Táo Quân Nước Việt
“Thế gian một vợ một chồng,
Không như vua bếp hai ông một bà”
Trên đây là câu ca dao của người Việt nhắc lại sự tích về Táo quân.
Hầu như mỗi người Việt chúng ta ai cũng thuộc lòng sự tích Táo Quân, còn gọi là Vua bếp hay Ông Công. Hằng năm, trong cái không khí tất bật của năm tàn tháng tận, đa số chúng ta đều không quên phong tục cổ truyền: ngày 23 tháng Chạp, cúng tiễn ông Táo về Trời. Gia đình giàu có thì tha hồ bày biện lễ vật: hoa quả, trầu rượu, xôi gà... nhân tiện cũng cúng gia tiên luôn một thể. Người miền Bắc và Trung thường cúng thêm một con cá chép sống, bởi vì cá chép có thể hóa rồng (Lý ngư hóa long) để vượt qua chín tầng trời, đưa ông Táo gặp Ngọc Hoàng Thượng Đế, tâu trình việc thiện ác của nhân gian trong suốt năm qua. Người miền Nam không cúng cá chép, thay vào đó là đốt giấy in mộc bản hình “cò bay, ngựa chạy” coi như hai con vật này cũng có thể giúp ngài bay về thượng giới. Cò bay thì đã đành, nhưng ngựa chạy thì làm sao mà lên trời được, có lẽ ở đây mang ngụ ý để cưỡi mà thôi. Gia đình nào kinh tế eo hẹp, chút hoa chút trà, ba nén nhang, một dĩa kẹo thèo lèo, giấy cò bay ngựa chạy, tưởng cũng đã đủ. Lòng tự nhủ: “Việc lễ quý ở lòng thành!”
Táo quân Việt
Tìm lại những sách ghi chép huyền thoại Táo Quân, ta nhận ra các sách này chép nhiều chi tiết sai biệt. Theo Trần Ngọc Ninh (Huyền Thoại Học và Huyền Thoại Lí Học Việt Nam, Văn Hóa Tập San số 2-1974), công việc biên chép các huyền thoại Việt bắt đầu từ thời Bắc thuộc do người Tàu viết và được tiếp nối cho đến nay qua các ngòi bút người Việt, người Pháp. Các sự biên chép này còn thiếu sót, thiếu trung thực, nhiều tác giả cố ý muốn làm văn chương nên đã xen vào những ý tưởng cá nhân, thêu dệt, phẩm bình. Có tác giả còn cắt xén, sửa đổi các tình tiết sao cho phù hợp ý thức hệ, hoặc cắt bỏ những chi tiết để tránh lời phê bình là kể lại các câu chuyện có tính xúc phạm thuần phong mỹ tục.
Theo ông Ninh, các tác giả cổ như Trần Thế Pháp (Lĩnh Nam Chích Quái), Lý Tế Xuyên (Việt Điện U Linh Tập) cho đến các tác giả cận và hiện đại như Nguyễn Đồng Chi (Lược Khảo Thần Thoại Việt Nam, 1956), Hoàng Trọng Miên(Việt Nam Văn Học Toàn Thư, 18-1959) hay Phạm Duy Khiêm... đều để lộ cái ý định làm văn chương thông qua huyền thoại.
Do đó, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, như vậy nhất định đã qua mấy lần sai biệt. Nhất Thanh (Đất Lề Quê Thói, Saigon 1970, tr. 320) chép huyền thoại này như sau: “Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Sau, người vợ lấy được người chồng khác giàu có. Một hôm cúng, đang đốt vàng mã ngoài sân, vô tình người chồng trước vào xin ăn, vợ nhận ra, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện, người vợ bèn lao đầu vào đống vàng cháy chết thiêu. Người chồng cũ cảm kích nhảy vào lửa chết theo. Chồng sau vì thương, nên cũng nhảy vào nốt. Cả ba đều chết cháy. Ngọc Hoàng thấy ba người có nghĩa, phong làm vua bếp.”
Ông Nhất Thanh trích dẫn sự tích này trong quyển Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính. Trong câu chuyện trên, có nhiều chi tiết phi lý, như: giấy đốt vàng mã không thể nào đủ để tự thiêu chết, thứ hai: người chồng trước và sau lần lượt nhảy vào đống lửa để được chết chung với nàng, như vậy đống vàng mã đó phải lớn lắm ắt cỡ một giàn hỏa mới phải! Ta có thể bỏ qua sự phi lý này, bởi lẽ trong huyền thoại luôn luôn chất chứa những tình tiết phi lý (theo lối suy nghĩ của con người hiện đại), nhưng yếu tố này không quan trọng. Quan trọng hơn cả chính là những ý nghĩa biểu tượng ẩn tàng sau các tình tiết phi lý đó.
Cổ tích và huyền thoại lưu truyền cả ngàn đời, sự suy luận của người ban sơ tất nhiên khác biệt với sự suy luận của chúng ta ngày nay. Tìm hiểu và ghi chép huyền thoại, ta cần phải quên hiện tại, mà phải lui về bóng tối quá khứ mịt mờ, đặt mình vào hoàn cảnh của người thiên cổ. Chỉ vì muốn chỉnh đốn lại những gì chúng ta cho rằng phi lý, chỉ vì muốn biến huyền thoại nghe có lý, phù hợp với lối nghĩ suy hiện tại, chúng ta đã làm hỏng huyền thoại. Đó là chưa xét tới tham vọng làm văn chương của nhiều tác giả.
Nhất Thanh ghi chú thêm một chi tiết khác về vua bếp, nghe “hợp lý” hơn đó là đống rơm chứ không phải đống vàng bạc giấy: “... vì bất thần người chồng sau đi làm đồng trở về, người vợ dẫn chồng cũ ra núp ở đống rơm. Người chồng sau đốt cháy đống rơm để lấy tro bón ruộng. Do ngủ quên, người chồng cũ bị chết cháy trong đống rơm. Vợ cảm kích nhảy vào lửa tự thiêu. Người chồng sau thương vợ cũng nhảy vào nốt.”
Hoàng Trọng Miên (sách đã dẫn, tr.77) chép một cách dài dòng và văn chương hơn về Thần Bếp, tóm lược đại khái như sau: Có hai vợ chồng tiều phu nghèo không con. Vợ thương yêu chồng, nhưng chồng hay nhậu nhẹt đánh đập vợ. Vợ buồn bỏ đi, gặp túp lều tranh của một thợ săn, xin tá túc. Sau, hai người làm vợ chồng. Người chồng cũ hối hận, bỏ đi tìm vợ. Tình cờ lạc bước túp lều tranh ấy, đương lúc người thợ săn đi vắng, chỉ có người vợ ở nhà. Người chồng cũ van xin vợ tha thứ và quay trở lại, người vợ cũng động lòng tỏ ý còn thương. Lúc đó người chồng sau về tới. Người vợ bảo chồng cũ ra trốn trong đống rơm. Người thợ săn mang về con thỏ, đem ra đống rơm thui, làm gã chồng cũ chết cháy. Người vợ đau lòng nhảy vào chết theo. Anh thợ săn tưởng mình làm điều bất nghĩa, hối hận lao vào nốt. Trời cảm động trước tình yêu tay ba này, bèn cho cả ba hóa thành vua bếp, dụm đầu thành bộ ba trong bếp lửa.
Phân tích và đối chiếu các dị thoại này, gạt bỏ các chi tiết rườm rà, ta nhận ra các thoại vị (mythème: đơn vị huyền thoại):
(1) Tình tay ba hai ông một bà: mang dấu vết của chế độ mẫu hệ (matriarchy).
(2) Sử dụng lửa để đốt rơm lấy tro làm ruộng: mang dấu vết của nền văn minh nông nghiệp.
(3) Sử dụng lửa để thui nướng thú săn: mang dấu vết của nền văn minh săn bắt và hái quả.
(4) Trời: bày tỏ niềm tín ngưỡng chung của các dân tộc Á Đông. Tin tưởng vào một đấng tối cao, Ngọc Hoàng Thượng Đế, bày tỏ sự giao cảm giữa con người với thần linh.
(5) Bếp lò: giải thích nguồn gốc của bếp lò, cơ cấu của bếp (có ba đỉnh để đặt nồi niêu...).
Lửa và bếp lò, hai phát minh này của con người ghi dấu sự kết thúc giai đoạn con người ăn sống nuốt tươi, ăn lông và ở lỗ. Lửa mở đầu cho nền văn minh nhân loại. Xác định được các thoại vị trên, ta có thể bảo rằng huyền thoại về Táo Quân đã có kể từ lúc tổ tiên ta sống đời định cư nông nghiệp thuở còn chế độ mẫu hệ, biết sử dụng lửa trong việc nấu nướng ẩm thực và phát minh quan trọng là bếp lò.
Tổ tiên ta đã trình bày một tiên đề hình học không gian mà một học sinh cấp ba ngày nay đều biết: “Ba điểm không thẳng hàng xác định một mặt phẳng”. Tiên đề này được trình bày một cách huyền thoại hóa. Tổ tiên ta đã ứng dụng nó để chế ra bếp lò. Rất có thể tổ tiên ta chưa có một hệ thống lý luận toán học, nhưng trong quá trình lao động và sinh sống, kinh nghiệm dạy cho họ biết rằng nếu dùng ba cục đá đều nhau đặt không thẳng hàng trên mặt đất họ có thể đặt vững vàng trên đó một cái nồi hay cái chảo. Sự vững vàng đó có người đem ví von với tấm lòng kiên quyết riêng tư qua câu ca dao: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.
(Phỏng theo Trung Tâm Nghiên Cứu LHĐP)
Đọc truyện Sự tích Táo Quân, nhân vật tội nghiệp làm mình cảm thương là người vợ của gia đình nghèo đã trải qua bao nhiêu cảnh đời vùi dập, đa đoan.
ReplyDeleteChạy đâu... qua khỏi cầu Số Kiếp!