16 December 2012

Có thật sự Hoa Lục đã trở thành một siêu cường?

Điền Thảo

Once China becomes strong enough to stand alone, it might discard us.
A little later it might even turn against us, if its perception of its interests requires it.
- Henry Kissinger

Những thành tựu ngoạn mục.

Nước Tầu cộng sản, gọi vắn tắt là Hoa Lục,  đã trải nghiệm một cuộc biến đối kỳ thú chỉ trong vòng vài thập niên. Trong thập niên vừa qua, kinh tế Hoa Lục đã tăng gấp 4 lần, từ mức độ ngang với Nước Ý đã lần lượt vượt mặt Anh, Đức và sau chót là Nhật. Nước Tầu CS đã thực hiện được những chiến lược dài hạn và những dự án lớn lao và ngoạn mục: Hấp dẫn được tư bản đầu tư vào Hoa Lục và dùng giao kèo buộc họ chuyển nhượng kỹ thuật tân tiến cho những kỹ sư, và chuyên viên bản địa. Cụ thể Hoa Lục đã phóng được phi thuyền đưa người lên không gian; Họ xây dựng hệ thống vân chuyển siêu tốc trên bộ nối Bắc Kinh với Thượng Hải. Đó là một vài trong số những thành công điển hình khiến chuyên viên các nước phải suy nghĩ và làm hoa mắt thường dân năm châu.


Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Hoa Lục so sánh với những nước phát triển khác.

Trong một phúc trình gần đây của Pew Global Attitudes Project, ý nghĩ Nước Tầu CS hoặc sẽ thay thế hoặc đã thay thế Mỹ trong vai trò siêu cường lãnh đạo thế giới đã được chia sẻ tại 15 trong số 22 quốc gia. Niềm tin này đặc biệt rất phổ biến tại các nước Tây Âu, trong đó Pháp 23%, Tây Ban Nha 14%, Anh Quốc 11%, và Đức Quốc 11% cho rằng Nước Tầu CS đã thay thế nước Mỹ như siêu cường hàng đầu trên thế giới. Một điều nghịch lý là trong số 22 nước được thăm dò thì nước có số người ít nhất tin như thế lại chính là Nước Tầu CS: 6%.

Những người tin tưởng Hoa Lục đang trên tiến trình thay thế ngôi vị siêu cường số một trên thế giới không phải ít. Nhưng quá khứ chứng tỏ số đông không hẳn đã đúng.  Rất có thể quần chúng không được thông tin đầy đủ. Những người được hỏi trong cuộc thăm dò đã căn cứ vào đâu để trả lời? Thống kê? Quan sát cá nhân? Hay qua cảm nghĩ? Thế cho nên khi hỏi một người "bạn có tin điều đó không?" thì cũng nên hỏi "vì sao bạn lại tin như thế?".

Phải nói ngay rằng giới truyền thông đã làm công việc rất tồi khi nói về bản chất của Hoa Lục, và sự vươn lên của nước này từ một tình trạng tương đối tối tăm.

Trước mắt, Hoa Lục không thể trở thành một siêu cường lãnh đạo thế giới.

Nội lực còn thua xa nhiều nước.

Không có một ý niệm rõ nét nào để định nghĩa thế nào là một siêu cường quốc. Nhưng theo như quan niệm được rộng rãi chấp nhận thì đó là ý niệm liên hệ đến một quốc gia với khả năng dàn trải quân lực tới những nơi xa xăm. Cho đến bây giờ thì chỉ có Hoa Kỳ là có khả năng điều động mọi mặt quân sự trên toàn cầu.  Các hạm đội với tầu sân bay, những phi đội ném bom có tầm hoạt động xa, và những hầm phóng hỏa tiễn liên lục địa là những yếu tố quân sự xác định danh xưng siêu cường quốc của Hoa Kỳ.

Nước Tầu CS ngày nay trong khi là một quyền lực về kinh tế và có một đội quân hùng hậu (hơn cả Mỹ) nhưng lại không có khả năng giao chiến với những lực lượng thù địch không đồn trú tại địa phương. Thế nên Hoa Lục quá lắm mới chỉ là một cường quốc tại một vùng.

Yếu tố quân sự xác định một nước là siêu cường nhưng không phải chỉ có như thế. Một số những nét khác cần phải có để duy trì danh phận siêu cường như một nền kinh tế vững mạnh, không có tình trạng xã hội bất ổn...

Một nền kinh tế vững mạnh không phải là một nền kinh tế chỉ thu được nhiều tiền. Hoa Lục có nhiều tiền. Đồng ý. Nhưng nhiều nước khác cũng có nhiều tiền. Vấn đề là có trí thông minh để quản trị tiền bạc ấy hay không. Rồi thì chế độ chính trị và hệ thống xã hội và tư duy có giúp đào tạo và phát huy được trí não con người.

Tạm thời lấy giải Nobel khoa học trao cho những khoa học gia đã có những phát minh và sáng kiến trong các lãnh vực Hoá Học, Vật Lý, Sinh Học, Y khoa và Kinh Tế để so sánh giữa Hoa Lục và các nước khác. Nước Anh đã nhận giải thưởng 86 lần, Đức 87 lần, Hoa Kỳ 303 lần, và Nước Tầu 5 lần. (2)

Năm khoa học gia đã nhận giải Nobel khoa học là người Hoa đó là:

1. 杨振宁 Chen-Ning Yang. sinh năm 1922 tại An Huy, năm 1948 sang Mỹ tiếp hậu đại học và lấy Tiến Sĩ tại Đại học Chicago. Giải Nobel Vật Lý, 1957.

2. 李政道 Tsung-Dao Lee. Sinh năm 1926, học đại học tại Nam Kinh. Sang Mỹ học tại đại học Chicago năm 1946. Sau khi lấy PhD giảng dậy tại nhiều trường đại học Mỹ. Giải Nobel Vật Lý, 1957.

3. 李远哲 Yuan Tseh Lee, . sinh trưởng tại Đài Loan,  University of California, Berkeley, PhD 1965. Giải Nobel Hóa Học,1986.

4. 高锟 Charles Kuen Kao  gốc Thương Hải, sinh năm 1933, di sang Hồng Kông năm 1948. Theo học đại học và hậu đại học tại Hồng Kông, Anh và Mỹ. Hoạt động tại nhiều nước nhưng không ở Hoa Lục. Có song tịch Anh và Mỹ. Giải Nobel Vật Lý, 2009.

5. 崔琦 Daniel Chee Tsui  sinh năm 1939 tại Hồ Nam, di tới Hông Kông năm 1951, học y khoa tại Đài Bắc, sang Hoa Kỳ năm 1958. Theo học nhiều trường đại học ở Mỹ trong đó có Trường Đại Học Chicago. Giải Nobel Vật Lý, 1998.

Trong số 5 nhà khoa học người Hoa lãnh giải thưởng Nobel khoa học như trên đây, không có người nào tốt nghiệp và làm việc tại Hoa Lục dưới thể chế cộng sản. Tất cả đều di dân sang Mỹ hay sang Mỹ do học bổng, học tốt nghiệp hậu đại học, làm việc và nhận Giải Nobel trong thời kỳ này và trở thành công dân Mỹ. Từ năm 1949, ngày cộng quân tiến chiếm Hoa Lục, chưa có một người nào tốt nghiệp, nghiên cứu và làm việc tại đây lãnh giải Nobel khoa học cả. Tuy nhiên có một nhân vật lớn lên trong chế độ cộng sản được trao Giải Thưởng Nobel Hòa Bình, ông Lưu Hiểu Ba, lại là người kiên quyết chống chế độ độc tài ông đã sống chung và hiện nay đang bị cầm tù với bản án 11 năm. Mới đây Giải Nobel Văn Chương chứ không phải Khoa Học trao cho một nhà văn sống tại Hoa Lục, nhưng ở đây chúng ta đang tính giải thưởng Khoa Học.

Thành tựu về khoa học và kinh tế sau thời kỳ đổi mới nhờ bắt chước và ăn cắp chất xám của những công dân các nước khác. Chế độ CS ít đầu tư vào nghiên cứu khoa học mà tiêu tiền cho bộ máy chiến tranh và tuyên truyền để thực hiện mộng bành trướng. Chính chế độ kềm chế tư tưởng người dân khiến những điều mới không có cơ may tìm ra.

Người ta khó tin đưọc một nước như thế lại lãnh đạo được thế giới. Họ phát triển từ ngọn. Gốc rễ khoa học do tự nghiên cứu là con số không. Hệ quả là: không khi nào họ vượt mặt được những xứ có trình độ kỹ thuật cao. Khi chiến lược quân sự Mỹ không dựa nhiều vào tầu sân bay nữa thì Hoa Lục ri mọ chế ra một chiếc (từ cái vỏ tầu phế thải mua của Nga).

Có cần nhắc lại rằng tuy tổng sản lượng nội địa của Hoa Lục hiện nay  đứng thứ hai sau Hoa Kỳ nhưng nếu Tổng sản lượng nội địa tính bình quân theo đầu người thi Hoa Lục đứng hàng thứ 79 trên thế giới. (2)

Nhiều người đã tính nhẩm, nếu như Bắc Kinh thực hiện chế độ an sinh xã hội giống như những nước tiên tiến, thì số tiền bỏ ra giúp hơn một tỉ dân chẳng bao lâu sẽ khiến tiền dành dụm được bấy lâu sẽ cạn kiệt nhanh chóng.

Chẳng có gì đáng kể để cống hiến ngoại trừ nghệ thuật chiến tranh bá đạo.

Lịch sử của Nước Tầu từ xưa tới nay chỉ là đi đánh chiếm lân bang và khi lấy được thiên hạ rồi thì kềm giữ cho khỏi loạn. Hoàng đế khi trị vì sợ bị soán ngôi nên đem lòng nghi kỵ mà giết hại công thần là những người đã cộng khổ phò mình lên ngôi. Đại phu Văn Chủng đã chết dưới tay Câu Tiễn. Hán Lưu Bang treo cổ nguyên soái Hàn Tín, bỏ tù cả tể tướng Tiêu Hà. 

Đúng là cái văn hóa vắt chanh bỏ vỏ: 
Giảo thỏ tử, lương cẩu phanh.
Cao điểu tận, lương cung tàng.
Địch quốc phá, mưu thần vong.
(Thỏ lanh lẹ chết, chó săn bị giết. Chim bay cao hết, cung tốt gác xó bếp. Nước địch đã bị diệt, mưu thần mất mạng)

Cái tư tưởng cách mạng của Mạnh tử "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" chỉ như hạt muối tan trong biển cả, như tiếng kêu trong sa mạc, trong hệ thống lấy chém giết dựng cơ đồ, lấy kềm kẹp chống nổi loạn. Oán hận chập chùng, người dân oán ghét kẻ trị vì hoặc rất thơ ơ với công việc nhà nước.

Theo lời kể của một quan sát  viên thì buổi lễ Tập Cận Bình nhận chức vụ lãnh đạo đã được phát hình trên chuyến xe buýt với âm thanh lớn đủ nghe. "Ngoài tôi và hai người lớn tuổi, còn tất cả khoảng 150 người khác ngồi trong xe đều nhìn đi chỗ khác. "Tôi nghĩ rằng sự lạnh nhạt rõ rệt có ý nghĩa lớn. Nó biểu hiện sự xa cách lớn lao giữa cuộc sống của đám dân giả và chính quyền của họ, nó cũng biểu tỏ nhẹ nhàng nỗi bất mãn của người dân. Tắt quách đi cho rồi" (3)

Đất nước là của chung. Nhưng người quản tri đất nước lại không do người dân chọn lựa. Khi đảng cộng sản chiếm được quyền bính thì tự do dân chủ chết. Trong lời phát biến đã phổ biến rộng rãi trên Youtube, bà Dương Thu Hương, phó TGĐ ngân hàng nhà nước, đại biểu quốc hội nói rằng: "Ngay như mình là đảng viên của Đảng (CSVN), cũng không được quyền bầu tổng bí thư, thì còn nói gì người dân". (Tổng Bí Thư của đảng CS là do Ban bí thư Trung ương đảng chọn để kế vị người tiền nhiệm, không phải do đảng viên bầu)

Khi nước Nga của Sa Hoàng đối đầu với thảm họa bi xâm lăng của Áo Phổ trong Thế Chiến I, đảng viên Đảng CS Nga hỏi Lê-nin rằng đảng viên  Đảng CS phải làm gì cho tổ quốc. Lê-nin trả lời: "Nước Nga do Nga hoàng cai trị nên chúng ta không có tổ quốc".

Có người cho rằng Nước Tầu CS hùng mạnh. Xin khoan! To lớn chưa chắc đã mạnh. Dân Hoa Lục hiện nay không có tổ quốc vì nước họ đang nằm dưới sự thống tr của những nguời không phải họ bầu lên. Bạn nghĩ dân Hoa Lục sẵn sàng chết để bảo vệ cho một chính quyền đầy tham nhũng và độc tài?  

Đấy là chưa kể cái lối sống "thịnh thì bung ra, loạn thì trốn", một triết lý sống rất thực tiễn đã bén rễ đâm sâu vào nếp suy nghĩ của người Tầu, ít ra đã trên 2000 năm nay. Chúng ta hãy đọc một đoạn phê phán của nhà trí thức đối kháng Lưu Hiểu Ba, Giáo sư Thạc sĩ tại Hoa Lục và Thỉnh giảng tại nhiều đại học trên thế giới, Giải Nobel Hòa Bình năm 2010, viết về cái triết lý sống không lấy gì làm anh hùng của Khổng Tử, một người không tìm được chỗ đứng trong quan trường đành buồn bã đi dậy học:

"Ngược lại, những lời giáo huấn của Khổng Tử chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn. Những chỉ dạy ấy cực kỳ thực dụng, khôn khéo, nhưng không có tính thẩm mĩ hoặc triết lí thâm thúy. Ông cũng không có nhân cách cao quý hoặc tầm nhìn khoáng đạt. Ban đầu ông lang bạt tứ xứ muốn được làm quan, sau thất bại bèn trở thành thày dạy đạo đức. Danh hiệu vị thầy chăm chỉ, và “dậy người không mệt mỏi” dành cho ông thực ra cũng chỉ phản ảnh ước muốn viển vông xuất phát từ một nhân cách nông cạn.

Nguyên tắc nổi danh của ông “thịnh thế tắc nhập, loạn thế tắc ẩn” (thời thịnh trị thì dấn thân, thời loạn lạc thì ở ẩn), nếu nhìn kỹ sẽ thấy đó chính là cái đạo xử thế khôn lanh, thể hiện tính vô trách nhiệm và cơ hội chủ nghĩa. Thật hoài phí và tổn hại cho dân tộc Trung Hoa biết bao khi chính nhà tư tưởng này, nhà tư tưởng thực dụng hết mực, khôn lanh hết mực, và đời thường hết mực này, đức Khổng Tử, kẻ tránh né trách nhiệm xã hội và không biết cảm thông với đồng bào thọ nạn này, đã trở thành vị thánh và là mẫu mực cho họ noi theo. Dân tộc nào thì thánh nhân nấy, và thánh nhân nào thì dân tộc nấy. Tôi e rằng toàn bộ tính nô lệ trong lòng người dân Trung Quốc bắt nguồn từ đây, một thứ siêu di truyền văn hóa kéo dài từ xưa và tiếp tục đến ngày nay."(4)

Tần Thủy Hoàng là một nhà độc tài đã chôn sống học trò, tiêu hủy những lời dạy của Khổng Tử và đã bị giai tầng nhà nho lên án. Thế nhưng Đảng Cộng Sản Trung Hoa trọng dụng cả hai, tôn vinh cả Khổng Tử lẫn Tần Thủy Hoàng. Xem ra có vẻ mâu thuẫn, nhưng dựa trên cứu cánh mà xét điều này hoàn toàn hợp lý: Bất cứ sự kiện nào có lợi cho việc ổn cố quyền lực của đảng đều được dùng. Mèo trắng mèo đen nếu bắt được chuột đều tốt cả.

Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bị nguyền rủa do việc ông ta  đàn áp trí thức. Khi được so sánh với Tần Thủy Hoàng, Mao trả lời: "Ông ấy chôn sống 460 học giả; chúng tôi chôn cất 46.000 học giả còn sống... Bạn [trí thức] nguyền rủa chúng tôi là Tần Thủy Hoàng. Bạn đã sai. Chúng tôi đã hơn Tần Thủy Hoàng gấp trăm lần".

Có thể người ta bào chữa rằng: "Đó là thời cổ đại. Thời cận/hiện đại  Hoa Lục đã có pháp trị. Mọi việc phân minh" .... Xin nhớ rằng chuyện Mao Trạch Đông giết Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, vì sợ quyền lực của mình bị nguy hại, mới chỉ cách đây vài chục năm. Chế độ dân chủ pháp trị không phải một sớm một chiều mà có được. Đó là công việc gầy dựng hằng thế kỷ.

Người ta cũng có thể nói "Nước Tầu quá rộng lớn, lại dị biệt về văn hóa, không độc tài thì sẽ tan". Chúng ta đồng ý với nhận xét này bởi vì cái óc muốn thâu tóm thiên hạ của những bạo chúa nước Tầu đã được nuôi dưỡng và di truyền hàng ngàn năm. Cái văn hóa thích cưỡng chiếm này không phù hợp với xu thế sống chung hòa bình và kết hợp theo đồng thuận thời hiện đại. Và đây chính là nhược điểm chết người không thể khắc phục. Đai xiết càng chặt thì sức công phá từ bên trong càng lớn. Một khi đai đứt, chiếc thùng sẽ vỡ tan.

Mà không có cái đai nào lâu ngày lại không rỉ sét. Thời xưa phần lớn đai rỉ sét tự bứt. Thời nay nhiều chiếc kéo từ bên ngoài sẵn sàng cắt đứt đai khi đai mới rệu rạo.

Thế giới đã cảnh giác.

Ý đồ thâu tóm thiên hạ xưa kia dễ thực hiện hơn nhiều. Nhiều đế quốc rộng lớn tồn tại khá lâu. Thế nhưng vào thời đại tin học, bất cứ một ý đồ bá quyền nào manh nha cho dù che dấu dưới bất cứ chủ nghĩa hoa mỹ nào cũng đều bị vạch mặt mau chóng. Đức Quốc Xã và Liên Bang Xô Viết là hai trường hợp điển hình.

Bốn thập niên trước đây Tây Âu nhìn về Hoa Lục tìm kiếm một đối tác có trách nhiệm và sòng phẳng để cùng tiến. Trong chiều hướng này, Nước Mỹ đi đến việc tháo gỡ cấm vân với Hoa Lục trong thập niên 1970, và sau đó chấp nhận chế độ tối huệ quốc "The most favoured nations" (MFN) cho nước này và qui chế ấy trở thành thường trực vào ngày 21 tháng 12, 2001 dưới thời TT Clinton.

Nhưng ngày nay cả thế giới, âm thầm hay công khai, tỏ sự nghi ngại về lập trường dựa vào sức mạnh và đe dọa của Hoa Lục.

Một bản luận án của một sinh viên theo học Trường Quân Lực Canada đệ trình để hoàn tất một trong những học trình của mình. Có đoạn viết:
"Mục đích của hồ sơ này là để chứng minh rằng sự thay đổi về kinh tế và quân sự của Hoa Lục dưới chế độ cộng sản là một mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh của Canada và Phương Tây. Bản phúc trình này sẽ nhìn vào những cuộc cải cách về cả hai phía kinh tế và quân sự đang diễn ra tại Hoa Lục và chiều hướng chiến lược nào những cuộc cải cách này nhắm tới. Quan điểm chiến lược của Phương Tây về Hoa Lục sẽ được trình bày. Các vấn nạn thực sự sẽ được điều tra để cho thấy tại sao Hoa Lục lại có thể chấp nhận thái độ đe dọa."  
"Qua lịch sử, giới lãnh đạo nước Tầu tin tưởng vào sức mạnh. Sức mạnh tỏ ra có hiệu quả trong vụ Thiên An Môn. Sức mạnh làm khiếp sợ giới trí thức và sức mạnh mở đường cho kinh tế phát triển và cho ổn định chính trị. Sức mạnh là đường lối thực tiễn. Trong hệ thống giá trị Trung Hoa, quyền bính, sự thống nhất đất nước và việc bảo toàn chế độ luôn luôn được xếp hạng cao hơn hòa bình." (5)
Quan điểm của luận án không nhất thiết phản ảnh đường lối của bộ quốc phòng Canada, tuy nhiên bài viết này đã được đăng tải trên website của bộ này.

Rồi nước Mỹ có cam tâm ngồi khoanh tay để Hoa Lục đe dọa quyền lợi của Mỹ hay không?

Trật tự hòa bình mới ở Á Châu thích hợp để Hoa Lục phát triển thế lực chỉ hình thành được nếu như Nước Mỹ sẵn sàng dành cho Hoa Lục một ít khoảng trống chiến lược và chính trị. Chuyện nhượng bộ này thường không xẩy ra. Lịch sử cho thấy một vài trường hợp một cường quốc tìm được chỗ đứng trong thế quốc tế mà không cần đến một cuộc chiến tranh với cường quốc đang ngự trị. Đụng độ chỉ tránh được khi cường quốc đương áp đảo nới lỏng cho nước đang cạnh tranh thách thức quyền bá chủ với mình, như trường hợp Anh Quốc đối với Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19. Liệu Nước Mỹ có làm như vậy với Hoa Lục hay không?

Bên trong bị xâu xé vì mâu thuẫn xã hội và văn hóa, một bên là 60.000 tân triệu phú, một bên là đại đa số công nông dân lao động làm việc 16 giờ một ngày chưa nuôi nổi gia đình theo tiêu chuẩn trung bình. Rồi những xung khắc nẩy lửa giữa giới trí thức đứng lên phản kháng lại Đảng Cộng Sản  là cái đảng Mafia lúc nào cũng muốn chôn sống họ để duy trì quyền độc tôn.

Bạn có nghĩ một nước như thế sẽ trở thành một siêu cường lãnh đạo thế giới?

Điền Thảo
16.12.2012
______________

Cước chú:

(1) thống kê của Ngân Hàng Thế Giới (IMB) năm 2010.

(2) Giải Nobel khoa học (vật lý, hóa học, sinh học, toán học, y tế, kinh tế) trao cho công dân các nước. Dưới đây là một số các nước dẫn đầu:

Hoa Kỳ 303
Đức 86
Anh 85
Pháp 39
Thụy Sĩ 20
Canada 19
Nga 19
Hoà Lan 17
Thụy Điển 17
Nhật 17
Áo 16
Ý 13
Úc 12
Hung 11
Đan Mạch 11

(3)  Peter Hartcher World tunes in, Chinese switch off.

(4) Lưu Hiểu Ba: Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa: Bàn về cơn sốt Khổng Tử hiện nay. Bản dịch của Phan Trinh.

(5) Major H.A. Hynes: China: the Emerging Superpower

In history, Chinese leaders have believed in force. Force worked in Tiananmen. It intimidated the intellectuals, and that paved the way for economic growth and political stability. It is realpolitik. And in the Chinese value system, sovereignty, national unification, and preserving the regime have always been higher than peace

The aim of this paper is to demonstrate that China's economic and military transformation, under the current Communist regime, has the potential to seriously threaten the future security of Canada and the West. The paper will look at both the economic and military reforms underway in China and the strategic direction they are taking. The Western strategic view of China will be presented. Potential problem areas will be investigated to reveal why China may adopt a threatening posture.

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...