12 May 2018

Tại Sao Luận Cứ “Khoa Học” của Vô Thần Thất Bại

(Chương 15 trong cuốn  Why Science Does Not Disprove God của Amir D. Aczel)

SĐ-NTC chuyển ngữ

Nhà toán học nhiều công trình người Thụy sĩ Leonard Euler vào thế kỷ thứ mười tám, một trong số những nhà toán học lớn lao nhất của mọi thời đại, cũng là một con người có tính cách tôn giáo sâu đậm.

Ông là hội viên Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia ở Saint Petersburg, Nga. Một ngày kia nhà vô thần nổi tiếng người Pháp Denis Diderot đến thăm viện hàn lâm, hình như với nhiệm vụ cải giáo những hội viên của viện thành vô thần. Euler đã nghe nói về vị khách, và ông tin là Diderot không biết gì về toán học. Vì thế ông đã làm Diderot kinh ngạc trong một cuộc tranh luận công cộng bằng yêu cầu, “ Thưa Ngài, a cộng b lũy thừa tới thứ n chia cho n bằng x; vì vậy, Thượng Đế hiện hữu! Xin hãy trả lời!” Diderot, chẳng hiểu gì cả, không sao mở miệng được. Cả phòng cười ồ; Diderot bị hạ nhục đã rút lui và hôm sau khăn gói về lại Pháp.

Câu chuyện này có thể là biạ đặt, nhưng những gì mà những nhà Vô Thần Mới đang làm ngày nay chẳng khác gì chuyện xưa. Không có lấy một bằng chứng mong manh về phiá họ, họ tuyên bố: “Khoa Học chứng minh là không có Thượng Đế! Hãy trả lời đi!”- và công chúng rất bối rối, khó mà trèo vào những tình tiết tế nhị và những chi tiết kỹ thuật của khoa học, và vì vậy dễ bị tấn công bởi những phát biểu quá tự tin của những kẻ Vô Thần Mới.

Như chúng ta đã từng thấy qua thảo luận của chúng ta về toán học, vật lý học, vũ trụ học, sinh học, di truyền học, khoa học về nhận thức và não bộ, và sự tiến hoá, khoa học có những giới hạn khắt khe khi tiến tới việc xác định sự hiện hữu của Thượng Đế ( Thiên Chúa,…). Về phương diện toán học, người ta đã dứt khoát chứng minh rằng luôn luôn có những dữ kiện ngay trong bất cứ một cấu trúc toán học nào nằm mãi mãi ngoài tầm hiểu của chúng ta, ngoài hiểu biết của chúng ta, ngoài tầm với của chúng ta.

Trong vật lý học và vũ trụ học, bất kể mọi nỗ lực của chúng ta nhằm giải thích những hằng số của thiên nhiên bằng cách sử dụng đủ kiểu lý thuyết, chúng ta cũng không thể giải thích ngay cả về mặt khái niệm những đặc tính đơn giản (simple properties) của những hằng số vật lý cần cho đời sống đã xảy ra trong vũ trụ. Đây là thất bại lớn lao của khoa học, bởi vì khi xây dựng những mô hình vũ trụ, hy vọng vẫn luôn là những mô hình này sẽ dẫn tới một hiểu biết dưới dạng những tiên liệu về những trị số của những thông số của lý thuyết. Những lý thuyết vật lý của chúng ta đã hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ này. Một vài trị số trong cơ học lượng tử , trong lý thuyết trường lượng tử (quantum field theory), và thuyết tương đối đã được tiên liệu, nhưng phần lớn những đặc tính vật lý then chốt về thiên nhiên – khối lượng của những hạt cơ bản tạo thành vũ trụ và sức mạnh của những tương tác giữa bốn lực của vũ trụ vật lý – nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Tại sao hằng số ‘không gian’ tuyệt đẹp (fine structure constant) – điều hợp mọi tương tác điện từ trong vũ trụ – lại bằng khoảng 1/137? Chưa ai lần ra đầu mối. Và như chúng tôi ghi chú đi, ghi chú lại nhiều lần trong sách này, đối với những hằng số khác của thiên nhiên thì sự thật vẫn vậy.


Trước những giới hạn như vậy, các nhà vật lý học, và vũ trụ học buộc phải lùi bước trong mục tiêu đạt một hiểu biết đầy đủ về thiên nhiên, và thay vào đó một vài người đã chọn giải thích không khoa học mà cũng chẳng hấp dẫn: nguyên tắc cho rằng vũ trụ được hình thành để con người có thể tồn tại được (anthropic principle). Lối lẩn trốn lý thuyết này thật là việc giơ tay lên trời và nói :” Ừ, nếu những hằng số của thiên nhiên đã không như chúng là (như ta biết), có lẽ chúng ta đã không có mặt nơi này.” Dĩ nhiên làm như thế khiến phần lớn những nhà khoa học rất bất bình. Einstein có lẽ phải cau mày về nguyên tắc này vì mục đích của đời ông là gỡ ra từng miếng những luật của thiên nhiên và đạt được những lý thuyết giải thích tại sao những hằng số lại là những hằng-số-đã-là căn cứ vào những lý thuyết tự thân của chúng ( based on the theories themselves), và dùng những lý thuyết này để tiên liệu những hằng số này phải là những gì mà chúng phải là (and to use the theories to predict what these constants should be.) Thay vì như thế, chúng ta đã bị bỏ rơi bằng một trống rỗng thất vọng.

Do vậy, chúng ta đã thấy là, chúng ta thiếu một hiểu biết sâu xa về những vận hành của vũ trụ. Có những điều chúng ta biết, và khoa học quả là đã đem đến cho chúng ta những sự thật lớn. Nhưng chúng ta không biết điều chi đã tạo nên Big Bang. Chúng ta không biết bằng cách nào những phân tử của sự sống đã đầu tiên xuất hiện trên bề mặt của trái đất chúng ta. Chúng ta không biết những tế bào tiến triển hơn của sự sống đã xuất hiện ra sao, và những thành tố dinh dưỡng (ingredients) cần thiết cho sự tiến hoá của những bộ phận phức tạp như của chúng ta. Và chúng ta cũng không biết những nguồn gốc của trí khôn, của tự ý thức, của suy tư, và lương tâm. Chúng ta thiếu hiểu biết căn bản về điều quan trọng nhất và những huyền nhiệm dai dẳng của sáng tạo.

Và ngay cả nếu chúng ta có thể nhận được mọi hiểu biết về vũ trụ, chúng ta không thể vượt trên nó – nhìn thấy đằng sau những cấu trúc mà khoa học đã phô bày ra, để chúng ta có thể xác định vũ trụ đã được “làm thành” như thế nào. Những giới hạn nội tại ngay trong bản chất của khoa học và hiểu biết (kiến thức) khiến thật khó lòng cho chúng ta có thể có thể giải quyết vấn đề Thượng Đế. Bất luận thế nào, chúng ta vẫn chưa giải đáp được. Và với đủ mọi quyền năng lẫn phức tạp và chiều sâu của khoa học hiện đại, về mặt khoa học chúng ta chưa gạt bỏ được giả thiết về hình thức sáng tạo nào đó của sự sáng tạo từ bên ngoài.

Chúng ta không biết bằng cách nào và tại sao vũ trụ của chúng ta đã được tạo thành 13.7 tỉ năm về trước, và có lẽ mãi mãi ta cũng không biết được. Chỉ trong một ‘sát-na’ ( a tiny fraction of a second) sau đó, một sự cân đối nguyên thủy, huyền bí, khó hiểu đột ngột bùng phát qua vận động của một trường kín nhiệm (hidden field) được gọi là trường Higgs (Higgs field), và khối lượng được tạo ra – cần thiết để tạo dựng vũ trụ.

Siêu lực thoát ra từ Big Bang tuần tự tách ra thành bốn lực riêng biệt mà ta thấy trong vũ trụ ngày nay: trọng lực, lực điện từ, lực hạt nhân yếu, và lực hạt nhân mạnh. Những tầm trọng đại của những lực này hình như được thiết kế hoàn hảo cho những gì xảy ra sau đó. Khi vũ trụ dãn nở, nó chịu một pha (phase) cực lớn gọi là trương phình. Qua dãn nở và những pha tiếp theo, một vài diễn trình trọng yếu xảy ra. Một trong những diễn trình này là những hạt cơ bản được tạo thành trong Big Bang – và với những đặc tính khác được thiết kế chính xác cho nó xảy ra – mang những dạng mới. Trong “nồi xúp quác” (the “quark soup”) của các phân tử kết quả từ sự sáng tạo ra khối lượng trong vũ trụ, những ‘quác’ đã tụ lại với nhau một cách huyền diệu thành ba để lập thành protons và neutrons. Những protons và neutrons này lại hợp nhau thành những nhóm nhỏ gọi là nhân (nuclei), gắn kết với nhau bằng lực hạt nhân mạnh, dẫn tới việc tạo thành các nguyên tử, từng là electrons, với điện tích âm nhưng ngang bằng trị số điện tích của protons, đã bắt đầu xoay quanh nhân qua tác động của lực điện từ. Hydrogen, với số lượng cực lớn, và một số helium, với một ít lithium đã ngay lập tức được tạo thành.

Rồi trọng lực trùm phủ lên tất cả và những thành phần này tụ lại với nhau tạo nên những thiên hà và những ngôi sao sớm nhất, và khi những ngôi sao trở nên đủ đậm đặc chúng bốc cháy thành lửa hạt nhân, với hỗ trợ bằng hoạt động của lực hạt nhân yếu. Những ngôi sao tạo ra những thành tố nặng hơn qua tiến trình nóng chảy. Khi những vì sao đã sống trọn cuộc sống, vài ngôi sao chết đi bằng cách phóng ra những bầu khí giàu các nguyên tố (element-rich atmospheres) vào không gian, trong khi những vì sao khác nổ tan thành những sao băng (supernovas), phóng thích những nguyên tố nặng hơn vào vũ trụ. Những nguyên tố hoá học bên trong các vì sao trở thành những khối tảng căn bản của sự sống. Xuyên suốt quá trình, hằng số vũ trụ kiểm soát kiểm soát sự bành trướng của vũ trụ sao cho nó không xụp đổ hoặc bùng nổ trước khi cuộc sống ít nhất có thể tiến triển trên một hành tinh. Mặt trời của chúng ta là một ngôi sao thuộc thế hệ sau, và cái vòng điã tạo thành quanh nó bởi sức hút hỗ tương của bụi vũ trụ trong hệ mặt trời đã tạo thành Trái Đất và những hành tinh khác, như là chất liệu (matter) từ khí hy-đrô (hydrogen) và các nguyên tố nặng hơn tạo ra bởi những vì sao hợp lại 4.5 tỉ năm trước. Hành tinh của chúng ta như vậy gồm những nguyên tố cần để đem lại sự sống: chất than (carbon), thép, ni-tơ, ốc-xi, và còn nữa.
(còn tiếp)

Cấu hình (configuration) cực kỳ phức tạp của những lực, khối lượng, tỉ lệ, điện tích, và tất cả những chi tiết kỹ thuật bằng số (numerical specifications) của vũ trụ đã được xác định tới mức chính xác đáng kinh ngạc khiến giả thiết là nó đã xảy ra “ngẫu nhiên” hoặc do nguyên lý phục vụ con người đều như là vô ích. Có thể có một sức mạnh sáng tạo lớn lao nào đó đã đặt để những thông số cho sự sinh tồn của chúng ta thật đúng với những tiêu chuẩn đòi hỏi để sự sống có thể tiến hoá được. Chỉ một mình ngẫu nhiên không thôi thì không thể nào nó đóng được vai trò nào, vì, như đã ghi nhận trước đây, xác suất nghịch lại một vũ trụ có sự sống và trí tuệ hẳn là 1 tiếp theo là số 10 với lũy thừa 177 số không ( mà điều này mới là những đòi hỏi chỉ cho một thông số!) – Xác suất cao một cách đáng ngạc nhiên chống lại sự sinh tồn của chúng ta khiến ngay cả nói về xác suất và ngẫu nhiên trong bối cảnh này là phù phiếm.

Trái đất, một khi hình thành, đã trải qua những biến đổi khí hậu và điạ chất và ở một điểm nào đó, trải qua một huyền bí mà chúng ta không giải quyết được, những dạng thức đời sống xuất hiện, gồm tảo và những sinh thể khác. Chúng tự quang hợp, và biến bầu khí các-bon đi-ô-xít (carbon dioxide)và giàu khí ni-tơ (nitrogen-rich) thành bầu khí có lượng ốc-xi đáng kể. Lại nữa do những tiến trình ta không biết hoặc chưa hiểu tường tận, đời sống loài thú đã xuất hiện trên Trái đất, và qua tiến hoá đã dẫn tới sự xuất hiện của những sinh thể ngày càng cao cấp hơn.

Sau nhiều triệu năm tiến hoá, ý thức con người xuất hiện và một chủng loại có thể suy nghĩ bằng ký hiệu và luận lý (symbolically and logically) xuất hiện, đã có thể sáng tạo ra nghệ thuật, khoa học và toán học, cùng văn chương và ngôn ngữ. Khoa học chưa hiểu được sự xuất hiện của ý thức và ngôn ngữ, trí khôn cũng như suy tư bằng ký hiệu và chúng ta đến giờ chưa có được giải thích thoả đáng phép lạ này đã xảy ra cách nào. Xác suất chống lại những diễn trình sinh học trước hết đã tạo nên đời sống, thiết lập những tế bào chứa đựng mã di truyền DNA qua dạng nhiễm sắc thể trong một nhân phân biệt rõ ràng làm thành những sinh thể phát triển, dẫn tới trí thông minh và ý thức là cao vô cùng tận. Thuyết tiến hoá có thể kể cho chúng ta những loài thú và các chủng loại đã chuyển động như thế nào qua thời gian – các loài thụ tạo đã tiến trên nấc thang ra sao – nhưng nó không hề giải thích sự xuất hiện rất không chắc xuất hiện được của đời sống, trí thông minh, và lương tâm. Những huyền bí này vẫn chưa được giải quyết.

Xác suất nghịch về một vũ trụ như ta có là lớn vô cùng, và xác suất tương ứng cũng như thế về sự xuất hiện của đời sống và trí tuệ. Những gì thấy quanh ta không gì khác hơn là một loạt những biến cố (events) cực kỳ khó xảy ra mà ta chỉ có thể giải thích là “phép lạ.” – phép lạ của vũ trụ, của thế giới, đời sống, trí tuệ, và những con người nhìn ngắm những bí ẩn của sáng tạo (tạo hoá). Hiểu một cách nào đó thì với sự xuất hiện của những hữu thể có ý thức trên hành tinh xoay chung quanh một ngôi sao trung bình màu vàng ở vùng rià của một thiên hà xoắn ốc, trong số hàng tỉ, chúng ta gọi là Ngân Hà (Milky Way, trong khoảng không gian vô tận, bao quanh bởi những thiên hà khác mà ta chưa từng khám phá thấy dầu hiệu của sự sống hay của trí tuệ, thì toàn thế vũ trụ mà chúng ta là thành phần đã đạt được một tự thức (self-awareness) và một ý thức ( a consciousness).

Trong khoa học ta không có được những giải thích tốt cho mọi sự. mọi việc. Khoa học chỉ là học về thế giới, và đúng là chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn lao trong việc hiểu thiên nhiên. Nhiều ngộ nhận (hiểu sai) do việc diễn giải Kinh Thánh đã bị khoa học vạch trần: tuổi ‘trẻ’ của Quả đất, ‘nó’ là trung tâm của vũ trụ, và Thiên Chúa (Thượng Đế) sáng tạo trực tiếp các chủng loại hơn là chúng đã tiến hoá từ những sinh thể kém phát triển hơn. Và chúng ta cũng biết rằng mặt trời không dừng chuyển động biểu kiến của nó trên bầu trời vì bất kỳ lý do nào, và trái đất quay quanh nó. Nhưng liệu có phải những dữ kiện này hàm nghiã là Thiên Chúa không hiện hữu? Chắc chắn là không.

Những Kẻ Vô Thần Mới ưa nêu ra câu hỏi: “Nếu Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ, ai đã tạo ra Thiên Chúa?” Hỏi câu này (nghe) cũng được lắm, nhưng chúng ta hiển nhiên không biết câu trả lời. Và chính vì câu hỏi không thể trả lời được không có nghiã là bằng cách hỏi câu hỏi ấy họ chứng tỏ cách nào đó Thượng Đế không hiện hữu. Nó chỉ đơn giản cho thấy là sự hiện hữu của Thượng Đế và điều gì, nếu như có điều gì đó, “dã tạo ra Thượng Đế ” nằm ngoài vòng những câu hỏi khoa học và toán học có thể trả lời.

Chúng ta không hiểu đầy đủ không gian được tạo thành bởi những gì, những gì là những nguyên tố trong không gian vật lý, và chúng gắn kết với nhau như thế nào. Chúng ta không biết mức độ của vô cùng tận (infinity) của đường thẳng thật và liệu đường thẳng toán học có những đặc diểm của không gian vật lý. Chúng ta không biết không gian và thời gian được tạo ra sao. Chúng ta không biết thật ra thời gian là gì. Chúng ta không biết điều gì đã gây nên Big Bang. Và chúng ta không biết ai hoặc điều gì đã tạo ra Thượng Đế. Điều mà chúng ta biết là vũ trụ không tự đến từ trống rỗng: phải có cái gì đó trước Big Bang, và rằng “điều gì đó” mà khoa học không thể chạm tới được và có thể là vẫn thế mãi mãi. Chúng ta biết bằng một vài động lực (mechanisms) huyển bí, tất cả những hằng số của thiên nhiên đều chính xác đúng như chúng cần để đời sống xuất hiện, và những giả thuyết về kiểm soát siêu phàm tác động tới những điều kiện có thể xảy ra một cách không tưởng tượng được thì không gì hơn là sự hiện hữu của Thượng Đế.

Sự xuất hiện của những phân tử của đời sống cũng thế – những vòng xoắn mang mã di truyền DNA phát tán các hệ thống sống trên Quả Đất – và những tế bào phức tạp của những sinh thế (living organisms) hiện hữu trên hành tinh này; và sự tiến hoá của những thể dạng sống đẹp; và cuối cùng là sự xuất hiện của những sinh vật thụ tạo thông minh, biết suy tưởng, có ý thức đã cho vũ trụ tự-thức của nó. Những Kẻ Vô Thần Mới đã không trình bày cho chúng ta bằng cách nào tất cả những biến cố huyền diệu trong lịch sử của vũ trụ này đã xảy ra và bằng cách nào chúng có thể xuất hiện và đến với nhau một cách hoàn hảo mà không cần đến một lực hướng dẫn bên ngoài.

Như chúng ta đã thấy, về mặt toán học một vài sự thật nằm ngoài tầm với của bộ óc con người, dù là bộ óc ấy có những khả năng rất lớn. Như toán học thuần túy đã cho chúng ta thấy, một vài mệnh đề không thể chứng minh hoặc phản chứng được trong một hệ thống cho sẵn ( a given system) đòi hỏi cách lấy từ “bên ngoài hộp chứa” để có thể có được nguồn tin về chúng, có thể dẫn tới một chứng cứ hoặc một phản chứng về bất cứ khẳng định nào. Tính bất khả nội tại của chúng ta trong việc thâm nhập vào quá khứ vũ trụ tới mức có thể đưa chúng ta trở lại Big Bang hoặc bất cứ điều gì tạo ra Big Bang có lẽ là chướng ngại chính trên con đường tìm hiểu chúng ta từ đâu tới, chúng ta đang đi về đâu, và ai hay điều gì đã tạo nên chúng ta. Trong bất cứ hệ thống thuần lý nào đều có những khẳng định không xác chứng được, và câu hỏi về Thiên Chúa có lẽ là một trong những điều không biết này – miên viễn ngoài tầm với của chúng ta.

Nếu một ngày nào đó chúng ta gặp được những thành viên của những nền văn minh không-phải-là-người, hoặc do tiếp xúc trực tiếp hoặc do một dạng nào đó của truyền tin vô tuyến, và có thể đánh giá mức độ tiến bộ của họ so với chúng ta, và biết được những hệ thống tin tưởng và nền tảng kiến thức của họ, khi ấy chúng ta có thể biết thêm nữa. Nhưng ngay cả khi có chuyện như thế, trở lại Big Bang nằm ngoài tầm với của bất kỳ nền văn minh nào, và vì vậy dầu có một biến cố đặc biết như thế và chúng ta biết về những sinh vật thụ tạo khác trong vũ trụ, chúng ta vẫn không biết gì về huyền bí sáng tạo.

Tuyến tấn công cuối cùng của Richard Dawkins chống tôn giáo là biện luận cho rằng tuyệt đại đa số những nhà khoa học là những người không có tôn giáo. Loại tuyên bố này là lừa bịp. Nhiều người có suy nghĩ độc lập và nhiều trí thức không thích những quy định (kiểu thầy thuốc cho toa) và những nghi thức của các tôn giáo có tổ chức. Và đúng, những tôn giáo là những định chế ràng-buộc-vào-truyền-thống (tradition-bound) thường có khuynh hướng chống lại những thay đổi – cả về mặt xã hội lẫn khoa học. Nhưng điều này không có nghiã là nhiều nhà khoa học không nhìn vào thiên nhiên và xa hơn nữa một sức mạnh mà chúng ta không biết và không thể biết được; sức mạnh ấy có thể tạo cảm nhận ta là bé mọn, kinh sợ cũng như hiểu rằng chúng ta không thông hiểu mọi sự, và có thể là không bao giờ biết được một vài sự thật về vũ trụ.

Năm 2009 tôi qua Jerusalem để phỏng vấn một trong những nhà vũ trụ học lớn lao nhất ngày nay: Jacob Bekeinstein của trường Đại Học Hebrew. Vào những năm 1970, khi còn là sinh viên của nhà vật lý nổi tiếng John Wheeler của Princeton, chính Bekeinstein là người đầu tiên thực hiện việc tính độ trương phình của một lỗ đen, cho thấy là những lỗ đen có nhiệt độ không bằng không ( nonzero temperature).

Stephen Hawking đã chế nhạo phát kiến đó, và Bekeinstein thấy mình là tâm điểm của mọi chế nhạo. Nhưng ông đã chứng minh được là đúng, bằng toán học, và sau này Hawking đã quay ngược trở lại thực hiện phép tính tương tự, lập lại phát hiện của Bekeinstein. Kết quả ngày nay gọi là định luật phóng xạ Bekeinstein-Hawking cho các lỗ đen.

Bekeinstein là một tín đồ tôn giáo chân thành, một người tuân theo lối sống của Chính thống Do thái hiện đại. Ông tuyệt đối không thấy mâu thuẫn nào giữa niêm tin tôn giáo của ông và công việc ông làm trong những biên giới của khoa học nhằm theo đuổi những định luật tối hậu của vũ trụ. Như thế cũng có những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới ngày nay là những tín đồ của các tôn giáo.

Trong sách này, tôi đã không chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa dưới bất kỳ hình, dạng nào, và hiển nhiên đây không phải là mục đích của tôi. Điều tôi nhằm tới là tranh luận – một cách thuyết phục, tôi hy vọng như thế – rằng khoa học không phản bác sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì chúng ta không biết Thiên Chúa là gì và không có cách nào nhận thức được quyền năng vô hạn, không gian vô hạn, thời gian vô tận, trí khôn ngoan vô cùng tận, tình yêu vô cùng, và những khái niệm sâu xa khác chúng ta có thể kết vào với Thiên Chúa, nó ngoài tầm có thể của chúng ta về hy vọng trả lời những câu hỏi như vậy. Thượng Đế (Thiên Chúa) của những diễn giải bằng chữ của Kinh Thánh viết cho những dân sơ khai hàng ngàn năm trước chắc chắn không hiện hữu. Và những tôn giáo đều có những vết rạn, như mọi định chế của con người.

Nhưng Thiên Chúa (Thượng Đế)– một quyền năng ngoài tầm hiểu của chúng ta, siêu việt trong sáng tạo ra vũ trụ mà chúng ta thấy quanh chúng ta – có thể hiện hữu đấy, và khoa học đã không phản bác, và sẽ không bao giờ phản bác được.

Bằng nhiều cách, cùng một thôi thúc tìm biết thế giới và vị thế của chúng ta trong đó đã nằm trong cội nguồn của cả khoa học lẫn tâm linh. Cả hai đều có những toan tính soi sáng những huyền bí của thế giới chúng ta và đưa tầm nhìn của chúng ta tới một toàn thể rộng lớn hơn. Là biểu đồ lịch sử khoa học tôi hy vọng những trang này cho thấy khoa học thật sự sống động và tuyệt vời nhường nào. Suốt lịch sử , khám phá khoa học đã đưa chúng ta đến gần những kỳ diệu của đời sống và vũ trụ – và làm sâu sắc vô bờ cảm nhận về sáng tạo. Nó hứa hẹn với thế giới và gợi hứng phần tốt lành nhất trong chúng ta. Nhưng việc theo đuổi sự thật không nên vì tị hiềm. Cũng không nên quá trớn mà nói với giọng kẻ cả nơi không có gì là chắc chắn cả. Như thế không phải là khoa học.

Nguồn: Blog Sầu Đông

No comments:

Post a Comment