23 November 2011

Giới thiệu sách mới

Đã phát hành tại hải ngoại:
Léon Tolstoi, Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Văn Chương
Tác giả: Trọng Đạt
Người Việt Dallas xuất bản
Sách dầy 340 trang, giá 16 Mỹ Kim.

Cuốn sách tiếng Việt đầu tiên viết về Léon Tolstoi, nhà văn hào lớn nhất thế
giới, có bán tại các tiệm sách



Trích phần mở đầu sách:

Lời nói đầu

Sau khi rời ghế trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1966, tôi đã mang hoài bão biên soạn một cuốn sách về Léon Tolstoi, nhà văn hào Nga mà hồi ấy đã được nhiều độc giả Sài Gòn hâm mộ. Tôi đã gửi mua bên Paris những sách viết về tác giả vĩ đại này để tham khảo nhưng rồi phần vì bận việc sinh sống và vì diễn tiến thời cuộc đa đoan, thời gian trôi qua nhanh, cho tới nay đã gần nửa thế kỷ tôi mới có cơ hội thực hiện được ước vọng của mình.

Sở dĩ tôi bỏ nhiều thời giờ để biên soạn về Tolstoi vì trước hết ông được người mình ưa chuộng, thích đọc, lại nữa ông là cây viết quá lớn trên văn đàn thế giới với những cuốn tiểu thuyết vĩ đại vượt không gian thời gian, đã được coi như những công trình văn hóa của nhân lọai. Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karénine vẫn được coi là hai cuốn best seller trên thế giới, người ta vẫn tái bản, in lại tác phẩm của Tolstoi.

Đối với người Việt mình, ông là một tác giả rất quen thuộc, văn của ông trong sáng, nhẹ nhàng, sâu sắc. Trước 1975, tại cả hai miền Nam Bắc, tác phẩm của Tolstoi đã được dịch ra tiếng Việt và được nhiều người hâm mộ, họ cho rằng tư tưởng của ông gần với Đông phương, có thể tại nước Nga nằm một nửa về phía Âu và một nửa về phía Á. Độc giả như thấy ở ông hình ảnh một nhà hiền triết Đông phương, tư tưởng của ông gần với chữ từ của nhà Phật, chữ nhân của Khổng giáo cũng như tình thương của thánh Ghandi.

Sau 1975 tôi được biết nhiều người miền Bắc chuộng văn Tolstoi khi có dịp vào Sài Gòn bèn tìm mua những bản dịch tác phẩm của ông để xem có gì khác hơn những bản dịch của miền Bắc mặc dù ngoài ấy người ta cũng đã chuyển ngữ nhiều sách nhà văn hào này.

Từ thời tiền chiến truyện Anna Karenine của Tolstoi đã được dịch ra tiếng Việt (A Na Kha Lệ Ninh), nhiều truyện ngắn của ông đã được chuyển ngữ. Khoảng đầu thập niên 70 ông Nguyễn Hiến Lê phiên dịch toàn bộ truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình do nhà Lá Bối xuất bản, hai cuốn tiểu thuyết lớn khác Anna Karénine, Resurrection cũng đã được nhiều người dịch. Cả ba truyện được quay thành phim nhiều lần và đã được khán giả miền nam Việt Nam những năm xưa tán thưởng, ca ngợi. Tại Sài Gòn thập niên 60, 70 có phong trào đọc văn Nga, nhiều tác phẩm của Tolstoi, Dostoevsky, Ivan Turgenev, Paoustovski, Tchekhov… đã được giới thiệu với độc giả Việt Nam, người mình thích văn Nga có lẽ vì nó gần với tinh thần của người Đông phương. Léon Tolstoi được người mình quí trọng hơn nhiều tác giả ngọai quốc khác vì ông dễ thông cảm, người ta tưởng như ông là một nhà hiền triết Á đông với chủ trương bất bạo động, ca tụng tình thương và bác ái.

Không chỉ là nhà văn hào nổi tiếng, Tolstoi cũng là một vĩ nhân trên thế giới, nhà cải cách tôn giáo, nhà tư tưởng, nhà tranh đấu cho tự do công bằng của nông dân Nga. Trước tác của ông đủ các loại triết lý, văn chương, tôn giáo… Nội dung cuốn sách này thật không đủ để diễn tả hết nghệ thuật và con người của Tolstoi. Vì lý do giới hạn tôi chú trọng về văn nghiệp nhiều hơn tiểu sử, chỉ đề cập một cách sơ lược về cuộc tranh đấu giành cơm áo tự do cho nông dân, cũng như hoạt động, trước tác về tôn giáo, triết học của nhà văn hào.

Sách chia làm bốn chương, trước hết là tiểu sử tác giả, sau đến khái luận sự nghiệp văn chương, chương ba đi vào các phẩm tiêu biểu, chương cuối cùng kết luận.

Về văn nghiệp, tôi chú trọng đề cập ba cuốn tiểu thuyết lớn của ông: Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karénine và Résurrection vì nó tiêu biểu cho sự nghiệp tác giả, có thể nói di sản nghệ thuật của ông hầu như nằm trong ba cuốn truyện trường giang đại hải này. Ông viết nhiều truyện ngắn nhưng vì lý do giới hạn tôi chỉ đề cập tới vài đoản thiên nổi tiếng và tiêu biểu của tác giả đã được Tây phương chú ý. Trong phần kết luận tôi để một ít trang so sánh Tolstoi với hai tác giả lớn khác của nền văn chương Nga.

Về tên các tác giả, tác phẩm, nhân vật, địa danh… người Pháp và Anh thường viết khác nhau, thí dụ Pháp viết Léon Tolstoi, Anh Leo Tolstoy, Pháp Anna Karénine, Anh Anna Karenina, Pháp Ivan Tourgueniev, Anh Ivan Turgenev, Pháp André, Anh Andrew… Vì hồi xưa quen nói theo lối Pháp nên tôi thường dùng Léon Tolstoi thay vì Leo Tolstoy như lối Anh, trong sách này phần nhiều theo lối Anh nhưng cũng có nhiều chỗ vì thói quen vẫn theo lối Pháp. Sự nghiệp văn chương của Léon Tolstoi quá lớn, tác phẩm của ông vĩ đại nên công việc nghiên cứu về nhà văn hào này đòi hỏi nhiều thời gian. Mặc dù đã đọc và phân tích kỹ công trình của tác giả nhưng chắc vẫn còn sơ xuất, mọi khuyết điểm và sai lạc nếu có xin quí độc giả chỉ bảo thêm.

Arlington Texas, cuối tháng 7 năm 2011.
Trọng Đạt

No comments:

Post a Comment

Lái Xe Bằng Mồm, thơ xả xú-bắp

LÁI XE BẰNG MỒM (Chuyện có thiệt, ai tin thì tin) Ông kẹ nọ bắt cóc con nít, Bán lấy tiền mua chiếc Tét La. Một hôm đi hành sự Bolsa, Chộp t...