11 July 2015

Công Tác Ngoại Giao Đã Được Phục Hoạt, tham khảo

“…Sự thay đổi có thể bắt đầu bằng sự chỉ đạo từ trên xuống, nhưng cũng có thể bắt đầu bằng sự lan tỏa từ cấp trung, thấm vào cấp trên và dần có tác dụng trong toàn xã hội…”
Cũng diễn viên ấy, hôm qua còn bị la ó, hôm nay đã nghe thấy những tiếng vỗ tay. Diễn viên ấy đã tiến bộ nhanh? Hy vọng là như vậy. Nhưng có lẽ chính là do kịch bản và đạo diễn.

Các cố vấn đối ngoại của Bộ Ngoại giao đã tạo ra sự khác biệt cho ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ mấy ngày qua.

Người ta thấy ngay sự khác biệt, khi nhớ lại chuyến đi thăm Cuba vào đầu nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông, tháng 4/2012. Tại đây, ông đã có những bài phát biểu hết mức giáo điều để đến nỗi Bà Tổng thống Brazil khi nghe được đã từ chối ngay lập tức đón tiếp ông. Như vậy, thay vì từ Cuba ông đi thăm tiếp Brazil như dự kiến, ông đã phải trở về nước luôn. Đây là câu chuyện không quên của những ai làm ngoại giao. Nó nói lên sự phản ứng nhạy cảm của quốc tế và sự khó khăn khi phải thu xếp những chuyến đi của tổng bí thư một đảng cộng sản.

Thu xếp cho ông đi Mỹ đã là một thành công. Chuyến đi diễn ra ổn thỏa là thành công thứ hai.

Sau ông Nguyễn Cơ Thạch, vai vế của Bộ Ngoại giao yếu dần trong nội bộ. Trước đó, khi người ta nhắc đến đối ngoại là nhắc đến ông Thạch và ngược lại. Một mình ông đảm đương trên mặt trận đối ngoại. Thành Đô đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao. Mâu thuẫn đó cũng là ở chỗ nên đi với ai và nên đề phòng ai. Mọi người còn nhớ rõ câu nói của ông Thạch với ông Trần Quang Cơ lúc bấy giờ: Là thứ trưởng ngoại giao, anh làm theo chỉ đạo của Bộ trưởng Ngoại giao hay Bộ trưởng Quốc phòng?

Đã từ lâu Bộ Ngoại giao ít có được cơ hội tư vấn theo chủ ý độc lập của mình. «Hà Nội không vội được đâu», khen ai đã nghĩ ra câu vừa vui tai vừa có ý thâm thúy này. Nhắc đến nó để thấy sự kiên trì, bền bỉ, chăm chuốt và cả sự cẩn trọng của Bộ Ngoại giao trong việc viết kịch bản và đạo diễn chuyến đi này cho ông.

Thu xếp cho ông đi Mỹ quả là công việc khó khăn. Gợi ý để ông đi Mỹ và thuyết phục ông đồng ý cả là một sự tế nhị và phải hết sức khéo léo. Làm không khéo, chưa đúng thời cơ dễ bị chụp mũ như chơi. Những bài học của Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ còn tươi mới đây thôi. Mâu thuẫn phe nhóm trong lãnh đạo cao nhất đã làm phân hóa và gây ra tình trạng chập chững trong cán bộ trung cao cấp. Đôi khi họ sợ đứng hẳn về một phe để chống phe kia. Cái khó là chức tổng bí thư có sức nặng nhiều chủ yếu ở trong công việc đối nội. Đối ngoại nó lại thuộc vai trò của Chính phủ và Nhà nước. Thu xếp thành công cho ông đi Mỹ đã tạo ra được hình ảnh ông có vai trò chỉ đạo toàn diện hơn. Ông đang giành thắng thế.

Dàn xếp để Mỹ mời và đón ông lại là một dạng khó khăn khác. Công này chắc hẳn là của Bộ Ngoại giao. Đây quả là sự lượng định, tính toán và cân nhắc thời cơ chính xác và đôi khi cả sự bền bỉ, Tổng thống Obama cuối cùng đồng ý tiếp ông tại phòng Bầu Dục đã nói lên điều đó. Đừng quá lợi dụng chuyến đi để phát huy Mỹ công nhận thể chế chính trị ở Việt Nam, mà chỉ nên thấy rằng người Mỹ đang « chiều hết ý », đang dang rộng hai tay để đón nhận sự thành tâm từ phía Việt Nam.

Nỗi khổ của ngoại giao Việt Nam

Đàm phán về hình thức lễ tân đón tiếp là nỗi khổ của ngoại giao Việt Nam mỗi khi chuẩn bị cho chuyến đi của một vị quan chức cao cấp đi thăm nước ngoài.

Ở trong nước các vị đều thuộc hàng hét ra lửa, đi đâu cũng kẻ rước người đưa, tiền hô hậu ủng. Nhưng khi ra nước ngoài các vị chỉ thuộc hàng khách không mời mà đến. Nên thật là khổ cho các sứ quán đến xin xỏ, nài nỉ lễ tân của bạn. Các đoàn tiền trạm để chuẩn bị cho các chuyến đi này, nội dung chuyến đi thì thông qua nhanh chóng, phần lễ tân thì vô cùng vất vả. Điện đi, điện lại nào là bạn chỉ chấp nhận đón tiếp thế này thôi, nào là cố gắng đề nghị bạn nâng cao lên cho xứng tầm chức vụ. Nhiều khi cán bộ đi đàm phán phát ngượng về những phát biểu thẳng thắn của bạn.

Chắc chắn Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng đã vất vả không kém. Và hình thức đón tiếp ông Trọng ở sân bay là cao nhất trong khả năng của ông Vinh rồi.

Thảm đỏ hay không thảm đỏ cũng chỉ là những cố gắng gỡ gạc sứ quán tại Mỹ muốn làm đẹp lòng thêm ông Trọng mà thôi. Bạn không làm thì mình tự làm, tự sướng, nhằm nâng cao sĩ diện mà người trong cuộc ngấm ngầm hiểu nhưng không dám nói ra. Thông tấn xã Việt Nam cũng thế thôi, cũng là thiện ý, chả gì đây cũng là chuyến đi lịch sử để đời của ông. Chỉ tội đông người nhìn vào quá. Nhưng thôi, cho dù thiện ý hay ác ý thì cũng chứng tỏ là toàn dân, cả trong và ngoài, rất quan tâm đến chuyến đi của ông. Thậm chí mong đợi của họ giống nhau đó là một sự đổi thay cho Việt Nam sau chuyến đi này. Người thì mong nó đổi thay theo hướng này, người thì mong nó đổi thay theo một hướng khác.

Sự thay đổi có thể bắt đầu bằng sự chỉ đạo từ trên xuống, nhưng cũng có thể bắt đầu bằng sự lan tỏa từ cấp trung, thấm vào cấp trên và dần có tác dụng trong toàn xã hội.

Ông nên nghe theo các cố vấn ngoại giao và tạo điều kiện nhiều hơn để họ nói ra được những điều có lợi cho dân tộc và cho đất nước.

Hãy quen dần với tư duy phương Tây đi, nội dung mới là quan trọng, lễ tân chỉ là hình thức.

Dân tộc này, cả người quý ông, lẫn người ghét ông đều mong ông làm điều gì đó khác hẳn với những gì ông đã làm từ trước đến nay.

Chúc ông thành công.

Đặng Xương Hùng
10/7/2015

(Blog Sầu Đông)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...