08 November 2010

Địa phương chí

Tam Giác Biển

(VÕ NGÔ)

Tam Giác Biển quê tôi , mặc dù ba cái hòn chụm lại thành thế chân kiềng , nhưng cuộc sống ba hòn hoàn toàn không giống nhau .

Về Hành Chánh và địa phương cũng khác: Hòn Tre là ấp Phú Xuân Xã Vĩnh Thanh Vân , quận Kiên Thành tỉnh Kiên Giang . Hòn Nghệ nằm trong xã Bình An , thuộc quận Kiên Lương . Hòn Sơn Rái là Xã Lại Sơn quận Kiên Thành .

HÒN NGHỆ

Chuyện mưu sinh của dân ba hòn cũng khác nhau. Dân Hòn Tre họ sinh sống bằng nghề rẫy vườn  cào, lưới. Dân Hòn Nghệ sinh sống bằng nghề cào lưới ,làm khô , tôm khô , khô cá thiều , khô cá lem lùi , khô cá bè , khô đồn đột , và một số sống về vườn rẫy . Hòn nghệ có món mít là đặc biệt nhất , Mít Hòn Nghệ múi mít thịt rất dầy , mùi lại thơm , mầu rất vàng tiếng mít nghệ ngon cũng từ tiếng đó . Các loài cây Hòn Nghệ không còn vì bị người đốt làm than hết nhẵn cây , cây hết đất hòn mọc lên một loại , đế không ra đế sậy không ra sậy , dân bản xứ gọi là cây sặc . Cây sặc là một loại cây bện nan làm vách nhà rất bền và tốt , lá sặc bện lại làm mái nhà cũng được , người dân Hòn Nghệ đại đa số cất nhà lợp lá bằng lá sặc , ngoại trừ dăm nhà giầu , lợp mái bằng ngói và tôn . Dân Hòn Nghệ sống rải rác khắp hòn , không có phân chia thành bãi như Hòn Tre ; Hòn Sơn Rái . Dân Hòn Nghệ có cuộc sống bình dị , lặng lẽ , không ồn ào như hòn Sơn , không nửa thành nửa chợ như Hòn Tre . Nước ăn , nước uống của Hòn Nghệ khá vất vả, dân phải đào giếng để lấy nước ăn tắm rửa , hứng nước mưa để dành mà uống . Hòn Nghệ có nét đặc thù là dưới bãi gành , đâu đâu cũng có con đồn đột (Đĩa Biển ), đồn đột nằm ngang , nằm dọc , loại đồn đột người dân thường bắt làm khô đem bán cho một số người Hoa Kiều , từ Kiên Lương hay Rạch Giá ra mua , nghe nói giá cũng tương đối mắc . Vì là hòn đá sỏi , cho nên đất cũng khô cằn , cho nên dân họ sống , bằng nghề khô là chính , những chiếc ghe cào đi cào cá ở tam giác biển , hay miệt Hòn Chong , đem về bán cho người làm khô , những người đi câu cá bè , cá thiều , cá rách , cũng bán cho người làm khô . Khô cá bè cũng là một loại khô trứ danh của xứ Rạch Giá , một miếng tí khô bè bằng hai ngón tay , đem ăn với cháo trắng vào lúc canh khuya , nó cũng nói lên tự tình dân tộc ở nơi quê hòn xa xôi thị tứ .

- Khô bè , là một loại làm khô rất cầu kỳ , chỉ làm khô bè vào lúc mùa nắng , vì có nắng khô bè mới ngon , mùa mưa làm khô bè rất nan giải , tốt xấu theo trời định .

Cá bè có ba loại cá bè :

- Bè Trang , là loại cá bè lớn con nhất , có con trên mười ký lô .

- Bè Lão , là loại cá bè có cái lưng hơi gù gù , loại cá bè nầy nhỏ con hơn , thịt không ngon, ít có ai làm khô .

- Bè cườm , thân cũng giống như cá bè lão , nhưnh hình chúng thon hơn , thân chúng có hình mầu xám bạc , không như mầu xám nâu như bè trang cùng bè lão .

Miệt Hòn Nghệ gần gũi với vùng rạn nát , bên hòn Vừng và Hòn Dung và nằm cạnh chòm 39 hòn của Hòn Chong , cho nên loại cá bè sinh sống rất nhiều , loại cá bè muốn bắt chúng chỉ có câu và lưới , cào xiệp không bắt chúng được vì chúng chạy lẹ hơn các loại ghe cào xiệp , lại nữa chúng là cá sinh sống trên mặt nước , không có xuống sâu dưới mặt biển .

Khô bè hiện nay rất hiếm hoi vì mỗi ngày cá bè càng hiếm , giờ đây có muốn ăn khô cá bè ngon chỉ có nơi chợ Sài Gòn mới có. Có lẽ khô bè được mang từ miền Trung vào hay từ Côn Sơn về , chớ Phú Quốc cũng không còn khô ngon để bán . Mà Phú Quốc có bán cũng không ăn được , vì người không biết muối khô hay vì tham tăng lượng muối , cho nên khi nhìn miếng khô có một lớp muối trắng áo ngoài da khô . Ăn miếng khô như ăn miếng khô mặn , thì có còn chi là hương vị đặc thù của khô bè .

Cách làm khô bè :

Việc đầu tiên là để cho con cá bè nó sình chương da , con cá bè hình dẹp , mà để cho đến khi nào trông con cá đổi dạng ra hình tròn tròn thì được .

Thọt con dao bẩy rọc thẳng môt đường từ đầu cho đến đuôi , tách con khô cá bè làm hai , lại lấy dao rọc lấy phần xương sống cá ra , tay nắm đuôi cá phần còn lại rọc thẳng từ đuôi ra đầ ucá . Xẻ làm hai phần mỗi bên thịt cá , nhúng vào nước muối độ mặn khoảng 18-20 độ là đem phơi trong 4-5 nắng gì đó khô sẽ khô . Loại khô nầy làm rất gian nan , mùi xú uế của cá cũng làm cho con người không quen cũng phát ói mửa . Nhưng khi nướng chúng hay chiên , thì mùi vị rất đậm đà . Lúc ghé Hòn Nghệ tôi có thử làm một lần , nó bắt tôi ói gần tới mật xanh , mấy cô Hòn Nữ cười tôi gần bể bụng .

- Khô Thiều (Khô tiêu đường)

Cá thiều là loại cá da trơn như cá dứa , cá rún , cá rách , ngoài biển , cá tra , cá vồ , cá hú , cá trê , cá chốt , cá basa trong sông . Loại cá thiều là loại cá da trơn sống dưới biển sâu , hay nằm trong rạn nát . Đầu chúng hơi dẹp , da chúng hơi có hoa văn mầu trắng bạc . Thịt chúng ít mỡ , không như cá dứa hay cá rún vào bờ đẻ , mỡ nhóc . Thịt cá thiều rất dẻ và trắng , đầu cá thiều nấu canh chua rất là ngon . Người dân làm khô họ thường lấy đầu cá thiều , và bộ đồ lòng miếng lườn (bụng) nấu chua ăn , nhất là cái bao tử cá ăn dòn dòn dai dai , miếng thịt lườn & cái lá gan ăn bùi bùi béo béo , cho nên nồi canh nó cũng đậm đà lắm lắm vậy , còn thịt cá thì làm khô .

Cá thiều khi ghe câu , cào , lưới mang về đem bán cho người làm khô , lúc đó có con cá còn sống . Làm khô thiều cá phải tươi mới làm được , không như khô bè để sình chương mới làm , còn khô thiều cá sình thì coi như dục bỏ , vì làm khô tiêu đường không được . Nếu đem bỏ thì phí của trời , lấy làm khô mặn thì cũng ngon cơm , đâu thua gì các loại khô cá da trơn khác .

Cách làm khô thiều :

Cũng lấy con dao bảy , cắt từ phía dưới cái gai trên của cá , đưa xiên xiên về phía đầu , rọc xuôi theo phần trên của bụng cá , dưới phần xương sống cá kéo tới phần kỳ dưới của bụng cá , ngay hậu môn của cá , là chúng ta coi như chia làm hai phần con cá . Xẻ một đường thẳng từ đầu cho tới đuôi cá , tách ra làm hai miếng thịt cá ; Cắt lấy phần xương bỏ , để miếng thịt cá phần da nằm dưới phần thịt trên lấy con dao bảy vét từ đuôi lên phần đầu , thịt và da chia ra ,trên da không dính thịt , trong thịt không có da là được . Rối thì lóc thịt ra thành miếng mỏng , đem nhúng vào , nước mắm muối đường đã pha sẵn , để lên vỉ đem ra phơi . Khi trải thịt ra phơi nhớ rải tiêu đã đâm , rải đều lên trên miếng thịt . Khi xưa người dân làm khô thiều không có bỏ màu , ngày nay người ta làm khô lại pha thêm màu cho nên miếng thịt khô thiều ngày nay có mầu vàng vàng của mầu , đen đen lấm chấm của tiêu .

HÒN SƠN RÁI

Hòn Sơn Rái , tên gọi là xã Lại Sơn , có 4 ấp Bãi Nhà , Bãi Bắc (bấc) ấp Củ Tron , và ấp Hòn Mấu . Hòn Sơn có một trung đội Phân Chi Khu , có một đồn Nghĩa Quân , cùng một đồn cảnh sát . Dân Hòn Sơn Rái họ sinh sống bằng nghề lưới , trước lưới rùng sau là lưới rút , những chiếc ghe đi bắt cá cơm về bán cho nhà thùng . Hòn Sơn có rất nhiều nhà thùng nước mắm , Bãi Bấc có nhà thùng Đức Ngươn rất lớn . Bãi Nhà có rất nhiều nhà thùng , nhưng nhỏ hơn Đức Ngươn , như Hồng Thanh , Hồng Hải , Việt Hương , đó là những nhà thùng có từ 36 thùng trở lên , còn lại rất nhiều nhà thùng nhỏ , mười mấy , hai mấy thùng thì nhiều lắm . Dân Hòn Sơn đại đa số là dân Miệt Thứ ra sinh sống hoặc Phú Quốc vào , không có dân Miền Trung . Ngược lại xứ Củ Tron thì dân Miền Trung vào sinh sống rất nhiều . Tại Hòn Sơn có thờ một Miếu Thần Rái Cá , (nghe truyền thuyết là khi vua Gia Long đi lánh nạn , có con Rái cá bắt cá dâng vua , cho nên người hay vua xây miếu thờ . ????) . Nước Hòn Sơn cũng ăn uống từ nước suối , nhưng nước suối Hòn Sơn , không tinh khiết như suối Hòn Tre , vì nước có chất vôi rất nhiều , dân lại đông cho nên nguồn nước khi nắng hạn thường thiếu . Con gái Hòn Sơn rất đẹp , nhưng răng thì rất xấu , có lẽ vì ảnh hưởng của nước chăng . Dân Hòn Sơn là dân giàu nhất trong dân hòn ba cẳng . Cây vườn Hòn Sơn đại đa số người ta trồng dừa , xoài , mít . Ðất Hòn Sơn thì cây cối xum xuê , loại cỏ tranh mọc như sặc bên Hòn Nghệ .

Ở Hòn Sơn Rái, người dân họ sinh sống đại đa số là nghề lưới rùng , đầu thập niên 30-40 , sau chuyển qua lưới rút khoảng giữa thập niên 60 .

Luới rùng là loại lưới như lưới kéo trong bờ , loại lưới nầy chỉ bủa và kéo khi cá cơm , cá trích , cá ve vào sát bãi . Người đánh bắt chèo xuồng rồi thà lưới , quanh đàn cá vào mé biển , rồi họ phăng lần lưới lại , cho đến khi đàn cá gom về thành một khối , họ lấy vợt lại xúc vô khên , thúng , hay xe cây , họ đem lại bán cho các nhà thùng để muôí cá làm nước mắm . Khi đàn cá cơm , cá trích hay cá ve vô bờ , có biết biết bao nhiêu là cá lớn theo ăn cá , như các con cá : Thu, Ðưng, Kẽm, Nhòng.

Người dân họ kéo một mẻ lưới cũng có dăm con cá lớn , họ lấy đem cho những người phụ họ kéo lưới , (tức không phải người đi lưới ăn chia) nếu có nhiều họ sẽ bán ra cho dân , cho lính . Nếu nhiều nữa thì họ sẽ bán cho ghe chứa mua cá . Nhưng với lính thì họ hiếm hoi lắm mới bán , họ chỉ có cho mấy (Ông Lính) mà thôi , vì dân Hòn Sơn cũng đại đa số là trốn quân dịch , họ muốn cầu an để làm ăn , cho nên phần công cực khổ của họ , họ cũng chia chác phần nào . Còn mấy (Ông Lính) ở Hòn Sơn cũng rất hiền , ai làm gì thì làm họ cũng muốn an nhàn bản thân họ , vì cuộc sống yên bình của người dân , không có chiến tranh , và không có cộng sản nơi đó .

Sau một thời gian dài , đánh bắt cá , cá trong bờ đã lưng , người dân mới chế ra loại lưới rút , tôi không biết dân Hòn Sơn đi học kiểu cách của Phú Quốc ,hay tự họ làm ra xin miễn bàn vụ nầy vì tôi không biết .

Lưới rút là loại lưới làm bằng nilon , lỗ rất nhỏ , lỗ lưới bằng đầu đũa ăn hay nhỏ hơn , lưới có màu xanh . Ghe lưới rút đi làm rất đông người , một chiếc ghe đâu trên 20 người làm đủ các loại công chuyện , từ Chèo Dọc (người hướng dẫn) , Tài Công (lái tàu), Tài Cải (thợ máy) , rồi thợ kéo lưới , thợ xúc cá , thợ kiệu cá , thợ nấu cơm e.t.c .

Những khu vực họ đi rút cá không nhất thiết , khi Phú Quốc , Củ Tron , có khi Ba Hòn . Nhưng phần đánh bắt cá cơm chính vẫn là tại Củ Tron , vì Củ Tron cụm hòn có 21 cái , cho nên cá cơm sinh sống rất là nhiều .

Phần ăn chia theo tôi thấy nó không công bằng lắm , đúng là người nghèo , người khổ , lúc nào cũng thua và lỗ .

Khi đánh bắt được cá bán ra tiền người ta chia như sau :

- Chia theo hệ 5-5 nghĩa là chủ 50 % , thợ 50 % sau khi trừ đi các loại chi phí , dầu , thức ăn , bảo trì (vá lưới) .Chủ lấy 50 phần trăm xong còn lại 50 phần trăm.

- Người chèo dọc 15 %

- Tài Công 5 %

- Tài cải 5 % .. thì ba người nầy đã lấy đi hết phân nửa của 50 % phần chia , còn lại 25 % chia đều cho khoảng 20 người . (Vậy quí vị có biết một người ngư phủ họ chia một ngày bi nhiêu không , lúc đó đồng lương tôi lãnh mỗi tháng 17 ngàn mấy trăm , một người ngư phủ làm mỗi ngày có thể kiếm được 10 - 20 ngàn đồng , thì quý vị biết người dân Hòn Sơn họ giầu như thế nào không ???) .

Câu viết trên đá ở Phú Quốc của ông vua nghèo chỉ có da với lông như sau :

Sơn Bất Cao Thủy Bất Thâm
Nam Đa Trá Nữ Đa Dâm .

Có đúng hay không thì cũng có người trá , và người dâm biết , chớ tôi nào có biết , tôi có biết chăng là , những người đàn bà sống nơi xứ Hòn không làm gì cả , chỉ có nấu cơm giặt đồ thế thôi , còn những người con gái trổ mã dậy thì cũng rất sớm , sớm hơn trong thị xã hay đất liền .

Những chuyến đánh bắt cá cơm , đem về đong bán cho các chiếc ghe chứa , đậu lềnh khênh để chờ trực mua cá . Cá trao , thì tiền lấy liền , chia liền , cho nên mỗi người ngư phủ lúc nào cũng có tiền trong tay , số tiền mà các ngư phủ làm được quá nhiều , cho nên những tệ nạn mua bán hàng-không-vốn cũng tương đối thịnh hành . Rồi thì bia bọt , nhậu nhẹt , bài bạc , bi da cũng mọc lên như nấm mèo trên cây sua đũa khi mùa mưa lại đến tại xứ sở thuộc về buồn hỉu buồn hiu ,trông chiều chỉ có biết trông biển trời & mây nước .

Nước mắm , là một món ăn rất thịnh hành trong mỗi người chúng ta , trên vai của chúng ta lúc nào cũng có vác theo một chai nước mắm , mũi chúng ta cũng đã từng làm quen mùi vị khó ngửi nầy đã lâu . Cho nên nếu nói tới nước mắm thì phải nói là dân Việt Nam là số một , Tàu, Thái , Mã , Bồ , Mễ , Mỹ , Anh hình như nước nào cũng có làm các món mắm , nhưng món nước mắm có lẽ họ bắt chước người Việt Nam thì phải . Nước mắm có thể có từ thời xa xưa lắm rồi, bắt nguồn từ Giống Dân Lạc Việt bị đô hộ Giặc Tàu , chúng bắt người dân đi mò ngọc trai cho chúng , thế nên giống dân Lạc Việt xưa chế ra một loại nước uống để chống lạnh đó là nước mắm . Và rồi theo giòng thời gian biến chuyển dần , con người của giống dân lạc Việt cũng thiên di vào Nam và cá lớn nuốt cá nhỏ , cá nhỏ ăn cá bé . Vì thế hai phần cuối của đất nước Việt Nam là mới khai khẩn sau nầy , còn phần Lạc Việt xưa đã bị giặc Tàu nuốt mất , vậy mà nay chúng còn thò chiếc lưỡi dài ra đưa liếm luôn hai quần đảo Hoàng , Trường Sa của Việt Nam , và chúng nói là của chúng . Thế mà .. người tự cho mình là thương dân , vì dân và yêu mến nước non , lại câm như hến , không dám mở miệng sợ cặn bã trôi tuốt vào mồm , vì thế sẽ bị sình bụng no hơi . Ôi đời thì cũng chỉ có thế mà thôi .

Làm Nước Mắm

Tôi thì không rành lắm về chuyện nầy , chỉ có thấy người dân muối cá dăm lần , lại nữa cũng đã hơn 35 năm cho nên trí nhớ của tôi đã còi cọc , tôi chỉ ghi lại qua trí nhớ , cho nên cũng có thể tôi sai . Quý vị nào , có ai biết xin tâm thành hướng dẫn hộ , tôi rất biết ơn .

Dân Hòn Sơn họ muối nước mắm , sự đong lường bằng hệ Kiệu (khên), 1 kiệu cá có hai khên , mỗi khên chứa một giạ 40 lít nghĩa là mỗi kiệu có 80 lít cá . Khi ghe về bãi có một số người kiệu cá mướn làm hay là những người thuỷ thủ làm , tuỳ theo người mướn người , hay mình tự làm , phần nầy là phần của người thuỷ thủ phải trả , chớ chủ không bao giờ chi ra một cắc .

Kiệu cà hai cái cây dài làm cho vừa đôi vai người , và khi kiệu cá cũng phải có hai người , trước và sau , hai khên cá để ngay chính giữa , cứ thế mà đi lên nhà thùng (chỗ chứa thùng để làm nước mắm) đến nơi họ đưa cá lên miệng thùng , có hai người chực chờ nơi đó để muối cá , họ lấy hai khên cá , và đổ vô đó hai thúng muối mỗi thúng muối , đâu khoảng 20 lít , rồi thì họ trộn đều , và đẩy cá xuống thùng chứa . Cứ thế mà làm cho đến khi thùng cá đầy , họ đậy nắp lại , dăm ba ngày họ sả nước bổi. Ðâu khoảng một năm gì đó cá chín và họ ra các lu lớn phơi nắng , họ thêm đường hóa học , màu rồi vô chai hay tỉn , khi xưa người ta dùng tỉn , mỗi tỉn nước mắm đâu 2.8 hay 3 lít . Và sau nầy họ dùng thùng nhựa (plastic tank) 20 hay 25 lít , hay vô chai để đem ra thị thành bán , thậm chí xuất ngoại .

CỦ TRON

Củ Tron là một chòm hải đảo , (quần đảo) trong sách cụ Le Nestour nguyên văn như sau : "ngoài khơi Hòn Rái có nhóm đảo tên là Paulo - Damas có nhiều đảo nhỏ và nhỏ tí ti , độ mười hòn" . Trong sách ghi là có khoảng mười đảo , nhưng tôi ở trên chóp hòn lớn (Củ Tron) có đếm là quần đảo nầy có tất cả 21 hòn , vì lâu quá cho nên tôi không còn nhớ hết tên các hòn . Hòn Củ Tron sau nầy gọi là quần đảo Nam Du , trước đó là Paulo - Damas dân sống thưa thớt , họ sinh sống bằng nghề làm lưới bắt cá , làm khô ,và họ làm tất cả các loại khô , ngoại trừ tôm khô họ không có làm . Củ Tron là một quần đảo , cho nên chung quanh đảo có những dải rạn cùng dải san hô cho nên những con cá đầm , cá nổi sinh sống rất là nhiều như :

- Cá đầm có cá đổng , cá đưng , cá cam , cá sạo sảnh , sạo vàng , cá đù , cá óp , cá sóc nanh , cá gộc , cá hố , cá kẽm , cá đỏ , cá hồng , cá hường , cá thiều , cá mú , cá đuối , cá giống , cá bồng , cá nhám cào (cá búa), cá nhám , cá lạt , cá ngộ cùng lưỡi trâu . Cá đầm là loại cá sống dưới đáy biển .

- Cá nổi có cá thu , cá thu cờ , cá lem , cá ảo , cá ngân bột , ngân chỉ , cá ba thú , cá bạc má , cá rựa ,cá nục , cá ngừ , cá nược , cá bè , cá cơm , cá ve , cùng cá trích .

Dân Hòn Củ Tron là dân của tứ xứ về đó làm ăn , phần chính là về đó bắt cá , những chiếc ghe du đến bắt cá rất nhiều , những mái chòi mọc lên vội vã , khi thì ở Hòn Lớn , lúc thì ở Hòn Ngang , khi qua Hòn Tre , trở lại Hòn Đầm , hay Hòn Mấu . Mặc dù dân sống rất thưa thớt , nhưng đâu đâu cũng có quán xá , đâu đâu cũng có quán bán bia , bàn bi da . Nhiều nhất là ở Hòn Lớn , sau là hòn Mấu , có hai hòn là không có người ở đó là Hòn Nhàn , Hòn Khô . Hòn Nhàn tôi cũng có qua đó nhặt trứng nhàn dăm ba lần , trứng nhàn (Chim Hải Âu) rất nhiều , nhiều đến nỗi không thể tưởng tượng , muốn lấy bao nhiêu cũng có . Trứng nhàn trông nó giống loại trứng cút , có bán trong mấy tiệm tạm hóa , kích cỡ thì cũng như vậy , tôi không biết họ bán trứng đó là trứng con chim cút , hay là trứng của chim hải âu .

Lưới Ba Thưa cũng là loại lưới rút , nhưng lỗ nó to hơn , nó ít cản nước hơn là lưới rút cá cơm , vì lỗ thưa rút nhanh mới bắt được những con cá chạy lẹ , như cá ba thú , bạc má , thu , lem , ngừ , ảo . ngân bột , ngân chỉ .

Những chiếc ghe làm lưới ba thưa họ thường đi đánh bắt vào ban đêm , vì ban đêm họ dễ tìm bầy cá để bao hơn là ban ngày . Đọc tới đây qúy vị , chắc có lẽ cho tôi là thằng xạo , ban đêm thấy đường đâu mà đi bao đi bắt . Loại cá ban đêm nó toát ra một loại dạ quang , mà người dân biển họ gọi là ngời cá , người chèo dọc hắn ngồ trên cây cao ngất ngưởng của chiếc ghe , 4-5 thước chiều cao , cho nên hắn trông được rất xa trên mặt biển . Cụm cá hay chòm cá , gọi là cá ăn bầy , chúng nó gom tụ lại thành một khối , to hay nhỏ thì tuỳ theo số lượng cá . Ban đêm vì số đông những phần dạ quang của cá tuy nhỏ , nhưng chúng đông , cho nên chúng tạo ra một vùng ánh sáng trên mặt nước . Khi người chèo dọc thấy cá thì hắn sẽ thổi còi inh ỏi , để báo hiệu những người ngư phủ mà chuẩn bị , rồi thì đâu đó trong tư thế sẵn sàng , và người tài công lắng nghe từng hồi của chiếc còi mà làm theo : hắn thổi một tiếng ghe quẹo phải , thổi hai tiếng ghe quẹo trái , thổi một tràng dài thì ghe chạy thẳng , khi bao lưới vòng lơi hay vòng nhặt , thì tuỳ theo nhịp điệu nhặt khoan của hắn , chỉ có người tài công biết , hắn muốn gì , tới , thẳng , cong , quẹo thì cũng phát đi mệnh lệnh là chiếc còi của hắn đang thổi .

Mỗi đêm mỗi chiếc ghe lưới rút ba thưa đi bắt cá hàng tấn cá hay hơn nữa mỗi chiếc . Sáng họ đi bán cá , trưa họ ngủ , chiều họ đi chơi , tối họ đi bắt cá , cứ thế mà tuần tự .

Ở Củ Tron những chiếc ghe lưới quàng họ đi giăng bắt cá Giống , Cá Bồng , Cá Đuối , Cá Nhám , về hòn họ xẻ thịt làm khô thỏi , họ phơi giăng giăng theo đầu gành mé bãi . Những người làm câu Thi Kiều , cũng đi giăng bắt những con cá đầm , và họ về cũng làm khô , thịt cá họ làm khô , gan cá họ làm dầu , vi cá họ là loại quí hiếm . Nhất là loại vi của cá giống . Vi cá người ta cũng phân loại , mắc nhất là loại vi cá giống , cước của vi cá giống rất trong và dài , cho nên người Hoa Kiều rất quí . Vi cá nhám không quí lắm , và khô của cá nhám giá cũng bèo .

Hình như những món ăn đặc sản của Việt Nam , bị chi phối bởi người Tàu rất nhiều . Có phải chăng những tài nguyên thiên nhiên lẫn hải sản của Việt Nam là những món mà người Tàu rất cần , cho nên họ suốt mấy ngàn năm trong đầu họ lúc nào cũng muốn xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam . Và có phải chăng dân Việt Nam mình đời nầy qua đời khác cứ đưa cổ cho lũ Hán Man cứa , đưa đầu cho lũ Hán Man đạp , và chó chỉ biết ăn c .. chó , chớ chó không biết bắt rợ Hồ. .

VÕ NGÔ

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...