09 December 2010

Ký ức

Khi kiếm ra nhà Thanh, vợ chồng tôi xuống xe thật nhanh, đi những bước dài qua mảnh sân tới cửa nhà. Cả hai chúng tôi cùng đưa tay ấn chuông lia lịa. Cánh cửa mở ra, chúng tôi thấy Nguyễn Đắc Điều, mắt đỏ au, đôi mắt chớp chớp và nhòa nhạt phía sau mặt kính lão. Điều nói ngay:

- Ông Thanh đi rồi.

Tôi hỏi:

- Đi đâu?

Điều nhắc lại:

- Ông Thanh đi rồi.

Trong đầu tôi vẫn nghĩ là gia đình đã chở Thanh vô bệnh viện cấp cứu nên hỏi xem bạn tôi vô nhà thương nào.

- Thanh đi dâu?

Vợ tôi trả lời thay cho Điều:

- Anh Thanh chết rồi.

Chúng tôi vượt qua khung cửa, đi thẳng vào căn phòng của Thanh mà hai tuần trước tôi đã tới thăm. Thanh vẫn nằm đó, khuôn mặt gầy xọm, hốc hác, nước da xanh mét. Bốn đứa con và chị Thanh đều có mặt bên giường, giương những đôi mắt thất thần nhìn người thương yêu nằm bất động. Chị Thanh nói như mơ:

- Ông ấy chết thật rồi hả? Sao nhanh thế? Sở cho nghỉ hai tháng mà nay mới có ba tuần…

Cháu Vũ, đứa con trai đầu lòng của Thanh thì đang cột buộc quanh mặt bố, từ chiếc hàm và thắt nút trên đỉnh đầu lơ thơ những sợi tóc khô. Hai tay Vũ bưng đầu bố một cách âu yếm. Và cháu luôn luôn cúi xuống hôn lên mặt bố. Còn cháu Vỹ, con trai út của Thanh thì ngồi lầm lì ở cuối chiếc giường nhỏ bên cạnh, có lẽ chiếc giường mà các cháu nằm để săn sóc bố. Dầu cháu Vỹ cúi gầm nhưng tôi cũng nhìn thấy những nét nhăn trên vầng trán của người thanh niên này, hẳn như trong đầu đang cảm thấy một sự phi lý, một sự bất lực, là người bố của cháu, mới đây mà đã chết thật sao.

Tôi hỏi Nguyễn Đắc Điều:

- Lúc Thanh “đi”, ông có ở đây không?

- Không. Tôi tới nơi thì Thanh vừa đi mấy phút. Căn nhà này tôi đã đến hàng bao nhiêu lần mà lần này tôi lại đi lạc nên mới trễ.

Chị Điều nói thêm là ngay khi tan sở, lúc 6 giờ, anh chị từ San Diego phóng ngay lên Santa Ana. Điều lái xe 80 miles một giờ vì linh cảm có chuyện không may xảy ra cho Thanh. “Ngờ đâu, khi từ đường Harbor rẽ vào đường tới nhà ông Thanh, ông ấy lại chạy lạc”. Tôi thấy lạ, cũng kể chuyện vợ chồng tôi đi lạc cho vợ chồng Điều nghe: “Tụi tui xuống đây khi 4 giờ chiều. Tới nhà Thanh, bấm chuông, không thấy ai, tưởng là các cháu đã chở Thanh vô bệnh viện. Tụi tôi đi chợ và đi thăm các cháu đề chờ ông bà vì ông Điều nói sẽ tới nhà Thanh sớm lắm cũng phải bẩy giờ ba mươi. Đến giờ, tụi tôi quay lại, đậu xe trước cửa nhà Thanh, rồi vô bấm chuông vì thấy có ánh đèn bên trong. Nhưng khi cửa mở thì một bà Mễ hiện ra. Tưởng là y tá săn sóc ông Thanh chứ, tôi nói với bà ta là tôi vô thăm ông Thanh. Bà ta trả lời đây là nhà bà ta, không có ai tên Thanh. Tôi kinh ngạc, không bao giờ có thể tin là tôi lại lầm lẫn đến thế. Tôi quan sát lại căn nhà, và qủa quyết với vợ tôi: “Hai tuần trước, anh đậu xe chỗ bên kia đường, ông Điều đứng chỗ này…” Vợ tôi giục tôi lên xe đi kiếm nhà Thanh. Mất cả chục phút sau chúng tôi mới tới đây”.

Tôi nghe tiếng đọc kinh lâm râm của vợ tôi. Tiếng kinh lẫn trong tiếng nấc. Hai đứa con gái của Thanh cũng đọc theo. Và tôi nghe âm thanh của tiếng Dominico đi với tiếng Đặng Huyền Thanh trong câu kinh. Thì ra đây là lần đầu tiên mà tôi biết tên Thánh của bạn tôi. Suốt từ năm 1959, khi chúng tôi gặp nhau ở khóa 7 sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Sài gòn, tôi chỉ gọi bạn tôi là Thanh, là mày, và rồi gọi Thanh là “Khủng Long”.

Giờ thì tôi không còn nhớ tại sao Đặng Huyền Thanh lại được anh em cho cái hỗn danh là Khủng Long. Và Thanh rất vui vẻ nhận cái tên đó. Có thể là Thanh cao lêu nghêu, tay chân dài loằng ngoằng, mặt xương xẩu, trán dô, nước da mai mái, tác phong không có vẻ một thanh niên tỉnh thành nên thay vì gọi là anh nông dân chẳng hạn, mà gọi tránh né là “Khủng Long” chăng? Chứ còn tính tình Thanh thì có khi nào hung dữ, bặm trợn đâu? Phải nói Thanh là một người quá tốt với bạn bè, cười giỡn trong mọi tình huống và luôn luôn làm ra kẻ cả nhưng lại không lên mặt trịch thượng. Thời gian thử thách nhất đối với Khủng Long là lúc chúng tôi ra học khoá sĩ quan tại trường Đồng Đế mà anh được cử làm Đại Đội Trưởng, trông coi chúng tôi. Đồng Đế dưới thời Đại tá Đỗ Cao Trí làm Chỉ huy trưởng, thi hành một kỷ luật thép và áp dụng một chương trình huấn luyện vô cùng gian khổ. Chức Đại đội trưỏng của Thanh quả là trên đe dưới búa, thế mà không một anh em nào giận anh và nhà trường cũng hài lòng, lưu giữ anh ở nhiệm vụ này cho tới ngày mãn khóa.

Tiếng cầu kinh vẫn râm ran trong căn phòng. Tôi lại loáng thoáng nghe tiếng Dominico Đặng Huyền Thanh. Cháu Vũ vẫn loay hoay nâng cái hàm của bố cho miệng bố khép lại. Thanh thì nằm như ngủ, nét mặt bình thản lạ lùng. Tôi tưởng tượng cảnh này cũng đã nhiều lần diễn ra hồi ba mười năm trước, khi bố Thanh ngủ trưa, thằng con Vũ tí toáy chọc phá để bố Thanh phải thức dậy, chơi đùa với nó.

Nét mặt này của Thanh tôi đã được nhìn từ năm 1962, khi bọn tôi 10 người, trong đó có Thanh, được Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đưa ra Nha Trang thực tập. Chúng tôi được tòa tỉnh cho ở trong mấy căn nhà nghỉ mát công chức, ở số 78 đường Duy Tân, ngay bên bờ biển. Mười người chúng tôi sống chung với nhau, khi ăn khi ngủ, khi tắm biển, khi đánh bóng bàn, và khi Thanh nghêu ngao hát bài Mộng Dưới Hoa của Phạm Đình Chương mới sáng tác.

Khuôn mặt thanh thản ấy của Đặng Huyền Thanh, tôi cũng đã được nhìn thấy hồi cùng học ở quân trường Đồng Đế. Trong óc tôi hiện ra, này là lúc Thanh nằm trên chiếc giường sắt cá nhân, kê ngay hàng thẳng lối trong một căn phòng rộng, vào chiều chủ nhật sau khi đi phép từ Nha Trang trở về. Này là hình ảnh lúc Thanh nằm dựa vào một thân cây trong rừng, ngủ vội năm ba phút trong lúc đại đội được nghỉ để ăn cơm trưa…

Và nét mặt thanh thản này tôi cũng được nhìn thấy khi Đặng Huyền Thanh và tôi thuộc trong số hàng ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị nhốt trong trại tù cải tạo Phú Quốc vào năm 1976. Công sản đưa chúng tôi ra đảo bằng chiếc tàu há mồm HQ 501. Khi lên tàu, mỗi người được phát mấy túi cơm sấy và mấy túi nước, với khẩu lệnh phải ăn, uống, ỉa, đái tại chỗ, ai di chuyển, là bắn. Suốt ba ngày đêm, chúng tôi ngồi ép sát nhau dưới hầm tầu, dưới sự canh gác của những họng súng AK từ phía trên. Mọi người, đói thì móc cơm sấy ăn, khát thì uống nước trong túi nylon, rồi dùng những túi nylon đó đựng phân và nước tiểu. Những ngày sau thì nước tiểu đổ lênh láng sàn tàu, ngập đế giầy, mùi khai thúi nồng nặc khiến có người ngất xỉu. Lên Phú Quốc, lũ chúng tôi bị nhốt trong trại tù An Thới, trước năm 1975 là nơi giam giữ cộng sản. Đơn vị quản lý chúng tôi là một sư đoàn người thiểu số nên hết sức hung dữ, hành hạ chúng tôi chết bỏ. Thế mà Đặng Huyền Thanh vẫn cứ thế. Nước da Thanh vẫn là nước da ngăm ngăm đen do cha mẹ đẻ ra chứ chẳng do nắng gió và mồ hôi cải tạo. Tấm thân Thanh cũng thế, ngay cả lúc anh làm Phó Viện Trưởng Viện Tu Nghiệp Quốc Gia, có bao giờ béo tốt hơn, nên dù đói tháng này sang tháng khác, thần kinh bị căng thẳng trong cảnh người tù không bản án, nhưng đặng Huyền Thanh vẫn vậy, nghĩa là chẳng thay đổi, chẳng thể gầy hơn nữa. Môi anh vẫn gắn một nụ cười lạc quan. Ánh mắt anh vẫn tràn đầy niềm tin tưởng dù tôi chẳng biết anh tin tưởng cái gì. đặc biệt là khi ngủ trong trại tù mà nét mặt chàng Khủng Long vẫn thanh thản như giấc ngủ ở khu nhà nghỉ mát nơi thị xã Nha Trang hay giấc ngủ vội vàng trên đỉnh núi Hòn Khô vào buổi di hành…

Lúc này tôi mới thấy rằng, thì ra, nếu trên đời này chẳng có cái gì ghê gớm khiến anh chàng Khủng Long này phải ưu tư sầu khổ, thì thời gian mấy năm gần đây, tôi lại thường bắt gặp ở Thanh một vẻ thẫn thờ như đang mang một mối day dứt nào đó trong nội tâm. Tôi nói chuyện với các con của Thanh:

- Bố con ở tù cộng sản mấy năm?

- Dạ, bố con bị tù bảy năm.

- Năm nào thì bố vượt biên?

- Năm 1985.

- Tại sao bố chỉ mang hai thằng con trai đi?

- Bố nói bố sợ hải tặc Thái Lan

Chị Thanh xen vào:

- Anh ấy thương tôi lắm. Anh ấy che chở tôi suốt từ ngày tôi làm vợ anh ấy cho tới nay. Mới đây, anh ấy còn vuốt má tôi, nói: “Anh thương yêu em. Anh khuyên em mai này không có anh thì em nên về Việt Nam sống với người em gái em, vì mấy đứa con, chúng nó sẽ lấy vợ lấy chồng, em sẽ không có ai săn sóc…”

Tôi tiếp tục câu chuyện:

- Bố và hai đứa vượt biên tới nước nào?

- Tới đảo Biđông ở Mã Lai.

- Rồi tới Mỹ năm 1986?

- Dạ, tới Fresno. Bố đi làm lấy tiền nuôi hai anh em cháu đi học và gửi tiền về tiếp tế cho mẹ và hai em gái cháu. Bố cũng tìm cách làm hồ sơ bảo lãnh cho mẹ ngay, nhưng phải mười năm sau, mẹ cháu mới được sang Mỹ đoàn tụ.

Chị Thanh lại xen vào:

- Anh ấy thương tôi lắm. Anh ấy cứ nói là: “Cuộc đời vợ chồng mình đã đánh mất quá nhiều ngày tháng bên nhau. Nào là bảy năm anh đi tù cộng sản. Nào là mười năm anh ở Mỹ chờ em sang. Nên bây giờ, thời gian còn lại, anh sẽ sống cho em và các con”.

Tôi buột miệng:

- Thảo nào chúng tôi cứ bảo là thằng Khủng Long dạo này nó lặn kỹ. Mỗi lần khóa 6 và 7 tổ chức họp mặt, gọi nó mà nó cứ hứa lèo, không thấy tới. Mà sao chị không đi chung với nó?

Chị Thanh nói như độc thoại:

- Sang đây, tôi ngại đi đâu lắm anh ạ. Một phần vì đi thì phải mua quần mua áo, tốn kém mà tôi lại chẳng có công việc gì làm… Nên tôi bảo: “Anh đi đâu thì cứ đi đi, để em ở nhà. Rốt cuộc anh ấy thấy tôi không đi thì cũng không đi luôn. Thành ra anh ấy ít gặp bạn bè.

Những câu nói của vợ con Thanh khiến tôi xúc động. Tôi nhìn Thanh, nhìn cái khuôn mặt bất động trên giường mà sao tôi vẫn cứ thấy toát ra vẻ bình thản và nhất là cái miệng như đang sắp sửa nói lớn một câu đùa giỡn với chúng tôi như sau: ” Đó, tụi mày nghe chưa? Bây giờ thì đừng chửi tao là trốn tụi mày nữa nhé. Tại tao muốn đền bù cho vợ, cho con tao, vì vợ con tao đã bị thiệt thòi quá nhiều thôi mà”. Tự nhiên, tôi bật lên câu hỏi như hỏi Thanh:

- Thế thì tại sao chúng tôi gọi điện thoại tới thăm, cũng không trả lời?

- Bố con bảo giờ bố con chỉ thích sống trong gia đình với các con. Nghe điện thoại thì các bác sẽ rủ đi, không đi thì cũng kỳ, nên chẳng thà không nghe điện thoại. Bố con bảo có bác Điều làm bố con cảm động, là bố con bảo bác ấy đừng tới nhưng bác ấy cứ tới.

Tự nhiên tôi nhớ lại chuyện Nguyễn Đắc Điều và tôi đi lạc ban nãy. Tôi nói thầm trong lòng: “à, giờ thì hiểu rồi. Tại mày không muốn gặp mặt ai ngoài vợ con mày lúc mày “đi”, phải không, Khủng Long?”

Chợt chị Thanh vừa cất tiếng nói vừa đưa tay lật tấm mền lên, nắn nắn đôi bàn chân trắng bệch của người mà chị thương yêu nhất:

- Anh chị có thể tin được là anh Thanh chết không? Mới đây mà đã chết rồi à? Cả đêm hôm qua tôi không ngủ một phút. Tôi săn sóc cho anh ấy vì anh ấy đau đớn quá. Anh ấy cứ túm lấy ngực anh ấy mà giật ra, khiến ngực tôi cũng muốn bung ra theo. Tôi cũng tắm rửa cho anh ấy, này, anh chị xem, chân tay anh ấy trắng ngần, không một vết sẹo nào hết. Kìa, mũi anh ấy sạch khô, phải không? Kìa, miệng anh ấy đẹp đẽ không? Hơi thở lúc nào cũng thơm tho quá mà tại sao lại chết nhỉ! Tối nay, tối mai, rồi tối mốt, em làm sao ngủ được đây, hả anh Thanh!

Vâng, thằng Khủng Long của chúng tôi lúc nào nó cũng thơm tho như thế đấy. Nhưng từ nay, thằng Khủng Long của chúng tôi hay là anh Dominico của chị vĩnh viễn không còn nữa. Tôi đã nhìn thấy trên chiếc bảng nhỏ treo trên tường cạnh giường bệnh, ghi ngày giờ cho thằng Khủng Long uống thuốc và dòng cuối cùng viết hàng chữ vắn tắt: 7giờ52 phút. Tôi hỏi chị, ai viết bảng này thì chị trả lời là chị viết. Chị nói thêm: “Tại sao nhà thương người ta không cứu anh Thanh hả anh? Người ta để mặc anh ấy chết, chứ nếu muốn cứu thì gì mà không được?”

Quả thật, cái chết đến với Thanh là một kinh hoàng với chúng tôi, vì nó nhanh quá. Khoảng hai tháng trước, chúng tôi còn gặp Thanh trong đám cưới con trai anh chị Đỗ Thanh Lâm. Thấy Thanh có vẻ mệt, tôi hỏi thì Thanh đáp: “Tau bị đau lưng quá, phải ngủ ngồi. Mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng hai tiếng, còn thì cứ ngồi xem phim chưởng”. Rồi Thanh lại nói tếu như bản tính của anh: “Bây giờ nếu đứa nào tổ chức thi đố phim chưởng thì ông thắng giải là cái chắc”. Ngồi được ít phút thì Thanh móc túi, lấy chiếc phong bì đựng tiền mừng cô dâu chú rễ ra: ”Lát nữa làm ơn đưa hộ tôi. Tôi phải về vì đau lưng quá”.

Rồi sau tết nguyên đán, anh em khóa 7 quốc gia hành chánh chúng tôi họp mặt ở nhà tôi, không có Thanh. Ba tuần trước, tôi nghe tin Thanh đi bệnh viện. Bác sĩ khám phá anh bị ung thư phổi và báo tin anh chỉ còn ít ngày nữa. Chúng tôi muốn đến thăm nhưng Thanh không cho. Nhưng Nguyễn Đắc Điều đã vào nhà thương gặp Thanh và ở với Thanh cả ngày. Buổi tối, Đắc Điều điện thoại cho tôi: ”Thanh nó đồng ý “open house” vào ngày chủ nhật này cho mọi người tới đấy”. Thế là khoảng chục người chúng tôi rủ nhau cùng tới nhà Thanh.

Thoạt nhìn Thanh nằm trên giường, tôi không thể tin bạn tôi sắp từ giả cõi trần vì anh vẫn cười và mắt cũng cười. Chỉ có giọng anh khàn khàn, thều thào, nhưng anh nói rất thản nhiên: ”Bác sĩ nó để tao vào chương trình không chữa nỗi rồi, nó chỉ cho thuốc để tao đỡ đau thôi. Tụi mày đừng có buồn. Tao sống thế này cũng là “bonus” rồi. Mày thấy năm 1954, loạn lạc, di cư mà tao không chết nhé. Rồi mấy năm nhập ngũ cũng không chết nhé. Tới 1975, loạn lạc vẫn không chết. Đi tù cải tạo, gỡ mìn ở Phú Quốc không chết. Vượt biên cũng không chết. Tao nghĩ những ngày tao sống ở Mỹ là “bonus” mà. Tụi mày đừng buồn”.

Lời nói của Thanh làm tôi ngẩn ngơ chết lặng. Trên đường tới đây, mình cứ loay hoay tìm cách an ủi nó thì chẳng ngờ nó lại an ủi mình. Sao nó đối diện với cái chết một cách thanh thản thế? Mình tưởng nước mắt nó sẽ ứa ra chứ. Tôi hỏi cháu Vũ:

- Lúc bố sắp đi, bố có nói gì không?

- Dạ, hôm qua, khi cháu nói với bố là cháu sẽ đưa bố tới nhà thương khác để chữa cho bố thì bố mừng vui lắm, bố khoẻ hẳn lên.

Thế đấy, rõ ràng chưa? Người nào mà chẳng cố bám vào một niềm hy vọng nào đó để sống. Trong khi đó thì nhà thương Mỹ lại đóng vai tòa án và bác sĩ trở thành quan tòa để tuyên bản án tử hình cho bệnh nhân. Với một người đã suy kiệt vì một căn bệnh hiểm nghèo, họ nhìn ông thầy thuốc như nhìn ông tiên ông Phật, nỡ nào nói với họ rằng họ chỉ còn vài ba tháng là chết khiến họ phải sống như một tử tội, chờ giờ hành quyết. Sao không cho họ được hy vọng sống tới khi trời bắt phải trút hơi thở cuối cùng?

Tiếng chị Thanh vẫn với giọng hoảng loạn:

- Làm sao mà tôi có thể hiểu được, tôi có thể tin được là anh Thanh chết rồi đây? Anh Thanh! Anh không thương em sao mà anh bỏ em anh đi vậy!

Chúng tôi vỗ về, an ủi chị:

- Chị Thanh, chị mất chồng thì chúng tôi mất bạn. Chúng ta không chia sẻ được nỗi buồn cho nhau, vì chúng ta cùng chung nỗi buồn, vì cùng mất một người tên là Đặng Huyền Thanh.

Rồi tôi nhìn Thanh. Tôi thấy hình ảnh Thanh nhòa nhạt, lung linh, rung rinh như một cánh bướm đang thoát ra khỏi cái vỏ kén để bay lên trời cao. Thì ra nước mắt tôi đã trào ra. Tôi nói thầm trong lòng như nói với Thanh: ”Thanh ơi, từ nay tao không còn “mày tao” với mày nữa. Mày cũng không còn là Khủng Long mà là Dominico. Để tao tiễn đưa mày về cõi Thiên Đàng bằng một đoạn kinh này nhé: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn Dominico Đặng Huyền Thanh được lên chốn nghỉ ngơi hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng… A men”.

Đỗ Tiến Đức

No comments:

Post a Comment