26 July 2015

Sóng Biển và Đá, tranh mới A.C.La


SÓNG BIỂN & ĐÁ
(Sea waves and rocks)
36x40 in (91.5 x 101cm)
Mix media
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

**


Lại nói về vẽ biển

Giống như một người đàn bà, biển càng đẹp càng nguy hiểm. 

Và nam giới đặc biệt khi còn trẻ lại thường ưa thích sự nguy hiểm. Mới đây khi coi được một đoạn phim qua youtube, tôi lại càng tin điều đó là đúng. Ba cậu thanh niên trạc trên dưới hai mươi từ những mỏm đá trên cao nhẩy xuống vùng nước sâu  sóng dồn dập điên cuồng phía dưới. Trồi lên khỏi mặt nước họ bơi nhanh đến mỏm đá nào thấp  và gần nhất, bám lấy, trèo lên với sự phụ giúp của một người bạn đứng phía trên. Ít nhất một trong ba chàng trai này bị đá cắt tay máu chảy ròng ròng. Bàn tay chứ nếu đàu đập phải đá thì sao? Who cares!

Họ thay phiên nhẩy xuống rồi trèo lên bất chấp đã có bảng cấm "No Jumping". Trai trẻ là thế và hành động của họ không phải không có lý do: Chỗ nguy hiểm là chỗ đẹp nhất, kích thích nhất.

Ở những nơi thềm lục địa tương đối bằng phẳng, mặt biển ít nổi sóng nếu không có gió. Ngay cả khi trời nổi gió thì chiều cao và tốc độ di chuyển của sóng ít thay đổi và mặt biển trông không thấy "quyến rũ". Nhưng khi di chuyển đến một nơi mấp mô thì ngọn sóng giữ nguyên tốc độ trong khi chân sóng bị lực cản di chuyển chậm lại tạo ra thế mất quân bình khiến ngọn sóng bị đổ xuống vì "quá đà".


Cứ nhỉn một vùng biển đang bình bình bỗng có một khúc nổi sóng thì biết ngay phía dưới có đá ngầm mà không cần phải nhìn thấy phần đá nhô khỏi mặt nước mới đoán ra. Thuyền bè lạc vào vùng này thì phiền lắm, mắc cạn là nhẹ nhất.

Thế nhưng chính những vùng biển có đá mới tạo ra cảnh trí tuyệt vời. Đó là nguồn hứng bất tận của nghệ sĩ đặc biệt là họa sĩ. Hình thù của đá cho ta nhiều bất ngờ. Người ngắm cảnh chỉ di chuyển một chút là đã thấy cảnh trí đổi khác. Sóng biển thì muôn hình vạn trạng tùy gió mà thay đổi kích thước tùy bầu khí quyển mà mầu sắc biến hóa khôn cùng. 

Sóng trước đổ đâu sóng sau đỏ đó. Sóng di chuyển đồng chiều. Tuy vậy sóng trở nên "hỗn loạn" ở gần bờ đá lởm chởm. Núi đá bẻ hướng sóng. Sóng đập lên vách đá tạo ra sóng nghịch chiều. Sóng nghịch chiều gặp sóng xô bờ sẽ tạo ra "chiến tranh" và đổ vỡ sau đó!


Trong bức tranh "Sóng Biển & Đá" có một vài chỗ có sóng ngược chiều để thử diễn tả cái "hỗn loạn" ngoạn mục này. Như đã nói trong bài vẽ biển kỳ trước, không nên tránh những cái khó, cho dù những bức hình gợi ý  không có sóng nghịch, cũng nên tạo ra một hai để giúp cho bức tranh thêm thi vị.

Xin gửi đến quý anh chị "Sóng Biển & Đá" để tìm chút ít thanh thản ngày cuối tuần.

A.C.La
Hè 2015

1 comment:

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...