20 May 2012

Giai Thoại Văn Chương

Từ Một Câu Thơ, Tìm ra hai ông Tư Mã

Trần Mộng Lâm.
Tặng các bạn Chu Văn An, B1B2 57-60.

Làm thơ rất khó, mà nhiều khi đọc thơ cũng không dễ gì.

Gần đây, tôi có phóng bút viết một bài về cà phê, nhân khi nhận được một bài thơ rất hay của thi sĩ Lan Đàm, người bạn tài hoa của chúng ta. Bài thơ có tên: Ở Quán Trưa, Một Ngày Đông. Hai câu cuối của bài thơ có thể coi như gói ghém tâm sự của thi sĩ khi nhớ về dĩ vãng và ngậm ngùi cho hiện tại đau buồn. Xin chép lại 2 câu cuối nếu như có bạn nào chưa được đọc :
Quán trưa, chợt nhớ người xa.
Lạnh vai Tư Mã, mình ta ngậm ngùi.
Bài viết của tôi, không hiểu nhờ một cơ duyên nào , đến tay một cô bạn cũ học Couvent des Oiseaux. Dĩ nhiên dân Couvent thì , nếu nói về thơ của Lamartine, Beaudelaire được, chứ thơ Tầu thì chắc họ không thể nào “thấm” như mấy đứa CVA chúng mình. Bởi vậy cô bạn viết cho tôi và hỏi : Vai Tư Mã nghĩa là gì ?

Lẽ ra, tôi phải hỏi anh Lan Đàm trước khi trả lời, nhưng vốn hay láu táu, lại thấy hai chữ “người xa”, tôi nghĩ ngay đến một chuyện tình. Mà một trong các chuyện tình lừng danh thế giới, không thể không nhắc tới chuyện tình Tư Mã Tương Như và giai nhân Trác Văn Quân. Bởi vậy tôi trả lời cô bạn tôi, là câu thơ nói đến người thi sĩ phóng lãng hào hoa nhất mực, Tư Mã Tương Như.

Tư Mã Tương Như tự Tràng Khanh ra đời trước công nguyên. Ông đa tài, văn hay, đàn giỏi. Khi lìa quê lên Tràng An để đi tìm công danh, sự nghiệp, đến con sông đầu làng, đi qua chiếc cầu, ông viết trên cầu câu thơ :
Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều.
Có nghĩa là :
Không ngồi xe cao 4 ngựa, không qua lại cầu này nữa.
Lên đến Tràng An, ông chẳng làm được chuyện gì ra hồn, chỉ rong chơi khi nước Lương, khi ngước Thục. Đến đâu cũng chỉ dùng ngọn bút với cây đàn để giao thiệp với bằng hữu, khét tiếng ăn chơi. Một hôm, được mời đến dự tiệc tại nhà một viên ngoại tên là Trác Vương Tôn. Mọi người đã nghe tài Tư Mã Tương Như nên yêu cầu ông đàn cho mọi người thưởng thức một bản đàn. Vốn Tư Mã Tương Như đã được nghe biết là Trác Vương Tôn có một cô con gái sắc nước hương trời, một giai nhân có một không hai. Hôm đó, nàng cũng lấp ló sau rèm để nghe Tư Mã Tương Như đàn. Ông này muốn trêu ghẹo và quyến rũ nàng Trác Văn Quân, nên gẩy khúc Phượng Cầu Hoàng nghĩa là con chim trống khẩn cầu con chim mái ban bố chút tình yêu. Sau đây chúng ta thử đọc bài Phượng cầu Hoàng này :
Phượng hề, phượng hề quy cố hương.
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng.
Thời vị ngộ hề vô sở cương.
Hà ngộ kim tịch đăng tư đường,
Hữu diệm thục nữ tại khuê phường.
Thất nhĩ ngân hà sầu ngã trường
Hà duyên giao cánh vi uyên ương.
Tương hiệt cương hề cộng cao tường
Câu đầu là lời con chim trống gù con chim mái: Em ơi, em ơi, về với cố hương. Nhưng ăn tiền nhất có lẽ là 2 câu cuối :
Ước gì giao kết uyên ương.
Hai ta rồi sẽ bốn phương vui vầy.
Trác Văn Quân nghe tiếng đàn, mê mẩn. Đang đêm thu xếp hành lý cuốn gói đi theo Tư Mã Tương Như. Hai vợ chồng lúc đầu vất vả, nhưng sau cùng cũng được áo gấm, phong lưu trong đời nhà Hán. Chuyện Tình hai người còn ghi dấu tích trong văn học VN.

Bích câu Kỳ Ngô viết :
Cầu Hoàng tay lực nên vần,
Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.?
Đoạn Trường Tân Thanh:
Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng?
Nguyễn Bính, trong bài thơ “Hoa với Rượu”, cũng có câu :
Như truyện Tương Như và Trác thị.
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng,
Vườn cam trắng xóa hoa cam rụng.
Tôi với em Nhi kết vợ chồng.
Ông Nguyễn Bính cặp bà Nhi và ví hai người như chàng Tư Mã Tương Như và nàng Trác Văn Quân.

Bây giờ trở lại với lá thư giải đáp của tôi cho người đẹp Couvent, tôi ba hoa chích choè về cặp tài tử giai nhân này cũng được mấy trang giấy và lấy làm đắc chí, gởi email qua Lan Đàm để lấy điểm, hy vọng ông thi sĩ này sẽ khen ngợi tài thưởng thức và làm đẹp thơ ông. Nhận được email, Lan Đàm gữi lại tôi nguyên văn như sau:

Bạn hiền.

Bạn“bé cái lầm rồi”. Tư Mã đây không dính dáng gì đến Tư Mã Tương Như của Trác Văn Quân đâu. Đây là một chức quan mà vua Đường phong cho Bạch Cư Dị khi ông bị tội, phải biếm ra đất trích Giang Châu, nơi mà ông sáng tác bài hành tuyệt tác Tỳ Bà Hành . Trong hai câu cuối của bài hành , ông tự xưng  mình là Giang Châu Tư Mã,  cái tên từ đó theo ông suốt cuộc đời và cho tới tận bây giờ, khi người ta nhắc đến ông:
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa.
Giang Châu Tư Mã Thanh Sam Thấp.
Phan Huy Vịnh dịch là :
Lệ ai chan chứa hơn người.
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.
LĐ tôi mượn hình ảnh Tư Mã này để nói đến cái thân phận của mình sau 30 tháng 4 mà thôi. Ông Tư Mã Bạch Cư Dị bị biếm ra Giang Châu, "Từ xa kinh khuyết bấy lâu, Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai", nhưng vẫn hy vọng có ngày  được trở lại đế kinh rộn ràng xe ngựa, còn mình ???

Thơ của bạn đến với tôi như một gáo nước lạnh, Nhà thơ có những tư tưởng cao quý thế mà mình vô tình giải thích ý thơ một cách trần tục, khiến câu thơ kém hay.

Bạch Cư Dị khác với Tư Mã Tương Như ở chỗ thơ ông nghiêm trang, không nhảm nhí, có chiều sâu hơn nhiều. Ông người Thiểm Tây, 5 tuổi đã học làm thơ. Ông lớn lên trong thời khói lửa, binh đao. Lớp vua chúa thì cao sang, lớp dân lao động thì đói rách. Ông phản đối sự bất công này nên bị dèm pha, phê phán nên đang làm quan trong triều, ông bị biếm đi làm một chức quan nhỏ tại một nơi khỉ ho cò gáy, tuy ông đỗ Tiến Sỹ năm 20 tuổi. Ở chốn lưu đầy này, ông viết bài Tỳ Bà Hành và bài này đã được phổ biến rộng rãi.

Thơ Bạch Cư Dị gắn bó với đời sống, với xã hội. « Làm thơ thì phải vì thực tại mà viết, làm văn thì phải vì thời thế mà làm ». Bài Tỳ Bà Hành của ông gửi gấm tâm sự, những nỗi buồn thầm kín, riêng tư của tác giả. Một người mang tâm sự hẩm hiu,bất đắc chí, thông cảm và xót xa người ca nữ trong câu chuyện, gặp cảnh éo le, bị đời vùi giập.

Một bữa ở Giang Châu, Bạch Cư Dị  xuống bến Tầm Dương, là một thắng cảnh, trong một đêm trăng sáng, vầng trăng thu vằng vặc, sóng nước bập bềnh, ông ngồi trong thuyền, nghe văng vẳng một tiếng đàn, khi lâm ly, lúc dào dạt, lúc xúc động xao xuyến, vẳng ra từ một chiếc thuyền gần đó. Ông ghé thuyền, gặp người kỹ nữ, và cảm thấy 2 người cùng tha phương lưu lạc như nhau, nên đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, người kỹ nữ xuất thần gẩy nên những tiếng đàn tuyệt diệu, nói lên được cái cảm xúc, cái bồi hồi của con tim. Nghe tiếng đàn, thốt nhiên Bạch Cư Dị cảm xúc lai láng, tình cảm tuôn tràn. Ông sáng tác ngay bài thơ, đọc cho cô nghe. Nghe xong, cô xúc động, đưa những ngón tay mềm mại bấm trên các phím đàn. Mỗi tiếng đàn là một giọt lệ rơi. Trăng vẫn sáng trên cao, sóng nước vẫn bập bềnh, bầu trời vẫn khi tỏ, khi mờ vì sương khói, nhưng những tiếng nhạc vẫn rơi xuống trong vắt như những giọt mưa rơi, làm giông bão trong lòng người. Tôi dùng bản dịch của Phan Huy Vịnh :
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách.
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hưu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo.
Chén Quỳng mong cạn, nhớ chiều trúc ti.
Say những luống ngại khi chia rẽ.
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
Đàn ai nghe vẳng bên sông.
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng suôi
Tiếng đàn là tiếng đàn của người kỹ nữ :
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.
Vặn đàn mấy tiếng dạo qua.
Dẫu chưa nên khúc, tình đà thoảng bay.
Nghe não nực mấy giây buồn bực.
Dường than niềm tấm tức bấy lâu
Mày chau, tay gẩy khúc sầu.
Dãi bầy hết nỗi trước sau muôn vàn
Tiếng đàn người kỹ nữ thật điêu luyện :
Dây to nhường đổ mưa rào.
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng.
Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy.
Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu.
Trong hoa oanh ríu rít nhau.
Nước tuôn róc rách chẩy mau xuống ghềnh
Nước suối mạnh, dây mành ngừng đứt.
Ngừng đứt nên phút bật tiếng tơ.
Ôm sầu, mang giận ngẩn ngơ.
Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay.
Đánh đàn mà như vậy, thế gian hiếm thấy.
Người nghe đàn buồn. Người đánh đàn ôm nhiều tâm sự. Cuộc đời đầy dẫy những bất công, những khổ ải. Nỗi đau này biết tỏ cùng ai. Đêm nay, hữu tình ta lai gập ta, nhưng chúng ta không thể mãi mãi gần nhau được. Sẽ có lúc phải chia tay, em đã khổ, mà ta cũng không hơn gì nơi đất trích. Khi chia tay lệ rơi xuống , sướt mướt :
Lệ ai chan chứa hơn người.
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.
Thi Sĩ Lan Đàm đã mượn hai câu cuối này để nói lên tâm trạng của mình: Cuộc lưu đầy nơi đất trích này bao giờ thì chấm dứt. Khi nào ta tìm lại được Quê Hương, đất nước của chúng ta. Lời thơ cao siêu, ý tưởng trầm buồn. Một mùa đông, trong quán cà phê, ghế trống sắp đầy để đợi bạn đến để tâm sự. Bạn không đến, quanh đi, quẩn lại, ta lại mình ta, cô đơn với nỗi buồn xa xứ :
Quán trưa, chợt nhớ người xa.
Lạnh vai Tư Mã, mình ta ngậm ngùi!
Ông Tư Mã này không thể là ông Tư Mã kia đuoc. Tôi đã lầm,và xin lỗi Lan Đàm. Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao trong lúc ngậm ngùi về cuộc lưu đầy như thế, ông vẫn còn nhớ tới người xa. Thì ra, trái tim người thi sĩ bao giờ cũng có những ngăn dành cho tình yêu. Và khi thi sĩ nghĩ tới đất nước sau 30 tháng tư, như ông đã viết, ông vẫn còn nghĩ tới một bóng hồng nào đó của dĩ vãng.

Già rồi, ông nên quay về với mấy cây lan đi.Trồng lan là một thú vui tao nhã lắm, nghe lời tôi di, bạn hiền.

TRẦN MỘNG LÂM

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...