29 July 2019

Đồng hương vùng Toronto biểu tình phản đối Tàu Cộng

Trưa hôm qua, 28 tháng Bảy, 2019, đông đảo đồng bào Toronto (Canada) và các vùng phụ cận đã cùng nhau tập trung lại trước tòa Lãnh sự Trung cộng để biểu tình phản đối việc Trung cộng ngang nhiên xâm chiếm Bãi Tư Chính.

Nhắc lại, trong từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu bao gồm các tàu Hải cảnh có trang bị vũ khí hạng nặng, tàu dân quân biển và tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 ra khu vực Bãi Tư Chính, Bãi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các banner và khẩu hiệu trong cuôc biểu tình đã nói lên được những phẩn nộ của đồng bào hải ngoại trước sự bạo ngược xâm phạm lãnh hải VN của Tàu cộng.
-Red China get out of Việt Nam.
-Red China Stop invading Viet Nam.
-Spratly and Paracel Island belong to Viet Nam.
Cô Nam Phương, sinh trưởng tại Canada, lên án sự xâm lăng của Trung hoa đối với VN từ ngàn xưa, tiền nhân ta đã bao lần chống cự lại và không hề khiếp sợ. Cô kêu gọi dân Việt Nam, Hong Kong và các nước đang bị áp lực của sự xâm lăng từ Trung cộng, đừng sợ hãi và cùng đứng lên chống lại sự xâm phạm thô bạo của Trung cộng.

Một nhân sĩ cùng đóng góp ý kiến, không chấp nhận cái hèn nhát của nhà cầm quyền ĐCSVN đã giữ im lặng khá lâu, đáng lẽ phải có những động thái thích hợp để bảo vệ lãnh hải, bảo vệ ngư dân, không để cho Trung cộng tung hoành đánh chiếm Bãi Tư Chính.

Đại diện đảng Việt Tân Toronto cho rằng Quân đội, nếu không sớm tỉnh ngộ, thoát ra khỏi sự điều động của ĐCSVN, cuối cùng cũng sẽ là nạn nhận của đảng thống trị, và cả đất nước sẽ nói tiếng Tàu và bị đồng hóa. Chúng ta thách thức và cho Tàu cộng biết rằng Biển Đông sẽ ngập xác quân Tàu nếu họ còn ý đồ xâm lăng nước ta.

Ban Tổ chức cũng nhắc đến em Nguyễn Đặng Minh Mẫn, một thiếu nữ mới 25 tuổi, yêu nước Việt, không muốn mất Hoàng sa và Trường sa, đã phải trải qua tuổi thanh xuân trong nhà tù hằng 8 năm. Đồng bào rất phẫn nộ khi nhắc đến những TNLT bị bắt giam chỉ vì yêu nước.

Cuộc biểu tình chấm dứt êm đẹp vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày.




RÂU RIA RẮC RỐI

Phạm đức Thân

Trong ngôn ngữ thường ngày, từ "râu ria" ám chỉ cái gì tầm thường, phụ thuộc. "Anh cứ lo việc chính đi, còn chuyện râu ria để tôi". Thật ra, râu ria là cái quan trọng đối với con người nhất là nam giới, chứ không phải tầm thường vụn vặt.

Râu tượng trưng cho trường thọ, sung mãn, đáng kính. Các nhân vật nổi danh của tôn giáo, lịch sử, văn hóa các dân tộc thường xuất hiện qua hình ảnh (vẽ, chụp, điêu khắc...) là những vị có râu: Chúa Giêsu, Đức Khổng Tử, ba ông Phúc Lộc Thọ, ông già Santa Claus, vua Hùng Vương, triết gia Socrates, bác học Einstein...


Charles Darwin ( 1809 - 1882 )
Râu là dấu hiệu của trưởng thành, nam nhi, hảo hán. Đàn ông phải có râu; đàn bà phải có vú tốt để chu toàn thiên chức làm mẹ. Như cổ nhân đã bảo: "Nam tu nữ nhũ", và nhận xét:
Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con.
Tuy nhiên râu ria không phải là độc quyền của phái nam. Một số phụ nữ cũng có râu măng mọc nhiều trên mép trông như một hàng ria. Đặc biệt có hai phụ nữ (ở Lausanne và Mỹ) được ghi nhận trong Tự Điển Bách Khoa Larousse là có râu ria đàng hoàng, và chân tay lông lá hơi nhiều.

Đoàn xiếc Mỹ Barnum có hai diễn viên nữ nổi tiếng nhờ râu ria rậm rạp, trình diễn như là một kỳ quái của thế giới. Josephine Clofullia (1829-1875) gốc Thụy Sĩ, năm 8 tuổi râu đã dài 2 inches. Trình diễn thế giới nàng thường để râu kiểu của Napoleon III, nên được vị Hoàng Đế này tặng một kim cương lớn. Bà kia là Annie Jones (1865-1902). Mới 9 tháng tuổi đã nhiều lông và có râu được trình diễn như một bé Esau mới. Esau là nhân vật trong Thánh Kinh Hebrew, con trai của Isaac, đặc điểm là tóc đỏ và râu ria lông lá rậm rạp. Lên 5 tuổi Annie bắt đầu mọc ria và râu hai bên má mang tai, nổi tiếng là "Cô gái có râu".

VN ta chẳng chịu thua thế giới, vì cũng đã có một đấng quần thoa khoe rằng:
Mũi em có tám gánh lông.
Chồng yêu chồng bảo râu rồng Trời cho
Thử tưởng tượng, phụ nữ có râu ria trông mới tức cười làm sao, và hình như có cái gì nhầm lẫn, không ổn đâu đây, cho nên mới phát sinh câu tục ngữ "Râu ông nọ cắm cằm bà kia" để chỉ cái gì không thích hợp, lai căng...

Râu được coi là thể hiện tính cách con người, bởi vậy có phân biệt nhiều kiểu râu tượng trưng cho trung nịnh, thiện ác, tốt xấu...Các nhân vật hát bộ, cải lương tùy theo tính cách của mình sẽ được gán cho kiểu râu thích nghi: vai trung, thiện đeo râu đẹp; vai nịnh, ác, phường mặt mốc râu rìa mang râu xấu. Nhưng không phải luôn luôn có tương thích giữa râu và tính cách, cho nên, cũng như chiếc áo không làm nên thầy tu, bộ râu không làm nên bác sĩ hay triết gia.

Các ông Phúc Lộc Thọ, ông già Santa Claus râu ria bạc trắng, trông thật phúc hậu, tiên phong đạo cốt. Râu ba, bốn, năm chòm là của quân tử, anh hùng hảo hán như râu ba chòm của Quan Công, râu hùm của Từ Hải. Trương Phi thẳng thắn, nóng tính có râu chổi xể. Râu quai nón là một kiểu râu đẹp và thường thấy ở Do Thái, Trung Đông, trông có vẻ nghiêng về tinh thần, sùng đạo hơn là vật chất. Râu tài lộc chỉ gồm một sợi râu dài mọc gần miệng hoặc dưới tai được coi là quí hiếm, mang lại giầu sang hạnh phúc.

Kiểu râu xấu có khá nhiều: râu dê, râu chuột, râu cáo, râu mèo, râu cá ngão, râu cá chốt, râu nghạnh trê, râu le the ba sợi, râu móc họng, râu guidon (giống tay lái xe đap)... Đặc biệt nhất là "râu quặp" không biết hình dạng ra sao mà ông nào cũng sợ bị gán cho mang râu này, vì đây là râu của mấy ông sợ vợ. Xem ra có lẽ phải hỏi các bà liên hệ!.

Các ông khoái được gán cho là "râu xanh" hơn. Không có nghĩa là râu mầu xanh, mà ám chỉ kẻ dâm đãng, lắm vợ, nhiều đào, thích quyến rũ phái nữ...do một tích cổ Âu Tây. Xưa có tay quý tộc tên là Râu Xanh (Bluebeard) lấy nhiều vợ bằng cách giết vợ này giấu xác vào một căn phòng rồi lấy vợ khác; và cứ thế tiếp diễn cho đến người vợ sau cùng khám phá ra đống xương khô, bèn hiệp lực cùng anh em nàng giết được hắn. "Yêu râu xanh" thường dùng để chỉ kẻ dâm ác, hãm hại phụ nữ.

Tin buồn

Huynh trưởng

VĂNG VĂN THỐNG
Pháp danh Huệ Đức
Cựu Sinh Viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Ban Đốc Sự Khóa 1 Đà Lạt,

Đã mãn phần ngày 3 tháng 7 năm 2019 tại Bruxelles, Belgique
Hưởng thọ 97 tuổi

Tin rút ngắn


** Hoa Kỳ  phục hồi án tử hình

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ngày 25/7 phục hồi một chính sách đã ngưng hoạt động hai chục năm nay cho phép chính phủ liên bang áp dụng án tử hình và ngay lập tức lên kế hoạch thi hành án đối với 5 tử tội liên bang.

Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói “Bộ Tư pháp tuân thủ pháp quyền và chúng tôi phải có trách nhiệm với nạn nhân và gia đình của họ trong việc xúc tiến các bản án do hệ thống tư pháp của chúng ta ban hành.”

Chính quyền Tổng thống Donald Trump kêu gọi tăng cường dùng án tử hình đối với các phạm nhân buôn lậu ma túy hay những kẻ giết người hàng loạt và đã kêu gọi Bộ Tư pháp mở đường để thực hiện.

Sự ủng hộ của dân chúng Mỹ đối với án tử hình đã giảm bớt từ thập niên 90, theo các cuộc thăm dò. Tất cả các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu đã bỏ án tử hình.

** TC lại đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực

Sau khi Washington xác nhận bán cho Đài Loan 2,2 tỷ đô la vũ khí tối tân chống chiến thuật tứ diện giáp công của Hoa Lục, Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Lục hôm 24/07 nói rằng TC sẽ không do dự thống nhất Đài Loan bằng vũ lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Theo Asia Times, đây không phải là lần đầu tiên TC đe dọa dùng vũ lực chiếm Đài Loan, nhưng lời tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhạy cảm đối với Hoa Lục: phong trào phản kháng tại Hồng Kông chống âm mưu bóp nghẹt tự do tại đặc khu hành chánh bị Bắc Kinh xem là một mối đe dọa lớn đối với kinh tế và chính trị Hoa lục. Đồng thời, Trung Quốc vẫn phải canh chừng phản ứng domino của dân Tây Tạng và Tân Cương. Trong chiều hướng này, báo chí Hoa Lục ngày 10/07 phụ họa cáo buộc Hoa Kỳ ngầm ủng hộ phong trào biểu tình.

**

Chủ tịch UB Đối ngoại Hạ viện Mỹ lên án TC, ủng hộ VN về Biển Đông

Dân biểu Eliot L. Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, hôm 26/7 ra tuyên bố về việc Trung Quốc “can thiệp vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát”, trong đó ông “lên án Trung Quốc” và bày tỏ ủng hộ Việt Nam.

Mở đầu tuyên bố của mình, ông Engel cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông là “một minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai xem thường luật pháp quốc tế”.

Vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ khẳng định là chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc “cấu thành sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”.

(Tóm lược từ VOA, RFI)

28 July 2019

Con Sâu Lông Vàng, thơ

Dạo:

    Chỉ vì chút "đỉnh chung" này,
Con sâu vàng cũ giờ đây đỏ màu.


     金毛蟲

金 毛 的 老 蟲,

夜 宿 野 花 中.

從 遠 肴 香 到,

其 毛 早 血 紅.

     陳 文 良


Âm Hán Việt:

     Kim Mao Trùng

Kim mao đích lão trùng,
Dạ túc dã hoa trung.
Tùng viễn hào hương đáo,
Kỳ mao tảo huyết hồng.

    Trần Văn Lương


Dịch nghĩa:

     Con Sâu Lông Vàng

Con sâu già lông vàng,
Đêm nằm ngủ nhờ giữa đám hoa rừng.
Từ xa mùi thức ăn (vừa bay) tới,
Bộ lông (vốn màu vàng) của nó (đã) tức khắc đỏ lòm.


Phỏng dịch thơ:

           Con Sâu Lông Vàng

    Con sâu lão, lông vàng óng ánh,
    Ngủ qua đêm dưới cánh hoa rừng.
        Từ xa thịt cá thơm lừng,
Sâu kia vội vã lưng tưng đổi màu.

              Trần Văn Lương
                 Cali, 7/2019


Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

      Lông con sâu già vốn màu vàng bỗng dưng biến thành đỏ
khi ngửi thấy mùi thức ăn xào nấu từ chốn xa đưa tới!
      Lạ nhỉ, quả có lý này ư ?
      Nhưng than ôi, bình tâm ngẫm lại thì bỗng thấy rằng
con người mình cuối cùng cũng nào có khác chi!
      Hỡi ơi!

24 July 2019

Tôi Được Hồi Phục Sau Khi Bị “Stroke”

·        Bị “Stroke” hay “tai biến mạch máu não” làm cho bệnh nhân bị tê liệt một nửa cơ thể, nói không rõ, phải ngồi xe lăn. Nhưng việc hồi phục hầu như ai cũng có thể làm được nếu bệnh nhân có đủ cương quyết và nghị lực. Câu chuyện dưới đây do chính một bệnh nhân, ông Ron Smith, tự thuật trong tác phẩm tựa đề: “THE DEFIANT MIND”.(Một Đầu Óc Bướng Bỉnh)
** 

Tôi đứng ở cửa phòng tắm trong căn nhà của chúng tôi ở Vancouver Island, nhìn Pat, vợ tôi chuẩn bị đi ăn trưa với bạn bè.Trong lúc đứng tựa của nhìn vợ tôi thật lâu, người đàn bà từng yêu thương tôi cả nửa thế kỷ qua, tôi cảm thấy khó ở trong người. Tôi không thấy buồn nôn, hay xây xẩm, chỉ thấy khó chịu trong người. Tôi thấy mình yếu hẳn đi. Tôi nghĩ nằm xuống nghỉ một lúc thì sẽ hết.

Tôi rời khỏi chỗ đứng và nói với vợ tôi là tôi cần đi nằm. Tôi thức giấc sau hai giờ nằm ngủ thiếp đi. Tôi trở mình dậy, đi ra phòng làm việc, ngồi xuống trước computer, và nhận thấy bàn tay phải của tôi trở nên chậm chạp, vụng về.

Điều này kể ra cũng lạ. Từ bấy lâu nay, tôi có thói quen hay tìm hiểu những gì kỳ lạ xảy đến cho cơ thể, từ khi thấy mình trở nên già nua thêm. Vì thế tôi gõ chữ “stroke” (tai biến mạch máu não) vào Google. Tôi không hiểu vì sao mình lại gõ chữ “stroke” thay vì chữ “flu”(cảm cúm) hay “Lyme disease” hay “heart attack” (đột quỵ tim).

21 July 2019

Mợ Hai, truyện ngắn

Trần Bạch Thu

Năm 17 tuổi mợ Hai Huê về làm dâu nhà Cả Tam, ai cũng trầm trồ là nhà có phước mới gả được con về làm dâu trong một gia đình giàu có tiếng tăm. Chỉ nghe tên thôi là biết. Hộ tịch làng tự động đổi tên, thay vì Hoa thành Huê để tránh húy kỵ. Người đẹp mà giỏi dang nữa mới quí. Vốn con nhà nghèo sớm làm lụng kiếm sống. Trời cho có chút nhan sắc lại siêng năng cần mẫn nên được cả xóm bến đò Chợ Gạo tấm tắc khen thầm.

Cha mất sớm, là con gái lớn nên vất vả lao đao từ thuở nhỏ. Theo gia đình làm thuê trên ghe thương hồ đi khắp miền Lục tỉnh. Cho đến khi trôi dạt về tới Chợ Gạo mấy mẹ con mới ổn định cất nhà trụ lại ở bến đò. Đất lành chim đậu. Chỉ mỗi việc gặt lúa mướn, làm cỏ thuê quanh vùng cũng đủ để có cái ăn. Ngày thường làm mướn, lột dừa thuê cũng sống được. Dân tình dễ chịu không kén người làm thuê nên công ăn việc làm lúc nào cũng có.

Tiếng lành đồn xa, trai làng ngấp nghé nhưng chưa kịp mở lời thì duyên số gặp ngay cậu Hai Cảnh, con ông Cả Tam ngó đến đem lòng thương mến rồi thành chồng vợ. Đám cưới thật lớn rất đông khách mời. Rước dâu bằng xe ngựa, đơn chiếc không có họ hàng nhà gái đưa dâu. Mẹ và các em cũng ở lại nhà. Đường xa. Cô dâu khóc hết nước mắt suốt từ bến đò cho đến tận nhà trai, làng Long Bình Điền.

20 July 2019

Tin ngắn

Máy bay không người lái của Iran bị tàu Mỹ bắn hạ

TT Trump: Tàu chiến Mỹ đã phá hủy máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz.

Một tàu chiến của Hoa Kỳ đã phá hủy một máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước, Tổng thống Trump tuyên bố hôm thứ Năm. Ông nói rằng: Hoa Kỳ có quyền bảo vệ nhân sự, cơ sở vật chất, quyền lợi của mình.

TT Trump cho biết tàu USS Boxer đã có hành động phòng thủ, sau khi máy bay không người lái bay trong phạm vi 1.000 thước của tàu chiến này và không hợp tác để rời xa. Tổng thống gọi đó là hành động thù địch mới nhất của người Hồi giáo Iran.

Ông cũng kêu gọi các nước khác lên án những gì ông mô tả khi Iran cố gắng phá vỡ tự do hàng hải và thương mại toàn cầu, trong đường thủy chiến lược ở khu vực Vịnh Ba Tư.

Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài Jonathan Hoffman đã xác nhận với Fox News trong một tuyên bố: "Vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương, tàu đổ bộ USS Boxer đang ở trong vùng biển quốc tế thực hiện một chuyến tuẩn tiễu nội địa theo kế hoạch Eo biển Hormuz, chiếc máy bay không người lái đã tiến gần Boxer, và quá gẩn nằm trong phạm vi đe dọa. Con tàu đã hành động phòng thủ chống lại UAS để bảo đảm an toàn cho con tàu và Thủy thủ đoàn. "

Chưa có tin tức nào về phản ứng của Iran

Căng thẳng Biển Đông: CS Việt-TC cố tránh trường hợp năm 2014


Vào thượng tuần tháng 7 này, tàu hải cảnh TC và tàu kiểm ngư và cảnh sát biển CS Việt Nam đã lại đối đầu với nhau trên Biển Đông, tại khu vực Bãi Tư Chính gần quần đảo Trường Sa, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam CS, nhưng bị TC đòi chủ quyền. Nguồn tin này ngày càng được nhiều nguồn ngoại quốc tiết lộ, trong bối cảnh cả CS Hà Nội lẫn CS Bắc Kinh đều đưa tin nhỏ giọt, và phản ứng dè dặt.

Theo các quan sát viên được báo chí quốc tế ngày 17/07/2019 trích dẫn: Cả hai chính quyền CS Việt Nam và TC như đang cố tránh không để kinh nghiệm năm 2014 tái diễn. (RFI)

Google: "Chúng tôi đã chấm dứt dự án Dragonfly"

Dự án Dragonfly được ghi nhận ngừng vào cuối năm ngoái nhưng có tin đồn rằng nó vẫn còn hoạt động.

"Chúng tôi đã chấm dứt dự án Dragonfly", Karan Bhatia, giám đốc điều hành Google nói với Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên Google chính thức xác nhận Dragonfly đã kết thúc.

Một phát ngôn viên của Google sau đó đã xác nhận với trang tin này rằng Google hiện không có kế hoạch tung ra công cụ tìm kiếm riêng cho thị trường Trung Quốc và rằng hiện không có dự án nào được thực hiện cho mục tiêu này.

Ngay từ những ngày đầu được thiết kế, Dragonfly làm dấy lên những chỉ trích là phương tiện giúp chính quyền Trung Cộng kiểm duyệt nội dung website cũng như giám sát hành vi trên mạng của người dân.

13 July 2019

‘Thế lực thù địch' ngay trong lòng Đảng

 Nguyễn Văn Đài

Võ Văn Thưởng
Lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đã gọi những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong bộ máy chính trị là “nhóm thế lực thù địch”. Ông Thưởng nhấn mạnh rằng “nhóm thế lực thù địch” này không khó để nhận ra nhưng rất khó đấu tranh.

Ông Thưởng đã đề cập đến vấn đề này trong bài nói chuyện 75 phút với nội dung quán triệt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư tháng 7, diễn ra ngày 5.7.

Ông Võ Văn Thưởng còn chỉ rõ “nhóm thế lực thù địch” là những đảng viên từng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Nhưng rất khó để đấu tranh vì là lực lượng "len lỏi và phức tạp". Theo ông Thưởng, các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn, phương thức chống phá rất muôn hình vạn trạng, đặc biệt là sử dụng truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội. Trong khi đó, những người làm công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại thụ động hơn, rơi vào tình trạng phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ chính sách và đây là vấn đề cần lưu ý khắc phục sớm.

Chứng khoán Mỹ lại lập kỷ lục mới

Đồ thị con đường chỉ số Dow Jones đạt đỉnh hơn 27.000 điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ lại lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên chỉ số Dow Jones vượt 27.000 điểm, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ liên tiếp thể hiện các dấu hiệu vững mạnh như tỷ lệ thất nghiệp thấp, và số lượng việc làm mới tăng mạnh trở lại.

Theo CNN, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones kết thúc phiên hôm thứ Năm 11/7 với mức tăng 0,9%, tương đương 227 điểm đạt 27.088 điểm, lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số này chạm tới mốc 27.000 điểm, sau một năm rưỡi sau khi phá vỡ kỷ lục 26.000 điểm trước đó.


Chỉ số S&P500 cũng tăng 0,2%, đạt 3.000 điểm, phá đổ kỷ lục đạt trước đó hồi 3/7.

Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng đạt kỷ lục chưa từng có, 8.203 điểm sau khi đóng cửa hôm thứ Tư.

Các trang kinh tế Mỹ đánh giá việc tất cả các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng phá kỷ lục là do tín hiệu giảm lãi suất từ Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell hôm thứ Năm 11/7. Tổng thống Trump đã liên tục kêu gọi FED giảm lãi suất và chỉ trích các chính sách thắt chặt của FED gây ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế Mỹ.
“Nếu FED giảm lãi suất, chúng ta đã có nền kinh tế như gắn động cơ hỏa tiễn, nhưng mà [thực tế] chúng ta đang phải trả lãi cao và đó là không cần thiết,” ông Trump nói hôm 5/7.

“Nhưng FED không biết điều họ đang làm, vì vậy đó là một trong những điều nhỏ không tốt. Nhưng nếu FED mà giảm lãi suất, chúng ta sẽ có nền kinh tế gắn động cơ hỏa tiễn.”

Hôm 11/7, Tổng thống Trump thông báo: “Dow vừa mới chạm mức 27.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử”.

Chỉ số Dow Jones đạt 26.000 điểm lần đầu tiên vào tháng 1/2018, chỉ 2 ngày sau khi phá kỷ lục 25.000 điểm trước đó, thúc đẩy ông Trump tung ra các kế hoạch kích thích tài chính và cải tổ giảm thuế. 

(The Dow Jones Industrial Average rallied to a record high on Thursday, led by UnitedHealth shares, after testimony by Federal Reserve Chair Jerome Powell this week that signaled easier monetary policy could be implemented later this month.

The 30-stock average broke above 27,000 for the first time in its history, rising 227.88 points, or 0.9% to 27,088.08. The Dow first closed above 26,000 in January of 2018, so it’s been a little more than a year-and-half trek between 1,000 point moves. The gains were largely driven by expectations the Fed will cut rates, insulating the market from a slowing economy and a trade battle with China.

Microsoft has been the best-performing Dow stock since the index’s first close above 26,000, surging around 50% in that time. Visa, Cisco Systems and Nike are also up sharply since then.)

11 July 2019

Động Đất Ngẫu Hứng, thơ

Nhà cửa rung bần bật,

Ối dào ơi, động đất!

Thân bầm dập lắc lư,

Óc mệt nhừ ngầy ngật.

Lập cập tính hên xui,

Lui cui lo được mất.

Trời còn bắt sống nhăn,

Bèn gắn răng cười ngất!

        Trần Văn Lương
           Cali, 7/2019

Phố Tàu và Một Người Đàn Bà Việt

Nguyễn Quang Thiều

Những khu phố và đặc biệt những ngôi nhà của những người Hoa trong các ngõ phố lúc nào cũng âm u và đầy vẻ lo ngại với những người chưa quen. Trước kia, ở Hà Nội có nhiều gia đình Hoa kiều nhưng tôi chưa một lần bước vào bất cứ một ngôi nhà nào đó của họ. Và thế, ngôi nhà của người Hoa lần đầu tiên tôi bước vào là một ngôi nhà ở phố Thượng Hải, thủ đô La Havana. Hồi học ở đó, có ba thứ của người Hoa mà sinh viên Việt Nam hay mua, đó là sâm nước, mì chính và mỳ sợi tươi. Người Cuba giống người Châu Âu và nhiều nước khác không dùng mì chính. Vì vậy những sản phẩm đó chỉ để bán cho chính người Hoa ở đó và một số sinh viên Châu Á.

Tôi đã bước vào ngôi nhà của người Hoa nằm trong một cái ngõ trên phố Thượng Hải ở khu vực La Havana cổ. Một ngôi nhà trần rất cao và phòng khách khá rộng. Những đồ gỗ, tủ, bàn uống trà đều bằng gỗ đã sẫm màu thời gian. Ánh sáng rất ít trong căn phòng. Chỉ có một chiếc bóng đèn nhỏ tỏa ánh sáng vàng đục. Tôi quan sát thấy các lối đi và các phòng trong ngôi nhà đều phủ bóng tối. Trên một bức tường chính diện với cửa ra vào có treo hai bức ảnh. Một bức ảnh tôi nhận ra ngày đó là Mao Trạch Đông. Ở giữa phòng khách là ông chủ ngôi nhà. Một người đặc Trung Quốc. Tóc cắt ngắn, áo cổ khuy cài bằng vải. Ông ta ngồi trong một chiếc ghế bọc nhung to đã bạc màu. Ông nói chuyện với chúng tôi bằng một thứ tiếng Tây Ban Nha đặc thổ âm tiếng mẹ đẻ của ông. Khi chúng tôi hỏi mua mấy thứ hàng nói trên, ông gọi vọng vào căn phòng bên cạnh. Một người đàn bà chắc là vợ ông bưng một cái thùng gỗ cũng thẫm màu thời gian ra và mở ra. Trong đó đựng những lọ sâm nước và những gói mì chính. Hồi ở Cuba, sinh viên chúng tôi thường nấu ăn thêm mà chủ yếu là mỳ sợi với thịt hộp nên hay dùng mì chính. Còn sâm nước là mua giúp cho mấy cán bộ Việt Nam sang công tác mang về nước.

Ở La Havana hồi tôi đang học không có Chinatown nhưng sau này thì có. Ở Việt Nam có khu người Hoa rất lớn gọi là Chợ Lớn chứ không gọi là Chinatown. Nhưng ở rất nhiều nước trên giới thì có. Từ xa người ta đã có thể nhận ra Phố Tàu bởi cái cổng to trang trí rồng phượng rực rỡ. Có một đặc điểm là bên ngoài những ngôi nhà người Tàu thường rực rỡ nhưng bên trong thì âm u và đầy bí ẩn của những lo ngại mơ hồ. Một lần đến phố Tàu, một người Cuba hỏi tôi có phải tôi đến thăm người đàn bà Việt Nam không. Tôi ngỡ ngàng vì không nghĩ có người Việt Nam sống ở Cuba như vậy ngoại trừ một vài sinh viên học xong lấy vợ người Cuba và ở lại. Nghe vậy, tôi thực sự tò mò và tìm cách gặp người đàn bà này.

Và đến một ngày, tôi đã gặp người đàn bà Việt Nam trong khu phố ấy. Một người đàn bà làm dâu một gia đình Trung Quốc từ khi còn rất trẻ. Năm bảy tuổi, bà được đưa từ Bắc Giang xuống Hà Nội làm con ở cho một gia đình Hoa kiều. Sau đó, gia đình Hoa kiều này chuyển vào Sài Gòn sinh sống và buôn bán. Thấy cô bé xinh đẹp và thông minh họ đưa cô bé đi theo. Gia đình người Hoa cho gọi mẹ cô bé đến và nói rõ câu chuyện. Vì gia đình quá nghèo khổ, bà mẹ đồng ý cho con đi theo gia đình người Hoa và nhận một ít tiền.

Khi gặp tôi, bà đã đứng lặng nhìn tôi mà không trả lời câu hỏi của tôi : “ Bà là người Việt Nam à ?”. Bà đã khóc vì câu hỏi ấy. Bà cố gắng nhớ một câu tiếng Việt cho trọn vẹn nhưng không thể làm được. Bà phải nói với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha. Bà nhớ Hà Nội và cái làng quê xa lắc của bà mà bà không còn nhớ tên làng được nữa. Khi đứa con đầu lòng ra đời, bà đã cầu xin chồng mình bằng được để đặt tên cho đứa con là Thăng Long. Vì tất cả những gì bà sống cho gia đình người Hoa ấy đã làm người chồng chấp nhận tên đứa con của ông ta bằng một cái tên Việt Nam. Bà nói với tôi thi thoảng bà vẫn mơ về mảnh đất Việt Nam. Mơ về cái làng nơi bà sinh ra và lớn lên rồi ly biệt nó từ khi còn rất nhỏ. Nhưng bà biết, bà không còn cơ hội để trở về mảnh đất ấy. Bà không thể trở về bằng thân xác bà nhưng bà luôn trở về trong những giấc mộng. Bà vẫn tự may cắt áo tứ thân như hồi còn trẻ ở Việt Nam bà mặc mỗi khi Tết đến. Và không chỉ mỗi khi Tết đến mà mỗi khi có sự kiện gì đó bà lại mặc chiếc áo tứ thân. Bà vẫn để tóc như một phụ nữ Việt Nam từ thập kỷ 30, 40 của thế kỷ trước. Chỉ có tiếng mẹ đẻ là bà không thể nào nói được nữa. Khi mới rời Việt Nam lúc bà chỉ mới 11 tuổi, những năm đầu tiên đêm nào trước khi ngủ bà cũng hình dung ra những người thân yêu của mình còn ở Việt Nam và nói chuyện với hình ảnh của họ để khỏi quên họ và quên tiếng mẹ đẻ. Nhưng thời gian khắc nghiệt cứ đẩy bà xa dần ngôn ngữ ấy. Tôi là người học ngoại ngữ và tôi thông cảm với bà.

Sau khi gặp tôi, bà đã mời tôi đến ăn cơm với gia đình bà vào ngày Chủ nhật để đứa con trai bà có thể gặp tôi, một người từ mảnh đất chôn nhau cắt rốn của bà. Trong suốt thời gian học tập ở Cuba, ba lần bà đến tận cư xá của tôi ở để thăm tôi và mang tôi cho một món ăn Việt Nam mà bà vẫn còn nhớ. Đó chính là món cá kho. Tặng tôi món cá kho nhưng bà rất lo lắng vì nghĩ tôi không còn nhận ra hương vị món ăn quê hương do bà nấu nữa. Mỗi khi tôi khen bà nấu ngon và rất Việt Nam thì tôi thấy bà vui như một đứa trẻ. Có lúc bà đã khóc vì sung sướng.

Khi tôi báo cho bà tôi chuẩn bị về Việt Nam bà vô cùng buồn. Tôi hỏi bà còn nhớ một ai trong gia đình bà không để tôi có thể đi tìm và cho họ biết thông tin về bà. Nhưng bà không thể nhớ được một ai cụ thể nữa. Trước khi tôi về, bà đã đưa tôi một bọc vải nhỏ trong đó đựng một túm tóc của bà. Bà nói với tôi hồi nhỏ mẹ bà nói với bà nếu phải tha phương cầu thực thì tìm cách gửi một túm tóc mình về quê để sau này chết mà nhớ đường về quê. Bà nhờ tôi thả túm tóc đó xuống một dòng sông nào đó ở Việt Nam hay vùi vào một cánh đồng nào đó để khi bà chết thì linh hồn bà biết đường tìm về với xứ sở mình. Lúc này không phải bà khóc mà tôi khóc. Tôi xúc động đến lạnh người. Tôi hứa với bà tôi sẽ thực hiện mong ước của bà. Và vào một ngày mùa đông năm 1989, sau khi về nước được gần hai tháng, một buổi tối tôi đạp xe ra cầu Long Biên và thả túm tóc bà xuống sông Hồng.

Bây giờ đã là năm thứ 26 kể từ ngày tôi từ Cuba trở về nước. Tôi nghĩ nếu bà còn sống thì năm nay bà đã hơn trăm tuổi. Tôi không biết bà có còn sống không. Nhưng có một điều tôi tin : đó là bà sẽ trở về xứ sở của mình cho dù thế nào. Bà chỉ là một cô gái đi ở và trở thành dâu của gia đình người Hoa và sống trong cái cộng đồng đông đúc, dị biệt và âm u ấy nhưng trái tim bà, tâm hồn bà và linh hồn bà vẫn không hề thay đổi. Có thể có nhiều Trung Quốc bé nhỏ ở trong lòng các nước khác như Úc, Pháp, Mỹ, Đức....Tôi lại nhớ đến nhận xét của một nhà nghiên cứu Úc về các Chinatown hay là sự ảnh hưởng của Trung Quốc với chính các nước sở tại. Nhưng có một người đàn bà Việt Nam tưởng như yếu đuối, đã không còn nói được tiếng Việt lại sống một cách mãnh liệt và như không có gì lấn át được trong một cộng đồng người Tàu đông đúc, âm u và đầy lo ngại như thế.

(Internet)

10 July 2019

Sử Dụng hay Xử Dụng

Trang Y Hạ

Từ lâu nay đã có nhiều người, nhiều học giả tranh luận nên viết “sử dụng hay xử dụng” sao cho phù hợp, cho đúng chánh tả. Trong khi chờ một Viện Hàn Lâm, thì chúng ta tự tìm hiểu, phân tích mấy chữ gốc Hán cổ nầy cho ý nghĩa như thế nào cái đã. Đa phần các Học giả bàn rất sôi nổi về “sử dụng hay xử dụng”, mà không chịu giải thích cặn kẻ để rồi đưa ra “đáp án” cuối cùng. Sử dụng và Xử dụng là tiếng Hán cổ được phiên thiết ra tiếng Việt… Đôi khi phiên thiết không hết ý nghĩa [bởi nhiều nghĩa], thì vẫn chưa hoàn hảo. Ngay như các Từ điển tiếng Việt như cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của cũng nghiêng về chữ SỬ DỤNG 使 處. Chữ sử dụng là hoàn toàn tiếng Hán . Chữ xử [động từ] có nhiều nghĩa và chữ sử [động từ] cũng có quá nhiều nghĩa. Vậy cứ ghép chữ “Dụng” 用  vào thì ý nghĩa sẽ mông lung, rồi - bàn luận: đúng, sai, trong khi hai chữ “Sử & Xử” đều đúng - theo nguyên bản chữ Hán.

Trước tiên: Phải biết ý nghĩa của chữ “Dụng” - Dụng là từ Hán. Chữ Dụng [chữ Hán] nghĩa là: Dùng. Chữ dùng đã Việt hóa thì phải dùng theo nghĩa tiếng Việt trong giao dịch hay trong văn thơ cho dễ hiểu.

      Ý nghĩa của chữ “Dùng”.

      1 – Để làm một việc gì đó. Thí dụ: Dùng gỗ để làm nhà…
      2 – Giao cho một công việc gì. Thí dụ: Dùng người hiền tài…
   
Ý nghĩa chữ “Dùng” như vậy đã rõ ràng. Còn nói, viết theo kiểu: “Sử dụng gỗ để làm nhà” hay “Xử dụng gỗ để làm nhà”. Hoặc: “Sử dụng người hiền tài”. Hoặc: “ Xử dụng người hiền tài”. Thêm hai chữ: SỬ & XỬ” [Hán Tự] vào trong câu làm chi cho thêm mông lung để rồi xúm nhau biện luận cho thêm rắc rối.  Tuy nhiên, nếu đủ trình độ thì có thể vẫn xài chữ Sử & Xử trong văn thơ, văn bản...

Chữ Dụng gồm:

-         “Dụng binh, Dụng công [gắn sức], Dụng cụ, Dụng hiền nhân, Dụng mệnh, Dụng sự, Dụng tâm, Dụng tình, Dụng võ, Dụng ý, Dụng hình [phạt]…” . Tất cả những chữ “Dụng” [Hán tự] nầy chuyển qua Dùng thì vẫn có nghĩa như nhau. Thí dụ: Dụng binh – Dùng binh. Dụng công – Dùng công… Hoàn toàn theo tiếng Việt

    CHỮ XỬ GỒM CÓ: 

Xử: Xử sự, Xử án, Xử trảm, Xử tử, Xử tệ, Xử hẹp, Xử phạt, Xử lý, Xử Lý Thường Vụ, Xử thế, Xử lý từ xa, Xử biến tùng quyền, Xử cảnh, Xử đoán, Xử giảo, Xử chém, Xử bắn, Xử thắng, Xử hòa, Xử thua, Xử thiên vị, Xử hẹp, Xử lý văn bản, Xử phán, Xử quyết, Xét xử, Biệt xử [biệt đãi]…!

-         Xử nữ là: người con gái chưa có chồng.
-         Xử nữ mạc, là: màn trinh con gái.
-         Xử sĩ [cũ] là: người có tài ở ẩn không chịu ra làm quan.
-         Xử thử, là: tên gọi trong hai mươi bốn ngày tiết trong năm.

Theo Hán tự. Chữ xử thuộc bộ: “Hô và bộ Mộc”. Theo [Thiều Chửu – Đào Duy Anh] dẫn giải bao gồm các nghĩa:

     “Xét đoán – Sắp đặt – Thu xếp – Lo Liệu – Vận dụng – Xử trí “
     Còn bên Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, gồm các nghĩa:

      “Phân biệt đúng, sai - lớn nhỏ - phải chăng - phân đoán - chước định - phân giải”

     Vậy muốn dùng chữ XỬ cho hợp với XỬ DỤNG thì ý nghĩa của chữ XỬ đã quá rõ! Chữ XỬ chỉ là động từ bổ nghĩa. [Tự Xử] rất người và cũng rất tình.

CHỮ SỬ GỒM CÓ:
   
     1 - SỬ là: “Khiến, Sai khiến, Xúi giục, Ra mệnh lệnh hay ước định, phỏng định một sự việc... Sử là buộc người khác phải… Thành ngữ: “Sử dân dĩ thời”. Nghĩa là: [Dựa theo thời vụ mà sai khiến dân chúng]. Hoặc: “Sử nhân dĩ dục”. Nghĩa là: “ [Lấy sự ham muốn nhục dục mà sai khiến người khác]. Theo Hán tự chữ SỬ thuộc: bộ Khẩu – bộ Mã – bộ Nhân”.

     2 – SỬ là: “Ghi chép, văn thơ, văn bản... Quan trường, Lịch sử, Nghiên cứu và Điển tích…”. Như:

Thứ sử, Ngự sử (một chức quan), Sử quan (vị quan chép sử), Sử ký, Sử thi, Sử ca, Biên niên sử, Lịch sử, Sử gia, Sử học, Sử bộ, Sử bút, Sử lệnh [sai khiến], Sử liệu, Sử luận, Sử quán, Sử quan, Sử lược, Sử sách, Sử tài, Sử thế [lối chép sử], Sử thực, Sử tích, Sử xanh, Sử thần [Quan chức viết sử]
Sử dân [Sai khiến người trong nước, Sử Bút [lối văn chép sử, Sử dịch [sai khiến làm lao dịch]!

Sử quân tử [là một loại dây làm thuốc trong đông y].

     Chữ sử, biến âm thành chữ SỨ: Đại sứ, Sứ thần, Sứ quán, Sứ quân, Sứ giả, sứ bộ, Sứ điệp.

     Vậy cho nên, muốn dùng chữ SỬ cho hợp với SỬ DỤNG, thì ý nghĩa chữ SỬ đã quá rõ ràng.

     Theo Hán Ngữ cả hai chữ Sử & Xử đều đúng.

Hai chữ: SỬ & XỬ - mỗi chữ đều có nhiều nghĩa... Do đó, muốn thêm chữ DỤNG để trở thành: SỬ DỤNG hay XỬ DỤNG thì khi viết, khi nói, trước hết cần phải xác định cụ thể sự việc cho phù hợp với nghĩa của SỬ & XỬ để cho thêm chữ DỤNG vào. Nhược bằng, nếu cảm thấy không đủ trình độ khai triển hai chữ SỬ & XỬ thì tốt nhất là: hạn chế xài. Bởi vì không hiểu rõ mỗi phần việc của SỬ & XỬ sau khi thêm chữ DỤNG vào, thành ra hai chữ SỬ DỤNG & XỬ DỤNG như một “Cái Bẫy Chữ” chết người. Thiệt tội nghiệp cho biết bao học sinh, sinh viên xưa nay vì hai chữ “Sử Dụng & Xử Dụng” mà bị các Giáo sư, Thầy Cô đánh rớt bài văn vì lỗi sai chánh tả quả thật là oan!

Trường hợp không đủ trình độ, thì hãy hạn chế viết, nói: Sử dụng hay Xử Dụng, mà hãy xài chữ DÙNG theo tiếng thuần Việt cho các sự việc giao tiếp hằng ngày, vừa dễ hiểu, vừa dễ nghe và lại vừa gần gũi, tình cảm. Đại loại những như:

-         Cảm ơn chị. Cái nầy, tôi không dùng được.
-         Cảm ơn anh. Cái kia, tôi dùng được.

     Sử & Xử là thuộc về chữ Hán, nên các nhà làm Tự Điển căn cứ theo nghĩa Hán mà quên bẵng đi rằng - một khi đã phiên thiết qua tiếng Việt là trở thành tiếng Hán-Việt thuần túy, đơn giản, dễ hiểu. Chữ SỬ chỉ ghép với chữ DỤNG, ngoài ra không thể ghép với bất cứ chữ nào. Chữ XỬ thì đa dạng hơn nhiều.

Vậy chữ “XỬ DỤNG” rất bao hàm, có đầy đủ tính chất gần gũi, thân thiện, cùng các yếu tố: chính danh và sáng suốt của ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, luôn luôn nhớ tới chữ DÙNG đã thuần Việt rất thân thiện.

Cá nhân tôi, tôi vẫn thích xài: Xử Dụng.

Trang Y Hạ
http://trangyha.blogspot.com/

09 July 2019

BỠN HAI LÃO BẠN GIÀ

Cuối Tháng 6/19, hai Lão Bạn Già, một ở Canada, một ở California, tự dưng vào nhà thương ...chơi. Bây giờ mọi chuyện an lành, nên có bài thơ bỡn cợt này! 
Đàm

Lão thì Chánh*, Lão thì Đà**,
Một ngày nổi hứng… ghé nhà thương chơi.
Lão Chánh, sì trốc, khơi khơi,
Lão Đà, bụng réo, máu đòi vượt biên.
Khổ con gái, hoảng vợ hiền,
Nuôi người bệnh, chẳng ưu phiền, chỉ lo.
(- hai Lão góp mất cơ đồ,
nằm phơi đây, chắc nhìn ra tội gì!)

*

Lão thì Chánh, Lão thì Đà,
Một ngày buồn quá… thăm nhà thương thôi!

LAN ĐÀM
7/19

* Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
**Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt

08 July 2019

Mừng Canada Day qua cửa sổ bệnh viện.

NTV

Bàn chân trái tê đi. Rồi cả chân trái tê đi, rất nhanh. Cố nhấc lên nhưng rê đi không chính xác. Và rồi không còn sức để giữ nổi phần thân thể phía trên. Toàn thân chúi nhủi về phía trước, may mắn tay phải tựa vội được vào tường. Chân trái hoàn hoàn mất điều khiển, lủng lẳng như chân một con múa rồi, đặt bàn chân xuống chỗ này nó rơi đi chỗ khác. Nhờ chân phải và hai tay (lúc đó tay trái chưa bị tê) lần theo cuối giường, ngồi vào chiếc ghế. Cảm nhận được chuyện nghiêm trọng đang xẩy ra, nhưng rất bình tĩnh. Có thể chết chăng ? ... Nếu vậy thì cũng thôi !. . .

Đó là lúc 9 giờ tối thứ Tư, 26 tháng Sáu.

*
Từ trước tới nay tôi chỉ thấy cái logo của hãng General Electric* trên chiếc TV, trên chiếc máy giặt, máy sấy, tủ lạnh... Đêm đó bất ngờ tôi thấy cái nhãn hiệu ấy xuất hiện cả trên chiếc máy X-ray tối tân người ta sắp đẩy tôi vào đó để làm CAT scan**. Trong những giây phút như vậy mà tôi vẫn còn để ý đến những chuyện lặt vặt như thế có lạ không?

Thật ra lúc đó còn nghĩ được gì nữa mà chẳng bám vào những bắt gặp trong thực tế. Tương lai có thể coi như đã xong. Tương lai nằm gọn trong chiếc xe lăn là may lắm. Thoáng trong giây lát, thấy hơi tiếc bức tranh mới vẽ chưa thật sự hoàn tất với những nét cọ sau cùng. Mạng sống không bám víu lại đi bám víu vào bức tranh chưa vẽ xong! Chuyện vớ vẩn đối với những người còn đang sống phây phây, sống hùng và sống mạnh, nhưng lại rất thật với một người không thể đứng dậy nổi trên đôi chân mình.

Mấy hôm nay nghĩ lại cái cảm nghiệm bản thân này giúp hiểu rõ thêm câu chuyện đã nghe kể khi xưa. Một người bạn sĩ quan loại hai chuyển qua ngành cảnh sát, chỉ huy trưởng một phân chi khu gần ngày Miền Nam sụp đổ. Căn cứ của anh bị mưa pháo và bị tràn ngập. Mỗi người tìm cách thoát thân. Anh bò ra được đến bờ sông ẩn mình trong đêm đen dưới đám lau sậy. Dọc con đê ngay phía trên đầu cộng quân chạy rầm rập. "Chắc rồi cũng bị bắn chết. Chết không mặc quân phục mà trần trụi chỉ còn duy nhất chiếc quần đùi trên người, dân chúng đi ngang nhận ra Đại uý Đ. chết trần trụi như thế  trông 'kỳ' quá". Anh nghĩ. Cái chết không đáng tiếc, mà tiếc rằng chết mà không kịp mặc bộ quân phục của mình ! Vậy đó.

*

Đời mình đầy rẫy những bất ngờ. Có những bất ngờ chết người nhưng cũng có những bất ngờ thích thú. Bất ngờ gặp nàng tiên tắm giếng. Bất ngờ nhìn thấy dẫy núi sừng sững sau khi xe lượn qua khúc quanh. Thật thú vị.

Một quả xuyên pháo cắt gọn cây cọc sắt ấp chiến lược bay vào nổ ngay trong căn nhà bếp chỉ cách chỗ tôi đứng ở nhà trên có hai mét nhưng may có bức tường gạch kiên cố che chở. Chạy ra xe chuồn đi chỗ khác để phủi bụi quần áo, đầu tóc.

Những ngón tay mềm mại người y tá bất ngờ luồn dưới áo gown sờ lên ngực. Cả hai bên ngực. Lạ nhỉ ? Bị stroke thì có gì trên ngực. Tôi tin rằng Thượng Đế đã gửi bàn tay mịn màng ấy tới an ủi truyền sức mạnh để tôi lướt qua cơn hoạn nạn. Chắc chắn như vậy.

*

Y tá cho tôi uống hai viên thuốc, một màu vàng và một màu xanh. Lần đầu tiên tôi uống thuốc trong nhà thương. Lúc đó và vào các buổi sáng sau này, tôi đều được hỏi một số câu nghe ra ngớ ngẩn:

Ông có biết ông đang ở đâu không? 
- Bệnh viện Juravinski
Đây là cái gì? 
- Cái đồng hồ đeo tay.
Dùng để làm gì? 
- Để coi giờ.
Hãy chỉ ra cửa sổ sau khi vẫy tay xem nào! (A ha! nhận thức trình tự thời gian! Tricky!)

Tôi còn tỉnh táo để nhận ra rằng người ta đang thử bộ não của tôi xem đã hư hại chưa. Tôi thấy mình may mắn. Có thể nhờ vào việc đã gọi xe cấp cúu kịp thời, và cũng có thể nhờ vào những thói quen tập thể dục, thường xuyên đi bộ, tập thản nhiên trước mọi chuyện.

*

Tôi thiếp đi. Lâu lâu mơ màng nghe tiếng khóc thút thít của đứa con gái út. Bảo Thi lấy xe chạy theo và ở với Bố từ tối hôm qua. Bỗng có tiếng sột soạt từ bên ngoài. Tôi tỉnh hẳn.

Bác sĩ với bộ râu quai nón, da xậm màu, vén màn bước vào tuyên bố mấy câu chắc nịch:
"Ông bị stroke! và vùng bị nạn ở sâu trong não bộ. Nhưng có tin vui: xuất huyết không lan rộng. May mắn." Ông nói tiếp: "Chúng tôi giữ ông ở đây một thời gian để theo dõi."
Người y tá đi theo bác sĩ ở lại giây lát nói với Bảo Thi: "Khi trường hợp khẩn cấp xẩy ra, ông ấy có bằng lòng để nhà thương làm bất cứ điều gì để cứu mạng sống ông ấy không?".

Tôi gật đầu.

Lúc mờ sáng chân trái và tay trái và nửa hàm răng trái bị tê lại. Người ta cho tôi uống một lúc 4 viên thuốc màu vàng thay vì một viên. Tuy nhiên tôi hồi phục rất nhanh. Chỉ sau chưa đầy 36 giờ ở bệnh viên tôi đã đứng được một mình tuy chân trái còn run lẩy bẩy. Bảo Thi mừng rỡ: "Ô, Bố đứng được rồi !"

 *

Sau khi khám nghiệm và chữa trị khẩn cấp ít ngày, người ta chuyển tôi đến General Hospital of Hamilton là nơi có đủ bộ phận chữa trị Stroke và hồi phục. Bốn bệnh nhân chia nhau căn phòng khá rộng, quây màn che lại cũng cho mình một không gian riêng khá rộng, có ghế, có bàn, có tủ, có một chiếc TV gắn vào một trục quay, nhưng tất cả đều nhỏ nhắn. Ba người kia đầu đều bạc trắng trong đó hai người mặt mày hom hem mắt nhắm nghiền thường nằm bất động. Người thứ ba ngồi lên được, đôi mắt khi nhìn có vẻ chăm chú nhưng thật ra cũng vô cảm như những nét khác trên khuôn mặt. 

Lâu lâu có những tiếng ho khô khan, về đêm nghe rõ hơn, phát ra từ những chiếc lồng ngực đã teo lại. Giữa những tiếng ho, tiếng thở khó khăn ấy, bỗng có những tiếng nổ lộp bộp từ bên ngoài vọng vào. Qua cửa sổ tôi nhìn được những chùm pháo hoa muôn màu, rực rỡ tung bay giữa đêm đen. Canada Day! Hôm nay là Canada Day, ngày kỷ niệm độc lập năm thứ 152 của đất nước tự do và nhân bản này.

Tôi thầm cám ơn Canada đã đón nhận mình. Chỉ một lần nằm ở đây thôi như lần này, nếu ở xứ khác có thể tôi đã phải trả một số tiền kếch sù cho những ngày lưu lại đây với hàng tá chuyên viên chữa trị, săn sóc, phục dịch và 5 lần rà soát tìm bệnh (2 lần CAT scan, 2 lần MRI scan***, và 1 lần rà siêu âm). Nhưng ở đây tôi không phải trả một đồng xu mặc dù tôi không làm việc cho nhà nước, không phải đảng viên của đảng nào. Tôi chỉ là người dân thường.

Một lần nữa xin cám ơn Canada./.





_______________________________


 (*) GE 

(**) CAT scans: computerized axial tomography 
CT, or CAT scans, are special X-ray tests that produce cross-sectional images of the body using X-rays and a computer

(***) MRI: (Đọc là Em-ma-rai) magnetic resonance imaging.
MRI gives very detailed pictures of soft tissues like the brain. Air and hard bone do not give an MRI signal so these areas appear black. ... MRI can be used to detect brain tumors, traumatic brain injury, developmental anomalies, multiple sclerosis, stroke, dementia, infection, and the causes of headache. 

06 July 2019

Thương tiếc đồng môn Nguyễn Đức Du

Mới chiều tối Thứ Ba, chúng tôi cùng anh chị Đặng Trần Minh, Nguyễn văn Tâm, chị Bạch Yến, chị Đỗ Anh, chị  Bùi Phương và anh Trương Công Thôi xúm xít chung quanh anh Du, cúi xuống nói để anh nghe, vẫy tay chào anh để nhìn con mắt anh đưa đẩy.  Không ngờ chỉ 8 giờ sau là anh đã bỏ chúng tôi, thật là đau xót, ngỡ ngàng và sửng sốt. Anh mất vào lúc 1 giờ 16 phút  đêm ngày Thứ Tư, mồng 3 tháng 7 năm 2019, để lại bao nhớ nhung, tiếc thương cho gia đình, cho bạn bè, cho đồng môn và những người cùng chí hướng với anh.

Anh Du từng là một cựu SV QGHC, với trí nhớ tuyệt vời. Đồng môn nào cần hỏi về bạn cũ, về trường xưa, về quá khứ của hoạt động hành chánh, thì trí anh là một quyển tự điển, anh đều có thể kể ra vanh vách như đang đọc một cuốn tiểu sử vậy.  Anh là dòng dõi của gia đình khoa bảng, là cháu cụ Bảng Nguyễn Can Mộng và chánh án Nguyễn Mạnh Nhụ. Anh rất có tâm hồn thơ văn, với một giọng ngâm tha thiết và truyền cảm, để hết tâm hồn vào nội dung bài thơ trong nét mặt đăm chiêu sâu lắng.

Anh còn hết lòng sinh hoạt với Hội trong mọi khía cạnh, nhất là giữ vững lập trường của một nhà Hành Chánh Việt Nam Cộng Hoà trước 75.  Sự thể hiện rõ nét nhất là khi trong người đã có bịnh, anh vẫn cố gắng đi họp xuyên tiểu bang, từ Sydney anh lên xe lửa xuống Melbourne. Trước khi xe chạy, anh xây xẩm và ói mửa, phải trở về nhà để khám bịnh và đi bịnh viện. Anh bị đứt mạch máu não làm tê liệt một số dây thần kinh, khiến anh không cử động được và không nói được nữa.

Nhờ sự săn sóc tận tình của chị Du (chị Lê thị Thuận) và cháu Dung, người con gái yêu của anh, đã giúp anh thật nhiều ở Lovoni Nursing home. Khó viết nào có thể diễn tả được sự tận tâm và cử chỉ yêu thương săn sóc của chị Du và cháu Dung. Trong 3 năm rưỡi trời, Chị và cháu đã từng hàng giờ nói nhỏ bên tai anh, cầm tay và nâng chân anh, co và kéo, để giúp trí não và tứ chi của anh hoạt động trở lại. Dù nằm một chỗ, không cử động được, nhưng nét mặt anh luôn tươi tỉnh hồng hào, chứng tỏ anh được ăn uống tẩm bổ đầy đủ và vận động thích hợp. Có những lần chúng tôi tưởng anh có thể khỏe lại. Và hai lần sinh hoạt của Hội, anh đã được chị và cháu đẩy xe tới dự, với đôi mắt chầm chậm đảo qua đảo lại nhìn từ đồng môn này qua bạn đồng môn khác, một tình huống thật dễ thương và cảm động. 

Nhưng hỡi ôi, bịnh tình của anh quá trầm trọng, không qua khỏi được. 

Chúng tôi chỉ ngậm ngùi chúc anh bình an và thanh thản về chốn Vĩnh hằng, cùng chia sẻ với sự hy sinh chăm sóc vượt bực của chị Du và cháu Dung.

Xin chị và cháu giữ tâm an bình để linh hồn anh thanh thản tiêu diêu miền cực lạc.

Thành tâm phân ưu cùng chị và cháu cùng toàn thể tang quyến.

Trần Thiện Tích 

TÁI SINH Ở MỸ, thơ

Tôi, thằng tù cải tạo vừa được thả,
Liều vượt biên đến hải đảo Inđô.
Tôi biết mình, kẻ thân cô thế cô,
Người xung quanh cũng tựa hồ như thế.

Tôi tưởng mình đã rành rẽ luật chơi:
Đã nhập ngũ vì quê hương yêu dấu.
Ngờ đâu tôi đã thua cuộc chiến đấu
Không tự do, không nuôi nổi vợ con

Bạn tôi đạp xích lô suốt ngày đêm,
Không đủ tiền mua cho con cái áo,
Trong khi đám cán bộ thì lơ láo,
Mải nhai lại thành tích hão vu vơ.

Hạnh Phúc đâu, khi dân phải gục đầu.
Từ tháng tư, ngày thảm sầu năm ấy,
Nhiều triệu người thất vọng và chán ngấy,
Phúc cho ai được nhìn thấy tương lai.

Tôi không dám đòi hỏi gì chú Sam,
Ai cố gắng, chú sẽ dành cơ hội.
Trại tị nạn, tôi đã được thăm hỏi
Tôi lựa lời, nói rõ với nhân viên:

“Đất nước tôi nay nghèo đói triền miên,
Mất tự do, quyền con người bị trói.”
Ông nói tôi: “Anh bạn đã thoát khỏi.
Từ hôm nay anh đã có tự do.”

Tôi người Việt, được tái sinh ở Mỹ:
Quyền Con Người đã được ghi tỉ mỉ.
Tôi người Việt, được tái sinh ở Mỹ,
Nơi mọi người có cơ hội vươn lên.

Hp-TnT
11/26/2009

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...