26 November 2010

Sưu khảo

Bài biên khảo sau đây trích từ một tác phẩm sắp xuất bản của tác giả, cuốn Con Đường Văn Hóa Việt. Xin hân hạnh giới thiệu cùng quý anh chị. (TTR)
Phần I: Ca dao- Tục ngữ
    ( tiếp theo )

     Những dấu vết còn lưu lại dọc “ Con đường văn hóa “:
     Dấu vết đầu tiên còn ghi lại trong tục ngữ, ca dao là tính trọng văn khinh võ:
   “ Quan văn thất phẩm thì sang,
     Quan thất phẩm phải mang gươm hầu
.“
     Đó là một trong những đặc tính quan trọng để phân biệt hai nền văn hóa nguyên thủy chính của loài người và đặc biệt ở khu vực Á Đông. Văn hóa nông nghiệp: Đề cao mẫu quyền, thiên về tình cảm, chuộng văn, hiếu hòa, chủ trương nhân trị, vương đạo, truyền hiền...Trong khi đó, văn hóa du mục: Đề cao phụ quyền, thiên về lý trí, trọng võ, hiếu chiến, thích chinh phục, chủ trương pháp trị, bá đạo, thế tập...
     Dấu vết tiếp theo là chuộng việc học hành, khuyến khích văn chương chữ nghĩa:
   “ Thầy mẹ sinh em phận gái giữ đạo cương thường
      Anh lui về học lấy văn chương
      Nghìn thu em vẫn đợi, không vấn vương nơi nào
.“ 
     Việc học hành đó không chỉ ngừng lại ở phương diện văn chương, mà còn phối hợp cả việc tập tành lễ nghi và nhất là học đến chỗ rốt ráo là “ cách vật trí tri “, là cái học đến tận cùng căn để,“ tận kỳ tính “ của  Nho Việt:
   “ Dạy con từ thuở tiểu sinh
     Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
     Học cho “ cách vật trí tri
     Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông
.“
     Đã chuộng văn chương chữ nghĩa thì đương nhiên phải trọng con nhà văn học:
   “ Hò ơ...Bạc với vàng con đen, con đỏ
     Nhưng sợ giọng rỗi, giọng tuồng.
     Em muốn lấy anh thợ đóng xuồng
     Nhưng sợ ảnh hay dằn, hay thúc.
     Hò ơ...Mấy lời trong đục, chẳng dám nói ra.
     Có thầy giáo tập ở làng ta
     Hay khuyên, hay điểm, hay dạy, hay răn.
     So đức hạnh ai bằng
     Lại con nhà văn học
     Sử kinh thầy thường đọc
     Biết việc thánh hiền.
     Hò ơ...Gặp nhau em kết nghĩa liền, không chờ, chẳng đợi...“
     Những câu hò như tiếng vọng từ tiềm thức thâm sâu, tận đáy lòng của người bình dân vang lên nguyện ước của người con gái mong có được người bạn đời lý tưởng thật nho nhã:
   “ Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ
     Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
     Anh về anh học chữ Nhu
     Mấy trăng em cũng đợi, mấy thu em cũng chờ
.“
     Chữ Nhu đó chính là nguyên Nho của Việt tộc từ ngàn xưa còn để lại ấn dấu trong thâm tâm người bình dân mộc mạc ở thôn quê chưa bị xuyên tạc bởi văn hóa nô dịch của đế quốc, tà thuyết ngoại lai. Nguyên Nho là Nho Việt đã có mặt trên địa bàn Việt tộc cổ cho tới vùng núi Thái Sơn :
   “ Công cha như núi Thái Sơn
     Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
     Một lòng thờ mẹ kính cha
     Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con
.“
     Ngoài dấu tích cột mốc biên giới cực Bắc của Việt tộc, bài ca dao còn cho biết Đạo Việt là Đạo Thờ Cúng Ông Bà, Tổ Tiên, là Đạo Hiếu, đặc trưng của Nho, mà những nhân vật như Phục Hy, Thần Nông thuộc Viêm Việt đã có công đặt nền móng. Nếu so sánh niên đại, Thần Nông: 3320-3080 tr. CN, Hồng Bàng: khoảng 2879 tr.CN, Hoàng Đế của Hoa tộc khoảng 2697 tr. CN thì họ Hồng Bàng của nước Văn Lang, tức nước Việt Nam khi xưa còn trước cả Hoàng Đế  gần 200 năm. Chính vì vậy mà  sách sử mới nói rằng nước Việt Nam có trên bốn ngàn năm văn hiến, nghĩa là một đất nước có truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời. Chỉ nội cái tên nước Văn Lang cũng đã nói lên cái ý thức của dân tộc về văn hiến ngay trong thời kỳ lập quốc rồi.
     Những mầm văn hóa truyền thống dân tộc được truyền dạy bao đời từ trong mỗi đơn vị gia đình với  lời ru con ngọt ngào, sự vỗ về của cha mẹ qua tiếng ca dao:  
   “ Bông bần rụng trắng ngoài sân,
     Lấy chồng xa xứ khó mong ngày về.
     Xa xưa con ở dựa kề,
     Bên ba, bên má vỗ về ca dao
.“
     Ca dao là chất liệu dinh dưỡng nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, cho nên được phổ biến ra cho toàn dân : sĩ, nông, công, thương. Mọi người lo phát huy nghề nghiệp chuyên môn của mình tạo cuộc sống ấm no cũng như lấy ca dao tô điểm sinh hoạt văn hóa  khiến cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ, hòa hợp trong cảnh thái bình:
   “ Ai ơi giữ phép nước ta,
     Ai ơi thương lấy dân nhà một tông.
     Có hậu dưỡng mới phú phong,
     Kẻ cày người cấy, sống trong thái bình.
     Kẻ Nho lo việc học hành,
     Mai sau chiếm bảng nức danh trên trời.
     Kẻ buôn thì được lắm lời,
     Tàng vương chi thị tứ thời bán buôn.
     Kẻ công ai cũng tranh đua,
     Làm nghề chạm vẽ: phượng, rùa, long, ly.
     Tứ dân mỗi nghiệp mỗi nghề,
     Nhờ trời đều được gặp khi thái hòa.
     Toàn dân vang khúc dao ca
.“
     Đến khi vua Lý Thái Tổ ( 1010-1028 ) lên ngôi, dời đô về Thăng Long vào tháng bảy năm 1010, thì đất nước mới thật sự bước vào thời kỳ độc lập tự chủ vững chắc, lâu dài.                                                        
     Vua Thái Tổ sáng lập triều đại nhà Lý lúc nhỏ đã có một tiểu sử khá ly kỳ, bí mật. Khi ông lên ba tuổi, bà mẹ đem ông giao cho nhà sư Lý Khánh Vân trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi, nên được đặt tên là Lý Công Uẩn. Vì vậy, trong dân gian đã lưu truyền lời ca dao:               
   “ Con ai đem bỏ chùa này,
     A Di Đà Phật, con thầy thầy nuôi.“                                                                                                               
   Vì nhà vua xuất thân từ cửa Phật, nên Phật Giáo được khuyến khích mở mang, trong khi đó Văn Miếu cũng được thiết lập để dạy Nho học  và các khoa thi Tam Giáo được mở ra để tuyển chọn nhân tài . Từ đó nền văn hóa Lạc Hồng càng được thắm tươi:
   “ Tiếng chuông lay bóng Bồ Đề,
      Con chim trắng cánh bay về Tây Thiên.
      Mong sao dân tộc bình yên,
     Đạo lành che chở dân hiền thương yêu.
     Dù cho đất sập trời xiêu,
     Lòng tôi vẫn nhớ những điều giá gương.
     Khắp nơi đồng ruộng phố phường,
     Nhớ  lời Phật dạy phải thương nhau cùng.
     Đạo vàng điểm núi tô sông,
     Xây nền văn hóa Lạc Hồng thắm tươi
.“
     Có lẽ lâu đời hơn nữa còn có hai câu ca dao rất phổ biến trong dân gian:
   “ Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
     Người trong một nước phải thương nhau cùng
.“
     Mệnh đề “ phải thương nhau cùng “ ở bài ca dao trên và hai câu ca dao dưới không phải ngẫu nhiên trùng hợp, mà tất yếu phải có của một nền văn hóa đạt Minh Triết. Văn hóa chủ Nhân, còn Văn minh thì chủ Trí.

     Kể từ đó văn hóa dân tộc được tài bồi  mỗi ngày một khởi sắc theo hướng  nhân bản tâm linh, phát huy Trí, Nhân, Dũng theo tinh thần Nho Việt và Bi, Trí, Dũng theo tinh thần Phật Giáo. Sự thành công của Tam Giáo Đồng Nguyên thời đại Lý-Trần là sự tổng hợp ba nguồn tư tưởng lớn dựa trên nền tảng của Đạo Việt, Tính Việt. Chính nền tảng đó là nhân tố quyết định sự thành công của sự tổng hợp. Thật vậy, nước Đại Việt thời đó nói chung thật hùng mạnh, đời Lý phá Tống, bình Chiêm; đời Trần đại thắng quân Nguyên. Đất nước sau những năm chiến tranh chống giặc ngoại xâm đã thực sự trở nên thanh bình, thịnh trị như cõi Phật, mà Trạng nguyên Huyền Quang Lý Tải Đạo đã mô tả như sau:
   “ Phen những ôi!
     Tây Trúc dường nào
     Năm châu có mấy
     Non Linh Thứu ai đem về đây
     Cảnh Phi  Lai mặt đà thấy đáy
     Vào những cõi thánh thênh thênh
     Thoát rẽ lòng phàm phây phấy
...“
     Trên nền tảng vững chắc như vậy, đất nước lần lượt sản sanh nhiều nhân tài từ văn học cho đến anh hùng dân tộc, lưu lại những công trình xây dựng di tích lịch sử...nhất là ở kinh đô xứng danh là nơi có nghìn năm văn vật:
   “ Thăng Long, Hà Nội đô thành,
      Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ.
     Cố đô rồi lại tân đô,
     Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây
.“
     Khi nói: “ Nền văn hóa...“ là nói đến nền tảng của văn hóa đó. Nền tảng của văn hóa Việt Nam là Đạo Việt, là Tính Việt. Khi nói: “ Con đường văn hóa...“ là nói đến quá trình hình thành nền văn hóa đó. Quá trình theo hàng ngang  có tính cách duy sử dưới quyền lực của duy lý chỉ chú ý đến sự kiện, biến cố, còn quá trình theo hàng dọc thì vận hành xuyên suốt đến tận tiềm thức, do đó việc nghiên cứu thuộc lãnh vực triết lý với bộ phạm trù năm bậc: Dụng, Từ, Ý, Cơ, Thể ( Tính ).
     Dụng bao gồm những đức tính, tất xấu, những lề lối, thể chế trong cuộc sống. Từ là chữ viết, tiếng nói, văn chương, văn nghệ. Ý là ý tưởng, khi phát triển thành hệ thống thì trở thành Triết học, Ý hệ. Những thứ này do bị đô hộ quá lâu dài, bị văn hóa nô dịch của đế quốc vùi dập, nên phần lớn bị mai một, tha hóa. Chữ viết bị tước đoạt, Từ không có thì Ý cũng không, nghĩa là Triết học coi như ta chưa có. Cơ là phần căn bản hơn cả, ẩn sâu bên trong nên được an toàn. Sự độc hại của văn hóa nô dịch của đế quốc chẳng khác nào sự tàn phá của tia tử ngoại trên mặt địa cầu khi chưa có lớp Ozon ở thượng tầng khí quyển như hiện nay ( 30 lần lớn hơn ). Tia này có khả năng xuyên qua mặt nước xuống sâu tới 30 mét, điều này giải thích vì sao sinh vật xuất hiện ở dưới lòng biển trước tiên. Tia tử ngoại độc hại của đế quốc cũng chỉ tàn phá từ tầng Dụng qua Từ rồi đến Ý là cùng, chứ không làm sao động đến được tầng Cơ. Cơ là phần căn bản, lại tồn tại lâu đời nhất từ thời lập quốc, cho nên muốn xét tinh hoa văn hóa dân tộc thì phải xét đến Cơ.
     Cơ hay cơ cấu:
    Cơ hay cơ cấu là hệ thống không hệ thống, là cái gì uyên nguyên, tế vi, kết tinh bao đời của một nền văn hóa được rút gọn, cô đọng lại đến độ có thể biểu thị bằng vài ba số độ, hình ảnh hay nguyên ngôn. Cơ vượt phạm vi lý trí đi sang tiềm thức, nó có sức liên hệ lớn, bao quát rộng.
     Số độ :  Nho Việt đặt nền tảng trên Hà Đồ, Lạc Thư và Dịch, cho nên nói vế số thì có:
     Số sinh: 1, 2, 3. 4, 5 thuộc vòng trong, là phần tiên thiên hay Thể.
     Số thành: 6, 7, 8, 9 . Gọi là số thành vì chúng được thành với số 5 như: 5+1= 6, 5+2= 7, 5+3= 8
5+4= 9 thuộc vòng ngoài, là phần hậu thiên hay Dụng, tức là đợt cá biệt hóa.
     Số trời là những số lẻ, số dương: 1, 3, 5, 7, 9.
     Số đất là những số chẵn, số âm: 2, 4, 6, 8.
     Những số nói trên không có ý nghĩa lượng, mà chỉ chân lý nền tảng. Ý nghĩa của một con số không nhất định, mà còn tùy thuộc những con số liên hệ.
     Bộ số căn bản của Nho Việt là 2,3,5. Số 2 là Âm dương ( Tiên Rồng ), số 3 là Tam Tài, số 5 là Ngũ Hành.
     Số 2 cũng chỉ Thái Hòa, hòa hợp hai đối cực như Trời- Đất, Âm- Dương, Hữu-Vô...Số 2 còn biểu thị tính lưỡng hợp, lưỡng nhất, 2 mà là, 1 mà là 2: “ Nhất âm nhất dương chi vị Đạo “.  Trong khi nhị nguyên thì ngược lại, chọn 1, bỏ một theo nguyên lý đồng nhất, 1 dứt khoát là 1, không chấp nhận hòa hợp, nên chỉ còn nhất nguyên độc khối bất động.
   Số 3 chỉ Tam Tài : 1 Trời, 2 Đất, 3 Người. Số lẻ nhỏ (1) chỉ Trời, số chẵn chỉ Đất (2),
số lẻ lớn chỉ Người (3). Chẵn, lẻ chỉ hai đối cực mà vẫn có thể đi đôi với nhau là do Người đứng ra thực hiện sự tổng hợp để đưa đến Thái Hòa.
    Số 5 chỉ Ngũ Hành: 2 +3 = 5 , trong đó 2 vẫn chỉ Đất, 3 chỉ Trời ( số lẻ nhỏ ), 5 chỉ Người ( số lẻ lớn ) theo nghĩa nhân bản tâm linh hay Đại Ngã. Số 5 gồm cả số 3 và số 2 nên Kinh Dịch mới nói:
  “ Tham  thiên lưỡng địa nhi ỷ số “ ( Thuyết quái 1 ).
     Nền văn hóa Nho Việt hòa hợp quân bình hai yếu tố Thiên Địa theo tương quan 3-2 : Thiên 3, Địa 2. Trong khi Tây Âu nghiêng về Địa Phương , duy vật, chấp Hữu; Ấn Độ nghiêng về Thiên Viên, duy tâm, chấp Vô với tương quan 4-1 hay 1-4  không quân bình.
     Trên đây là tóm lược những con số có ý nghĩa cơ cấu trong Triết lý truyền thống Việt từ ngàn xưa đã ẩn sâu trong tiềm thức cộng thông của dân tộc, nay thử xét xem chúng đã biểu lộ ra như thế nào và còn lưu lại dấu vết đến mức độ nào qua tục ngữ, ca dao, là tiếng nói trung thực của người bình dân.
     Những biểu hiện của con số 2 qua ca dao:
   “ Đôi tanợtình,
     Là duyênkiếp đôi mình kết  giao.
     Em như hoa mận hoa đào,
     Cái gì là nghĩa tương giao hỡi chàng
?“
     Con số 2 chỉ “ đôi ta “ như ở bài ca dao trên thật là hàm xúc, nó bao gồm nhiều phạm trù của Triết lý nhân sinh trong đời sống lứa đôi của người bình dân: duyên, nợ, tình, kết giao, tương giao.
   “ Đôi ta như thể con tằm,
     Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong.
     Đôi ta như thể con ong,
     Con quấn, con quít, con trong, con ngoài.
     Đôi ta như thể con bài,
     Chồng đánh vợ kết chẳng sai con nào
.”
     Những nhóm chữ ” cùng ăn một lá ”, ” cùng nằm một nong” nói lên cái ý nghĩa 2 mà là 1. Rồi những chữ như ” quấn ”, ” quít ”, ” trong ”, ” ngoài ” nói lên cái ý nghĩa trong âm có dương, trong dương có âm, đầu mối của Triết lý lưỡng hợp, lưỡng nhất.
   ” Được vàng được bạc trên tay,
     Em không mừng rỡ bằng nay gặp chàng.
     Trèo lên khung cửi dệt hàng,
     Cửi kêu lăng líu, dạ thương chàng líu lăng.
     Lời nguyền dưới nước trên trăng,
     Trăm năm không bỏ đạo hằng cùng anh
.”
     Lời nguyền cũng được chọn qua hình ảnh con số 2 lưỡng hợp là nước và trăng để khẳng định quyết tâm giữ vững ” đạo hằng ” của tình nghĩa vợ chồng.
   ” Đôi ta như xôi đậu vò,
     Càng nắm càng dẻo, càng vo càng tròn
.”
     Chữ ” dẻo ”, chữ ” tròn ” chỉ sự hòa hợp lâu dài, hạnh phúc trọn vẹn.                                                 
   “ Ngó ra sông cái ngó ngoái thấy đình
     Hạc chầu thần còn đủ cặp
     Huống chi mình lẻ loi.”
 
    Đủ đôi, đủ cặp là hợp lẽ tự nhiên, lẻ loi là tình trạng bất thường của cuộc nhân sinh. Đây là tình cảnh của những người con gái không chồng:
   ” Trồng trành như nón không quai,
      Như thuyền không lái, như ai không chồng.
     Gái có chồng như gông đeo cổ,
     Gái không chồng như phản gỗ long đanh:
     Phản long đanh anh còn chửa được,
     Gái không chồng chạy ngược, chạy xuôi.
     Không chồng khốn lắm chị em ơi!”
 
     Những hình ảnh ” thuyền không lái ”, “ trồng trành ” chỉ tình trạng mất quân bình, không định hướng, long đong, khốn lắm là không hạnh phúc.
     Tình cảnh của người con trai không vợ cũng không khá hơn chút nào:
   ” Trâu kia kén cỏ bờ ao,
     Anh kia không vợ đời nào có con?
     Người ta con trước, con sau,
     Thân anh không vợ như cau không buồng.
     Cau không buồng như tuồng cau đực,
     Trai không vợ cực lắm anh ơi!
     Người ta đi đón, về đôi,
     Thân anh đi lẻ, về loi một mình
!”
     Đạo truyền thống của người Viêt Nam là Đạo thờ cúng Tổ Tiên, Đạo Hiếu, mà  thân anh như “tuồng cau đực” thì coi như mất hậu.
   ” Gái Thái Bình lòng ngay dạ thẳng,
     Trai bạc tình một cẳng về quê
.”
     Thái Bình là địa danh, nhưng ở đây chỉ người con gái giữ đúng Đạo Thái Hòa của Triết lý lưỡng hợp, lưỡng nhất. Còn người con trai bạc tình, bạc nghĩa không theo đúng Đạo lưỡng hợp, mà ích kỷ cho riêng mình, cá nhân chủ nghĩa trở thành ” một cẳng ”, là thứ chủ nghĩa duy, chọn một bỏ một. Đó cũng là tình trạng: 
Sông Lục Đầu sáu khúc, nước chảy xuôi một dòng.” 
                                                                                
    Nước sông phải chảy lên, xuống, xuôi, ngược theo thủy triều, một âm, một dương điều hòa, còn chỉ chảy một chiều là không bình thường, không còn theo đúng luật tự nhiên, có thể là do kẻ vô tình hay ác ý chận dòng nước ở thượng nguồn. Sông Lục Đầu sáu khúc ứng với  Lục Cưc: hung họa chết non ( hung đoản triết ), tật bệnh ( tật ), lo sợ (ưu ), nghèo nàn ( bần ), tai ác (ác ), yếu đuối ( nhược ). Số 6 là huyền số, nên uyển chuyển tùy theo tâm thức của con người, cho nên cái tên Lục Đầu cũng chưa phải là định mệnh quá khắc khe buộc chặt vào một dòng sông, mà những con người có tầm vóc phi thường cũng  có thể khai thông nó và lúc đó Lục Cực sẽ biến thành Ngũ Phúc.
     Nguyên lý đồng nhất đưa đến hành động ngăn sông khiến cho dòng nước  trở thành một chiều, trái ngược với qui luật tự nhiên hòa hợp cả hai chiều là đầu mối của Đạo.
   ” Bắp với khoai tuy rằng khác giống,
     Nhưng cùng sống trên cục đất giồng.
     Anh với em đồng vợ đồng chồng,
     Tát biển đông cũng cạn, đập núi Hồng cũng tan
.”
  ” đồng vợ, đồng chồng ” không phải là nguyên lý đồng nhất 1 là 1, mà là hợp nhất, đồng tâm hợp lực, tổng hợp, lưỡng nhất: 2 mà là 1, 1 mà là 2 ( tuy rằng khác giống ).
     Với duy lý thì thế giới hiện tượng đầy rẫy mâu thuẫn, chướng ngại ngăn cách:
   ” Đôi ta như ruộng năm sào,
     Cách bờ ở giữa làm sao cho liền.
     Đôi ta như thể đồng tiền,
     Đồng sấp, đồng ngữa, đồng nghiêng, đồng nằm
.”    
    Be bờ, ngăn sông là những biện pháp hữu vi của con người, nếu chừng mực thì có lợi, mà quá đáng, thì có hại. Điều quan trọng là luật quân bình, chứ không phải biện pháp. Đồng tiền dù ở vị thế nào: sấp, ngữa, nghiêng hay nằm bao giờ cũng là đồng tiền.                                                                               
     Đặc tính của Đạo Việt là ở chữ Việt, có nghĩa là siêu việt, khả năng vượt qua ý thức nhị nguyên đầy mâu thuẫn, nối kết được hai đầu mối của mọi đối cực  lại với nhau như cái cầu bắt qua sông, qua vực thẳm:
    “ Bắc cầu cho kiến leo qua,
      Cho ai bên ấy sang nhà tôi chơi
.”
      Nhưng phải là cái cầu thật sự mới được:
   ” Ở gần sao chẳng sang chơi,
     Để anh hái ngọn mồng tơi bắc cầu.
   - Bắc cầu em chẳng sang  đâu,
     Chàng về mua chỉ bắc cầu em sang.
     Chỉ xanh, chỉ tím, chỉ vàng,
     Đủ ba thứ chỉ em sang được cầu.”
 
     Bắc cầu bằng ” ngọn mồng tơi ” là loại cầu nói cà rỡn, bông đùa, loại cầu giả hiệu thì làm sao nối được mối tơ duyên, cũng tương tự như loại biện chứng giả hiệu một chân cà thọt thì làm sao liên kết được các đối cực của các mâu thuẫn mà không chọn một bỏ một. Người con gái chỉ chấp nhận sang sông với cái cầu thật sự kết bằng ba thứ chỉ là Đạo Ba.
     Thay vì bắc cầu bằng ngọn mồng tơi, người trọng tình nghĩa, đạo lý bắt cầu bằng miếng trầu:
   ” Miếng trầu  là nghĩa tương giao,
     Muốn cho đây đấy duyên vào hợp duyên
.”
     Hát hò đối đáp cũng là cách bắt cầu lý thú đầy nghệ thuật:
   ” Làm giàn cho bí leo chơi,
     Hát dăm ba chuyện thử lời nam nhi
.”
     Hò hát là cơ hội tốt để thăm dò ý nhau, để tìm bạn kết đôi:
   “ Bửa nay giọng tắt, tiếng khan,
     Trong mình mỏi mệt choan van cả đầu.
     Tai anh nghe chị em hò hát đã lâu,
     Giật mình trở dậy bới đầu bịt khăn.
     Bước ra ba bước than rằng:
     Biết nơi đâu xứng nợ,
     Biết nơi nào bằng kết đôi?”
     Xứng, bằng là hài hòa, là quân b ình. Có hài hòa, hòa hợp, quân bình thì mới kết đôi bền vững.                       
     Hát hò chẳng những là cơ hội tạo sự gặp gỡ tìm người tâm đầu ý hợp, mà là nơi để thi thố nghệ thuật, nên gái trai tìm đến với tất cả sự say mê:
   ” Điệu gì vui cho bằng điệu hát hò,
     Có một cẳng rưỡi cũng dò mà đi
.”
     Điệu hát hò thuộc lãnh vực âm nhạc, mà nhạc chủ hòa, tình lý tương dung, cho nên không thể khư khư duy lý được. Kẻ một cẳng còn phải chống gậy để trở thành một cẳng rưỡi lò dò mà đi hát hò, thì người bình thường hai chân, không đi đứng theo nhịp bước tự nhiên, cớ sao lại chọn 1 ( 1 chân ) bỏ 1 để trở thành cà thọt?
     Những biểu hiện của con số 3 qua ca dao:
   ” Làm sao giữ trọn Đạo Ba,
     Sau dầu có thác cũng là thơm danh
.”      
hay rõ ràng hơn:
   ” Làm trai giữ trọn Ba Giềng,
     Thảo cha ngay chúa, vợ hiền chớ vong
.”
     Đạo Ba trước hết là Tam Cang ở bình diện luân lý: Quân vi thần cang, phụ vi tử cang, phu vi thê cang. Còn Đạo Ba ở bình diện triết lý là Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân. Nho Việt định nghĩa Nhân như sau: ” Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giã ”:
Người là cái Đức của Trời Đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỉ thần, cái khí tinh tú của Ngũ Hành. Con người theo định nghĩa trên rất cao cả, là một Tài sánh với  Tài Trời và Tài Đất,  là Con Người Đại Ngã ở đợt Thể tinh ròng chưa có đối tượng phân biệt như ở đợt Dụng, đợt  Tiểu Ngã. Con người Đại Ngã như vậy thống nhất Thiên, Địa, Nhân vào Nhất Thể, đặt ở trung tâm vạn vật, cho nên có chiều kích vô biên, rất cường kiện. Cái Đức của Trời Đất trong con người đã được Nguyễn Công Trứ diễn tả trong bài “ Kẻ sĩ ”: 
   ” Khí hạo nhiên chí đại chí cương
     So chính khí đã đầy trong trời đất
”   
     Nhà cách mạng Trần Cao Vân đã cực tả Tính Thể Con Người là Nhân Bản Tâm Linh, là Nhân Chủ ngang tầm vũ trụ:

  ” Trời Đất sinh ta có ý không?
  ChưasinhTrờiĐấtcóatrong.                                                                                                                          
     Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh.
     Trời Đất in ta một chữ Đồng:
     Đất nứt, Ta ra, Trời chuyển động:
     Ta thay Trời mở Đất mênh mông.
     Trời che Đất chở Ta thong thả.
     Trời, Đất, Ta đầy đủ Hóa Công.”

     Còn ca dao từ lâu cũng đã nói lên cái tầm kích vĩ đại của con người:
   ” Bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng,
     Ông Tứ Tượng bằng bốn con sào
.”
  Cũng do tính Nhân Chủ này mà trong truyện Kiều mới có câu:
  ” Có Trời mà cũng có Ta ”
và ca dao cho thấy người bình dân sớm vượt khỏi óc mê tín, đôi khi còn tỏ thái độ ngông nữa: 
   ” Bắc thang lên đến tận Trời,
     Bắt ông Nguyệt Lão đánh mười cẳng tay.
     Đánh thôi lại trói vào đây,
     Hỏi ông Nguyệt Lão: Nào dây tơ hồng
?”
     Người bình dân mang Tính Việt là những người có niềm tin, không  kỳ vọng vào sự linh thiêng hướng ngoại, mà hướng vào tâm linh nội tại bằng sự tập trung bền bĩ toàn diện mọi cơ năng Ý, Tình, Chí (đốc hành):                                                                                                                                                          
    “ Anh đi lên Bảy Núi,
      Anh chạy thẳng tới Tà Lơn,
     Căn nợ keo sơn thấu đến ông Trời.
     Trời cao, Đất thấp,
     Anh đến Tam Cấp lập Cửu Trùng Đài.
     Thời hư khiến vậy, ráng lập hoài cũng nên.”
    “ Anh đi lên Bảy Núi ”: Sách Dịch nói : ” Thất nhật đắc ”, cho nên con số 7 là con số huyền niệm, chỉ sự thành tựu. Anh trèo lên Bảy Núi là với tất cả lòng chí thành, hy vọng rằng “ căn nợ keo sơn thấu đến ông Trời
    “ Anh đến Tam Cấp lập Cửu Trùng Đài ”: là anh đã quyết tâm cùng cực, thực hiện gấp bội huyền số 3 để được 3.3= 9, con số Cửu Lạc huyền linh và Cửu Trùng Đài là nơi vua ngự trên cao.
     Thực hiện phương châm: ” Có chí thì nên ”, cho nên anh kiên quyết và tin tưởng: ” ráng lập hoài cũng nên “.
     Người bình dân vốn chất phác, phản ảnh trung thực tính văn hóa nông nghiệp truyền thống, đôi khi quên đi óc tôn quân triệt để của văn hóa du mục, cho nên trong bài ca dao sau đây thay vì chữ Trung dành cho vua thì lại để cho cha:
   ” Mình về ta chẳng cho về,
     Ta nắm lấy áo, ta đề câu thơ.
     Câu thơ ba chữ rành rành:
     Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba.
     Chữ Trung thì để phần cha,
     Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình
.”
     Con số 3 là cơ số của nền triết lý nhân sinh lấy việc ăn, làm, hạnh phúc con người làm cứu cánh ( Có thực mới vực được Đạo ), cho nên đã biểu hiện ra qua châm ngôn sau đây:
   ” Đói cho chết, ba ngày Tết cũng no
hay:
   ” Giàu ngày ăn ba bữa,
      Khó cũng đỏ lửa ba lần
.”     
     Số 3 vừa có ý nghĩa siêu hình, có ý nghĩa triết lý nhân sinh, lại vừa có ý nghĩa trong bình diện thế giới hữu hình, hiện tượng vật lý:
   ” Dầu ai nói đông nói tây,
     Thì ta cũng vững như cây giữa rừng.
     Dầu ai nói ngả nói nghiêng,
     Thì ta cũng vững như kiềng ba chân
.”     
Số 3 là thế chân vạc kiên cố:
   ” Hòn Tàu, Hòn Kẽm, Hòn Vung
     Ba hòn xúm lại đỡ vùng Quảng Nam.
     Non sông ai dựng ai làm,
     Dòng sông Sài Giang lượn khúc,
     Cù lao Chàm xanh um
.”                                                                                              
     Những biểu hiện của cặp số 2-3 thành lời nói vài ba trong dân gian:
     Cơ cấu là cái gì nằm ẩn khuất sâu trong tiềm thức, nhiều khi trồi lên bên trên biểu hiện vào lời ăn, tiếng nói mà ý thức nhiều khi không phát hiện, lâu dần trở thành lề lối ngôn ngữ:
   ” Con chim nho nhỏ
     Cái lông nó đỏ
     Cái mỏ nó vàng
     Nó đậu trước cửa Tam Quan
     Nó kêu nam tắc, nữ tế
     Nam quế, nữ châu
     Bớ chị Ba nhỏ ơi, xin chị đừng rầu
    Vài ba hôm nữa, mâm trầu tới đây
.”
hay:
   ” Tưởng rằng cha mẹ đập vài ba roi,
     Ai ngờ đập đến chín chục, một trăm roi.
     Em bò lăn bò lóc, em khóc đứng khóc ngồi
.”
     Úy trời đất quỉ thần ơi! Thân con gái “ liễu yếu đào tơ ” mà bị đòn đến chín chục, một trăm roi thì “ tan xương nát thịt ” rồi còn chi nữa! Chưa hết! Nàng còn tiếp tục kể lể: “ Em bò lăn bò lóc, em khóc đứng khóc ngồi.”- Ghê quá vậy hả? Mà có thật vậy sao? Ai mà  tin cho được. Nàng nhõng nhẽo với tình lang đó!
     Tương quan của cặp cơ số 2-3:
   ” Năm canh thì ngủ lấy ba,
     Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn
.” 
     Ba cho việc ngủ, tức lo chăm sóc phần vô thức, tiềm thức thuộc tâm linh. Trong khi hai dành cho việc làm ăn thuộc sinh hoạt ý thức. Đó là tương quan quân bình lý tưởng của Triết lý lưỡng hợp “nội ngoại chi Đạo ” để có cuộc sống an nhiên tự tại, ấm no, hạnh phúc. Còn nếu ngược lại ngủ 2, thức 3 thì sẽ  phản tác dụng:
   ” Năm canh anh ngủ lấy hai,
      Ba canh thao thức, nhớ bạn lành khổ chưa
?”
     Trường hợp sau đây lại càng bi thảm hơn nữa, hết con chim trên núi đến con gà rừng dưới suối, chúng gáy suốt năm canh, hết giọng chầu đôi (2) lại sang giọng chầu ba (3), một sự mất quân bình toàn diện:
   ” Con chim trên núi, con gà dưới suối,
     Nó gáy giọng chầu đôi, chầu ba.
     Đêm năm canh chẳng ngủ lại ngồi,
     Trông người thục nữ bồi hồi lá gan
.”
     Cặp cơ số 2-3 có thể biến dạng sang 3-4 như ca dao đã trích dẫn ở ý tưởng Con Người Đại Ngã có chiều kích vũ trụ:
   ” Bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng,
     Ông Tứ Tượng bằng bốn con sào
.”
hay:
   ” Mồng ba cá đi ăn thề,
     Mồng bốn cá về vượt Vũ Môn
.”
    Thể thơ lục bát với cặp số 6-8 cũng qui về 3-4, rồi song thất lục bát cũng vậy, vì
7= 3+4. Về âm nhạc, Tây phương cũng có nhịp 6-8, 3-4 ( valse ). Như vậy, hình như cặp cơ số 3-4 có tiết điệu căn cơ phổ biến.
     Cơ số 5:
    5=3+2 là số “ tham thiên lưỡng địa “ở Lạc Thư, cũng như 5= 4+1 tức là Tứ Tượng (4) hợp với Thái cực (1) hình tròn trống không, ứng với Hành Thổ ở chính giữa của Ngũ Hành. Thổ là Hành Vô Hành, nên vô biên, mới có khả năng dung hợp bốn Hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa.
     Quan niệm Ngũ Hành, cơ số 5 đã đi vào đời sống dân gian qua cách thức đặt tên núi non:
   ” Quảng Nam có núi Ngũ Hành,
      Có sông chợ Củi, có thành Đồng Dương
.” 
     Qua kiến trúc, thiết kế thành đô:
   ” Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi!
      Sông Nhị nước chảy phân đôi một dòng.
      Đôi ta chua ngọt đã từng,
      Thành cao, sóng mạnh cũng xin dừng quên nhau
.”
     Số 5 bao hàm cả số 2 và số 3 cho nên nếu Hành Thổ (5) có khả năng thâu hóa, điều hòa các Hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa thì sông Nhị phân đôi cũng chỉ là một dòng sông mà thôi( lưỡng hợp). Con người vừa có tính lưỡng nhất (2) vừa là nhân bản tâm linh (3) lại vừa có tâm không của Hành Thổ (5), cho nên dầu có” thành cao, sóng lớn” cũng không hề nao núng.
     Qua việc xây cất nhà ở:
   ” Nhác trông nhà ngói năm gian,
     Thấy chàng lịch sự khôn ngoan có tài.
     Cho nên em chẳng lấy ai,
     Em quyết chời đợi một vài ba đông.
     Yêu anh em chẳng lấy chồng,
     Em dốc một lòng chờ đợi lấy anh
.”
     Nếu không cất nhà năm gian thì cất nhà ba gian hay ba gian hai chái:
  ” Ba gian nhà khách
     Chiếu sạch giường cao
     Mời các thầy vào
     Muốn sao được thế
     Mắm Nghệ lòng giòn
     Rượu ngon cơm trắng
     Các thày dù chẳng sá vào
     Hãy dừng chân lại,  cho em chào cái nao
     Đêm qua em mới chiêm bao
     Có năm ông cử bước vào nhà em
     Cau tươi bổ, trầu cay têm
     Đựng trong đĩa sứ em đem kính mời.
     Năm thầy tốt số hơn người,
     Khoa này tất đỗ, nhớ lời em đây
.”
     Nếu ai không được khá giả thì cất nhà tranh, nhà rạ. Nhưng dầu là nhà tranh, nhà rạ cũng phải theo hình thức ba gian:
   ” Ba gian nhà rạ lòa xòa,
     Phải duyên coi tựa chín tòa nhà lim
.”
Chín gian, năm gian, ba gian hai chái hay ba gian đều có gian ở chính giữa tượng trưng cho Hành Thổ ở trung cung của cơ cấu Ngũ Hành, biểu hiện ý thức, tâm thức của một dân tộc có Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên. Ở phạm vi gia đình thì thờ  Gia Tiên, Tổ của dòng họ, ở làng thì thờ Thành Hoàng, phạm vi cả nước thì thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở đền Hùng. Tinh thần của lễ Gia Tiên là chữ Hiếu, đối với Giỗ Tổ thì Hiếu trở thành Trung, trung với Tổ Quốc. Việc thờ cúng Tổ Tiên, Quốc Tổ không chỉ quan trọng ở chỗ nội dung là tấm lòng Hiếu, Trung, mà quan trọng ngay cả cách thờ cúng, cách đặt bài vị gọi là Văn Tổ được xếp vào trung cung của cơ cấu Ngũ Hành. Chính điều này đã đưa tục  thờ cúng Tổ Tiên vượt qua lối ma thuật vươn lên trình độ nhân bản tâm linh, nghĩa là thờ Nhân Tính, xứng danh là đất nước có văn hiến: “ Văn hiến chi bang “.
     Mọi người trong gia đình, dòng tộc mà sống theo đúng Đạo Việt với tinh thần cơ cấu Ngũ Hành, nhân bản tâm linh thì thật đáng tin cậy, là nơi đáng để chọn kết thân. Con trai gặp được gái hiền, con gái gặp được trai giỏi. Người dân Việt xưa rất tin con số 5, nó có khả năng mang lại hạnh phúc, nó là Ngũ Phúc: thọ, phú, khang ninh, du hiếu đức, khảo chung mệnh nghĩa là sống lâu, giàu có, thịnh vượng yên ổn, vui vẻ yêu chuộng đạo đức, hoàn toàn được tính mệnh. Khai triển đúng tinh thần Ngũ Hành, người ta tin rằng có thể hiện thực được những ước mơ chính đáng:
  ” Năm trai năm gái là mười,
     Năm trâu năm rể là đôi mươi tròn,
     Hai bên phụ mẫu song toàn,
     Rồi ra kéo được trâu vàng Hồ Tây
.”
     Tục truyền Hồ Tây có trâu vàng của Ông Nguyễn Minh Không, ai có được 5 trai, 5 gái cọng với 5 trâu, 5 rể là đôi mươi tròn thì kéo được trâu vàng lên ( 20=4x5 ). Đây ý nói đại gia đình nhà nông ( 5 trâu, văn hóa nông nghiệp ) có những khả năng tiềm tàng, nếu khai triển đúng thì sẽ được thịnh vượng theo như tinh thần Ngũ Phúc.
    Ngược lại, với những mong cầu không chính đáng thì thay vì hạnh phúc, tai họa có thể đến không chừng:
   ” Anh đã có vợ con hay chưa?
     Mà anh ăn nói đẩy đưa ngọt ngào.
     Mẹ nhà anh ở nơi nao?
     Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
   - Anh đây một vợ hai con,
     Lấy thêm em nữa cho tròn một mâm
.” 
     Anh= 1, một vợ=1, hai con=2, lấy thêm em nữa=1. Tổng cọng là 5. Như vậy:
     Tròn một mâm= 5 là theo cơ cấu Ngũ Hành. Theo Triết lý Ngũ Hành thì Hành Thổ là Hành vô Hành, hoàn toàn trống không, là siêu hình chân thực, không bị giới hạn bởi bất cứ đối tượng, ý niệm nào nên bao dung, quán thông vạn vật, kim, mộc, thủy, hỏa. Đó gọi là “ thiên địa chi tâm”, chứ cái tâm còn đầy tư dục thì làm sao có hiệu nghiệm.
     Đây là hình ảnh một “ quan ông râu vểnh” có cái tâm đặc sệt ham hố, tham lam với nhiều đèo bồng:
   ” Nửa đêm xênh phách đổ rền,
     Hà Đông sư tử gầm lên phốc vào.
     Quan ông râu vểnh bôn đào,
     Dúm co bốn cẳng bổ nhao ra đường
.”
     Ông cha ta đã từng dạy con cháu rằng:
  ” Con ơi! Nhớ lấy câu này,
     Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
.”
   “Quan ông râu vểnh” này chính là loại “cướp ngày ”,  hối mại quyền thế, tham nhũng, ăn cắp của công, cướp đoạt của dân, sống phè phỡn, sa đọa. Trong ca dao, người bình dân đã phân loại các loài vật như sau:                                               
  ” Chim với phượng kể loại hai chân
    Thú với kỳ lân kể loại bốn vó.”                   

Thú với kỳ lân kể loại bốn vó.” Nhóm từ “ dúm co bốn cẳng “ cực tả bản chất của loại “ quan râu vểnh “ này: Nó không còn là người nữa, nó đã thoái hóa trở thành loài bốn chân để chạy, để bôn đào.
     Tổ Tiên đã đem Triết lý của cơ số 5 vào các thể chế xã hội, đặt ra luân lý là để hướng dẫn con người chuyển hóa dần từ Tiểu Ngã thăng hoa lên Đại Ngã:
   ” Làm trai phải biết ngũ luân,
     Nếu mà thiếu một mười phân thẹn thuồng
.”
Ngũ luân đó có nội dung như ngũ đẳng trong bài ca dao sau đây:
   ” Xem trong ngũ đẳng quân vương đứng đầu.
     Thờ cha kính mẹ trước sau.
     Anh em hòa thuận mới hầu làm nên.
     Vợ chồng đạo nghĩa cho bền.
     Bạn bè chung thủy, dưới trên đàng hoàng
.”
     Những tương quan của cơ số 2-3-5 phải được thu xếp cho quân bình:
  ” Đôi ta như lúa đòng đòng,
     Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha.
     Đôi ta như chỉ xe ba,
     Cha mẹ xe ít, đôi ta xe nhiều
.”
     Nếu không quân bình thì cơ số 5 có thể nhảy qua cơ số 6, thay vì Ngũ Phúc thì thành ra Lục Cực:
   ” Bởi thương nàng anh chịu đòn oan,
     Năm roi sáu rắc *rõ ràng còn đây
.”
(* rắc: sợi roi mây rắc ) Điều này đã được nói đến trong luật âm dương :” Trong âm có dương, trong dương có âm “. Đạo Đức kinh của Lão Tử cũng có ghi : ” Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục “( Chương 58 ): Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ núp của họa.
     Cơ số 7:
     7 = 5+2 bao hàm Lưỡng Nhất, Tam Tài, Ngũ Hành.
     7 = 3+ 4 bao gồm cả tròn với vuông.
     Kinh Dịch cũng nói: “ Thất nhật đắc “, cho nên số 7 gọi là số thành tựu:
  ” Gặp chàng đây thiếp xin hỏi một câu,
     An Thái hai mươi bốn xã, mấy cái cầu chàng ơi?
  - An Thái hai mươi bốn xã, bảy cái cầu:
     Cầu phú, cầu quý, cầu lộc, cầu vinh, cầu hiền,
     Cầu cho cha mẹ bình yên,
     Cầu cho ta bạn kết nguyền phu thê.”
  
     Rõ ràng là bảy điều cầu mong là tổng hợp của Ngũ Phúc và Lưỡng Nhất mà ra, trong đó Lưỡng Nhất là Đạo Thái Hòa đưa đến bình yên, Đạo phu thê hòa hợp.
     Những người chính trực thường thận trọng trong lời ăn tiếng nói:
   ” Chó loanh quanh bảy vòng mới nằm,
     Người đáo lưỡi bảy lần mới nói
.” 
hay:
   ” Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.”
hoặc:
   ” Một mình lo bảy, lo ba
     Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên
.”
Ba là tròn đầy, bảy là thành tựu, đó là những huyền số mà con người đặt kỳ vọng vào đó để tu tâm dưỡng tánh, đòi hỏi phải hết sức chí thành, tâm phải trống rỗng, thanh tịnh, không vướng chút tư dục. Đó là con đường nội hướng tâm linh khác hẳn lối ma thuật hướng về sự cầu cạnh linh thiêng bên ngoài, là mê tín cho nên nhận thức sai lạc ý nghĩa của các huyền số:
   ” Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba,
     Đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn
.”
     Cơ số 9:
    9 = 5+4 hay 9 = 2+3+4. Số 9 là Cửu Trù, là khai triển của Triết lý Lưỡng Nhất, Tam Tài, Ngũ Hành ra đến tận các thể chế. Các thể chế này ngoài thế sự được nối liền với Hồng Phạm, tức là Ngũ Hành mở rộng ở nội tâm theo tinh thần “ hợp nội ngoại chi Đạo”. Có được như vậy, con người mới có cuộc sống an nhiên tự tại, hạnh phúc trong cảnh Thái Hòa.
     Con số 9 cũng như con số 5 đã đi sâu vào tâm tư và đời sống của người bình dân Việt Nam:
   ” Năm con ngựa cột cồn Ngũ Mã
     Chín con rồng nằm Cửu Long Giang
     Chàng mà đối được, có lạng vàng em trao
.”
hay:
   ” Nước Cửu Long sóng dồn cuồn cuộn,
     Cửa Hàm Luông mây cuốn cánh buồm xuôi.
     Bậu với qua hai mặt một lời,
     Trên có Trời, dưới có Đất,
     Ngãi trăm năm vương vấn sợi tơ mành.
     Tử sanh, sanh tử chung tình,
     Dầu ai ngăn đón, tôi với mình cứ thương
.”
     Con số 9 cũng như những cơ số khác không phải chỉ lượng, mà là chỉ phẩm, chỉ những nguyên lý nền tảng như sông gọi là Cửu Long  tức chín con rồng mà thực sự chỉ có sáu nhánh chảy ra biển ở sáu cửa: cửa Tiểu, cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai, Cung Hầu.
     Bội số của 9 là 18 là 36... là những con số của Minh Triết, con số của Hạnh Phúc, An Lạc:
     Bài ca dao “ Cái quạt “:
   ” Cái quạt mười tám cái nan,
     Ở giữa phất giấy, hai nan hai đầu.
     Quạt này anh để che đầu,
     Đêm đêm đi ngủ, chung nhau quạt này
...”
     Bài ca dao: “ Hà Nội ba mươi sáu phố phường “:
  ” Rủ nhau chơi khắp Long Thành
     Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
     Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
     Hàng Bườm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,
     Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy,
     Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
     Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,
     Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,
     Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông,
     Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
     Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
     Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
     Quanh đi đến phố hàng Da,
     Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh.
     Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
     Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
     Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
     Bút hoa xin phép vần thơ lưu truyền
.”
     Thiết kế đô thị như vậy không phải là một sự ngẫu nhiên, mà với ý thức của một dân tộc có văn hóa đạt Minh Triết.
     Những cơ số huyền diệu trên đã ứng hiện ngay trong đời sống thuộc bản năng của con người:
  “ Ba tháng biết lẫy
     Bảy thang biết bò
     Chín tháng lò dò biết đi
.”
hay:
   “ Công cha lớn lắm cha ơi
     Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
.”
     Nho Việt, Đạo Việt đã minh xác rằng sự kỳ diệu của những số cơ mang ý nghĩa tâm linh từ nội tâm của con người khởi phát, chiếu tỏa rộng ra, chứ không mang ý nghĩa linh thiêng do những thế lực bên ngoài, cho nên lấy việc tự lực tu thân là chính. Cơ là lúc Thiên Địa bắt đầu giao thoa, tỏa ánh sáng Minh triết, nhưng quá tế vi nên rất ít người nhận ra được. Bậc quân tử thấy Cơ vừa máy động là tức khắc hành động ngay, không chờ qua hết ngày: “ Quân tử kiến cơ nhi tác, bất sỉ chung nhật “ ( Hệ Từ hạ IV ).

      ( còn tiếp )

Nguyễn Văn Nhiệm
___________________
Cước chú:
Nguồn sưu tầm ca dao, tục ngữ : - Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. - Tự điển điện tử Ca dao Tục ngữ của Hà Phương Hoài.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...