12 November 2010

Sưu khảo

Bài biên khảo sau đây trích từ một tác phẩm sắp xuất bản của tác giả. Xin hân hạnh giới thiệu cùng quý anh chị. (TTR)
Ca dao - Tục ngữ


Tiếng ca dao trong đêm:

Trước ngày viễn du vào miền xa lạ, tôi quyết định về sống nơi quê vợ một thời gian ngắn ngủi còn lại. Nói là để làm rể lại, vì từ ngày cưới vợ chưa có lần nào tôi có dịp ở lại quê vợ cả, nói như vậy không đúng hẳn. Thật ra tôi muốn khắc ghi vài kỷ niệm mến yêu nơi đồng nội, mà trong thời gian sắp tới, nơi xứ lạ quê người làm sao mình có thể tìm thấy được. Tôi muốn ôm ấp, khắc ghi vài mẫu ký ức sống vào tâm khảm như hành trang duy nhất.

Trên đường từ Long Điền đến Đất Đỏ, về phía trái có cái hồ nước lớn gọi là Bàu Thành. Ba vợ của tôi đã kể lại, rằng lúc xưa khi vua Gia Long tạm dừng chân, đóng quân nơi đây, đã cho đào cái bàu này để tắm voi của nhà vua, cho nên mới có cái tên như vậy. Sau đó chẳng bao lâu, quân Tây Sơn đến đánh đuổi, quân nhà Nguyễn thua chạy thoát thân, bỏ lại một số cung nữ. Những cung nữ này đã lẫn lánh vào trong dân chúng, được bảo bọc, sau lập gia đình và đã chính thức trở thành dân địa phương . Ở làng An Ngãi, khoảng giữa Long Điền, Đất Đỏ có đền thờ tướng công Châu Văn Tiếp của nhà Nguyễn và trường Trường Trung Học Phổ Thông của Thị xã Bà Rịa tỉnh Phước Tuy một thời cho đến năm 1975 có tên của vị tướng công này. Học sinh trường Trung Học Châu Văn Tiếp thời đó thường về thăm viếng đền thờ này,qua đó tìm hiểu về vị tướng quân, mà trường học của mình đang mang tên. Đám con trai nói chung lại thích đến Bàu Thành hơn, ngồi bên bờ hồ thả cần câu cá, mà mắt mơ màng nhìn vào cõi xa xăm. Thật khó mà tin rằng có đứa con trai nào đó đến đây, ngồi hàng giờ thả hồn vào dĩ vãng để chỉ gợi lại hình ảnh những chú lính tắm voi tầm thường. Không, tôi không tin như vậy, mà chủ đề trầm tư có thể là hình ảnh các nàng cung phi, các nàng công chúa vừa có tính cách hiện thực lịch sử, vừa có tính cách mơ mộng huyền thoại. Rồi còn biết bao chủ đề khác liên quan tới di tích Bàu Thành như luận về anh hùng và thời thế, anh hùng tạo thời thế và thời thế tạo anh hùng, trường kỳ chiến đấu và tốc chiến tốc thắng, thống nhất đất nước và sự phân tranh, công cuộc mở mang bờ cõi và sự việc dâng đất, rừng, hải đảo cho giặc, công đánh đuổi ngoại xâm với tội “ cõng rắn cắn gà nhà”, sự thành- bại, chính nghĩa với phi nghĩa, độc lập với lệ thuộc, tự do với nô lệ, thu phục nhân tâm với thất nhân tâm... Trí tưởng tượng, sự mơ mộng là suối nguồn sáng tạo của con người, giờ đây đã biến đi đâu mất, chỉ còn chút ít sức lực dồn hết vào đôi chân, để nhấn vào cặp bàn đạp của chiếc xe đạp cũ kỹ thời học trò, cố lên cái dốc quá dài từ nhà thương cho tới chợ Đất Đỏ. Dốc cao thì mặc dốc cao, trời nắng thì mặc trời nắng, đã có mái nhà nằm ngay trong lòng thì dường như mình được thêm sức, chân đạp mạnh hơn, và tiếng nói của đứa con thơ sáu năm chưa thấy mặt văng vẳng trong lòng như luồng gió mát làm quên đi cái nóng bức.

“Đã tới nhà rồi!” Tôi reo lên không thành tiếng. Vứt chiếc xe đạp trước sân, tôi chạy ngay vào nhà. Mọi người mừng rỡ trong đoàn tụ. Không thấy người mà tôi mang ơn, đã cưu mang, đùm bọc vợ con tôi trong thời gian qua, tôi ngó qua gian nhà thờ ông bà rồi nhìn xuống nhà dưới. Vợ tôi như hiểu ý, nắm tay dắt tôi vào gian nhà trong. Tôi chưa kịp nói lời nào, thì ba vợ tôi đã lên tiếng:

“ Từ sáng tới giờ, tao lui cui với bốn cái chân giường này. Lỏng mộng hết rồi, tao sửa hoài mà không được, đành kiếm đinh ốc vặn cho chắc chắn ”. Chú Út vừa bước vào, nghe như vậy liền nói: ” Anh Tám thật khéo lo thì thôi! Thằng Tư bây giờ, nó ốm nhom, ốm nhách như con cò ma, nặng bao nhiêu mà sợ sập giường chớ! Thôi! Anh ra đây, tôi có đem hai con gà mái dầu qua cho con Tư, gọi là có chút ít đóng góp cho buổi cơm đoàn tụ gia đình...

Buổi chiều hôm đó, cả đại gia đình kéo nhau đi làm cỏ rẫy, tôi theo ba vợ thăm ruộng lúa gần đó. Tối lại, mọi người đều về nhà, riêng vợ chồng chúng tôi ở lại rẫy, để sáng sớm hôm sau có thể tưới kịp hết các loại bầu, bí, mướp...trước khi mặt trời lên khỏi ngọn cây.

Ngày là đời sống của con người, đêm là đời sống của vạn vật. Ngày thì làm việc, đêm thì yên nghỉ, nhưng ở hoàn cảnh của chúng tôi thì làm sao mà không thao thức, biết bao điều tâm sự cứ nối tiếp nhau không dứt. Bên ngoài trời tối đen như mực, thỉnh thoảng loé lên vài đốm sáng của đom đóm lập loè bên cành cây, ngọn cỏ, vài ánh sao sẹt xuống lưng chừng trời, ngoài ra không còn nhìn thấy gì nữa cả. Ánh sáng nhường chỗ cho âm thanh: tiếng ếch, nhái, ễnh ương từ bên ruộng vọng lại, tiếng côn trùng nỉ non bên rẫy, tiếng cú rúc trong bụi rậm, tiếng vạc kêu bạn trong đêm...

Bên trong túp lều tranh cũng chỉ còn nghe có âm thanh: tiếng kêu lách tách của lửa than trong bếp, tiếng muỗi kêu vo ve ngoài mùng, tiếng thổn thức của con tim...Rồi tiếng trẻ con của ai khóc ở rẫy bên kia, giọng ru con thật là ngọt ngào của người mẹ, mà lâu lắm mình mới được nghe lại. Những câu ca dao ru con ” Ầu ơ, ví dầu ”...có tác dụng kỳ diệu như bầu sửa mẹ nuôi dưỡng tuổi thơ, đưa trẻ vào giấc mơ thần tiên. Tôi lắng nghe cho đến khi tiếng ru tan biến trong màn đêm. Tiếng ru con này gợi cho tôi nhớ giọng ru con của mẹ tôi, lúc tôi còn nhỏ, không bằng ý thức, mà bằng tiềm thức u linh, man mác. Rất tiếc là tôi không được may mắn nghe chính giọng ru con của vợ tôi, vì tôi phải xa nhà. Lời ru con của các bà mẹ Việt bao đời đã là sự đóng góp lớn lao, tạo nên sự phì nhiêu cho mảnh đất tiềm thức, tâm linh của bao thế hệ, là cơ sở phát huy trí tuệ.

Tôi cứ tưởng tiếng đêm đã đến lúc ngưng nghỉ, nhường lại cho những tiếng không thành tiếng để đi vào giấc ngủ, ai ngờ hết tiếng ru con của người vợ, lại trổi lên lời ca dao của người chồng. Trong bóng đêm, mọi năng lực đều qui về một quan năng cảm giác là thính giác, tôi nghe rõ mồn một như vầy:
“ Đêm nằm nghe vạc trở canh,
Nghe Sư gõ mõ, nghe anh vỗ nàng. ”
Nếu lời ru con của người mẹ đã lôi cuốn tôi vào vùng hoài niệm thời ấu thơ, thì tiếng ca dao của người chồng đang gây chấn động tận tâm can của tôi, kéo tôi về với thực tại. Ai mà lại thấu rõ được nỗi lòng mình như vậy kìa? Hay là một sự tình cờ? Hỏi ra mới biết cái chòi ở rẫy bên kia là của hai vợ chồng thằng Tánh, con của chú Năm Đức ở hàng xóm. Thì ra Tánh là người, mà sau bửa cơm mừng đoàn tụ, đã nói với tôi một câu ngắn ngủi mà hết sức chân tình: ” Ráng lên nha anh Tư! ”

Tiếng ca dao thật ấn tượng, cho mãi đến ba mươi năm sau, khi ngồi viết lại hai câu này, tôi có cảm giác như còn nghe văng vẳng lời ca dao kỳ diệu của Tánh trong đêm hôm đó. Thật là hàm súc! Chỉ vỏn vẹn có hai câu, mà chứa đủ cả những phạm trù chính yếu như thời gian, không gian ( vạc trở canh trong khung cảnh nào?: nơi đồng nội, thôn quê ), tôn giáo, nhân sinh. Rồi từ những phạm trù đó, các chủ đề khác cũng được dẫn xuất ra, như phạm trù nhân sinh thì thật là phong phú trong đời sống ca dao! Chính vì vậy, hai câu trên được chọn để mở đầu cho phần nghiên cứu về ca dao , tục ngữ trong ” Con đường văn hóa Việt Nam ” về bố cục cũng như ý tưởng.

Tính Minh triết của ca dao, tục ngữ:
Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam vô cùng phong phú, mà tinh hoa của nó vừa hiển hiện một cách đơn giản như những đóa hoa ở đồng nội, vừa ẩn giấu như những đóa hoa lan rừng, mà chỉ những ai có lòng say mê dấn thân xuyên qua khu rừng chi chít, chằng chịt mới sưu tầm được. Nhưng dầu là những đóa hoa đồng nội mộc mạc dễ thấy hay những đóa hoa lan rừng kiêu sa khó tìm, tất cả đều hàm chứa tinh hoa của chúng. Tinh hoa đó là tính Minh triết trong ca dao, tục ngữ.
Trước hết, thử xét mấy đặc điểm của ca dao, tục ngữ Việt Nam: truyền khẩu, chủ quyền tác giả, văn thể, xem chúng có liên quan gì đến tính Minh triết hay không?

Truyền khẩu:
Truyền khẩu là phương thức độc đáo của văn chương, văn học bình dân, là thành phần quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Phương thức này là do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử: Nước Việt Nam đã bị đế quốc phong kiến phương Bắc nhiều lần xâm lăng, tổng cộng trên một ngàn năm. Cứ mỗi lần kéo quân sang xâm chiếm Nam bang, họ triệt hạ hết tất cả mọi cơ sở từ vật chất cho đến tinh thần tại địa phương, vơ vét đem về phương Bắc những báu vật, người tài giỏi, đàn bà con gái đẹp và sách vở sáng tác quý giá. Lịch sử cho biết công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự chủ rất dai dẳng, cam go, cho nên người Việt chưa rảnh tay, chưa có điều kiện thuận lợi để tái tạo cho mình có thứ chữ viết riêng để làm phương tiện phát huy văn hóa. Mặt khác, với chính sách cai trị hà khắc nhằm nô lệ hóa, đồng hóa người dân bản xứ, đế quốc không bao giờ cho phép như vậy. Để bảo tồn văn hóa riêng đối kháng văn hóa nô dịch của đế quốc, người Việt không còn cách nào khác hơn là tạm thời sử dụng phương thức truyền khẩu. Đó là phương tiện vô hình, phi vật chất để sinh hoạt văn hóa trong dân gian, mà kẻ xâm lược không biết đâu để tiêu diệt.
Muốn cho sự truyền đạt tình cảm, tư tưởng từ miệng người này sang người kia được dễ dàng thì về hình thức, lời văn, câu nói truyến khẩu phải ngắn gọn, dễ nhớ. Sự kiện không có chữ viết là một thiệt thòi lớn cho nền văn học nước nhà thời đó, vì người Việt không có phương tiện ghi chép để tiện việc khai triển tư tưởng một cách sâu rộng theo như điều kiện tích lũy của qui luật lượng- phẩm. Đó là trở ngại mà đế quốc muốn tạo ra để đè bẹp ý chí quật khởi, chận đứng tinh thần độc lập, tự chủ của người dân bị trị để dễ bề đồng hóa. Giới Nho học chạy theo văn hóa nô dịch của đế quốc, chuộng từ chương, đa văn, mà người đời thường gọi là hủ Nho, coi thường văn học bình dân và cho rằng: “ Nôm na là cha mách qué “.
Ngay trong lãnh vực văn học thành văn, mà cũng có câu nói: “ Tam sao thất bổn “, cho nên trong truyền khẩu, nếu có những mẫu câu, mà một vài chữ biến đổi thì không có chi là lạ cả. Ví dụ như với mẫu câu ca dao giới thiệu ở phần “ Tiếng ca dao trong đêm “:
“ Đêm nằm nghe vạc trở canh,
Nghe sư gõ mõ, nghe anh vỗ nàng. “
thì tùy theo địa phương, còn có những câu tương tự như sau:
“ Đêm nằm nghe vạc trở canh,
Nỉ non tiếng dế như anh dỗ nàng.“
hay:
“ Đêm nằm nghe vạc trở canh,
Nghe chim vỗ sáo, nghe anh vỗ nàng.“
hay:
“ Đêm nằm nghe vạc cầm canh,
Nghe chuông gióng sáng, nghe anh dỗ nàng.“
hay:
“ Đêm nằm nghe vạc kêu canh
Nghe chuông động cánh, nghe anh dỗ nàng.“
Vạc trở canh, cầm canh, kêu canh đều ổn cả, tuy nhiên chữ trở canh gợi lên tâm trạng “ trăn trở“ của những con người thao thức do cưu mang một tâm sự nào đó.
Những chữ vỗ nàng và dỗ nàng có ý nghĩa khác nhau: Chữ vỗ đi với vỗ về, vỗ nhè nhẹ vào người, tỏ tình âu yếm để tạo cảm giác êm dịu hay làm yên lòng, làm dịu đi những nỗi phiền muộn, bất bình bằng lời lẽ dịu dàng đầy thông cảm. Còn chữ dỗ thì thường đi với dỗ dành, nói tổng quát là thuyết phục, làm xiêu lòng đối tượng. So sánh hai chữ trên, thì chữ vỗ có ý nghĩa của triết lý quân bình, có khả năng đem lại sự bình yên trong tâm hồn bằng sự thông cảm chân thực giữa người với người, cho nên trong thời phong kiến, các vị minh quân thường quan tâm đến việc “ vỗ yên trăm họ “ trong quốc sách nhân trị, thân dân. Ngược lại, các hôn quân, bạo chúa cũng như các chế độ độc tài chuyên chế thì hay dùng thủ đoạn dỗ dành, mà dỗ dành không được lại quay sang trấn áp bằng bạo lực cũng nhằm “ yên dân “, nhưng là thứ “ yên “ giả tạo, mà trong thực tế lòng dân sôi sục bao nỗi bất bình, cho đến một giới hạn nào đó sẽ bùng nổ để lấy lại thế quân bình đã mất.
Những mệnh đề như: “ Nỉ non tiếng dế “, “ Nghe chim vỗ sáo “, “ Nghe chuông gióng sáng “, “ Nghe chuông động cánh “,“ Nghe sư gõ mõ “ đều là những hình ảnh sinh hoạt qua tiếng đêm. Hai mệnh đề trước thuộc về thiên nhiên, ba mệnh đề sau thuộc về tôn giáo là âm thanh của Thiền, tất cả đều sâu sắc, mà theo thiển ý của chúng tôi, thì hình ảnh “sư gõ mõ “ như ở “Tiếng ca dao trong đêm“
là đắc ý hơn hết. Hình ảnh “ chàng vỗ nàng “ mà đi với hình ảnh “ sư gõ mõ “ mới nghe thoáng qua tưởng như có ý khôi hài, nhưng nghĩ cho cùng thì lại hết sức thâm thúy. Chàng vỗ nàng đến mức chí thành chẳng khác nào như sư gõ mõ công phu, mà thường là trì tụng kinh Thủ Lăng Nghiêm với tất cả lòng thành kính, tập trung cao độ. Cái khó của kinh Lăng Nghiêm đã đi vào ca dao qua những câu như:
“ Đi lính thì sợ qua ải,
Làm sãi thì sợ kinh Lăng Nghiêm “
hay:
“ Làm lính qua đèo sợ ải,
Làm sãi ở chùa thì sợ Lăng Nghiêm “
Dù khó khăn đến mấy, hễ ai quyết chí tu hành, từ tu sĩ cho đến cư sĩ đều cũng vượt qua và ngay cả trong đời sống gia đình thông thường cũng không bỏ qua việc công phu đêm hay khuya:
“ Mẹ già bất khả viễn du,
Anh đi chơi cho mấy, tối công phu anh cũng phải về “
Chàng vỗ nàng như vậy thật là hết ý! Mà đó chỉ mới là một trong những cư xử thông thường trong đời sống vợ chồng, những sinh hoạt khác cũng đều có ý nghĩa triết lý nhân sinh như vậy, vì quan hệ vợ chồng trong truyền thống văn hóa Việt Nam được quan niệm là Đạo:
“ Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí giã sát hồ thiên địa“( TD 12 ): Đạo quân tử khởi đầu từ việc thông thường vợ chồng, mà dẫn đến cùng cực thì quán thông cả trời đất.
Đạo vợ chồng là biểu hiện cụ thể hơn hết cái triết lý nhân sinh của Đạo khởi đầu từ hai nguyên lý cơ bản âm và dương, sinh sinh hóa hóa ra mãi, theo Đạo ấy mà đi là Thiện, thành được Đạo ấy là Tính:
“ Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện giã, thành chi giả tính giã “ ( Hệ Từ Thượng )
Đạt Tính là đã đạt được cứu cánh của Đạo, tức là hợp nhất được hai mối âm dương, là chỗ phát sinh ánh sáng Minh triết. Trong đời sống thấm nhuần đạo lý, mọi hành vi đều phải chí thành, cho nên không thể lẫn lộn giữa hai cách thái “ vỗ về “ và “ dỗ dành “ . Nhắc lại lời nhân xét của ông Paul Mus về người Việt Nam thời xưa như sau:“ il n’agit pas, il officie “ ( Cơ cấu Việt Nho, Ch.XVII, Kim Định ): người không làm, người tế tự, nghĩa là người làm việc gì cũng chí thành. Đó là đặc điểm của con người sống trong khu vực văn hóa có Minh triết. Nhưng tiếc thay! Ngày nay cách thái “ dỗ dành“ xem ra chiếm ưu thế, nhưng lại còn tệ hại hơn, nếu dỗ dành không được lại dùng bạo lực trấn áp, đẩy con người vào tình cảnh vong thân.
Tác giả:
Ca dao, tục ngữ là kho tàng văn hóa chung của dân tộc đã vượt qua phạm vi cá nhân, hòa nhập vào đại thể là dân gian. Nói chung, trong nền văn học bình dân, không ai yêu sách tác quyền cá nhân cả. Đây là đặc tính khó tìm thấy ở các lãnh vực khác, là môi trường rất thuận lợi để tập quên dần những cái danh thuộc tiểu ngã để hướng về đại ngã, là hướng đi của Đạo. Chỉ riêng đặc điểm này cũng đã nói lên tính cao quý của ca dao, tục ngữ trong kho tàng văn hóa dân tộc, khác hẳn với nhận định thiếu bề sâu của những hủ Nho chuộng danh vị.
Theo “ Việt Sử Tân Biên “ của Phạm Văn Sơn ( tr.412 Quyển I ) thì khi Trần Thủ Độ đạo diễn cho Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh, rồi ép nhường ngôi cho chồng. Các quan trong triều đều công phẩn, nhưng vì thế lực họ Trần quá mạnh nên đành thúc thủ. Quần chúng lưu luyến tiền triều có lưu lại lời ca dao như sau:
“ Trống kia ai đánh thùng thùng,
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng.“
Khi ép Chiêu Hoàng nhường ngôi, Trần Thủ Độ có thảo ra lời chiếu: “...Trẫm là bậc nữ chúa, tài đức đều kém, giúp rập không người, giặc giã nổi lên như ong, sao có thể nắm giữ thần khí là vật rất trọng yếu?...Trần Cảnh văn chất đầy đủ, rõ ra đáng bậc hiền nhân, quân tử, uy nghi lẫm liệt, có đủ vẻ thánh thần văn võ... Nghĩ rằng hôm sớm đã lâu, thử thách đã kỹ, nên chi nhường ngôi lớn để yên lòng trời, để xứng đáng lòng Trẫm, hầu chung lòng góp sức tôn phù tộ vận nước để hưởng phúc thái bình.
Nay bá cáo cho thiên hạ ai nấy đều nghe biết.“
Đó là ý của câu “ Trống kia ai đánh thùng thùng “. Gióng trống lên là để bá cáo, mà thuật ngữ ngày nay gọi là tuyên truyền. Bá cáo hay tuyên truyền tự chúng không tốt hay xấu, mà điều quan trọng là ở nội dung, bản chất của chúng có trung thực hay lừa dối.
Câu sau nói lên sự liên hệ của hai phạm trù “ chung“, “ riêng“ , mà tùy theo quan điểm có khác nhau. Ngày nay, đọc lại lịch sử ai cũng nhận thấy sự thay đổi triều đại Lý sang Trần là rất cần thiết, chấm dứt kịp thời tình trạng suy yếu thời Chiêu Hoàng, tạo sinh khí mới cho nước Đại Việt độc lập, phú cường. Sự thành công rực rỡ của nhà Trần trong thực tế đã có tác dụng đối với quần chúng về những khuynh hướng đối đãi nhau như bảo thủ và cấp tiến, cái chung và cái riêng... không còn cố chấp kiểu nhị nguyên, chọn mặt này, bỏ mặt kia. Đó là kiểu duy lý ở mặt nổi bên ngoài, thiếu chiều sâu nơi thâm tâm, cho nên khi không thành thật thì là lừa dối. Có kẻ nhân danh dòng tộc để “rước voi dày mả tổ “, “ cõng rắn cắn gà nhà “, lại có kẻ lạm dụng “của chung“ cho vào “ túi riêng “. Nếu đem so sánh hạng người này với những thi sĩ bình dân về tư cách thì quả thật một trời một vực. Thi sĩ bình dân là tác giả của những vần ca dao hay đẹp mà không bao giờ khư khư giữ tác quyền, tự nguyện hiến dâng những bông hoa, tô điểm cho khu vườn văn hóa dân tộc ngày thêm hưng khởi sắc hương với tinh thần vô kỷ, vô công, vô danh. Thật là cao quý biết bao!
Thể văn:
Nói chung, tục ngữ là những câu nói có vần gọn ghẽ, dễ nghe, dễ nhớ thường thiên về lý trí, phát biểu những nguyên lý, những qui luật tự nhiên, luân lý, đạo đức... Ca dao là những bài hát có âm điệu trầm bổng do kết cấu bằng các thể thơ lục bát, song thất lục bát, nói lối, có khi là tổng hợp các thể nói trên. Ngoài ra ca dao lại có chương khúc nhịp nhàng nhờ kết hợp với các thể đặc biệt như thể phú, thể tỉ, thể hứng độc đáo, cho nên ca dao là nơi biểu lộ tình cảm dạt dào và tư tưởng sâu sắc của người bình dân.
Thể văn là hình thức, nhưng cái đặc sắc của ca dao là ở chỗ hình thức cũng có liên hệ với nội dung, cho nên rất có ý nghĩa.
Thể phú: như hình thức tả chân:
“ Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ “
Thể tỉ: nói đến vật khác để so sánh:
“ Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn “
Thể hứng: tả một vật để khai mào rồi tiếp theo mới nói ý mình:
“ Chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng,
Em đà có chốn, anh đừng vãng lai “
Thể tổng hợp: gồm nhiều thể hợp lại:
“ Trèo lên cây bưởi hái hoa, ( Phú )
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, ( Hứng )
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay,
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng, ( Tỉ )
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra.“
Thể phú thì tả chân một hình ảnh khởi đầu, thể tỉ thì dùng một hình ảnh để so sánh, thể hứng thì khai mào từ một hình ảnh. Tuy có phân biệt như vậy, mà thực ra cả ba thể quyện lấy nhau, tăng cường cho cảm xúc, ý tưởng chính của bài ca dao. Có hai loại liên hệ giữa các hình thức dẫn khởi và cao điểm ( trọng điểm ) của bài ca dao: loại có ý nghĩa liên hệ rõ ràng và loại xem ra như bâng quơ, vô nghĩa.
Loại liên hệ có ý nghĩa: là loại liên hệ thuộc bình diện ý thức, nằm trong vòng liên hệ nhân quả hay liên hệ căn do, mà người ta có thể giải thích được bằng cách này hay cách khác, gần hay xa. Sau đây là một số ví dụ:
Hình ảnh quả cau:
“ Quả cau nho nhỏ,
Cái vỏ vân vân,
Nay anh học gần,
Mai anh học xa,
Anh lấy em từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.“
Khai mào bằng hình ảnh quả cau nho nhỏ dễ thương, lại có ý nghĩa, vì trầu cau là một trong lễ vật cưới hỏi, đặc trưng của phong tục tập quán Việt Nam:
“ Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.“
Trầu cau là sản vật rất phổ thông trong xã hội xưa của Việt Nam, là hình ảnh rất có ý nghĩa của Đạo vợ chồng, tình yêu lứa đôi:
“ Vào vườn hái quả cau xanh,
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu.
Trầu này tiêm những vôi tàu,
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng.
Dù chăng nên đạo vợ chồng,
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương.“
Hình ảnh nắng mưa:
“ Nắng mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.“
hay:
“ Nắng mưa là chuyện của trời,
Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng.“
Chuyện nắng mưa của thế giới tự nhiên và chuyên tương tư, chuyện tình yêu trai gái ở phạm vi nhân sinh cũng đều là biểu hiện cùng một nguyên lý âm dương của Đạo mà ra, cho nên lấy chuyện nắng mưa để dẫn vào chuyện tương tư của tình yêu thì còn gì bằng.
Hình ảnh sông Tương:
“ Sông Tương ai gọi rằng sâu,
Chẳng bằng phân nửa mạch sầu của ta.
Sông tuy sâu hãy còn có đáy,
Bịnh tương tư không bãi không bờ.
Đầu sông chàng đợi chàng chờ,
Nào hay thiếp đợi hững hờ cuối sông.“
Lấy hình ảnh sông Tương để so sánh với tình cảnh của những người lâm bịnh tương tư theo tình sử đã trở thành điển tích: “ Quân tại Tương giang đầu, thiếp tại Tương giang vĩ, tương tư bất tương kiến, đồng ẩm Tương giang thủy “: Chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, nhớ nhau không thấy mặt nhau, cùng uống nước sông Tương.
Hình ảnh mây với màu sắc trên bầu trời:
“ Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng.
Ước gì anh lấy được nàng,
Thời anh mua gạch Bát Tràng về xây.
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Có rửa thì rửa chân tay,
Đừng rửa mặt mày chết cá ao anh.“
Hệ Từ Truyện có nói: “ Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hóa hiện hỹ“: nghĩa là ở trên trời là tượng, ở dưới đất là hình thể, biến hóa mà ra vậy. Biến hóa từ cái bản thể cơ bản duy nhất, phổ biến qua tượng chưa có chủ đề rõ rệt, rồi biểu hiện ra vạn vật có thiên hình vạn trạng ở trần gian. Như vậy tượng là môi giới trung gian giữa thế giới hữu hình (Địa ) và thế giới siêu hình ( Thiên ). Ở đây, người con trai có ước mơ, muốn mô phỏng theo hình ảnh từ trên trời, bức tranh thiên nhiên với những đám mây màu sắc xanh, trắng, vàng ... là biểu tượng cho Cái Đẹp ( Mỹ ) để xây ở trần gian nầy một cái hồ bán nguyệt cũng đẹp như thế để phục vụ cho nàng với vẻ đẹp như thế nào đến nỗi chàng phải căn dặn:
“ Có rửa thì rửa chân tay,
Đừng rửa mặt mày chết cá ao anh“
Khai mào bằng cách chơi chữ:
“ Ngó lên chữ ứ,
Ngó xuống chữ ư,
Anh thương em thủng thẳng em ừ,
Anh đừng thương vội phụ mẫu từ không hay.“
Thi sĩ dân gian đã sử dụng tài tình cách biến âm phong phú trong ngôn ngữ Việt Nam từ ứ qua ư cho đế ừ, nhất là ứ và ư là âm khe khẻ, rất dễ thương phát ra từ người con gái đang tràn ngập rung cảm. Đến chữ ừ là biểu lộ sự ưng thuận, đồng tình trong sự hòa hợp gái trai, dẫn đến Đạo vợ chồng, mà nói đến tận cùng căn nguyên là sự hòa hợp của nguyên lý âm dương, tức là Đạo vậy. Giọng điệu vừa dí dỏm, vừa nghiêm trang, lại chứa chan tâm tình của cô gái quê tuy mộc mạc mà rất minh triết.
Trong bài ca dao:
“ Con cá đối nằm trên cối đá,
Con chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già,
Chén cơm đôi đũa kỷ trà ai dưng.“
Câu“ Con cá đối nằm trên cối đá “ vừa là cách chơi chữ lối nói lái, vừa chỉ nghịch cảnh, để đối với câu “Con chim đa đa đậu nhánh đa đa“ là thuận duyên. Đem hai trường hợp nghịch cảnh và thuận duyên để đưa vào sự cân nhắc, quyết định hệ trọng là việc lấy chồng gần hay xa.
Từ thế giới tự nhiên của loài vật sống theo bản năng dẫn vào xã hội loài người có văn hóa, luân lý, đạo đức:
“ Ngó lên trời thấy cặp cu đương đá.
Ngó xuống biển thấy cặp cá đương đua.
Đi về lập miễu thờ vua.
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
Ơn cha nặng lắm cha ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.“
Hình ảnh sống động với cảm xúc mạnh của những chàng trai sống nghề sông biển:
“ Đèn treo cột đáy,
Nước chảy cột đèn rung.
Anh thương em thảm thiết vô cùng.
Biết cha với mẹ có bằng lòng hay chăng?"
Đáy là loại lưới đánh bắt cá có hình ống to và dài, miệng lưới có dây giữ chặt vào hai cột đáy bằng cây ( gỗ) rất lớn, chắc. Từ hai cột đáy, có hai hàng rạo, là hai hàng cây cắm giữa dòng nước để hướng dẫn, lùa đàn cá vào đáy. Người ta thường đóng đáy ở cửa sông lớn, cho nên nước chảy rất mạnh, hàng rạo và cả cột đáy dù có vững chắc như thế nào cũng phải bị rung. Cái động ( rung ) của sông biển, tức từ thế giới hiện tượng chuyển qua da thịt, tức sinh lý, rồi chuyển hóa qua lãnh vực tâm lý làm cho chàng trai cảm thấy bất an (mất quân bình), cho nên phân vân, không biết cha mẹ có bằng lòng hay không, mặc dầu mình yêu nàng“ thảm thiết vô cùng “, thảm thiết cũng như tình cảnh của những cây rạo lung lay, cây đèn treo ở cột đáy rung rinh do dòng nước ở cửa biển chảy xiết. Tuy nói “ thảm thiết vô cùng “ như thế, mà thực ra hàm ẩn tính dí dỏm bên trong, chứ thực ra quan niệm nhân sinh truyền thống của người bình dân chưa bao giờ mang màu sắc bi đát.
Hình ảnh cây hóa kiểng, cá hóa long:
“ Cây trên rừng hóa kiểng,
Cá dưới biển hóa long,
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong.
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng;
Đến đây trời khiến đem lòng thương em.“
Cây hóa kiểng, cá hóa long biểu thị qui luật lượng phẩm, là công phu tu tập, rèn luyện tâm thân, ở đây là công trình theo đuổi, tìm chọn người thương, hễ chưa đủ liều lượng thì chưa chuyển thành phẩm, còn khi hội đủ cơ duyên thì tự nhiên đưa đẩy gặp nhau rồi đem lòng thương yêu.
Loại liên hệ khó giải thích: là liên hệ đồng bộ không nhân quả, nó ngấm ngầm trong cõi vô thức hay tiềm thức nơi thâm tâm, mà ý thức không biết được. Pascal đã nói: “Le coeur a ses raisons que la raison ne connait pas”: Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể nào biết được. Con tim nó rung động, không rung động theo lý này, lẽ nọ, mà nó sẽ đồng bộ với những cái đồng điệu. Xin đừng có hỏi cái đó là cái gì, tại sao?
“ Con chim manh manh, nhảy quanh bụi ớt, rớt xuống bụi riềng.
Thương sao thấy mặt thương liền,
Cũng như Ông Tơ, Bà Nguyệt nối duyên mình thuở xưa.“
Hay:
“ Con quạ đen, con cò trắng,
Con ếch ngắn, con rắn dài,
Em trông anh, trông mãi, trông hoài,
Trông cho thấy mặt, thấy mày mới yên.“
Con chim manh manh, bụi ớt, bụi riềng, con quạ đen, con cò trắng, con ếch ngắn, con rắn dài... tất cả những đối tượng quen thuộc, thân mến ở đồng nội đã lắng sâu vào tiềm thức của người bình dân, cho nên chúng luôn luôn gắn liền với cảm xúc của con người trong một tương quan đồng bộ không nhân quả. Rồi từ tương quan đó, ý thức như đã nhận được tín hiệu từ cõi vô thức qua tiếng nói của thiên nhiên:
“ Con ếch ngồi dựa gốc bưng,
Nó kêu cái “ quyệt “ biểu ưng cho rồi.“
Bây giờ thử liên hệ với “ Thiền học nghệ thuật “ ở thời “ Tam giáo đồng nguyên “ (Đường vào Triết học VN – N.V.N ): Thiền học không những cống hiến những phương pháp giác ngộ giải thoát, mà còn để lại một nền văn học nghệ thuật Thiền quý báu với những vấn đáp đượm mùi Thiền thâm trầm, sâu sắc . Nguồn cảm hứng của văn thơ Thiền là đạo lý uyên nguyên hòa hợp với vẻ đẹp của thiên nhiên, cho nên văn thơ, các bài kệ, các câu vấn đáp Thiền của các vị Thiền sư là nhằm thức tỉnh tâm Bát Nhã, ý thức trực giác cho đệ tử, và vì thốt ra từ tâm giác ngộ, nên có ý nghĩa nghệ thuật thâm trầm.
Thiền sư Chân Không ( 1046- 1100 ):
Thiền Uyển Tập Anh có ghi: “Một lần có vị Tăng hỏi: “ Thế nào là Đạo mầu?“
Sư đáp: “ Giác ngộ rồi mới biết.“...
Lại hỏi: “Tuy không giải đích xác nơi nơi đều gặp y. Cái nào là y?“
Sư đáp: “ Lửa kiếp lẩy lừng thiêu rụi hết
Núi xanh như cũ trắng mây bay.“
Lại hỏi: “Sắc thân tan rã thì sao?“
Sư đáp: “ Xuân đến xuân đi nghi xuân hết
Hoa rơi hoa nở chỉ là xuân.“
Tăng ngẫm nghĩ, Sư quát:
“ Đồng bằng sau cơn lửa,
Cây cối mỗi tươi thêm.“
Tăng vái lạy.“
Trọng tâm của cuộc vấn đáp trên đây chỉ xoay quanh ý nghĩa Đạo mầu. Đó là thực tại tuyệt đối, bản tính phổ biến đại đồng, Chân Như bất biến, mà từ đó biểu hiện ra thế giới hiện tượng biến dịch có thiên hình vạn trạng, cho nên nói rằng “ nơi nơi đều gặp y “. Đừng thấy xuân đến, xuân đi rồi nghi xuân hết, mà phải hiểu rằng đó chỉ là lẽ biến dịch tuần hoàn của thế giới tự nhiên. Đồng bằng sau cơn lửa tuy có bị cháy rụi, nhưng chưa phải là bị hủy diệt hoàn toàn, mà trái lại sau đó cây cối thêm tốt tươi. Đó là vì ở đàng sau thế giới hiện tượng biến dịch còn có thực tại tuyệt đối thường còn làm nền tảng, chứ không phải là hoàn toàn hư vô.
Vấn đáp Thiền có khi hiểu ngay, cũng có khi rất khó hiểu, ngay các vị Tăng đã quen tu học mà vẫn còn thắc mắc, ví dụ theo vấn đáp sau đây được Thiền Uyển Tập Anh ghi ở Thiền sư Viên Chiếu ( 999-1090 ):
“Có Tăng hỏi:“ Phật với Thánh nghĩa ấy thế nào?“
Sư đáp:“ Cúc trùng dương dưới dậu,
Oanh thục khí đầu cành“
Lại hỏi:“ Cảm ơn, nhưng người học này không hiểu, xin thầy dạy lại.“...
Ở đoạn khác, Tăng lại hỏi:“ Kiến tánh thành Phật nghĩa ấy thế nào?“
Sư đáp:“ Xuân đến cây khô hoa đua nở,
Gió đưa ngàn dặm nức hương thần.“
Tăng thưa:“ Học nhân không hiểu, xin thầy dạy lại.“
Sư đáp:“ Muôn năm cây cà ấy,
Xanh ngắt tận chân mây.“
Thấy được bản tính đại đồng, tức thể nhập Phật tính thì thành Phật. Khi đắc Đạo cũng giống như cây khô gặp mùa xuân thì muôn hoa đua nở tỏa ngát hương thơm. Phật tính cũng ví như cây cà rất bình thường, nhưng lại chứa bên trong cái bản tính phổ biến, cho nên Đức Phật đã nói:“ Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính“. Chính vì vậy mà có những bông hoa Minh triết“ nức hương thần“ nở ra ngay giữa đồng nội, trong khi nơi vườn ngự uyển chưa chắc gì đã tìm thấy.
Liên hệ ca dao với Thiền học nghệ thuật cho thấy mối quán thông của văn hóa Việt Nam, mặc dầu ở những trình độ và lãnh vực khác nhau ( ca dao: nhân sinh, Thiền: giác ngộ, giải thoát ), nhưng đều có hạt giống Minh triết. Hạt giống đó chính là Tính Việt. Con đường văn hóa Việt Nam đặc trưng ở chỗ kết hợp hài hòa mọi cơ năng ý, tình, chí để xuyên suốt qua các đợt ý thức, vô thức, tiềm thức và cả siêu thức, chứ không bị ngưng trệ nơi ý hệ.
Ngôn ngữ:
Nếu ở thể văn trong ca dao có các thể phú, thể tỉ, thể hứng hổ trợ, làm cho ý tưởng không cứng nhắc, tình cảm không cô đơn, sự vật không trở thành độc khối trong thế cô lập, mà tất cả đều có liên hệ sống động hữu cơ, thì trong ngôn ngữ cũng tương tự như thế nhờ hình thức những chữ kép. Ngôn ngữ là cách thái biểu lộ tự nhiên cái Tính của dân tộc và ngôn từ kép khi nói ra là đã diễn dịch cái nguyên lý lưỡng hợp của Việt lý đã ẩn sâu từ trong thâm tâm, trong tiềm thức từ bao đời rồi qua huyền sử “ Con cháu Tiên-Rồng “( nguyên lý âm dương )hẹn hò gặp nhau nơi Tương Dã ( lưỡng hợp ).
Việt lý là triết lý nhân sinh thái hòa, mà cứu cánh là đạt Tính, cho nên về ngôn ngữ, những chữ tính từ kép rất có ý nghĩa. Chúng làm cho tiếng Việt uyển chuyển, khi thì dịu dàng, thanh thoảng, lúc thì mãnh liệt, hùng tráng do tương quan của chữ kép. Sau đây là một số thí dụ:
“ Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ ( Trấn Võ ) canh gà Thọ Xương“

“ Anh thấy em nho nhỏ, lại có dung nhan,
Chân mày em loan, con mắt em phượng.
Anh đi nội Lục Tỉnh này mà ưng bụng chỉ có mình em.“

“ Anh đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.“

“ Anh đã có vợ con hay chưa?
Mà anh ăn nói đẩy đưa, ngọt ngào.“

“ Gió lao xao tàu cau ngã liệt,
Nghe em lấy chồng, anh rũ riệt tay chân.“

“ Trời mưa bong bóng phập phồng,
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?“

“ Em ngồi cửa sổ ngó ra,
Thấy anh gánh nước xót xa trong lòng.“

“ Con tằm bối rối vì tơ,
Anh say sưa vì rượu, em ngẩn ngơ vì tình.“

“ Cầu tre lắt lẻo, anh thắt thẻo ruột gan
Sợ em đi chửa quen đàng
Rủi em có mệnh hệ, lỡ làng duyên anh.“

“ Cơm sôi, lửa cháy, gạo nhảy tưng bừng,
Anh thương em như lửa nọ cháy phừng phừng.“

“ Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng nhớ thuyền.“

“ Nhớ ai em những khóc thầm,
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.
Nhớ ai ngơ ngẩn, ngẩn ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai!
Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi,
Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm.“

“ Phụ mẫu đánh anh quặt quà, quặt quại
Đem treo anh tại nhánh bần
Rủi đứt dây mà rớt xuống
Anh cũng lần mò kiếm em.“
Bên cạnh các tính từ, hình dung từ, trạng từ còn có những động từ kép thể hiện tính sinh động trong triết lý nhân sinh như chữ lần mò trong bài ca dao trên cũng như trong những bài sau đây:
“ Bồng bồng mẹ bế co sang,
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.
Muốn sang thì bắt cầu kiều,
Muốn con hay chữ, thì yêu lấy thầy!“

“ Thương thương, nhớ nhớ, thương thương
Nước kia muốn chảy mà mươn không đào.“
Những chữ như thương thương, nhớ nhớ khiến ta liên tưởng đến chữ sinh sinh trong câu:“ sinh sinh chi vị Dịch“ sinh rồi lại sinh nữa, cũng như thương rồi lại thương nữa, nhớ rồi lại nhớ nữa hết quá trình này lại đến quá trình khác trong cuộc nhân sinh bất tận.
Danh từ kép cũng có ý nghĩa đặc biệt như trong những bài ca dao sau đây:
“ Ai đi đường ấy xa xa
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?“

“ Mênh mông biển lúa xanh rờn,
Tháp cao sừng sững trăng vờn bóng cau.
Một vùng phong cảnh trước sau,
Bức tranh thiên cổ đượm màu giang sơn.“

“ Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.“
Những danh từ kép như nước non, giang sơn, mưa nắng... biểu thị nguyên lý âm dương lưỡng hợp rất phổ biến trong ca dao và trong văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung.

( còn tiếp )
-------
Cước chú: Nguồn sưu tầm ca dao, tục ngữ : - Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. - Tự điển điện tử Ca dao Tục ngữ của Hà Phương Hoài.

No comments:

Post a Comment