Giây Phút Sám Hối
Trong cuốn "Kitô Giáo Dưới Mắt Một Phật Tử" Đại Sư Buddadàsa viết:
"Khi đa số dân tộc có cùng một tôn giáo thì tôn giáo đó trở nên một yếu tố căn bản cho sự đồng nhất của dân tộc đó: tôn giáo và văn hóa trộn lẫn vào nhau. Những cuộc xung khắc có màu sắc quốc gia, sắc tộc và tôn giáo thường cuộn chặt vào nhau, lợi dụng nhau, củng cố cho nhau và khai thác nhau. Mọi tâm hồn tôn giáo độ lượng thực sự và có tình huynh đệ tâm linh đối với các tôn giáo khác chắc chắn sẽ là hạt giống của hòa bình, đánh động tâm hồn mọi người."
"Nếu mỗi nhóm người lại cứ lợi dụng tôn giáo mình như là chiêu bài kết hợp để tăng cường tính đặc thù của mình và tấn công vào tính đặc thù của nhóm khác, bấy giờ tôn giáo sẽ bị khai thác vì lợi ích của lòng thù hận." (*)
Cuộc nội chiến ở Việt Nam đã đi vào lịch sử. Kết cục cuộc chiến này ra sao ai cũng biết, thế nhưng những yếu tố nào đã can thiệp vào cuộc chiến và can thiệp sâu nặng ra sao, có đóng vai trò quyết định hay không để dẫn đến cái chung cuộc kia thì vẫn còn trong vòng tranh luận kéo dài đến tận hôm nay.
Cho đến nay, giữa những vấn nạn chưa được giải quyết, người ta có thể khẳng định một điều: Tôn giáo trong cuộc chiến Việt Nam đã ít nhiều để sa vào những tranh chấp thế quyền và khiến những tranh chấp ấy trở nên nghiêm trong hơn, chằng chịt hơn. Và đó là một sự kiện đáng tiếc cho dù có viện dẫn lý tưởng cao quý đến đâu đi chăng nữa. Bởi vì đúng như Đại Sư Buddadàsa đã chỉ rõ: "Những cuộc xung khắc có màu sắc quốc gia, sắc tộc và tôn giáo thường cuộn chặt vào nhau, lợi dụng nhau, củng cố cho nhau và khai thác nhau".... và khi ấy tôn giáo đã "bị khai thác vì lợi ích của lòng thù hận."
Chỉ viện dẫn yếu tố hàng đầu là Đảng Cộng Sản với những mưu ma chước quỷ của nó như một nguyên nhân dẫn đến tình trang xã hội nhầy nhụa tại quê nhà hiện nay vẫn chưa đủ. Còn nhiều yếu tố khác nữa mà vì một lẽ nào đó - như e ngại, như xấu hổ...- chúng ta đang tránh né không muốn nói ra.
Nhân danh mở mang nước Chúa, nhân danh rao giảng Phật Pháp, chúng ta đã rất hăng say nhiều khi để mình rơi tuột xuống cái hố chia rẽ. Nhân danh chống độc tài, chúng ta hùng hổ thổi kèn thúc quân sĩ tiến lên làm trọn vẹn ý đồ của ngoại bang. Chưa thấy ở một quốc gia nào tổng thống và phó tổng thống coi nhau như thù địch cần triệt hạ v.v... Nếu không có những yếu tố lớn nhỏ như vậy thì cuộc nội chiến năm xưa có thể đã kết thúc khác đi, bởi vì kẻ thù chỉ thắng khi đối thủ không mạnh.
Một câu phát biểu nghe ra đầy thuyết phục: "Cũng chỉ tại cộng sản xen vào nên nội bộ các tổ chức ở Miền Nam mới nát bét ra như thế". Không! Cộng sản chẳng lợi dụng được một người không tham sân si. Cộng sản không lợi dụng được một người không hành động vì lợi lộc riêng tư, không hành động vì bùa ngải quyền lực.
Rút cuộc sự hôn mê quyền lực, lợi lộc riêng tư lúc nào cũng rất mạnh, khiến con người trở nên tăm tối, nhiều khi đã giúp bẻ hướng đi của cả một đất nước, ở đây là một hướng xấu. Và rồi chẳng có cái dại nào giống cái dại nào, hôm nay cũng chính cái tham sân si ấy đang làm chậm lại tiến trình mang tự do dân chủ đến cho dân tộc.
Trước khi dựng cây Nô-en mừng Chúa Giáng Sinh, trước khi treo cờ ngũ sắc mừng Ngày Phật Đản, một người tín hữu như bạn, một công dân Nước Việt như tôi, chúng ta nắm tay nhau đôi ba giây phút trong yên lặng để tạ lỗi với trời, với đất, với quê hương mình.
Điền Thảo
(*) Đại Sư Buddadàsa "Kitô Giáo Dưới Mắt Một Phật Tử". Bản Việt ngữ của Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Bá Tùng, Định Hướng Tùng Thư, Paris, 1996, trang 23 và 24.
No comments:
Post a Comment