06 December 2010

Tác phâm sắp xuất bản

Con Đường Văn Hóa Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Văn Nhiệm
(  tiếp theo )


HÌNH ẢNH
     

Hình ảnh ở đây có ý nói đến tượng của vũ trụ quan Dịch, thuộc về Cơ còn rất tế vi, chưa có chủ đề rõ rệt. Hệ từ truyện giải thích:
   ” Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hóa hiện hỹ “: Ở trên trời là tượng, tức hình ảnh, ở dưới đất là hình, tức hình thể, biến hóa hiển hiện ra vậy. Biến hóa từ cái bản thể cơ bản duy nhất, phổ biến đại đồng là nguyên lý của vũ trụ mà biểu hiện ra vạn vật có thiên hình vạn trạng qua hình ảnh tương tự là tượng. Như vậy tượng là môi giới giữa thế giới hữu hình (Địa ) và thế giới siêu hình
( Thiên ). Do đó hình ảnh giới thiệu nơi đây mang ý nghĩa triết lý hơn ở bình diện văn chương, phải là những gì có tính cách tiêu biểu nhất:
     Tiên- Rồng: Tiên- rồng là hình ảnh biểu tượng nguyên lý Âm- Dương phổ biến cho đến Đạo vợ chồng, là việc tuy thông thường, như ng lại rất cơ bản, dẫn đến cùng cực thì quán thông Thiên Địa như Trung Dung đã nói: “ Quân tử chi Đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chi giã, sát hồ Thiên Địa ”:
  ” Tờ giấy hồng anh găm chữ thọ
     Gửi thư nầy cả họ bình yên
     Đầu rồng mà gối tay tiên
     Ước chi đầu ấy gối lên tay nầy
     Như chim loan phượng ấp cây ngô đồng
     Một mai nên vợ nên chồng
     Như gặp nước, như rồng gặp mây
.”
     Đạo ấy dẫn đến sự hoà hợpnhư chim loan phượng ấp cây ngô đồng ”: tình nghĩa vợ chồng gắn bó, ” như cá gặp nước, như rồng gặp mây ”: phát triển đến cùng cực “ như cá gặp nước “ là lặn sâu đến tận Địa giới, “ như rồng gặp mây “ là vươn lên đến tận Trời cao.
     “ Như rồng gặp mây “ là ứng với Hào 5 của Quẻ Kiền: “ Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân “: Rồng bay lên Trời, ra mắt kẻ Đại nhân thì lợi. “ Như cá gặp nước, như rồng gặp mây “ là tổng hợp, hoà hợp cả hai nhịp điệu đóng- mở,  lên- xuống, động- tĩnh, tức là “ hợp nội ngoại chi Đạo “ ( TD 25 ). Nói về chữ Thời thì đó là Hòa Thời.;Nếu tâm hồn của những đôi nam nữ hòa hợp trong Hòa Thời một cách chân chánh, thì  mọi sinh hoạt, cái gì cũng tỏa ra cái vẻ đẹp, chứa chan hạnh phúc:
   ” Anh dệt cửi, em kéo hoa
     Rồng bay phượng múa ai mà chẳng khen
.”
     Ngược lại, nếu ỷ vào tài mà Tâm bất chánh thì hãy coi chừng:
   ” Bên hữu con thiên lý mã,
     Bên tả con vạn lý vân,
     Hai bên nhắm cũng cân phân,
     Lòng anh muốn cỡi một lần đủ đôi.
    - Thiên lý mã sải như tên bắn,
     Vạn lý vân chạy tế giống rồng bay.
     E khi anh cỡi chẳng tài,
     Sa cơ một chút ngàn ngày lại đau
.
; Còn ở Hào 1 của Quẻ Kiền hay sơ cửu thì có ghi: “ Tiềm long vật dụng “: Rồng còn ẩn náu, chưa dùng được còn phải chờ thời. Trong thời gia này con người cần phải kiên nhẫn, lo tu tâm, dưỡng tánh, vượt qua mọi thử thách, nghịch cảnh:
   ” Rồng nằm giữa biển rồng than,
     Trách con cá đối nằm ngang mình rồng
.”
hay:
   ” Chẳng lo đuổi thỏ săn hươu,
     Rồng còn uốn khúc ở ao đợi thì.
     Kình nghê vui thú kình nghê,
     Tép tôm thì lại vui bè tép tôm.
     Xem loài bán thỏ buôn hùm,
     Thấy mồi như trĩ bởi tham mắc dò.
     Thà ăn cáy ngáy o o,
     Còn hơn ngay ngáy ăn bò làm chi
.”
     Long kết hợp với Mã làm thành biểu tượng chỉ Thời gian- Không gian ( sẽ trở lại ở phần Thời- Không )
   ” Ai đi đâu ba bốn dặm đường,
     Gặp con xà Long Mã chữ đương ai đề
.”
     Tiên Rồng là biểu tượng Tổ Tiên của người Việt Nam:
   ” Trứng rồng lại nở ra rồng,
     Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
     Có cha có mẹ có ta,
     Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.
     Khôn ngoan nhờ âm ông cha,
     Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
     Đạo làm con chớ hững hờ,
     Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.”
     Bài ca dao trên nói đến trứng rồng là ý nói đến bọc trăm trứng của Tiên- Rồng, nở ra trăm con:
   ” Chàng về thiếp cũng theo mây,
     Trăm con để lại chốn này ai nuôi
?”
Chàng về ”: về Thủy phủ, xuống biển.” thiếp cũng theo mây “: lên núi, về cõi Tiên.
Trí giả nhạo thủy “, nên Lạc Long Quân đưa 50 con về thủy phủ.” Nhân giả nhạo sơn “, nên Âu Cơ đưa 50 con lên núi.
     Những người con này cùng một bọc mà ra nên gọi là đồng bào
   ” Anh em cốt nhục đồng bào, 
Vợ chồng là Đạo lẽ nào chẳng thương.
Việt Nam là đất nước có văn hóa, “ Văn hiến chi bang “, đất nước có luân thường, đạo lý, từ Đạo vợ chồng cho đến Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên, Trời- Đất. Vậy mà do bã lợi danh cũng vẫn có người không phân biệt chân giả, dày xéo quê hương, ngăn cách đồng bào:
  ” Chiều chiều bãi bể sóng xô,
     Dã tràng xe cát cơ đồ phù vân.
     Thương ai chân giả không phân,
     Mà đem danh lợi cách ngăn đồng bào
.”
chân giả không phân” là những người mê muội, vô minh chạy theo ” lợi danh “  mãi làm khổ đồng bào. Đấy là hạng người đáng bị oán trách, ấy vậy mà đồng bào vẫn thương. Thương vì họ còn mê muội, còn chìm đắm trong cõi vô minh, ham mê danh lợi, quên nghĩa đồng bào:
Thương ai chân giả không phân
Thật cao quý thay những người bình dân Viêt Nam, những người đã thấm nhuần văn hóa Minh triết Việt truyền thống như nhận định của học giả Paul Mus: “ il s’agit pas, il officie “: Họ không làm, họ tế tự. Câu nói đó ở đây được hiểu như thế này: họ không oán hận, họ cầu nguyện. Cầu nguyện cho đồng bào thoát khỏi nghịch cảnh, cầu nguyện cho những người ” chân giả không phân” sớm hồi tĩnh, cầu nguyện cho đất nước thái bình, thạnh trị.
     Họ kính yêu những đấng anh hào hy sinh cho Tổ Quốc:
   ” Vườn ai trồng trúc trồng tre,
     Ở giữa trồng chè hai bên đào ao.
     Ấy nhà một đấng anh hào,
     Họ Phan làng Thái đồng bào kính yêu
.”
     Tiên là mẫu người lý tưởng từ xưa của Việt tộc. Chữ Tiên theo chiết tự thì gồm có chữ nhơn và chữ sơn hợp lại, như vậy có nghĩa là người ở núi cao đón nhận ân đức từ Trời ban xuống, đón nhận ánh sáng Minh triết. Ca dao còn lưu lại ý tưởng về Tiên như sau:
     Tiên nói chung:
   ” Cổ Loa là đất đế kinh,
     Trông ra lại thấy tòa thành Tiên xây
.”
     Nàng Tiên:
   ” Trên trời có mấy vì sao,
      Dưới trần có gái má đào có duyên.
      Trên trời có mấy nàng Tiên,
      Dưới trần có kẻ lụy phiền vì ai
.”  
     Ông Tiên:
   ” Chấp tay khuyên bạn chớ cười,
     Ông Tiên còn phải đọa huống chi người thế gian
.”
     Cõi Tiên:
   ” Trách chàng Từ Thức vụng suy,
      Cõi Tiên chẳng ở về chơi cõi trần
.”
và:
   ” Hỏi chàng khách lạ đường xa,
     Đến đây cân sắc hay là kết duyên.
     Sa chân bước xuống cõi Tiên,
     Trước là cân sắc, sau kết duyên Châu Trần
.”
     Cõi Tiên còn có tên là Bồng Lai, người ta thường nói: “ Bồng lai Tiên cảnh
   ” Lác trông phong cảnh đẹp thay,
     Bồng Lai có phải chốn này hay không
?”
     Cõi Tiên cũng gọi là Thiên Thai:
   ” Cây quế Thiên Thai mọc nơi khe đá,
     Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm.
     Đôi đứa mình đây như quế với trầm,
     Trời xui gặp gỡ sắt cầm trăm năm
.”
     Những người quyết chí tu Tiên:
   ” Dốc lòng lên cõi Thiên Thai,
     Mũ rơm, áo vá, giày gai tu trì
.”
     Quan niệm làm việc phước tại thế gian dù nhỏ đến mấy cũng có giá trị hơn tìm đến cảnh Thiên Thai:
   ” Dù cho đến cảnh Thiên Thai,
     Không bằng lượm một nhành gai giữa đường
.”
     Ý niệm Tiên trở thành ý niệm Hạnh phúc:
  ” Nhất cao là núi Tản Viên,
     Bình yên vạn sự là Tiên trên đời.”
     Như vậy Tiên là mẫu người lý tưởng đã xuất hiện rất sớm ở Việt tộc, có thể còn trước cả mẫu người quân tử ở  nguyên Nho, bởi vì Nho đã công thức hóa, hệ thống hóa kho tàng tư tưởng của văn hóa nông nghiệp của Viêm Việt, Bách Việt, nói chung là Việt tộc.
   Khi vua Linh Đế ( 168- 189 ) nhà Hán băng hà, thiên hạ bên Tàu nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu tạm yên, nên người phương Bắc di dân đến ở, phần lớn tu luyện phép tịch cốc trường sinh của phái thần tiên,mang màu sắc ma thuật ở thế giới hiện tượng, còn phạm trù Tiên của Việt tộc là Minh triết theo hướng tâm linh.
     Thời Hồng Bàng ( 2879- 258 tr.CN ),Tiên đi đôi với Chim, vì thế khi tu Tiên đắc đạo gọi là Vũ hóa      ( mọc cánh ) biến ra Bạch Hạc ( có thể lúc đầu là vật tổ Chim, Việt điểu, Lạc Việt sau thăng hoa thành vật biểu là Tiên )
   ” Rồng nằm núi Chúa*,
     Hạc múa xa chừng,
     Tối trời quân tử dừng chân,
     Khuyên em ở lại giữ xuân má đào.”
   ( *  Núi Chúa ở giữa Phú Yên- Khánh Hòa, trên đỉnh có mây phủ như rồng bay lượn. )
     Hình ảnh biểu tượng cho sự hòa hợp: Ngưu Lang- Chức Nữ, Hạc-Quy:
   ” Thiếp gặp chàng như Ngưu Lang gặp hội,
      Chàng gặp thiếp như Hạc độ lưng Quy
.”
Hạc tượng trưng cho Tiên sống đời đời hạnh phúc , Quy cũng chỉ sự sống lâu, bền bỉ. Hạc- Quy hòa hợp tạo ra Ngũ phúc. “ Hạc độ lưng Quy ” về tướng số người ta còn gọi là “ Thần Quy Hạc tướng “ rất tốt.
     Tiên là biểu tượng Minh Triết thì Hạc cũng là biểu tượng của Minh triết:
   ” Ba năm Hạc đáo về đình,
     Không cho Hạc đậu, tức mình Hạc bay
.”
     Đình là tiêu biểu cho công thể, làng xã. Ai đã đuổi Hạc, ai đã không cho Hạc đậu nơi mái đình Việt Nam. Xin thưa chính là văn hóa nô dịch và những người bị nô dịch bởi thứ văn hóa giả ngụy đó. Kẻ thì có chủ tâm, người thì mù quáng xua đuổi ánh sáng Minh triết của Tổ tiên để đón nhận  u tối: 
   ” Phượng hoàng chặt cánh đuổi đi,
     Bắt con bìm bịp đem về mà nuôi.”
     
     Phượng hoàng cũng như Hạc là loài chim quý, tượng trưng cho Minh triết Việt.
 Phượng hoàng thì gẫy cánh, thôi thì Hạc đành bay đi, vì đất có lành, chim mới đậu. Thế là văn hóa dân tộc bị tiêu ma, mà đáng lẽ nó phải mỗi ngày một thêm rực rỡ, huy hoàng . Chừng nào Hạc về lại     “ chầu lưng quy “ nơi đình làng thì nền văn hóa chan hòa ánh sáng Minh triết mới được phục hưng và lúc đó nền Quốc học xứng đáng cho dân tộc theo tinh thần lưỡng hợp vừa vuông của nền khoa học kỹ thuật hiện đại, vừa tròn trên nền tảng nhân bản tâm linh truyền thống  mới có thể được hình thành.
     Sau những hình ảnh tiêu biểu như Tiên, Rồng, Hạc, bây giờ đến vòng tròn và hình vuông.
     Vuông tròn: Nho Việt đã cho biết, Trời tròn ( Thiên viên ), Đất vuông (Địa phương ). Vuông tròn là cặp hình ảnh dễ nhận ra đối với người bình dân, thay thế cho Đất Trời, nhất là Âm Dương còn trừu tượng  . Cũng như Đất Trời, Âm Dương, chúng chỉ có ý nghĩa khi kết hợp với nhau trong thế giao hòa cân đối, quân bình và sự giao hòa đó tỏa ra ánh sáng Chân lý, cái Mỹ và cả sự Thiện. Ở bình diện ý thức thì có sự phân biệt ra ba lý tưởng, còn ở đợt tâm linh siêu việt thì cả ba là một, là lý tưởng “vuông tròn”, một công trình tạo hóa thật hoàn hảo:
   ” Bấy lâu nay liễu Bắc đào Đông,
     Tự nhiên thiên lý tương phùng là đây.
     Bây giờ rồng lại gặp mây,
     Nhờ tay tạo hóa đó đây vuông tròn
.”    
     Công trình tạo hóa đó, các qui luật tự nhiên xuất phát từ chỗ giao thoa của hai truc Thời Không . Thời gian là “ bây giờ “, nghĩa một thứ hiện tại miên trường; không gian khi xưa kia phân cách Bắc Đông, xa  nhau ngàn dặm ( thiên lý ) thì nay chỉ là gang tấc. Thật là kỳ diệu, mọi chướng ngại ngăn trở đều biến mất, tâm thức thăng hoa chẳng khác nào như ” rồng lại gặp mây ”.
    Ca dao của người bình dân  nói: “đất vuông trời tròn “ là trước hết nhằm vào “trí khôn “  để đạt Chân lý ở bình diện lý trí, tức là nhằm vào tri thức sự vật như một tri thức khoa học:       
   ” Làm người phải có trí khôn,
     Nghĩ sao cho hết đất vuông trời tròn.
     Lên rừng biết núi biết non,
     Xuống khe biết nước chảy đá mòn, con cá lội giương
vi.”
     Khi vuông tròn giao hòa với nhau theo liều lượng như cặp cơ số 2-3 thì đoạn thẳng phối hợp với vòng tròn cho ra nét cong nghệ thuật là biểu tượng của Mỹ:
   ” Chân mày vòng nguyệt có duyên,
      Tóc mai gợn sóng đẹp duyên tơ hồng
.”
Vòng nguyệt”,” gợn sóng” chính là kết quả tổng hợp thẳng và tròn, là đường nét thẩm mỹ.
   ” Trên đầu em đội khăn vuông,
     Trông xuống dưới ngực cau buồng còn non.
     Cổ tay em vừa trắng vừa tròn,
     Mặt mũi vuông vắn chồng con thế nào
.”
     Đó là nói về sắc đẹp  “ vừa trắng vừa tròn “ của người con gái, còn cái đẹp của người con trai thì lại đi với nét hào hùng:
   ” Tóc đen thưa rộng mà dài,
      Vuông tròn sắc mặt là trai anh hùng
.”
     Vuông tròn là hình ảnh hòa hợp lý tưởng, nghĩa là đi sâu vào căn cơ, suối nguồn tâm linh huyền diệu, nên thường được viện dẫn trong những lời thề nguyền:
   ” Hai chân đạp đất, đầu em đội trời cao,
     Ngó lên mái tóc mấy lời giao vẫn còn.
     Lời nguyền với anh chật biển đầy non,
     Em thương anh hai chữ vuông tròn.”
 
Đạt được “ vuông tròn “ là đã tới Thiện, cho nên bên cạnh thề nguyền còn có nguyện cầu, van vái với lòng chí thành:
   ” Vái Trời cho đặng vuông tròn,
     Trăm năm giữ vẹn lòng son cùng chàng.”
     Những người quen với đời sống tâm linh thì ngoài việc thề nguyền, van vái theo thế tục, còn có  khả năng tự tin, tin tưởng nơi qui luật” vuông tròn “ của tạo hóa, nên có thái độ tích cực, chủ động:
   ” Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
      Đá vàng trót hẹn, dạ càng đinh ninh
.”
Rồi từ đó dẫn đến quyết tâm cao độ:
   ” Quế càng già càng tốt,
      Mía càng đốt càng ngon.
     Anh thương em đặng nghĩa vuông tròn,
     Mấy sông cũng lội, mấy hòn cũng leo
.”
     Đạo Việt là Đạo nhân bản tâm linh, cứu cánh là đạt Nhân. Cho nên tương quan vuông tròn ứng với cặp cơ số 2-3 là tương đối quân bình nhất, hơi nghiêng về phía con số 3, tức vòng tròn, trọng người hơn của, đó là điều kiện để thành Nhân
   ” Người còn thì của cũng còn,
     Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi
.”
     Đời sống nội tâm ứng với cơ số 3 hay vòng tròn là cái nền, còn đời sống thường nhật ngoài đời ứng với số 2 hay hình vuông ( 4 hay 2 ). Cả hai ở thế quân bình theo tinh thần lưỡng nhất “ hợp nội ngoài chi đạo “, nhưng vẫn giữ ưu tiên phần nội tâm:
   ” Vợ chồng chớ cãi nhau hoài,
     Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
.”
     “ Trong ấm ngoài êm “ là chân lý nền tảng mà Tổ tiên đã chỉ dạy mà nếu chạy theo vật chất bên ngoài, không chăm sóc phần tâm linh thì coi như xây tòa nhà trên bãi cát. Cho nên phải tu cầu gia đạo theo nghĩa “ vuông tròn “ mới được:
   ” Tu cầu gia đạo vuông tròn,
     Chồng hòa vợ thuận, cháu con thảo hiền
.”
      Đạo gia đình mà tu sửa cho “ vuông tròn “ thì kết quả là chồng hòa, vợ thuận, cháu con hiếu thảo. Đó là chân Hạnh phúc của gia đình chớ còn ở đâu?
     Đối với vợ chồng:
   ” Vợ chồng may rủi hòa duyên,
     Đẹp đôi hòa thuận la Tiên trên đời.”
Tiên là biểu tượng của Hạnh phúc.
     Đối vớ anh em:
   ” Anh thuận em hòa là nhà có Phúc.”
     Hạnh phúc chân thật chỉ có trong đời sống có văn hóa đạt Minh triết, nghĩa là khi có sự giao thoa quân bình giũa các đối cực Thiên Địa, Âm Dương  theo tương quan “ vuông tròn “.Đó là Hạnh phúc tự căn cơ biểu hiện ra thế giới hiện tượng chẳng sai sót:
   ” Cao cao, cao tít mù xanh,
     Tuy cao mù tít vẫn quanh quẩn gần.
     Dữ lành cân nhắc đồng cân,
     Mà cơ hạnh phúc chuyển vần chẳng sai.
     Hiện tiền quá khứ tương lai,
     Như vòng vòng dính, như quay quay tròn.”
Cơ hạnh phúc là hạnh phúc từ căn cơ, từ chỗ giao hòa, hòa thuận, hòa hợp Thiên Địa, Âm Dương tỏa ra thì mới là hanh phúc chân thật của cuộc sống an lạc, ngược lại là thứ hạnh phúc giả tạo, bấp bênh.
     Cha mẹ nuôi dạy con cái cũng cầu mong cho được “ vuông tròn “ ( lớn khôn ) với cả hai phương diện vật chất và tinh thần:
   “ Nuôi con cho đến vuông tròn,
     Mẹ thầy vất vả, xương mòn gối long.
     Con ơi, gắng trọn hiếu trung,
     Thảo ngay một dạ, kẻo luống công mẹ thầy
.” 
     Trong giao tiếp, xử phận “ vuông tròn “ có nghĩa là công bằng, sòng phẳng:
   ” Bậu đừng vội giận,
     Qua xử phận vuông tròn,
     Người còn thì ngãi ( nghĩa ) vẫn còn,
     Sau này gặp gỡ chẳng hờn chi nhau
.”
hay:
   ” Đấy mà xử ngãi vuông tròn,
     Ngàn năm ly biệt vẫn còn đợi trông
.”
     Vuông tròn còn có nghĩa là bình an qua lời cầu chúc nhau lúc từ giã:
   ” Chợ Sài Gòn cẩn đá,
     Chợ Rạcg Giá cẩn xi mon.
     Giã em ở lại vuông tròn,
     Anh về xứ sở không còn vô ra
.”
     Sách Lễ ký có viết: “ Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hôi, ngũ hành chi tú khí giã “: Người là cái Đức của Trời Đất, sự giao hợp của Âm Dương, sự tụ hội của Quỉ Thần, cái khí tinh tú của Ngũ Hành.
     Bài ca dao sau đây giới thiệu cái Đức của con người thừa hưởng cái Đức của Trời Đất, là nguồn năng lực uyên nguyên bất tận:
   ” Cây xanh thời lá cũng xanh,
     Cha mẹ hiền lành để Đức cho con.
     Mừng cây rồi lại mừng cành,
     Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
     Ba vuông sánh với bảy tròn,
     Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu
.”
     Cho nên những người có đức, có nhân nghĩa không bao giờ nghèo về về vật chất lẫn tinh thần:
   ” Thiên cao đã có thánh tri,
      Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ
.”
 Dầu cho có nghèo về đời sống vật chất,”người nhân nghĩa” cũng giàu về đường nhân nghĩa, là cái có giá trị rất quí của người đạt Nhân.   
     Hình ảnh “vuông tròn ” là Minh triết Việt đã được Ông Tiên mách bảo cho Lang Liêu làm ra bánh dày, bánh chưng tượng trưng cho Đạo Việt: Đạo tu, tề, trị, bình, nói theo hình ảnh là Đạo vuông tròn.
Tinh thần Minh triết của văn hóa Việt đã thực sự đi sâu vào đời sống dân tộc từ hàng ngàn năm, cho nên bánh dày bánh chưng trở thành lễ vật chính của những ngày quốc lễ cũng như lễ cưới trong dân gian:
   ” Ước gì ta được quần thâm,
     Thì ta làm cỗ mười mâm bánh dày.
     Bánh chưng cho lẫn bánh dày,
     Giò hoa chả lụa ta bầy lên trên.
     Quang nong tám rẻ cho bền,
     Mượn người cho khỏe gánh lên họ hàng.”
   
( còn tiếp )
Nguyễn Văn Nhiệm
________
Cước chú:
sp: Nguồn sưu tầm ca dao, tục ngữ : - Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. - Tự điển điện tử Ca dao Tục ngữ của Hà Phương Hoài.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...