20 July 2012

Ông Ngoại bắt buộc! Tranh Nguyễn Thế Vĩnh

Con người đã chung nhà, liên kết (domesticate) với chó khoảng 100.000 năm nay. Không phải chỉ có thế, một nhà nghiên cứu * cho rằng chính chó cũng đã liên kết với con người. Chó tặng người chiếc mũi thính, đôi tai nhạy cảm, thị giác nhìn sâu trong bóng tối. Con người cung cấp thực phẩm, thuốc men cho chó.

Nếu tin vào những kết quả ông khám phá ra, thì sự liên kết này đã khiến chó giảm bớt một số khả năng, như khả năng tìm mồi chẳng hạn, nên bộ não chó đã co lại 20%. Ngược lại bộ não con người cũng co lại một phần mười vì ít dùng những khả năng trong các lãnh vực đã được chó giúp. Rõ ràng trong cuộc liên kết này chó có lợi hơn người.

Bản chất sự liên kết tiếp tục thay đổi. Các ứng dụng phát minh khoa học đang giúp con người có cái mũi thính, đôi tai nhạy cảm, thị giác nhìn sâu trong bóng tối của chó. Thế nhưng không vì vậy mà sự liên kết này có chiều hướng tan rã. Canađa có 33 triệu đân, hiện có trên một triệu người bạn bốn chân sống chung.

Cuộc sống mới của con người hàm chứa nhiều cô đơn và chó đang trám vào những trống rỗng trong cuộc sống ấy. Chó hiểu người hơn hẳn những con vật khác qua tiếng nói, qua cử chỉ của con người, thậm chí chó nhìn ra nỗi vui buồn trên nét mặt của chủ. Chó chú ý và có linh tính khó giải thích là đoán biết được chủ sẽ làm gì. Chó biểu lộ cao độ nhu cầu yêu thương và được yêu thương. Chó thích hưởng cái êm ấm và cái mùi của chủ đã ảm vào chăn nệm và nhiều trường hợp nằm chung giường với người. Sự liên kết trở thành kết nghĩa.

Chó không phải chỉ là một "người giúp việc", chó càng ngày càng trở thành một thành phần của gia đình. Con tôi gọi chú chó nhỏ Penny cô nàng nuôi là baby, và tôi bị kêu là "Ông Ngoại".

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

Dưới đây là chân dung "Cháu Ngoại"!:


Penny
Oil on canvas
16x20 inch (41x51 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
______
(*) Groves, C. P. (1999). The advantages and disadvantages of being domesticated. Perpectives in Human Biology, 4, 1-12.

No comments:

Post a Comment