05 July 2012

Các Thuật Ngữ Văn Chương

và Một Số Kinh Nghiệm Viết Văn

I - CÁC THUẬT NGỮ VĂN CHƯƠNG

Am tường những thuật ngữ của văn chương tức là hiểu được những yếu tính của văn chương để rồi từ đó ứng dụng vào tác phẩm của mình hầu làm cho tác phẩm trở nên hay- đẹp, đúng ý mong muốn. Chúng ta phải công nhận rằng về bộ môn này, Tây Phương đã phát triển lên tới đỉnh cao cho nên không có điều chi xấu hổ nếu chúng ta phải học hỏi nơi họ. Có thể những tác phẩm hay của tổ tiên chúng ta cũng đạt tới đỉnh cao này nhưng vì tổ tiên chúng ta không chịu phân tích, không hệ thống hóa mà chỉ ngầm hiểu hoặc hiểu theo linh tính cho nên con cháu đời sau muốn tìm hiểu những thành tố của văn chương không biết nương tựa vào đâu. Trong khi đó, vì chuộng tinh thần khoa học cho nên Tây Phương đã phân tích và liệt kê ra. Sau đây là một số những thuật ngữ văn chương - giống như những dụng cụ quý báu trợ lực cho người làm thơ, viết văn:

Alliteration: Lập lại phụ âm đầu.
Thí dụ: Ðó là anh chàng ngờ nghệch, ngốc nghếch.

             Cô ta vừa dịu dàng vừa duyên dáng.
Allusion: Nói bóng nói gió, ám chỉ.

Chẳng hạn người con trai muốn cưới người con gái khâu giúp mình cái áo trong bài ca dao “Tát Nước Đầu Đình” nhưng lại nói bóng nói gió như sau:
Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp  em một thúng xôi vò.
Một con lợn béo một vò rượu tăm.”
Characterization: Xây dựng nhân vật (sao cho độc đáo)

Climax: Cực điểm của câu truyện, là chỗ phăng ra manh mối và từ đó căng thẳng giảm dần và câu truyện đi vào kết thúc.

Conflict: Xung đột, mâu thuẫn (để đẩy truyện đi tới)

Connotation/denotation: Nghĩa rộng, sự bao hàm

Dramatic irony: Tình huống trớ trêu. Một thí dụ của tình hưống trớ trêu là khi Romeo tưởng Juliet đã chết cho nên lấy dao tự sát trong khi khán giả hay người đọc biết chắc rằng Juliet vẫn còn sống.

Event: Diễn biến của câu truyện.

Falling action: Xung đột / căng thẳng giảm dần (sau cực điểm của câu truyện.

Figurative language: Dùng ngôn ngữ bóng bẩy.

Foreshadowing: Báo hiệu, báo trước, điềm báo trước (để dẫn dắt độc giả)

Chẳng hạn đôi tình nhân đang đứng tâm sự bên cầu, người con gái khẽ thở dài, vân vê tà áo, nói “ Em không biết cuộc tình chúng mình rồi đây sẽ ra sao!” Câu văn này chính là điềm báo trước cho một cơn giông bão sẽ xảy đến. Nhưng nếu sau này chẳng có biến cố gì xảy ra cả thì đoạn văn trên là một đoạn văn thừa. Chẳng hạn đoạn Kiều nghe Vương Quan kể chuyện Ðạm Tiên “ Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa “ rồi sau đó nàng thắp hương khấn vái, rút trâm trên đầu, vạch da cây mà “Vịnh bốn câu ba vần “ rồi “Lại càng mê mẩn tâm thần” chính là điềm báo trước cuộc đời cô sau này cũng sẽ đoạn trường như Ðạm Tiên.

Hyperbole: Ngoa ngôn, cường điệu (để nhấn mạnh và gây ấn tượng)

Thí dụ: Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.

             Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn.
             Ngửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa

                                                                   (Nguyễn Gia Thiều)

             Thân hình bà ấy to như cái bồ sứt cạp.

             Lưng bà ấy rộng như cái cánh phản cho nên thiên hạ gọi bà ấy là Bà Phán Cảnh.

Imagery: Giàu hình ảnh/ tượng hình

Inference: Ðể người đọc có thể suy luận, suy diễn ra

Inversion: Sự đảo ngược thứ tự của chữ trong một câu để tạo nên chất thơ:

Thí dụ: Hai câu sau đây nếu để nguyên thì không giầu chất thơ:
Em đến chơi chiều thu
Lá vàng rơi lác đác
Nhưng nếu đảo ngược thì lại có nhiều chất thơ:
Chiều thu em đến chơi
Lác đác lá vàng rơi
Và ta có thể thêm hai câu nữa để kết thúc bài  thơ này:
Mắt em chìm trong mộng
Tình anh đã chín rồi.
Irony:  Mỉa mai, cay đắng.

Main character: Nhân vật chính là nhân vật được nhắc nhở nhiều nhất và sẽ xuất hiện từ đầu tới cuối, qua đó nhà văn xây dựng đề tài của mình. Mọi diễn tiến, mọi tình huống phải xoay quanh nhân vật chính. Tôi đã đọc một “truyện ngắn” đăng trên một nhật báo lớn nhất ở San Jose năm 1995 với đoạn nhập đề như sau: “Hôm đó Nga tình tờ gặp Trí. Trí có người chị tên Bích và Bích có người anh rể tên Hoàng.” Ngay phần nhập đề, tác giả đã “quay” độc giả chóng cả mặt bằng cách giới thiệu một lúc bốn nhân vật mà không biết ai là nhân vật chính! Có lẽ học trò Lớp Năm ngày xưa cũng không viết một đoạn văn kỳ lạ đến như vậy. Rất may cho chúng ta là tác giả không viết tiếp: “Hoàng có đứa con gái tên Lisa Nguyễn và bạn nó là Catherin Lê mới vừa thi hoa hậu áo dài và nó có thằng bồ tên Tony.” Ðọc một đoạn văn dẫn nhập như thế chắc độc giả sẽ ngã ra bất tỉnh nhân sự! Thế nhưng khuyết điểm này tôi thường gặp ở khắp mọi nơi nhất là trong thể loại truyện ngắn hiện đang có khuynh hướng phổ biến ở hải ngoại.

Main idea: Ý chính

 Ý chính đây là ý chính của một đoạn văn. Một truyện được nối kết bằng nhiều đoạn văn. Mỗi đoạn văn có một ý chính. Nếu đọc một đoạn văn mà độc giả hoặc nhà phê bình không thể đúc kết được ý chính thì đoạn văn đó trở nên vô giá trị dù tác giả có trổ hết tài văn chương như thế nào đi nữa. Như chúng ta đã biết một tác phẩm hay sau này có thể được viết rút gọn lại để cho phù hợp với nhiều trình độ khác nhau. Nếu các nhà biên soạn không sao hiểu được ý chính của một đoạn văn chắc chắn họ sẽ xếp tác phẩm ấy sang một bên. Sự kết thúc ý chính của một đoạn văn thường được nhận thấy bằng dấu chấm xuống hàng và thụt lui đầu dòng.

Metaphor: Phép ẩn dụ, so sánh gián tiếp hai vật khác nhau nhưng lại có những nét chung.

Thí dụ:

             Sao là những ngọn nến lung linh trên trời.

             Mẹ già như chuối ba hương
             Như sôi nếp một như đường mía lau  (Ca Dao)

             Em là dòng dõi Nàng Tô Thị (Cung Trầm Tưởng)

Mood: Tâm trạng tức trạng thái tâm lý do tác giả tạo ra trong truyện.

Motif: Yếu tố chủ yếu, mấu chốt trong chuyện. Chẳng hạn cô gái kết hôn với hoàng tử  trong các câu truyện thần tiên. Cô gái hóa thành chồn tinh trong truyện Liêu Trai Chí Dị.

Motivation: Ðộng lực, lý do thầm kín

Onomatopoetic: Xử dụng những chữ tượng thanh.

Thí dụ: Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
            Om sòm bên vách bức tranh gà
            Chí cha chí chát khua giày dép
                                              (Trần Tế Xương )

            Tiếng suối chảy róc rách.

            Súng nổ ầm ầm.

            Tiếng pháo nổ đì đùng

            Tiếng trẻ nhỏ nói bí bô.

            Ông Tây xí xô xí xào.

            Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa (Kiều)

            Tiếng lá rơi xào xạc.

            Những chiếc lá khô khốc lăn lông lốc trên đường.

Personification: Nhân cách hóa

Gán cho đồ vật, con vật một ý nghĩ, cảm xúc như  con người.

Thí dụ: Chiếc xe lửa nặng nề, mệt nhọc, thở dài một tiếng rồi dừng lại trên sân ga.
- Từng đợt sóng vỗ bờ rì rào thong thả chạy vào bờ, trào bọt trắng như muốn vỗ về xóm chài nhỏ bé   đang chìm đắm trong giấc ngủ về đêm.        
          -  Giấc mơ đó cứ thì thầm bên gối nàng biết bao đêm như vậy.

Plot: Bố cục

Cách sắp xếp các diễn biến sao cho hợp lý, hấp dẫn.

Point of view: Quan điểm của tác giả.

Pun: Lối chơi chữ

Với mục đích khôi hài, mỉa mai, châm biếm. Điều này có thể thấy rất nhiều trong văn chương bình dân Việt Nam.

Realism: Hiện thực - tức mô tả sự kiện đúng như trong cuộc sống, không lý tưởng hóa, lãng mạn hóa hoặc cường điệu.

Resolusion: Kết cuộc, kết thúc.

Rhyme and Rhythm: Xử dụng vần điệu, nhạc điệu của ngôn ngữ để tạo tính trầm bổng cho bài văn, bài thơ.
Thí dụ: Trong Quê Mẹ của Thanh Tịnh, đoạn văn sau đây rất trầm bổng và đầy nhạc điệu “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức, hoang mang của buổi tựu trường. Buổi mai hôm ấy, buổi mai đầy sương thu và đầy giá lạnh…”
Rising action: Xung đột mỗi lúc mỗi trở nên căng thẳng.

Satire: Tính trào phúng, tính trào lộng.

Setting: Bối cảnh, khung cảnh mà câu truyện xảy ra thường bao gồm thời gian và không gian. Nếu không nói rõ không gian và thời gian, sau này các nhà đạo diễn sẽ vô cùng bối rối nếu tác phẩm được quay thành phim.

Simile: Ví von

Dùng những chữ như: Như thể, giống như, chẳng khác nào.

Thí dụ: Sương như búa bổ mòn gốc liễu. (Cung Oán Ngâm Khúc)
- Nàng vũ nữ có thân hình uyển chuyển như  một con mèo.
- Nó nói dối như cuội.
Stereotype: Rập lại khuôn mẫu có giá trị bất di bất dịch. Thí dụ:

            - Mai cốt cách, tuyết tinh thần. (Kiều)

(Tuyết tượng trưng cho sự trong trắng, Mai tượng trưng cho sự thanh cao)

- Chẳng hạn như bà mẹ ghẻ trong các câu truyện thần tiên (Tấm Cám, Cinderella, Cô Bé  Lọ Lem)

    - Gian ngoan như Tào Tháo

Style: Lối hành văn – chẳng hạn như Hemingway nổi tiếng vì đã dùng  những câu văn ngắn gọn và dễ hiểu.

Supporting details: Những chi tiết, tình tiết để dẫn chứng cho một hình ảnh mà tác giả đưa ra. Chẳng hạn khi tác giả nói hắn là một gã lưu manh thì phải có những chi tiết dẫn chứng xem gã lưu manh như thế nào.

Symbol: Tượng trưng, tiêu biểu

Theme: Chủ đề (tình yêu, chiến tranh, xã hội, tù đày…)

Tone: Văn phong

Văn phong là nét độc đáo của từng tác giả. Có tác giả thích lối văn cầu kỳ, có tác giả thích lối văn châm biếm cay độc hoặc hài hước hoặc lãng mạn, bình dị.

Voice: Tính độc đáo – Không thể tìm thấy nơi tác giả khác. Nếu nhà văn không tạo được tính độc đáo thì tác phẩm của mình sẽ chết trong đám loạn quân.

II- CÁC THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG

Nền văn chương của Tây Phương đã phát triển tới đỉnh cao cho nên hết sức đa dạng và phong phú. Sau đây là một số thể loại văn chương:

-        Truyện Ngụ Ngôn ( Allegory)

-        Tự Truyện (Autobiography) viết về cuộc đời của mình

-        Tiểu Sử ( Biography) viết về cuộc đời của người khác

-        Thơ Trào Phúng (Burlesque)

-        Bình luận (Criticism)

-        Truyện Trinh Thám (Detective Story)

-        Nhật Ký (Diary)

-        Kịch (Drama)

-        Thiên Sử Thi, Thiên Anh Hùng Ca (Epic)

-        Thơ viết dưới dạng thư gửi cho ai (Epistle)

-        Tiểu Luận (Essay)

-        Truyện Cổ Tích (Fable)

-        Truyện Quái Ðản, Hoang Ðường (Fantasy) chẳng hạn trong đó có những con thú, cái máy biết nói tiếng người.  Tây Du Ký thuộc thể loại vừa Dã  Sử , Huyền Thoại (Legend) vừa hoang đường (Fantasy).

-        Tiểu Thuyết (Fiction)

-        Truyện Dân Gian (Folklore)

-        Truyện Ma (Ghost Story)

-        Huyền Thoại, Dã Sử (Legend) truyện thêm thắt dựa vào một nhân vật lịch sử có thật.

-        Truyện Thiếu Nhi (Literature for Children)

-        Bài Hát Ru Con (Nursery Rhyme)

-        Thơ Nhại (Parody) nhại một bài thơ khác

-        Thơ (Poetry)

-        Tiểu Thuyết Diễm Tình (Romance)

-        Trường Thiên Tiểu Thuyết (Saga)

-        Hài Kịch (Satire)

-        Truyện Ngắn (Short Story)

-        Truyện Kinh Dị (Suspense Story) không phải truyện ma, trong đó tạo ra những tình huống kinh hoàng khi con người phải đối đầu với cái chết. Tây Phương phát triển rộng rãi bộ môn này và lan qua kịch kinh dị, phim kinh dị “toát mồ hôi lạnh” như loại phim Hitchkok cuối thập niên 1960. Còn văn chương Việt Nam ít thấy truyện kinh dị, có lẽ do tâm tính, văn hóa và ảnh hưởng tôn giáo chăng?

-       Truyện Phóng Ðại (Tall Tell) như đấm một cái chết con voi, búng một cái chết con cọp, nhảy một cái qua ngọn núi.

II- MỘT SỐ KINH NGHIỆM VIẾT VĂN

Tôi nghĩ rằng bất cứ nhà văn nào sau một thời gian cũng sẽ rút ra được một số kinh nghiệm. Ðối với tôi, giai đoạn từ 1986 tới 1995 là giai đoạn say sưa viết và chưa rút ra kinh nghiệm hoặc chỉ kinh nghiệm chút ít. Dĩ nhiên kinh nghiệm của mỗi nhà văn đều khác nhau nhưng cùng chung một mục đích sao cho tác phẩm hoàn thiện, tránh những khuyết điểm nhỏ nhặt đáng tiếc làm hư tác phẩm.

Thứ nhất: Phải viết bằng cả khối chân tình và rung động. Không ai buộc nhà văn phải trải qua những tình huống đề cập trong truyện bởi không một ai có thể có đủ mọi thứ kinh nghiệm trên cõi đời. Do đó nhà văn có thể tưởng tượng hoặc hư cấu. Nhưng dù hư cấu, tưởng tượng như thế nào đi nữa, nhà văn phải rung động hoặc thích thú với những gì mình viết ra. Bất kỳ một sự làm dáng, cường điệu nào cũng sẽ làm hỏng tác phẩm. Ngoài ra, viết theo mệnh lệnh, viết theo thiên kiến, viết theo thị hiếu của quần chúng, xu thời cũng sẽ hỏng tác phẩm.

Thứ hai: Không có một luật lệ nào buộc nhà văn phải viết thế này, phải viết thế kia. Trong khi viết văn, nhà văn là Ông Trời. Ông ta có thể cho người chết đã ngàn năm, sống dậy và nói chuyện khơi khơi với chúng ta. Ông ta cũng có thể cho một cô công chúa cành vàng lá ngọc lấy một tên vô loại xấu xa. Ông ta có thể cho một bà mệnh phụ lấy ngay người đầy tớ của mình. Nhưng cho dù hư cấu như thế nào đi nữa nhà văn vẫn phải thuyết phục được độc giả chấp nhận câu chuyện mà ông ta bịa đặt, rồi vui buồn, phẫn nộ, thống khoái, kinh hoàng với những gì ông ta viết. Ðó chính là thiên tài của nhà văn làm cho câu truyện sống động, hợp lý.

Thứ ba: Nhà văn không phải đơn thuần diễn tả sự kiện vì tác phẩm còn bao gồm tư tưởng và xúc cảm do chứng kiến, do hồi ức hay do tưởng tượng. Nhà văn có thể dùng ngôn ngữ rất bóng bẩy hoặc lối văn hàm ngụ hoặc ẩn dụ cho nên một đoạn văn có thể tối nghĩa với người này nhưng lại gây thích thú cho người khác. Do đó muốn thưởng thức văn chương cũng cần phải làm quen với văn chương, phải đọc nhiều, phải suy nghĩ nhiều. Người đọc không cần phải từng trải việc đời nhưng cần có đầu óc bén nhậy để hiểu được và cảm được những gì người khác đã trải, đã cảm nghiệm, đã suy nghĩ. Nói vậy không có nghĩa nhà văn muốn viết thế nào thì viết.

Dù dùng nhiều ẩn dụ, dù dùng ngôn ngữ bóng bẩy, dù dùng lối văn hàm ngụ - vẫn có một giới hạn - đó là người đọc phải hiểu nhà văn viết cái gì. Muốn người đọc hiểu mình viết gì, nhà văn phải dùng những câu văn trong sáng. Có điều luẩn quẩn là, muốn tạo một đoạn văn trong sáng chỉ cần tránh một đoạn văn tối nghĩa. Ðoạn văn tối nghĩa là đoạn văn mà người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì. Khi chính nhà văn còn chưa rõ ý nghĩa của câu văn mình viết ra thì nên bỏ câu văn hoặc đoạn văn đó, đừng tiếc. Muốn có một đoạn văn trong sáng thì nhà văn phải dùng chữ cho chính xác. Một đoạn văn dùng chữ không chính xác có khi chưa hẳn là đoạn văn tối nghĩa nhưng khiến người đọc hiểu lầm ý của mình. Sau đây là một vài thí dụ về cách xử dụng chữ cho chính xác:

1.     Dù quen nhau đã lâu mà chàng không dám tâm sự cùng nàng.

2.     Dù quen nhau đã lâu mà chàng không dám ngỏ ý cùng nàng.

Câu 1: Chàng không dám tâm tình với nàng chuyện gì đó.

Câu 2: Chàng không dám nói rằng (ngỏ ý rằng) chàng đã yêu nàng.

3.     Chàng ta hùng hổ tiến tới.

4.     Chàng ta hùng dũng tiến tới.

Câu 3: Chàng ta tiến tới với thái độ gây hấn.

Câu 4: Chàng ta tiến tới với thái độ tự tin.

Nói tóm lại, phải chọn chữ và câu văn thích hợp để trình bày, diễn tả một không khí thống nhất, thích hợp với một tình thế nào đó. Chẳng hạn không thể có một chữ, một câu văn bỡn cợt trong đoạn văn đang mô tả một không khí trang nghiêm - nếu không phải là truyện hài hước. Tôi còn nhớ kỷ niệm “tập làm văn” năm 1955 khi còn học Đệ Thất (Lớp 6 bây giờ). Trong một bài luận văn, để diễn tả nỗi vui của trẻ thơ, học sinh tôi đã dùng danh từ “khoái tỉ “. Sau khi chấm bài xong, giáo sư gọi tôi lên nói “Chữ “khoái tỉ” không được đứng đắn em không nên dùng trong văn chương.” Nghe thầy dạy thế, tôi hiểu ngay. Hai chữ “khóai tỉ” tức vui sướng- là ngôn ngữ đường phố của bọn trẻ con chúng tôi. Trải qua 57 năm tức hơn nửa thế kỷ mà tôi vẫn còn nhớ bài học văn chương quý giá này. Ngoài ra, chúng ta phải chọn chữ thật dịu dàng, dễ thương, thật nhẹ và thật thơ mộng để mô tả buổi gặp gỡ đầu tiên của mối tình đầu. Chúng ta hãy đọc một đoạn văn mô tả một cảnh vượt thác dưới đây để xem khả năng chọn chữ của tác giả: “Chiếc phao nổi chở bốn người chồm lên, nhảy xuống theo dòng nước cuộn chảy. Nước từ trên cao đổ xuống ầm ầm làm cho người ta có cảm tưởng họ đang vật lộn với con thủy quái hung dữ đang vùng vẫy làm bắn tung bọt nước trắng xóa.” (Trích trong Reading Literature của nxb McDougal, Littell)

Thứ tư: Phải tránh những đoạn văn thừa thãi. Ðoạn văn thừa thãi làm sự tập trung của độc giả bị gián đoạn và đôi khi gây phản ứng bực bội. Mỗi câu văn viết ra đều có ý tứ, không ngoài mục đích dẫn dắt độc giả đi tới. Do đọc nhiều, tôi nhận thấy những đoạn văn thừa thãi phát xuất từ tính dễ dãi của người viết hoặc người viết muốn khoe kiến thức của mình. Do có những đoạn văn thừa thãi mà tác phẩm trở nên nhạt nhẽo khiến không hấp dẫn người đọc. Chúng ta nên nhớ rằng một tác phẩm văn chương không phải là một tài liệu phô diễn kiến thức. Muốn tìm hiểu kiến thức người ta sẽ không tìm đến sách văn chương. Khi nhà văn đang mô tả đôi tình nhân trong một quán nhỏ ngồi bên nhau với ly ruợu, má người đàn bà ửng hồng vì men rượu song cũng vì men tình mà tác giả lại chuyển sang bàn về hằng trăm thứ rượu chát (rượu vang) có trên cõi đời này để khoe kiến thức thì đúng là tiểu thuyết kiếm hiệp câu giờ của Kim Dung. Những chi tiết thừa thãi này sẽ làm hỏng tác phẩm. Một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm cô đọng. Cô đọng không có nghĩa là thiếu, nhưng chắc chắn không thừa. Sau hai mươi năm viết văn, giả thử bây giờ cho tôi viết lại tất cả các tác phẩm mà tôi đã xuất bản, thì tất cả những tác phẩm đó chỉ còn lại hai phần ba số trang là cùng. Nói khác đi, mới khởi đầu viết người ta có khuynh hướng viết cho thật nhiều, viết tràng giang đại hải. Nhưng khi đã viết nhiều rồi thì lại muốn viết ngắn, viết cô đọng. Cái khác biệt giữa nhà văn mới vào nghề và nhà văn trưởng thành ở chỗ đó.

Thứ năm: Thời gian và không gian của tác phẩm cần phải nêu rõ và chính xác. Không nên viết về những gì mà mình không chắc chắn. Những gì không chắc chắn nên coi lại các tài liệu lưu trữ. Cách trang phục, ăn nói của mỗi thời đại, mỗi nơi đều khác nhau. Trí nhớ và đầu óc tưởng tượng của con người dù sao cũng có giới hạn. Ngoài ra nhiều hình ảnh cũng đã phai mờ theo thời gian và lầm lẫn niên hiệu, ngày, tháng. Leon Tolstoi khi viết bộ Chiến Tranh và Hoà Bình đã phải đi đến tận nơi quan sát địa thế để viết về những trận đánh. Khi viết truyện ngắn Songkhla Dậy Sóng tôi đã phải mở sách tham khảo để nghiên cứu về Thái Lan, Thị Trấn Songklha cùng một số bờ biển Thái Lan cũng như các tên gọi như Surat, Thom, U Thai, Khamphaeng đều lấy ra từ những tài liệu này. Nhờ đã từng đi qua các nơi như Phan Thiết, Vũng Tàu và một vài bến cảng ở Hoa Kỳ cùng đọc những truyện về cướp biển– chính những kinh nghiệm đó đã giúp tôi tìm ra được những cái tên như Quán Biển Xanh, Quán Giang Hồ, Con Tàu Lươn Biển, Con Tàu Sóng Thần làm cho câu truyện vừa thơ mộng, vừa có tính trinh thám.

Thứ sáu: Nên viết truyện ngay trên máy điện tử. Trước đây ở vào những năm đầu của thập niên 1990 khi máy điện tử đã trở nên cực kỳ phổ thông và giá đã hạ, một số người khuyên tôi nên dùng máy điện tử để viết văn, tôi một mực từ chối. Lý do thứ nhất là viết văn trên máy điện tử đòi hỏi phải học đánh máy là điều tôi ghét thậm vì khó và phải đánh máy cả mười ngón tay. Thứ hai viết văn bằng máy điện tử làm mất cả hứng. Nhà văn với cây bút đã trở thành thói quen cả mấy trăm năm nay rồi. Nay buộc ngồi trước chiếc máy điện tử coi bộ gò bó quá. Nhà văn cần phải lang thang vớ vẩn, có khi phải nằm dài ra để suy nghĩ, có khi phải nhâm nhi cà-phê, phì phèo thuốc lá. Cho nên tôi nhất định không chịu viết văn trên máy điện tử. Thế nhưng do nhu cầu đọc và viết điện thư cho nên dù muốn dù không tôi cũng phải ngồi trước chiếc máy điện tử đánh máy lai rai. Lâu rồi cũng thành thói quen và từ năm 1997 đến nay tôi đã chính thức viết văn bằng máy điện tử mà không thấy trở ngại và cũng chẳng thấy gì gọi là mất hứng. Ðiều này giúp tôi giải quyết một vấn nạn đã làm tôi khổ tâm trong bao năm nay là phải chép lại vài trăm trang của bản thảo – một công tác mà tôi coi như lao động khổ sai.  Dĩ nhiên khi đi xa không thể đem theo máy điện tử, tôi có thói quen đem theo một xấp giấy bỏ trước túi áo. Tưởng tượng ra điều gì hoặc sáng tác được bài thơ nào tôi ghi ra ngay và khi về thì đánh máy lại. Viết văn bằng máy điện tử quen rồi cũng thấy thú vị và trở nên ghiền và nhất là tiết kiệm được vài trăm đô-la nếu sau này chúng ta có ý định xuất bản tác phẩm. Ngoài ra lại còn tránh được tai nạn hỏi – ngã đang là một vấn nạn lớn ở hải ngoại bây giờ. Nếu mình nhờ người ta đáng máy, phần lớn những người đánh máy thuê ăn tiền trình độ học vấn thấp cho nên thường lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã làm cho người đọc hết sức bực mình và làm giảm giá trị của bài văn, bài thơ, và có thể di hại đến nhiều thế hệ sau này nhất là thế hệ trẻ ở hải ngoại không được học cũng như không được dạy Việt Ngữ đúng mức. Vào khoảng Tháng 9, Tháng 11 năm 2001 khi khủng bố tấn công vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York và Hoa Kỳ đã mở cuộc tấn công vào hang ổ của nhóm khủng bố Taliban và từ đó cái tên A Phú Hãn xuất hiện trên mặt báo chí không thiếu một ngày nào. Thế nhưng ở San Jose và Westminster không thiếu gì những tờ báo đã nhiều lần đi những hàng chữ lớn A Phú Hản (dấu hỏi) thay vì A Phú Hãn (dấu ngã). Nếu sai sót này cứ kéo dài mãi thì chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện một thứ “Việt Ngữ “ quái đản ở hải ngoại với Hoàng Xuân Hãn, Trần Nguyên Hãn sẽ biến thành Hoàng Xuân Hản và Trần Nguyên Hản  và những câu thơ trác tuyệt trong Kiều hay Chinh Phụ Ngâm hoặc Cung Oán Ngâm Khúc cũng sẽ lộn tùng phèo như sau:
Dưới cầu nước chãy trong veo
Bên cầu tơ liểu bóng chiều thướt tha (Kiều)
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương (Cung Oán)
Vầng trăng ai xẽ làm đôi
Nữa in gối chiếc nữa soi dặm trường ( Chinh Phụ Ngâm)
Không phải chỉ hải ngoại mới có “thảm họa hỏi-ngã “ mà ngay trong nước cũng vậy. Tình cờ vào một siêu thị tôi thấy trên chai nước chấm sản xuất ở Việt Nam ghi Nước Mắm Pha Sẳn!!! Thay vì phải ghi Nước Mắm Pha Sẵn.

Sau hết, viết văn trên máy điện tử dù tiện lợi song có điều ai cũng phải công nhận là đối với những nhà văn có tài, người đời sau muốn mua lại các bản thảo thì đành chịu thua. Viết văn trên máy điện tử người ta có khuynh hướng sửa chữa ngay cho nên không thể nào có bản thảo - ngoại trừ các tác phẩm viết dở dang đã được lưu trữ vào đĩa và có thể coi đó như bản thảo.

Đào Văn Bình
(Sưu tập và biên soạn)

No comments:

Post a Comment

SƠN TINH & THUỶ TINH, tranh A.C.La

Sơn Tinh và Thủy Tinh (The Mountain Lord vs The Water Lord) Oil on canvas 24x24 inch (61x61 cm) by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh  ** All rights res...