14 December 2012

Kích Động Lòng Yêu Nước Cực Đoan

Đào Văn Bình
Yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng. Yêu cha yêu mẹ, yêu thầy yêu cô, yêu bạn yêu bè, yêu quê cha đất tổ, thậm chí “tử vì đạo” cũng không thể sánh được với lòng yêu nước. Bởi vì “tử vì đạo” là chết cho tôn giáo riêng của mình chứ chưa phải chết cho đất nước.

Chính vì lòng ái quốc thiêng liêng, cao quý như thế cho nên khắp nơi trên thế giới, tại thủ đô hoặc các thành phố hoặc những nơi gọi là di tích lịch sử, dân tộc nào cũng có truyền thống tạc tượng, lập tượng đài…để nhớ và tôn vinh những vị đã được cả dân tộc ghi nhận là “những nhà ái quốc.” Riêng dân tộc ta còn lập miếu đền - suốt năm nhang khói - không phải chỉ để tôn thờ mà còn để nhắc nhở con cháu muôn ngàn đời sau về lòng ái quốc. Khi nhìn thấy miếu đền, chúng ta thấy lịch sử sống lại và các vị anh hùng dân tộc vẫn còn ở với chúng ta.

Sống trong lòng dân tộc mà một người nào đó không có lòng ái quốc thì giống như một thứ “ngoại kiều” trục lợi trên quê hương mình mà không hề “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Không có lòng ái quốc giống như “gỗ mục” như “bèo giạt mây trôi” - thời bình có thể làm gián điệp cho ngoại bang còn khi đất nước lâm nguy có thể sẵn sàng làm tay sai bán nước nếu bản thân mình hoặc gia đình mình có lợi.

Mặc dù lòng ái quốc thiêng liêng và cao cả như thế nhưng không phải là chuyện khó làm. Tùy theo hoàn cảnh, trình độ và vị trí  - mỗi người có thể bày tỏ lòng yêu nước một cách khác nhau.

-  Đối với người bình thường (thứ dân) thì trong thời bình là một công dân tốt, đóng thuế đầy đủ, tuân thủ luật pháp quốc gia. Thời chiến thì bản thân mình hoặc khích lệ con em hăng hái tòng quân giết giặc, tham gia vào các công binh xưởng, các nhà máy, nông công trường cung cấp tất cả những gì cần thiết cho chiến tường, bỏ bớt những ham thích cá nhân (xin xem “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo) trong tinh thần “hâu phương yểm trợ tiền tuyến”. Như thế có thể gọi là một công dân yêu nước.


-   Nếu là một người khá giả có thể đóng góp tiền bạc cho chính phủ để mua sắm vũ khí, yểm trợ cho binh sĩ ngoài tiền tuyến và gia đình họ. Như thế gọi là một công dân danh dự của đất nước.

-  Khi quốc biến, nếu quốc gia cần cũng phải cởi áo tu hành để theo tiếng gọi của non sông. Như thế gọi là bậc tu hành yêu nước.

-  Dũng cảm chiến đấu, khích lệ đồng đội chiến đấu, tạo nên những chiến công hiển hách như thế gọi là quân nhân yêu nước, hoặc cao hơn - một anh hùng.

-  Dù sức yếu nhưng tử chiến, quyết không đầu hàng giặc như thế gọi là “dũng tướng” được cả dân tộc tiếc thương như Cụ Hoàng Diệu và Phò Mã Nguyễn Lâm tuẫn tiết ở Thành Hà Nội trước sức công phá của giặc Pháp.

-  Bị giặc bắt vẫn hiên ngang không khuất phục mà dõng dạc hô to “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc ! “ như Trần Bình Trọng là khí phách nuôi dưỡng uy linh dân tộc.

- Đất nước bị Thực Dân Pháp đô hộ, dày xéo, nhục mạ, bóc lột… sức yếu không thể làm cách mạng hoặc dấy binh khởi nghĩa, sáng tác “những vần thơ rướm máu” để nói lên nỗi nhục của dân tộc như Cụ Nguyền Đình Chiểu là bậc chí sĩ yêu nước.

- Trước thế nước ngả nghiêng không “bàn thối”, xốc gươm giết kẻ phản quốc như Cù Thị, Ai Vương, Thiếu Qúy và đoàn tùy tùng của sứ Tàu để chặn đứng âm mưu dâng nước ta cho nhà Hán như thế gọi là “bầy tôi lương đống” một lòng vì dân vì nước,  lưu danh muôn thuở: Tể Tướng Lữ Gia.

- Thấy dân chúng lầm than trước nạn Bắc Phương giày xéo, dấy binh, tập họp dân chúng xây dựng lực lượng vũ trang khởi nghĩa, đánh đuổi quân thù, kiến tạo nền độc lập tự chủ dù không lâu dài … như hai Bà Trưng-Triệu là biểu tượng tuyệt vời của lòng yêu nước của dân tộc ta.

-  Đất nước bị quân xâm lược đô hộ, bóc lột, giày xéo, nhục nhã… hy sinh đời sống cá nhân, bôn ba làm cách mạng, ngục tù không sờn chí, khơi dậy lòng ái quốc trong quần chúng, từng bước xây dựng cơ sở cách mạng và lực lượng vũ trang rồi thanh thế mỗi lúc mỗi mạnh, cuối cùng đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, xây dựng nền độc lập tự chủ…người lên đoạn đầu đài, kẻ bỏ thân nơi chiến địa, người bị lưu đày, người chết trong ngục tù… đều là các anh hùng của dân tộc.

-  Không phải chỉ sống trên quê hương mới thương dân yêu nước. Có rất nhiều người sống xa Tổ Quốc suốt đời mà vẫn nhớ về cội nguồn. Trong Thế Chiến I, nhiều người Việt Nam bị bắt đi lính cho Pháp.  Sau khi chiến tranh chấm dứt, kẻ sống sót trở về được gia nhập quốc tịch Pháp, hưởng hưu bổng, lấy vợ Pháp, sinh con đẻ cái, nhận nơi này là quê hương thứ hai - nhưng Việt Nam vẫn canh cánh bên lòng. Có rất nhiều người du học hoặc trí thức trốn tránh ách thực dân lưu vong qua Pháp rồi trở thành giáo sư đại học, khoa học gia, viện sĩ Viện Hàm Lâm...tuy sống ở đó, tuân thủ luật pháp xứ người nhưng lòng thì vẫn hướng về quê cha đất tổ  và luôn có những việc làm ái quốc.

Lòng yêu nước có sức mạnh vạn năng. Nó có thể tạo nên những chiến công hiển hách, xây dựng đất nước từ nô lệ trở thành độc lập, từ bị ngoại bang khinh rẻ trở nên được kính nể, từ đống hoang tàn đổ nát trở nên phú cường như Nhật Bản, Do Thái chẳng hạn. Một dân tộc có lòng yêu nước, nếu có lãnh đạo và được tổ chức tốt, dù nhỏ bé có thể đánh thắng bất kỳ một đạo quân xâm lược hùng mạnh nào. Thông thường lòng yêu nước được khơi dậy khi:

- Đất nước bị ngoại bang xâm chiếm, đô hộ.

- Đất nước bị ngoại bang đe dọa, uy hiếp.

- Bờ cõi bị xâm lấn.

- Danh dự của đất nước bị tổn thương.

- Một đôi khi lòng yêu nước còn được bộc lộ qua những trận đấu thể thao như “Giải Túc Cầu Thế Giới” (World Cup) chẳng hạn. Nhưng lòng yêu nước này chỉ là thứ tự ái, lửa rơm sớm lụi tàn.

Ngày nay khi một nước nhỏ bị nước lớn hiếp đáp, lòng yêu nước được thể hiện qua hình thức biểu tình- thường là trước các tòa đại sứ hoặc tòa lãnh sự của nước thù nghịch. Những cuộc biểu tình này thường là tự phát. Mới đây nhất khi Hoa Lục xâm lấn Bãi Cạn Scarborough của Phi Luật Tân và đưa tàu chiến và tàu ngư chính tới Đảo Senkaku để uy hiếp Nhật Bản thì tại ba quốc gia nói trên đều nổ ra các cuộc biểu tình. Tuy nhiên phong cách biểu tình tại ba quốc gia đó lại hoàn toàn khác nhau. Tại Phi Luật Tân, dân chúng chỉ biểu tình một hai lần rồi để chính phủ tìm phương giải quyết và cũng không bày tỏ thái độ, hiếu chiến hoặc “bài Hoa” đập phá các sơ sở thương mại của người Tàu. Nhật Bản, sau những cuộc biểu tình ở Trung Quốc, họ chỉ tổ chức một cuộc biểu tình quy mô trong ôn hòa, trật tự và không hề có khẩu hiệu khiêu khích. Riêng tại Hoa Lục, Tuổi Trẻ Online đưa tin: “ Theo hãng AFP, hôm qua 16 Tháng 9, làn sóng biểu tình phản đối Nhật  tiếp tục bùng nổ tại 50 thành phố lớn ở Trung Quốc. Tại Thẩm Quyến, đám đông biểu tình đã cầm khẩu hiệu đòi “tắm máu” nước Nhật. Nhóm này đã đụng độ với cảnh sát. Lực lượng an ninh đã phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông cuồng nộ. Kênh truyền hình Cable TV của Hongkong cũng đã cho phát các đoạn băng quay cảnh hơn 1000 người biểu tình đốt cờ Nhật và tràn vào đập phá một khách sạn bên cạnh Lãnh Sự Quán Nhật ở Quảng Châu. Những người biểu tình còn đòi gây chiến và cấm vận kinh tế Nhật. Ở Thanh Đảo, mười nhà máy hợp tác với công ty Nhật bị dân Trung Quốc đập phá. Báo Yomiuri Shimbun dần nguồn Đại Sứ Quán Nhật tại Bắc Kinh cho biết đã xảy ra các vụ phóng hỏa và các dây chuyền sản xuất bị phá hủy. Theo Reuters, nhiều đại lý xe hơi Toyota ở Trung Quốc bị đốt phá, một số lượng lớn xe bị phá hủy. Nhiều siêu thị và trung tâm thương mua sắm do Nhật đầu tư tại ít nhất năm thành phố ở Trung Quốc bị đập phá. Đám biểu tình còn xông vào các siêu thị hôi của. Hãng tin BBC dẫn lời một nhân chứng ở Thành Phố Tây An kể máy ảnh của anh đã bị giật và đập phá vì mang nhãn hàng của Nhật. Các xe hơi mang thương hiệu Nhật bị chận lại một cách ngang nhiên trên đường phố, tài xế bị lôi ra ngoài, còn chiếc xe đó bị đập phá, đốt cháy. Trên mạng SinaWeibo, nhiều cư dân mạng Trung Quốc tiết lộ họ không dám lái xe thương hiệu Nhật trong hai ngày cuối tuần. Tại Bắc Kinh, nhiều người quá khích đốt cờ Nhật. Khung cảnh tương tự cũng diễn ra trước Lãnh Sự Quán Nhật ở Thượng Hải.” Rồi vào ngày 30/11/2012 mới đây, khi hai tàu cá của Hoa Lục cố tình tiến sát để làm đứt giây cáp của tàu thăm dò dầu khí Bình Minh của Việt Nam thì trên mạng Facebook đã xuất hiện những đoạn Video ngụy tạo hình ảnh hải quân Trung Quốc bắn chìm một tàu thăm dò dầu khí của Viêt Nam - không ngoài mục đích kích thích thanh niên Tàu cho thêm hăng máu.

Chiến dịch khích động lòng yêu nước cực đoan của Trung Quốc đã gây tác hại nghiêm trọng về kinh tế cho cả hai Hoa- Nhật và làm căng thẳng thêm tình hình. Hiện nay số lượng sản xuất xe hơi của các hãng Toyota và Honda tại Hoa Lục đã giảm 40% và Nhật Bản đang suy tính chuyển hướng các nhà máy sản xuất xe hơi qua Thái Lan và Việt Nam. Một cuộc thăm dò dư luận do chính phủ Nhật tiến hành mới đây cho thấy 80% dân Nhật bắt đầu chán ngán người Tàu, điều mà từ 1950 tới nay không hề có. Việc khích động lòng yêu nước cực đoan, bài ngoại gây khó khăn cho tiên trình  hỏa giải (nếu có) và cuối cùng”gậy ông đập lưng ông” giống như “phù thủy lụy âm binh”. Khi mà hằng trăm ngàn thanh niên thiếu nữ xuống đường hò hét những khẩu hiệu hiếu chiến, sắt máu mà sau đó chính quyền không làm được thì sẽ bị tố cáo là ươn hèn. Tại Hoa Lục hiện nay vẫn có những học giả công tâm như Lý Lệnh Hoa nói rằng không có một cơ sở nào pháp lý nào để chứng minh Đường Lưỡi Bò là của Trung Quốc. Rồi khi Ô. Mã Anh Cửu ồn ào “ăn có” vào chuyện Senkaku, cựu Tổng Thống Lý Đăng Huy (1988-2000) cũng khẳng khái nói Senkaku chẳng ăn nhập gì tới Đài Loan thì lập tức hai ông này bị đám đông cuồng nhiệt chụp cho cái mũ “phản quốc”! Thực ra hai ông này có phản quốc gì đâu. Họ chỉ cất lên tiếng nói trung thực và hoàn toàn vì lợi ích của Trung Quốc là xin đừng đẩy 1.3 tỉ dân vào một cuộc chiến hoàn toàn phi nghĩa không lối thoát.

Đồng ý là ngoài những tranh chấp về Đảo Senkaku, Trung Hoa và Nhật Bản còn có những cọ sát đau thương về lịch sử, đó là Cuộc Thảm Sát Nam Kinh năm 1937 khi Nhật chiếm đóng Trung Hoa, khiến người Trung Hoa không sao quên được mối hận này, khi mà họ sắp sửa trở thành siêu cường và muốn rửa nhục. Thế nhưng thế giới ngày hôm nay lại không giải quyết những cọ sát của lịch sử theo kiểu “thù dai “ như người Tàu. Lịch sử thì không thể thay đổi  nhưng chính sách ngoại giao thì có thể thay đổi cho phù hợp với quyền lợi quốc gia mỗi thời kỳ. Thử hỏi con số 1 triệu người Việt chết đói năm Ất Dậu (1945) khi Nhật chiếm đóng Đông Dương có kinh hoàng và uất hận hơn 300,000 người chết trong Cuộc Thảm Sát Nam Kinh không? Thế nhưng người Việt lại biết quên đi quá khứ để hướng về tương lai. Trước 1975, Nhật Bản đã viện trợ cho Miền Nam dưới kế hoạch “Bồi Thường Chiến Tranh” bằng các công trình như Nhà Máy Xi-măng Hà Tiên, Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa, Thủy Điện Đa Nhim, Lò Nguyên Tử Đà Lạt v.v.. Còn bây giờ, Nhật Bản cũng đã viện trợ, cho vay, hùn vốn giúp Việt Nam qua các công trình như Cầu Cần Thơ, Nhà Máy Điện Nguyên Tử Ninh Thuận, phóng vệ tinh viễn thông, xây dựng Trung Tâm Vũ Trụ lớn nhất Đông Nam Á ở Hòa Lạc (Hà Nội), giúp huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và là quốc gia có số đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với nhiều công trình và 208 doanh nghiệp. Nhìn rộng hơn nữa trong Thế Chiến II, Hoa Kỳ đã tử chiến với Đức và Nhật như thế nào? Cả triệu người đã ngã xuống thế nhưng sau đó họ trở thành đồng minh chiến lược cho tới bây giờ vì họ biết quên đi quá khứ để hướng về tương lai.

Ngụy tạo chứng cớ về chủ quyền biển đảo, bịa đặt tin tức, kích thích lòng yêu nước cực đoan cùng sự hung hăng hiếu chiến, Hoa Lục khiến Đông Nam Á, Nhật Bản và cả thế giới lo sợ. Nhưng khác với Hoa Lục, Nhật Bản không ồn ào, không kích động quần chúng, lầm lì như một kiếm sĩ đi trong mùa đông tuyết phủ. Nhật Bản đang âm thầm chuyển hướng từ “phòng vệ” qua hợp tác và viện trợ để mở rộng “bản đồ quân sự “ của mình. Trước sự do dự của Mỹ trong việc yểm trợ đồng minh, Nhật Bản thay vì tiếp tục theo sách lược “núp dưới cái dù của Mỹ” như trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đang tìm cách “tự đứng trên đôi chân” của mình. Theo Nghiên Cứu Biển Đông thì “Nhật Bản đang âm thầm bày thế trận để chống lại Trung Quốc tại Đông Nam Á, cung cấp chuyên gia quân sự giúp đào tạo về giảm nhẹ thiên tai cho Campuchia và Đông Timo; Nhật Bản cũng có kế hoạch giúp đào tạo y tế cho các thủy thủ làm việc trên tàu ngầm mới mua của Việt Nam. Nhật Bản đang đàm phán về việc cung cấp 10 tàu tuần duyên nhỏ cho Phi Luật Tân với giá khoảng 12 triệu đô-la/chiếc. Nhật Bản cũng cho biết có thể cung cấp những tàu tương tự như vậy cho Việt Nam. Trong năm tới, Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Indonesia và Việt Nam. Úc Đại Lợi, Việt Nam và Mã Lai  cũng có thể là nước đầu tiên được phép mua các tàu ngầm Lớp Soryu của Nhật là thế hệ tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel tân tiến nhất thế giới.” Lời tuyên bố ngày 6/12/2012 của Tư Lệnh Thái Bình Dương - Đô đốc Samuel Locklear mà Đài VOA đưa tin “ Mỹ từ chối hỗ trợ đồng minh Châu Á trong tranh chấp Biển Đông và Đông Bắc Á với Trung Quốc.” đã khẳng định chọn lựa “tự đứng trên đôi chân” là chọn lựa sinh tử của Nhật Bản.

Lòng ái quốc giống như tấm gương cần được lau chùi, như ngọn lửa thiêng không bao giờ để tắt. Khi thế nước nghiêng ngả, ngoại bang chực chờ xâm lấn - biểu tỏ lòng yêu nước là điều phải có. Nhưng cần biểu tỏ một cách chừng mực, vừa đủ để không gây khó khăn cho chính quyền, vừa phải đối đầu với ngoại bang vừa phải đối đầu với các cuộc biểu tình trong nước, cách mà người dân Nhật Bản và Phi Luật Tân đang hành xử. Cách đây ít lâu khi Pháp phản đối cuộc xâm lăng của Mỹ vào Iraq, đài truyền hình cực đoan bảo thủ của Mỹ là Fox News đã kích động phong trào tẩy chay hàng hóa  Pháp nhưng không thành công. Sở dĩ Fox News không thành công là vì nhận thức của dân Mỹ rất cao. Nếu Mỹ chính thức phát động phong trào bài Pháp thì Pháp lập tức trả đũa bằng cách tẩy chay hàng hóa Mỹ. Khi đó Mỹ sẽ lao vào cuộc chiến tranh kinh tế vô ích với Pháp trong khi Mỹ còn đang cố gắng thuyết phục Âu Châu đứng về phe Mỹ trong cuộc chiến tranh này.

Yêu nước là điều kiện CẦN nhưng chưa Đủ. Lịch sử chứng tỏ rằng dù lòng yêu nước có tuyệt vời, cuồng nhiệt tới đâu đi nữa mà sức yếu thì vẫn bị diệt vong. Song song với lòng yêu nước, muốn giữ nước cần phải chuẩn bị chiến tranh như: mua sắm vũ khí tối tân, dự trữ lương thực và nguyên liệu chiến lược, huấn luyện binh sĩ sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác cao độ, có kế hoạch phòng thủ tinh vi, trong thì trên dưới một lòng, vỗ an dân chúng, ngoài thì tranh thủ chính nghĩa, liên kết xa gần để tạo thế liên minh, âm thầm, không tỏ ra hiếu chiến, bề ngoài thì nhã nhặn, nhịn nhục nhưng bên trong là cả một khối thép mà khi kẻ thù đụng đến thì “ôm đầu máu” hay “chui vào ống đồng” mà chạy. Câu chuyện nuôi gà chọi Thời Xuân Thu Chiến Quốc cho chúng ta bài học đó. Truyện kể rằng Tề Hoàn Công là ông vua rất mê đá gà. Trong bầy có con gà quý gọi là Kim Kê. Tề Hoàn Công cho tuyển một bậc thầy về nuôi gà chọi để chăm sóc con này. Cứ lâu lâu Tề Hoàn Công lại hỏi con Kim Kê đem đá được chưa? Ông thầy gà đáp: Dạ chưa.

Tề Hoàn Công hỏi: Tại sao vậy?

Vị kê sư đáp: Con Kim Kê chưa đá được vì tính nó chưa đằm.

Tề Hoàn Công lại hỏi: Chưa đằm là sao?

-Con Kim Kê còn hăng lắm. Nghe gà khác gáy nó lồng lộn tức khí muốn chui ra khỏi chuồng đá nhau ngay.

Ít lâu sau Tề Hoàn Công lại hỏi: Con Kim Kê đá được chưa?

-Cũng vẫn chưa được. Vì con Kim Kê tuy nghe tiếng gà khác gáy nó bớt tức khí nhưng hãy còn hung hăng, ra trận chưa chắc thắng.

Ít lâu sau Tề Hoàn Công lại hỏi: Gà đá được chưa?

-Tâu đại vương, được rồi.

Tề Hoàn Công hỏi: Tại sao vậy?

Vị kê sư đáp:

-Thần đã ra công ngày đêm tập cho nó bình tĩnh. Bây giờ nghe gà khác gáy nó không lồng lộn chạy quanh chuồng để tìm lỗ chui ra, cũng không gáy đáp lại mà nó đứng ngửng cao đầu nghe ngóng chứng tỏ nó đang suy nghĩ về đối thủ cho nên thần nghĩ rằng con Kim Kê có thể xuất trận và có cơ may thắng.

Sau hết, một nước nhỏ muốn thắng một cường địch mạnh hơn mình cả chục lần không phải dễ. Điều tất yếu là phải có chính nghĩa và toàn dân phải được trang bị bằng lòng ái quốc. Thế nhưng xin nhớ cho lòng ái quốc là tình cảm vô cùng thiêng liêng, nó cần được khơi dậy đúng lúc. Lòng yêu nước không phải là một thứ “thời trang” để trình diễn. Ồn ào để tỏ ra mình yêu nước có khi chỉ là yêu nước “dỏm”, giặc tới thì trốn hoặc hủy hoại thân thể để được “miễn dịch” hoặc mượn tiếng du học để trốn lính, hoặc chạy chọt để xin thuyên chuyển về đơn vị không tác chiến. Kẻ lầm lầm, lì lì sống bình thường, không bàn tán gì về quốc sự, khi quốc biến có khi lại là kẻ có lòng yêu nước tuyệt vời không biết chừng. Xin nhớ cho chỉ khi nào đất nước nổ ra chiến tranh mới biết ai thật sự yêu nước, ai yêu nước “dỏm”: “Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần”.

Tham vọng cuồng điên về lãnh thổ và biển đảo đã là một sai lầm, kích động thêm lòng yêu nước cực đoan - đã đẩy Hoa Lục vào đường hầm không lối thoát. Có thể vì thấy mình quá mạnh cho nên Hoa Lục không còn biết sợ ai nữa chăng? Ban bố lệnh chặn giữ, khám xét các tàu qua lại trên Biển Đông mới đây, Hoa Lục đã khiến “Biển Đông” không còn là vấn đề song phương, đa phương nữa mà là “Vấn đề quốc tế”. Qua chuyển động mới nhất này, Hoa Lục đã gửi cho thế giới một tín hiệu là “Chúng tôi đang làm chủ Biển Đông”, không có luật pháp quốc tế ở đây mà chỉ có luật pháp của Trung Quốc. Hành động ngang ngược này chắc chắn đầy Đông Nam Á và thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Nhưng xin các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh nhớ cho chuyện Biển Đông lớn hơn cả chuyện Vịnh Ba Tư. Vịnh Ba Tư không có các đại cường dính vào. Ngoài các quốc gia Đông Nam Á - Biển Đông là hải lộ sinh tử của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Úc Châu, Ấn Độ và Nga. Không một ai có quyền độc chiếm hay áp đặt một luật lệ riêng - nói khác - làm bá chủ vùng này. Kẻ nào có tham vọng bá chủ vùng này tức thách thức với toàn thế giới.

Đào Văn Bình
(California  14/12/2012)


No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...