16 November 2011

Một lời chúc cho quê hương...

Dòng sông tuổi nhỏ

Trần Việt Trình
La Maritza c'est ma rivière
Comme la Seine est la tienne
Có nghĩa là:
La Maritza là dòng sông của tôi
Cũng như sông Seine là dòng sông của bạn
Đó là hai câu mở đầu của bài hát La Maritza của Pierre Delanoë và Jean Renard do Sylvie Vartan hát và nổi tiếng vào thập niên 60, 70. Sylvie sanh ngày 15 tháng 8 năm 1944 tại thành phố Iskretz, Sofia, Bulgarie. Cha cô, Georges Vartan, là một người Bulgarie gốc Armenie còn mẹ cô, Ilona (née Mayer), là người Hungarie. Cha cô là tùy viên sứ quán Pháp ở Sofia, thủ đô của Bulgarie. Tháng chín năm 1944, khi cô chỉ mới được một tháng tuổi thì Hồng quân Nga chiếm đóng Bulgarie, nhà bị tịch thu, gia đình cô phải dọn về thủ đô Sofia ở tạm. Năm 1952, khi chính quyền cộng sản Bulgarie thi hành chính sách tịch thu tài sản, cấm đoán các quyền tự do thì gia đình cô trốn chạy qua Pháp tỵ nạn và cư ngụ tại Paris. Lúc đó Sylvie chỉ mới được tám tuổi.

Maritza là dòng sông chính của Bulgarie, chảy từ Đông sang Tây. Nó là niềm hoài niệm về tuổi thơ ấu êm đềm của Sylvie. Những kỷ niệm vẫn bám theo cô cả đời, thật gần nhưng cũng thật xa, xa tít mù trong tiềm thức.
Tous les oiseaux de ma rivière
Nous chantaient la liberté
Quand l'horizon s'est fait trop noir
Tous les oiseaux sont partis
Sur les chemins de l'espoir
Et nous ont les a suivis,
A Paris...
Tạm dịch:
Những con chim trên dòng sông của tôi
Chúng hót cho chúng tôi nghe về sự tự do
Khi chân trời bỗng đen tối
Chúng đã đồng loạt ra đi
Đi trên con đường của hy vọng
Và chúng tôi cũng theo chúng,
Đến Paris...
Trước 75, những ai yêu thích nhạc trẻ chắc hẳn vẫn không quên giọng hát trong trẻo của Thanh Lan với bài hát La Maritza này lời Việt tựa đề “Dòng sông tuổi nhỏ” của Vũ Xuân Hùng:
Nhánh sông thân yêu ngày chưa biết buồn
Đã ru tôi trọn ngày thơ ấu
Ngỡ quên đi cùng năm tháng dài
Sao giờ bỗng hồn đầy nhớ thương
Dòng sông cũ ...
Những thân yêu trong mười năm bé dại
Bỏ tôi đi tựa mùa xuân cũ
Búp-bê xinh ngày xưa nát rồi
Riêng còn sót một giọng hát thôi
Ngày mới lớn ...
Những con chim bên dòng sông êm đềm
Hát cho nghe bài ca phiêu lãng
Rất thơ ngây nào tôi biết gì
Khi chợt thấy người ngồi lắng nghe
Thật say đắm ...
Đến khi đêm đen dần buông xuống rồi
Những chim kia cùng nhau cất cánh
Đến phương xa hồng tươi hy vọng
Gia đình cũng về thành phố xưa
Đầy ánh sáng ...
Ở kinh thành Paris đầy ánh sáng, Sylvie học tiếng Pháp để hòa nhập với đời sống mới. Họ của gia đình cô là Vartanian nhưng cha mẹ cô rút ngắn lại thành Vartan sau khi tỵ nạn qua Pháp. Năm mười bẩy tuổi, Sylvie được thu đĩa tiếng hát của riêng mình lần đầu tiên, được báo chí để ý và đặt cho cô danh hiệu La Lycéenne de Twist.

Những năm 60, Sylvie Vartan cùng với France Gall và Françoise Hardy trở thành những gương mặt tiêu biểu của dòng nhạc trẻ tại Pháp. Phong trào này được gọi là yé-yé phiên âm từ chữ yeah-yeah của Mỹ. Sự nghịêp của cô đạt đến tột đỉnh vào những năm 68, 69 và vẫn tiếp tục sáng chói qua bao thập niên. Thời đó Sylvie Vartan được mệnh danh là một trong những ca sỹ yé-yé xinh đẹp ăn khách nhất cuả Pháp nói riêng và thế giới nói chung, kể cả ở Việt Nam.

Năm 2011 này là năm kỷ niệm tròn 50 năm ca hát của nữ danh ca Sylvie Vartan. Sau 50 năm thành công trong sự nghiệp ca hát, Sylvie Vartan vẫn trụ lại trong làng nhạc nhờ một lượng fan hâm mộ đông đảo thuộc nhiều thành phần và nhiều lứa tuổi khác nhau.

Ngày nay, dù đã bước vào tuổi 67 Sylvie vẫn luôn tươi trẻ. Năm ngoái, cô đã được tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cao quý nhân dịp bà tròn 66 tuổi. Phát biểu trong buổi lễ ông nói “Sylvie Vartan không chỉ mang lại niềm vinh dự lớn cho nước Pháp mà người Pháp luôn yêu mến và kính trọng cô”. Sylvie Vartan đã nhận được Huân chương Bắc đẩu Bội tinh lần thứ nhất vào năm 1998. Trong lần nhận Huân chương lần thứ hai này, cô bùi ngùi tâm sự “Điều duy nhất mà tôi tiếc nuối là hôm nay, cha mẹ tôi và anh tôi đã không còn nữa để tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những người mà tôi yêu quý này”.

Mới đây, Sylvie Vartan được nước Pháp phong tặng Huân chương công trạng vì là “một trong những nữ đại sứ nổi tiếng nhất cho những bài hát cũng như cho sự thanh lịch Pháp”. Bộ trưởng Văn hóa và thông tin Pháp Renauld Donnedieu de Vabres đã gọi Sylvie Vartan là “thần tượng của giới trẻ”. Sylvie Vartan còn là đại sứ của Tổ chức Y tế thế giới đảm trách việc chăm lo sức khỏe trẻ em.

Trong suốt sự nghiệp ca hát, Sylvie Vartan đã thâu âm được 38 album nhạc, bán hơn 60 triệu đĩa trên thế giới. Album nhạc gần đây nhất của cô bao gồm ít nhất là 500 bài hát tập hợp trên 21 CD. Bộ sưu tập này chỉ bao gồm những ca khúc thâu trong giai đoạn từ 1961 đến 1986, tức là trong 25 năm đầu sự nghiệp của cô. Sylvie Vartan cũng là một trong những gương mặt hiếm thấy có đến gần 10 quyển sách viết về tiểu sử cô lúc sinh thời. Giới hâm mộ thì lại dành cho cô nguyên một quyển tự điển dày 400 trang để tập hợp lại tất cả những ca khúc mà cô đã thâu và nhất là những giai thoại lý thú xung quanh nguồn gốc và tình huống ra đời của bài hát.
Thời còn trẻ, Sylvie Vartan đã hiến tặng cho làng nhạc Pháp và Việt nhiều ca khúc bất hủ được chuyển dịch sang lời Việt như La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ), Quand Le Film Est Triste (Chuyện phim buồn), La plus belle pour aller danser (Em đẹp nhất đêm nay), Le temps de l’amour (Một thời để yêu), En écoutant la pluie (Nghe nhịp mưa rơi), ...

Trong suốt mấy chục năm ca hát, Sylvie Vartan luôn hát bài La Maritza, một bài ca về quê hương Bulgarie của mình, hát khắp nơi trên thế giới, gói trọn tâm tình mình trong đó, nói về nguyên nhân mình đã phải bỏ nước đi tìm tự do. Bài hát nói về dòng sông Maritza, chân trời bỗng tối đen, các con chim bỏ đi tìm tự do, và Sylvie cùng gia đình cũng theo dấu chim lưu lạc qua Pháp. Năm 1990, Bulgarie không còn chế độ cộng sản, Sylvie trở về nước, nơi mà cô chưa hề quay lại sau khi lưu lạc sang Pháp tỵ nạn cùng gia đình. Sylvie trở về thủ đô Sofia trình diễn. Khi đứng trên sân khấu trước các khán giả Bulgarie, trước khi hát bài hát này, Sylvie Vartan đã chân thành phát biểu bằng tiếng Bulgarie rằng cô mong là thế hệ trẻ hôm nay và các thế hệ tương lai sẽ tìm thấy hạnh phúc với dân chủ và tự do. Cô làm xúc động bao con tim và được khán giả vỗ tay hoan hô nồng nhiệt.
Thật đáng khâm phục! Một cô bé rời xa xứ sở lúc tuổi còn nằm nôi, rồi khi lớn lên, đem tiếng hát của mình, đem tâm sự của mình truyền đi khắp thế giới, nói về lý do mình phải ra đi. Trong suốt cuộc đời ca hát, dù đã thành công tột đỉnh trên xứ người, cô bé ấy vẫn không quên nguồn cội của mình, không quên nguyên do khiến mình phải rời xa quê hương, và chưa một lần trở lại. Chỉ đến khi đất nước không còn bóng dáng cộng sản, cô bé ấy mới về nước, đứng nói với đồng bào của mình, nói bằng ngôn ngữ của xứ sở mà mình đã sinh ra, chúc mừng họ đã có được tự do, dân chủ.

Hiện nay chúng ta cũng có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ từng bỏ xứ đi tìm tự do nay về nước trình diễn, có người sống hẳn ở Việt Nam, nhưng chắc một điều là không ai đứng trên sân khấu (dám) chúc cho đồng bào mình tìm thấy được hạnh phúc, tự do và dân chủ dưới chế độ CS hiện thời. Sofia và Gòn Sài khác nhau ở chỗ đó! Một nơi đã tìm lại được hạnh phúc, tự do và dân chủ còn một nơi thì chưa!

Trần Việt Trình
24 tháng 10 năm 2011
(Nguyễn Đ.Đ. giới thiệu) 

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...