16 July 2012

Dân trí, dân khí, nhân tài

ba yếu tố để nâng cao tư cách độc lập quốc gia

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Theo Đài RFA

Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Việt Nam đăng trên website chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới việc bảo vệ độc lập chủ quyền như một trong các biện pháp của “Chiến lược phát triển nhanh và bền vững”.

Hình: Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt ngay cả trên vùng biển của Việt Nam (RFA file)

Cụ thể, ông khẳng định: “Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước”. Tuy nhiên, có một nhà tư tưởng cận đại từng nói rằng bên cạnh việc giữ vững độc lập, nhiệm vụ nâng cao tư cách độc lập là một điều không kém trọng yếu. Điều này cũng từng được nhà cách mạng Phan Bội Châu nói đến. Quỳnh Chi tường trình về đề tài này như sau.

Giành được quyền tự trị chưa phải đã là độc lập

Không một nhà tư tưởng nào lại có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Nhật Bản thời cận đại hơn nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi hay còn gọi là Phúc Trạch Dụ Cát. Fukuzawa Yukichi sinh năm 1835, mất năm 1901, là nhà cải cách chính trị, xã hội và giáo dục tiên phong từ cuối thời Edo và đầu thời Minh Trị của Nhật Bản. Những tư tưởng của ông đã tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới. Và ông đã cho rằng “giành được quyền tự trị chưa phải đã là độc lập, mà nền độc lập thật sự chỉ có thể thành hiện thực thông qua việc trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh. Nếu không có sự khai sáng và văn minh, nền độc lập giành được sẽ mau chóng mất đi để rồi lại lệ thuộc vào các quốc gia tiên tiến khác”.

Không ai phủ nhận công cuộc đấu tranh giành độc lập chủ quyền quốc gia là một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Thế nhưng ngoài nhiệm vụ giữ vững độc lập, việc nâng cao tư cách độc lập là điều phải được thực hiện. Đây chính là cách để một dân tộc nói rằng họ xứng đáng hưởng nền độc lập và đủ mạnh đề bảo vệ nền độc lập đang có.

Độc lập dân tộc dựa trên nhiều yếu tố, thế nhưng một yếu tố luôn xuyên suốt trong lịch sử hàng ngàn năm dân tộc chính là yếu tố “Nhân” – yếu tố “Con Người”, vì đây chính là xuất phát điểm của ý thức và hành động. Yếu tố con người không thể thiếu sự kết hợp của chí khí toàn dân và người lãnh đạo.
“Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài”

Trong cuộc bút đàm nổi tiếng với cụ Phan Bội Châu tại Yokohama (Nhật Bản) năm 1905, nhà chính trị người Trung Quốc Lương Khải Siêu đã khuyên rằng Phan Bội Châu không nên tìm cách cầu ngoại viện để lấy lại độc lập; mà nên chú trọng việc giáo dục và thức tỉnh nhân dân trong nước trước, khi có thời cơ tốt thì ai nấy đều đã sẵn sàng để làm cuộc nổi dậy vì theo ông Lương Khải Siêu “Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài”.

GS Nguyễn Ngọc Bích, người có nhiều nghiên cứu về lịch sử và nền chính trị Việt Nam, cho rằng ba yếu tố này là một thể thống nhất không thể thiếu trong độc lập dân tộc. Ông nói:

“Phải có tất cả những cái đó thì mình mới đương đầu với những nước lớn mạnh hay những nước có nhiều phương tiện hơn mình như tài chính, học thuật, vũ khí. Nếu chúng ta thiếu những cái như can trường nằm trong “dân khí” hay là thiếu sự thông minh trong “dân trí” để đương đầu với mọi tình huống thì đương nhiên chúng ta sẽ thua thiệt và không thể nào có được sự độc lập cần thiết.”

Dân Trí

Dân trí chính là mối quan hệ không thể tách rời giữa giới lãnh đạo và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nói về yếu tố đầu tiên của ba nhân tố quan trọng này, GS Hà Văn Thịnh, giảng viên ĐH Khoa học Huế cho biết:

“Dân trí là trình độ trí thức, giác ngộ hiểu biết của cả một dân tộc. Tất cả đều có một trình độ hiểu biết nhất định, có tinh thần độc lập cao, tinh thần tự chủ, ý thức dân chủ rộng mở và phổ biến trong toàn thể dân tộc”.

Một quốc gia mà toàn dân có đủ trình độ để hiểu biết và nhìn nhận vấn đề thì thực trạng quốc gia sẽ được phản ánh và nhận thức đúng đắn.

Những tư tưởng của ông Fukuzawa Yukichi về chính trị, kinh tế, xã hội đặc biệt là giáo dục đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của nước Nhật thời cận đại. Trong cuốn “Gakumon no susume” (“Khuyến Học”), ông cũng đã đưa ra tư tưởng rằng “Học để dám nói lên chính kiến và thực hiện đầy đủ bổn phận với đất nước”. Học để có trí. Và người có trí sẽ biết được nên làm gì trong bối cảnh quốc gia và không nghi ngại những hiểu biết của mình.

Dân Khí

Bàn về “Dân khí”, GS Hà Văn Thịnh cho biết thêm:

“Dân khí là ý chí và quyết tâm để thay đổi số phận chẳng hạn như vươn lên thay đổi để trở thành giàu có, trước mắt là đỡ nghèo khổ hơn sau là quyết tâm không phụ thuộc ngoại bang”.

Dân khí chính là sự can trường để đấu tranh cho những suy nghĩ và ước muốn của dân tộc. Người có trí thì muốn biến suy nghĩ của mình thành hành động. Biết được phải làm như thế đã là một điều quan trọng, nhưng có đủ dũng khí để thực sự biến suy nghĩ đó thành hành động lại là một hiểu biết sâu hơn.

Một đất nước mà dân tộc bạc nhược sẽ khó giữ được độc lập của mình. Chính vì thế mà các bô lão tay run giọng yếu trong Hội nghị Diên Hồng lại được các thế hệ sau nhắc đến như một biểu tượng của sự can trường. Chí khí ấy là biểu tượng sức mạnh và tinh thần “thép” của dân tộc.

Có lẽ vì quan niệm rằng tinh thần dân tộc là yếu tố căn bản nên khẩu hiệu của phong trào Duy Tân là “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi, ông cũng luôn đề cao chí khí dân tộc bởi vì theo ông “Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm”.

Nhân tài

Yếu tố cuối cùng là “Nhân tài”. Đây chính là tinh hoa của quốc gia. Họ chính là những người có tài nhìn xa trông rộng, biết định hướng và đưa đất nước vượt qua những cảnh trầm kha.

Hình: Nhà báo cũng đi tù vì viết bài chống tham nhũng hối lộ. AFP

GS Hà Văn Thịnh còn cho rằng trong thời bình thì nhân tài càng cần thiết vì họ chính là người dẫn dắt đất nước đi lên. Ông nói:

“Nhân tài là yếu tố tất nhiên rồi. Tất cả các nước giàu có hiện nay đều bắt nguồn từ nhân tài hết. Phải có những người tài lãnh đạo họ. Phải có những người tài để làm đổi mới về giáo dục và văn hóa thì đất nước mới thay đổi được”.

Đảng trí không bằng Dân trí

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói rằng những nhân vật lãnh đạo Đảng phải tập hợp được những người ưu tú vì nếu “đảng trí” không cao bằng “dân trí”, thì rất dễ xảy ra tình trạng Đảng sẽ dùng quyền hành để lãnh đạo thay vì dùng khả năng thuyết phục và vai trò tiên phong của mình”.

Nhà chính trị Trung Quốc Lương Khải Siêu đã từng khuyên cụ Phan Bội Châu rằng “Qúy quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ lo không có tư cách độc lập”. Đó cũng chính là một lời khuyên hữu lý ngay cả trong thời hiện tại bởi tư cách độc lập của một dân tộc cũng quan trọng không kém sự độc lập mà dân tộc đó có được.

Nước Việt đã dành được độc lập từ tay Trung Quốc và Pháp Quốc, vấn đề còn lại là làm sao nâng cao tư cách độc lập để những gì dành đựơc sẽ mang một ý nghĩa hoàn thiện hơn.

Lời xác định của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về bảo vệ độc lập chủ quyền chỉ là một nhiệm vụ. Trọng trách thứ hai của giới lãnh đạo là làm sao thực hiện được nhiệm vụ đó một cách sâu rộng trong quần chúng, thì quốc gia mới có cơ hội khẳng định nền độc lập dân tộc không qua lời nói mà bằng tư cách gìn giữ độc lập của mình. Và điều đó cũng có nghĩa là việc sánh vai với các nứơc lớn trong khu vực không chỉ còn là lời nói.

(Nguồn: Dân Luận)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...