yếm, nhà thơ Hoàng Cầm đã viết nên khúc "Hội Yếm Bay"
"Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp
Bay cờ triệu yếm ríu ran ca
Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội
Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi"
Còn nhà thơ Nguyễn Bính khi bày tỏ sự tiếc nuối đối với cô em thôn nữ của ông đã viết
"Nào đâu chiếc yếm lụa đào.
Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?..."





Yếm Thu

 Oil on canvas
30x30 inch (76x76 cm)
by
A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
*
All rights reserved


ÁO THU XƯA

Lạnh em thu chợt ngại ngùng,

Vàng ươm phố núi, chập chùng heo may.

Áo xưa tím nắng cuối ngày,

Mong manh em, má môi đầy dấu ai.

*

Chiều phong đỏ lá hiên ngoài,

Áo thu xưa có nhạt phai, chút tình?

LAN ĐÀM

12/11

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...