08 May 2012

Thế giới ra sao khi

Ô. Hollande đắc cử TT. Pháp
và Ô. Putin nhậm chức TT. Nga?

Ngày Thứ Hai 7/5/2012 vừa qua báo chí thế giới đều đồng loạt loan tin Ô. Hollande (Pháp) đắc cử với số phiếu 52% và Ô. Putin (Nga) tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Chúng ta thử tìm hiểu xem sự đắc cử của hai ông này ảnh hưởng thế nào đối với tình hình thế giới.

A. Ảnh hưởng của Ô. Francois Hollande:

            Đây là lần thứ nhì, sau 20 năm một chính trị gia thuộc Đảng Xã Hội Pháp được giao trọng trách lãnh đạo đất nước. Dĩ nhiên khi đảng cầm quyền thay đổi thì chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia đó phải thay đổi theo. Vì Ô. Holland có lập trường đối nghịch với Ô. Sakozy cho nên tất cả những gì mà Ô. Sarkozy xây dựng với đồng minh hoặc đối với kẻ thù trước đây đều thay đổi. Nước Pháp nếu đứng một mình thì thực lực kinh tế còn thua Nhật Bản, Hoa Lục, Ấn Độ và Brasil. Còn về mặt quân sự cũng không qua nổi Hoa Lục, Nga và Ấn Độ. Thế nhưng vì đứng trong NATO và dựa vào Hoa Kỳ cho nên sức mạnh quân sự của Pháp lại trở nên đáng nể. Do bổi cảnh chính trị mỗi quốc gia mỗi khác nhau và do Toàn Cầu Hóa, chính sách đối ngoại mới của Ô. Hollande cũng sẽ có ảnh hưởng khác nhau trên mỗi khu vực.

Đối với Hoa Kỳ:

            Chắc chắn quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ sẽ thay đổi. Trước đây nước Pháp chống đối Hoa Kỳ trong cuộc chiến xâm lăng Iraq và Afghanistan nhưng với Ô. Sarkozy lại trở thành đồng minh thân thiết, nhất là trong cuộc chiến Libya lật đổ Ô. Gaddafi. Thật lạ lùng, có thể là vì dầu hỏa, nước Pháp là nước hăng hái nhất, mở đầu cuộc không kích vào Libya khi mạng lệnh No Fly Zone của Liên Hiệp Quốc được thông qua. Có thể Ô. Sarkozy theo đuổi chính sách liên kết với Hoa Kỳ để được chia dầu hỏa và phát triển kinh tế. Thế nhưng do kinh tế Mỹ suy thoái và các quốc gia Iraq, Libya liên tục bất ổn, trong khi đó cuộc khủng hoảng tài chinh Âu Châu kéo dài …khiến nước Pháp không sao vực dậy được. Đó là lý do khiến Ô. Ô. Sarkozy thất cử. Ô. Obama “ngửi” thấy điều này cho nên vội vã đánh điện chúc mừng và mời ông thăm viếng Tòa Bạch Ốc trước khi tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G8 và NATO vào cuối Tháng 5 tại Camp Davis. Linh cảm thấy nỗi bất an của Hoa Kỳ,

Ô. Hollande cũng vội vã trấn an bằng cách tuyên bố “Tôi sẽ không làm khó Hoa Kỳ”. Nói gì thì nói, tiệc tùng dù long trọng thế nào đi nữa, chắc chắn tình cảm mặn mà thắm thiết Pháp-Mỹ sẽ không còn như xưa. Ô. Hollande phải cứu nước Pháp trước. Ông đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng tài chánh có thể làm tan vỡ Liên Hiệp Âu Châu và suy thoái kinh tế của chính nước ông. Dân Pháp kỳ vọng nơi ông để giải quyết công ăn việc làm, tiền tệ cho chính họ chứ không phải một nền hòa bình hay ổn định cho Afghnistan hay lún sâu vào cuộc khủng hoảng Iran, Syria.

Đối với Hoa Lục:

            Chắc chắn mối liên hệ với Trung Quốc sẽ tăng mạnh hơn nữa - không ngoài mục đích cứu vãn nền kinh tế của Pháp. Chính vì thế mà trong bài diễn văn thắng cử Ô. Hollande nói rằng quốc gia mà ông công du đầu tiên sẽ là Hoa Lục. Sự liên kết chặt chẽ về kinh tế của Pháp - một quốc gia trụ cột trong NATO - với Hoa Lục,  không biết có gây khó khăn cho Hoa Kỳ trong vấn đề xử dụng sức mạnh quân sự của NATO trong các cuộc chiến tranh khu vực do Hoa Kỳ khởi xướng không? Hoa Kỳ hiểu hơn ai hết rằng “ai cho tiền người đó làm boss”.

Đối với Âu Châu:

            Người lo lắng nhất có lẽ là  bà Thủ Tướng Angela Merkel của Đức. Kế hoạch cứu vãn tài chính Âu Châu của bà với Ô. Sarkozy trước đây phải thay đổi và bà phải làm việc với một ông bạn đồng hành mới có chương trình làm việc khác với mình. Chưa biết tương lai Liên Hiệp Âu Châu đi về đâu.

Đối với các Quốc Gia Đệ Tam:

            Không ảnh hưởng bao nhiêu. Nhưng vì Đảng Xã Hội Pháp là đồng minh chính trị truyền thống của Đảng Cộng Sản Pháp, Đảng Cánh Tả Cấp Tiến và Đảng Xanh cho nên Pháp sẽ không có “ác cảm’ đối với các chính quyền khuynh tả (chống Mỹ) như Cuba, Nicargua, Venezuela và Ecuador. Riêng đối với Việt Nam, dưới thời Ô. Sarkozy quan hệ ngoại giao Pháp-Việt cũng rất tốt đẹp bao gồm nhiều lãnh vực như quốc phòng, an ninh, quân y, giáo dục, chống tội phạm, chống khủng bố v.v…Tháng 7/2010 Tổng Trưởng Quốc Phòng Pháp  và Tháng 2/2012 Tham Mưu Trưởng Liên Quân Pháp đã thăm Việt Nam. Điểm nổi bật của mối quan hệ này là giữa Tháng 5, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thông trùm phủ vùng Đông Nam Á vào quỹ đạo trái đất trị giá khoảng 300 triệu đô-la mà vệ tinh thì do công ty Lockheed Martin Hoa Kỳ sản xuất, còn hỏa tiễn thì do Pháp sản xuất. Vệ tinh sẽ được phóng đi từ bãi Kuru (Guyana thuộc Pháp). Chắc chắn trong nhiệm kỳ của Ô. Hollande, mối liên hệ ngoại giao Pháp-Việt sẽ được mở rộng và củng cố hơn nữa.

B. Ảnh hưởng của Ô. Putin:

            Sau cuộc tranh cử bầm giập, Ô. Putin thắng cử và nhậm chức trong bối cảnh mà phe đối lập vẫn còn xuống đường biểu tình. Theo tôi nghĩ, phe đối lập nên ngưng biểu tình và tập trung nỗ lực vào việc hình thành một kế hoạch lâu dài để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cử tri, thay vì dựa vào thế lực bên ngoài và tố cáo “bầu cử gian lận”. Phe đối lập chỉ kêu gào dân chủ mà không hiểu rằng hiện nay Ô. Putin được sự nhiệt tình ủng hộ của giai cấp công nhân, quân đội, công chức và những người Nga ôm ấp giấc mơ một nước Nga hùng mạnh của thời Liên Bang Xô-viết. Tâm lý của dân Nga bây giờ là “một nước Nga ổn định và hùng cường” và Ô. Putin đã đánh đúng tâm lý đó. Chính tự ái dân tộc-  không chịu thua kém Mỹ - đã khiến ông đắc cử. Ô. Putin là chính trị gia lỳ lợn, có bản lãnh và có sách lược. Trong bối cảnh mà nước Nga đã trỗi dậy, mạnh về quốc phòng và kinh tế đang phát triển, chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới tình hình thế giới. Theo tường thuật của BBC, chúng ta hãy xem 4 trọng điểm trong diễn văn nhậm chức của ông:

1)      Nga chỉ được đối xử một cách kính nể khi nước Nga hùng cường.

2)      Cách duy nhất để bảo đảm anh ninh toàn cầu là làm công tác đó với Nga. Moscow sẽ chống lại kế hoạch phòng thủ phi đạn chống Iran của Washington.

3)      Một cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran sẽ đem lại hậu quả tai hại.

4)      Moscow sẽ vận dụng sự thịnh vượng và tăng trưởng của Trung Quốc cho mục đich riêng của mình.

Qua 4 trọng điểm của sách lược ngoại giao này, chúng ta thử tìm hiểu xem Ô. Putin sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình an ninh và chính trị thế giới.

Đối với Hoa Kỳ:

            Căng thẳng ngoại giao Nga-Mỹ có từ nhiều năm bắt nguồn từ việc Ô. Bush Con cho triển khai hệ thống lá chắn phi đạn ở Đông Âu -  nói để ngăn ngừa Iran và Bắc Hàn nhưng thực chất là để răn đe Nga. Ngoài ra, kể từ khi Liên Bang Xô-viết xụp đổ, do kinh tế suy sụp và nội tình bất ổn, ảnh hưởng của Nga mờ nhạt trên toàn thế giới, Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành đệ nhất siêu cường Độc Cô Cầu Bại cho nên phớt lờ (ignore) tiếng nói của Nga trên vũ đài quốc tế.  Mới đây nhất việc Ô. Obama và Bà Hilary Clinton xía vào chuyện bầu cử của Nga khiến Ô. Putin vô cùng tức giận và phản ứng gay gắt. Trước tinh thế Ô. Putin sẽ lãnh đạo nước Nga trong 5 năm tới, Ô. Obama tính sao? Nước Mỹ là nước theo chủ nghĩa thực dụng, nếu không thắng được đối thủ thì tìm cách “deal” để chia xẻ quyền lợi hoặc mật đàm để tháo chạy cho an toàn, chứ không lý tưởng hão huyền, ở đó để chịu chết. Trong bối cảnh mà Mỹ phải “cõng” Do Thái trên vai, sa lầy ở Afghanistan, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn, Syria và nhất là tình hình căng thẳng với  Iran, làm thế nào để bảo vệ Phillippines trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông và chuẩn bị đối đầu với Hoa Lục trong sách lược “Kỷ Nguyên Á Châu”, sự căng thẳng thêm nữa với Nga – sẽ là một bất lợi cho nước Mỹ. Chính vì linh cảm thấy điều đó cho nên vào ngày 5 Tháng 4, Ô. Obama đã gửi Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Tom Donilon tới Moscow để  hội đàm với Ô. Putin cùng các viên chức cấp cao của nước này, không ngoài mục đich chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh G8 tới đây. Chắc chắn Hoa Kỳ phải hòa dịu  và chia xẻ quyền lợi với Nga nếu muốn đối đầu với Hoa Lục. Năm xưa Khổng Minh đã theo sách lược “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo” và đã thành công. Không hiểu Bà Hilary Clinton có đồng ý hay không,  hay bà theo sách lược của Quan Vân Trường đánh Tào Tháo và cũng uýnh luôn Tôn Quyền?

Đối với Hoa Lục:

Với trọng điểm “vận dụng sự thịnh vượng và tăng trưởng của Trung Quốc cho mục đich riêng của

mình” chắc chắn Nga sẽ là “hợp tác chiến lược” với Hoa Lục trên các vấn đề quốc tế. Trong tương quan này, Nga ở thế thượng phong vì Hoa Lục vẫn còn phải nương tựa vào vũ khí tối tân của Nga để đối đầu với Hoa Kỳ. Nhưng riêng vấn đề Biển Đông, Nga cũng như Mỹ đều tuyên bố “không theo phe nào” tức hàm ý không đứng về phía Hoa Lục trong tranh chấp này.

Đối với Iran

Trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ và Do Thái, Iran đã có một điểm tựa vững chắc là Hoa Lục và Nga. Lý do đơn giản là Trung Quốc và Nga không muốn Hoa Kỳ làm bá chủ vùng dầu hỏa chiến lược này. Chắc chắn Iran sẽ cảm thấy ấm lòng với nhiệm kỳ 5 năm của Ô. Putin. Với cảnh báo “Một cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran sẽ đem lại hậu quả tai hại ”, nếu Iran biết hòa dịu và bỏ ý định phong tỏa Eo Biển Hornuz thì chiến tranh Mỹ-Iran sẽ không xảy ra và vấn đề hạt nhân của Iran rồi cũng êm xuôi…cho đến khi tình hình đổi khác.

Đối với Đông Bắc Á

            Trong diễn văn nhậm chức, Ô. Putin thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản và Nam Hàn. Trước đó ngày 2/5/2012 trang điện tử VietnamPlus đưa tin “Diễn đàn Nga-Nhật Bản khu vực Viễn Đông khai mạc ngày 3/5 tại thành phốVladivostok, thủ phủ khu Primorie của Nga, với sự tham gia của phái đoàn Nhật Bản gồm hơn 100 chính khách và doanh nhân cũng như các nhà nghiên cứu về nước Nga, là một trong những bằng chứng cho thấy Nga và Nhật Bản đang thúc đẩy hợp tác ở Khu Vực Viễn Đông.” Hiện nay Nhật đang có cuộc thương thảo với Nga về Quần Đảo Sakhalin và dường như có vẻ hòa dịu không ngoài mục đích biến Nga thành hợp tác chiến lược. Nhật Bản đã khôn ngoan theo sách lược “ bắc hòa Nga, tây cự Hoa Lục”. Trong những ngày tháng sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến việc Ô. Putin công du Nhật và Thủ Tường Nhật sẽ tới Moscow. Riêng đối với Nam Hàn, vì Nga có biên giới chung với Bắc Hàn, nếu Nam Hàn có mối liên hệ ngoại giao nồng ấm với Nga, chắc chắn nền an ninh của Bán Đảo Triều Tiên sẽ đươc bảo đảm. Có lẽ Nam Hàn cũng sẽ nhìn thấy điều này.

Đối với Đông Nam Á

            Có một điểm trong diễn văn nhậm chức của Ô. Putin mà cả Mỹ lẫn Hoa Lục phải chú ý, đó là “Nga muốn củng cố quan hệ chiến lược với Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam”. Đối với Hoa Lục hay Ấn Độ thì hợp tác chiến lược với Nga - cả thế giới đều rõ. Nhưng tại sao Nga lại nhấn mạnh tới Việt Nam trong bài diễn văn nhậm chức quan trọng này? Xin thưa Việt Nam chính là trọng điểm trong chiến lược tiến vào Viễn Đông của Nga. Vào ngày 30/4/2012, trang điện tử www.baomoi.com đưa tin “ Thủ tướng Putin, người sắp giữ chức vụ Tổng Thống Nga ngày 28/4/2012 nói với giới doanh nghiệp Nga rằng lãnh thổ Nga chỉ có 20% ở Châu Âu, còn lại 80% ở Châu Á, bởi vậy nước Nga phải hướng sang Châu Á – Thái Bình Dương. Ông Putin đề nghị phải nhanh chóng thành lập “Công Ty Khai Thác Viễn Đông” trụ sở đặt tại Vladivostok với sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống để phát triển khu vực này. Victor Yeshaev - Trưởng Ban Phát Triển Khu Vực Viễn Đông trực thuộc phủ tổng thống cho biết năm 2012 Nga có kế hoạch đầu tư chừng gần 600 tỉ Rup để phát triển hơn 50 hạng mục công trình, trong đó lấy thành phố Vladivostok làm trọng điểm. Ông cho biết Nga đã có “Quy hoạch phát triển Vùng Viễn Đông” với ba nội dung chính: Một là, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tới năm 2015 đầu tư khoảng 3.300 tỉ Rup vào Khu vựcViễn Đông, từ năm 2018 tới 2020 đầu tư khoảng 9.000 tỉ Rúp. Hai là, ra sức phát triển các ngành, giao thông, nhất là đường sắt từ Dabaican tới Amur, nâng khả năng bốc xếp cảng Vladivostok lên 145 triệu tấn vào năm 2015. Ba là, xây dựng kinh tế vùng Viễn Đông theo hướng mở cửa ra Châu Á – Thái Bình Dương, lấy APEC làm điểm tựa cho phát triển trong tương lai. Ông Yeshaev cho biết sau khi trở lại nắm quyền, Tổng Thống Putin sẽ đích thân chỉ đạo chương trình phát triển Vùng Viễn Đông hướng ra Châu Á - Thái Bình Dương.” Cho tới ngày hôm nay, Nga là nước cung cấp vũ khí tối tân nhất cho Việt Nam: Từ tàu ngầm Kilo, tuần dương hạm Gepard, máy bay tiêm kích Su30MK và hỏa tiễn đối không/đối hải Bastion. Nga cũng đang giúp Việt Nam xây dựng một căn cứ tàu ngầm và giúp Việt Nam chế tạo phi đạn siêu âm chống hạm Uran SS-N-25, giúp Việt Nam tân trang lại quân cảng Cam Ranh. Đường hàng không thẳng từ Vladivostok tới Cam Ranh đã đi vào vận hành. Những động thái trên cho thấy Nga từ lâu đã âm thầm - mà ngày nay thì công khai- biến Việt Nam thành hợp tác chiến lược trong kế hoạch “Tiến Vào Viễn Đông” của Nga. Với nhiệm kỳ 5 năm của Ô. Putin, chắc chắn chương trình mà ông đề ra sẽ được tiến hành mạnh mẽ dưới sự giám sát của chính ông. Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vừa rồi, nhìn vào các phòng phiếu tại Hà Nội, Vũng Tàu, Sài Gỏn, Cam Ranh và Mũi Né tổ chức cho cử tri Nga cho thấy số người Nga bao gồm các nhà ngoại giao, chuyên viên kỹ thuật & dầu khí cư trú tại Việt Nam và du khách khá đông đảo, có lẽ đông đảo hơn số lượng người Hoa Kỳ tại Việt Nam. Điều này cho thấy mối quan hệ mạnh mẽ giữa Nga và Việt Nam.

Kết Luận

Trong lịch sử nhân loại, mỗi khi có một cường quốc xuất hiện thì tình hình thế giới đổi thay. Do sức mạnh kinh tế và quân sự của Pháp không lớn - cho nên tầm ảnh hưởng của Ô. Hollande đối với thế giới không bao nhiêu, nhưng còn đối với Ô. Putin, thế giới sẽ chứng kiến nhiều thay đổi.

      Do yếu tố địa lý chiến lược nằm trên đỉnh Đông Bắc Á, do sức mạnh quân sự và kinh tế đang trỗi dậy, do đầu tư một số tiền khổng lồ 200 tỉ đô-la để phát triển hải quân, chỉ trong vòng vài năm nữa thôi, Nga sẽ tạo ảnh hưởng lớn lên các quốc gia vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên và Đài Loan. Một khi đã có Việt Nam làm trọng điểm và mở rộng hợp tác với ASEAN, cùng với sức mạnh hải quân của mình, Nga sẽ là đối trọng của Hoa Lục lẫn Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.  Nói khác đi, một khi đã có sự hiện diện của Nga tại Biển Đông thì Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ không thể muốn làm gì thì làm. Nói khác đi ba cường quốc này phải nhường nhịn và chia xẻ. Trong bài viết “Nga Tái Xuất Giang Hồ, Tiến Vào Biển Đông?” phổ biến trên hệ thống liên mạng toàn cầu ngày 6 Tháng 4, 2012,  tôi đã viết “Không có nước mạnh nào chịu ngồi yên để nhìn nước mạnh khác muốn làm gì thì làm.” Trong bối cảnh đó, các nước nhỏ nếu khéo léo có thể giữ vững chủ quyền, độc lập và vươn lên.

Đào Văn Bình
(California ngày 8/5/2012)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...