23 November 2015

Khủng bố ở Paris: Bắt đầu cuộc xung đột giữa các nền văn minh?

 (TBKTSG) - Sau khi xảy ra cuộc tàn sát ở thủ đô Paris hôm thứ Sáu tuần trước làm hơn 150 người chết, và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm sau đó, nhiều người đã nghĩ ngay tới một cuộc “xung đột giữa các nền văn minh” như dự báo mà nhà kinh tế-chính trị học Samuel P. Huntington đưa ra trong bài báo nổi tiếng “The Clash of Civilizations” đăng trên tạp chí Foreign Affairs năm 1993. Nếu coi Paris là đại diện của văn minh phương Tây và IS là đại diện cho văn minh Hồi giáo ở hình thái cực đoan nhất thì vụ xung đột này báo trước một viễn cảnh u ám cho toàn thế giới.

Lý thuyết của S. Huntington

Trong bài báo gây nhiều tranh cãi của mình, Giáo sư S. Huntington cho rằng sau sự sụp đổ của Liên Xô thì Hồi giáo sẽ trở thành trở ngại lớn nhất đối với sự thống trị thế giới của phương Tây; cuộc chiến tranh lớn sẽ là chiến tranh với Hồi giáo.

Bài báo về sau được tác giả phát triển thành một cuốn sách với nhan đề “The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order” (Xung đột giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới), trong đó ông khẳng định xung đột sẽ xảy ra thường xuyên và dữ dội vì sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo hơn là ý thức hệ. Dựa vào sự khác biệt này, S. Huntington chia thế giới thành 7 hoặc 8 nền văn minh, gồm (1) phương Tây (Thiên Chúa giáo-Tin lành); (2) Mỹ Latinh; (3) Hồi giáo; (4) Hán (Trung Quốc); (5) Ấn (Ấn giáo); (6) Chính thống giáo (Nga); (7) Nhật và (8) Phi châu. Các nền văn minh này không tự giới hạn trong biên giới một quốc gia nào mà có thể có một vài quốc gia ở lõi trung tâm và nhiều quốc gia khác nằm trong vùng ảnh hưởng của nó; thậm chí trong một quốc gia cũng có thể có sự xung đột; chẳng hạn như ở Ukraine là xung đột giữa phần phía Tây theo Thiên chúa giáo, gần với văn minh châu Âu với phần phía Đông theo Chính thống giáo gần với văn minh Nga.

Luận đề của Samuel Huntington gây ra nhiều cuộc tranh cãi trong giới học thuật quốc tế. Các học giả châu Âu cáo buộc ông “hợp pháp hóa về mặt lý thuyết” cho cuộc xâm lăng của phương Tây do Mỹ dẫn đầu chống lại các nền văn hóa Hồi giáo. Nhiều người cho rằng ông đã quy nạp đơn giản mà không tính tới những mâu thuẫn, xung đột nội tại trong từng nền văn minh; những người khác phê phán ông đề cao quá đáng các yếu tố văn hóa và tôn giáo như là nguyên nhân cơ bản gây mâu thuẫn mà coi nhẹ vai trò của các yếu tố quan trọng hơn như kinh tế, bất bình đẳng về cơ hội và thu nhập…

Cho đến nay lý thuyết của S. Huntington vẫn tiếp tục được giới học thuật đối chiếu vào thực tiễn, hoặc để phản bác, hoặc để lý giải những biến cố quan trọng đang xảy ra.

Từ khủng bố đến thánh chiến

Lý thuyết của Huntington có thể sẽ ít gây chú ý nếu thế giới không trải qua những biến động dữ dội từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Mười năm sau bài báo của S. Huntington đã xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9 ở Mỹ - sự kiện lớn đầu tiên đánh dấu cuộc xung đột giữa tổ chức Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda và văn minh phương Tây mà Mỹ là đại diện. Phản ứng của Mỹ: phát động chiến tranh ở Afghanistan, Iraq dưới danh nghĩa “chống chủ nghĩa khủng bố” đã đẩy cả thế giới vào một thời kỳ mới, khác xa so với thế giới của thế kỷ 20 trở về trước. Từ đó đến nay, xung đột chẳng những không dịu xuống mà ngày càng lan rộng, lôi cuốn cả Bắc Phi và Trung Đông vào lò lửa chiến tranh và đặt một số thủ đô vào tình trạng bất an: khủng bố ở Madrid (Tây Ban Nha) tháng 3-2004, London (Anh) tháng 7-2005, Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 10-2015; Beirut (Liban) tháng 11-2015; Paris (Pháp) tháng 1 và tháng 11-2015. Ngay cả máy bay chở du khách Nga bay trên trời cũng bị đặt bom làm hơn 200 người thiệt mạng... Tất cả những vụ tấn công đều do các tay súng Hồi giáo thực hiện.

Nhưng Hồi giáo không phải là một khối đồng nhất mà có nhiều hệ phái; ngay trong hình thái cực đoan nhất là “thánh chiến” (jihadism) cũng có nhiều phe phái khác nhau, nhưng tất cả đều nảy sinh từ lò lửa chiến tranh Trung Đông, nơi người dân thường hàng ngày bị mất mạng dưới bom đạn của các cuộc chiến tranh, khốn khổ vì kinh tế-xã hội sụp đổ, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương xứ sở… Tuyệt vọng với cuộc sống trần gian, nhiều thanh niên Hồi giáo đã dễ dàng rơi vào ảnh hưởng của các tổ chức cực đoan, tham gia “thánh chiến” để chống lại phương Tây mà họ cho là cội nguồn sinh ra các nỗi đau khổ của họ. Từ trong khối bùng nhùng các tổ chức “thánh chiến” đã nảy ra Nhà nước Hồi giáo IS mà về nhiều phương diện có thể coi là một bước phát triển mới.

IS từ đâu đến?

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS (còn có tên gọi khác là ISIS - nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria - ISIL, Daesh) lúc đầu chỉ là một nhóm chiến binh Hồi giáo sát cánh cùng Al-Qaeda chống lại sự chiếm đóng của người Mỹ và chính quyền Baghdad trong cuộc nội chiến Iraq những năm 2004-2007. Tháng 10-2006, nhóm này liên kết với một số nhóm khác lập ra cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) chống lại nhà nước Iraq do Mỹ hậu thuẫn ở Baghdad. Khi nội chiến ở Syria nổ ra tháng 3-2011, ISI thâm nhập vào vùng Tây Bắc vô chính phủ của nước này, tiến hành chiến tranh chống chính quyền Damascus và các nhóm nổi loạn khác.

Tháng 4-2013, lãnh tụ của ISI là Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) trên cơ sở sáp nhập ISI với một số nhóm khác như Al-Qaeda, al-Nusra Front. Tuy nhiên sau tám tháng thương lượng bất thành về phân chia quyền lực, lãnh đạo của Al-Qaeda và al-Nusra quyết định rút khỏi liên minh và cắt đứt quan hệ với ISIS từ ngày 3-2-2014. Vào thời gian này, ISIS phát triển mạnh ở Syria và quay lại chiếm một vùng đất rộng lớn trong đó có thành phố Mosul lớn thứ hai ở Iraq cùng với nhiều giếng dầu và nhiều ngoại tệ trong các ngân hàng. Vào thời điểm tháng 3-2015, ISIS kiểm soát được một vùng lãnh thổ hai bên biên giới Iraq và Syria, rộng hơn lãnh thổ Vương quốc Anh, với dân số khoảng 10 triệu người, lập ra một Nhà nước Hồi giáo thực thụ.

Ngày 29-4-2014 tổ chức này tuyên bố xây dựng nhà nước Hồi giáo toàn cầu (caliphate), đổi tên thành ad-Dawlah al-Islāmiyah (IS) và giáo sĩ Abu Bakr al-Baghdadi được chọn làm Quốc vương Hồi giáo hay thủ lĩnh tối cao (caliph); “thủ đô” được đặt tại thành phố Raqqa (thuộc Syria). Sau khi tuyên bố thành lập caliphate, IS kêu gọi các nhóm vũ trang Hồi giáo khác khắp thế giới quy phục (allegiance), và “mạng lưới” của nó đến nay đã lan rộng khắp các châu lục, bao gồm cả nhóm Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines.

IS và nhà nước giáo quyền

Nhà nước Hồi giáo IS tổ chức và hoạt động theo luật Hồi giáo và những lời răn dạy của Đấng Tiên tri được ghi chép lại trong kinh Coran, được lãnh đạo bởi hội đồng giáo sĩ (shura), có quyền hành tuyệt đối về tôn giáo, chính trị và quân sự đối với mọi tín đồ Hồi giáo. Về mặt tư tưởng, IS theo phái Wahhabism/Salafism thuộc dòng Hồi giáo Sunni, chủ trương Hồi giáo “nguyên thủy”, bác bỏ mọi sự canh tân giáo lý Hồi giáo từ trước đến nay; đặc biệt đề cao bạo lực và tính không khoan dung. IS cho rằng không chỉ người “dị giáo” mà bất cứ người Hồi giáo nào không tán thành cách lý giải đạo Hồi của họ đều là những kẻ “phản đạo” cần phải bị tiêu diệt theo một điều luật gọi là takfir. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan nổi tiếng khác như Hezbollah ở Iran, Hamas ở Palestine… cũng bị liệt vào “danh sách đen” phải tiêu diệt của IS mà vụ đánh bom vào thành trì của Hezbollah ở Beirut một ngày trước vụ khủng bố Paris là một ví dụ.

Về mặt chính trị, IS chủ trương khôi phục hình thái nhà nước “giáo quyền” (caliphate) tồn tại ở vùng Lưỡng Hà thời Tiên tri Mohammed khoảng 1.500 năm về trước. Mô hình nhà nước caliphate này đối nghịch hoàn toàn với quan niệm nhà nước thế tục và cộng hòa hiện đại. Trong lãnh thổ caliphate, người dân được bảo đảm về an sinh xã hội, được cấp nhà ở và thực phẩm miễn phí, đổi lại họ phải tuân phục mọi mệnh lệnh của quốc vương và bộ máy giáo sĩ, phải siêng năng cầu nguyện, giữ thân thể và ý nghĩ sạch sẽ, không uống rượu và nước có cồn, không kinh doanh kiếm lợi, kẻ trộm cắp bị chặt tay, phụ nữ phải tuyệt đối tuân phục chồng, bắt vợ và con gái kẻ thù làm “nô lệ tình dục” được chấp nhận, đàn ông được có nhiều vợ nhưng ngoại tình là một tội nặng, những hình ảnh mô phỏng con người - tạo tác của Thượng đế - phải bị phá hủy… Tội lỗi nặng nhất ở caliphate là tội phản đạo và báng bổ, kẻ phạm tội bị xử tử bằng cách đóng đinh, chặt đầu hoặc hành quyết ở nơi công cộng…

Rất nhiều vụ giết người khủng khiếp xảy ra trong vùng lãnh thổ của IS - nạn nhân là người nước ngoài hoặc người Hồi giáo bị ghép tội phản đạo - được quay phim và đưa lên mạng trong thời gian gần đây chính là sự thực thi những giáo luật hết sức nghiêm khắc và tàn bạo của IS.

IS, Al-Qaeda và ứng phó

Khác với Al-Qaeda chỉ là một tổ chức bạo lực gồm nhiều nhóm chiến binh riêng lẻ trà trộn trong lòng các xã hội phương Tây và Ảrập, IS là một nhà nước, có lãnh thổ, có quân đội, có guồng máy giáo sĩ cai trị, điều hành mọi dịch vụ; có hệ tư tưởng riêng. Nếu như Al-Qaeda tấn công phương Tây để gây áp lực đòi Mỹ phải rút quân khỏi bán đảo Ảrập, ngừng hậu thuẫn Nhà nước Do Thái và các chính phủ “phản giáo” ở Trung Đông thì mục tiêu của IS cao xa hơn nhiều: chinh phục toàn thế giới, xóa bỏ các quốc gia để lập ra một vương quốc Hồi giáo toàn cầu duy nhất trên trái đất; thay thế các thể chế chính trị thế tục “đồi trụy” bằng caliphate, trong đó các quyền tự do căn bản như bầu cử, ứng cử, các định chế chính trị như đảng phái, nhà nước pháp quyền, liên hiệp quốc… bị xóa bỏ.

Tổ chức IS đã bị Liên hiệp quốc và nhiều nước liệt vào danh sách tổ chức khủng bố; hiện có gần 60 quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các chiến dịch chống lại IS. Đáng lưu ý rằng, hầu hết các quốc gia Hồi giáo và cộng đồng tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đều phản đối IS và quan điểm cực đoan về đạo Hồi mà IS đưa ra, tuy nhiên hầu như các nước chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn cản công dân của mình sang Syria “đầu quân” vào IS hoặc bí mật cung cấp tài chính cho tổ chức này.

Ở phương Tây, các học giả chưa có sự đồng thuận trong đánh giá về tổ chức IS và nguy cơ do nó đặt ra, một số học giả vẫn cho IS là một tổ chức khủng bố “phi nhà nước” như Al-Qaeda, Boko Haram hay Abu Sayyaf…; thậm chí cho rằng IS không liên can gì đến đạo Hồi và cộng đồng tín đồ Hồi giáo thế giới.

Đã đến lúc phương Tây phải thừa nhận IS là một hình thái tổ chức nhà nước có mục tiêu thay đổi trật tự thế giới. Nếu như có một mô hình gần giống với nhà nước Hồi giáo IS trong thế giới hiện đại thì có lẽ đó chỉ là nhà nước công xã “Angka” mà Khmer Đỏ lập ra ở Campuchia những năm 1975-1979.

Với một “nhà nước khủng bố” như IS phải có cách đối phó khác. S. Huntington cho rằng, để thấu hiểu xung đột hiện tại và tương lai, cần phải thấu hiểu sự khác biệt về văn hóa. Các quốc gia phương Tây sẽ đánh mất sự thống trị hiện có nếu không thừa nhận bản chất không thể thỏa hiệp của các mâu thuẫn văn hóa. Ông cho rằng, sự chuyển dịch cơ cấu tổ chức địa chính trị đòi hỏi phương Tây phải tự củng cố về văn hóa, từ bỏ việc áp đặt lên các nền văn minh khác các nguyên tắc dân chủ phổ quát của mình, từ bỏ sự can thiệp không ngừng nghỉ bằng sức mạnh quân sự.

Chính phủ Pháp đã phản ứng tức thì với vụ khủng bố Paris bằng cách điều tàu sân bay Charles de Gaulle tới vùng Vịnh Ba Tư, tiến hành không kích hàng chục cứ điểm của IS sâu trong lãnh thổ của caliphate. Cách ứng xử này có phần giống với hành động tấn công Afghanistan mà Mỹ tiến hành sau biến cố 11-9. Có thể đây là phản ứng cần thiết nhưng chắc không phải là giải pháp bền vững trong cuộc chiến chống IS. Để đối phó với những kẻ khủng bố “nhà nước” không chỉ được trang bị súng AK-47 và chất nổ C4 mà có cả mưu toan khôi phục hình thái nhà nước giáo quyền cổ xưa thì có khi bom đạn, tàu sân bay chưa phải là vũ khí hữu hiệu mà lại có thể phản tác dụng. Báo The Economist cảnh báo: “Sợ rằng khi tổ chức này bị sức ép gia tăng ở địa bàn của nó, nó sẽ tung ra nhiều cuộc tấn công thường xuyên hơn ở hải ngoại, chọn những mục tiêu “mềm” ở các thành phố phương Tây để lôi kéo sự chú ý”.

(Nguồn: Thời Báo KTSG Online)

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...