Nguồn: Ian Buruma, “Asian Values RIP,”
Project Syndicate, 04/04/2015.
Biên dịch: Trần Mai Khánh Ngọc
Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Rất ít chính trị gia nhận được nhiều sự tưởng nhớ cảm động từ phía công chúng sau khi qua đời như Lý Quang Diệu, người sáng lập và là cựu thủ tướng lâu năm của Singapore. Một người được Henry Kissinger coi như một nhà hiền triết, được Tổng thống Nga Vladimir Putin xem như một chính trị gia hình mẫu, và được Tổng thống Barack Obama mô tả là “người khổng lồ đích thực của lịch sử” thì chắc hẳn đã làm điều gì đó đúng đắn.
Có một điều không thể chối cãi: Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu lớn hơn nhiều lần so với quyền lực chính trị thực tế của ông, thứ sẽ chẳng bao giờ vượt ra khỏi những đường biên giới chật hẹp của một thành bang (city-state) nhỏ bé ở Đông Nam Á. Ông rõ ràng đã chua xót nhận ra điều này năm 1965 khi Singapore tách khỏi Malaysia. Ảnh hưởng sâu sắc nhất của Lý Quang Diệu là ở Trung Quốc thời kỳ hậu Mao Trạch Đông, nơi các doanh nghiệp kinh tế đang bùng nổ và cùng tồn tại với một nhà nước độc đảng chuyên chế theo chủ nghĩa Lê-nin.
Lý Quang Diệu là người tiên phong của chủ nghĩa tư bản kết hợp với thiết quyền. Đảng Hành động Nhân dân của ông, dù ít tàn bạo hơn nhiều so với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã điều hành một đất nước độc đảng trên thực tế. Như những nhà lãnh đạo độc tài khác (Mussolini chẳng hạn), Lý Quang Diệu cũng từng là người theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng tư tưởng của ông lại chịu ảnh hưởng bởi những ký ức hoài cổ kỳ quặc của kỷ luật thời thuộc địa Anh và một phần tư tưởng Nho giáo do ông tự điều chỉnh, nhấn mạnh sự tuân phục chính quyền, trong khi bỏ qua thứ quyền mang tính chất Nho giáo không kém là bất đồng chính kiến.
Nền kinh tế sôi động, sự tiện nghi về của cải vật chất, và hiệu quả thông suốt của Singapore dường như giúp khẳng định ý kiến của nhiều người cho rằng chủ nghĩa chuyên chế ưu việt hơn dân chủ, ít nhất là ở một số nơi trên thế giới. Rõ ràng là Lý Quang Diệu rất được các nhà độc tài ở mọi nơi ngưỡng mộ, những người cũng mong có thể kết hợp sự chuyên quyền của mình với việc tạo ra sự giàu có.
Nhưng cũng có điều gì đó bất thường trong những lời ca tụng dành cho Lý Quang Diệu. Những nhà lãnh đạo khác cùng chung tư tưởng với ông còn chưa được đối đãi như một nhà hiền triết, nói gì đến việc được xem như một người khổng lồ của lịch sử. Ví dụ, nhà độc tài quân sự Chi-lê Augusto Pinochet đã áp đặt phiên bản chủ nghĩa tư bản kết hợp với thiết quyền của riêng mình, và dù được Margaret Thatcher và Friedrich von Hayek ngưỡng mộ, nhưng ngày nay chẳng mấy ai kính trọng ông. Tại sao Lý Quang Diệu được tôn kính mà Pinochet lại không?
Trước hết, Lý Quang Diệu không lên nắm quyền bằng một cuộc đảo chính quân sự và những người đối lập ông đã không bị thảm sát trên các sân bóng đá (như đã từng xảy ra ở Chi-lê dưới thời chính quyền độc tài Pinochet – NHĐ). Những người bất đồng chính kiến ở Singapore thường bị giam giữ và ngược đãi, nhưng không ai bị tra tấn cho đến chết. Chính phủ của Lý Quang Diệu, trong khi cho phép bầu cử diễn ra như biểu hiện của một chính quyền dân chủ, vẫn hạ bệ những người đối lập mình bằng cách đe dọa và trừng phạt tài chính: những người dám dũng cảm chống đối lại ông bị làm cho phá sản trong các vụ kiện tốn kém; nhìn chung, Lý Quang Diệu có thể dựa vào một hệ thống tư pháp phục tùng mình.
Danh tiếng lẫy lừng của Lý Quang Diệu cũng có liên quan đến văn hóa. Ông rất giỏi trong việc thể hiện mình là hình mẫu của phương Tây thời xa xưa về Nhà thông thái (Wise Man) đến từ phương Đông. Dù “Harry” Lee, tên của Lý Quang Diệu khi còn là sinh viên tại Đại học Cambrigde, tiếp thu nhiều từ nền văn minh phương Tây, bao gồm cả sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho hệ thống thứ bậc trong Giáo hội Công giáo, ông vẫn luôn thận trọng chú ý đến việc nhấn mạnh cội rễ Châu Á trong tư tưởng chính trị của mình.
Lý Quang Diệu chưa bao giờ tuyên bố rằng nền dân chủ tự do ở phương Tây là sai lầm. Tất cả những gì ông bày tỏ là nó không phù hợp đối với “người châu Á.” Lập luận của ông là người châu Á đã quen với việc đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Người châu Á về bản chất là tuân phục giới cầm quyền. Những đặc điểm này bắt nguồn từ lịch sử châu Á: chúng là những “giá trị châu Á” sâu sắc.
Có những lý do chính đáng để hoài nghi luận điểm này. Trước hết, ai là những “người châu Á” này? Chắc chắn rằng đa số người dân Ấn Độ không đồng tình rằng về văn hóa, họ không thích hợp với nền dân chủ – điều đó cũng đúng với người dân Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc ngày nay. Việc đề cập đến những giá trị châu Á ở Singapore có lý ở mức độ nhất định, bởi vì sẽ là thiếu tôn trọng đối với người Mã Lai và người Ấn Độ thiểu số nếu biện minh cho việc họ kém quan trọng hơn bằng cách khơi gợi những giá trị Trung Hoa (trong bối cảnh người Hoa chiếm đa số ở Singapore – NBT).
Nhưng cũng có nhiều người Trung Quốc, không chỉ ở Đài Loan và Hồng Kông, bắt đầu không đồng ý với lời biện minh bằng văn hóa của Lý Quang Diệu cho chủ nghĩa toàn trị. Ngay cả người Singapore cũng đang dần thức tỉnh.
Liệu có đúng đắn không nếu cho rằng việc trở nên dân chủ hơn có thể đã khiến Singapore trở nên kém phát triển, thịnh vượng, và hòa bình hơn? Nhiều người Singapore có thể cũng nghĩ như vậy. Nhưng không thể chắc chắn rằng họ có đúng hay không vì giả định trên chưa bao giờ được kiểm nghiệm trên thực tế. Hàn Quốc và Đài Loan đều đã trải qua tiến trình dân chủ hóa vào những năm 1980, sau khi kết thúc việc áp dụng phiên bản chủ nghĩa tư bản chuyên quyền của mình, và đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chắc chắn, dân chủ cũng không gây phương hại đến nền kinh tế Nhật Bản.
Tiền đề của Lý Quang Diệu, thứ mà ông luôn trung thành, là giới tinh hoa có năng lực (meritocratic elite) phải áp đặt sự hài hòa trong xã hội từ trên xuống, đặc biệt là trong một xã hội đa sắc tộc như Singapore. Theo đó, thật sự ông khá giống Trung Quốc. Ông đã thu hẹp tối đa kẽ hở cho tham nhũng bằng cách trả công hậu hĩnh cho giới tinh hoa có năng lực. Mặc dù phải đánh đổi ở mức độ nào đó, nhưng nhờ có ông mà điều này đã phát huy tác dụng đối với Singapore. Singapore có thể phát triển và tương đối ít tham nhũng; nhưng đồng thời cũng là một nơi khá khô khan và có ít không gian cho các thành tựu về trí tuệ và nghệ thuật.
Những thứ có tác dụng trong một thời gian đối với một thành bang nhỏ bé khó có thể trở thành một hình mẫu hữu hiệu cho các xã hội rộng lớn và phức tạp hơn. Nỗ lực của Trung Quốc trong việc áp dụng chủ nghĩa tư bản kết hợp với thiết quyền đã tạo nên một hệ thống tham nhũng tràn lan, với sự bất bình đẳng trầm trọng về mức độ giàu có. Và Putin cũng phải nhờ đến chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến để che đậy những khuyết điểm xã hội và kinh tế dưới chính quyền của mình.
Bởi vậy, chúng ta hãy cứ ngưỡng mộ những con đường cao tốc trải dài êm ái, các cao ốc văn phòng đồ sộ, và những trung tâm mua sắm hoàn hảo của Singapore. Tuy nhiên, khi đánh giá di sản của Lý Quang Diệu, chúng ta cũng phải chú ý đến những lời của Kim Dae-jung, người từng bị bắt giam và suýt bị sát hại vì dám chống lại nền độc tài của Hàn Quốc trước khi trở thành vị tổng thống dân cử dân chủ của đất nước này năm 1998. “Châu Á lúc nào cũng cần phải kiên định xây dựng dân chủ và thúc đẩy quyền con người,” ông viết trong một bài phúc đáp Lý Quang Diệu. “Trở ngại lớn nhất [của châu Á] không phải là di sản văn hóa, mà là sức cản của những nhà cầm quyền độc tài và những người ủng hộ họ.”
**
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và mới đây là cuốn Year Zero: A History of 1945.
http://nghiencuuquocte.org/2015/04/23/vinh-biet-nhung-gia-tri-chau-a/#sthash.4QpDgDQt.dpuf
No comments:
Post a Comment