02 May 2018

NHỮNG CON BÒ ĐEN, truyện ngắn

                   Tuổi già hạt lệ như sương...

Lê Minh Văn

Đá Của Hải Âu, tranh A.C.La
Bải biển về chiều vắng vẻ. Những người đến đây nghỉ hè đã về thành phố với cuộc sống thường nhật của họ. Trong bóng chiều của biển vắng, thấp thoáng hình dáng vài ba cặp vợ chồng già thong thả dạo chơi trên bờ đập đúc bằng xi măng chạy cặp dài theo bờ biển.

Vài con chim hải âu lượn lờ một cách uể oải với những cơn gió đã mang hơi lạnh về. Chúng kêu quang quác, rồi sà cánh xuống con đê cắt sóng, quây quần lại như để cố sưởi ấm cho nhau.

Một người đàn ông Á châu tuổi khoảng thất tuần ngồi bất động trên băng ghế gổ có lẽ đã từ lâu lắm. Trang sách dở ơ hờ trên hai đầu gối, ông ta lơ đãng nhìn đàn chim biển, nhìn khách lên xuống, nhìn thành phố cảng Le Havre với tàu bè và những silos dầu lửa thoáng hiện xa xa trong góc biển mù. Nhìn chán ông nhấc tay lên sửa lại gọng kính lão, rồi lại cúi xuống đọc tiếp.

Những người già dạo biển hôm nay cũng là những người hôm qua, hôm kia. Hình như rất ít khi có thêm một khuôn mặt mới. Chừng ấy người tập hợp lại thành một cộng đồng thường trú của nhúm người già và hưu trí đã chọn thành phố biển nhỏ, yên ắng cho những ngày cuối đời. Thế giới của họ hình như không có biến cố và những đổi dời quan trọng. Nghỉ ngơi và dạo chơi với không khí trong lành, lấy biển làm bạn. Sau mùa hè náo nhiệt, khi những người vacanciers từ xa đến xếp lại hành trang trở về hết với những sinh hoạt thường nhật của họ thì những người già hưu trí miên viễn ở Villers-sur-Mer cũng tìm lại được thế giới yên tĩnh, riêng biệt của mình.

Một cặp vợ chồng già đang dìu nhau đi về phía Falaise. Người đàn ông phốp pháp đường bệ đang chống đỡ tuổi già hơn tám chục của mình trên cây gậy gỗ, bước đi khập khễnh, dè dặt từng động tác.

Người đàn bà nhỏ thó trẻ hơn ông chồng chừng mươi tuổi, nhưng dáng đi còn có vẻ chững chạc, đang cặp nách đỡ những bước đi khó nhọc của ông chồng. Hình như ngày nào họ cũng ra biển tập đi cho đầu gối thấp khớp của ông khỏi chai cứng lại. Ở mỗi bước đi, khuôn mặt ông già nhăn nhó, có vẻ đau đớn. Nhưng đó là những cố gắng tự nguyện và bắt buộc. Với tuổi già, nếu không tự mình di chuyển đi đứng được thì bệnh bại liệt sẽ biến họ thành phế nhân và cái chết sẽ tiếp đến không lâu sau đó.

Ngang qua người đàn ông Á châu, vợ chồng ông Tây già bước chậm lại, nở nụ cười chào, thân thiện hỏi thăm sức khỏe như thường ngày.


Cuộc sống khép kín trong khung biển này cần một liên hệ tình người. Vài câu trao đổi đơn sơ giữa những người dạo biển, dù quen thân hay xa lạ cũng cần và  đủ để nối lại một chút thân tình của những người tụ hội lại đây trong những hoàn cảnh khác biệt nhau.

Ông già Á châu nhìn theo hai vợ chồng già, khẽ thở dài. Không biết ông thương hại cho bà vợ nhỏ thó phải cáng đáng dìu đỡ tấm thân phốp pháp nặng nhọc của ông chồng già, hay ông già Á châu nhỏ con cám cảnh cô đơn của mình?

Rồi ông mỉm cười vu vơ, đôi mắt như lạc thần cúi đầu xuống chú mục trên những trang sách vẫn mở ra ơ hờ trên hai đầu gối. Nhưng hình như ông chẳng đọc được bao nhiêu. Đôi mắt ông rõ ràng thiếu tập trung, lơ đãng và thỉnh thoảng ngưng đọng. Chúng hiện rõ những trống vắng, bất động, bơ thờ. Trong cõi thầm lặng riêng tư, ông cố thu nhỏ mình lại, khép nép bất động. Như thể ông muốn để cho đời lãng quên ông.

Ông làm quen với vùng Villers-sur-Mer này cũng đã gần ba năm, nhưng dọn về định cư hẳn mới chỉ đầy năm.

Đời sống của Quyên, con gái ông và chồng nó vô cùng bận rộn, ít có thì giờ về biển nghỉ ngơi nên căn nhà ở Villers-sur-Mer càng trống vắng. Chúng khuyên ông trả căn nhà mướn ở ngoại ô Paris, dọn hẳn về biển. Ông vui vẻ nhận lời, vì biển hợp với tâm tình cô độc của ông hơn. Từ nhỏ ông vẫn thích biển và mơ được sống trước biển. Cái không gian thoáng rộng, khoảng khoát và trong lành của biển cả mở ra trước mặt ông một thế giới phẳng lặng bao la. Dù trong giông bão, biển có thét gào thì những đợt sóng cuồng nộ của nó cuối cùng cũng sẽ lặng lẽ vỡ tan trên những bãi vắng. Rốt lại chúng cũng sẽ trở thành những bọt nước, rút lui âm thầm trên những bờ cát mịn màng. Những cơn cuồng nộ của biển giống hệt như những cú đấm thôi sơn của anh võ sĩ mù khổng lồ đánh vào khoảng trống. Nó sẽ bị hóa giải thành hư không. Nửa vời, tan tác, thẹn thò, hụt hẩng.

Biển mênh mông và đa dạng như vậy nên ông thích. Ông có thể ngồi hàng giờ, thậm chí cả ngày trời  nhìn ngắm biển mà không hề chán. Trước mắt ông, những ngọn sóng bạc đầu muôn hình vạn trạng có bao giờ ngưng vỗ bờ? Và có con sóng nào mang hình thù và dáng cuộn giống con nào? Từng đợt sóng hung hãn càn quét lên mặt bờ cát an nhiên tự tại rồi tự tan, để lại những bọt bèo chẳng ra hình thù gì. Âu đó cũng là những động thái của đời sống, dữ tợn, bồn chồn, chung cùng tham vọng, bon chen. Bờ cát mịn dịu dàng, nhưng tiềm tàng một tĩnh lực mênh mông có thể khắc phục và vỗ yên những làn sóng dữ.

Ông già uể oải đứng lên. Gối chân trái hơi đau nhức. Ông biết tiết trời đã chuyển vào thu. Những lúc giao mùa như thế, bệnh thấp khớp càng khó chịu hơn.

Ông cẩn thận nhấc từng bước chân. Dù có khó khăn, những động tác đều đặn sẽ làm cho các đầu khớp giãn ra để lấy lại nhịp cân bằng. Ông nghĩ rằng chưa đến lúc phải cần đến cây gậy. Ông thong thả tiến từng bước không hề vội vã  về phía vùng đá vách, đầu óc buông thả hết những phiền bận.

Mặt trời đã gác xế trên vùng biển mù, nơi đường chân trời. Chỉ khoảng chừng hơn một giờ nữa là trời sẽ sụp tối. Ông phải đi cho giáp đủ vòng thường lệ. Trưa nay ông đã bắt đầu từ khoảng công viên trung tâm Mermoz cặp biển đi về phía khu biệt thự và khách sạn mới. Nghỉ ngơi chút đỉnh ông quay trở lại, thong thả ngồi đọc sách trên những băng ghế gỗ màu xanh biển rãi rác dọc lối đi. Chỉ còn đoạn cuối nữa thôi, ông phải ráng đến Falaise des vaches noires  là giáp đủ vòng. Sau đó ông có thể yên ổn trở về nhà dùng cơm chiều và nghỉ ngơi. Kỷ luật ấy ông tự vạch ra cho chính mình từ cả năm nay, tự nhủ phải ráng tuân thủ để giữ gìn được sức khỏe trong tuổi xế chiều.

Cảnh sắc dần thay đổi. Từ đây thiên nhiên dành lại chỗ đứng của mình. Rãi rác đã thấy những tảng đá chồng lấn ra biển.

Falaise không có hình thù quen thuộc của một bức tường đá trắng liền lạc, sừng sững đối diện với biển mà cấu thành những dáng hình quái dị như tấm lưng khổng lồ của một con khủng long stégosaure. Trên tấm lưng dựng đứng đó những tảng đá lớn từ trên đỉnh lăn xuống bị nước biển và rong rêu làm cho biến hình thành dị dạng mà trí tưởng tượng phong phú của con người đến sau chưa hề biết đến loài động vật khổng lồ tuyệt chủng đã gọi chúng thành những con bò đen.

Địa thế của falaise bất trắc nên bảng chỉ dẫn nơi cuối lối mòn không cho phép mọi cuộc dạo chơi nơi lưng chừng đồi hoặc toan tính trèo lên những ngọn falaise. Nghị định của thành phố cũng nghiêm cấm mọi hình thái khai quật các di tích khảo cổ. Nghe nói vùng falaise noire là khu mộ địa của giống khủng long tan tác sau cơn địa chấn. Đàn khủng long còn sống sót chạy dạt hết ra khu bờ biển tìm chút không khí mát dịu, rồi dần dà chết tiệt vì không tìm được cái ăn. Hơi huyền hoặc một chút là phải chăng xương xóc của chúng hóa thạch, biến thành những khối đá đen kỳ dị?

Ông già đứng tần ngần dưới chân vách đá. Trời ngả xế chiều nên khách dạo biển đã lui hết về khu trung tâm, chuẩn bị trở về nhà nghỉ ngơi. Không gian vắng lặng như thể trời đất dành hết đặc ân yên tĩnh này cho ông. Ông thở sâu, hít lấy từng lọn không khí trong lành mát lạnh của khí núi hòa cùng hơi muối của biển, cảm thấy thảnh thơi.

Từng ngọn gió hiu hiu luồn qua những khe đá phả xuống bãi trong tiếng sóng vỗ bình bịch của những con nước đập trên ghềnh đá. Ông già nhắm mắt lại, nghĩ rằng những giây phút thần tiên còn lại trong đời sống phiền muộn này là của riêng ông.

Một cuộc đời phong ba, vô định và dẫy đầy biến cố đã bóp nát vụn sự nghiệp và đưa đẩy những mảnh đời ông trôi nổi, lưu lạc.

Con người ông tưởng như đã hình thành bởi một nhân cách cứng cỏi, kỷ luật và trách nhiệm một ngày bỗng hóa ra bèo bọt, phù du như những cây tầm gửi bé mọn. Chúng đã bị vùi dập, chịu đủ thứ ô nhục trong tay những người thắng trận và cường quyền. Chúng đã tha hóa dần theo tháng ngày cải tạo, trong những trại tù xa hút mà ánh sáng văn minh chưa hề soi dọi tới. Để cuối cùng con người bị giam hãm trở thành một tên ngợm, thô lỗ, kệch cỡm trong tưởng nhớ tuyệt vọng về một thuở được làm người. Thảnh thơi, vinh vang trong niềm kiêu hãnh đã từng được đào tạo đến nơi đến chốn hầu mang những kiến thức lịch lãm làm đẹp cho đời.

Những biến cố thê thảm đã ập đến trong cảnh tranh tối tranh sáng của một giai đoạn hỗn mang của đất nước mà chính nghĩa, chiêu bài và tuyên truyền chính trị lẫn lộn, trở thành những mớ bòng bong có thể làm lạc lối cả những suy nghĩ chín chắn nhất. Con người trong cuộc bị du vào tư thế phải chọn lấy bản năng tự vệ. Người Bắc hoặc người Nam đều thế cả. Hoặc họ chết cho một thứ chính nghĩa thần thánh ẩn tàng những dấu hỏi không thể giải đáp; hoặc họ phải chọn lấy con đường bạo lực, để có thể sống còn trong cuộc chém giết dã man với những con người mất nhân tính, trong cuộc chơi săn đuổi ú tim giữa những hố bom mìn dày đặc của những chủ nghĩa từ đâu đến tròng lên đầu lên cổ những người vô tội vẫn muốn sống chân thật, bình dị.

Con người ông thay đổi dần. Cái bản chất nhân hậu trong ông chìm dần xuống và có nguy cơ mất hút trong đáy vực tối. Cuộc nội chiến đổi dần sang trạng thái ý thức hệ không thể nào dung dưỡng được cho hai phía cộng sinh trên mảnh đất  xám đen khói súng và máu loang thù hận. Ông tự hỏi làm sao tình người Việt nam với nhau đã xuống cấp nhanh như thế?

Ông đau đớn thấy cõi lòng mình chai lại. Cái nhìn của ông về những người bên kia không còn êm ái như ngày ông mang đến cho người bộ đội trẻ, bị thương và bị bỏ lại trận địa đang chết khát vì mất máu chút nước lạnh mát ngọt tình người, bên dòng sông Ngô Trang ở Kontum sau mùa hè 72. Ông không thể nào tìm lại được ánh mắt ơn tình chân thật của anh bộ đội nhà quê ra đi trong chiến dịch «sinh Bắc tử Nam»

Con người thật của ông đã bị thực tế bạo tàn biến đổi. Khi những chiêu bài, chữ nghĩa hợm hĩnh thô bạo đã xóa sạch chút chất người còn sót lại trong những con người bắt buộc phải lăn xả vào cuộc chém giết để mong được sống còn. Bạo lực đã thắng cuộc chiến nội tâm dằng co. Hận thù cười ngạo nghễ đắc chí khi con người mù lòa lạc hướng phải cần đến nó dẫn đường.

Ông đã sống kinh nghiệm đau đớn ấy một ngày thật dữ dội trong cuộc đời chinh chiến của mình. Ông đã phải đối diện với  đôi mắt dã thú của một chính trị viên độn thổ từ dưới hầm bí mật ở miệt Củ Chi, tung một trái lựu đạn nội hóa giết chết tươi người thiếu úy trung đội trưởng của ông. Sẵn trớn và say máu nó lao cây súng AK cắm lưởi lê về phía ông với đôi mắt dữ dằn long lanh thù hận. Ông đã kịp hạ nó bằng một viên đạn súng colt bắn nát đầu ở tầm gần. Dù tấm thân gầy tong teo đã ngã vật xuống, quằn quại, nhưng đôi mắt nó vẫn mở lớn trừng trừng thôi miên ông. Dấu thù hận khủng khiếp đó không bao giờ khép lại, mãi đến gần bốn chục năm sau vẫn còn ám ảnh ông, vẫn làm ông rùng mình mỗi khi nghĩ đến.

Nhưng cuối cùng định mệnh đã chụp xuống đời ông. Từ miệt Đức Hòa ông đã buông súng một ngày tối đen tháng tư, thất thểu lội qua những cánh đồng hoang hóa miền Vinh Lộc tìm đường về Sài Gòn. Những gì ông chứng kiến được trong ngày lịch sử đó có lẽ vẫn còn đeo theo ông cho đến mãi mãi.

Ông đại úy đại đội trưởng đã bị lột hết tư cách của người chiến sĩ. Trên người ông không còn binh phục, mũ mão, lon lá gì nữa. Ông chỉ còn chiếc quần xà lỏn và tấm áo thun ba lỗ, thất thểu trên những nẻo đường An Sương, Lạc Quang, Tham Lương, Ngã tư Bảy Hiền, lén tìm về nhà.

Ánh mắt kinh hãi của con bé Quyên vừa lên ba có bao giờ ông quên được. Đôi mắt bồ câu của nó trợn trừng nhìn khuôn mặt hốc hác, râu ria tua tủa của người cha bình thường chững chạc phong độ. Có bao giờ ngờ được một ngày ba nó tìm đường trở về nhà sau cuộc chiến với chiếc quần xà lỏn, và nét mặt rũ liệt không còn hồn sắc của người chiến sĩ bại trận nhục nhã?

Ông tự giam mình trong nhà không hề bước ra ngoài; trong lúc cuộc đời đang chộn rộn những đổi thay ghê gớm.

*

Thời điểm này cũng gợn lên những xáo trộn trong lòng gia đình nhỏ của ông. Bà mẹ vợ và Như An, vợ ông thường xầm xì trao đổi với nhau một điều gì bí mật. Cả hai thường tìm cách nói chuyện riêng khi không có sự hiện diện của ông; thảng hoặc nếu ông có vô tình bắt gặp, hai người đàn bà sẽ im tiếng, nói lãng sang một chuyện khác.

Khoảng đâu hơn tháng sau ngày "giải phóng", một người đàn ông bộ đội đứng tuổi mang quân hàm trung tá đột ngột xuất hiện lúc cả nhà đang ăn cơm chiều.

Chính ông đi ra mở chốt cửa. Ông đứng sững một giây khi ông trung tá bộ đội hỏi ông đây có phải là nhà bà Như An, vợ ông đại úy "ngụy"?

Bà mẹ vợ ông khóc òa qụy xuống :

«Trời ơi! Thế ông còn sống à?»

Ông trung tá bộ đội cười hể hả, vô cảm:

«Nào tôi có bao giờ chết đâu. Ai bảo với bà thế?»

Đến lượt Như An đang chôn chân như phỗng đá cũng nhích bước đến gần ông bộ đội, thừa nhận người cha với giọng nói run rẩy, lí nhí trong cổ họng:

« Trời ơi, Ba! Con là An… Con gái ba đây… »

Biến cố như một tia chớp vụt đến trong một bầu trời không có vẻ gì báo hiệu giông tố cả.

Ông bộ đội được mời vào nhà, và được ngồi vào mâm cơm đạm bạc của gia đình sau ngày đổi đời. Ông đại úy "ngụy" muốn bỏ đũa lánh mặt lên nhà trên; nhưng Như An nhanh ý níu tay giữ ông ngồi lại.

Không khí bữa cơm hội ngộ ngột ngạt cuối cùng phải đến một ngã rẽ không tránh được; khi ông bộ đội thao thao bất tuyệt về cuộc đời chinh chiến và chiến công rực rở của mình với cuộc "đại thắng mùa Xuân". Ba thính giả người lớn bất đắc dĩ ngồi sượng trân, cứng đơ trong một cảm giác tủi nhục như là chính mình đang bị xỉ vả vì đã đứng về phía phản động.

Đã nhiều lần Như An can thiệp cố chuyển hướng câu chuyện để nhắc khéo cho ông biết gia đình này đang là nạn nhân của cuộc đổi thay to lớn nhưng vô vọng vì muôn ngàn khó khăn cùng cực đang chờ đợi họ. Nhưng hình như ông trung tá bộ đội còn say men chiến thắng. Nói gì thì ông cũng không quên được nổi vinh quang vĩ đại của mình.

Cho đến khi ông đại úy "ngụy" không còn chịu đựng nổi nữa buông đũa đứng lên:

«Xin phép Mẹ và gia đình, con bận chút việc phải ra ngoài chốc lát… »

Bà mẹ vợ chưa kịp phản ứng thì ông trung tá bộ đội can thiệp liền, như thể chính mình là nhân vật chủ chốt của gia đình:

«Nào anh đại úy ngồi xuống đây tôi có chút chuyện muốn nói»

Ông ngưng lại một chút, nhìn sâu vào đôi mắt ông rể bất đắc dĩ vẫn đứng chờ nghe ông:

«Nào, chúng ta dù khác chiến tuyến, nhưng hôm nay sung sướng tìm lại được nhau trong cùng một mái gia đình. Tôi vẫn muốn nói cho anh rõ một điều là Cách mạng luôn khoan hồng. Với một điều kiện là anh phải nhận biết tội lỗi mình, ăn năn hối cải và thành thẩn khai báo hết với cách mạng hầu lập công chuộc tội… »

«Nhưng thưa ông tôi chẳng có tội lỗi gì. Lỗi tại chiến tranh và những người khai sinh ra nó. Nếu ông đi kháng chiến vì bổn phận của một người trai thời vong quốc thì tôi sinh ra ở miền Nam tự do cũng phải có bổn phận tham dự vào công cuộc bảo vệ cuộc sống bình yên cho đồng bào mình, chống lại cuộc xâm lăng của miền Bắc."

Ông bộ đội đứng trên tuyến tấn công, còn tôi đứng trong vị thế phòng thủ để bảo vệ những giá trị của miền Nam. Ai đúng ai sai, phán xét ấy sẽ là của lịch sử mai sau. Nhưng bây giờ đây ông là người chiến thắng. Tôi là kẻ bại trận không điều kiện. Tôi biết mình có bổn phận phải tuân thủ mọi huấn lệnh của người chiến thắng. Nhưng xin ông một điều cho tôi được phép giữ trọn tư cách một con người»

Ông trung tá bộ đội nhăn mặt cắt ngang :

«Này anh đại úy ngụy! Anh phải biết là kẻ bại trận phản quốc như anh sẽ không còn một chút tư cách nào để bảo vệ cả. Không điều kiện là không điều kiện. Chẳng có nhưng nhị gì hết dành cho các anh! Biết chưa?»

Ông đại úy cố giữ vẻ điềm tĩnh :

«Thưa ông bộ đội, bất cứ người sĩ quan nào của quân đội Cộng hòa chúng tôi cũng thừa đủ nhận thức và tư cách để biết những điều mình phải làm trong thế ứng đối bắt buộc. Bây giờ xin phép ông cho tôi ra ngoài một lát, được chăng?»

«Không!» Ông trung tá bộ đội quát lên:

«Anh phải biết là kể từ ngày 30 tháng 4 các anh không còn được tự do nữa. Mạng sống của các anh nằm trong tay chúng tôi.

Sự tròng tréo của định mệnh xui đẩy con gái tôi lấy anh. Và cũng do sự tròng tréo của chiến tranh, hơn tháng trước đây anh và tôi đã trực diện đối đầu trên trận tuyến Củ Chi- Trảng Bàng. Chẳng dấu diếm gì anh, tôi là chính ủy một trung đoàn thuộc Binh đoàn Tây bắc Sài Gòn. Chúng tôi đã ém quân trong khu vực quanh căn cứ Đồng Dù phản động của các anh. Thời gian này tôi đã được báo cáo khá đầy đủ về tội ác tày trời của ông đại úy đại đội trưởng nhiều chiến công nhất trong hàng đại đội trưởng của trung đoàn 53 ngụy! Có phải là anh chăng?»

Cuộc hội ngộ gia đình đã đến một khúc quanh nghiệt ngã. Như An sợ đến tái mặt, run lẩy bẩy, nhìn người cha bộ đội với khuôn mặt căng thẳng, cầu khẩn.

Ông quay lại nhìn con gái, dịu giọng:

« Đúng lý ra ta phải bắt trói thằng chồng con giao cho chính quyền sở tại xử lý tội ác của nó. Dù ta không hề thừa nhận nó là con rể; nhưng con đã là vợ nó, đã ăn nằm có con với nhau. Nhưng khi nó còn ở trong căn nhà này thì ta sẽ là người vắng mặt. Không bao giờ ta có thể chấp nhận sự việc có một thằng rể ngụy phản động đến mức này!»

Sự chịu đựng của ông đại úy ngụy có hạn. Ông bước đến bên vợ, chậm rãi nhìn thẳng mặt ông bộ đội:

«Ông biết điều! Gia đình này đâu phải của ông. Vợ tôi từ ngày sinh ra đời đâu có biết đến mặt ngang mủi dọc của người cha thiếu trách nhiệm! Trừ chút giòng máu rơi để lại, ông đâu có được cái vinh hạnh, dù chỉ một ngày, được nuôi nấng chăm sóc con gái. Trên thực tế vợ tôi mồ côi cha từ tấm bé. Ông có tư cách gì để khước từ quyết định của con gái rơi của ông lấy tôi làm chồng?»

Ông trung tá bộ đội bị chạm nọc, quát lớn lên «Im miệng!» rồi giận dữ đứng lên, cầm lấy chiếc nón cối bước ra khỏi nhà, dọa dẫm «Rồi mày sẽ biết tay ông!»

Như An biết người cha mới vừa nhìn nhận sẽ lại vĩnh viễn bỏ đi, như thể đứa con gái rượu của ông ta đã bất hạnh gắn liền cuộc đời với một tên phản động tồi tệ.

Lòng nàng chua xót. Tình cha con dù ngăn cách nào cũng đáng trân quí. Tuổi nhỏ bất hạnh của Như An vì thiếu cha mà phải chịu mọi điều khổ cực, dè bỉu; đến nỗi mẹ nàng phải lìa bỏ đất Huế khó nghèo cay cực vào Ban Mê Thuột lập nghiệp. Như An trở thành cô giáo sư công nhật, cho đến ngày gặp chàng thiếu úy trung đoàn 53 Bộ binh...

Biến cố gia đình trong cảnh cùng cực sau "giải phóng" càng làm cho tâm trí nàng căng thẳng hơn, đôi lúc lẫn lộn chút ý nghĩ trách móc chồng đã quá nặng lời với ông nhạc vô thừa nhận. Như An linh cảm sẽ mất hết cả hai người thân yêu. Nỗi ám ảnh đó làm nàng nhức buốt.  

Chồng nàng là đại úy "ngụy" sớm muộn cũng phải đi tù cải tạo dài hạn như ông trung tá chính ủy đã vô tình tiết lộ.

Cha nàng chắc chắn vẫn khép kín cuộc đời bí mật trong lớp vỏ cứng ngắc của một anh hùng cách mạng, tận tụy với lý tưởng cộng sản. Ông đã móc nối tìm lại tung tích người vợ góa bụa và đứa con gái chưa hề thấy mặt không phải để tìm cách nâng đỡ những người thân trong hoàn cảnh khó khăn cùng cực, mà chỉ để thỏa mãn chút tình cảm nhất thời, vì ông đã có cuộc đời riêng dưới một mái gia đình khác.

Nhưng nàng vẫn tiếc rẻ sự xuất hiện không đúng lúc của ông, khi chồng nàng từ địa ngục chiến tranh trở về, đã hụt hơi và chiến đấu đến kết cuộc bi thảm cho một niềm tin sắt đá chống lại một chủ nghĩa bạo tàn, xây dựng trên những ảo tưởng dối gạt.

Sự đụng chạm giữa hai đối cực không tránh được. Nàng đứng giữa, trở thành nạn nhân duy nhất với nỗi đau âm thầm là mình sẽ mất hết.

Niềm đau của mẹ nàng khác. Một người đàn bà cam chịu suốt một cuộc đời lửa lòng đã tắt ngúm trong cảnh cùng cực chạy vạy nuôi con. Người chồng đã bỏ bà ra đi bặt vô âm tín, dù với một lý tưởng cao siêu thần thánh đến thế nào chăng nữa thì hình ảnh ông ta cũng trở thành nhếch nhác trong lòng bà, giản đơn như một kẻ bội tình.

Cõi lòng góa bụa của bà nguội lạnh, và sự xuất hiện bất chợt của ông bây giờ chẳng mang đến cho bà một chút hơi ấm hay một tia hy vọng nào. Bà đã quen với cuộc sống bình lặng của hai mẹ con côi cút cho đến ngày con gái bà đậu đạt được mảnh bằng cử nhân văn chương Pháp và được tuyển bổ vào một chân giáo sư công nhật. Bà đã đạt đến mục đích cao nhất cho những cố gắng khó nhọc của mình. Cho nên khi nghe ông chồng bội tình vẫn thao thao bất tuyệt, huênh hoang về lý tưởng cách mạng và một ngày mai tươi sáng hạnh phúc trong cảnh đổi đời cùng cực hiện tại, bà bỗng thấy thù ghét ông và chỉ mong cho bữa cơm tái ngộ kỳ cục này sớm chấm dứt. Ông sẽ đi ra khỏi nhà, và đừng bao giờ trở lại quấy động cuộc sống khó khăn nhưng bình lặng của gia đình bà.      

*

 Cặp vợ chồng ông Tây già nảy giờ ngồi nghỉ ở cuối bãi đang cố gắng đi tiếp về phía chân falaise. Họ tiến lại cười và chào gặp lại ông già Á châu:

« Trời sắp tối rồi, chúng ta chuẩn bị về thôi!»

« Phải đấy, chúng ta đã kết thúc một ngày hoàn hảo ở đoạn cuối chân falaise này »

« Những con bò đen ! Cái tên gọi cũng kỳ cục nhỉ?»

« Một sự lầm lạc ngẫu nhiên. Những con khủng long tuyệt giống và loài người sinh sau đẻ muộn đến cả hàng trăm triệu năm!»

« Ôi sự biến thiên vô chừng của thiên nhiên và đời sống! Có cái gì trường tồn đâu?»

Ông Tây già bát tuần ngưng lại một chút để sống lại quá khứ :

«Tôi đã chiến đấu trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông dương nhiều năm và đã sống sót trong những trại tù Việt minh sau Điện Biên Phủ. Tôi đã thông cảm nhiều với người Việt nam các ông nói chung thấm nhiễm Phật giáo và nguyên lý vô thường»

Ông nhích gần lại một bước, hơi trầm ngâm:

«Nhưng hình như ông không phải là người miền Bắc? Trong con mắt ông tôi thấy có cái gì khác những người Việt Minh đã giam giữ tôi.»

Ông già Á châu cười :

«Người Việt chúng tôi, Bắc hay Nam, Việt minh, Cộng sản hoặc Quốc gia cũng chỉ là một giống. Có khác chăng là những môi trường sống. Dĩ nhiên ông chỉ có thể phân biệt được một người Bắc hay một người Nam Việt nam. Thực tế của bối cảnh lịch sử cận đại phức tạp hiện diện những người Việt quốc gia, những người Việt minh chiến đấu vì độc lập dân tộc, những người Việt minh cộng sản và những cán bộ cộng sản chuyên chính chiến đấu cho chủ nghĩa của ho.»

«Cám ơn ông đã soi sáng cho tôi một cái nhìn. Bây giờ tôi mới nhận ra được ánh mắt đáng sợ của những cán bộ cộng sản ở trại giam lúc nào cũng rình rập, bí mật, khép kín trong thế giới khó hiểu của họ. Nơi ông thì khác. Tôi đã cảm nhận trong ánh mắt nhìn đời của ông phảng phất một cái gì xa vắng nhưng chân thật. Tôi không nói nịnh, nhưng rõ ràng trong cái nhìn ấy có đất trời và biển xanh thu gọn lại. Hình như để khỏa lấp một ẩn ức nào đó?»

«Cám ơn ông! Thành thật tâm sự với ông là giữa khung cảnh thiên nhiên êm ả này, tôi vẫn cố công đi tìm lại cái ta đã mất. Suốt một cuộc đời lớn lên trong chiến tranh và những biến cố thảm khốc của đất nước, hình như tôi chưa bao giờ được sống thật. Vì con người chân thực và trong sáng đã bị vùi lấp. Ông cũng hiểu Phật giáo nên tôi nói đó là ngã, cái bản chất tinh yếu nơi mỗi con người. Cái ngã đó trong tôi, cái ngã đó trong ông sẽ được bao dung trong cái ngã trong suốt siêu nhiên của biển cả, của vũ trụ mênh mông; vì chúng đồng nhất, không hề đối chọi nhau.

Từ ngày cuộc sống sôi nổi xô bồ dừng lại, tôi đã cố công tìm kiếm và xác nhận lại cái ta đã mất, hòa nó vào dòng sống tinh tấn vẫn ẩn hiện quanh đây mà tìm lấy chút bình yên. Tâm ta sẽ trong sáng trở lại khi những cái nhìn khác biệt, biến tướng đầy ngộ nhận bị khỏa lấp hoặc xóa đi.

Hình như tôi đã có lần kể chuyện cho ông nghe ánh mắt chân thành của một anh bộ đội thật thà «sinh bắc tử nam» và cái nhìn thù hận dữ dội của một chính trị viên cộng sản ở Củ Chi. Đến cái nhìn giáo điều chính ủy của ông bố vợ tôi sau 1975 mới thật khốc hại. Nó lung lạc và áp đặt cách nhìn đời thiếu bình yên của Như An vợ tôi. Nàng đã sống những ngày cuối đời trong bệnh tật với nổi chán chường mệt mỏi vì những giằng xé nội tâm dai dẳng cho đến khi trút hơi thở, chỉ hai năm sau khi tôi qua được Pháp tái hợp với nàng.

Những biến cố dữ dội trên đất nước thiếu may mắn ấy đã biến đổi tôi, người trong cuộc. Nhưng tệ hại hơn là chúng đã tàn ác giết chết một con người vô tội, giản dị như sợi chỉ và dịu dàng như bờ cát mịn là nàng. Chúng đã âm hiểm phá đám hạnh phúc bình thường của chúng tôi sau mười mấy năm xa cách.

Kể từ khi đặt chân đến đất nước hòa bình này tôi vẫn mong muốn được sống trung thực với chính mình, lấy cái ta khiêm nhường, chân thật mà trung hòa những đợt sóng dữ vẫn hăm he cuốn xô đi những bờ cát hiền hòa luôn mỉm cười mời gọi đời sống.

May mắn thay là cuối cùng tôi đã cảm nhận được một điều đáng giá. Những an bình vô hình chung vẫn hiện diện trường cửu quanh đây, dưới bề mặt dữ dội của cuộc sống biến tướng… »

Ông cựu sĩ quan Pháp hình như cảm nhận trời đã tối không tiện tiếp tục cuộc nói chuyện, mỉm cười bắt tay từ giã ông già Á châu «À demain. Hẹn ngày mai gặp lại!» 

Lê Minh Văn

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...