27 November 2020

Mỹ Dung, truyện vui

Thời gian mới nhậm chức Đại Đội Trưởng ở Vĩnh Bình, tôi sống trong doanh trại của Bộ Tư Lệnh một thời gian ngắn, sau đó dọn ra phố chợ ở ... cho vui, trong căn nhà cuả Trung Tá Quyền, vì ông này được thuyên chuyển sang Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn bên Cần Thơ nên cho tôi thuê cũng nhằm mục đích giúp ông giữ nhà.

Cùng sống với tôi là Trung Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, một Hạ Sĩ Quan đã lớn tuổi, nguời gốc Vĩnh Bình, vừa là 'cận vệ' (đất Vĩnh Bình cũng không mấy an ninh), vừa giúp tôi trong các công việc lặt vặt như nấu cơm, giặt quần áo v...v

Trở ngại duy nhất là phương tiện liên lạc với gia đình ở Saigon. Vì nhà không có điện thoại nên hàng ngày phải chạy sang Bưu Điện gọi về thăm hỏi gia đình.

Sau gần một tháng chạy qua, chạy lại như thế thì tôi có cơ hội làm quen cô trưởng phòng điện thọai, vừa mới 22 tuổi, vóc dáng xinh đẹp, rất xứng với cái tên Mỹ Dung và giọng nói ngọt ngào đặc biệt của người Miền Nam:

- Từ nay để khỏi mất công, em sẽ giúp anh nhận và gọi về nhà mỗi ngày.

Tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao cô này lại 'chú ý' tới mình như vậy? Nhưng điều ngạc nhiên hơn nữa là khi thấy tay cô ta chưa đeo nhẫn cưới, một chuyện tương đối hiếm ở một cô công chức xinh đẹp tỉnh lẻ.

Gia đình tôi mừng lắm vì hàng ngày vẫn nhận được 'báo cáo' về đứa con trai ngoài tiền tuyến vẫn an toàn, hứa sẽ có dịp đền ơn cô điện thoại viên 'kỳ lạ' này, vì cô còn cho biết tôi sống rất...lành mạnh, và thông báo cả những chuyện linh tinh như ngày hôm đó tôi ăn sáng ở đâu, uống cà-phê quán nào ... !

Vốn tính lười biếng nên tuy mừng vì có người đã giúp mình việc liên lạc với gia đình, nhưng rồi tôi cũng quên hẳn cô ta. 

Cho tới một hôm từ vùng hành quân trở về thì thật ngạc nhiên khi thấy trên bàn có cả một rừng trái cây: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt ... là những thứ tôi rất thích nhưng chỉ ăn đại khái chứ chưa bao giờ mua nhiều đến thế. 

Hỏi người lính thì mới biết do Mỹ Dung mang cho, vì cô biết hôm nay tôi từ vùng hành quân trở về

Vì phép lịch sự, tôi đã mời Mỹ Dung sang nhà chơi để tỏ lòng biết ơn. 

Nhưng quyết định 'lịch sử' này đã làm tình thế thay đổi hẳn! vì từ hôm ấy mỗi buổi chiều sau khi tan sở, cô đều xách theo 'gà mền' với đủ loại thức ăn đặc sản của Miền Nam, từ canh chua cá bông lau, cua rang muối, gà hấp bia 33... v...v, đều do chính tay cô nấu.

Có lẽ đó là một thời gian hạnh phúc nhất trong đời tôi vì đã chán cảnh 'cơm hàng, cháo chợ', hoặc phải ăn những món do một ông lính gìa nấu rất dở, từ ngày này sang ngày khác.

Thanh niên sống độc thân và lại phải đóng vai một 'nhà tu' thật không dễ. Tình cảm của tôi với Mỹ Dung chắc chưa phải là tình yêu nhưng nếu hôm nào cô không tới thì vẫn cảm thấy 'hơi nhớ' không khí của những bữa cơm gia đình.

Nhưng tình hình đột nhiên trở nên bi thảm, vì một hôm ông lính gãi đầu gãi tai nói với tôi: 

-Thú thiệt dzới ông Thầy, dzì thương ông thầy nên tui mới dám nói, ông Thầy phải "xa" cô Dung ngay đi!

Rồi anh ta kể cho tôi nghe: 

- Tại ông Thầy không biết thôi, chứ cả tỉnh đều biết 'tiểu sử' của cô Mỹ Dung: Là Hoa Khôi trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, con gái cưng duy nhất của một bà đại điền chủ. Nhà giầu nhất tỉnh, nhưng cô lại có số ...sát phu !

- Đã có hai vị Sĩ quan hỏi cưới cô, nhưng đều không thành vì cứ ăn hỏi xong thì cả hai ông đều chết trận! 

Đặc biệt là cuộc sống của mấy ông này "tỉ lệ...nghịch" với cấp bậc, ông nào lon càng to thì mạng sống ... càng ngắn: Ông Đại Úy thì chỉ sống được có một tháng sau đám hỏi, còn ông Thiếu Úy thì nghe đâu được... 4 tháng! Cô Mỹ Dung về đây ở với bà dì để tránh những dư luận xấu về cô.

Vốn không phải là người tin dị đoan nên tôi nghe rồi cũng bỏ qua, cho đó chỉ là tin đồn thất thiệt của những bà có tính ghen ghét, ngồi lê đôi mách. 

Nhưng chỉ một ít lâu sau, tôi đã phải 'xét lại', vì rất nhiều lần các chủ quán cơm tôi thường ăn, nhất định không chịu nhận tiền! 

Ban đầu tôi còn chủ quan cho là họ muốn trả một cái ơn nào đó. Nhưng rồi lâu dần cũng hiểu ra vì có lần nghe được một bà 'phán':

- Tội nghiệp ông Bác Sĩ còn trẻ thế, tốt bụng thế mà lại...chết sớm !

Nghe lời than 'thảm não' của bà và tính theo cấp bậc của tôi lúc đó thì có lẽ bà chủ quán cơm đã kết luận là tôi chỉ còn được ..."hưởng dương" vài ba tháng nữa, có tính tiền cơm cũng chả đáng là bao, thôi thì cứ xem như tạm ứng trước tiền phúng điếu.

Thành phố nhỏ 'đi dăm bước đã về chốn cũ', nên tin đồn loan rất nhanh. Nghe nói có bà đã chuẩn bị sẵn vàng hương, tiễn tôi sắp được thuyên chuyển sang "Quân Đoàn 5" (VNCH lúc đó chỉ có 4 Quân Đoàn, 'Quân Đoàn 5' là tên gọi lóng của...Nghĩa Trang Quân Đội)

Sống trong bầu không khí 'thiêng liêng' như thế, 'Thánh' cũng phải biết sợ chứ nói gì một người bình thường.

Chỉ trừ Mỹ Dung có vẻ như không biết, hàng ngày cô vẫn mang cơm sang cho tôi và thường ở lại chơi, trò chuyện tới tận khuya, và cũng vì lý do an ninh, mỗi đêm tôi phải lái xe đưa cô về tận nhà. 

Và cứ y như rằng mỗi khi xe vừa nổ máy là cả phố bật đèn, mở cửa chạy ra xem, có vẻ thắc mắc lắm, vì sao chờ mãi mà tôi chưa...chết ??? Dù là tính mệnh chỉ còn...tính từng ngày !

Dù sợ, nhưng vốn là một người yếu đuối trước phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp, nên tôi cũng chẳng biết giải quyết cách nào. 

Chẳng lẽ lại cấm cô ta đến nhà ? vả lại tôi rất tiếc những bữa ăn ngon và không khí ấm cúng gia đình.

Nhưng vốn tính 'cẩn thận' ! nên tôi cố tránh không dám đụng cả đến...bàn tay của Mỹ Dung, với suy nghĩ đơn giản: 

Nếu chưa ... đụng chạm, có gì xẩy ra chắc cũng không đến nỗi !. 

Và những khi cô tới nhà, chúng tôi luôn luôn ngồi ở phòng khách, bật đèn sáng chưng, mở hết cửa sổ, cửa cái, để nếu có ai tò mò nhìn vào cũng "thấy" hết mọi chuyện bên trong. 

Để bảo đảm an ninh, tôi còn cho ông lính cầm súng ngồi gác bên ngoài.

Thật đến khổ vì bổng dưng tôi lâm vào cảnh Quan Công phò nhị tẩu!. 

Chỉ khác là Quan Vân Trường ngày trước suốt đêm cầm đuốc đứng sừng sững ngoài lều canh cho hai bà chị dâu ngủ để chứng tỏ với Tào Tháo về lòng trung thành thờ Lưu Bị. 

Còn ngày nay tôi phải thắp đèn sáng rực...'ăn chay, giữ giới', chỉ vì sợ...chết yểu khi phò "nhất tẩu" chứ không cần trung thành với ai cả.

Vốn là một người con gái chất phác nên Mỹ Dung vui lắm, không hề quan tâm việc đã làm tôi mất ngủ, cô vẫn đến thăm, tâm sự với tôi đêm này sang đêm khác.

Nhưng may mắn chợt đến bất ngờ, vì tôi lại được một bà khác ...'cứu bồ' 

Số là ở Bệnh Viện Tiểu khu có bác Sĩ Anh (tôi đã quên mất họ ông ta) là một bác sĩ Giải phẫu Thẩm Mỹ nổi tiếng, thân chủ của ông từ Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Sa đéc ... tới nườm nượp.

Đàn bà con gái thật lạ! Thích sửa sắc đẹp nhưng lại không muốn cho ai biết là mình 'đã sửa', nên các cô thường chỉ rủ một người bạn đi cùng cho 'có chị, có em', và chỉ muốn ở lại Thẩm Mỹ Viện cho đến khi vết thương lành hẳn rồi mới ra về chứ không thích ở khách sạn vì sợ có người trông thấy.

Bà Hồng Vân, vợ ông Bác Sĩ giải phẫu thì rất thích...tiền!, nhưng lại không muốn chứa mấy cô thân chủ của Thẩm Mỹ Viện vì tính bà hay ghen do nhan sắc không được lộng lẫy lắm của một người đàn bà đã 'xấp sỉ tứ tuần'. 

Vốn là người có nhiều 'sáng kiến', nên bà chạy ngay sang tôi: 

- Chị nhờ chú giúp anh chị một điều. 

Rồi bà vào đề ngay:

 - Căn nhà chú hiện đang ở qúa rộng! Bây giờ chị tính thế này nhé (?): Ngoài cửa là phòng khách rồi đến phòng anh lính, tới phòng chú rồi mới tới nhà bếp. Bây giờ chú cứ cho anh lính nghỉ phép, rồi chị sẽ mang mấy cô qua gửi chú ...săn sóc.

- Chị sẽ mang cơm sang cho họ mỗi ngày và thanh toán tiền thuê nhà với chú sòng phẳng.

Biết tính tôi hay cả nể và sợ tôi thay đổi ý kiến nên ngay hôm sau bà khuân ngay mấy cái giường cùng 2 cô..."đang sửa", vào ở nhà tôi !

Tôi mừng lắm vì chỉ nghĩ đơn giản là nhờ thế Mỹ Dung thấy tôi sống 'bê bốí' qúa, mà không thèm tới nữa, chứ thực ra tôi cũng không cần tiền lắm.

Tưởng khôn mà hóa dại. Không ngờ sống chung với phụ nữ lại khó khăn đến thế! 

Trước đó, ở một mình nên tôi cũng không hề để ý là buồng tắm nhà tôi không... có cửa ! Và cửa sổ phòng ngủ của tôi lại nhìn thông thốc vào ... phòng tắm, chỉ cách một khoảng sân nhỏ, nên mỗi khi nghe giọng 'oanh vàng thỏ thẻ: 

"Chúng em đi tắm đây!", là tôi lại phải hốt hoảng chạy vôi ra phòng khách ngồi chờ. 

Thế mà cũng có vài lần gập nguy hiểm, vì 2 cô này vốn 'trẻ người, non dạ', vô tâm tới độ đi tắm mà lại...quên báo cáo với chủ nhà! 

Cũng may mà mình 'nhắm mắt' kịp !

Có lần đi làm về, thấy khóa bên trong, nhưng trước cửa nhà mình lại treo biển "CẤM VÀO". Gõ mỏi tay tới nửa giờ mới mới thấy một cô chạy ra ỏn ẻn:

- Xin lổi anh, chúng em đang giúp nhau tỉa "lông...mày" nên không nghe thấy!.

Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu, có lẽ 2 cô đang giúp nhau 'tỉa' thứ gì khác?! chứ lông mày thì 2 cô đã cạo sạch để xâm cho đẹp, lấy đâu ra mà mọc nhanh đến thế ?

Nguy hiểm hơn nữa là Mỹ Dung tự nhiên có lý do đóng vai bà chủ nhà, dọn sang ở luôn để ...'săn sóc' hai cô khách lạ !, nên tôi đành phải ra phòng khách ngủ trên ghế sofa. 

Bà Hồng Vân, vợ ông Bác Sĩ thì có vẻ hài lòng lắm, an ủi tôi: 

- Trước kia chú chỉ có một người lính lo toan mọi việc, nay có tới 3 cô 'săn sóc' nên chị cũng yên tâm !

Nhưng cũng vì 'chị cũng yên tâm', mà bà lại...quên luôn việc phải mang cơm sang cho 2i cô bệnh nhân của bà mỗi ngày. 

Chẳng nhẽ lại để hai cô chịu đói, nên hàng ngày tôi phải chạy sang phố chợ mua cơm mang về "dâng" hai nàng ! 

Suy cho cùng thì cũng chẳng sao, vì từ đó tôi ăn ngon miệng hơn do có dịp vận động trước bữa ăn, nhưng lại khổ sở vì ... mất ngủ.

Cực chẳng đã, tôi phải bò về Sài gòn, năn nỉ một ông bác giữ chức vụ khá lớn giúp làm cách nào thuyên chuyển Mỹ Dung về Bưu Điện Sàigòn. 

Tôi kể hết sự thực cho Bác tôi nghe. Nhưng vốn là người luôn luôn giữ sự đạo mạo 'Cửa Khổng, Sân Trình', ông phán một câu:

- Cây ngay không sợ chết đứng cháu ạ !

Cũng may, ông không hiểu nhưng Bác Gái tôi lại hiểu nên vì thương thằng cháu, bà gắt lên:

- Cái ông này ăn nói lạ thật, "cây càng ngay càng dễ chết đứng ! Từ xưa tới nay, ông có thấy thằng đàn ông con trai nào cây...cong queo, mà lại chết vì đàn bà con gái bao giờ chưa ?"

Vốn nể vợ nên ông bác phải đành giúp tôi, và chỉ vài tuần sau Mỹ Dung được thuyên chuyển về Bưu Điện Sàigòn.

Tôi thoát nạn! Chuyện này xảy ra khỏang cuối năm 1974.

Chỉ vài tháng sau thì tôi nhận được Thiệp Cưới của Mỹ Dung và có có về dự đám cưới. Đặc biệt là trong Thiệp Cưới, cô có gửi kèm một bức thư chỉ vài giòng chữ:

- Vì yêu anh nên em đã quyết định không... lấy anh ! 

Càng vui mừng hơn nữa khi biết 'chú rể' là con một nên được "hoãn dịch" gia cảnh, vì dù sao cũng bớt cảnh nguy hiểm của trai thời chiến. 

Năm 1980, sau khi được thả khỏi trại tù Việt Cộng, tôi có ghé thăm Mỹ Dung, người mà từ nhiều năm trước tôi đã xem như một cô em gái, vì dù sao 'ván cũng đã đóng thuyền'.

Điều kỳ lạ nhất là Mỹ Dung đang sống với một ông chồng mới. Ông chồng mà tôi đi dự đám cưới đã chết vì đắm tầu trong chuyến vượt biên.

Tới hôm nay, tôi vẫn tin là mình là người có...căn tu, vì nhờ quyết định rất sáng suốt, nên mới 'thoát hiểm'. Có cơ hội kể cho các bạn nghe câu chuyện này.

ĐOẠN KẾT

Nhưng đã hết chuyện đâu.

Mấy tháng trước, nhận được giấy mời của Hội Đồng Hương Sa-Đéc, tôi được gập lại Bà Hồng Vân, (vợ của Ông Bác Sĩ Giải Phẫu Thâm Mỹ), người đã gửi tôi 'săn sóc' cho mấy cô sửa sắc đẹp. 

Cũng nhân dịp ăn mừng Bát Tuần Thượng Thọ, trước đám đông quan khách, bà Hồng Vân đã vui vẻ nhắc lại chuyện cũ và khen tôi:

- Trong số mấy thằng Bắc Kỳ ở Sa-Đéc, thằng này... 'được' lắm !!!. 

- Hồi đó tui đã tính gả con em Út của tui cho nó, nhưng lại thôi vì thấy nó sống 'bê bối quá! Cùng một lúc ở chung nhà với 3 con nhỏ khác. Ai mà chịu nổi ?

- Sau mới biết nó bị tiếng oan, vì có lần, nó chạy sang nhà mượn cái mùng, thấy nó bị muỗi cắn nhiều quá, hỏi ra mới biết là vì 3 con nhỏ kia chiếm hết 3 cái giường, nên nó phải ngủ dưới đất !

- Thấy tội nghiệp nên tui đã bàn với má tui gả lại con Út cho nó, thì tới lượt... Má tui 'hổng chịu' !!!

Vì 'Bả' thấy nó cương quyết thà bị muỗi cắn, nhất định không chui dzô mùng bất cứ con nhỏ nào để 'tá túc' qua đêm, nên Má tui nghi nó.. BỊNH. ?!

- Nhưng cũng hên cho nó ! dzì thằng chồng con em Út của tôi, lấy nhau được có đôi ba tháng thì ... lăn cổ ra chết !

NHH 

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...