31 March 2016

Văn hóa... nhang khói

Tạp ghi Huy Phương

Tôi ra tù năm 1982. Bảy năm qua các trại cải tạo, tôi hiểu được những người Cộng Sản nhiều hơn ngày trước. Sau khi ra tù, về lại Sài Gòn, tôi lại hiểu được những người Cộng Sản hơn những ngày còn trong nhà tù. Cán bộ coi tù dù có chức phận đi nữa thì số phận cũng không hơn gì thằng tù, cũng thâm sơn cùng cốc, cũng bữa sắn bữa ngô, thằng tù phải lên rừng xuống rẫy giữa mùa Đông giá rét, hay trời Hè nóng nực, thì thằng cai tù cũng phải vác súng đi theo. Gia tài cai tù thì áo quần mỗi năm cũng chỉ hai bộ, đôi dép râu vừa mang trong chân vừa để chà lưng lúc tắm, cũng có thể để gối đầu lúc ngủ, thêm một cái bàn chải đánh răng, một cái chén ăn cơm với đôi đũa mang theo. Sang hơn thì có cái ca nhôm uống nước, nhưng không thì cơm rồi, rót nước vào chén cũng xong.

Cán bộ cấp cao còn có cái “xắc cốt” đeo kè kè bên mình.

30 March 2016

Để suy gẫm



Công ty Tân Đức, nỗi xấu hổ cho người Việt

Ông Tango Hirosuke, người Nhật, đã có 30 năm làm ăn ở Việt Nam. Khi Khu Công nghiệp Tân Đức hình thành, ông gom vốn liếng về đây mở công ty sản xuất bánh kẹo sang thị trường Nhật Bản. Công ty có hơn 250 nữ công nhân, hầu hết là người nghèo, sức khỏe yếu, phù hợp với công việc làm bánh kẹo thủ công. Ông và những người Nhật khác cầm tay chỉ việc để những công nhân nghèo khổ biết cách vẽ lên từng viên kẹo, từng cái bánh, phục vụ thị trường cao cấp.

Công nhân công ty Tango Candy
sát cánh bên ông giám đốc
77 tuổi người Nhật Bản.
Ảnh: Dân Việt

Đoạn trích Báo Đất Việt: "Đọc những tin tức về vụ công ty Tân Đức đem đất sét đổ trước cửa công ty Tango Candy của Nhật Bản tại khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa (Long An) để khủng bố và cuộc tranh cãi chưa thể ngã ngũ giữa 2 công ty này, thực lòng tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ".

"Càng xấu hổ vì lối hành xử côn đồ, mông muội của những người Việt Nam ở công ty Tân Đức bao nhiêu, lại càng ngưỡng mộ cách ứng xử của ông Tango Hirosuke- một người Nhật Bản đã 77 tuổi, giám đốc của công ty Tango Candy bấy nhiêu".

"Vị giám đốc gần 80 tuổi, nhưng một mình dám ra khu vực đang xảy ra tranh chấp giữa 2 công ty, khi công ty Tân Đức đào ống nước, ông Giám đốc Tango Hirasuke giữa đêm đã ra cổng tự đào đất lên, tự nối ống nước. Sau đó, ông lấy cái ghế ngồi đè lên trên để ngăn cản nhân viên Tân Đức cắt đường nước. Tuy nhiên, nước vẫn không có để cung cấp cho nhà máy".

"Những ngày này, sản xuất bị đình trệ, ông Tango Hirasuke yêu cầu công nhân của mình nghỉ ở nhà và vẫn trả lương thưởng đầy đủ, nhưng những công nhân người Việt Nam không chấp nhận, họ vẫn đến, trèo qua đống đất vào xưởng làm vì sợ ông chủ của mình bị thiệt thòi. Đường nước bị cắt, Tango Candy buộc phải mua nước khoáng về uống và dội nhà vệ sinh, trong sự xót xa vì tiếc tiền của công nhân".

Tất cả chỉ vì sự minh bạch. Phía Tango Candy cho biết, từ ngày bị “khủng bố” bằng hàng chục tấn đất sét, mỗi ngày Công ty Tango Candy thiệt hại khoảng 15.000USD. Thế nhưng, ông giám đốc tuyên bố sẽ không nhượng bộ, dù mức tiền mà đối tác đang đòi chỉ chênh lệch khoảng 15 triệu đồng/năm. “Thà chịu mất 1 tỷ chứ không chịu chi sai 1 đồng khi thấy không minh bạch”, đó là tuyên ngôn của người Nhật trong vụ việc này.

Và phía công ty Nhật Bản, vẫn đang yêu cầu công ty Tân Đức hành xử 1 cách minh bạch, văn minh đúng theo luật pháp, tránh những hành động có thể gây hại đến công nhân của công ty ông.

Thật không còn nỗi xấu hổ nào lớn hơn thế. Hãy hỏi tại sao chúng ta chỉ phát triển được như hiện nay, với một xã hội rất nhiều bất an, và tình người cạn kiệt. Bởi chỉ trong một vụ tranh chấp nhỏ thôi, đòi thêm lên 15 triệu đồng/năm, mà những người Việt trong công ty Tân Đức đang bộc lộ hết cái thói xấu và lối hành xử của mình.

Đem xe ben đến đổ đất lấp cổng, chặn cả đường xe cấp cứu chở người ốm ra khỏi công ty, đến nỗi người ta phải mang người ốm ra khỏi xe, chở đi bệnh viện bằng 1 xe khác, đào đất lên cắt đường ống nước sinh hoạt, buông ra những lời chửi bới thô tục.

Và chính quyền thì bó tay, ngoài văn bản gửi ra xin ý kiến Bộ Kế hoạch đầu tư, tỉnh Long An hầu như thúc thủ trước sự việc này, họ bảo: “Đây là tranh chấp giữa hai bên, không can thiệp được” thế là xong.

Tân Đức cho chắn rào cản, sau đó dùng thêm trụ điện chắn ngang cổng. Chưa dừng lại, Tân Đức dùng nhiều xe ben bịt cổng trước, cổng sau. Ông Tango Hirosuke cho công nhân nghỉ vẫn lãnh lương nhưng không ai nghỉ. (TTR Tổng hợp)

29 March 2016

Chưa bao giờ thấy mớ xì-líp, coóc-sê nào đáng yêu như thế!

Truyện vui của Võ Tòng Đánh Mèo
Theo FB Võ Tòng Đánh Mèo

Tôi có 3 đứa con, nhưng buồn thay, toàn là con gái! Còn cái nhà hàng xóm - cách nhà tôi mỗi cái dậu mồng tơi - cũng có 3 đứa, mà lại toàn con trai. Thật mỉa mai!

Biết tôi không có con trai, tôi buồn là vậy, thế mà cái lão hàng xóm vô tâm thi thoảng lại trêu ngươi, cho 3 thằng con lão xếp hàng đái vào dậu mồng tơi, chĩa thẳng chim sang nhà tôi. Chúng đái vào dậu mồng tơi mà như đang đái vào lòng tôi vậy: xót xa vô cùng! Hình ảnh cái "dậu mồng tơi xanh rờn" đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong thơ, trong nhạc, nhưng cái dậu mồng tơi giữa nhà tôi và nhà hàng xóm đó thì là "dậu mồng tơi đen sì" do bị tưới quá nhiều đạm, phốt pho, kali và khoáng chất đậm đặc.

Có con trai đúng là sướng thật! Những ngày lễ tết, bố con trở thành bạn nhậu, nâng chén cà kê - chứ con gái, chúng nó cắm đầu hùng hục ăn, vừa ăn vừa lèo bèo:

- Bố uống ít thôi! Ăn cơm, ăn thịt đi!.

Tin ngắn: Diễn viên hài Việt Nam bị bắt ở Mỹ

Diễn viên hài Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) vừa bị bắt tại Quận Cam, bang California, vì nghi lạm dụng tình dục trẻ em.

Minh Béo là nghệ sỹ khá nổi tiếng ở Việt Nam và thường xuyên sang Hoa Kỳ biểu diễn.

Văn phòng Biện lý Quận Cam hôm 28/3 ra thông cáo nói ông "Minh Quang Hong, 38 tuổi, bị truy tố hôm thứ Sáu 25/3 với các tội danh: tình dục đường miệng với trẻ vị thành niên, toan tính hành động dâm ô với trẻ dưới 14 tuổi và gặp gỡ trẻ vị thành niên với ý định thực hiện hành vi dâm ô". (Theo BBC Tiếng Việt)

Truyền thống hữu nghị lâu đời từ khi nào?

“…Chính vì vi hiến như vậy, e ngại những biến cố có thể xảy ra. Nguyễn Phú Trọng đã cầu cứu sự có mặt của Thường Vạn Toàn ở Việt Nam. Thử hỏi ai dám chính biến khi bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đang ở Việt Nam…”

Thường Vạn Toàn và
Phùng Quang Thanh trước đây


 Báo Việt Nam đưa tin bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn sẽ sang Việt Nam để phản bác những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về tình hình thắm thiết giữa hai nước Việt Nam.

Điều khôi hài là bài báo nhắc có đoạn:

Trích
''Hai bên sẽ đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng trong thời gian qua, thống nhất nội dung, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước thời gian tới đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực; góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa quân đội và nhân dân hai nước''
Hết trích.

Từ lâu đời có thể định nghĩa thế nào?  Tính theo kết quả điều tra mới nhất thì tuổi thọ của đời người Việt Nam trung bình là 72 tuổi.

28 March 2016

Nghe nhạc đầu tuần

Ca khúc Bình Yên
Sáng tác: Quốc Bảo
Ca sĩ trinh bầy : Trần Thu Hà & Trần Hiếu

Riêng tặng Nguyễn Kim Chi & Lan Anh,
đất nước yên bình của các bạn vừa trải qua cơn đau khủng bố.

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta có thể đi những con đường khác nhau, nhưng dù là con đường nào , đích đến cuối cùng vẫn là bình yên,hạnh phúc. Bình yên là sự khao khát không của riêng ai,hai tiếng đó sao quá đỗi thân thương mà ở đó chúng ta cùng nắm lấy tay nhau  vượt qua những khoảnh khắc thử thách vươn tới chân,thiện ,mỹ. Hay nói theo tác giả ca khúc: là những  thoáng cho tim mềm , cho những đóa hoa  muôn sắc ra chào dưới ánh nắng ban mai, cho trăng lên cao hay  những phút giây êm đềm để cho lòng ta se sẽ cất lên tiếng kinh cầu yên bình.

Nhưng điều oái ăm  ,binh yên có lúc lại quá xa lạ hay vượt xa tầm tay như chiếc binh quý dễ vỡ, như cánh hoa mong manh trong gió bão hay như những chú chim non giam hãm trong lồng bời những bàn tay lông lá và gian ác như trường hợp khủng bố tại Brussels tuần rồi làm rung động và gây thương cảm hàng triệu trái tim trên toàn thế giới.

Nhưng chúng ta vẫn là thế giới.Sau khủng bố, nhân loại vẫn cất cao bài hát “We are the World.We are the children” . Hãy gửi yêu thương  vào trong gió yên bình cho bằng hữu xa gần,hãy gửi nụ cười hòa quyện vào những khúc ca vì một ngày mới đang đến mà ở đó những nụ cười vẫn nảy nở trên môi và rạng ngời trên những khuôn mặt đang mạnh mẽ đứng lên từ những đổ vỡ của  khủng bố..đừng sợ và đừng sợ.

Xin mời Qúi Anh chị thưởng thức nhạc phẩm Bình Yên để quên hết những khó khăn chia lìa cho một thế giới  không còn hận thù. Cũng không quên chúc quí anh chị ngày đầu tuần vui vẻ hạnh phúc và bình yên bên những người thân.

Thân mến

San Jose 26/3/16
TeHong

Việt Nam sắp có hãng hàng không thứ năm



Bộ Giao thông và Vận tải vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines. Đây sẽ là hãng hàng không dân dụng thứ năm tại Việt Nam, và là của quân đội quản lý.

Vietstar Airlines có số vốn điều lệ 800 tỷ đồng, sẽ tham gia thị trường hàng không dân dụng trong nước với tư cách là doanh nghiệp vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa. Hiện Việt Nam có 4 hãng hàng không dân dụng là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, VASCO.

Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt được thành lập năm 2010, là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng. Do vậy, đây là doanh nghiệp thuộc quân đội quản lý, và sử dụng ngân sách làm vốn kinh doanh.

Theo kế hoạch của hãng này, trong 5 năm đầu hoạt động, hãng này dự kiến khai thác đội máy bay gồm 3 chiếc Boeing 737 và Airbus A320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 máy bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.

Vietstar đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 5 năm đầu với thị trường mục tiêu và đường trục nội địa Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á; định hướng là hãng hàng không vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Việc quân đội làm kinh tế được chấp nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là điều khó chấp nhận và không được phép tại các quốc gia dân chủ. Theo nền kinh tế thị trường tự do, chính quyền không can thiệp vào kinh tế. Bộ máy nhà nước không được sử dụng thuế của người dân đóng làm vốn kinh doanh. Khi công an hoặc quân đội mà làm kinh tế, thì khó có ai dám ngăn cản khi họ làm điều sai trái. Bởi họ là những đơn vị vũ trang bảo vệ chế độ. Và chế độ CSVN bảo vệ họ để duy trì độc tài. Sẽ không có một nền dân chủ trong một nền chính trị- kinh tế kiểu này. (SBTN)

27 March 2016

Ráng làm người tử tế

Lời khuyên ‘ráng làm người tử tế’ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của người sử dụng mạng xã hội.

Trong khi chủ trì phiên họp từ biệt các thành viên nội các hôm nay, 26/3, ông nói rằng ngày 6/4 tới ông sẽ "kết thúc nhiệm vụ".

Ông Dũng sau đó gửi lời cám ơn tới các cộng sự của mình đồng thời chúc mừng các thành viên chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ, trong đó ông nêu tên người được giới thiệu kế nhiệm mình là ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng như bí thư thành ủy Sài Gòn và Hà Nội là Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải.

Sau đó ông cũng khuyên hơn 10 thành viên chính phủ về hưu kỳ này, trong đó có bản thân mình, là “ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm người tử tế, sống tử tế”.

Trong đoạn thu âm được đăng tải trên báo chí trong nước, khi ông Dũng nói tới chữ “người tử tế” thì nhiều người tham dự cuộc họp đã bật cười.

Một bạn đọc tên Bon Nguyễn viết cho VOA Việt Ngữ: "Làm người tử tế quá dễ, làm người lãnh đạo tử tế mới là cả một vấn đề". (Theo: Tuyên bố ‘ráng làm người tử tế’ của Thủ tướng Dũng gây chú ý - VOA Tiếng Việt)

Để suy gẫm

Đức Phật từng nói:
Với người không có duyên, dù bạn nói bao nhiêu lời cũng là thừa; còn như đã hữu duyên thì chỉ cần xuất hiện, bạn cũng có thể đánh thức mọi giác quan của họ.

Khi Tintin Khóc. . .

Gứi đến các bạn đọc bài viết của cô em ruột của tôi hiện đang sinh sống ở Mỹ, cô đã vội vàng gọi điện hỏi thăm gia đình đồng thời viết bài này trên blog của cô; cô đã nói lên được tâm sự của tôi và những người trong gia đình tôi, chắc cũng là tâm sự của không ít cư dân của xứ Bỉ nổi tiếng là hiền hòa này. (Mai from Brussels)
Lan Hương 

Tám giờ sáng hôm nay, Tintin** bật khóc. Chẳng phải vì con chó Milou mất tích. Mà vì ba quả bom thổi bay tính mạng của 36 người vô tội, làm 170 người khác bị thương. Tám giờ sáng, giờ mọi người đã thức dậy, đã xong một cái croissant, một ly cà phê, và trên đường tới sở, tới trường, một số người chuẩn bị cho những chuyến bay ngắn dài, với túi khoác trên vai, valy để sẵn sàng dưới chân, tay cầm passport. Một ngày hẳn sẽ giống như những ngày khác, một ngày rất mới mẻ để bắt đầu. Thế nhưng Tintin đã khóc khi ba quả bom nổ tung. Mang mầm chết chóc đến, mang hoảng loạn đến, mang nỗi sợ đến, mang giận dữ đến. Dù cho Jacques Brel có cất lời ca bài “Quand on n' a que l’amour” lúc này, hẳn mọi người sẽ khó lòng tha thứ. Nỗi mất mát lớn lao quá cho một đất nước quá nhỏ.

Nước Bỉ bé tí hin, nằm lọt thỏm giữa bên trái là đại cường quốc Pháp, bên phải là đại cường quốc Đức, mép phía trên là tulip Hòa Lan, khoảng phía dưới là ngân hàng Luxemburg. Nó nhỏ đến nỗi lái xe khoảng 3 tiếng tứ phía là đã sang đất nước khác, màu cờ khác, quốc ca khác lúc nào không hay. Nó yên bình hiền hòa đến nỗi quốc gia chút xíu có hai ngôn ngữ, mạnh ai muốn nói tiếng gì thì nói, dĩ hòa vi quý. Vua Bỉ đi ra đi vô cung điện, không trống kèn rầm rộ, nhìn cờ treo biết Vua ở đó, không có lá  cờ đen vàng đỏ (Cờ Bỉ - TTR) trên nóc Palace,  biết ngài đi vắng. Hôm khai trường vừa rồi, Vua dẫn hai ba con đi học như mọi ông bố bình thường, đồn rằng Hoàng hậu sáng hôm đó đứng trong bếp gói đồ ăn vào hộp cơm cho con mang đi học. Nó yên bình đến nỗi cảnh sát của Bỉ hơi chậm chạp vì chưa từng đụng độ với bất cứ tình huống nguy hiểm nào, ngày diễn binh kéo xe tăng xe pháo, mọi người bảo nhau "có biết bắn hay không đấy".

Nói thế để biết cái đất nước đó nó hiền lành và ba phải biết bao nhiêu.

Thế mà sáng nay đất nước của Tintin có hơn ba mươi người nằm xuống, khoảng hơn một trăm người bị thương. Chỉ vì một nhóm người không thích cái lối sống của nước Bỉ, không thích những gì nước Bỉ đã cho mình, không thích tất cả trừ chuyện giết người vô tội. Tấn công tự sát, nghĩa là nó cũng nổ tung cùng lúc với trái bom cột chặt vào bụng, con đường đi lên thiên đàng ngắn nhất. Cứ việc đi, nhưng tại sao lại bắt chừng đó người, những người tay còn cầm túi hành lý, vé máy bay, chuẩn bị cho một chuyến đi xa, những người sáng ra đi làm như mọi ngày mà không biết rằng buổi chiều mình không về nhà, cùng đi với mình?

Những người nằm xuống, không bao giờ biết ngày mai sẽ như thế nào, đã từng một cách trực tiếp hay gián tiếp, dùng chính tiền thuế đóng góp của mình nuôi cái quả bom tự sát đó, từ khi nó được đẻ ra, lớn lên đi học, chắc không đi làm, để rồi hôm nay nuôi ong tay áo. Họ, những người đã  nuôi cái  mầm mống ung nhọt hận thù đó, nằm chết trên sàn sân bay Zaventem mảnh vỡ tung tóe, trên sàn métro Maelbeek máu chảy loang lổ, mà không kịp hiểu tại sao lại là chính họ, mà không kịp biết vì đâu nông nỗi, mà không ngờ rằng lòng tốt của mình được trả giá bội bạc đến như vậy.

Bắt đầu từ tối hôm nay trở đi sẽ có những bữa ăn dư một bộ dĩa muỗng, những công sở dư một chỗ ngồi, những bức hình chụp sẽ có một khoảng trống không gì lấp đầy được. Ai sẽ phải trả giá cho những mất mát đó? Cái thằng khốn kiếp chết cùng với họ ư? Gia đình của nó ư? Tổ chức nhà nước Hồi Giáo IS sẽ nhơn nhơn đứng ra nhận, rất đỗi tự hào vì đã đánh một cú chí tử vào “trái tim của Châu Âu”.  Nhưng chúng sẽ bị cả thế giới  xỉ vả, lên án và quyết tâm diệt tận gốc càng quyết liệt hơn. Giải pháp hòa bình cho mọi xung đột giữa tổ chức này với phần còn lại của thế giới càng đi dần chức này với phần còn lại của thế giới càng đi dần về con số zero hoặc dưới zero. E rằng bạo lực sẽ càng mạnh mẽ hơn, từ cả đôi phía.

Cái đất nước bé tí này, cái đất nước của Xì Trum – Peyo, sáng nay có ba quả bom nổ ở hai chỗ khác nhau, mang theo hơn 30 sinh mạng, đủ để làm cả nước bị tê liệt. Nhưng có lẽ mọi người sững sờ, tê tái vì sự khủng khiếp, dã man, vô nhân tính của lũ giết người nhiều hơn. Métro đóng cửa, sân bay đóng cửa, biên giới đóng cửa, trường học đóng cửa. Xe nhà thương xe cảnh sát hú còi ầm ĩ, xe cộ ách tắc trên xa lộ. Và mọi người nhìn nhau bàng hoàng. New York năm 2001 đã từng trải qua thảm cảnh này, rồi tới Paris năm 2015 đã đi qua mọi chết chóc vô nghĩa, và hôm nay là Bruxelles. Nhân loại tê điếng vì cách người người đối xử với nhau. Nhân loại nhìn nhau không hiểu vì sao. Jacques Brel xứ Bỉ đã từng hát cách đây khá lâu “Quand on n' a que l’amour”, bài hát này được chọn hát trong dịp tưởng niệm những nạn nhân đã chết ở Paris năm ngoái, bây giờ cất lại lên cho những người nằm xuống ở Bruxelles. Bài ca hòa bình cho nhân loại  nhưng chắc chắn đã chẳng lọt vào tai những kẻ giết chóc, những kẻ cố tình chà đạp lên những gì cao đẹp nhất của loài người.
Quand on n' a que l'amour
A s'offrir en partage
Au jour du grand voyage
Qu'est notre grand amour

Quand on n' a que l'amour
Mon amour toi et moi
Pour qu'éclate de joie
Chaque heure et chaque jour

Quand on n' a que l'amour
Pour vivre nos promesses
Sans nulle autre richesse
Que d'y croire toujours

Quand on n' a que l'amour
Pour meubler de merveilles
Et couvrir de soleil
La laideur des faubourgs

Quand on n' a que l'amour
Pour unique raison
Pour unique chanson
Et unique secours

Quand on n' a que l'amour
Pour habiller matin
Pauvres et malandrins
De manteaux de velours

Quand on n' a que l'amour
A offrir en prière
Pour les maux de la terre
En simple troubadour

Quand on n' a que l'amour
A offrir à ceux-là
Don't l'unique combat
Est de chercher le jour

Quand on n' a que l'amour
Pour tracer un chemin
Et forcer le destin
A chaque carrefour

Quand on n' a que l'amour
Pour parler aux canons
Et rien qu'une chanson
Pour convaincre un tambour

Alors sans avoir rien
Que la force d'aimer
Nous aurons dans nos mains
Amis, le monde entier
Quân khủng bố như cỏ dại, nhổ chỗ này, mọc chỗ khác. Bởi vì chúng chẳng còn gì để mất, hoặc tự cho là chẳng còn gì để mất, ngoại trừ thiên đàng như bánh vẽ trước mặt, và có thể đâu đó, là một số tiền kha khá để lại cho gia đình chăng? Nước Bỉ đã từng giang rộng vòng tay tạo cho không biết bao nhiêu người tị nạn những cơ hội ngang bằng dân bản xứ. Cơ hội đó là đồng đều, thế thì tại sao một nhóm thanh niên mặt mũi non choẹt, sinh ra ở Bỉ, nói tiếng Pháp xoen xoét, tiếng Hòa Lan bị bắt học ở trường cho rằng khó quá  ì à ì ạch mãi không xong một mẩu đối thoại, nhưng một câu chào chẳng lẽ không nói được, thì tại sao lại phải đi tự sát cho một chính nghĩa ở tận đâu? Cái chính nghĩa mà nói cho cùng, đã đẩy hơn hai phần ba dân số của Syria bỏ chạy tán loạn, sẵn sàng bỏ mạng chết trên biển để đến được Châu Âu, cái chính nghĩa đã đẩy mọi người ra khỏi tổ ấm của mình, ra khỏi mái nhà của mình, ra khỏi quê cha đất tổ của mình, để rồi tha phương cầu thực, vất vưởng trong các trại tị nạn, chờ tấm lòng nhân ái của một quốc gia nào đó. Và nếu quốc gia đó có mở lòng đón họ, cùng lúc đón luôn nguy cơ khủng bố chen vào. Sau này, nếu các quốc gia có tuyên bố đóng cửa cho làn sóng tị nạn, thì xin hiểu giùm cho tại sao.

Dù cho có nhân danh bất cứ cái gì đi nữa, lấy đi chừng đó sinh mạng của những người vô tội là điều bất chính nghĩa nhất trên đời, là điều đáng bị sỉ nhục, đáng bị lên án và không bao giờ tha thứ được.

Sáng nay đọc hàng tin lớn trên CNN “Brussels under attack” không kìm được nước mắt! Belgium là quê hương thứ hai của mình, mọi nhớ mong mọi trông ngóng đều hướng về nó, mọi vui buồn đều dồn về nó, vì nó có Ba có Má, có anh chị em, vì nó đã cưu mang mình những bước đầu chập chững đất khách quê người, vì nó đón nhận mình trong vòng tay rất đỗi êm ái, hòa bình và thân thiện của nó và vì nó đã cho mình một cơ hội để từ đó mình mới được như ngày hôm nay.  Mình rất đỗi tự hào để tuyên bố rằng “Je suis Bruxelles”, ngày hôm nay và mãi sau này.

Tự trong đáy lòng, xin chia buồn với tất cả những nạn nhân của ngày hôm nay. Công lý sẽ đến với tất cả mọi người, mọi tội ác sẽ bị trừng phạt, nhân loại không dung tha cho mọi bạo lực đã và đang núp bóng dưới bất cứ chiêu bài nào, dưới bất cứ chính nghĩa nào dưới bất cứ tôn giáo nào.

Be strong, Belgium!

Lan Hương
Fort Worth 03/22/2016
___________

**  Les Aventures de Tintin (Những cuộc phiêu lưu của Tintin) là truyện hoạt họa nhiều kỳ do nhà hí họa và dựng truyện người Bỉ, Georges Remi, sáng tạo dưới bút hiệu Hergé. Truyện rất nổi tiếng không phải chỉ ở Bỉ mà khắp cả Âu Châu trong thế kỷ 20. Khoảng 200 triệu ấn bản đã được bán ra. (TTR)

25 March 2016

Mỹ vẫn chưa cạn tầu ráo máng với Hoa Cộng qua ngã RIMPAC


Điền Thảo

Cuộc Thao dượt RIMPAC (Rim of the Pacific Excercise) lâu nay được cho là cuộc tập trận lớn nhất do Mỹ điều động và cứ hai năm một lần diễn ra gần Hawaii. Cuộc tập trận 2014 có 22 nước tham dự gồm có cả Nước Tàu CS lần đầu tiên được Mỹ mời.

Nhưng dư luận Mỹ càng ngày càng tỏ ra nghi ngờ thiện chí của Hoa Lục. Chính phủ Mỹ đã tưởng rằng khi mời Hoa Lục tham dự RIMPAC có thể giải tỏa bớt tình trạng căng thẳng nhưng thực tế sau cuộc tập trận năm 2014 tình trang căng thẳng tại Biển Đông lại tăng lên.

Giới truyền thông Mỹ cụ thể là tờ The Diplomat đã gợi ý rằng việc rút lại lời mời Nước Tàu CS tham dự RIMPAC năm nay là một biện pháp bắt Bắc Kinh phải trả một cái giá hợp lý cho việc cường quốc Á Châu này đã đơn phương bồi đắp các đảo san hô tại Biển Đông và ráo riết quân sự hóa gây căng thẳng tại vùng này.

Quốc hội Hoa Kỳ đã triệu tập một buổi chất vấn bộ quốc phòng Mỹ quanh việc mời Nước Tàu CS tham gia cuộc tập trận chung RIMPAC sắp tới. Càng ngày Quốc hội Mỹ càng tỏ ý chống đối việc lìện hệ quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Lục trong khi không có một dấu hiệu tích cực nào để đổi lại.

Đầu tuần này dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ Tiểu Bang Hawaii đã yêu cầu Bộ Quốc phòng xem xét việc rút lại thư mời Nước Tàu CS tham dự cuộc tập trận RIMPAC năm nay.   Dân biểu Takai, Tiểu bang Hawaii, nói rằng "Chúng ta có nên khen thưởng Nước Tàu vì những hành động gây hấn của họ mà mời họ tham dự vào một cuộc thảo dượt quân sự có ý nghĩa liên minh và đối tác?"

Nhiều giới chức cũng đã có quan điểm tương tự quan điểm của dân biểu Takai, như các Nghị sĩ John McCain, R-Ariz., và Jack Reed, là những viên chức vào năm 2015 đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Carter kêu gọi bỏ Hoa Lục ra khỏi danh sách tham dự cuộc thao dượt RIMPAC. Bức thư nói rằng cần "có chính sách bắt Nước Tàu phải trả cái giá cho những manh động của họ thay vì khen thưởng."

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nói rằng "Chúng ta đang liên tục lượng giá mối liên hệ với Nước Tàu và thái độ của nước này ở Biển Đông (Biển Hoa nam), khu vực mà, xin nhấn mạnh là chúng ta rất lo ngại về cuộc quân sự hóa ở đây."

Giới chức hải quân luôn bày tỏ lo ngại về chuyện Nước Tàu lăm le kiểm soát tư do lưu thông tại Biển Đông (Biển Hoa nam) nơi lượng hàng hóa trao đổi với Hoa Kỳ hàng năm lên đến 1.2 ngàn tỷ Mỹ kim.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban quân sự Quốc hội hôm thứ ba tuy Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nói Ngũ Giác Đài vẫn liên tục cân nhắc việc Hoa Cộng quân sự hóa Biển Đông (Biển Hoa nam) nhưng không đồng ý với dân biểu Hawaii đề nghị thu hồi lời mời Hoa Lục tham dự cuộc thao dượt quân sự toàn cầu này.

Ông còn giải thích rằng việc Nước Tàu tham gia vào cuộc thao dượt sẽ giúp cho lực lưọng hải quân hai nước tập trung đối phó với "những khó khăn an ninh chung" chẳng hạn như nạn hải tặc và nạn khủng bố và tạo ra sự thông cảm giúp làm dịu sự căng thẳng trong vùng.

Vào năm ngoái Đô đốc Mỹ Greenert người đứng đầu điều hành hải quân Mỹ nói rằng người tương nhiệm của Hoa Lục là Tướng Wu  tỏ ra "rất khoái được tham dự cuộc thao dượt RIMPAC" vào năm 2016.

Trong khi giới lập pháp Mỹ càng ngày càng tỏ ra lo ngại những hành động bất thường của Bắc Kinh và chống đối việc thắt chặt thêm liên hệ quân sự giữa hai cường quốc, thì Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn dè dặt và vẫn muốn để ngỏ một lối thoát cho Nước Tàu CS, điển hình là đạt lời mời hải quân Hoa Lục tham dự cuộc thao dượt RIMPAC tới đây.

Điền Thảo
TTR

________________

Hình: RIMPAC 2014 (The Business Insider) 





24 March 2016

Làm nhục công an bằng sự ngu dốt

Blogger Phạm Đoan Trang -
người bị bắt giữ không cho đến
tham dự phiên tòa. Ảnh: BBC

Có một chi tiết mà những người không được vào dự phiên tòa “công khai” xử Anh Ba Sàm và Minh Thúy chưa biết, đó là: Hội đồng xét xử, với ngài thẩm phán Nguyễn Văn Phổ, và hai hội thẩm viên già nua, đều là những người mù tịt về CNTT, về Internet, về blog và mạng xã hội...

Họ thậm chí còn phát âm sai những từ mà ngay cả đứa trẻ cũng có thể đọc được, ví dụ gmail được các ngài đọc thành “GỜ MAI”. Còn từ “wordpress” với họ thì quả là một thử thách.

Một nhân viên an ninh, trong buổi “làm việc” hôm qua với tôi, còn cho biết, cơ quan an ninh đã đến gặp và “làm việc” kỹ với ông Nguyễn Văn Phổ - thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. “Ông ấy kêu ‘tôi chả biết mạng mẽo gì đâu, chả dùng Facebook, chả bao giờ lên mạng’. Thế càng tốt, đỡ rác tai” - nhân viên an ninh nọ nói và cười hì hì.

Đúng, thẩm phán Phổ không biết dùng mạng nên đỡ phải rác tai nghe blogger réo tên ông mà chửi. Thế là tốt cho ông. Nhưng đối với phiên tòa ngày hôm qua, đối với hai bị cáo hay nói đúng hơn là hai bị hại, đối với công lý, thì những gì ông và cái tòa án của công an kia thể hiện đã là một sự nhạo báng rất khốn nạn.

Xử một người như Nguyễn Hữu Vinh, một trí thức, một blogger đi tiên phong trong việc dùng mạng Internet để khai dân trí, mà lại dùng những thẩm phán không dùng mạng và không biết đọc từ “wordpress”, không đọc nổi cả từ “gmail”. Điều đó khiến tất cả những lập luận của ông Vinh và các luật sư, dù sắc sảo, dù hùng biện đến đâu, cũng thành vô nghĩa trước những bộ mặt ngớ ngẩn.

Dùng kẻ ngu để vô hiệu hóa, tầm thường hóa trí thức - đó là chiến thuật mà chính quyền công an trị vẫn sử dụng suốt nửa thế kỷ nay. Chúng ta vẫn còn nhớ Chuyện kể năm 2000, trong đó, nhân viên công an hỏi cung một nhà văn về tác phẩm của ông ta, đã hí hoáy viết: “Con rế trong căn buồng ông thuyền trưởng”.

Nhà văn rầu rĩ: “Tao thật sự chán ngán. Lấy cung một người viết văn mà những chữ bình thường nhất cũng viết sai chính tả”.

Công an thật là biết làm nhục dân quá.

(Theo Blog Đoan Trang)

23 March 2016

Guantanamera qua tiếng hát Celia Cruz

Nhân dịp ông Obama sang thăm Cuba, nhiều người vui. Có người viết trên NET chúc ông vui với nhạc Guantanamera, hát chút chút và khiêu vũ với dân Cuba.

Guantanamera có thể là bài hát nổi tiếng nhất của Cuba và là bài hát thắm tình quê hương, nhất là khi dùng lời bài thơ của thi sĩ José Marti mà hát. Nhạc sĩ sáng tác là Joseíto Fernández. Năm 1966 một phiên bản do nhóm đồng ca Mỹ  The Sandpipers sáng tác đã đưa bài hát lan rộng đi khắp nơi trên trái đất. (TTR)


Guantanamera - The Sandpipers:

Tin tức nổi bật . . .

Tổng thống Obama thăm Cuba

Trong bài phát  biểu không soạn sẵn tại Gran Teatro de la Havana Cuba ở thủ đô Havana,  ông nói: "Tôi đến đây để chôn cất những tàn tích sau chót của cuộc chiến tranh lạnh" kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa hai nước. Ông mong muốn tương lai Cuba sẽ đầy hy vọng.

Ông nhấn mạnh nhân quyền có tính phổ quát chứ không có tính chính trị. Ông tin tường người Cuba sẽ có những quyết định hợp lẽ phải.

Bài phát biểu được đài truyền hình nhà nước Cuba truyền đi nên đã giúp tổng thống Mỹ có dịp nói chuyện trực tiếp với dân chúng Cuba. Chủ tịch Raúl Castro ngồi trên ban-cô-ni đối diện tổng thống Mỹ trên sân khấu phia dưới, đã nghe Obama nói với dân chúng: "Tôi tin rằng dân chúng cần được bầy tỏ những suy nghĩ của mình mà không phải sợ hãi." (TTR tóm lược)


Đây là lần đầu tiên sau Chín Thập Niện một tổng thống Mỹ đến thăm Cuba.

 
Bất chấp trời mưa, tổng thống Mỹ và phu nhân viếng thăm khu phố cổ Havana và dân chúng.
Cách xa khoảng vài cây số những người tranh đấu cho nhân quyền đang xô xát với cảnh sát.

_______________________________

Khủng bố đánh bom tại Bỉ

Hai vụ nổ bom tại phi trường và một vụ nổ khác xẩy ra vào giờ cao điểm tại trạm xe điện ngầm trong khu có nhiều cơ sở đầu não của Liên Âu tọa lạc. Theo CNN cho hay ít nhất 34 người chết và  hơn 170 người bị thương trong ba cuộc đánh bom tự sát mà "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đã nhận gây ra.

Theo các chuyên gia tình báo hải ngoại của Mỹ, vụ đánh bom ở sân bay Zaventem lẽ ra có thể được ngăn chặn nếu như lực lượng an ninh và cả người dân Bỉ có tinh thần cảnh giác cao hơn trước những dấu hiệu bất thường của những kẻ khủng bố.

"Nếu tôi thấy một gã bước vào khu làm thủ tục sân bay mà chỉ đeo một chiếc găng tay, tôi sẽ nghi ngờ và tách anh ta ra để kiểm tra riêng. Nếu tôi không hài lòng với những câu trả lời của anh ta, vụ tấn công chắc chắn sẽ được chặn lại", Don Hubbard, cựu đặc vụ FBI và hiện là một chuyên gia an ninh tư nhân, cho biết.

Nhiều chuyên gia an ninh khác cũng nhất trí rằng chiếc găng tay đơn lẻ của các nghi phạm là dấu hiệu đáng chú ý nhất trước vụ tấn công, và nó rất dễ bị phát hiện bởi những con mắt nhà nghề. "Chúng chỉ đeo găng trên một tay. Đó chắc chắn là một dấu hiệu đáng ngờ, rất bất thường", Tony Schiena, một chuyên gia an ninh tại London, nhận định.

"Việc chúng chỉ đeo găng tay bên trái để che giấu thiết bị kích nổ quả bom đồng nghĩa với việc chúng không có phương án dự phòng. Dù sao, quả bom cũng phát nổ".

Một toa tàu tan hoang ở
nhà ga Maelbeek.
Ảnh: Corbis 

Ảnh phía dưới: Người đàn ông trong tấm hình không có ngày tháng trên đây cơ quan an ninh nhận diện là Khalid El Bakraoui,  một trong những nghi phạm chính gây ra cuộc đánh bom khủng bố tại Bỉ. Reuters/Interpol/Handout via Reuters



_________________________

Trộm cướp tại Thành Hồ

"Tôi yêu cầu phải đến gặp du khách để xin lỗi nhưng hiện nay chưa tìm được ai để chịu trách nhiệm chính, ngành công an hay ngành du lịch?", Bí thư Thăng nói.

Trước đó, nữ du khách 21 tuổi, quốc tịch Ai Cập, và người bạn trai 24 tuổi đang đứng xem bản đồ trên đường Lương Hữu Khánh, chiều 11/3, bất ngờ bị hai thanh niên chạy xe máy áp sát, giật giỏ xách rồi tháo chạy.

Bị giật tiền, thẻ ngân hàng cùng một số giấy tờ tùy thân, cô gái hoảng loạn, ngất lịm, được mọi người đưa vào lề. Tỉnh lại, nữ du khách khóc nức nở. Cảnh sát sau đó đã hỗ trợ mua cho cô sạc điện thoại, đưa cô về nơi cư trú.

Ông Phúc (55 tuổi), người cho đôi nam nữ ở nhờ cho biết, cô gái là sinh viên dành dùm tiền để đi du lịch "bụi". Hôm bị cướp, cô gái mới vừa rút tiền từ người nhà gửi qua ở một ngân hàng gần đó, sau đó đi ăn trong một nhà hàng ở quận 1.

Theo lịch trình, cô gái chỉ ở nhờ nhà ông Phúc hai ngày và tiếp tục hành trình du lịch nơi khác. Vì bị mất túi xách nên đôi nam nữ xin ông Phúc ngủ lại thêm một đêm nữa, sáng 12/3 hai người đã rời khỏi TP HCM. Ông Phúc không biết hai người đã đi đâu.

Theo Sở Du lịch TP HCM, ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài đến TP HCM nhưng an ninh cho họ là điều quan ngại nhất. Riêng năm 2015 Sở nhận được công hàm từ đại diện các nước Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố, phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản...

22 March 2016

Hoàng Phương ĐS14 vĩnh viễn ra đi


Chia buồn và kỷ niệm ...

Anh Bùi Đắc Danh vừa minh xác một hung tin: đồng môn ĐS14 Hoàng Phương đã qua đời ở Royal Oak, MI, lúc 11:00g đêm, ngày 17/3/2016, hưởng thọ 76 tuổi(Chị Hoàng Phương đã chính thức cho anh Danh biết qua cuộc điện đàm). Anh Bùi Đắc Danh đã thay mặt các bạn ĐS14 gởi lời phân ưu đến gia đình chị Phương. Vậy xin thông báo tin buồn đến quý anh chị để chúng ta cùng góp lời cầu nguyện, mong cho vong linh người bạn quá cố sớm vãng sanh miền cực lạc.
(Nguyễn Đức Tín, Nam California)
**

Xin chia sẻ nỗi buồn mất mát Người thân đến Chị Hoàng Phương và Gia đình Anh Hoàng Phương. Cùng chia buồn với tât  cả gia đình Đs 14, chúng ta vừa mất đi người Bạn thân thương- Anh Hoàng Phương . Kể từ ngày mất nươc, tôi chỉ được gặp Anh Hoàng Phương một lần duy nhất tại nhà Anh Bùi Đắc Danh , khoảng 10 năm trước. Anh Hoàng Phương rât có tình nghĩa với gia đình Đs 14. Trong ngày họp măt tai nhà Anh Búi Đắc Danh, tôi nhớ không lầm thì Anh Hoàng Phương đã bõ ra số tiền lớn (gần usd 1,000.) mua họa phẩm của Anh Nguyễn Thế Vĩnh vẽ, bán đấu giá trong ngày họp mặt, và tiền này được góp vào quĩ của gia đình ĐS14 . Nhắc lại chuyện cũ để tưởng nhớ Anh Hoàng Phương rất tình nghĩa và lần nữa cảm ơn vong linh Anh Hoàng Phương. Chào Vĩnh Biệt Anh .
(Nguyễn Thái Hùng, Sacramento, California)
**

Sao vội ra đi?
Xin chân thành chia buồn với quý Anh Chị và tất cả chúng ta. Thế là không còn có cơ hội để gặp lại Anh Hoàng Phương ở đây, sau lần gặp đã hơn 10 năm. Xin thành kính phân ưu với Gia đình Anh, và nguyện cho Linh hồn Anh sớm về nơi vĩnh phúc!

Trong lần họp mặt vào mùa Hè năm 2004 tại Orange County có mặt các bạn sau đây:
Nguyễn Văn Ảnh, Bùi Đắc Danh, Nguyễn Ngọc Cường, Lý Quốc Hùng, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Thái Hùng, Vũ Công Hùng, Lê Đình Kịp, Hoàng Văn Lợi, Trương An Ninh, Hoàng Phương, Hồng Cẩm Phương, Huỳnh Văn Quế, Hà Hải Sơn, Cao Minh Tâm, Nguyễn Văn Thi, Nguyện Đức Tín, Lê Quang Trình, Trần Đình Vinh, Nguyễn Thế Vĩnh, Phạm Công Xuân.
 Xin vui lòng chờ đợi lần họp mặt năm nay hoặc năm tới. Xin đừng vội ra đi...
(Lê Quang Trình, Nam California)
**

Thưa Chị Phương và các bạn. Trưóc tiên, xin đưọc kính đến chi lời chia buồn sâu sắc nhứt... Xin thưa, trong bức hình, đây là lần đầu tiên, anh em hội ngộ đông nhứt(gồm 20 CSV), vào năm 2004 (?). Anh Thái Hùng đã ghi lại những kỷ niệm thật khó quên.. . Anh Phương là ngưòi luôn đưọc lòng anh em vì tánh tình hiền hoà. . Rất tiếc, nơi xứ ngưòi xa xôi dịu vợi, anh em gặp nhau dù chỉ một lần cũng quá quí rồi. . Nhìn lại bức ảnh, đã qua 12 năm, mà cứ tưỏng như mới ngày nào.
(Trương An Ninh, Nam California)
**

Xin thành kính chia buồn cùng chị Hoàng Phương,các cháu cùng tang quyến về sự mất mát lớn lao này. Hiệp thông cùng các bạn ĐS14 cầu nguyện cho hương hồn bạn  sớm siêu thăng nơi cõi Niết Bàn.
Gia đình Nguyễn Đăng Độ
Gia đình Đinh Ngọc Tề

** 
 
Xin thành kính chia buồn với chị Phương cùng tang quyến. Cầu nguyện hương linh anh Hoàng Phương sớm về cõi Niết Bàn.
(Hà Hảl Sơn, San Jose, California)
 **

Xin thành kính chia buồn cùng Chị Phương các cháu và tang quyến. Nguyện cầu hương hồn người quá cố sớm siêu sanh miền cực lạc.
(Các bạn đồng môn ĐS14 ở SG VN: NDĐông, NNĐiệp, LBLễ, BChâu, NVToàn, LCHạnh, THTiên)
**

Đúng là giấc mộng. Chỉ như sau một cái chợp mắt, mọi sự đã qua đi. Hơi ấm lòng bàn tay, tiếng cười vỡ òa giọt nước mắt vui ngày tái ngộ. . . nhưng còn đâu nữa!. May mà còn ánh dương với tiếng chim ban mai, may mà vần còn vầng trăng tròn hiền dịu như gương mặt mẹ, may mà còn tiếng thì thầm của biển khơi để lắng nghe.... Nhưng xin đừng để tôi đóng cửa lớp, vắng lắm, buồn lắm!.
(Nguyễn Thế Vĩnh, Hamilton, Canada)
**

Tưởng Nhớ Anh Hoàng Phương

Anh Hoàng Phương ở cùng lầu 2 với tôi tại ký túc xá của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh vào những năm theo học Ban Đốc Sự khóa 14.

Anh là người tuy to, cao, “dềnh dàng” nhưng lại hiền lành, xuề xòa, dễ tính, tốt bụng, hay giúp đỡ bạn bè trong khả năng của bản thân.  Cứ đến buổi cơm trưa hay chiều tối anh đều cầm ca khua loong coong đi khắp tầng lầu để nhắc nhở mọi người xuống câu lạc bộ dùng bữa.  Sau khi tốt nghiệp anh và tôi cùng trấn nhậm 2 quận sát cạnh nhau  nằm ép mình bên dòng Lại Giang thuộc miền bắc tỉnh Bình Định. Anh ở Hoài Nhơn với thị trấn Bồng Sơn sầm uất, nên thơ, trữ tình, còn tôi ở Hoài Ân, quận miền núi, nằm trơ vơ quạnh quẽ trên dẫy đồi trọc không xa chỗ đóng quân của sư đoàn 3 Sao Vàng VC.  Những lúc rảnh rỗi hoặc để tạm quên hiểm nguy của quận, tôi cùng vài nghĩa quân hộ tống, đi bộ khoảng gần nủa tiếng tới quận đường của anh tán dzóc.  Lần nào anh cũng đãi tôi vài ly đế.  Tôi biết uống rượu từ khi đi làm phó Quận Hoài Ân nhờ những ông Xã, Ấp trưởng và cũng nhờ người bạn cùng khóa Hoàng Phương.  Sau này những khi “khề khà” tôi đều nhớ đến anh.

Hai năm sau anh chuyển về tỉnh Định Tường còn tôi đi tỉnh Ninh Thuận.  Thế là xa nhau, mất hẳn liên lạc với nhau cho đến ngày mất nước.  Tôi tự tra chân vào tù, sau đó vượt biển và định cư tại New York city từ năm 1984 tới ngày nay.

Đến đầu năm 2004, lớp ĐS 14 hẹn gặp nhau ở miền nắng ấm Nam California tại nhà anh Bùi Đắc Danh. Bạn bè gọi nhau ơi ới để nhắc nhau đi trong đó có anh Hoàng Phương.  Mừng hơn “mở hội”, tôi hấp tấp “dự hội” 14 mong gặp lại những bạn cùng lớp và nhất là gặp anh, một người đầy ắp kỷ niệm với tôi.

Anh vẫn như thuở còn đi học, hầu như không khác gì.  Bạn bè gặp nhau nói những chuyện chẳng đâu vào đâu, gần như tranh nhau để nói.  Riêng anh vẫn chỉ cười cười, ít nói, đặc biệt hôm đó anh mang theo chai rượu mạnh (chứ không còn là rượu đế như xưa) và mời mọi người cụng ly.  Tôi ngồi cạnh anh, được anh tiếp rượu nhiều nhất .  Anh bảo nhỏ tôi uống đi để nhớ lại ngày ở bắc Bình Định, không biết “leo lên bàn thờ” lúc nào.  Tôi ngất ngư theo anh rồi từ từ chẳng còn biết gì.  Ngày hôm sau, ngồi uống cà phê với nhau tại một nhà hàng tôi mới biết là tôi đã gục, bạn bè chở về nơi cư ngụ, còn anh vẫn tiếp tục uống như uống nước lã.  Tửu lượng anh mạnh quá, hơn tôi xa, mà hình như anh hơn tôi về đủ mọi chuyện.

Sau đó hàng tháng tôi vẫn liên lạc bằng điện thoại cho đến cách đây khoảng 3 tháng không ai trả lời, tôi nghĩ anh đã di chuyển đâu đó, Cho đến sáng hôm nay đọc email mới biết. Bàng hoàng, đau xót, một bạn thân đi xa.

Vẫn biết Sinh Ký Tử Quy, có đến thì phải có đi, nhưng sao vẫn thẫn thờ như vừa đánh mất một báu vật.

Anh Hoàng Phương ơi, xin Tạm Biệt anh.  Một ngày không xa tôi sẽ gặp lại anh tại Cõi Hằng, mình lại bên nhau và cụng ly như ngày nào.
Yên nghỉ anh Phương nhé.

New York city
22 Tháng 3 Năm 2016
Nguyễn Ngọc Cường

**

Thành kính chia buồn cùng chị Hoàng Phương và tang quyến.
Câu nguyện cho anh Hoàng Phương sớm Tiêu diêu miền Cực lạc.
(Ga đình Diệp văn Cẩm Florida)
**

"Nếu tưởng nhớ... xin âm thầm cầu nguyện,
Nên xem như giải thoát một kiếp người,
Cứ bình tâm, thoải mái với vui tươi,
Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặp..."

Xin gửi lại mấy câu thơ của Thái Thúc Hoàng Minh mà bạn nào đã gửi trước đây.
Xin cầu nguyện cho Anh Hoàng Phương mau về cõi vĩnh phúc.
Hẹn ngày gặp lại!
(Lê Trình, Nam California)
**

Thưa quý anh chị,

Sau khi đọc email báo tin anh HP qua đời, chị Thạch Thị Nho (ở Dearborn Hgts - MI) có điện đàm với chị Hoàng Phương, chỉ tiếc là chúng ta đã biết tin buồn quá trễ - Chị Nho cho biết rằng HP mất 17/3, đến 19/3 thì tang lễ và hỏa táng đã xong. Anh BĐDanh có điện đàm với chị Phương 1 lần để thay mặt chúng ta nói lời phân ưu, còn chị  HP thì không có email nên việc liên lạc bằng điện thoại là tiện nhất.

Có một điều quan trọng mà chị TT. Nho có email cho tôi biết, đó là  di nguyện của Hoàng Phương v/v muốn tro cốt của mình sẽ được an vị tại Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH ở California, một đề án do bác sĩ/ca sĩ Trung Chỉnh đứng ra thực hiện.
Xin quý anh chị lưu ý theo dõi cho đến khi đề án được thực hiện xong, nghĩa trang mở cửa, ai biết tin sớm xin vui lòng thông báo ngay cho các bạn ĐS14 Nam Cali , hay cho chị Phương ở  số (248)545-7415(Business).

Mong rằng vong linh của bạn HP sẽ rất hài lòng trước tâm nguyện của các đồng môn Hội CSV/QGHC Nam Cali qua lời phân ưu cuả Hội, và trước những lời thương tiếc qua email, qua các bài viết đầy cảm xúc và trang trọng của các thành viên gia đình ĐS14, đặc biệt trước sự quan tâm của 2 vợ chồng anh chị Nghĩa-Nho ở MI và anh Bùi Đắc Danh ở Nam CA.

Nếu muốn liên lạc với chị HP, quý anh chị có thể gọi số phone nêu trên.

Thân mến,
NĐT

21 March 2016

Về nhân vật Lý Chánh Trung

Bạch Diện Thư Sinh

GS Lý Chánh Trung vừa qua đời tại VN ngày 13-3-2016. Nhiều người tiễn chân ông bằng những lời ca tụng đẹp đẽ nhất. Chúng tôi thì không, mặc dù chúng tôi từng biết nhiều về ông. Chúng tôi muốn tiễn chân ông bằng một bài viết, trích từ cuốn Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà của chúng tôi (sẽ tái bản tại HK vào Tháng 3 – 2016)

Trước 1975, Lý Chánh Trung là một viên chức được hưởng nhiều ưu đãi của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Ông từng làm giám đốc Nha Trung Học, đổng lí văn phòng Bộ Giáo Dục, giảng sư tại Văn Khoa Đại Học Sài Gòn và được chính phủ VNCH cấp đất và phương tiện xây dựng căn biệt thự tại Làng Đại Học Thủ Đức, nơi gia đình ông cư ngụ cho tới nay.

Là một trí thức, hành trình tư tưởng của Lý Chánh Trung đi từ cấp tiến, tới thiên tả, rồi thiên Cộng. Hồi mới du học về nước, ông suy tư, ông băn khoăn về vận mạng dân tộc vừa thoát nạn thực dân Pháp lại đến chiến tranh với “Đế Quốc Mĩ xâm lược”. Ông muốn đất nước được giải phóng, được độc lập. Ông đi tìm giải pháp và ông tỏ ra hớn hở vì đã “khám phá” ra một giải pháp mà ông cho là thần hiệu, vạn năng, đó là hai chữ “Dân Tộc”. Thế là ông ôm ngay lấy hai chữ thiêng liêng ấy. Ông diễn thuyết về “Dân Tộc” (tại Văn Khoa, 1967) và viết sách Tìm Về Dân Tộc (Trình Bày, 1967).

Vấn đề then chốt là Lý Chánh Trung không thấy, không quý cái nội dung căn bản của hai chữ “Dân Tộc” đang được thể hiện, đang được bảo vệ ngay tại Miền Nam tự do. Miền Nam tự do dù đang phải chiến đấu chống Cộng Sản nhưng vẫn hi sinh xương máu để bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ, vẫn tôn trọng tự do của người dân, vẫn bảo vệ những quyền căn bản của người dân, và vẫn gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp mọi mặt trong công cuộc phát triển đất nước... Lý Chánh Trung là một trí thức ảo tưởng, không tỉnh táo để phân biệt trắng đen, cho nên đã đứng núi này trông núi kia cao. Ông quay lưng lại với chế độ tự do ưu đãi ông. Xin đan cử một chi tiết nhỏ là ở Miền Nam thời ấy, khó tìm đâu ra được một vị giáo sư chỉ có bằng Cử Nhân mà được mời làm giảng sư đại học như trường hợp Lý Chánh Trung. Tại Văn Khoa, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt liên quan tới Việt học và Hán học, theo luật lệ trường ốc, nếu không có bằng Cao Học trở lên thì vị giáo sư cần có công trình biên khảo hoặc nghiên cứu thuộc lãnh vực chuyên môn có giá trị và được một ban giám định của Bộ Giáo Dục xét duyệt mới đủ điều kiện được phong cấp giảng sư hay giáo sư đại học. Thế mà Lý Chánh Trung đã vào mật khu để tìm “Dân Tộc”. Khổ nỗi, chỉ cần có kiến thức phổ thông cũng biết Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam là do Cộng Sản Hà Nội dựng nên để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, nó được điều khiển trực tiếp bởi Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R) là đại diện của Cộng Sản Hà Nội. Vậy cho nên tìm “Dân Tộc” mà tìm Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tức là chọn lựa chủ nghĩa Cộng Sản phi dân tộc.

Thật vậy, năm 1968, cũng giống như LM. Nguyễn Ngọc Lan (lúc ấy Ông Lan còn là linh mục, chưa cởi áo dòng về lấy vợ), Lý Chánh Trung đã vào mật khu Cộng Sản, nhưng Cộng Sản bảo hai ông trở về Sài Gòn để chống VNCH trong vai trò là linh mục (Ông Lan), là giảng sư đại học (Lý Chánh Trung) thì mới hữu hiệu. Sau trận đánh Tết Mậu Thân 1968, LM. Nguyễn Ngọc Lan chạy ra “bưng” gặp Trần Bạch Đằng. Chính Trần Bạch Đằng đã xác nhận việc này trong cuốn hồi kí Cuộc Đời Và Ký Ức (NXB Trẻ, 2006, trang 186). Còn việc Lý Chánh Trung vào mật khu gặp Huỳnh Tấn Phát được GS. Nguyễn Văn Lục kể lại trong bài 20 Năm Giới Trẻ MNVN (Motgoctroi.com). Theo lệnh của Cộng Sản, từ đó, Lý Chánh Trung và Nguyễn Ngọc Lan viết các bài chống chính quyền VNCH đều đặn trên các tờ báo thiên tả như Tin Sáng, Đối Diện, Điện Tín, Đại Dân Tộc. Hồi 1970, khi các sinh viên Việt Cộng bị bắt, trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, và bị đưa ra xét xử, Lý Chánh Trung và LM. Nguyễn Ngọc Lan là hai trí thức hăng hái nhất trong các cuộc biểu tình tuyệt thực chống chính phủ đòi thả các sinh viên Việt Cộng.

Sau 30-4-1975, Lý Chánh Trung hân hoan chào đón thắng lợi của Cộng Sản, ông ra mặt nịnh bợ trơ trẽn Cộng Sản và được Cộng Sản đưa vào quốc hội bù nhìn, kèm theo một vài chức “Phó vớ vẩn”. Xem ra, Cộng Sản có khả năng tác động mạnh mẽ và toàn diện con người Lý Chánh Trung, khiến cho ông ta chẳng những tự nguyện làm “cách mạng” trong hành động, trong tư tưởng mà còn làm cuộc “cách mạng” trong niềm tin tôn giáo của ông ta nữa.

Trong giới chữ nghĩa ở Miền Nam trước 1975, ai cũng biết, trước khi sang Bỉ học tại Đại Học Công Giáo Louvain vào năm 1950, Lý Chánh Trung đã theo đạo Công Giáo. Mấy chục năm sau, khi Cộng Sản thắng lợi thì “Lý Chánh Trung bỏ đạo Chúa theo Mác”. GS. Nguyễn Văn Lục viết: “Điều đáng trách nhất nơi ông- mà điều gì khác cũng có thể xí xoá được- là khi Cộng sản vào một thời gian, trước mặt nhiều người, ông tuyên bố công khai kể từ nay, ông bỏ đạo công giáo. Việc công khai hoá ấy ông muốn chứng tỏ cho mọi người biết mà không cần dấu diếm…Có ai bắt ông phải làm một điều như vậy?” (Nguyễn Văn Lục. Trường hợp Lý Chánh Trung. www.danchimviet.info).

Thế nhưng, sau một thời gian mê muội, thực tế xã hội dưới chế độ Cộng Sản trở nên tồi tệ toàn diện đã làm cho Lý Chánh Trung sáng mắt ra. Ông bắt đầu có phản ứng. Năm 1988, ông viết bài đăng trên Báo Tuối Trẻ chê môn Triết Học Mác – Lênin là môn “chẳng ai muốn học, mà cũng chẳng ai muốn dậy”! Thế là ông bị Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh phát biểu với dụng ý ám chỉ răn đe: “Có một số người trước đây là đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc, thực dân. Nhưng bây giờ họ lại có lập trường khác làm cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta” (Đoàn Thanh Liêm. Nỗi Khó Xử Của GS. Lý Chánh Trung. Nhanquyenchovn.blogspot.com). Vốn tính cẩn trọng và biết sợ Cộng Sản, Lý Chánh Trung vội viết thư trần tình và thanh minh cho nên đã được Nguyễn Văn Linh viết thư hồi âm xí xoá, “thoa dịu”. Kết quả là Lý Chánh Trung không bị Cộng Sản bắt bỏ tù hoặc ám hại như trường hợp LM. Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan... Cộng Sản tha cho Lý Chánh Trung nhưng chắc chắn kèm theo điều kiện là ông ta phải chấp nhận sống “ẩn tu” (cũng giống như là chết rồi mà chưa chôn vậy!).

Chung quanh chủ đề Mặt Trận Đại Học với các phong trào sinh viên tranh đấu do Thành Đoàn Cộng Sản chỉ đạo, chúng tôi đã có một bài Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan, và hai bài Đối Diện Với LM Chân Tín, là hai nhân vật đã tích cực bênh vực bọn sinh viên Việt Cộng thì chính ra cũng nên có bài Về Nhân Vật Lý Chánh Trung. Chúng tôi đang bắt đầu viết thì được đọc bài Trường hợp Lý Chánh Trung của GS. Nguyễn Văn Lục (http://www.danchimviet.info/). Nhận thấy ít ai có điều kiện thuận lợi hơn GS. Nguyễn Văn Lục để viết về Lý Chánh Trung. Vì thế, thiết tưởng chúng tôi không cần phải viết thêm một bài nữa về nhân vật này.

Thay vì viết bài, chúng tôi dành thì giờ đánh máy nguyên văn một bài viết của Lý Chánh Trung, nhan đề là Làm Và Tin đăng trong cuốn sách của Thành Đoàn Cộng Sản có tên là Trui Rèn Trong Lửa Đỏ (NXB Trẻ, 2005). Đọc bài này, quý độc giả sẽ trực tiếp “nghe” chính Lý Chánh Trung bộc bạch tư tưởng tình cảm của ông ta, để thấy ông ta suy tôn “Cụ Hồ” cũng như Đảng Cộng Sản lên tận mây xanh và gọi miền đất tự do đã ưu đãi ông ta là “kẻ địch” rồi đạp nó xuống đáy bùn đen, đồng thời để thấy cái tư tưởng vong thân, ảo tưởng, cái tư cách phản trắc, xu nịnh hết sức lố bịch của Lý Chánh Trung.

Thật vậy, bài Làm Và Tin của Lý Chánh Trung và tấm hình chụp ông ta hí hửng được đứng cạnh Tố Hữu đính kèm sau đây là bằng chứng không thể chối cãi về quá trình lột xác theo đuôi Cộng Sản của Lý Chánh Trung. Còn cái hậu quả bi thảm cuối cuộc đời của bản thân Lý Chánh Trung và của gia đình ông ta ra sao thì xin mời quý độc giả tìm đọc bài Trường hợp Lý Chánh Trung của GS. Nguyễn Văn Lục mà chúng tôi đã nhắc tới trên đây.

Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi...

19/03/2016
Bạch Diện Thư Sinh
_______________________________

​LÀM VÀ TIN

TTR: Qua phát biểu dưới đây của Lý Chánh Trung, ông ta đã tỏ ra là một người hoang tưởng tột cùng. Khẳng định này lại càng hiển nhiên nếu đối chiếu vào hiện tình xã hội Việt Nam hiện nay.

"Tuy không phải là người Cộng sản, tôi thành thật mong muốn sự thắng lợi của chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới và tại Việt Nam, vì tôi cho rằng chỉ chủ nghĩa Cộng sản mới tạo dựng được cái xã hội thật sự tự do, bình đẳng và huynh đệ mà tôi hằng mơ ước."
*Lý Chánh Trung

“Cơ quan hữu trách của Nhà nước đã họp báo linh đình hôm thứ bảy để trưng bày những “bằng cớ” chứng tỏ mấy anh sinh viên bị bắt là Cộng sản.

Khác với những kỳ trước, lần này Nhà nước không đưa các phạm nhân ra trình diện làng báo để xác nhận tội trạng của họ mà chỉ cho thấy một lô hình ảnh và tài liệu, nghe đâu nặng tới mấy chục kí lô.

Hình ảnh cũng như tài liệu đều không biết nói cho nên lời nói duy nhất được báo chí ghi lại, là lời nói của Nhà nước.

Và Nhà nước đã dậy rằng mấy anh sinh viên bị bắt nằm trong cái tổ chức gọi là Thành đoàn Thành ngũ gì đó, có nhiệm vụ giựt dây các Ban đại diện sinh viên để hoạt động dưới chiêu bài “dân chủ, dân tộc, hoà bình, bảo vệ quyền lợi của dân chúng”. Hoạt động này gồm những buổi hội thảo, mít tinh, trước tiên là để phản đối các biện pháp kinh tế, giáo dục rất được lòng dân của Nhà nước (như thuế kiệm ước, thuế giấy in, thuế học trò v.v....), hầu lật đổ hai Bộ Kinh tế và Giáo dục, sau đó lật đổ toàn bộ chính phủ để tiến tới một chế độ liên hiệp có lợi cho Cộng sản” (Tin Sáng, 23-3-1970).

Tôi trích lại bài báo trên đây, viết trong đợt đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn năm 1970, một phần là để nhớ lại cái không khí thời đó, phần khác là vì một điều lý thú: lần đầu tiên tôi được nghe nói tới “Thành đoàn”, thì đó là nhờ Tổng nha Cảnh sát của Nguyễn Văn Thiệu!

Thành đoàn, cái tên còn mới tinh, lạ tai và khó hiểu, phải mất mấy phút suy diễn mới đoán ra nó là cái gì! Và cũng như các danh từ có liên hệ với Cách mạng lúc ấy, nó gây một cảm giác rờn rợn do những hình ảnh tù đầy, tra tấn, chết chóc mà cái được gọi là “Nhà nước” tại miền Nam đã gắn chặt vào thân phận những người Cộng sản hoặc có dính líu tới Cộng sản. Nhưng đồng thời nó cũng loé lên ánh hào quang của một lý tưởng diệu kỳ đã lôi cuốn được hàng triệu con người, trong đó có những người trẻ tuổi vửa bị bắt, chấp nhận chết chóc, tra tấn, tù đầy mười mấy năm qua, trong cuộc đọ sức rõ ràng là không cân xứng với cái đế quốc hùng mạnh nhất thế giới.

Thành đoàn, cái tên còn nóng hổi, ngon lành! Nó thoang thoảng mùi lá rừng mật khu, mùi gạo mốc các trại giam, mùi thuốc súng các trận đánh – mà dân sài Gòn vừa thấy tận mắt trong cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân, mùi khói lựu đạn cay nghênh đón những cuộc xuống đường. Nó mang tất cả sức hút của một nền đạo lý mới, vừa dân tộc, vừa cách mạng, nền đạo lý đã hun đúc được một lòng dũng cảm; một chí hy sinh, một sức chiến đấu chưa từng có, tạo nên những gương mặt thật đẹp cho tuổi trẻ, cho con người Việt Nam.

Tôi được biết Đoàn Thanh niên Cộng sản trước hết là qua một số gương mặt đó, những gương mặt đã góp phần thúc đẩy tôi tham gia ngày càng tích cực hơn vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Và tôi viết bài này để trả phần nào món nợ đối với họ.

Phải nhìn lại bối cảnh lịch sử và xã hội của miền Nam dưới chế độ cũ mới thấy hết những khó khăn của cuộc đấu tranh chính trị tại các đô thị, nhất là tại Sài Gòn, cũng như vai trò xung kích của lực lượng thanh niên, sinh viên học sinh.

Tình trạng phân chia đất nước sau Hiệp định Genève, âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là những sự kiện lịch sử rất phức tạp, đã kéo dài 20 năm, qua nhiều giai đoạn và phương thức khác nhau, giữa một thế giới cũng vô cùng phức tạp và luôn luôn biến động.

Sống giữa bộ máy kìm kẹp và tuyên truyền của địch, người dân thành phố có rất ít điều kiện để nhận thức đúng đắn tình hình, phân biệt bạn thù và thấy được chính nghĩa, trừ những người có liên hệ mật thiết với cách mạng. Lẽ tất nhiên, đại bộ phận nhân dân thành phố, cũng như nhân dân miền Nam nói chung vẫn giữ được niềm kính yêu chung thủy với Cụ Hồ và các cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã làm rạng danh dân tộc Việt Nam qua cuộc kháng Pháp thắng lợi. Nhờ đó mà các chiến dịch tuyên truyền chống Cộng, dù là thô bạo hay tinh vi, đã không bao giờ lôi cuốn được đông đảo quần chúng. Nhưng thấy rõ sự giống nhau về bản chất giữa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm, cũng như sự liên tục giữa hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thì trong một thời gian dài, ít có người thấy được. Bởi vì Hiêp định Genève đã tạo cho chế độ Sài Gòn một cái thế hợp pháp mà Bảo Đại đã không bao giờ có và thực dân mới khác thực dân cũ ở chỗ nó cải trang rất khéo, không dễ gì bắt nó lộ nguyên hình.

Trong khi đế quốc Mỹ mới chỉ là một danh từ với nội dung chưa rõ rệt thì viện trợ Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam, tạo nên một sự phồn vinh, cơ bản là giả tạo nhưng trong ngắn hạn vẫn có một ý nghĩa thiết thực. Nền kinh tế bước đầu được công nghiệp hoá, những tầng lớp có quyền lợi gắn bó với chế độ Sài Gòn phát triển nhanh: Tư bản, phú nông, sĩ quan, công chức. Giai cấp công nhân cũng phát triển, nhưng bị kìm kẹp hết sức chặt chẽ và mọi cuộc đấu tranh có chút hơi hám chính trị đều bị đàn áp sắt máu. Hàng triệu học sinh được giáo dục từ gốc tới ngọn trong các trường học của chế độ Sài Gòn không được biết gì hết hoặc biết rất sai lệch về Cách mạng Tháng Tám, về cuộc kháng chiến chống Pháp và miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trừ những người có cha anh đi theo cách mạng. Trí thức từ nước ngoài trở về hoặc tốt nghiệp trong nước ngày càng đông đảo và có mức sống tương đối cao, phần đông chỉ làm việc chuyên môn và không mấy quan tâm hoặc không muốn dính líu chính trị.

Rõ ràng những điều kiện khách quan tại Sài Gòn dưới chế độ cũ, đặc biệt thời Ngô Đình Diệm, là rất bất lợi cho cách mạng. Nhưng điều kỳ diệu là ngay trong thời đó, những người cách mạng trẻ tuổi vẫn có mặt tại thành phố và vẫn có được những hành động, như hai cuộc biểu tình nhỏ của học sinh trước Bộ Giáo dục trong những năm 1958 – 59 mà chính tôi đã chứng kiến, hoặc những buổi kỷ niệm Trần Văn Ơn mà năm nào tôi cũng nghe dư luận xầm xì, hoặc vụ ám sát hụt Đại sứ Mỹ Nolting đưa đến bản án tử hình cho một số thanh niên, trong đó có hai anh Lê Hồng Tư và Lê Quang Vịnh, năm 1962. Đó là những hành động nhỏ về kích thước, nhưng trong cái không khí bị bịt đến nghẹt thở của chế độ Diệm, đó là những cơn gió thoảng còn rất ngắn, rất nhẹ, nhưng quý giá vô ngần và có ý nghĩa rất lớn.

Riêng trường hợp anh Lê Quang Vịnh đã gợi lên cho nhiều anh em trí thức những câu hỏi rất cơ bản, bởi vì anh là một trí thức trẻ vừa tốt nghiệp Đại học và được bố trí đầy hứa hẹn, nhưng anh đã bỏ tất cả để đi theo cách mạng, mặc dù cách mạng còn rất yếu và trước mắt, chưa thấy một cơ may thuận lợi nào. Cái gì đã thúc đẩy anh dấn thân dứt khoát như vậy, vào một thời điểm bất lợi như vậy? Những câu hỏi ấy tức thời chưa có giải đáp, nhưng bắt đầu hỏi là bắt đầu rời bỏ thái độ bàng quan trước thời cuộc. Và xưa nay, phong trào nào cũng phát triển từ những câu hỏi mà nó đặt trước lương tâm của mỗi con người, không phải chỉ bằng lời nói và hành động mà bằng cả xương máu của những người đi theo nó.

Chính cái chuỗi dài liên tục những hành động nhỏ và hi sinh lớn nói trên đã chuẩn bị cho những phong trào đấu tranh ngày càng sôi động trong những năm kế tiếp, khi hoàn cảnh trở nên thuận lợi hơn nhiều sau sự sụp đổ của chế độ Diệm.

Năm 1965, Mỹ phải ồ ạt đưa quân tham chiến trực tiếp ở miền Nam và dội bom miền Bắc để cứu nguy chế độ Sài Gòn. Đó là một thử thách lớn về mặt quân sự nhưng cũng là một thuận lợi lớn cho cuộc đấu tranh chính trị tại thành phố, vì nó buộc đế quốc Mỹ phải lòi cái đuôi thực dân.

Chưa cần nói đến chuyện gì ghê gớm, nguyên cái cảnh những tên lính Mỹ nghễu nghện trên các đường phố Sài Gòn cũng đủ để biến cái Dinh Độc lập đồ sộ thành một đề tài tiếu lâm. Từ đó, những mảng lịch sử đang trôi bềnh bồng trên một dòng thời gian đứt quãng đã dần dần móc nối lại với nhau, làm nổi bật sự liên tục giữa hai cuộc xâm lược cũng như giữa hai cuộc kháng chiến. Từ đó báo chí Sài Gòn mới gọi Đại sứ Mỹ là ông Thái thú, ông Toàn quyền, và đêm đêm, các đài phát thanh Hà Nội, Giải Phóng được đón nghe qua những cái máy bán dẫn mới tinh của Nhựt nhập bằng đô la viện trợ Mỹ...

Cũng từ năm 1965, những người sinh viên mà tôi đoán là có dính líu với cách mạng đã dành được nhanh chóng vị trí lãnh đạo trong các tổ chức sinh viên và những mục tiêu tranh đấu đã mang một nội dung cách mạng ngày càng rõ nét. Trong gần 10 năm liên tục, lực lượng thanh niên, sinh viên học sinh đã là mũi nhọn xung kích của những phong trào đấu tranh chính trị nở rộ như hoa mùa xuân trước và sau Tết Mậu Thân. Không có mũi nhọn xung kích của thanh niên thì không thể tạo được những xáo trộn trong những năm 1970, gây được tiếng vang ở nước ngoài và làm cho địch rất lúng túng.

Trong những năm đó, nhất là từ sau Tết Mậu Thân, tôi đã tham gia hầu hết các phong trào đấu tranh công khai tại thành phố.

Sự tham gia của tôi tương đối suông sẻ vì tôi được cái may mắn là đã hướng về cách mạng từ lúc còn du học, do ảnh hưởng của các nhóm trí thức tiến bộ Pháp và cũng do mới cảm tình sâu đậm mà tôi vẫn giữ đối với cách mạng Việt Nam từ những ngày Cách Mạng Tháng Tám. Nhưng tôi cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, và nếu không có sự mời mọc, lôi kéo của nững người trẻ tuổi, thì rất có thể tôi đã không tham gia đến mức độ ấy.

Lúc còn học bên Pháp trong những năm 1950, tôi đã nghĩ rằng chủ nghĩa Cộng sản sẽ thắng trên toàn thế giới như nó đã thắng tại nước Nga, tại các nước Đông Âu và tại Trung Quốc, như nó đang thắng tại Việt Nam, không những vì đó là hướng đi của lịch sử mà còn vì Đảng Cộng sản là một tổ chức hữu hiệu nhất đã xuất hiện trong lịch sử từ trước đến nay. Riêng tại Việt Nam, hiệu năng ấy còn tăng lên gấp bội vì ở đây Đảng Cộng sản đã lãnh đạo từ đầu cuộc kháng chiến dành độc lập của dân tộc và đã thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp và mọi giới đồng bào.

Tuy không phải là người Cộng sản, tôi thành thật mong muốn sự thắng lợi của chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới và tại Việt Nam, vì tôi cho rằng chỉ chủ nghĩa Cộng sản mới tạo dựng được cái xã hội thật sự tự do, bình đẳng và huynh đệ mà tôi hằng mơ ước. Nhưng tin tưởng hoàn toàn nơi thắng lợi của chủ nghĩa Cộng sản như tin một sự thật khoa học, bất kể những điều kiện khách quan có thể biến đổi ra sao, thì thú thật là tôi chưa tin nổi.

Vì mong muốn cách mạng thắng lợi nên khi về nước năm 1955, tôi đã dậy học cho một trường tư thục, cơ sở của cách mạng ở thị xã Trà Vinh, khởi đầu một mối quan hệ hợp tác thân tình với cách mạng. Nhưng vì chưa tin tưởng hoàn toàn nơi thắng lợi của cách mạng nên khi những khó khăn ùn ùn kéo tới; năm 1957, trường sở bị đóng cửa, anh em phân tán, thì tôi không còn một hành động trực tiếp hỗ trợ cho cách mạng.

Chính anh em sinh viên đã kéo tôi ra khỏi tình trạng bất động ấy bằng lời mời gọi của họ, cũng như bằng tấm gương dũng cảm của họ. Sự dũng cảm ấy đập vào tim óc mọi người và bắt mọi người phải suy nghĩ. Riêng tôi đã suy nghĩ như sau:
“Họ là tôi, 20 năm trước. Nhưng 20 năm trước, tôi được ăn học yên lành nơi hải ngoại; khỏi phải đương đầu với những vấn đề mà bây giờ họ phải đương đầu ngay trong tuổi 20. Và tôi tự hỏi: nếu 20 năm trước, tôi gặp phải một hoàn cảnh như họ bây giờ, liệu tôi có đủ can đảm để dấn thân tranh đấu cho những người anh em bị bắt bớ, như họ đang làm hay không?

Không có ai mà không sợ khi phải đối đầu với một nhà nước đã quá nhiều lần biểu dương uy vũ của mình. Năm 1967, tôi đã thấy nhân viên của Nhà nưóc xách dùi cui đập lên đầu sinh viên như gõ mõ, bất luận gái trai, trong việc biểu tình phản đối bầu cử gian lận ở đường Duy Tân. Mấy ông bà dân biểu đối lập, bất khả xâm phạm cùng mình, mà cũng phát ớn, huống chi mấy chú sinh viên. Cho nên phải nhận là họ can đảm, ít nữa là can đảm hơn một số cha chú, thầy cô của họ, trong đó có tôi.

Chính vì thế mà tôi phải lấy hết cái can đảm, còn lại của tuổi 40, để thưa với Nhà nước rằng: cuộc tranh đấu của họ hoàn toàn chính đáng và tôi đứng về phía của họ” (Tin Sáng, 29-3-1970).
Nhưng họ không phải chỉ là dũng cảm, họ còn rất dễ thương! Đây là những người thanh niên Cộng sản, tôi đoán như vậy, và thường là đoán đúng. Nhưng đây cũng là những đứa con của thành phố Sài Gòn, với cái phong cách đặc biệt của thanh niên Sài Gòn. Họ hăng say mà không cuồng tín, nghiêm túc mà vẫn vui tươi, họ có bản sắc độc đáo và có khả năng sáng tạo. Chưa có giai đoạn nào mà tuổi trẻ thành phố đã sáng tạo dữ dội như những năm đó, từ thơ văn âm nhạc, lý luận chính trị cho tới các phương pháp đấu tranh. Có lẽ sự kết hợp hài hoà giữa cái “chất” Cộng sản với cái “cách” Sài Gòn, là nét dễ thương nhất của họ...

Tôi đã nhảy vào cuộc đấu tranh, phần lớn, do sự lôi kéo của những người trẻ nói trên và đó là những ngày đẹp nhất mà tôi đã sống, với những lý tưởng đẹp, những tình cảm đẹp, những gương mặt đẹp mãi mãi không quên.

Bây giờ nhớ lại những ngày ấy, nếu có một kinh nghiệm nào đáng ghi nhận thì đó là kinh nghiệm sau đây:

Trong lĩnh vực chính trị, đôi khi hành động lại đi trước niềm tin, khơi nguồn cho niềm tin. Nói cách khác, khi đã thấy được chính nghĩa thì anh cứ nhập cuộc hành động cho chính nghĩa, dù chưa tin tưởng hoàn toàn nơi thắng lợi, và chính những hành động này sẽ tạo cho anh niềm tin. Tôi đã nhập cuộc vì căm thù đế quốc Mỹ và vì mối cảm tình với anh em sinh viên hơn là tin tưởng nơi thắng lợi trước mắt của cách mạng. Nhưng bắt đầu hành động và thấy hành động của mình được hưởng ứng, là cũng bắt đầu tin tưởng hơn, rồi cứ thế mà đi tới, hành động và niềm tin bồi đắp cho nhau.

Tôi mô tả phần nào kinh nghiệm nói trên trong một bài báo thuật lại cuộc tuyệt thực của một số nhà giáo để đòi trả tự do cho các sinh viên học sinh bị bắt, tháng 9-1970, xin trích lại đây vài đoạn để thay lời kết luận.
“Công trường Duy Tân, xe cộ chạy vòng vòng quanh cái mu rùa vĩ đại bợ một tấm bia vĩ đại ghi tên các nước bạn đồng minh vĩ đại của thế giới tự do.

Tôi đã đến đây tham dự ngày tuyệt thực của 20 giáo chức, Đại, Trung và Tiểu học tại Tòa viện trưởng Đại học Sài Gòn, đã yêu cầu nhà cầm quyền trả lại tự do cho các SVHS (trong đó lại có anh Huỳnh tấn Mẫm) đã bị giam giữ trái phép đúng một tháng qua và đang tuyệt thực, tuyệt ẩm trong khám Chí Hoà.

Lúc quyết định thì thực là hăng hái. Nhưng thú thật, lúc tấm biểu ngữ được trương lên và chúng tôi bắt đầu ngồi trên những bậc thềm bóng loáng của Toà Viện trưởng, riêng tôi cảm thấy ngại ngùng, ngượng nghịu và cô đơn.

Vài ông công chức thò ra nhìn rồi thụt ngay vào. Ngoài công trường, xe cộ vẫn dập dìu chung quanh cái mu rùa vĩ đại, hình như chẳng ai chú ý đến chúng tôi. 20 nhà giáo cù lần, đi tuyệt thực để đòi tự do cho mấy đứa học trò, thật là ít oi, yếu ớt, nhỏ nhoi, hầu như chẳng có ý nghĩa gì cả!.

Nhưng chỉ vài phút sau, những người bạn đã có mặt: mấy bà mấy cô trong Uỷ ban Phụ nữ Đòi quyền sống, có cả bà mẹ anh Huỳnh Tấn Mẫm, các anh Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Long, Nguyễn Văn Cước và khá đông sinh viên học sinh. Đúng vào lúc ấy, những người “bạn dân” cũng ùn ùn kéo tới, phong toả Toà Viện trưởng và không khí bắt đầu căng thẳng.

Nhưng cũng từ lúc ấy, tôi không cảm thấy cô đơn. Tôi có cảm tưởng được đùm bọc bởi một tập thể rộng lớn, ấm cúng, bao gồm những khuôn mặt anh em thân thiết và đông đảo, những đồng bào chưa bao giờ biết mặt quen tên. Cử chỉ của chúng tôi gia nhập vào một hành động lớn và được ý nghĩa của nó trong hành động ấy.

Các em học sinh đã hát tặng chúng tôi một bài hát thật dễ thương mà tôi chỉ còn nhớ hai câu: “Rồi hoà bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt.  Đôi chim bồ câu trắng rủ nhau về làng xưa”.

Trong lúc mấy em hát, tôi cảm động không dám nhìn lên, chỉ nhìn xuống. và nhìn tôi, tôi thấy những bàn chân xếp hàng trước mặt, những bàn chân đầy bụi của đường phố Sài Gòn, đang cùng với hàng vạn bàn chân khác, những bàn chân đầy bùn, những bàn chân đầy máu, rầm rập tiến lên, xây dựng hoà bình.

Các em cứ tin đi. Rồi hoà bình sẽ đến và đôi bồ câu trắng sẽ rủ nhau về làng xưa, nơi có luỹ tre xanh, có bà mẹ và có người em nhỏ, có tất cả những gì chúng ta mơ ước.

Các em cứ tin đi. Những kẻ đang hò hét hô hào chiến tranh chỉ vì sợ hoà bình, những kẻ ấy thực sự đã hết thời, dù họ có bao nhiêu đồng minh vĩ đại và có dựng bao nhiêu tấm bia trên bao nhiêu cái mu rùa lom khom như cái lưng của họ để tri ân những đồng minh vĩ đại.

Rồi hoà bình sẽ đến và họ sẽ biến đi như những bóng đêm, như cái bóng đêm dày đặc đã phủ lên quê hương mình suốt một phần tư thế kỷ. Và cái mu rùa khúm núm sẽ nhường chỗ cho bức tượng một người Việt Nam đứng thẳng: bức tượng người chiến sĩ hoà bình” (Tin Sáng 2-10-1970).
Tôi xin tặng những người trẻ tuổi hôm nay cái hình ảnh dễ thương và hào hùng đó của những người trẻ tuổi hôm qua, những người đã giúp tôi có được niềm tin khi lôi kéo tôi đi vào hành động…

Có nhập cuộc rồi mới thấy, có làm rồi mới tin. Kinh nghiệm ấy có thể vẫn còn giá trị, ngày hôm nay.

*Lý Chánh Trung, 3-2-1985
________________________
Nguồn: "Á Châu Thời Báo"

Tin buồn

Xin thông báo cùng quý đồng môn ở Việt Nam và Hải Ngoại

Đồng môn Quốc Gia Hành Chánh Ban Đốc Sự Khóa 4

Ông HÀ HUY PHIẾN
Pháp Danh Thiện Phát

đã từ trần ngày 20 tháng 3 năm 2016 tại Cần Thơ, Việt Nam
Hưởng thọ 85 tuổi
(Nguồn tin: Đồng môn Quách Đại Thành, ĐS15, Oregon)

20 March 2016

Đảng viên Trung Quốc yêu cầu Tập Cận Bình từ chức

CHÀO ĐỒNG CHÍ TẬP CẬN BÌNH…

Chúng tôi là những đảng viên cộng sản trung thành. Nhân dịp “Lưỡng Hội” toàn quốc, chúng tôi viết lá thư này yêu cầu đồng chí từ chức khỏi tất cả vị trí trong đảng lẫn lãnh đạo quốc gia. Việc chúng tôi đưa ra yêu cầu này xuất phát từ lợi ích đảng, lợi ích quốc gia và lợi ích đồng bào, và trên hết là sự an toàn cá nhân đồng chí cũng như gia đình đồng chí. Đồng chí Tập Cận Bình, từ khi được bầu vào vị trí tổng bí thư tại Hội nghị trung ương 18, sự quyết tâm đánh tham nhũng bằng chiến dịch đả hổ đã dẫn đến ít nhiều tiến triển về vấn đề tham nhũng không lành mạnh trong nội bộ đảng.

Sự lãnh đạo cá nhân của đồng chí trong các nhóm lãnh đạo trung ương hướng đến cải cách toàn diện cũng như khối lượng công tác khổng lồ mà đồng chí thực hiện về phát triển kinh tế đã nhận được không ít ủng hộ công chúng, và những nỗ lực này không phải không được chúng tôi chú ý.

Tuy nhiên, đồng chí Tập Cận Bình, chúng tôi không còn chọn lựa nào khác là phải chỉ ra rằng, bởi sự thu gom quyền lực vào bàn tay đồng chí một cách rõ ràng và bởi sự quyết định trực tiếp của đồng chí, chúng ta đang đối mặt với những vấn đề chưa từng có tiền lệ và những khủng hoảng trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, lý tưởng đến văn hóa.

Về chính trị, sự từ bỏ truyền thống quan trọng của đảng, trong đó quan trọng nhất là là từ bỏ hệ thống dân chủ lãnh đạo tập trung của Ban thường vụ Bộ chính trị, thay vào đó, đồng chí buộc tất cả lãnh đạo ở tất cả các cấp phải ủng hộ vị trí của đồng chí ở trung tâm, đã mang lại một sự tập quyền quá mức. Khi củng cố sức mạnh các cơ quan đảng trong hệ thống đại biểu nhân dân, trong Chính hiệp, trong Quốc vụ viện, đồng chí đã làm suy yếu sức mạnh độc lập của tất cả cơ quan nhà nước, trong đó có (cơ quan của) Thủ tướng Lý Khắc Cường và những người khác. Trong khi đó, sự cài đặt giám sát của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương tại các đơn vị và doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra một hệ thống quyền lực mới, dẫn đến sự thiếu minh bạch ở tất cả cơ quan ban ngành và gây hoang mang trong tiến trình ra quyết định.

Về ngoại giao, sự từ bỏ phương châm “thao quang dưỡng hối” (ẩn mình chờ thời) của đồng chí Đặng Tiểu Bình đã không chỉ thất bại trong việc tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi mà còn cho phép Bắc Triều Tiên hoàn thành các cuộc thử nghiệm hạt nhân thành công, khiến mang lại một mối đe dọa rất to lớn đối với an ninh quốc gia Trung Quốc, cho phép Mỹ trở lại châu Á thành công, hình thành nên một mặt trận thống nhất với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và các nước Đông Nam Á, cùng liên thủ át chế Trung Quốc. Về việc xử lý vấn đề Hong Kong, Macao, Đài Loan, vì thiếu sự tuân thủ khái niệm sáng suốt của đồng chí Đặng Tiểu Bình về “nhất quốc, lưỡng chế”, nên (đồng chí) đã tạo ra tình huống phức tạp hơn, cho phép đảng Dân chủ Cấp tiến giành được quyền lực tại Đài Loan và để cho tâm lý độc lập của Hong Kong trỗi dậy. Cụ thể sự việc liên quan Hong Kong, cách thức đưa những người bán sách về Hoa lục một cách không bình thường đã trực tiếp làm tổn hại chính sách “nhất quốc, lưỡng chế”.

Về kinh tế, với tư cách lãnh đạo nhóm điều hành tài chính-kinh tế (“Trung Cộng Trung ương Tài Kinh tiểu tổ”), sự can thiệp trực tiếp của đồng chí trong chính sách phát triển vi mô lẫn vĩ mô đã tạo ra sự mất ổn định trong thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, khiến tài sản của hàng trăm ngàn thường dân biến mất. Các cuộc cải cách ở phía nguồn cung và chính sách năng lực sản xuất đã dẫn đến việc sa thải hàng loạt tại các công ty nhà nước; việc đóng cửa các công ty tư nhân cũng đưa đến việc nhiều vụ sa thải. Sáng kiến “Nhất đái, Nhất lộ” (“Một con đường, một vành đai”) đã rút một khối lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ đưa đến các quốc gia và khu vực hỗn loạn mà không mang ngược lại (lợi ích kinh tế) gì. Sự tiêu xài khủng khiếp dự trữ ngoại hối và các chu kỳ giảm giá nhân dân tệ đã khiến niềm tin mọi người ngày càng tụt giảm, đưa kinh tế quốc gia đến bờ vực sụp đổ. Mọi người đều muốn thay đổi!

Về lĩnh vực tư tưởng, sự nhấn mạnh khái niệm “họ đảng” (“môi thể tính đảng” – chú thích của MK) đối với truyền thông (tên của mọi cơ quan truyền thông đều phải mang “họ” đảng, theo yêu cầu của Tập Cận Bình – MK) đã cho thấy có một sự xem thường đặc tính đại diện nhân dân của truyền thông và điều này khiến cả nước choáng váng. Sự ủng hộ của đồng chí đối với Chu Tiểu Bình và Hoa Thiên Phương như là đại diện của mặt trận văn học đã khiến vô số người lao động nghệ thuật-văn học bất mãn cay đắng (Chu Tiểu Bình và Hoa Thiên Phương là hai cây bút chuyên viết bài ca ngợi Tập – MK); sự cho phép trực tiếp các đơn vị văn hóa ca tụng đồng chí và việc bổ nhiệm bà em vợ đồng chí (em của Bành Lệ Viện) làm giám đốc và nhà sản xuất Chương trình mừng xuân của Đài truyền hình trung ương đã biến một chương trình gala vốn nổi tiếng thành một công cụ tuyên truyền cá nhân của đồng chí. Sự cho phép thói sùng bái cá nhân này, đồng thời cấm đoán “sự thảo luận không đúng đắn” về chính phủ trung ương, lẫn phương pháp “toàn đảng chỉ có một tiếng nói” (“nhất ngôn đảng” - MK) , đã khiến chúng tôi, những người từng trải qua Cách mạng Văn hóa, không thể không âm thầm lo ngại: đảng, đất nước và nhân dân ta không thể chịu nổi thêm một thập niên tai họa!

Đồng chí Tập Cận Bình, việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng với sức ép cao để uốn nắn điều chỉnh những xu hướng không lành mạnh trong đảng đã có hiệu quả nhưng vì không có những biện pháp hỗ trợ cũng như mục tiêu, nó lại mang đến sự trì trệ ở tất cả các cấp chính quyền, khiến viên chức quá sợ đến mức không làm việc, mang lại những tiếng nói bất bình trong bách tính và sự phân hủy nền kinh tế nước nhà chỉ thêm tệ hại. Chúng tôi cũng thấy mục tiêu chủ yếu của chiến dịch chống tham nhũng chỉ là một sự tranh giành quyền lực. Chúng tôi lo ngại rằng kiểu tranh giành quyền lực nội bộ đảng này có thể dẫn đến những nguy cơ cho sự an toàn cá nhân của đồng chí lẫn gia đình đồng chí.

Do đó, đồng chí Tập Cận Bình, chúng tôi cảm thấy rằng đồng chí đừng nên ám ảnh những khả năng dẫn dắt đảng và đất nước vào tương lai, và chúng tôi tin rằng đồng chí không còn thích hợp ngồi ở vị trí tổng bí thư. Vì sự nghiệp đảng, vì hòa bình lâu dài và sự ổn định quốc gia, và vì cả sự an toàn cá nhân lẫn gia đình đồng chí, chúng tôi yêu cầu đồng chí từ chức khỏi tất cả vị trí đảng lẫn nhà nước, và hãy để Trung ương đảng và nhân dân chọn một lãnh đạo đức hạnh có thể đưa chúng tôi vào tương lai một cách mạnh mẽ.

……

Đây là lá thư yêu cầu Tập Cận Bình từ chức, được post vào đầu giờ ngày 4-3-2016 trên trang Wujie News (thuộc SEEC Media Group, Alibaba và chính quyền Tân Cương) nhưng sau đó nhanh chóng được rút xuống. Washington Post đã tìm được bản cache của lá thư này. Liên quan bức thư còn có một số tình tiết đáng chú ý (tôi sẽ làm từ từ).



Ghi chú: Lưỡng hội là kỳ họp thường niên kéo dài hai tuần, với 3.000 đại biểu tập trung ở Bắc Kinh, gồm kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và kỳ họp Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính Hiệp – một cơ quan tư vấn chính trị tương đương Mặt trận Tổ quốc)
Chủ đề: Thế giới.

Theo FB Mạnh Kim
Mạnh Kim
Theo FB Mạnh Kim
(Via Dân Luận)

Trăng, Em





Trục Trặc về SEX

Nguyễn Ngọc Chánh & Nguyễn Ngọc Lan

Dù ở vào thời đại nào, dù ở bất kỳ nơi nào đi nữa thì việc ăn uống đầy đủ bổ dưỡng cũng là điều kiện tối cần thiết để có một sức khỏe tốt và nhờ đó mới hy vọng có được một hoạt động sinh lý bình thường.
Sex bị suy giảm hay tịch ngòi là nỗi ám ảnh thường xuyên của người đàn ông.
Về cái vụ nầy, không cha nào dám nói thiệt hết. Cũng có người sống gần kho đạn nên thường hay nổ bất tử lắm.
Đây chỉ là một thông tin khoa học nhằm đúc kết lại những gì dân gian Đông Tây kim cổ hằng nghĩ đến về vấn đề trợ dương. Không thể nói nó hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai…
Mọi nghi vấn, thắc mắc liên quan đến việc chẩn đoán và chữa trị căn bệnh khó nói xin các bạn hãy tham khảo trực tiếp với bác sĩ gia đình.

***

Tại sao và Tại sao?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trục trặc về sex mà thường gặp nhất là trên biểu dưới hổng thèm nghe. Nó mềm yếu như trái chuối chín muồi, như cọng bún thiu thấy mà phát chán...Có người dạy khôn là các bà đừng nên cho các ông chồng mình ăn bún, ăn miến hay chuối chín muồi quá thường xuyên… lỡ nó giống mấy món đó thì kẹt lắm đó (nói chơi cho vui).

Cũng có khi lúc mới bắt đầu xào khô, dọn mấy món ăn chơi giáo đầu, thì nó có vẻ ngon lành hùng hổ lắm, nhưng đến khi bắt đầu vô món ăn chánh thì nó lại trở chứng, mắc cỡ, bẻn lẽn và từ từ xìu xuống.
Hỡi ôi thế là đời…tàn! Quê ơi là quê!

Đúng là thứ đồ con khó dạy, còn nói cho văn chương một chút là lực bất tùng tâm.

Khoa học gọi hiện tượng nầy là rối loạn cương dương (dysfonction érectile, erectile dysfunction).
Rất thường là do nguyên nhân tâm lý mà ra. Chúng rất phức tạp, không ai giống ai hết.

Chỉ riêng sự kiện mất tự tin, lo sợ không biết mình làm ăn có đàng hoàng mỗi khi thượng đài hay không cũng đủ ức chế khả năng ham muốn của người võ sĩ, khiến anh ta lo lắng và chào cờ hổng nổi, hoặc chỉ chào sương sương không đủ cứng, quẹo qua quẹo lại, nhão nhẹt… hoặc có khi thì giữ cờ không được lâu, hoặc tệ hơn nữa là thình lình cờ lại rũ xuống không đúng lúc, chẳng hạn như khi vừa mới nghe lệnh tấn công.

Có bạn còn nói tại sao họ thường sung với bồ mà lại xìu với vợ thế mới kẹt. Đúng là đồ khôn chợ dại nhà… hay ngán cơm nhưng thèm phở mới chết chớ?

Có bạn quen lối tự sướng, thường nhờ chị năm may tay, nên đôi khi có dịp phải may máy thì thằng nhỏ có vẻ e dè chới với quên hết bài vở làm ăn hổng nên thân.

Cũng có trường hợp khi vừa mới thấy mục tiêu thì nó hoảng hồn hoảng vía mất hết bình tĩnh, làm súng bị cướp cò khạc hết đạn một cách bừa bãi, làm đối phương ngạc nhiên tiu nghỉu. Đó là chưa đi chợ mà đã hết tiền. Trường hợp hi hữu nầy thường xảy ra cho các cậu em quá sung sức nhưng chưa nhiều kinh nghiệm chiến trường. Nếu nói theo lối cải lương, thì đây là hiện tượng khóc ngoài biên ải. Càng sợ càng lo thì càng bị ức chế, và càng bị ức chế thì càng làm cho nó bị xìu xuống, và càng bị xìu xuống thì càng sợ càng lo, v.v. và v.v… Đúng là cái vòng lẩn quẩn mà thôi! Càng tệ hại hơn là khi bị chính đối phương… chế ngạo.

Nói chung, tình trạng bết bát nầy, nhỏ bất tuân lớn thường xảy ra là khi cơ thể hoặc do tinh thần quá mệt mỏi, quá suy nhược vì lo rầu phiền muộn, trầm cảm, quá căng thẳng do stress hay do sau cơn bệnh nặng, hay bị áp lực vì một biến cố nào đó, hoặc do thể xác kiệt sức vì làm việc quá độ, hết xí quách, burn out hay bị suy dinh duỡng...

Một số bệnh tật cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lý của đấng mày râu. Tất cả những nguyên nhân nào làm giảm máu tới dương vật hay làm máu không ứ lại tại đó, đều dẫn đến tình trạng bất lực hay liệt dương (impuissance, impotence). Đó có thể là các tình trạng gây sơ cứng động mạch, gây cao huyết áp ở các cụ cao tuổi, như trong bệnh tiểu đường thường gây biến chứng ở những mạch máu nhỏ, bệnh cholesterol cao, hoặc do hút nhiều thuốc lá. Ngoài ra, các phản ứng phụ của các thuốc làm hạ huyết áp, thuốc làm hạ đường huyết, hoặc thuốc trị bệnh tâm thần đều có thể đưa đến bất lực.

Các bệnh làm tổn thương đến thần kinh dương vật, thí dụ như bị chấn thương vùng cột sống, hoặc sau một cuộc giải phẫu cắt bỏ tận gốc tiền liệt tuyến. Các loại thuốc như Proscar (Finasteride), dùng trị bệnh triển dưỡng tiền liệt tuyến cũng có thể làm giảm sự ham muốn (libido) trong thời gian điều trị. Thuốc Amphétamine (Ectasy) cũng vậy.

Cuối cùng là tuổi tác, càng già kích thích tố sinh dục hay hormone testostérone càng giảm đi rất nhiều và lẽ đương nhiên vụ kia cũng theo đó mà giảm hay bị tuột dốc luôn!

“Ông nói, tuổi già báo hiệu khi sinh lý bắt đầu yếu. Nhịp độ "gần gũi" của vợ chồng thưa dần. Và đôi khi cố gắng làm vừa lòng bà vợ theo định kỳ, mà không có hứng khởi. Những khi đó, nếu bà vợ gạt ra, không cho gần gũi, thì trong lòng lại mừng húm, vì có cái cớ để không làm tròn "bổn phận" mà không áy náy. Ông nói, bực nhất là những lúc mình đang hăng, đang nóng máu, sắp xáp chiến, mà bà vợ cứ cằn nhằn về những chuyện không đâu, như cái hàng rào bị gió vật nghiêng, cây hoa hồng lá bị bạc mốc, con chó bị rận bọ chét. Thế là cả cái thân già nó xìu xuống. Chẳng làm ăn chi được nữa cả. Đành bỏ cuộc vui nửa chừng. Khi còn trẻ, vào những lúc sắp gay cấn như thế nầy, thì dù cho sét nổ trên đầu, cũng không nghe, không biết.

Có người hỏi ông sao không dùng viên thuốc thần kỳ, làm cho vợ chồng vui như thuở ba mươi. Ông nói, đừng tin mà chết sớm, đau tim mà dùng thuốc nầy, thì lăn đùng ra mau lắm.

Theo ông, thì vợ chồng già, ghiền cái hơi của nhau hơn là chuyện vật nhau lăn lộn trên giường. Chỉ cần luồn tay vào áo bà vợ già, mà tìm trái mướp, cũng đủ làm cho bà ấy vui rồi…” (Tràm Cà Mau- Phiên phiến tuổi già)

Ăn gì bổ nấy

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...