02 November 2015

Tại sao Tổng Thống Obama không thăm Việt Nam ?

Phát biểu của ông Lý Thái Hùng qua cuộc phỏng vấn do RadioCTM thực hiện

Thanh Thảo: Thưa ông, sự kiện Tổng thống Obama đã không viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 chỉ vì không sắp xếp được lịch trình hay còn lý do nào khác?

Lý Thái Hùng: Theo như lịch trình mà Tòa Bạch Ốc thông báo thì trong khoảng cuối tháng 11, Tổng thống Obama sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự Hội nghị G20, sau đó đến Phi Luật Tân dự Hội Nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) và đến Malaysia dự Hội Nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Khối ASEAN.

Với một lịch trình di chuyển như vậy cho thấy là Tổng thống Obama đã tập trung vào việc tham dự Hội nghị là chính, nên đã không thể sắp xếp thêm lịch trình thăm viếng nước này, quốc gia kia.

Tuy nhiên đó là nói về nguyên tắc. Nhưng nếu Tổng Thống Obama coi việc thăm viếng Việt Nam là quan trọng, đánh dấu 20 năm quan hệ ngoại giao và nhất là để tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia trong vấn đề biển Đông, thì ông cũng vẫn cố gắng được, dù chỉ là một ngày hay nửa ngày.

Sự viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào lúc này sẽ có nhiều điều thuận lợi cho Việt Nam không chỉ liên hệ đến vấn đề biển Đông mà còn là những tác động chính trị tích cực ở trong và ngoài đảng CSVN.

Ngay cả Hoa Kỳ cũng vậy, nếu Tổng thống Obama đến Việt Nam vào lúc này sẽ cho thế giới và nhất là các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Phi Luật Tân, Úc Châu thấy là CSVN đang từng bước tiến gần với liên minh chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

Do đó, việc Tòa Bạch Ốc đã không sắp xếp lịch trình cho Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam, vào tháng 11, dù trước đó đã dự trù, khiến dư luận không thể nào không thắc mắc. Điều này có thể được lý giải bằng hai nguyên do:

Thứ nhất, Hoa Kỳ tuy muốn coi CSVN là một đối tác chiến lược quan trọng, nhưng vì CSVN chỉ muốn đứng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để thủ lợi. Chính thái độ thủ lợi này của CSVN đã khiến cho Hoa Kỳ, đặc biệt là Tổng thống Obama, không coi Việt Nam là nơi ưu tiên phải ghé thăm, khi CSVN vẫn còn giữ thái độ “e dè” đối với các hành động của Hoa Kỳ trong việc ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh. Cụ thể là Hà Nội đã không hề lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ trong vụ đưa tàu chiến vào tuần tra 12 hải lý quanh khu vực đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông.

Thứ hai, do những áp lực từ phía Bắc Kinh khi Tập Cận Bình nhận lời đến viếng thăm Việt Nam khiến Hà Nội đã không tỏ thái độ tích cực đón tiếp Tổng thống Obama, và điều này đã làm cho Tòa Bạch Ốc khó chịu nên đã hủy bỏ chuyến viếng thăm với lý do không sắp được lịch trình.

Dù nguyên do nào đi chăng nữa, sự kiện Tổng thống Obama không ghé thăm Việt Nam lần này là một bài học cho lãnh đạo Hà Nội thấy rõ cách ứng xử trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay chỉ mang lại những thiệt hại cho CSVN mà thôi.

Thanh Thảo: Liệu Tổng thống Obama sẽ có thể thăm Việt Nam vào tháng 5/2016 nhân cơ hội tham dự G7 tại Nhật Bản hay không?

Lý Thái Hùng: Điều này khó có thể dự đoán vì còn đến nửa năm nữa, chưa biết tình hình sẽ diễn biến ra sao. Ngoài ra, việc Tổng thống Obama sẽ viếng thăm Việt Nam vào tháng 5 năm 2016 hay không còn tùy thuộc vào hai yếu tố.

Thứ nhất là ở thời điểm này CSVN đã gia nhập vào TPP. Hà Nôi có thật sự tuân thủ các ràng buộc của TPP và nhất là đi gần hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản để xây dựng một quan hệ mới, đặc biệt đối với vấn đề biển Đông hay tiếp tục lối ngoại giao đu dây như hiện nay. Nếu Hà Nội vẫn tỏ ra khiếp nhược đối với Bắc Kinh và không có bất cứ thái độ đồng tình nào đối với việc Nhật Bản sửa điều 9 hiến pháp, hay Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào tuần tra biển Đông, thì Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam cũng chỉ là sự tốn phí thời giờ.

Thứ hai là sau đại hội đảng XII vào tháng 1/2016, đảng CSVN có còn như hiện nay hay phải đối đầu với tình trạng phân hóa nội bộ cùng với những khó khăn về kinh tế tài chánh hiện nay ? Những khủng hoảng chính trị ở thượng tầng giữa hai khuynh hướng thân Trung Quốc và thân Hoa Kỳ đang ở giai đoạn trầm trọng. Nếu phe thân Trung Hoa thắng thế, chắc chắn sẽ bị những áp lực từ Trung Quốc để tách xa ảnh hưởng Hoa Kỳ chứ không giống như hiện nay. Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Obama sẽ phải duyệt lại chuyến viếng thăm để không tốn phí thời gian vô ích.

Nói tóm lại, tình hình Việt Nam trong vòng 6 tháng tới hay trong năm 2016 có nhiều ẩn số chính trị khó dự kiến, khi mà sự thỏa hiệp ở thượng tầng ngày một bế tắc vì nhóm nào cũng nắm trong tay quá nhiều cơ hội để làm giàu.

Thanh Thảo: Việc Tổng thống Obama không ghé thăm Việt Nam trong lúc ông Tập Cận Bình lại dành thì giờ thăm Việt Nam, liệu có đẩy Hà Nội tiếp tục rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh hay không ?

Lý Thái Hùng: Đã có một cựu quan chức của Hà Nội tuyên bố là trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, trong lúc nhiều dư luận nội bộ đảng chống đối chuyến sang Việt Nam của họ Tập, cho thấy là chính trong nội bộ đảng CSVN đang có vấn đề lớn về việc đón tiếp Tập Cận Bình.

Nói cách khác là hiện nay trong nội bộ CSVN chia làm ba khuynh hướng khác nhau trong việc đón ông Tập Cận Bình:

1/ Những người thân Trung Quốc coi việc Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam là sự củng cố mối quan hệ “răng môi” giữa hai nước và hai đảng.

2/ Những người có khuynh hướng thoát Trung đi gần với Hoa Kỳ coi việc Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam là sự bảo hộ cho phe thân Trung Quốc, gây bất lợi cho chiều hướng đi gần với Hoa Kỳ hiện nay của lãnh đạo CSVN.

3/ Những người theo khuynh hướng đứng giữa mang tính thủ lợi thì họ không có quan điểm rõ ràng. Đây là thành phần hiện chiếm số đông trong nội bộ vì não trạng “nô lệ” đã gặm nhắm quá lâu trong sự thần phục Bắc Kinh hàng chục năm qua.

Với tình hình nội bộ phức tạp như vậy, trong thực thế Hà Nội có muốn thoát khỏi quỹ đạo Bắc Kinh cũng rất khó vì lo sợ mất chỗ dựa an toàn sau quá nhiều năm lệ thuộc, trong khi chỗ dựa mới là Hoa Kỳ thì còn quá nhiều bấp bênh với nỗi ám ảnh “diễn biến hòa bình”.

Nói tóm lại, sự kiện Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam lần này không thay đổi gì về hình ảnh lệ thuộc Bắc Kinh của Hà Nội.

Thanh Thảo: Ông đánh giá ra sao về chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 11 tới đây tại Hà Nội?

Lý Thái Hùng: Trước khi ông Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam, Trung Quốc đã cử Bộ trưởng bộ an ninh quốc gia là Cảnh Huệ Xương, ủy viên trung ương đảng viếng thăm và làm việc với Bộ công an CSVN về nhu cầu hợp tác an ninh giữa hai phía.

Tuy là cuộc trao đổi bình thường giữa hai cấp bộ trưởng; nhưng vấn đề hợp tác an ninh được đặt ra vào lúc này, ngay trước chuyến đi của họ Tập, cho thấy Trung Quốc và Việt Nam đã coi vấn đề an ninh chính trị của hai chế độ là vấn đề sinh tử.

Vì thế qua chuyến viếng thăm Việt Nam, ngoài những thảo luận về hợp tác kinh tế, đầu tư, biển Đông v.v… một trong những vấn đề quan trọng sẽ được trao đổi đó là “an ninh chính trị”, tức là duy trì sự tồn tại của hai chế độ trong bối cảnh đang bị tấn công mọi mặt hiện nay.

Nói cách khác, Tập Cận Bình sẽ mang vấn đề “an ninh chế độ” để khuyến dụ CSVN – nếu muốn tồn tại – phải xa rời Mỹ, theo Trung Quốc, giữ ngọn cờ “xã hội chủ nghĩa”.

Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng. 

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...