16 December 2010

Hồi ký

Duyên Tu
Nguyễn Đắc Điều

“Duyên tu” đây không phải là việc tu hành thành linh mục hay thượng tọa, mà cái duyên của tôi với ngành tu nghiệp và huấn luyện. Trong nền hành chánh của VNCH chúng ta, có lẽ không có ngành nào bạc bẽo bằng ngành huấn luyện, nhưng tôi yêu nó. Suốt đời công chức, lăn đi đâu rồi tôi cũng lăn về chỗ viết bài, giảng dậy, khảo sát về huấn luyện.  Vì thế tôi coi là duyên.   


“Nụ hoa phát triển”
huy hiệu của
Trung tâm Hội thảo Quốc gia

Khởi duyên

Nhằm cải tiến việc quản trị hành chánh tại trung ương cũng như địa phương, từ năm 1968 Chính phủ đã cho tiến hành một dự án huấn luyện qui mô có tên là “Quản trị Hành chánh Căn bản”. Chủ xướng dự án là Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Tổng Nha Công Vụ và Tiến sĩ Jack Von Dornum (International Training Consultant Co.)

Sau Tết Mậu Thân, tôi được gọi tham gia dự án này. Đó là đầu mối duyên huấn luyện của tôi. Lần đầu tiên, một quản đốc tu nghiệp tỉnh Tuyên Đức được ngồi chung với các chức sắc cao cấp và đàn anh trong ngành huấn luyện tại trung ương. Tôi nhớ trong đó có giáo sư Phạm Đình Thắng, Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin, Anh Hoàng Giao (khóa 3), Giám Đốc Nha Du Học Bộ QGGD, Chị Nguyễn Thị Bạch (khóa 3), Viện Giám Sát, Anh Nguyễn Minh Ty (Cao Học 1) Ban giảng huấn Học Viện, Đại Tá Cảnh Sát Đàm Trung Mộc, Trung tá Cảnh Sát Lê Thanh  Sơn Chánh Sở Huấn Luyện Tổng Nha CS, Ông Nguyễn Ngọc Nê, thuộc Usaid.
Khóa hội thảo được tổ chức tại Học viện Quốc gia Hành Chánh
Chúng tôi có hai nhiệm vụ: một, thảo luận để hoàn chỉnh tài liệu giảng huấn (do anh Lê Phú Nhạn và hãng Westinghouse biên soạn). Hai, chính chúng tôi tiếp nhận một số kỹ thuật huấn luyện mới. Cấp trên nhắm là chúng tôi sẽ trở thành giảng viên hoặc quản trị viên cho dự án tại địa phương cũng như trung ương.
Nhưng sau khóa học, tôi nhận được lệnh gọi tái ngũ. Giáo sư Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông, gọi tôi lên văn phòng ngỏ ý muốn xin hoãn dịch cho tôi để tôi tiếp tục tham gia dự án. Tôi cám ơn đề nghị của Giáo sư Viện Trưởng và xin được nhập ngũ. Tôi nghĩ đằng nào cũng phải đi lính thì đi sớm còn hơn đi trễ. Kỷ niệm sau cùng với Giáo sư là cái bắt tay trước thềm Học viện. Chưa có bàn tay ai mềm mại như tay Giáo sư Bông.
Mối duyên tạm gián đoạn ở đây, cho tới khi tôi được lệnh biệt phái về Bộ Nội Vụ.

 Chuyên viên huấn luyện Bộ Nội vụ

      Vào Trung Tâm 3 Tuyển mộ nhập ngũ Quang trung,tôi lần lượt gặp các anh Bùi vân Cao,Võ văn Hoàn,Trần Hồng,Nguyễn ngọc Liên,Nguyễn đại Thành,Trần minh Giao và Lê vũ Tạo.
Sau một thời gian nằm chờ đợi,Bộ Quốc Phòng quyết định biệt phái chúng tôi về Bộ Nội Vụ để làm Phó Quận Trưởng.
Tại Bộ Nội Vụ, tôi đang chờ sự vụ lệnh biệt phái thì gặp Ông Nguyễn Ngọc Nê. Tôi có duyên với ông vì khi tôi làm Quản đốc Tu nghiệp tại Tuyên Đức, ông đã cùng một cố vấn Mỹ lên quan sát công tác huấn luyện, và tôi đã hướng dẫn hai ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong tỉnh.
Ông Nê kéo tôi lại bảo ông đang cần một tay... như Điều!
Số là bên Usaid cấp cho Bộ Nội Vụ một ngân khoản lớn để huấn luyện viên chức xã ấp trong chương trình tấn công bình định thuộc chiến dịch Phượng Hoàng. Ngân khoản sắp hết hạn, phải làm gấp. Xét không có nhân sự viết tài liệu huấn luyện trong thời gian cấp bách như vậy, Bộ Nội Vụ chê tiền!  
Ông Nê trình với Ông Tổng Thư Ký Trần Hữu Đức xin giữ tôi tại Bộ để làm việc này, thay vì trả tôi về Tuyên Đức. Ông TTK Đức chấp thuận, nhưng đòi tôi làm đơn xin. Tôi thì ngang, tuy gặp đúng việc mình thích, cũng không thích xin, ai đẩy thì tôi lăn thôi. Sau ông Nê lobby đâu đó mà sự vụ lệnh giữ tôi lại Bộ “vì lý do công vụ” (tôi tránh được ba chữ “theo đơn xin”). Chức vụ: chuyên viên huấn luyện thuộc Sở Huấn Luyện, phụ cấp chức vụ “ngang hàng chánh sở”. Lần đầu tiên tôi biết có cái chức như thế..

Soạn thảo tài liệu “Huấn luyện viên chức xã ấp” 

Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam và việc tranh thủ nhân tâm, canh tân xã hội ở hạ tầng, tôi thấy cái nhìn của Juspao về công tác huấn luyện viên chức xã ấp, thật là đứng đắn, đúng sách vở. Trong đóng góp lớn của gia đình QGHC vào công trình này, nếu tôi có góp một viên gạch nhỏ nào, cũng là nhờ duyên.
Tôi trình diện Ông Chánh sở Lê Duy Đức (khóa 2) tại trụ sở trên đường Thống Nhất. Ông để tôi làm việc trong một văn phòng rất rộng lớn, nguyên là đại giảng đường huấn luyện, nhưng nay sử dụng như một nhà kho chứa tài liệu.
Với số vốn huấn luyện xã ấp khi còn làm Quản đốc Tu Nghiệp tại 2 tỉnh Quảng Đức và Tuyên Đức cộng thêm 2 tài liệu căn bản của hai huynh trưởng Nguyễn Trung Trương  và Trương Văn Nam thuộc khóa Đà-Lạt, tôi tự biên tự diễn ra tài liệu huấn luyện viết theo lối mô tả công việc và cách điều hành (job description và job analysis)cho các chức vụ từ Chủ tịch Xã cho tới từng Ủy viên của Hội đồng Xã. Một vài đề tài tôi viết theo thể huấn luyện mới như diễn tập (role playing), thảo luận nhóm (group discussion), trường hợp điển hình (case study).
Ngoài những đề tài thuộc hành chánh chuyên môn, còn có 4 bài liên quan đến tổ chức an ninh tình báo, thông tin dân vận, kỹ thuật thanh lọc trong màng lưới tình báo. Những đề tài thuộc loại này, tôi dùng tài liệu của Chiến Dịch Phượng Hoàng do Juspao cung cấp. Mỗi bài đều có trợ huấn cụ như các flip chart khổ 100 x 65cm và bảng dàn bài tóm lược.
Để kịp chỉ tiêu, Bộ đã cung cấp cho tôi một dàn thư ký đánh máy giỏi của Bộ để đánh cho nhanh những tài liệu tôi vừa viết xong. Trong số thư ký đánh máy này có Ông Đỗ Trọng Tuyến, sau làm Chủ sự Phòng Nhân viên dưới thời Chánh Sở        Nhân viên Nguyễn Quí Thành .
      Chưa bao giờ trong đời công chức tôi được làm việc trong một môi trường độc lập,tự tin và được sự tín nhiệm cùng sự tin cậy lẫn nhau của cấp chỉ huy và các bạn đồng nghiệp như vậy. Tôi hoàn tất công tác trước cả thời gian Ông Nê ước muốn. Tài liệu được Juspao chuyên chở bằng máy bay của Quân đội Mỹ sang in tại Nhật, flip chart được in bằng một thứ giấy đặc biệt nếu dùng băng keo dán, khi bóc không rách giấy. In xong, máy bay quân sự lại chở về ngay. Đây là tài liệu huấn luyện xã ấp, duy nhất được in tại nước ngoài.

Bắt duyên với bằng hữu

Một hôm, tôi dẫn “người duyên nợ” là vợ chưa cưới vào ăn cháo lòng trên đường Hồng Thập Tự. Tôi thấy ba ông Đặng Huyền Thanh, Đỗ Tiến Đức, Nguyễn Quốc Thụy ở bàn bên cạnh, toàn đồng môn đồng khóa cả.
Tay bắt mặt mừng xong, Thanh sang nói chuyện riêng với tôi. Chàng than đã bỏ rừng thiêng nước độc Kontum và đi lính rồi,nay được biệt phái,Bộ bắt phải về lại Kontum.Thanh muốn về  Bộ hay một tỉnh gạo trắng nước trong nào khác. “Cứ để đấy xem sao” tôi nói với người bạn thân, biệt danh Khủng Long.
Quả là Thanh cũng có duyên tu. Vì đúng lúc đó, ông Nê bên Usaid cần kiểm tra công tác huấn luyện viên chức xã ấp. Tôi ngỏ ý cần thêm nhân sự. Ít ngày sau, Thanh về Bộ trong bộ quân phục trung úy. Tôi dẫn Thanh sang ngồi uống cà phê trên lề đường trước cửa Bộ Xã Hội để ăn mừng.
Sau đó ít lâu,Ông Nê xuất ngoại làm giảng viên tiếng Việt cho quân đội Hoa kỳ tại San Antonio.
 Từ đó chúng tôi như cặp bài trùng, đi công tác địa phương, huấn luyện, đều sát cánh trong nhiều năm. Sau khi mất nước, sau khi Thanh đi tù cải tạo về, sang Mỹ, chúng tôi còn được gần nhau(Thanh làm Tổng Thư Ký khi tôi làm Chủ tịch Tổng Hội CSV/QGHC), cho đến ngày anh qua đời. Nhưng chuyện về duyên tu của Thanh tôi sẽ còn kể tiếp.

      Các chuyến đi công tác được mệnh danh “hai chuyên viên huấn luyện và một cố vấn Hoa kỳ” này chỉ là cái cớ  để chúng tôi gặp gỡ các Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh,để hâm nóng tình bạn, tình đồng nghiệp, đồng môn. Trong vòng đồng nghiệp lại có một vòng thu hẹp là lòng đam mê – hay là sự tin tưởng ngây thơ – của số ít người cho rằng huấn luyện là bước đầu một cái gì tốt đẹp.
Chúng tôi đi Quảng Nam để gặp Nguyễn Khánh, người cùng làm với Thanh ở Kontum. Chúng tôi đi Quảng Đức gặp Nguyễn Thế Chu. Phạm Gia Định ở Kontum. Nguyễn Ngọc Vỵ ở Darlac. Đặng Huy Túc ở Cà Mau. Nguyễn Hữu Kế ở Ba Xuyên. Đặng Văn Thạnh ở Pleiku. Lên Đà Lạt, tưởng gặp ai, lại là Phạm Gia Định mới chuyển từ Kontum về. Nguyễn Chí Thiệp ở Quảng Nam…
Nhờ đi một vòng lớn như thế, ngoài kinh nghiệm nghề nghiệp, chúng tôi kết bạn tâm giao với một số người mới như Thạnh và Thiệp.
Chuyện vui có thật – chúng tôi kết hợp công vụ với giải trí! Tôi cùng với Thanh áp dụng kỹ thuật giảng huấn để viết 2 tài liệu “Nghệ thuật đánh mã tước” và “Cách đánh tứ sắc khỏi thường”.

Ngoài các chuyến công tác địa phương nói trên, tại trung ương, tôi đã cộng tác với Tổng nha Công vụ (có anh Nguyễn Đức Phùng Sơn (khóa 1) làm Giám Đốc Nha Huấn Luyện và anh Lê Phú Nhạn (khóa Đà Lạt), đứng đầu chương trình) trong các khóa “Quản Trị Hành Chánh Căn Bản”. Ngoài những lớp cho cấp chủ sự và chánh sở còn có những lớp cho cấp giám đốc.

Duyên du : Hoa Kỳ và Đài Loan

Ý thức tầm quan trọng của huấn luyện và do hậu thuẫn của các chuyên gia Mỹ, năm 1970 Chính phủ đã cho thành lập một chương trình mệnh danh là “Chương trình Quản đốc Tu nghiệp” (Training Administrators Project). Người thiết kế chương trình là Ross Thomas,nhưng Ban Phối Trí gồm: Tổng Giám Đốc Công Vụ (Chủ tịch) và hai ủy viên là Viện Trưởng Học Viện QGHC và Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ.

Cán bộ nòng cốt cho chương trình là một nhóm hỗn hợp Việt-Mỹ. Đoàn chuyên viên Việt Nam có ông Lê Duy Đức, Chánh sở Huấn luyện BNV (trưởng đoàn), ông Nguyễn Thượng Chí, Chánh Sở Huấn Luyện Tổng Nha Thuế Vụ, Đặng Huyền Thanh và Nguyễn Đắc Điều thuộc Bộ Nội Vụ, Đặng Mạnh Hùng, Bộ Chiêu Hồi, Ngô Thanh Tâm, Tổng Nha Công Vụ. Phía Hoa Kỳ có Dr Von Dornum thuộc International Training Consultant (ITC) và một đoàn chuyên viên từ Hoa Kỳ qua.
Nhắc đến các tên tuổi trên đây và và nhiều nơi khác trong bài này một cách tham lam, không phải tôi không biết có thể làm cho độc giả nhàm chán, nhưng tôi xin lỗi phải nhắc, vì các bạn hay huynh trưởng (đa số cùng trường) là một phần của quãng thời gian vàng son trong đời tôi.

Trước khách sạn Billmore (LA) chờ đi “du kháo”
Từ  trái: Điều, Tâm, Thanh, Đức

Phái đoàn đi quan sát công tác huấn luyện tại Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 26 tháng 2 năm 1971 và tại Đài Loan từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3, 1971.

“Đạo diễn” chuyến du hành (Dr. Von Dornum) đã khéo chấm những nơi điển hình nhất về công tác huấn luyện trong lãnh vực công cũng như tư tại Mỹ. Lý thuyết thì có trường Public Admistration School (PAS) thuộc USC, nơi chúng tôi phải “đến lớp” mỗi ngày. Ứng dụng chúng tôi phải đi “field trip” nhiều nơi như Tòa Thị Chính Los Angeles, Tòa Thị Chính Pasadena, Trường Huấn Luyện Lính Cứu Hỏa và Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Los Angeles, Trường Huấn Luyện Nhân Viên Disneyland tại Anaheim, Trường USC, địa điểm  xây cất trường UCI, Trường Berkerly, Trường Caltech.,Nha Nhân Dụng Tiểu Bang California tại Sacramento v.v.

Nhưng chưa chắc mọi nguyên tắc lý thuyết và ứng dụng huấn luyện tại Mỹ thích hợp cho Việt Nam. Vì thế một tuần du khảo Đài Loan có mục đích để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm thích nghi các lý thuyết “tân tiến” vào xã hội Á Đông như thế nào.

Trung tâm Hội thảo Quốc gia

Trở về, chúng tôi làm việc tại một cơ sở mới cất trong khuôn viên Học viện Quốc gia Hành chánh, dưới một tấm biển rất oai “Trung Tâm Hội Thảo Quốc Gia”.
Chúng tôi làm việc chung với một đoàn chuyên viên Mỹ gồm Dr Melvin Le Baron, Dr Barbara Pennington, Dr Jack Von Dornum,  ông Finn Loginotto và George Eimer, họa sĩ.
Theo kế hoạch vết dầu loang, muốn cải tiến nền huấn luyện nhân viên và công chức cả nước, phải bắt đầu bằng chính các viên chức đang phụ trách việc huấn luyện. Chúng tôi bắt đầu với các Quản đốc Tu nghiệp Tỉnh (ngay từ đầu, dự án đã mang tên “Chương trình Quản đốc Tu nghiệp” là vì vậy). 
Họ cần trang bị kiến thức và kỹ năng gì để làm tròn nhiệm vụ? Phái đoàn Việt- Mỹ đã tới khảo sát một vài thí điểm, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định(nhân thể thăm Trương Minh Nhuệ),  tỉnh Thừa Thiên và thảo luận với Giáo Sư Viện Truởng Lê Thanh Minh Châu tại Viện Đại Học Huế.

Quản đốc Tu nghiệp, từ bạc bẽo tới tự tin

Các vị chỉ huy cao cấp, tuy trước mặt đoàn khảo sát, có cho rằng huấn luyện là dụng cụ quan trọng để gia tăng hiệu năng công vụ, nhưng lại coi nhẹ người phụ trách việc huấn luyện : Quản đốc Tu nghiệp!
Tương tự Thanh tra, Quản đốc TN là chức vụ “ngồi chơi xơi nước”. Còn hẩm hiu hơn Thanh tra, Quản đốc Tu nghiệp có một vai vế rất thấp so với các Trưởng Ty nội ngoại thuộc khác trong Tỉnh. Một người “nói không ai nghe” mà phải giữ nhiệm vụ nói. Đó là một nhiệm vụ bạc bẽo

Từ những nhận xét trên,Đoàn Chuyên viên Huấn luyện cho rằng song song với vận động quy chế ở cấp cao (có vận động này không, đến nay tôi không biết, tôi chỉ biết người Mỹ rất quan tâm), nhất thời cần nâng uy tín của QĐTN bằng cách nâng cao lòng tự tin và khả năng chuyên môn của họ. 
- Họ phải được trang bị các phương pháp huấn luyện: từ cổ điển như “4-steps”, kịch, brain­storming, điều khiển hội nghị, case study v.v. đến tân tiến như participative learning (tham gia học chế), simulation (giả cảnh).  
- Họ phải am tường tâm lý nhóm, tâm lý học tập, nghệ thuật khích lệ, kỹ thuật thông đạt, trình độ và nhu cầu của học viên tương lai
- Họ phải biết các phương pháp: xác định nhu cầu và mục tiêu huấn luyện, thiết lập chương trình, soạn bài, các bước giảng dậy cho từng bài, và cuối cùng lượng giá kết quả huấn luyện.
- Quan trọng hơn hết họ cần thay đổi thái độ, theo định nghĩa “Học tập là sự thay đổi tác phong một cách tương đối bền vững, qua sự thay đổi thái độ, kiến thức và kỹ năng” (Định nghĩa này tới nay vẫn không thay đổi trong ngành giáo dục, ngay tại Mỹ và các nước tân tiến).
Trong số những người vững tin vào khả năng thay đổi của huấn luyện, nhiều nhất có lẽ là Đặng Huyền Thanh, Nguyễn Đắc Điều, Đặng Mạnh Hùng và Ngô Thanh Tâm. Họ đùa tự gọi nhau là “Bốn chàng ngự lâm pháo thủ”. Họ là cán bộ nòng cốt  phụ trách các khóa QĐTN.

Các khóa huấn luyện QĐTN được tổ chức rất chu đáo và khoa học:
- Trước khi về TTHTQG, các QĐTN nhận được một tập hướng dẫn để chuẩn bị trước, như làm thống kê và phỏng vấn thượng cấp và đồng nghiệp.
- Sau đó họ tựu tập về TTHTQG, dành một tuần để hội thảo, học và thử các phương pháp huấn luyện. Trong phương pháp giả cảnh, ban chuyên viên đã mánh lới mời các vị chỉ huy cao cấp và có ảnh hưởng tới “thủ vai” chung với các QĐTN. Kết quả bất ngờ là chính các vị cũng thay đổi thái độ, có cái nhìn khác về công tác huấn luyện và vai trò QĐTN.
- Học viên trở về đơn vị của mình có 2 tháng để thực hiện những điều vừa mới học hỏi và soạn thảo chương trình và tổ chức các khóa huấn luyện. Trong gia đoạn này, QĐTN mời Đoàn Chuyên Viên Huấn Luyện  tới  địa phương để quan sát kết quả.
- Các học viên sẽ trở về TTHTQG để tham dự khóa học 3 ngày. Các học viên sẽ chia sẻ những kinh nghiệm soạn thảo chương trình huấn luyện, soạn thảo tài liệu huấn luyện, tổ chức khóa học, giải quyết những khó khăn trở ngại với cấp chỉ huy hay với cấp ngang hàng.

Khi tị nạn tại Mỹ, tôi may mắn gặp lại ông Ross Thomas . Như món quà tái ngộ, ông đã tặng tôi cuốn “The Training Administrators Project”, một phúc trình chi tiết về Chương trình Huấn luyện QĐTN. Tôi cảm động vô cùng, vì được đọc lại về một “thời đam mê”, và cũng cảm động vì Ông Thomas còn giữ tập sách như một kỷ vật. Tôi cũng cảm động khi đọc lại những lời phê bình sau của các tham dự viên (được dịch sang tiếng Anh):

- “Đây là khóa Hội thảo đầu tiên tôi tham dự được yểm trợ cả về vật chất lẫn tinh thần.”
- “Một khóa Hội Thảo hoàn hảo;đề nghị các cấp chỉ huy khác phải tham dự.”     Tấm hình khơi mào cho cuộc thảo luận về
- “Các Chuyên        “Tâm lý nhóm”
Viên Huấn Luyện là những giảng viên ưu tú nhất mà tôi được gặp”                           

- “Tôi đề nghị các tham dự viên được tính thêm điểm khi xét thăng thưởng hàng năm”.
- “Tôi đề nghị Chính Quyền Trung Ương cần phải quan tâm hơn nữa cho các khóa huấn luyện tương tự trong tương lai.”
- “Tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi tham gia thảo luận vì sự nhiệt thành của giảng viên và sự trang bị đầy đủ của Trung Tâm Hội Thảo Quốc Gia.”
- “Giảng viên Thanh lanh lợi tháo vát, giảng viên Tâm nắm vững kỹ thuật sư phạm, giảng viên Hùng người rất nhiều tình cảm còn giảng viên Điều mang đến những sảng khoái cho lớp học.”
- “Lần đầu tiên một khóa học có phương châm hành động, có một huy hiệu rất ý nghĩa.” (xin xem huy hiệu ở đầu bài này)

Chắc vị Quản đốc Tu nghiệp này muốn nói tới phương châm “Tri Hành hợp nhất”. Chúng tôi biết nghề huấn luyện còn nhiều thử thách, và châm ngôn “Tri hành hợp nhất” mà TTHTQG đưa ra còn quá lý tưởng trong bối cảnh chung của Đất Nước, nhưng việc làm của chúng tôi quả được khích lệ.

Duyên mới với biên soạn “Kỹ Thuật Huấn Luyện”

Đặng Huyền Thanh và tôi vừa làm bên Trung Tâm Hội Thảo Quốc Gia nhưng vẫn còn phụ trách công tác huấn luyện bên Bộ Nội Vụ. Nhân có các sinh viên khóa 3 ban Cao học đang thực tập tại Sở Huấn Luyện như Nguyễn Phụng, Thái Văn Khị, Hứa Văn Kiển… chúng tôi đã nhờ những sinh viên này dịch một số tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Thanh nhuận sắc những tài liệu này và tôi viết thêm một số đề tài khác để trở thành một cuốn sách, nhan đề “ Kỹ Thuật Huấn Luyện”. Tài liệu này được Usaid in thành từng bài một, sau đóng gồm lại thành một tập.
Tôi còn phụ trách một số lớp cho các viên chức Cảnh sát từ Trưởng Ban đến Chủ sự tham dự khóa “Quản Trị HC Căn Bản” và khóa huấn luyện “ Thuế ĐiềnThổ ”do chuyên viên Tài Thâu Nguyễn Quí Thành soạn thảo cho các Trưởng Ty HC tổ chức tại Sở Huấn Luyện Bộ Nội Vụ.
Khi hai anh Lê Quan Diêm và Trần Công Hàm về Nha Hành Chánh Địa Phương dưới quyền Ông Giám Đốc Lê Văn Để (khóa Đà Lạt) thì Thanh và tôi được chuyển thành Chuyên Viên Hành Chánh Địa Phương cùng với hai anh. Tuy vậy Thanh và tôi vẫn còn tiếp tục kiêm nhiệm phần vụ chuyên viên Huấn Luyện. Trong thời gian này  bốn CV/HCĐP lo soạn dự thảo Luật cải tổ cơ cấu tổ chức Tỉnh, Thị Xã và Thành Phố và dự thảo Luật tổ chức bầu cử Quốc Hội.
Ông Giám Đốc Lê Văn Để thường phải ra thuyết trình tại Trung Tâm HL Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn của Trung Tá Nguyễn Bé ở Vũng Tầu vào cuối tuần. Mỗi lần đi thuyết trình Ông Giám Đốc Để thường dùng Thanh làm tài xế lái xe jeep,  Hàm và tôi đi cùng để đủ tay đánh mà chược khi ngủ qua đêm tại biệt thự Anh Đào Vũng Tầu.
Một lần, Ông Giám Đốc Để bị Thủ Tướng gọi về gấp để trình bầy hệ thống thiết lập danh sách cử tri mới bằng điện toán. Tôi phải thay thế Ông Giám Đốc thuyết trình tại Trung Tâm CB/XDNT. Đây là đề tài tôi soạn thảo cho Ông Giám Đốc nên đã nắm vững từng chi tiết .
Như thường lệ, trước khi chấm dứt,tôi hỏi có ai thắc mắc gì không. Chỉ có một học viên nêu thắc mắc. Khi nghe xong câu hỏi, tôi thấy học viên này tỏ ra am hiểu đề tài và đặt câu hỏi chỉ cốt  “truy” xem tôi có nắm vững đề tài hay không. Sau giờ ra chơi, tôi tìm hiểu học viên này thì được biết anh là Đào Việt Giang (k9) hiện làm Trưởng Ty Hành Chánh tại Kiến Phong. Cảm phục về sự hiểu biết,tôi hỏi anh có muốn về Bộ không. Anh trả lời cũng có ý định, nhưng chưa phải lúc này. Khi tôi phụ trách khóa “Thuế Điền Thổ”, anh Đào Việt Giang tham dự và lần này, anh ngỏ ý muốn về Bộ vì ở Kiến Phong cũng đã lâu năm rồi. Tôi trình lên Ông Lê Duy Đức, và nhân dịp Sở Huấn Luyện được nâng lên thành Nha Huấn Luyện . Ông Đức đang cần một người làm Chánh Sở. Thanh và tôi chỉ thích làm Chuyên Viên, nên “đùn” cho Giang lãnh một Sở, còn Sở kia Ông Đức đôn một Chủ Sự lên đảm nhiệm.
Tuy Thanh và tôi làm việc rất thoải mái ở Bộ Nội Vụ, nhưng lại thích thú công tác huấn luyện bên Trung Tâm Hội Thảo Quốc Gia, mặt khác Đoàn Chuyên Viên Huấn Luyện “đã bén hơi nhau”, nên chúng tôi muốn tạo  một tổ chức thường trực để thỏa cái chí “tu”.

Sự ra đời của Viện Tu Nghiệp Quốc Gia

Với sự thành công vượt bực của Chương trình Huấn Luyện QĐTN, các học viên rất hăng say, các cấp chỉ huy phía VN cũng như bên Usaid rất thích thú lề lối làm việc “ không mệt nghỉ”của chúng tôi,  ý tưởng thành lập Viện Tu Nghiệp Quốc Gia được nẩy sinh.
Chúng tôi muốn có một cơ quan “hậu Học Viện Quốc Gia Hành Chánh” để Huấn Luyện các viên chức của Chính Phủ về các lãnh vực mà Học Viện chưa có đủ thời gian trang bị kỹ năng cho sinh viên. 
Thanh và tôi cặm cụi viết “dự thảo Nghị Định thành lập Viện Tu Nghiệp Quốc Gia”. Một chức vụ mà bốn chuyên viên Huấn Luyện tự vẽ cho mình là chức Cố Vấn Huấn Luyện. Phụ cấp chức vụ ngang hàng Giám Đốc, được hưởng phụ cấp giảng dậy, và được đi ngoại quốc học lấy bằng Master hay Ph. D cho tương đương với Ban Giảng Huấn thuộc Học Viện QGHC.  Khi dự thảo Nghị Định trình lên Nha Quản Trị Công Sở, Ông Giám Đốc Vũ Trọng Cảnh đã chấp thuận không sửa chữa, nhưng yêu cầu Thanh và tôi đích thân lên Phủ trình bày trực tiếp với Ông Bộ Trưởng Nguyễn Văn Vàng.
Trong một buổi chiều mưa gió, tôi lái xe Lambretta, Thanh ôm đồ biểu ngồi sau xe từ Nha Huấn Luyện Bộ Nội Vụ lên Phủ Thủ Tướng. Ông Đốc Phủ Sứ sau khi nghe chúng tôi thuyết trình đã chấp thuận toàn bộ Nghị Định. Khi ra về, tôi lại kéo Thanh sang lề đường Bộ Xã Hội nhâm nhi cà phê mừng ngày thành công.
Sau một thời gian thuyết phục, Ông Vũ Trọng Cảnh đồng ý sẽ làm Viện Trưởng đầu tiên của Viện Tu Nghiệp.Ông Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng cũng viết văn thư xin Bộ Nội Vụ cho Đặng Huyền Thanh và tôi sang làm việc tại Viện Tu Nghiệp. Chúng tôi đều tin chắc 100% là sẽ được chuyển cơ quan vì Ông Lê Công Chất, Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ, là “đàn em” của Đốc Phủ Vàng. Nhưng Bộ Nội Vụ trả lời Phủ Thủ Tướng chỉ chấp thuận cho một trong 2 chúng tôi thuyên chuyển mà thôi. Trong một quán ăn tại Chợ Cũ,chúng tôi ngồi uống bia 33. Tôi thuyết phục Thanh nên sang Viện Tu Nghiệp thay vì tôi. Thanh có đầy đủ khả năng để đứng mũi chịu sào trong việc tổ chức một cơ quan tân lập, còn tôi chỉ có khả năng giảng dậy và viết Nghị Định , hơn nữa tính tôi hơi tình cảm không thích hợp cho việc chỉ huy. Thanh miễn cưỡng, đành phải chấp thuận vì thật ra cũng chẳng có cách nào khác. Ông Vũ Trọng Cảnh an ủi tôi sẽ cố gắng vận động thêm cho đến khi tôi phải qua được Viện Tu Nghiệp mới thôi.

Thời gian trôi nhanh qua công việc. Nhóm nhân sự đầu tiên của Viện Tu Nghiệp tiếp tục lo tổ chức các khóa  “Kỹ thuật Huấn Luyện” và “Phân tích viên Quản Trị” cùng một vài khóa học có tính cách chuyên môn phối hợp với các Bộ khác, ngoài Bộ Nội Vụ. Cá nhân tôi, tham gia vào ban giảng huấn của những khóa huấn luyện tổ chức tại Bộ Nội Vụ, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH (Trường Huấn Luyện Tiếp Vận Cao Cấp), hay tại Viện Tu Nghiệp.

Đoàn chuyên viên đã vô cùng hứng khởi làm việc và mang tất cả hoài bão của mình trong công việc, những mong thổi một luồng gió mới vào công tác tu nghiệp và đào tạo. Đồng thời đoàn chuyên viên cũng đưa được một cái nhìn mới về tu nghiệp và trả lại giá trị thật của nó như đã có trong các nước tiền tiến, mở đường cho một “chương” mới trong việc cải tổ hành chánh và công vụ sau này.

Đoạn duyên

Nhằm khởi đầu cuộc cách mạng hành chánh,cải tổ cơ cấu tổ chức và giản dị hóa thủ tục, tôi được Ông Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ Lê Công Chất chỉ thị soạn thảo một đề án cải tổ việc điều hành Sở Xuất Nhập Di Trú thuộc Bộ. Sau khi trình kết quả cuộc nghiên cứu, Ông Tổng Trưởng đã chỉ định tôi trông coi sở này luôn, một chức vụ tôi hoàn toàn không muốn. Tôi trình bầy, tôi chỉ có khả năng nghiên cứu mà không có khả năng điều hành.Nếu Ông Tổng Trưởng nhất quyết,tôi xin Ông Tổng Trưởng bổ nhiệm Ông Chánh Sở Huấn Luyện Đào Việt Giang làm phụ tá cho tôi và được hưởng phụ cấp chức vụ ngang hàng chánh sở.Tôi nghĩ, đòi hỏi “không tưởng” như vậy  là một cớ dễ “thoát” nhất, nhưng Ông Tổng Trưởng lại chấp thuận đề nghị của tôi.
Sau khi biết không thể làm gì khác hơn được nữa, tôi dẫn nhà tôi đến thăm Ông Vũ Trọng Cảnh trong cư xá công chức tại đường Đoàn Thị Điểm để cám ơn Ông cố ý chờ đợi xin tôi qua Viện Tu Nghiệp, nay thì “số phận đã an bài”.

Tiếp Duyên : Libochu

Năm 2003, Đặng Huyền Thanh, Ông Nguyễn Công Hiệu (khóa 2) và tôi đang đi picnic với các bạn QGHC, nghe tin Ngô Thanh Tâm (CH2) và vợ Khánh Hà (CH3) ký sách tại Thư quán Văn Mới, chúng tôi bỏ dở cuộc chơi, tới thăm hai bạn từ Na Uy. Tâm quá cảm động, chỉ thốt được một chữ “LIBOCHU”.
Bốn người làm trong Viện Tu nghiệp QG đều nhớ đây là tên của nhân vật chính trong những đề tài huấn luyện QĐTN. Libochu là ghép tên ba vị trong Ủy ban Phối trí, những vị có ảnh hưởng quyết định trong việc huấn luyện công chức: Ông Tổng giám đốc Công vụ Nguyễn Xuân Liêm, Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Văn Bông và Ông Tổng Thư ký Bộ Nội Vụ Tôn Thất Chước. Trong buổi học giả cảnh (simulation) Libochu (tức QĐTN) có nhiệm vụ thuyết phục “Quốc Vương Perfecto” (do chính các vị trong UBPT thủ vai) cải tiến nền công vụ bằng huấn luyện trong “Vương Quốc Utopiana”. Màn giả cảnh này đã gây ấn tượng sâu sắc cho mọi tham dự viên, kể cả quốc vương giả. Gần 30 năm chưa quên, Libochu thành một câu chào tái ngộ

Sau bao năm tháng lăn lộn trong ngành hành chánh công quyền, tôi ngộ ra được vài điều. Có những chức vụ, mình không hề mong đợi mà tự nhiên đến một cách tình cờ,dù cương quyết chối từ vẫn cứ “dính”. Nhưng có một chức vụ tôi cố gắng tạo ra, tưởng như chắc chắn nằm trong tầm tay như Cố Vấn Huấn Luyện tại Viện Tu Nghiệp thì chỉ là một giấc mơ.
Mối “giao tình huấn luyện tu nghiệp” là một liên hệ bền chặt vô vị lợi giữa học viên và giảng viên.Những bạn bè thân thiết gắn bó với tôi trong suốt cuộc đời,nhất là quãng đời còn lại đều bắt nguồn từ “duyên tu”.
Nhờ Viện Tu Nghiệp Quốc Gia chúng tôi đã quy tụ được một  số bạn hữu có cùng chí hướng tạo thành một mái nhà êm ấm để tự do thi thố  những  khả năng thường bị “lấn ép” tại các cơ quan khác.

Có điều, bốn chàng thời vang bóng ngày xưa,nay chỉ còn lại “ba chàng ngự lâm pháo thủ không gươm”: Ngô Thanh Tâm, Nguyễn Đắc Điều và Đặng Mạnh Hùng. 

 Nguyễn Đắc Điều
  (Viết với sự góp ý của Ngô Thanh Tâm và Đặng Mạnh Hùng)

No comments:

Post a Comment