17 July 2015

Mùa Nghỉ Ngơi, tranh mới A.C.La


Mùa Nghỉ Ngơi
(Off-season Leisure)
Oil on canvas - 20x24 in. (51x61 cm.)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**

Lảm nhảm về bức tranh

Người ta bảo mạng mình hợp với tuổi sửu. Vậy mà chả bao giờ cầm cọ vẽ trâu cả. Thế nên số nó mới long đong... Tuần rồi tìm hình ảnh con trâu để tham khảo và đối chiếu với kỷ niềm về trâu mong tìm được hứng vẽ người bạn cần cù của các gia đình nông dân.

Hồi xưa còn nhỏ có lần về làng, gặp con trâu đi ngược chiều, đường thì hẹp khó tránh. Con trâu mặt trông lại dữ dằn, mắt nó đỏ ngầu giống như ông Kh. say rượu. Ông Kh ở phố bên cạnh thuộc nhóm người kết bạn với ma men; chiều nào cũng thấy ông ngất ngưởng từ dưới phố đi về, mặt xám ngoét, mắt lừ lừ, đo đỏ. Có lần ngước mắt nhìn ông thấy ông đang nhìn mình trân trân, thất kinh. Có một buổi sáng ông Kh xuống phố và không bao giờ về nhà nữa. Hình ảnh ông Kh bây giờ tôi vẫn nhớ mồn một và  có thể là một yếu tố khiến tôi cả đời không có cảm tình với rượu mạnh.

Hồi nhỏ nhìn mắt trâu đỏ thấy sợ nhưng thật ra trâu rất hiền không dễ nổi điên như người say. Ít khi nghe kể trâu phản chủ. Ở nông thôn xưa kia tậu được trâu cũng giống như ngày nay mua được chiếc xe đò chở khách kiếm tiền vậy. Trâu là vốn  quý, là gia sản. Tôi không có trâu nhưng có râu. Dân gian quý các lão có râu lắm - nhưng phải hiền nữa kia:

Chẳng tham lắm ruộng nhiều trâu,
Tham vì ông lão tốt râu mà hiền.

Ai bảo dân gian chỉ nghĩ đến tranh thủy mặc, óc nghệ thuật của họ còn nghiêng về thần thoại và siêu thực là khác. Khi tìm hiểu trâu qua ca dao, tôi bắt gặp những hình ảnh hết sức mơ mộng... siêu thực:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vòng.

Xưa kia ở nông thôn, chưa có máy cầy, trâu giúp người cầy bừa. Nhưng không phải ai cũng có trâu nên thời vụ tới phải thuê mướn hay mượn trâu. Nhưng cần nhớ, trâu là trâu và chồng là chồng, không được lẫn lộn!

- Của chua ai nấy cũng thèm,
Em cho chị mượn chồng em vài ngày.
- Chồng em đâu phải trâu cày,
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm. 

Cứ lang bang thiên địa như ri thì tết công-gô mới vẽ được tranh. Cũng may là hứng khởi đầu vẫn còn nên bức tranh phác họa xong vẽ khá nhanh. Vẽ xong ngắm nghía, đứng gần rồi lại đứng xa, trời tối thui rồi vẫn còn lôi trâu ra ngắm.... Vẽ trâu lần đầu nhưng thấy đắc ý. Mèo khen mèo dài đưôi... Ủa! bạn bè cũng khen nữa mà. Họ kháo nhau: "Thẳng chả vẽ trâu đẹp ghê", kẻ thì bảo: "Tranh sơn dầu mà giống tranh thủy mặc Á Đông, cũng hay..." v.v... Nghe được bạn bè khen khoái chí bèn ca rống lên câu vọng cổ học lóm từ nhỏ: "Con ơi tháng chạp đến đây là ngày tên con sẽ phải ghi vào cuốn (ư ư) sổ nhân duyên (ư ư)..."  Đang hứng chí ...bỗng có ai lay nhẹ vào vai   "Bố à, bố! Ngủ trưa mà cũng mớ nữa... Tới giờ bố đi khám bác sỹ rồi kìa..." .

Tôi từ từ ngồi dậy, tằng hắng: "Vậy à..."

Nhớ lại giấc mơ, thật vớ vẩn "Tuổi này rồi mà vẫn thích người ta khen! Chết thật! Nếu vậy khi bị chê chắc vẫn còn thấy buồn!"  Con đường giác ngộ dài đằng đẵng.

A.C.La
_____________

Cảm nghĩ khi xem tranh:

1
Cứ tưởng tượng đang sống trong thời thanh bình 54-60 thế kỷ trước tại miền Nam nước Việt, trong một thôn xóm có núi cao sông dài và ruộng vườn xanh tươi. Sau một ngày học hành vất vả và tan trường về dưới nắng hè rực rỡ có thể cảm nhận được cái nóng đang nung mặt người nên rủ người bạn học tắm sông. Nhảy ùm xuống dòng sông mới cảm giác được cái mát rượi. Soải tay bơi ra xa và ngụp lặn trong sảng khoái. Bơi ngửa nhìn thấy núi xa và đàn chim bay về tổ sau một ngày bươn bả kiếm sống . . . 

Và giờ đây nhìn bức tranh "Mùa Nghỉ Ngơi" của họa sĩ A.C.La, tưởng tượng mùa nghỉ ngơi thật sự của một kiếp đời sau hơn nửa thế kỷ kể từ thời học trò áo trắng tắm sông cho đến bây giờ, một kiếp người như trâu cày trải qua bao nhiêu là cay đắng, gian nguy, vất vả cuối đời được thảnh thơi vui đùa dưới dòng nước mát.

Tôi có đôi giòng thô thiển cảm nhận khi nhìn ngắm bức tranh, màu sắc êm dịu mát lòng người.

Hạnh phúc tuyệt vời là đây mà . . . có phải vậy không thưa ông họa sĩ miệt mài với cọ và bút để chia sẻ tâm tư tình cảm và nghệ thuật sơn dầu với bạn bè thân hữu khắp nơi khi họ có lòng ghé thăm "trang trại" TTR?

Một đọc giả

***
2
1/- Tôi đang nghỉ ngơi tại Paris với vợ và các con cháu thì được xem búc tranh Trâu nghỉ ngơi của bạn.
2/- Bức tranh này hợp với tôi vì tôi tuổi Sửu (trâu) và tôi đang nghỉ ngơi (theo nghĩa đã hưu trí và đang đi du lịch).
3/- Tôi không có óc hội họa và thẩm mỹ, cảm nhận được gì thì viết như vậy. Hơn nữa chữ viết có khi chưa đủ để diễn tả hết.
4/- Tổng quát bức tranh cho tôi cảm giác "no đủ" và "hạnh phúc" cuối đời của tuổi trâu vì màu nền VÀNG. Ánh sáng vàng, phản chiếu màu vàng.
5/- Tôi tự cho con trâu đang nằm dưới nước là trâu chồng, còn con trâu đang đi lên là trâu vợ. Trâu chồng sau khi nghỉ ngơi vẫn còn nằm nghỉ ngơi tiếp; còn trâu vợ sau khi nghỉ ngơi vẫn còn phải lo những công việc khác như: tuổi trâu vợ còn nhỏ nên phải đi làm, như sau nghỉ ngơi vẫn còn nghĩ đến nhiệm vụ để săn sóc trâu chồng, đang đi chuẩn bị thức ăn cho trâu chồng.
6/- Chỉ có một nhận xét negative là nếu sừng trâu vợ nghiêng thêm về phía phải nhiều hơn nữa thì ánh sáng phản chiếu tự nhiên và "thực" hơn.

Văn viết chưa hết ý. Sẽ viết thêm khi trở về Mỹ.
NĐ Điều
___________

Lời bàn của Tam Sao Cốc Tử:
Ông bạn Điều số bọc điều. Bất cứ ai khi đọc những hàng của người sinh bọc điều trên đây đều phát ghen lên mà tự hỏi: Sao mình không may mắn sinh năm Sửu. Khoa học ngày nay có thể giúp thụ thai theo năm tháng mình muốn và sinh vào ngày giờ mình muốn. Nhưng nên nhớ chớ làm điều ấy vì thiên cơ bất khả lậu. Nhớ nhá. Không tốt đâu đấy nhá!!

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...