03 July 2015

Chiều Hoang Trên Biển, tranh A.C.La

Vẽ cảnh biển

Khi vẽ tranh, người thì nghiêng về hiện thực, người lại nghiêng về ấn tượng và/hoặc trừu tượng.

Tranh vẽ theo lối ấn tượng với những nét cọ mạnh bạo, tạo ra độ tương phản lớn, màu thường rực rỡ nên gây cảm giác phấn khích nơi người thưởng lãm.

Nói như thế không có nghĩa là tranh hiện thực không đẹp. Tranh hiện thực vẫn có những nét quyến rũ riêng, và luôn luôn làm say mê đa số người hâm mộ hội họa.

Hình lấy từ internet

Tuy phát xuất từ hai quan niệm khác nhau, hiện thực và ấn tượng không phải là hoàn toàn biệt lập về cách vẽ. Rất nhiều họa sĩ kết hợp những lối vẽ khác nhau, tùy trường họp mà gia giảm lối vẽ mình thích.

Có người dùng bút pháp của phái tả chân nhưng về bố cục thì lại do trí tưởng tượng dẫn đi khá xa. Chẳng hạn như tranh biển của Pickering. Tranh của ông rất đẹp nhưng ít nhiều không có "thực". Nhiều người say mê tranh của ông có lẽ vì những đường sóng huyễn hoặc này.  (hình bên cạnh: một bức tranh của Pickering)

Nhưng dù vẽ theo cách này hay cách khác, vẽ biển là một thách đố.  Tôi có một người bạn là họa sĩ xuất thân từ trường vẽ ở Miền Bắc trước 1975, tất nhiên có bài bản. Có môt lần đến xem tranh của tại hạ, trong câu chuyện qua lại, anh nói vẽ sóng liếm trên cát rất khó, "chớ mó vào". Tôi rất thích ngắm cảnh biển cả, gần bờ hay xa khơi. Lúc đó tôi đã bắt đầu vẽ biển. Nghe câu nói này chẳng những không nao núng mà lại còn khiến tôi hứng chí. Chỉ tìm cái dễ có thể sẽ vuột mất những thử thách để đào luyện cái năng khiếu trời ban, và mặc dù đó chỉ là một cái sở thích lúc nhàn tản.

Đã thích biển mà không thử thì mất cơ hội vui với điều mình thích. Nhưng hơi phiền là sách chuyên khảo hội họa hiếm; sách biên khảo lịch sử hội họa thì nhiều nhưng sách dậy vẽ hay phân tích kỹ thuật thì hiếm. Bởi vậy mà khi muốn tích lũy sự hiểu biết về kỹ thật vẽ biển thì việc khảo sát phim ảnh và phân tích các bức tranh nổi tiếng về biển chiếm phần quan trọng trong thời gian học hỏi.

Trong các cuộc triển lãm, ở các gian hàng trưng bày tranh hay nơi các bảo tàng hội họa mà gặp những bức tranh "hớp hồn", tôi thường đứng sững ra mà ngắm. Những lúc như vậy thời gian qua rất nhanh mà không hay.

Thế nhưng khi ngắm tranh ta chỉ thấy bức tranh đẹp hay xấu, đúng hay sai và chẳng cần biết tại sao như vậy. Biết thêm thì tốt, bằng không cũng chẳng sao bởi vì người ta thưởng thức một nghệ phẩm qua cảm xúc, qua sự rung động chứ không qua kỹ thuật. Còn đối với người vẽ, ngoài rung động và cảm hứng cần có vốn liếng kỹ thuật để chuyển tả những ý nghĩ và cảm hứng ấy lên khung vải. Trong số những kinh kỹ, trung gian thương mại trong lãnh vực tranh ảnh, nhiều người am tường về hội họa. Họ là những họa sĩ không cầm cọ. Thế nên họ đánh giá tranh chính xác chưa kể đến chuyện lượng giá theo thị hiếu người mua và theo trào lưu thị trường.

Nói đến vẽ trước tiên là nói đến ánh sáng. Có ánh sáng, đen thành trắng. Không ánh sáng trắng thành đen. Ánh sáng cho ta sắc độ. Ánh sáng giúp sự vật biểu hiện màu sở tại (local colour), và màu phản chiếu. Vẽ biển cũng vậy, tôi thường tập nhận ra các vùng khác nhau khi chúng tiếp xúc với ánh sáng. Ví dụ: (Chưa nói đến sóng), chỉ nói đến mặt biển thôi, tôi giản lược đối tượng vào 4 vùng nhận ánh sáng như sau:


1. Ánh nắng nếu phản chiếu thẳng góc sẽ rất sáng, vì mặt biển là một tấm gương. Đi trên máy bay nhìn xuống nhiều khi ta nhìn thấy mặt trời phản chiếu trên biển rất chói chang. Thực tế biển thường có sóng, mà sóng có nhiều mặt, chỉ có một mặt phản chiếu ánh mặt trời đến mắt ta (nên thấy "lăn tăn")

2. Khí quyển có ánh sáng thay đổi từng ngày, ngày nắng có màu xanh "da trời" (Trời không có thịt nhưng có da đấy!!!). Ngày mưa trời màu xám, v.v... Phản ánh của bàu trời trên sự vật rõ nhất khi sự vật không nhận tia nắng trực tiếp.

3. Ngày nắng ở ngoài khơi, nước biển trong vắt có màu aqua.

4. Thực tế ít khi ta thấy màu aqua tinh khiết (trừ khi là dân chài đi biển hàng ngày). Chúng ta thường ngắm biển từ trên bờ, nên màu nước biển bị pha trộn với màu của những vật thể nằm dưới nước như cây dưới biển, đá ngầm, rong rêu, sỏi cát ở gần bờ, dưới thềm lục địa ánh khúc xạ lên (Ảnh thật). Cộng thêm vào nhóm này có bóng của cây cối, của núi đá ... trên mức nước biển chiếu xuống bên dưới rồi phản chiếu lên mắt ta (Ảnh ảo).

Phân biệt để dễ nhớ thôi chứ trong thực tế chúng ảnh hưởng qua lại. Chẳng hạn đá có sắc riêng của đá, nhưng khi ánh nắng chiếu lên, màu đá sẽ biến và biến thiên theo góc độ tia nắng; thêm vào đó bầu khí quyển và mặt nước ánh lên lại khiến màu đá biến thiên một lần nữa...

Khi nào rảnh chúng ta lại nói tiếp về vẽ biển... Bây giờ mời quý anh chị và các bạn coi cho vui bức seascape mới vẽ. Bức tranh vẽ cảnh biển xa bờ nên phần cận cảnh (phần dưới của tranh) có những chỗ mầu đậm vì nước sâu. Bức vẽ là một tập hợp những halftones rất tinh tế, tiếc rằng máy ảnh không thể chụp lên hết được....

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
Hè 2015


Chiều Hoang Trên Biển
**
24x36 inch (61x89 cm)
Oil on canvas
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...