02 November 2010

Kỷ vật của Hai Quẹo Lâm Thành Hổ

Tạp ghi


Dường như tui biết bắt ếch từ hồi bốn năm tuổi. Ông Dương Năm, em rể của bà ngoại tui làm chứng vụ này. Ông thường ngồi trên ngạch cửa, trước hàng ba, coi đám con nít đùa giỡn. Có lần thấy tui té sấp, sải dài bốn chưn thì ông hỏi bắt được mấy con ếch. Rồi những lúc tắm mưa, khi bị trợt chưn té, cũng được hỏi có chụp dược con ếch nào không.

Thì ra quê tui có nhiều ếch. Người lớn hay bắt ếch. Con nít cũng bắt ếch. Chính cảnh sống trù phú ở đồng quê đã đẻ ra cái tiếng “chụp ếch” bất hủ đó. Ở chợ bị té thì bị kêu là đo đường hay đo ván chứ làm sao có ếch mà chụp. Chụp ếch! Vừa đau vừa mắc cỡ nhưng 2 tiếng dễ thương đó đã hóa giải ngay, giúp tui vui cười và lồm cồm đứng dậy giỡn tiếp. Rồi tới bảy tám tuổi thi chính tui đi chụp ếch thiệt.

Chụp ếch.

Tui may mắn được sanh ra và lớn lên ngay giữa vựa lúa miền Nam. Quê tui là miệt giồng nên ít vườn mà nhiều ruộng. Nhà cửa lưa thưa nằm trong vuông tre, dài trên lươn cát cao ráo sạch sẽ, nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông phía trước. Mùa hè đồng khô đất nẻ. Mùa mưa nước ngập như biển khơi. Bắt cua, bắt ốc, câu cá, xúc tép, đặt lờ, đặt chà ngôm, v,v,..nghề nào tui cũng có rớ tới. Riêng việc bắt ếch thì kéo dài quanh năm suốt tháng, vì mùa nào cũng có ếch. Miền Nam mưa hòa gió thuận cho nên hổng cần “Lạy trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm”. Quê tui hổng có cái bát mà chỉ có cái chén. Thay vì lấy đầy chén cơm mà lấy đầy bồ lúa, còn dư để san sẻ cho đồng bào ngoài kia. Ông trời thương người chất phác hiền lành ở đây nên chưa “lạy” mà ổng đã ban cho thật nhiều mưa.

Khoảng đầu tháng tư bắt đầu mưa, vừa đủ làm mềm đất. Rồi từ từ mưa nhiều hơn, ruộng dần dần đọng nước. Đó là mùa của cua đồng, ốc bưu, ếch nhái, cá tép và cả chuột. Chuột đồng mập tròn trắng phau cũng bỏ bờ ruộng nhập bọn lội đầy nước, tìm đường lên giồng. (Chuyện làm hầm để bắt chuột cũng lạ lắm. Dịp khác tui sẽ kể cho bà con nghe). Mùa khô nắng nóng làm rung rinh mặt đồng, tưởng hổng còn con gì sống được. Bây giờ mưa xuống, sức sống bừng bừng dâng lên theo nước. Nhiều người túa ra đồng. Người lớn đi bắt ếch, xách theo giỏ, nôm. Con nít thì giỏi bắt cua, bắt ốc đem vìa luột ăn chơi. Tui chơi kiểu tài tử, kiêm nhiều nghề, thấy ếch ham quá tội gì chờ người lớn tới chụp. Thay vì dùng nôm, tui bắt bằng tay không. Mưa trắng trời đất. Ếch đang say mưa như say rượu, coi mọi thứ là mập mờ nhân ảnh, nên việc bắt nó tương đối dễ. Tui cũng là dân mê đá banh nhưng chưa hề tập giữ gôn. Giờ phải dùng tới nghề đó. Đang lội rào rào, thấy con ếch đang nổi đầu, cách chừng vài thước, hai con mắt lồi nhòe nhẹt nước mưa, bước nhẹ tới cho vừa tầm. Một cái ào, tui phóng mình tới như bay, hai tay vói chụp, té nằm dài trên nước, mặt mũi tèm lem. Hổng đau, nhờ có nước đỡ. Phải chi tui là thủ môn, chắc khỏi chê. Rồi tui tiếp tục bay, tiếp tục phóng, lâu lâu cũng dính được một con. Thì ra chụp ếch là vậy. Ông Dượng tui so sánh với cái té sấp trên sân thiệt là trúng. Mà té ngoài ruộng thì sướng còn gì hơn. Tui và các bạn cứ đùa giỡn xôn xao la hét như hội. Nước vừa tới đầu gối, gốc rạ nổi lều bều, tụi tui vừa chạy, nhảy, bò, nằm, trườn vừa tìm dấu những con cua, con ếch đầu mùa mập ú. Người lớn lội xa vô vùng trắng đục giữa cánh đồng mênh mông. Họ cố bắt cho thật nhiều để mai quảy ra chợ làng bán. Ếch bắt được, cột bằng dây. Trời xui nó có cái “eo ếch” để cho mình cột, hổng bao giờ vuột. Tắm giỡn đã thèm, một hồi cũng mệt, đói bụng, lên bờ vìa nhà. Mặt môi tái xanh vì lạnh mà cái bụng thì ấm vô cùng, khi nghĩ tới bữa cơm chiều nóng hổi với ếch kho sảớt hay xào bông mướp hương .

Đây xin nói lạc đề một chút, đó là chuyện ăn cua ăn ốc ở quê tui. Cua phải đựng bằng thùng thiếc cho nó khỏi bò ra. Cua đồng đầu mùa đều bư và mập lắm. Nhưng việc bắt cua đồng, ốc bươu vẫn bị coi là của con nít là vì đó là món ăn chơi và bán hông ai mua. Bắt được, đem vìa, lưa ốc bươu đem ngâm lá ổi, bỏ riêng để đó tính sau. Còn lại cua đồng thì rửa sạch, trút vô cái nồi nước sôi bự chảng. Luột chín đổ ra cái rổ thưa cho ráo. Đâm một tô muối ớt, nặn vô chút chanh. Rối thì cả nhà cha mẹ con cái, hú hàng xóm tới, ngồi xung quanh, làm một chầu hả hê cua luột chấm muối chanh. Ăn thả dàn. Ăn không, hổng cần độn cơm khoai gì ráo. Ăn chơi mà. Còn ốc cũng vậy. Cứ luột, xong rồi làm chút nước mắm cơm mẽ sả ớt. Và cũng xúm lại, bẻ gai bưởi, cây móc tay hay tăm cật tre, lể ăn chơi. Sao mà thiên nhiên quá đỗi. Riêng tui còn có thêm món độc là ốc nướng và càng cua nướng. Tui lựa càng cua thật lớn, ốc bươu thiệt bự đem đặt nằm ngữa trên lửa than. Nó sẽ sôi, bốc hơi xì xèo thơm thơm, rồi khô nước và vỏ cháy khét nghe thơm phức. Đập ra, thịt vàng lườm, vừa dai vừa giòn. Thịt ếch cũng vậy, tui lấy con ếch lột sẳn, sát chút muối, lấy nhánh tre chẻ đôi cặp gấp nướng cho tới vàng. Cũng ăn chơi tại chỗ. Các bạn thử đoán coi nó ngon cỡ nào. Cái xứ quê xa hóc bà tó có lối ăn uống kỳ cục vậy đó. Toàn là ăn nguyên chất chứ hổng biết ướp cả chục thứ gia vị kiểu Tàu.Và chính tui cũng dốt và kém văn minh văn vật lắm. Cho tới khi lên Sài Gòn, tui mới biết Phở, rồi Bún Riêu và chỉ nghe nói tới Bún Ốc. Sau này, một số bà con sống gần tỉnh, biết có người tìm mua cua đồng nấu bún, bèn gom xách đi bán để kiếm thêm chút tiền còm.

Soi ếch.

Tối lại, nếu còn mưa thì đó là dịp đi soi ếch hội. Trên giồng ểnh ương kêu uênh oang đục ngừ xa vắng. Trước sân nhà cóc âm thầm bắt mối, mấy con mối đất rã cánh sót lại hồi chiều. Không màn tới món cháo cóc ngon hơn cháo gà, tui bị thu hút bởi tiếng ếch kêu mưa ngoài ruộng, chúng đang hòa tấu nhạc tình. Vâng, mỗi lần mưa dầm tới tối thì từng đàn ếch họp lại kêu râng. Đúng ra hổng phải chúng hợp xướng đâu. Tiếng kêu râng trời đó phần lớn là do mấy con cái. Chúng đang hú bạn tình tới. Nếu chạy ngay tới chỗ đó mà bắt thì hổng được bao nhiêu. Phải đơi chút nữa. Chừng nào nghe bớt ồn hay nín khe thì chính là lúc tụi nó đang tù ti với nhau. Y như người ta mình vậy. Vô trận rồi thì nó nằm im, nổi phêu phêu, bất kể nhân sự. Bắt ếch đang bắt cặp vậy mới thật là mê. Rọi cái đèn soi tới gần đụng nó mà nó hổng chịu lặn. Đúng ra thì cũng vì nó mê đèn, “chịu đèn” lắm. Tay trái cầm đèn, tay mặt lần lần trong tối sau chóa đèn, cho tới sát rối thọt nhanh ra chụp lấy nguyên cặp. Đã cái tay. Có lúc tui tò mò muốn biết tụi nó “bắt cặp” ra sao nên đứng yên quan sát thử. Coi ngộ lắm. Ếch bà thì bề xề một đống, ếch ông thì y như cụ đồ lưng ngắn hay ông tiên nâu sống nhờ…lưng vợ. Con cái bự chảng đang cõng con đực nhỏ síu trên lưng, phần hạ bộ của chúng hông có đụng chạm tiếp giáp nhau gì ráo, vì toàn thân con đực chỉ nằm tới “eo ếch” con ếch cái. Nhưng có cái gì đang tiết ra. Phần sau con cái có bao phủ một lớp nhờn có lộn hột é. Con đực thỉnh thoảng bắn ra từng tia nước mịn vô lớp hột é đó. Cái màng trứng loang loáng như dầu nhớt từ từ lan ra, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, có khi rộng gần cả thước xung quanh. Sức sống đang hòa hợp cộng sinh. Rồi ít bữa sẽ có bầy nòng nọc? Bắt chúng ngay trận tiền như vậy tội quá. Mà sao tui vẫn thộp cả hai bỏ vô giỏ!?

Ông Dượng tui cưa cho tui mấy ống tre, thông 2 đầu. Da ếch đem bịt trống. Da con nhỏ thì dùng lon sữa bò hay lon trái vải bịt lại, để có thêm âm độ. Đũa tre trong nhà hao thêm. Rối những buổi trưa tụi tui hòa tấu nhạc trống “cơm” nhỏ tí siu.

Người lớn còn có cách bắt ếch bằng cái đó và mồi thuốc nhữ. Tối đem đặt trên gò đất gần ruộng, lâu lâu xách đèn đi thăm, sáng ra nhà có cả giỏ ếch. Tui hổng siêng học vụ này. Mà mấy ổng giấu nghề lắm. Hết mùa mưa, nắng khô đồng thì đi đào ếch.

Đào ếch.

Khoảng sau Tết, ruộng chỉ còn trơ gốc rạ và đất nẻ. Cá tôm tưởng đâu chết hết nhưng thật sự có một khối thực phẩm khá lớn còn tiềm ẩn dưới đất. Nhiều nhứt là chuột, rắn, cua, ốc, lươn, cá trê và ếch. Hầu hết núp trong hang. Hang ăn xéo vô dưới chân bờ ruộng. Muốn bắt chỉ có cách đào. Đào ếch hay chuột thì mê lắm nhưng nhiều lúc cũng hồi hộp. Sợ rắn. Nhìn miệng hang, có thể biết con gì trong đó. Hang chuột có đầy đất vụn và khô. Hang cua thường có một vạc bùn trên đó lấm tấm dấu chân. Hang rắn thi khô queo, láng o. Nhưng hổng phải lúc nào nó cũng đơn giản như vậy.

Rắn là tên gian manh, nó chuyện lựa hang đào sẳn mà chiếm đất cướp nhà người ta. Hầu hết là loại độc ác, giết người. Nó chui vô giết chủ nhà rồi ở đó luôn. Có khi nó mới chiếm chỗ định cư, hoặc nó chỉ mượn cái ngách lưng chừng để ở, chưa xóa hết dấu chân cua, tưởng hổng có nó, vội thò tay vô thì nguy chí mạng. Cho nên đi đào chuột, đào ếch phải dẫn theo chó, loại chó săn nhỏ con như chó Phú Quốc. Chó đánh hơi và giúp người bắt những con rắn hay chuột chạy vuột. Cẩn thận hơn là phải dùng cái ngoéo sắt nhỏ rà trước khi đào. Nhiều khi mới vừa móc móc là chuột hay rắn phóng ra rồi. Nếu chụp hụt, người và chó mặc sức mà rượt.

Bây giờ xin nói chuyện đào ếch của tui. Con ếch cũng khôn tổ cha, như cá trê cá rô, và nó cũng mánh như rắn, nhưng hiền hậu lắm. Con ếch moi sình thì giỏi nhưng bới hang đất khô thì bết lắm. Cho nên nó cũng chuyên môn ở đậu với cua đồng. Bắt ếch chỗ sình khó hơn là câu. Cho nên cứ tìm hang cua đồng, một công hai việc. Ruộng càng khô, nước trong hang càng giựt, con cua thỉnh thoảng phải nạo vét lòng hang cho sâu thêm. Vì vậy mà nó thường đụn lên miệng hang một bệt đất ẩm. Con ếch cũng cần nước, cho nên tìm cách lén vô ở chung. Nhưng hổng phải là con cua nó đồng ý đâu, nếu nó biết thì chắc đã sực món mồi tươi này rối. Không biết canh me hồi nào mà anh ếch chuyên môn lặn trong bùn tận đáy hang, im lìm nằm dưới bụng con cua, lâu lâu ảnh lén lú lỗ mũi lên để thở không khí. Sau khi móc con cua ra rồi, rà lại đáy hang, sâu trong bùn, thường là bắt được con ếch thật mập nằm ngụy trang trong đó. Phần nhiều là hang cạn, thọt tay là tới. Gặp hang sâu mới cù ngoéo hay đào cho rộng miệng dễ thọt tay hơn. Cây cù ngoéo làm bằng căm xe đạp hay cọng kẻm, cong cong nhỏ síu như ngón tay co, gắn vô cái cán tre, dùng móc cua, ếch, chuột, rắn… là trúng nghề nhứt. Ếch và chuột đồng mùa hè ngon một cách kỳ lạ. Chuột mập nhờ ăn thóc gặt sót ngàn trùng trên đồng. Thịt chuột muối sả đem chiên hay nướng nguyên con, vàng hực, thơm phức, ăn cơm lấy tay bóc, môi và ngón tay mướt rượt, thiệt đã đời. Ếch đem kho sả ớt thì bảnh hơn thịt gà nhiều, ăn cơm cũng quên thôi, hoặc đem xào lăn để đưa cay, nhậu té lăn hồi nào hổng hay. Bữa nào làm biếng ra đồng, tui xách cần đi câu ếch.

Câu ếch.

Câu ếch là môn dễ nhứt, giống như câu cá chốt, cá sặc, bãi trầu hay câu cá lòng tong vậy. Cho nên việc này là của con nít, tui cũng rành sáu câu. Đi đôi với chuyện câu, còn có vụ đâm ếch cũng hông kém phần hấp dẫn. Xin từ từ kể cho quí vị nghe.

Đâm hay chỉa ếch và câu ếch mùa nào cũng làm được, nhưng thích nhứt là vào mùa khô. Khi trời dứt mưa, ếch rút vô tỵ nạn trong đìa, bào, giếng. Đất miệt giồng cao, ven giồng thường có bào với cây gừa phủ mát rượi, là chỗ lý tưởng cho ếch dung thân. Nhưng nó còn ở trong mấy cái giếng lạn, chung với ểnh ương. Giếng lạn là giếng nước tưới trầu, hoặc xài cũng được, có đó từ thời cố lủy nào, thường nằm dựa buội tre hay dưới tàn cây ngái. Nó hình cái nón lá khổng lồ lật ngữa, bên hông có vét con đường nhỏ để lội xuống múc nước thẳng vô cặp gào dai rồi gánh đi lên. Khi nước cạn, chỉ cần xách cái xuổng móng tay xuống vét thêm một chút. Đất giồng toàn là cát nên nước giếng lạn trong ve mát rượi.

Cây xà no (cây chĩa) gồm có cái mũi sắt làm bằng căm xe đạp, đập dẹp, mài nhọn và có cắt ngạnh một bên, y như nửa mũi tên, gắn vô đọt cây trúc thật thẳng. Trưa nắng chang chang, trời im phăng phắng, ếch thường nổi đầu trên mặt nước hay nằm yên trên bờ chờ mồi. Con bướm, con mối hay châu chấu bay qua thì biết. Tui lén núp trên bờ ngồi chờ, lựa thế làm giàn phóng xà no. Thấy nó, đưa nhè nhẹ tới, còn cách chừng 4, 5 tấc, phóng một cái rẹt, tiếng ẹo a ẹo ơi vang lên là ăn tiền. Con ếch vừa vẩy dụa vừa kêu la có chút bi ai. Nhưng rồi tui vẫn đâm ếch và câu ếch. Nghĩ lại hồi nhỏ sao tui ác quá. Tội hơn là khi mình làm thịt nó, mới kê dao vô đầu cứa cứa là nó chấp tay lạy lia lịa, miệng cũng kêu éo éo. Rồi lại còn rạch lưng, tuột hết da, như cổi áo từ sau lưng, lột trần nó ra để nó nằm tênh hênh, như người mẩu thất thế khoe “đùi ếch trắng hếu”. Tội nghiệp lắm.Thiệt ra thì tui thích câu hơn. Câu ếch có vẻ ít ác mà thích thú hơn.

Chỉ cần có cái nhánh tre dài hay cây trúc con nho nhỏ là làm được cần câu. Sợi nhợ chừng vài thước. Cái lưỡi câu làm bằng kim cúc hay dùng lưỡi cũ của người lớn hông xài cũng được Đơn giản như vậy là vì khi nó táp, mình giựt một cái là đưa nó lên bờ ngay. Còn mồi thì dùng bông mướp. Dường như ếch mê ăn bướm hay mối. Con ếch đang nằm yên, cứ việc đưa cần câu ra nhấp nhấp cho cái mồi bông mướp vờn vờn lại, nó tưởng con bướm đang bay, quên nhìn cái cần phía trên, dù cách xa cả thước nó cũng vội phóng tới bắt cho được. Hàm ếch thì rộng hèn gì, cho nên nó hông thoát nổi. Trong cái yên tịnh buổi trưa, núp trong bóng mát, một mình âm thầm giựt một con ếch, vừa nghe giỡn óc nổi da gà vừa cảm thấy lâng lâng sung sướng, cái cảm giác ít ai biết được.
Nhưng câu hay đâm ếch có cái bất tiện là, mỗi lần bắt được một con thì làm động giếng, tụi nó lặn hết. Thay vì yên lặng ngồi chờ nó nổi lên lại, phải đi vòng vòng tìm chỗ khác, lác sau trở lại. Câu ếch cũng tập được cái tánh nguội, bớt nóng nảy, hổng khéo biến thành thiền sư ruộng.

Thịt ếch đôi khi đã trở thành cao lương mỹ vị, phổ biến khắp năm châu. Chiên bơ, cà ry, xào lăn, lăn bột, v.v. có trăm cách nấu nướng, xin miễn nói. Đời tui, tui chỉ thích món ếch kho sả ớt trong những bữa cơm đạm bạc gia đình mà lại nhớ muôn đời.

Bù Tọt.

Trong nhiều lần kể chuyện, tui thường nhắc tới con bù tọt. Bây giờ xin kể rỏ thêm một chút. Xin bà con đừng lẫn lộn với con “bò tót”. Có lẽ rất nhiều người chưa hề thấy nó ra sao. Bù tọt thuộc loài ếch nhái, nhưng chuyên sống vùng nước lợ duyên hải. Nó in hịt con ếch, nhưng nhỏ con hơn, da lưng ít bông và lợt hơn, mình thon đầu nhọn hơn. Nó cũng từa tựa con nhái cơm, nhưng lại bự con hơn nhái, không trắng bằng nhái. Nếu nói nó là gà tre, thì ếch là con gà nòi. Dù cho già cách mấy nó cũng hông bự bằng ếch được Thịt bù tọt ngon như thịt ếch, rất dễ ăn, dễ chế biến, xương nó mềm lắm, ăn có thể nhai luôn. Hương vị những bữa cơm với bù tọt ram sả ớt hay xào củ hành cary một đời còn theo tui.

Khoảng thời gian mấy tháng cuối mùa mưa, bù tọt hay xuất hiện từng đợt rất nhiều, như hội. Nó nhảy lên đất liền, nhảy tùm lum đen đất, thấy mà ham, có khi nó lên gò, vô giồng và cả sân chợ làng, mặc sức mà hốt. Bà con miệt cồn duyện hải bắt từng càng xé, đem vìa lột da, đựng trong bao bố hay bao cà-ròn, chở lên tỉnh bán đầy chợ luôn. Dân thành có thêm buổi chơ dễ mua và ngợi hơn. Ngoài tôm cua cá tép, ông trời còn thưởng cho dân quê tui loại thực phẩm đặc biệt này, bổ dưỡng hơn thịt heo thịt gà.

Kết chuyện.

Ngày nay ếch được nuôi theo phương pháp khoa học, thấy nó tui hổng có cảm tình chút nào. Tui cứ nhớ héo ruột mấy con ốc bươu lớn bằng trái quít tui chạy ra ruộng bắt vô, rồi nướng liền trên bếp lửa cháo heo, lúc nào cũng đỏ rực, cháy vàng thì gấp đem ra. Ây dôi! Cái món ăn quê mùa hoang dã vậy mà sao nó buột trái tim tui dính khắn với quê hương, hông bao giờ lơi được.

Nghĩ lại Hai tui có cái may mắn làm dân quê thứ thiệt, lớn lên ráng đi học, biết chữ biết đọc rồi biết thêm đời. Lời quá. Tui lời có được một đống kỷ niệm quê hương sống thực sau lưng và thỉnh thoảng nhớ lại, kể cho bà con cô bác và các bạn nghe làm vui, cũng là hạnh phúc. Thành thật cảm ơn bà con và quí vị đã theo tui vìa thăm vùng kỷ niệm vàng ngọc đó. Hẹn gặp lại dịp khác. Au revoir./.

Hai Qụeo
Central Coast OZ 7/2008

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...