19 January 2012

Cần một lời Xin Lỗi

OAN KHUẤT MẬU THÂN

Biến cố Tết Mậu Thân 1968 là một quá khứ đã 44 năm nhưng ảnh hưởng và tác động tâm lý vẫn còn kéo dài đến hiện tại và thế hệ tương lai đối với con người và lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt đối với Huế – một mảnh quê hương vốn gánh chịu triền miên những tai trời ách nước từ buổi đầu tiến về Nam dựng nước – thì biến cố chiến tranh Mậu Thân không dừng lại ở sự kiện quân sự hay chính trị thuần túy vì trong cuộc chiến Mậu Thân đã xẩy ra cuộc tàn sát Mậu Thân. Cuộc tàn sát ấy đã được (hay bị) nhìn và lý giải dưới nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, Ta cũng như Tây, nhưng cho đến hôm nay vẫn còn là nỗi oan khuất. Khi “sự cố đã thành cố sự”, chứng tích lịch sử đã trả về cho sự phán xét công bằng của lịch sử như Lò Giết Người Holocaust của Đức, Ngục Tù Lao Động Tàn Sát Gulag của Nga, Trại Tập Trung Internment Camps của Mỹ… thì một khi biến cố kinh hoàng ấy đi qua, thế hệ kế thừa quyền lực lãnh đạo quốc gia đời sau chỉ còn cách hành xử tương đối nhân bản – như lối hành xử mà hầu hết giới lãnh đạo của các nước văn minh trên thế giới đã làm – là nhân vật hay thế lực lãnh đạo quốc gia đương quyền cần lên tiếng Chính Thức Xin Lỗi (Official Apology) để hóa giải oan khiên và giảm thiểu hận thù.

Nếm trải cá nhân Tết Mậu Thân 1968.

Chiều ngày Mồng Một Tết Nguyên Đán năm Mậu Thân, sau gần trọn ngày đầu năm đi lễ đình, lễ chùa, lễ nhà thờ họ, lễ chi phái nuốm, nhánh và thăm viếng chúc Tết bà con ở làng Liễu Cốc Hạ, tôi đi xe Honda lên Huế một mình. Là một thanh niên 22 tuổi, đang theo học ở trường đại học Sư phạm Huế, tôi tập tễnh làm theo nếp cũ của đất lề quê thói: “Mồng Một ăn Tết nhà cha, mồng Hai nhà vợ, mồng Ba nhà thầy.” Tôi chưa có vợ nhưng đã có “bồ”. Một gã con trai có chút xíu hứa hẹn tương lai, xuất thân từ làng quê, hiền khô đất ruộng như tôi mà có “bồ” là cô học trò xinh xinh ở Huế thì bóng dáng… nhà vợ cũng loanh quanh đâu đó, trước ngõ sau hè.

Từ làng tôi lên Huế chỉ cách nhau 12 km. Tôi đi trong khung cảnh ngập tràn hương vị Tết. Chiều mồng Một, không khí Tết của thành phố Huế trở nên sôi động hơn vì suốt ngày mọi người phải tất bật lo cho xong những nghi lễ cúng kính, thăm viếng đầu năm, bây giờ mới có chút thì giờ hưởng Xuân. Người người vẫn còn xúng xính với bộ quần áo “vía” trang trọng dành cho Năm Mới. Pháo nổ đì đùng đây đó. Những đám bài bạc vui chơi tụm năm, tụm bảy khắp các con đường chính của những khu dân cư bình dân. Tôi chạy xe thẳng qua ngôi nhà mà bà Cụ và Lê (nhà tôi tương lai) đang ở – 132B đường Phan Châu Trinh – gần mé bên kia cầu Kho Rèn. Đây là nhà riêng của anh Đặng Văn Mẫn, anh cả của Lê, nhưng Tết anh không về nhà ăn Tết được vì đang làm quận trưởng quận Đại Lộc. Nói là đến thăm nhà để chúc Tết “mừng tuổi hai Bác” nhưng thật bụng là để thăm em. Trời mưa lâm thâm và lạnh. Huế là thành phố trầm lặng ẩn dưới những tàng cây xanh nên mặt trời lặn nhanh và đêm về rất sớm.

Khoảng 10 giờ đêm, tôi cáo từ nhà Lê, định chạy một mạch băng qua sông An Cựu, ra đường Lê Lợi dọc sông Hương, qua Đập Đá để về nhà trọ dượng Biên ở gần chợ Vỹ Dạ. Nhưng khi vừa rẽ qua cầu Kho Rèn gần nhà máy điện Thành Phố, tôi phải thắng xe ngừng lại vì có ánh đèn pin từ phía trường Mê Linh hắt vào mặt và chiếu thẳng không rời. Lờ mờ trong bóng tối và ánh đèn điện vàng có những bóng đen với tiếng nói mờ mờ ảo ảo như nhiều nhóm người đang bàn cãi điều gì. Lặng một chút khi tôi hạ thấp tay ga xe Honda rồi tắt máy. Có tiếng đàn ông, đanh và lạnh lẽo, rõ ràng là ra lệnh: “Về nhà. Dắt bộ xe, không được nổ máy!” Tôi ngẩn người trước sự việc xảy ra đột ngột, định hỏi “Mấy người là ai?” nhưng chưa kịp lên tiếng thì một người đàn ông khoác tấm vải dầu làm áo mưa đã bước tới đẩy vào vai tôi với một vật gì đó cứng và lạnh như sắt, nói: “Đi ngay!” Tôi dắt xe về lại nhà Lê. Cầu Kho Rèn vẫn còn nguyên vẹn.

Đêm mồng Một ở lại nhà Lê. Khuya nghe những tiếng nổ chợt xa, chợt gần; khi lớn, khi nhỏ. Tôi yên trí là tiếng pháo. Ngày Tết xài sang, nên có người đốt pháo con, pháo tống giữa đêm chẳng có gì đáng lạ. Có khi con nhà lính hết pháo, vác súng bắn tạch tạch đùng vài băng đạn vui Xuân cũng là chuyện thường. Hơn nữa, tiếng bom, tiếng súng đêm ngày nổ đâu đó cũng chỉ là… “chuyện dài nhân dân tự vệ” nghe đã quen tai đối với người dân xứ Huế và cả miền Nam trong cuộc chiến.

Sáng mồng Hai, Lê và tôi đều dậy sớm. Chúng tôi rủ nhau đi bộ một vòng trên đường Phan Châu Trinh trước nhà, dọc bờ sông An Cựu… nắng đục mưa trong. Trời không mưa nhưng sương xuống nặng che lấp cả bờ sông. Trời rất lạnh. Giêng hai cắn tay không ra máu là cảnh đời thường của Huế. Đường sớm vắng tanh. Đang đi, bỗng có toán người xuất hiện sau màn sương dày đặc. Có chừng chục người cả nam lẫn nữ đi vội vàng như chạy lúp xúp từ phía cầu An Cựu lên phía cầu Kho Rèn. Tất cả đều đội mũ tai bèo, mặc đồ xanh lá cây, mang dép lốp xe, khoác tấm vải dầu cột vòng trên cổ, vắt sau lưng nhưng gió bấc tung lên không che kín hết ba lô và khẩu súng đeo bên mình. Tôi đã quen với hình ảnh nầy từ ngày còn nhỏ ở làng sống trong cảnh “đêm Việt Minh, ngày Bảo Vệ”. Thấy chúng tôi, người dẫn đầu toán không nói gì mà liên tục khoát tay ra hiệu cho chúng tôi tránh đường đi vào nhà. Ngạc nhiên đến sững sờ, tôi nói nhỏ vào tai Lê: “Họ là Việt Cọng đó!” Lê phản ứng với câu nói… để đời: “Uả... Thì ra Việt Cọng nhìn cũng giống người thường như mình thôi à?!” Nghĩa là trong đầu óc tưởng tượng của cô nữ sinh 18 tuổi sinh ra và lớn lên ở thành phố, học lớp 11 trường Đồng Khánh nầy thì “Việt Cộng” là người của một thế giới khác không phải là “người thường” như mình!

Vội vàng quay về nhà, tôi mở đài BBC và VOA ra nghe mới vở lẽ ra là Huế đã hoàn toàn lọt vào tay của “phía bên tê”, nói theo kiểu Huế. Lại được nghe thêm tin tức giáo sư Lê Văn Hảo, vị giáo sư tiến sĩ nhân chủng học du học ở Pháp về, con nhà tỷ phú, mới lên lớp dạy chúng tôi buổi học cuối cùng trong lớp Văn Minh Việt Nam, đại học văn khoa Huế trước khi nghỉ Tết; thầy giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường bỏ dạy môn Triết lớp 12 B2 của chúng tôi nửa chừng trong năm học 1965-1966 để lên núi theo “phía bên tê”; thầy Thích Đôn Hậu mà chúng tôi từng cung kính đảnh lễ và mê giọng tụng kinh thanh thoát trầm lắng một thời... đều là những vị chức sắc cao cấp của thế lực vừa mới chiếm giữ thành phố Huế đêm qua. Ngoài ra, có những nhân vật tên tuổi trước đó tôi đã được nghe nhiều ở Huế nhưng chưa bao giờ được biết mặt như các ông Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Tôn Thất Dương Tiềm… cũng được nhắc đến qua tin miệng và sóng điện. Tôi nửa tin, nửa ngờ trong một tâm trạng hoang mang khó tả.

Nhà của anh ruột Lê, nơi tôi đang tạm trú ở chung một khu vườn với nhà chú “Phong cao” số 132 A. Chú cũng là ông già của Vân bạn cùng cấp lớp với tôi và nghe đâu chú đang là phó quận Hương Thủy hay Phú Vang gì đó. Cả hai ngôi nhà dần dần trở thành địa điểm tạm cư của những người bị kẹt lại trong dịp xa nhà ăn Tết.

Ba ngày trôi qua không động tĩnh. Bà con ở yên trong nhà hay quá lắm là ra vườn hít thở chút không khí đẫm mưa phùn lạnh buốt tháng Giêng và chia nhau thức ăn sắm sửa cho ba ngày Tết chưa dùng. Lê và tôi thì thỉnh thoảng rủ nhau đi bộ trên đường Phan Chu Trinh vắng ngắt trước nhà thuộc bờ Nam sông An Cựu. Cầu Kho Rèn và cầu An Cựu đã bị phá sập. Chúng tôi thường ngó qua bên kia sông là trường Mê Linh và thấy rõ trên con đường vắng dọc bờ sông, có hai xác người chết, mấy hôm sau chương sình lên và mấy con chó hoang đến bươi ăn…

Tối mồng Bốn, khoảng 9 giờ, bỗng nghe phía ngoài cổng chộn rộn tin có người đến soát nhà. Tất cả đàn ông đều nhanh nhẩu phóng lên núp ở trần nhà. Tôi bị cậu Vinh (cảnh sát ở Bao Vinh lên thăm bị kẹt lại) nằm đè lên người nghẹt thở trong bóng tối đau điếng nhưng chỉ dám gào lên ư ử trong cổ họng. Nằm úp mặt trên trần nhà nhìn qua khe gỗ, tôi thấy một toán thanh niên nam nữ mang vũ khí, đeo băng đỏ, nhiều người tóc tai và áo quần còn dáng vẻ “hippy” thành phố. Họ có vẻ như muốn đi tìm ai đó chứ không phải đến bắt người vô danh chung chung như chúng tôi. Khoảng 15 phút sau, có tiếng gọi của các bà, anh em đang núp ở trên trần nhà mới dám lồm cồm ngồi dậy và đỡ nhau tụt xuống. Không ai hề hấn gì và cũng không ai bị bắt đi tối hôm đó. Một lần soát nhà khác sau đó 3 hôm cũng xẩy ra tương tự như thế.

Mọi người như bị nhốt trong một chiếc lồng trên đảo. Không ai biết chuyện gì đang xảy ra ở những vùng lân cận. Số tin tức lọt qua đài BBC và VOA thì có vẻ như đầu rồng đuôi rắn khó rõ thực hư. Sau mấy ngày dài câm lặng trôi qua nặng nề với những tiếng súng nổ lẻ tẻ vọng tới từ phía trung tâm thành phố, tiếng bom đạn bắt đầu nổi lên ngày càng dồn dập hơn nhưng vùng cầu Kho Rèn nơi tôi đang ở vẫn còn yên lặng.

Mười hai tháng Giêng, tiếng súng vùng bên kia sông An Cựu nghe gần hơn và vào lúc xế trưa, đạn pháo kích nổ ở quanh vùng. Khoảng 2 giờ chiều, cả ngôi nhà tôi đang ở bỗng rung lên và lửa tóe ra với tiếng bom nổ kinh hoàng. Hai phần ngôi nhà phía bờ sông trúng bom đổ sập tan tành. May mắn là hơn chục người chúng tôi, không có trẻ con, đã xuống núp trong hầm đá cách đó hơn một giờ khi nghe tiếng bom nổ xung quanh vùng. Cả cái hầm rung rinh chòng chành như ngồi thuyền đi trên nước. Trong số người núp dưới hầm có cả cụ Tôn Thất Biên là một nhà thầu xây dựng nổi tiếng của Huế. Cụ cho biết là chính cụ đã được ông chủ người Pháp thuê thiết kế ngôi nhà và cái hầm nầy. Tiếng bom lặng đã lâu mà vẫn chưa có ai dám chui ra khỏi cửa hầm. Cuối cùng, tôi đưa ra ý kiến là nên tản cư tránh bom đạn về miệt đồng quê ở vùng Dạ Lê, Hương Thủy và được tất cả đồng ý. Chúng tôi xé tấm vải trắng trải giường và chặt một nhánh cây buộc vào làm cây cờ trắng dẫn đầu cả nhóm ra Quốc lộ 1 đi về phía Dạ Lê. Trên đường, cũng đã có nhiều đoàn người tản cư tránh bom đạn như chúng tôi. Trời gần chiều tối, chúng tôi xin vào tạm trú qua đêm tại chùa Dạ Lê sát bên Quốc Lộ 1. Nơi đây, cũng đã có quá nhiều người đồng cảnh ngộ.

Khoảng hơn 9 giờ đêm, có 3 người, một nữ hai nam, tuổi còn rất trẻ đeo băng đỏ đến chùa, cả ba đều mang súng. Họ đi vào soát chùa một vòng và chỉ vào tất cả đàn ông có mặt đang đứng đớ ra nhìn, lập đi lập lại: “Bước ra ngoài tê!” Chùa nhỏ, nằm trên cánh đồng lúa nên khó tìm ra một chỗ nào để trốn. Dưới ánh trăng mờ mờ, tất cả đàn ông chúng tôi đều bị lùa ra giữa cánh đồng trống, bùn nước dưới chân bì bõm và mưa phùn, gió bấc lạnh tê người. Có khoảng 6, 7 người mang súng ống chia ra 3 cụm. Cụm của tôi có 4 người đàn ông đang lánh nạn ở chùa do hai du kích một nam, một nữ dẫn qua một ngôi mộ cũ tương đối khô ráo. Không có đèn pin mà chỉ có bật lửa do người đàn ông quẹt xạch xạch để ánh sáng lóe lên nhìn mặt từng người. Đến lượt tôi do người nam kéo riêng ra hỏi. Anh ta còn trẻ, khoảng bằng tuổi tôi, nói giọng thôn quê vùng Phú Bài, Hương Thủy; mở đầu hỏi tôi một loạt dài có vẻ đã học thuộc lòng và phát ra như cái máy:

- Tên họ là chi, quê quán ở mô, từ mô tới, ai phái về đây?

Sau khi tôi e dè trả lời, người hỏi như không quan tâm. Hỏi tiếp:

- Làm nghề chi?

Tôi trả lời:

- Sinh viên đại học sư phạm Huế.

Người đàn ông thắc mắc:

- Học cái đồ nớ là làm nghề chi?

Tôi hiểu ngay đây là một thanh niên nông thôn, ít học và chẳng hiểu gì về chuyện học hành ở thành phố cả.

Sau các đợt hỏi kiểm soát kéo dài chừng 15 phút, trước khi người nam bảo cụm chúng tôi “ngồi chờ đó” rồi cả hai người bỏ đi, có một giọng đàn ông, thô thiển nhưng lại đầy uy quyền, xuống lệnh:

- Tụi mô cứng đầu cứng cổ, khai gian dối thì ria cho một băng nát óc!

Những người đeo súng bỏ đi. Chúng tôi vẫn run sợ cho mạng sống của mình trước lời hăm dọa “ria cho một băng nát óc” nên ngồi chờ trên ngôi mộ cũ, tựa lưng vào nhau cho đỡ lạnh. Chờ cho đến khuya không thấy có người trở lại nên bốn chúng tôi rón rén lội bùn về lại chùa. Không hiểu số phận của các cụm đàn ông khác ra sao. Có thể bị bắt đi, bị “ria một băng nát óc”, được thả cho về hay bị quên đi trên ngôi mộ cũ ngoài đồng vắng như chúng tôi.

Cảm thấy chùa Dạ Lê cũng chẳng phải là nơi yên thân lánh nạn nên chúng tôi lại phải trở về căn nhà cũ chỉ còn trơ lại nhà bếp và một phần nhỏ chưa bị bom phá hủy.Chờ cho đến khi cuộc binh biến chấm dứt vài tuần sau đó, chúng tôi mới băng qua phà nổi thay cầu An Cựu, cầu Trường Tiền đã bị phá sập để vào Thành Nội. Thành phố Huế chỉ còn là một cảnh đổ nát hoang tàn…

So với mức độ nghiêm trọng của sự tàn phá và thương vong trong toàn cuộc chiến Mậu Thân ở Huế, trường hợp cá nhân và tình hình nơi tạm cư của tôi ở vùng cầu Kho Rèn, An Lăng, Dạ Lê… vẫn còn đứng bên lề cuộc “tang thương dâu biển” về mặt mạng sống. Nhưng về mặt tâm lý và tinh thần thì vẫn là đám lục bình trôi dập vùi trên nước nước lũ

Qua những ngày ở tạm trong căn nhà đổ nát vớì tâm trạng thường xuyên căng thẳng. Số phận con người bèo bọt như ngọn đèn trước gió. Người ta có thể bị chết vì bom đạn, bị giết bởi bất cứ ai cầm vũ khí trong tay, bị bắt đi không cần lý do tra hỏi. Sự hủy diệt có khả năng đến bất cứ giây phút nào và nạn nhân chỉ còn biết “xuôi tay cho mệ nuốt”!

Là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, tôi đã cùng với một số anh chị em và đoàn sinh tình nguyện giúp bà con tìm thân nhân mất tích sau biến cố Mậu Thân như một phần của hoạt động từ thiện, xã hội. Theo lời kể lại mà tôi được nghe thì trong 26 ngày đêm Huế bị bao vây, miệt Thành Nội, Gia Hội, Phủ Cam là kinh hoàng nhất. Cuộc “tiến công và nổi dậy” đã trở thành một diễn trường của thù hận và trả thù không phải do bộ đội chiến đấu mà do các cá nhân và thế lực “nằm vùng” (?!) chủ động. Cho đến khi tận mắt nhìn những hầm chôn người tập thể được khai quật ở Bãi Dâu, tôi choáng váng, trí óc đông đặc và cảm thấy chân tay mình như nhuyễn ra không còn gân cốt trước cảnh đầy dấu tích người bị giết, bị dập chết vùi thây trong cơn hoảng loạn…

Một phóng viên “tài tử” viết về chiến tranh – Louis Mettinger trong Memoir of Vietnam War; NY. 1991 – đã nêu lên một hình thái “đạo lý của sự công bằng” đáng suy gẫm về hình ảnh biến cố Tết Mậu Thân ở Huế khi ông ta cho rằng:

“Đành rằng, bản chất và phương tiện của chiến tranh là hủy diệt; hành động của hai phe cầm vũ khí đối mặt nhau trên chiến trường là phải ‘giết hay bị giết’. Nhưng cần có sự phân định rạch ròi giữa người tham gia chiến tranh và kẻ tội phạm chiến tranh; giữa biến cố chiến tranh và tội ác chiến tranh.

Riêng tại Huế, cuộc tổng tấn công Mậu Thân đã vạch rõ trước mắt thế giới lằn ranh rõ rệt giữa biến cố chiến tranh và tội ác chiến tranh; giữa người tham gia chiến tranh và kẻ tội phạm chiến tranh.

Như cũng đều là cảnh thường dân bị chết nhưng trường hợp Thất Thủ Kinh Đô 23-5-Ất Dậu 1885 là hậu quả của biến cố chiến tranh mà cuộc Sát Hại Mậu Thân 1968 (Hue Massacre) – một mảnh trong toàn thể cuộc chiến Tết Mậu Thân (the Tet Offensive) – là vết tích của tội ác chiến tranh.

Cụ thể hơn, bộ đội miền Bắc và lính miền Nam là những người hành động theo màu cờ sắc áo của phía mình, họ là những người tham gia cuộc chiến theo nhiệm vụ được phân công. Nhưng những ai nằm trong thế lực chủ động hành xử giết chết thường dân tay không, vô tội là những tội phạm chiến tranh.”

Sau biến cố Mậu Thân, những mùa Tết ở Huế như váng vất buồn. Nỗi buồn se lại khi có lần tôi ghé nhà chú Bảo, thím Gái ở gần Hồ Mưng Thành Nội. Cả gia đình chú làm nghề thợ mã lâu đời. Nghề làm đồ giấy của chú có thêm một sản phẩm mới là những chiếc “lồng ấp”. Đó là dụng cụ đốt than, có thể ôm vào người sưởi ấm cho mùa Đông, khá thịnh hành ở các vùng quê quanh Huế. Chú nói nghe mà “dễ sợ” rằng, có quá nhiều linh hồn người đã chết oan trong biến cố Mậu Thân “hiện hồn răng đánh cầm cập” xin người thân cho lồng ấp vì bị chết trong cơn giá lạnh nên có nhiều gia đình đặt chú thím làm lồng ấp để cúng.

Giữa thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến nầy, có chăng những “luồng sóng MTV” của những kẻ chết oan đang kêu đòi hóa giải (?!)

Cần một lời Xin Lỗi

Đã 44 năm qua, 30 năm không còn được ăn Tết ở quê nhà; nhưng tôi vẫn còn nhớ mồn một hình ảnh Tết Mậu Thân Huế như nhắc chuyện hôm qua. Hôm nay, tôi viết lại những dòng nầy với tư cách là một người con xứ Huế; một người theo đạo Phật với niềm thâm tín rằng, nỗi oan khuất Mậu Thân trên quê hương tôi nằm ra ngoài sự phân tích và lý giải thường tình trong biến cố tương tàn ngoài tầm chiến tranh quy ước. Đã có quá nhiều ngôn từ, giấy mực trong cũng như ngoài nuớc nói về biến cố Mậu Thân. Tôi không làm công việc sao lục, luận bàn hoặc phê phán rập khuôn hay phản biện theo đuôi phía nầy hay phía nọ như Douglas Pike đã lên tiếng trong sách viết về Mậu Thân, rằng: “Khó có thể yên tâm nói về biến cố Mậu Thân Huế mà không ‘đứng giữa hai lằn đạn’ của hai phía cực đoan”. Một lần gặp Pike trong hội thảo Asian Forum ở đại học Berkeley, nhắc đến những bài viết về chiến tranh Việt Nam của ông, tôi nói với ông ta nửa đùa nửa thật: “Cầm bút thì đừng sợ; mà sợ thì đừng cầm bút, ông Pike ơi!” Ông ta cười cười hỏi lại: “Vậy thì anh sợ cái gì nhất?”. Tôi đã trả lời: “Sợ đánh mất chính mình”.

Đối với nhà nghiên cứu và người cầm bút, cuộc chiến Mậu Thân là một đề tài vừa cạn, vừa sâu; vừa thu hút mà cũng vừa mỏi nản bởi sự phức tạp giữa thực tế và suy diễn; giữa sự kiện cụ thể và thông tin đồn đoán. Tài liệu tổng hợp về biến cố Mậu Thân Huế tương đối bao quát về mặt số liệu, mang tinh thần nghiên cứu lịch sử khách quan và khoa học đa số do các tác giả nước ngoài (học giả, phóng viên, thành viên tham gia trực tiếp) viết lại. Trên Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia (xin trực tiếp bấm vào đây hay mở địa chỉ: http://en.wikipedia.org/wiki/Tet_Offensive để xem nội dung chi tiết) đang được phổ biến thường xuyên và rộng rãi trên mạng lưới truyền thông. Một số các tác giả nước ngoài chuyên khảo về lịch sử chiến tranh Việt Nam như Pike, Porter, Noam Chomsky, Edward S. Herman… cũng đã viết về trận chiến Mậu Thân. Tuy nhiên khi nói đến nguyên nhân và động cơ của cuộc thảm sát Mậu Thân, những tác giả nầy – kể cả cây bút rất có thẩm quyền trong lĩnh vực nghiên cứu thuần túy như Douglas E. Pike – cũng chỉ đưa ra những luận giải chung chung và giả định mơ hồ thiếu tính thuyết phục. Các Tác giả viết về Chiến Tranh Việt Nam, Vietnam War Writers (xin trực tiếp bấm vào đây hay mở địa chỉ: http://www.vietnamwar.net/vwauthors.htm để đọc những tác phẩm đã xuất bản), đứng bên lề hay giữa lòng cuộc chiến cũng đã viết về máu lửa và nỗi nhục nhằn oan khiên của biến cố Mậu Thân đầy cảm xúc.

Theo tài liệu báo chí nước ngoài như Time, Life, Guardian, Paris Match… thì số người bị chết không do trực tiếp chiến đấu ước tính từ 2.800 đến 6.000 người; bao gồm lính về nhà ăn Tết, công chức, thành viên các đảng phái, tu sĩ và lãnh đạo tôn giáo, nhân sự làm việc cho Mỹ, người ngoại quốc và thường dân. Nghĩa là chỉ có những người bị bắt vì có dính líu đến chính quyền miền Nam và Mỹ (tù nhân chiến tranh) và thường dân.

Tất cả các hiệp ước quốc tế đều có chung một điều khoản: Trong cuộc chiến đang tiếp diễn hay đang lụi tàn, giết tù binh/tù nhân chiến tranh và thường dân là phạm vào tội ác chiến tranh. Bị chết không do cầm vũ khí chiến đấu… “không hận thù nằm chết như mơ”, nói theo kiểu nhạc Trịnh Công Sơn, là chết oan.

Nỗi oan chưa được giải tỏa trở thành oan khuất.

Đối với dân Huế mà trực tiếp và sâu thẳm nhất là đối với những linh hồn của những người thường dân vô tội, chết oan thì trong trận chiến Mậu Thân có cuộc thảm sát Mậu Thân. Đó là nỗi oan khuất. Oan khuất cần được giải oan trên căn bản nhân văn và đạo lý dân tộc.

Nơi đây, tôi chỉ muốn được nhìn lại biến cố Mậu Thân mà ít nhiều tôi đã trực tiếp sống qua những ngày câm lặng. Khuynh hướng người viết là muốn nhìn và suy nghĩ bằng bước chân và tâm thức của khách hành hương qua đền miếu cũ; gần với đời sống tâm linh hơn là tạo thêm phiền não theo biên kiến luận giải mang khuynh hướng chính trị và tuyên truyền đời thường. Khi nhắc lại “sự cố đã thành cố sự”, tôi tưởng nhớ tới linh hồn cùng nỗi oan khuất của anh em bà con, bằng hữu và đồng hương mình đã gánh chịu và nghĩ về nhu cầu hóa giải trên căn bản tâm linh và truyền thống bạt độ Giải Oan của dân tộc. Tôi đã có dịp trình bày vấn đề nầy qua bài viết Đàn Tràng Giải Oan đã được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu:

http://www.trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/traidangiaioan.html (xin mở trang web hay trực tiếp bấm vào đây để theo dõi).

Trong đó, người viết đã trình bày rằng, oan là một khái niệm gắn liền với tâm lý dân tộc Việt Nam. Trong khung cảnh văn hóa làng xã, sự oan ức đồng nghĩa với bất công, áp bức, mất mặt, hận thù, xa lánh... có khi là tội lỗi u ẩn giữa đối tượng bị oan và tập thể xã hội gây oan đang tồn tại. Oan, trước mắt đại chúng, có nỗi oan thể lý và nỗi oan tâm lý. Về mặt thể lý, oan là khi bị những sự tác động từ bên ngoài như biến cố, tai ách, bạo lực làm mất mát, thương tật, chết chóc đột ngột ngoài tầm dự liệu của nạn nhân bị chịu oan ức. Về mặt tinh thần, oan là bị hiểu lầm, bị nhìn sai, bị đánh giá không đúng, bị phê phán bất công, bị nhận định thiên lệnh... và cuối cùng mang chịu kết luận, phán quyết không hợp với công lý và nhân bản.

Nỗi oan ức có mẫu số chung trong cả hai nền văn hóa Đông và Tây. Nhưng cách giải quyết nỗi oan thường mang nặng yếu tính của truyền thống, xã hội và khuynh hướng tinh thần.

Trước khi đạo Phật và đạo Chúa ra đời, du nhập vào Việt Nam, những nỗi oan Việt Nam được xem như đã có "Đèn Trời soi xét”. Đèn Trời là một thứ công lý tự nhiên trong tâm thức dân tộc Việt. Vua Lê Thánh Tông khi qua miếu Vợ Chàng Trương đã nói lời giải oan: “Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt. Giải oan chi mượn đến đàn tràng…”

Với khái niệm giải oan đời thường mang tính đại chúng trên đây, đạo Phật đi vào cuộc đời và đóng vai một tôn giáo điển hình về những lễ nghi và kinh văn sử dụng trong việc giải oan thông qua những Đại Trai đàn Bạt độ Giải oan.

Giải oan, do đó, là những phương tiện trung gian và tạm thời giúp “sửa sai” một trạng huống vô minh trong quá khứ thành sáng tỏ và công chính trong hiện tại và tương lai. Nhờ đấy – ít nhất cũng là qua sự tin tưởng của những người ở thế tự nguyện làm kẻ cầu nguyện, biện minh – nỗi oan ức sẽ được hóa giải và sự đày ải của nạn nhân chịu oan sẽ được chấm dứt. Nghi thức giải oan, tự bản chất, là một ý hướng hành thiện, lợi tha mang tinh thần từ bi (cứu người bị chìm đắm), hỷ xả (hóa giải) và trí tuệ (phá vô minh) của Phật giáo góp phần băng bó những vết thương tâm lý còn tươi; những nỗi đau đời chưa lành lặn; và, những oan trái còn đè nặng tâm linh mà thời gian chưa đủ chữa lành.

Lịch sử Việt Nam cận đại đã ghi lại rằng, sau khi đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã hạ chiếu truyền làm lễ tưởng niệm các tướng sĩ hữu công và tiến cúng cô hồn, giải oan cho các oan hồn uổng tử của mấy vạn quân Thanh đã nằm xuống trên đất nước ta. Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng đã cho thiết đàn tràng siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn đã nằm xuống trong cuộc chiến không phân biệt bên nào (1802).

Nhiều danh nhân văn học Việt Nam đã góp phần trong việc soạn thảo ra những bài văn tế bất hủ để truy điệu những oan hồn và tử sĩ. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành soạn bài Văn tế tướng sĩ trận vong và Cô hồn thập loại bằng quốc âm. Nhà thơ Nguyễn Du soạn Văn tế thập loại chúng sanh. Cụ Nguyễn Đình Chiểu soạn Văn tế sĩ dân Lục tỉnh và Văn tế vong hồn mộ nghĩa. Gần đây nhất, sau biến cố thất thủ kinh đô (5-7-1885), người dân Thừa Thiên Huế trong hơn một thế kỷ qua đã sử dụng không biết bao nhiêu phương tiện nghi lễ để cúng tế và mở đàn giải oan cho các cô hồn tử sĩ đã bỏ mình trong cuộc nổi dậy chống Pháp của vua Hàm Nghi bị thất bại.

Niềm tin nhất quán trong tất cả các cuộc Trai đàn bạt độ Giải oan là cầu nguyện cho "âm siêu dương thái". Đối với các vong hồn đã chết, dù chết bởi nhiều biến cố và tình huống khác nhau, nội dung vẫn bao gồm 3 mục tiêu giải oan chính:

1. Hóa giải: Người đã chết cần được người còn sống ghi nhận, vinh danh, thương tiếc, cảm thông, chia sẻ, xin lỗi hay tha thứ thích ứng với hoàn cảnh cụ thể;

2. Giải oan: Giải tỏa những oan ức, dằn vặt, hiểu lầm, nghi kỵ, đọa đày và động lực đã gây ra sự chết chóc oan khiên;

3. Siêu thoát: Cầu nguyện cho các oan hồn uổng tử được siêu thoát.

Đối với người còn sống, Đàn tràng Giải oan mang đến một nguồn tâm lý trị liệu (psychotherapy) tập thể rất cần cho sự an hòa trong cuộc sống. Nội dung cũng gồm 3 điểm chính:

1. Ghi nhận "nghĩa tử là nghĩa tận". Chết là bình đẳng và trút bỏ mọi hận thù, xung đột, ân cũng như oán, lại đằng sau. Chết là hóa giải và tự hóa giải giữa người ân và kẻ oán;

2. Yên tâm rằng, vong hồn của người thân cũng như kẻ thù đều được siêu thoát, không còn đi theo quấy phá hoặc nuôi mối hận cừu chờ ngày báo oán;

3. Giảm thiểu hay xóa được gánh nặng tinh thần về sự ám ảnh của quá khứ trong chính mình, để cho tâm hồn nhẹ nhàng đối diện với đời sống trước mắt và giúp ích cho thế hệ mai sau.

Ý nghĩa của một lời Xin Lỗi

Văn minh nhân loại càng tiến bộ, tinh thần trách nhiệm càng cao thì tâm lý hóa giải để sinh tồn và cộng tồn càng trở nên vi tế. Chỉ có bạo chúa, độc tài và vô minh mới không biết bày tỏ lời xin lỗi cần thiết. Những trụ đá vô hồn nầy thường chỉ biết bám cứng vào thù hận và danh sắc hão huyền để mong tiêu diệt hận thù; chẳng khác gì gã Ignorr (tiền thân của Ignorant Vô minh) vác chiếc hòm đen chứa đầu lâu để đi diệt trừ bóng tối!

Thế giới ngày nay, khuynh hướng toàn cầu hóa càng tiến nhanh thì những hình thức Cá Nhân Xin Lỗi (Personal Apology) và Chính Thức Xin Lỗi (Official Apology) từ phía các cá nhân danh tiếng quyền lực, các thế lực lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia… xuất hiện càng nhiều. Lời Xin Lỗi xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn minh nhân loại còn ghi dấu là hành động xin lỗi của hoàng đế La Mã Henry IV đối với Giáo hoàng Gregory VII về sự xung đột của triều đình gây tác hại cho giáo hội Thiên chúa giáo La Mã vào năm 1077. Heny IV còn đứng chân trần trong tuyết lạnh suốt 3 ngày để biểu tỏ cho lời thành khẩn của mình. Người đời sau tôn ông là “Hiền Vương La Mã” (Holly Roman Emperor) vì thái độ ăn năn và hành động khiêm cung nầy. Năm 1970, cả thế giới đều cảm động trước hình ảnh lãnh tụ Tây Đức Willy Brandt đã quỳ gối thành khẩn xin lỗi các nạn nhân Lò sát sinh Tập trung (Holocaust) của Hitler và Đức quốc xã. Các vị thủ tướng Nhật Bản đã thực hiện nhiều cuộc xin lỗi với Trung Quốc, Đại Hàn, Mỹ và các nước khác về những hành động ngược đãi, giết chóc tàn bạo tại những quốc gia mà giới quân phiệt Nhật đã từng chiếm đóng. Năm 1988, chính phủ Mỹ đã lên tiếng xin lỗi và đền bù thiệt hại (20.000 USD trên mỗi đầu người) về sự ngược đãi, lùa dân Mỹ gốc Nhật vào Trại Tập Trung Cấm Cố trong Thế chiến II. Gần đây nhất, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và thủ tướng Putin chính thức xin lỗi dân Nga về những tội ác của Josef Stalin đã giết chết 724.000 và đày ải 10 triệu người người dân vô tội của họ trong các trại lao động khổ sai vào những năm cuối thập niên 1930. Đó là một thời kỳ Đại khủng bố (Great Terror) trong lịch sử nước Nga mà tội ác không thể nào biện minh nổi…

Nêu dẫn một số trường hợp tiêu biểu trong vô số những hình thức Chính Thức Xin Lỗi đã và đang diễn ra trên toàn thế giới để tiến tới nhận định rằng: Sự xin lỗi là một biểu hiện của tầng cao nhân văn mang ý nghĩa mong cầu hợp tác đoàn kết và tinh thần cầu hóa giải. Đặc biệt là trên cấp độ lãnh đạo quốc gia thì một sự xin lỗi đúng đắn là một sách lược chủ động và tự tin trong quá trình trị nước an dân về mặt đối nội và cũng là thái độ ngoại giao khôn khéo bày tỏ thiện chí hợp tác song phương hay đa phương về mặt đối ngoại.

Truyền thống văn hóa phụ quyền và cấu trúc làng xã theo đẳng cấp hàng dọc “thượng, hạ” của xã hội Việt Nam đã tạo ra một hiện trạng tiêu cực so với phong thái xã giao và ngoại giao phổ quát là dân ta rất khép kín cũng như quá hà tiện lời “xin lỗi” và tiếng “cám ơn” với nhau, nhất là trong mối quan hệ cấp trên đối với cấp dưới, lãnh đạo đối với quần chúng. Đã đến lúc dân ta cần tới một sự chuyển biến tích cực và thông thoáng hơn. Bất luận ở đâu và thời nào cũng thế, người lãnh đạo biết lỗi lầm của cấp dưới để sửa sai là cao trí tuệ. Người đứng đầu biết lỗi lầm do thuộc cấp của mình gây ra để công khai xin lỗi là rộng lương tri. Lãnh tụ cao trí tuệ và rộng lương tri thì sẽ giúp dân tình hòa hợp, nước mạnh dân giàu là một hậu luận tất nhiên.

Vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam còn đó. Sự đợi chờ của người dân Huế cùng đồng bào trong và ngoài nước về một thái độ hành xử xứng hợp với vai trò và vị thế của người lãnh đạo còn đây. Nhưng thời gian thì lớp lớp qua mau không đợi chờ ai cả.

Trường hợp của Đức, Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Nhật… gần đây, lời Chính Thức Xin Lỗi của nhà lãnh đạo quốc gia dành cho trường hợp oan khuất xảy ra trên chính quê hương của họ hay ở nước khác do người của họ gây ra là dấu chỉ phản ánh bản lĩnh chính trị và đảm lược hành động của người đứng đầu đất nước. Ngoài ra, về mặt tinh thần, đó cũng là thông điệp sinh động cho nghĩa đồng bào, tình nhân loại, hướng đắc nhân tâm đầy thuyết phục trong lòng người dân và trước mắt cộng đồng thế giới.

Sacramento, tuần cuối năm Tân Mão 2011
Trần Kiêm Đoàn

1 comment:

  1. Hơn 40 năm đã trôi qua, kể từ biến cố Mậu Thân 1968 đến nay. Mỗi năm, thay vì NN Việt Nam chân thành "bày tỏ" lời XIN LỖI như đã được nhiều người trong cũng như ngoài nước gợi ý, cái chính quyển (Bạo quyền) này vẫn khư khư tự cho mình làm đúng, kể cả việc sát hại hàng ngàn thường dân vô tội nhất là ở cố đô Huế. Đã chẳng nhận lỗi, xin lỗi, họ lại còn "trí trá" gắp lửa bỏ tay người, đổ tôi cho phía Mỹ- VNCH thả bom, bắn giết hàng loạt. Sự VÔ LIÊM SĨ chưa dửng lại ở đó. Hàng năm, họ còn tổ chức Mừng Chiến Thắng Mậu Thân, cờ xí rợp trời, khẩu hiệu tràn ngập các thành phố đạc biết ở ngay cả TP Huế, nơi mà vụ thàm sát của chính CB, binh lính của họ mặc tình gây nên tôi ác.
    Một lời XIN LỖI muộn màng dù thế nào đi nữa, vẫn là một cử chỉ biễu lộ sự " sám hối" từ bỏ cái ÁC. Tuy nhiên, nếu thực tâm họ, cái ÁC chưa chịu từ bỏ, thì mọi lời XIN LỖI cũng không che được mắt thiên hạ, thiều sự thành tâm thiện ý để lay chuyển lòng người để có thể đưa đến sự Hoà Giải, Hoà Hợp như ý của tác giả TKĐ mong muốn.
    Đồ tể bỏ đao thành Phật, phải là những đồ tể thành tâm thiện ý quyết dứt bỏ cái ÁC, từ giả cái XẤU chứ không phải bất cừ đồ tể nào còn âm mưu lận đao sau lưng, chỉ giả bộ bỏ đao cũng thành Phật cả. Có cái gì bảo đảm, nếu NN VN hiện nay ngỏ lời CHÍNH THỨC XIN LỖI đồng bào Miền Nam vể những cuộc thàm sát ở Cố đô Huế năm 1968 là họ sẽ tử bỏ cái ÁC, vốn là BẢN CHẤT của nên chuyên chính độc tài ? Không chấp nhận bất cứ đảng phái, xu hướng chính trị nào khác viớ XHCN-- mặc dù nay chỉ còn là xác chết chưa chôn??

    ReplyDelete

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...