12 May 2012

Khảo luận vui

THIỀN BƠI
(Tặng các hiền hữu và người hữu duyên.)

Thiền chứ không phải thuyền, sở dĩ tôi “chế” ra THIỀN BƠI vì... Đã hơn mười năm bền bồng nổi trôi trên mặt hồ bơi, trên biển cả, lúc tĩnh lặng, lúc sóng gió, nhưng vẫn giữ thân tâm an tịnh, hít thở để vận động chân tay, trí tuệ thẳng ngay để tiến bước vào ...thiền.

Sơ lược về thiền:

Nói đến thiền, chúng ta nghĩ ngay đến Phật giáo, nhưng hiện tại đã khác vì ngoài Phật giáo, nhiều tôn giáo khác cũng thiền, mọi người dù có hay không có đạo cũng thiền, vì thiền để tìm chứng ngộ cũng còn là một phương pháp chữa bệnh mà khoa học đã và đang xác nhận.

Có người ngồi thiền từ ngày này qua ngày nọ, có người chỉ ngồi năm mười phút thì đau chân mõi tay, nhứt lưng, đau xương sống...Hãy ráng ngồi rồi dần dà nó sẽ quen đi. Nếu chưa quen thiền thì hãy phối hợp giữa thiền và tịnh (thiền- tịnh song tu), thiền, niệm Phật, đọc chú cho đến khi nhuần nhuyễn thì tự nhiên sẽ cần đến thiền và sẽ thấu triệt đường tu...

Ngày xưa, Đức Phật đã bỏ ra một thời gian dài để thiền, trong đó có thiền Yoga, nhưng chưa đạt đạo. Khi ngồi dưới cội cây Bồ Đề, ngài đã tự nghĩ ra bốn giai đoạn thiền để thực hành và chỉ trong vòng bốn tuần lễ thì ngài đã đạt giác ngộ. Từ nhất thiền, nhị thiền, tam thiền rồi đến tứ thiền... ngài đã thành Phật. Từ đó những đệ tử đắc ý của ngài đã theo con đường ngài và cũng đạt đạo. Họ đã làm rạng danh Phật giáo qua 33 đời tổ bên Ấn Độ và 6 đời tổ bên Trung Hoa và Việt Nam...

Vào thời mạt pháp ngày nay, tuy chùa chiền mọc lên như nấm, sư sãi tăng ni dẫy đầy, nhưng, những người con Phật, những ho à thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni cho dù có tu cách nào cũng chỉ một số rất ít đạt được đạo còn phần lớn chỉ tới được THIỀN TAM rồi dừng lại ở đấy!!!?

Thiền đã có từ ngàn xưa, trước thời đức Phật, và chính đức Phật cũng đã thử qua nhiều loại thiền nhưng không hợp, vì thế ngài đã tự chế ra cách thiền riêng và chứng đắc như đã nói trên. Từ đó thiền được các tổ truyền bá cho nhân loại sau này. Loại thiền dễ học nhất mà các ngài để lại cho đời là thiền tứ niệm xứ, hay thiền minh sát. Ngoài cách thiền này còn có những cách thiền khác như thiền Yoga của đạo Bà La Môn, thiền Tây Tạng, thiền Zen, thiền đốn ngộ...

Khởi thủy, thiền đốn ngộ được tổ thứ 28 của thiền phái Bắc tông là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) du nhập vào Trung Hoa, truyền đạt và phát triển mạnh mẽ thời Lục tổ Huệ Năng: một người không học, không biết chữ mà đã ngộ đạo sau khi nghe kinh... để rồi được ngủ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát thay vì ban truyền cho người học trò ưng ý trước đây của ngài là sư Thần Tú.

Sau khi nhận y bát, Lục Tổ phải ẩn dật về phương Nam một thời gian dài để đủ duyên mới dám hoằng pháp và phát triển thiền đốn ngộ. Thời ấy có câu Nam Năng Bắt Tú hay Nam đốn Bắc tiệm để chỉ nơi đâu đã phát triển thiền đốn ngộ...Từ đó thiền đốn ngộ qua VN xuyên qua tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi cho đến ngày nay.

Chủ trương của thiền này là không chấp văn tự, truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật. Vì chủ trương trên mới sinh ra nhiều pháp thiền mới lạ như thiền tu theo pháp lý vô vi khoa học huyền bí Phật pháp của cố thiền sư Lương văn Tám và...nhất là thiền Ôm của đương kim thiền sư Làng Hồng Nhất Hạnh...

Đã có thiền ôm thì tại sao không có thiền bơi? Vì thế bần đạo nhân đi bơi hằng ngày, đã lợi dụng cái trí năng còn sót lại, áp dụng vào đường tu. Vưà bơi vừa thiền, vừa tịnh vừa vui với đời vừa huân tập cho tâm linh trong sáng khi còn hơi thở...

Trước khi đi vào thiền bơi, tôi xin kể lại một câu chuyện mà chính nó đã gợi cho tôi sáng chế ra ...pháp môn này . Theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì có lẽ thiền ôm được sư ông manh nha khi một Phật tử hay một người nào đó ngưởng mộ ôm thầy. Từ đó thầy mới đẻ ra thiền ôm. Chỉ cần vài giây qua một cái ôm, sư ông đã nghĩ ra được thiền ôm. Còn tôi vì trí óc cằn cõi nên phải mất đến mười năm mới sáng chế được thiền bơi! Sau khi có pháp môn mới lạ, thiền sư đã đến Toronto hoằng pháp và cho Phật tử của mình thực hành. Các bạn có nhớ ông giáo sư toán Đặng sỷ Hỷ ngày xưa không? Ông không dạy trường nào nhưng ông ra nhiều sách toán giải mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã xài qua. Ông này bây giờ là nhà sư TNT, hiện ở nơi tôi và tôi đã có dịp theo ông một thời gian để làm Phật sự. Theo lời ông kể khi ông chưa đi tu, thiền sư NH đến Toronto để hoằng pháp, có tổ chức thiền ôm trong đó có vợ chồng ông tham dự. Trong một công viên tỉnh lặng, nhóm khoảng vài chục người, tự phân loại để ôm nhau mà thiền, ông vì có vợ theo nên ông phải ôm vợ chứ đâu dám ôm người khác, còn thầy NH thì...có một người đệ tử trí thức là BS, nhưng bị chồng bỏ bơ vơ, không ai dám ôm nên thầy NH thương tình và ôm bà này để thực hành phép thiền...Kết quả thì ai nấy hưởng

nhưng riêng thầy ĐSH (TNT) thì thật là mỹ mãn, mãi đến tối hôm đó, dù gần tới tuổi cổ lai hy, thầy có được một đêm thiền ôm tuyệt vời với vợ...

Nói tới thiền, người ta liên tưởng tới hình ảnh một người ngồi bất động trong hang đá, trong rừng sâu hay bất cứ một nơi tĩnh mịch nào đó mới gọi là thiền. Nhưng không hoàn toàn phải vậy, nếu ý chí vững mạnh thì ở đâu cũng tu đươc, ở đâu thiền cũng được, không phải vào chùa, không phải vào rừng sâu, không phải ngồi một chỗ mà là tất cả kể cả đi đứng nằm ngồi ngủ nghĩ... Ôm hay Bơi cũng chẳng khác nhau là mấy, nếu có khác thì khác ở chỗ cái Tâm của mỗi con người. Ai ai cũng đều có tâm Phật, nhưng mãi lo toan ở cõi ta bà nên đã vô tình quên nó. Lục Tổ đã nói: “người có Nam, có Bắc, nhưng tâm Phật thì ai cũng như nhau” và đức Phật cũng đã từng dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”

Chỉ vì cái tâm phân biệt đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghĩ, ôm, bơi để rồi tâm vân du bất chánh nên đánh mất ý thiền ...thế thôi phải không các bạn? Hãy giữ tâm trong chánh niệm dưới bất cứ trạng thái nào thì đó cũng gọi là thiền...

Thiền Bơi:

Bơi là môn thể thao tuyệt vời, vận động được toàn thân, nhiều nhất là ở hai tay hai chân, (nhưng cũng có vài người

không chân, tay vẫn bơi được là anh chàng Nick Vujicic... vừa cưới vợ) nhưng sức người có hạn, bạn có thể thiền liên tục quên ăn quên ngủ kéo dài cả ngày, đôi khi cả tuần... chứ bạn không thể bơi liên tục suốt ngày suốt tuần được, nhưng, cũng nhưng, tôi có thể mách bạn bơi không ngưng nghĩ suốt ngày trừ khi bạn cần ăn, uống và ngủ nghĩ...

Muốn được vậy, bạn cần có một phương pháp và hai trợ tá đắc lực là:

* Chỉ phương pháp bơi ngữa là công hiệu nhứt.

* Đôi chân vịt và đếm thiền trong hơi thở là hai phụ tá đắc lực.

Đôi chân vịt và hai tay bạn là thuyền (không phải thiền) đưa bạn đi trên nước, đầu và hơi thở của bạn là thiền để thuyền không đắm và trôi mãi trong chánh niệm, trong an lạc, không sân hận si mê, không mong cầu cho người và cho cả chính mình..., cứ tự do thảnh thơi bơi như thiền... ấy là khởi sự cho thiền bơi vậy...

Để đủ sức bơi lâu dài theo ý mình, bạn hãy lợi dụng tối đa tứ chi và hơi thở, hai chân là cái máy chạy rô đa, hai tay là hai mái chèo của hai người thay phiên nhau lèo lái con tàu. Tàu chạy đều nếu được cung cấp đầy đủ xăng nhớt, đó là hơi thở và sức lực của bạn...

Dù đây chỉ là một khảo luận vui nhưng theo tôi là một phép thiền hửu dụng mà tôi đã thực hành hơn 10 năm nay. Để có chút thiền căn bản tôi xin chép lại lời Phât dạy trong 16 đề mục thiền trong Kinh Anapanasati:

A- Thân niệm xứ:
1- Thở vô dài, tôi biết: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, tôi biết: “Tôi thở ra dài”

2- Thở vô ngắn, tôi biết: “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn, tôi biết: “Tôi thở ra ngắn”.

3- “Cảm giác toàn thân (hơi thở),tôi thở vô”- “Cảm giác toàn thân, tôi thở ra”

4- “An tịnh thân hành, tôi thở vô – An tịnh thân hành, tôi thở ra”.
B- Thọ niệm xứ:
1-“Cảm giác hỷ thọ, tôi thở vô” – “Cảm giác hỷ thọ, tôi thở ra”.

2-“Cảm giác lạc thọ, tôi thở vô”- “Cảm giác lạc thọ, tôi thở ra”.

3-“Cảm giác tâm hành, tôi thở vô”- “Cảm giác tâm hành, tôi thở ra”.

4-“An tịnh tâm hành, tôi thở vô”-“An tịnh tâm hành, tôi thở ra”.
C- Tâm niệm xứ:
1-“Cảm giác về tâm, tôi thở vô”-“Cảm giác về tâm, tôi thở ra”.

2-“Với tâm hân hoan, tôi thở vô”-“Với tâm hân hoan tôi thở ra”.

3-“Với tâm định tĩnh, tôi thở vô”-“Với tâm định tĩnh tôi sẽ thở ra”.

4-“Với tâm giải thoát, tôi thở vô”-“Với tâm giải thoát, tôi thở ra”.
D- Pháp niệm xứ:
1-“Quán vô thường, tôi thở vô”-“Quqán vô thường, tôi thở ra”.

2-“Quán ly tham, tôi thở vô”-“Quán ly tham, tôi thở ra”.

3-“Quán đoạn diệt, tôi thở vô”-“Quán đoạn diệt, tôi thở ra”.

4-“Quán từ bỏ, tôi thở vô”-“Quán từ bỏ, tôi thở ra”.
- Bơi trong chánh niệm của thân:

Hơi thở là liều thuốc dưỡng sinh vô cùng quan trọng trong những cuộc bơi lâu dài, luồng dưỡng khí sẽ điều hòa thân nhiệt của con người trên mặt nước, có đủ dưỡng khí sẽ có đầy

đủ ý chí nghị lực kéo dài cuộc bơi. Theo thầy thiền ôm Làng Hồng thì bạn hãy thầm niệm như thế này:

Hít vào tâm tỉnh lặng, thở ra miệng mĩm cười (nên nhớ chỉ mĩm cười chứ đừng cười teo toét thì sẽ bị khổ vì ...nước)

Còn nếu bạn muốn đơn giản hóa nó là cứ tỉnh bơ hít thì biết hít cho đầy bụng, thở thì cứ thở cho xẹp bụng đều đều như vậy thì bạn sẽ có đủ sức lực bơi qua bơi lại dù suốt một ngày hay cả tuần cũng chẳng mệt mõi gì ...

- Bơi trong chánh niệm của thọ:

Thọ là cảm giác có được mà thiền giả khi bơi trong hồ nhỏ với mọi người, hãy giữ vững cảm giác hỷ lạc để an định tâm hành thì mọi chướng ngại trong hồ bơi sẽ là con số không to tướng khi bạn hành thiền trên mặt nước.

Trong hồ bơi hay trên biển cả cũng chẳng khác, chỉ khác giữa mặn ngọt của dòng nước mà thôi, mặn hay ngọt ta đều biết nhưng đừng dùng tới nó. Mặn thì không uống được, còn ngọt thì dễ uống nhưng hãy nhớ nước hồ bơi có hóa chất và có cả nước...của bá tánh trộn vào, nó không dơ, không sạch, không trong không đục nhưng cũng không là của mình mà của bá tánh nên... chớ nên động lòng tham... Sự cảm nhận của da thịt va chạm với nước, với người bơi chung, tánh nóng lạnh của nước sẽ làm ta biến tính là điều tối

kỵ trong lúc bơi thiền vì lẽ nếu vướn vào, nó sẽ ảnh hưởng đến sức lực của ta và thiền sẽ không còn hiệu lực

- Bơi trong chánh niệm của Tâm:

Tâm là cốt lõi để hành gỉa tu thiền đạt được giác ngộ, tâm định thì thiền định, tâm loạn sẽ làm thiền gián đoạn. Hãy kiểm soát tâm, diệt trừ vọng tưởng, tuy nhiên cứ để nó tự do, không kềm hãm mà chỉ từ từ kiểm soát nó trở về trong chánh niệm.

Khi bơi, nếu là trong hồ, bạn sẽ bị rất nhiều trở ngại như người chậm người nhanh, ít người hay đông người, hãy đừng bực mình mà hãy thản nhiên hòa mình cùng họ, giữ đúng quy luật hồ bơi, không ganh ghét tỵ hiềm mà hãy hân hoan định tĩnh, nó đến rồi sẽ ra đi và hãy coi nhau như những đồng đạo chí thân trong cuộc hành trình. Nếu là biển cả, lúc biển lặng sóng êm là thời điểm tốt nhứt để hành thiền hãy đừng ngủ quên mà hãy tận dụng ngày giờ vàng son qúy hiếm này... Biển lặng sóng êm, bạn không chìm chỉ cần một phần trong tứ chi quạt nhẹ bạn sẽ trôi lăn mãi trên nước cho thỏa thích, có thể quên hết ngày tháng để đi vào thiền miên viễn. Còn nếu là sóng dữ, bạn sẽ đạt giác ngộ rất nhanh hay sẽ về tây phương cực lạc cũng rất lẹ mà không còn có dịp “phải” thiền bơi nữa...

- Bơi trong chánh niệm của Pháp:

Vạn hửu là pháp, pháp bao trùm cả vũ trụ ở đâu bạn cũng thấy pháp, trong hồ bơi, trên sông, trên biển. Mọi hiện hửu bên bạn đều là pháp, hãy quán nó là vô thường, đừng mong chiếm đoạt nó mà nên từ bỏ nó...có có không không, tất cả rồi sẽ hủy diệt. Từ bỏ tất cả để điều hòa hơi thở, định tâm thành ý, tận dụng chánh ý để thân khẩu ý hòa hợp bay bổng phiêu du quên hết tất cả để đi vào thiền...lênh đênh trên mặt nước...

Nguyên thủy, tâm của con người là tâm Phật, nhưng vì huân tập theo dòng thời gian ở cõi ta bà có quá nhiều bụi trần nên xa dần tâm Phật. Tu, trong đó có thiền là để tìm về nguồn cội. Cuộc đời như dòng nước, có yên lặng như hồ thu hay sóng to gió lớn, vẫn là giòng nước chãy xuôi, đổ ra biển cả. Bỏ việc đời ngoài tai, bỏ tham sân si, thiền, tịnh luôn luôn tâm thành, đi đứng nằm ngồi, chơi thể thao, và BƠI, như thiền bơi này là cách mà mọi người sẽ đạt đến cảnh ngủ uẩn giai không trên con đường giải thoát...

Canada, Mùa trăng rằm tháng Ba AL 2012
Tiểu sa di QUẢNG NHỊ, ĐS17

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...