13 May 2018

Khi đàn trâu dàn hàng ngang

Tùng Lâm

Trên kênh truyền hình “ANIMAL PLANET” thường trình chiếu những hình ảnh về cuộc sống hoang dã “The Wild Life”, đặc biệt là cảnh những con mãnh thú rình rập, rượt đuổi vồ mồi, còn nạn nhân bất hạnh của nó thì bằng mọi cách chống trả hay tẩu thoát khỏi sự truy sát của kẻ săn mồi. Những cảnh đó có thật một trăm phần trăm, không hư cấu, dàn dựng và nhân vật thì sống động vô cùng, từ “trang phục” cho đến diễn xuất. Nó thể hiện một sự thật tàn nhẫn, song cũng đầy chất bi hùng của bản năng sinh tồn. Mặc dù không có kịch bản nhưng những đoạn phim quay cảnh đời sống hoang dã luôn cho ta một cảm xúc mạnh. Nó đánh thức lòng trắc ẩn, sự liên tưởng của người xem, dẫn đến một trí tưởng tượng hay ước muốn đến một kết cục nào đó tùy theo tình cảm và thái độ của mỗi người.

Thông thường tôi rất hay bị mủi lòng thương cho số phận những con mồi yếu đuối bị rượt đuổi, bị xé xác và ăn sống nuốt tươi bởi những con mãnh thú - kẻ săn mồi.

Những thú săn mồi thường là hổ, báo, sư tử, cá sấu, cá mập hay lũ Chó rừng. Đành rằng, những con thú này thậm chí đang có tên trong sách đỏ cần được bảo vệ; nhưng thú thực khi xem cảnh chúng tranh nhau cắn, xé con mồi đang dãy dụa, tuyệt vọng thì tôi thực sự căm ghét lũ “thợ săn” đó và chỉ mong sao con mồi thoát khỏi nanh vuốt của chúng hoặc con ác thú kia bỗng nhiên bị một viên đạn hay bị một con thú khác khoẻ hơn ăn thịt.

Đành rằng, “Chúa” sinh ra muôn loài, loài nào cũng phải tồn tại; và, để tồn thì phải có nguồn thức ăn cho chúng. Biết đâu những con dê con cừu kia chính là món quà Thượng đế giành cho hổ báo hay sư tử để tồn tại? Đấy là quy luật của Đấng tạo hoá; nhưng mỗi khi chứng kiến ta vẫn bị một cảm giác rất lạ về sự đấu tranh sinh tồn đầy nghiệt ngã.

Những cảm xúc từ cuộc sống hoang dã khi được liên tưởng đến đời sống xã hội loài người khiến ta không khỏi giật mình nhận ra rằng: xã hội loài người nếu không được kiểm soát và tổ chức theo một trật tự tương thích với sự phát triển về của cải vật chất sẽ dẫn đến thác loạn, man dại hơn cả cuộc sống hoang dã. Những cá thể có quyền lực không tương thích với mức độ tiến hoá và trình độ nhận thức cần thiết của cá nhân thì sự tàn nhẫn còn man rợ hơn cả loài thú.

Thiếu giáo dục, chậm tiến hoá và mất kiểm soát dẫn đến mất nhân tính thì sự man rợ của con người = sự hoang dã của động vật + mưu mô thủ đoạn của con người. Loại “nửa người nửa ngợm” đó phá hoại và triệt hạ hết thảy môi trường thiên nhiên từ cây cỏ đến muông thú không tiếc tay. Tàn bạo hơn nữa loại “nửa người nửa ngợm” đó triệt hạ và ăn thịt cả đồng loại, điều mà ngay cả với lũ lang sói hoang dã cũng hiếm khi sảy ra.

Xã hội man dại đó là đặc trưng dễ nhận biết nhất của những quốc gia nơi mà nền dân chủ không được thực hiện triệt để, pháp luật không được thượng tôn. Ở đó chỉ có luật rừng và chính quyền bị đặt dưới bàn tay của những kẻ độc tài cai trị quốc gia. Chúng bắt chấp hiến pháp, ngồi trên pháp luật, bỏ qua các công ước quốc tế, sử dụng luật rừng để thống trị và biến xã hội thành một khu rừng hoang dã, biến những người dân lao động hiền lành thành những con cừu, con dê để sai khiến, đuổi bắt, tước đoạt sự sống bất cứ lúc nào. Càng liên tưởng, càng thấy sao mà người dân ở những xứ sở ấy lại nhu nhược thế, lại khờ khạo và dại dột thế. Họ chẳng khác gì những con cừu, con dê đần độn hay con hươu, con nai ngơ ngác sẵn sàng làm mồi cho những kẻ săn mồi.

Có những thước phim quay cảnh đàn linh dương Châu Phi nhiều tới cả triệu con di chuyển trên phạm vi hàng trăm dặm vuông, với khí thế “long trời lở đất” nhưng lại run sợ khi chứng kiến cảnh một vài con trong đàn bị sư tử đuổi bắt, quật đổ rồi xé xác ăn thịt; vậy mà đám linh dương khổng lồ kia chẳng biết làm gì khác ngoài việc chạy thục mạng, phó mặc tính mạng cho sự may rủi. Lúc đó ta tưởng tượng ra một kịch bản khác chẳng hạn, giá như lũ linh dương kia tập trung nhau lại thành một khối lớn lao vào mấy con sư tử thì chắc chắn lũ sư tử phải cao chạy xa bay không còn dám bén mảng đến gần nữa. Nhưng không, sư tử vẫn là sư tử, dê vẫn là dê. Nếu dê mà có trí khôn hơn một chút thì câu chuyện đã khác rồi.

Vậy những con người ở cái xứ sở kia thì sao? Họ có trí khôn đấy chứ, họ có số lượng đông lắm chứ nhưng tại sao họ lại chịu số phận của những con dê, con cừu. Họ bị lùa đi thành đàn, bị xé lẻ, chia rẽ hoặc bị “làm thịt” để mua vui hay làm giàu cho những kẻ thống trị. Biết đến khi nào những “con dê”, “con cừu” ở cái xứ sở ấy mới tỉnh ngộ và nhận ra mình cũng là con người?

Loài vật gần đây hình như cũng bắt đầu có trí khôn thì phải. Có thể do tiến hoá hoặc giả do bản năng tự vệ để sinh tồn mà bỗng chốc nó có phản ứng giống như những con người có suy nghĩ. Đó là câu chuyện về cuộc chiến giữa đàn trâu và bầy sư tử.

Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh một con nghé bị đàn sư tử đuổi bắt. Cả bầy sư tử đói hơn chục con gào thét cắn xé con nghé, ăn sống ngay tại chỗ trước sự chứng kiến của con trâu mẹ. Con trâu mẹ với con mắt đỏ ngầu chạy rất nhanh tưởng nó bỏ trốn. Nhưng không, chỉ sau vài phút cùng với con trâu mẹ, cả một đàn trâu rừng gần trăm con xuất hiện, lồng lộn lao vào bầy sư tử. Lúc đầu không ai nghĩ là tình thế lại xoay chuyển nhanh như thế. Ngay cả lũ sư tử cũng bị bất ngờ. Những con trâu đầu đàn nặng cỡ trên một tấn điên khùng như mất hết cả sự sợ hãi, dũng mãnh nghiêng cặp sừng dữ tợn lao thẳng vào đàn sư tử khiến lũ hổ phải bỏ chạy thục mạng. Chưa dừng lại, đàn trâu chia nhau thành từng nhóm, truy đuổi từng con hổ một, cho đến khi lũ hổ chạy mất hút không còn bóng con nào nữa. Có con bị húc lòi ruột văng xuống sông, có con bị húc tung lên, rơi xuống như tung hứng. Thật mãn nhãn khi đuợc xem những thước phim quý giá đó. Một cuộc chiến đầy bản năng và mang đậm nét sử thi hùng tráng. Cuộc truy đuổi đã thể hiện sự nổi giận của đàn trâu có tổ chức, mang một sắc thái của sự vùng lên rất rõ ràng. (Câu chuyện đó có phần nào giống với hành động của gia đình ông Đoàn văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng Việt Nam hồi đầu năm nay).

Hành động nổi xung của đàn trâu chứng tỏ nếu trâu biết đoàn kết, biết tập trung sức mạnh thì mười mấy con sư tử đói kia cũng chẳng là gì. Một khi sự tàn nhẫn đến mức tận cùng thì nỗi giận dữ do bị chà đạp sẽ lên đến tột đỉnh. Và kết cục những kẻ gây gió bao giờ cũng phải gặp bão!

Hình ảnh những con trâu hiền lành như đất còn biết điên cuồng chống lại bầy hổ đói hung giữ đã gợi cho con người một triết lý gì? Phải chăng hàng chục triệu người ở cái xứ sở man dại kia không bằng những con trâu, họ phải khuất phục và chịu sự áp đặt của những tên vô lại tham lam, tàn bạo? Sự nhẫn nại cũng có giới hạn. Nhẫn nại là một phẩm chất cần thiết, nhưng đừng nhẫn nại đến mức hèn nhát. Ai đó đã nói “cái giá phải trả cho những người lương thiện hèn nhát là sẽ bị những kẻ tàn bạo thống trị”.

Có lẽ những thước phim về đàn trâu nổi giận của nhà quay phim người Mỹ tại một thảo nguyên ở Kenya còn bao hàm một ý nghĩa gì khác chăng?

Hà Nội 29.08.2012
Tùng Lâm 
Nguồn (link): Dân Luận

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...