29 November 2015

Nắng Thu, tranh A.C.La


NẮNG THU
Oil on canvas
18x24 inch (47x61 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

**
HỌA SĨ VÀ ĐÔI MẮT

Không giống nhạc sĩ, họa sĩ tuyệt đối cần áng sáng, cần đôi mắt. Nhưng không phải họa sĩ nào cũng luôn luôn có mắt toàn hảo nhất là khi về già. Chúng ta biết hai họa sĩ nổi tiếng người Pháp là Claude Monet và Edgar  Degas ở trong trường hợp kém may mắn này. Khi lớn tuổi Monet bị đục nhãn thể nặng (Cataract) và Degas thì suy võng mạc (Retinal desease). Tuy nhiên ngay cả khi nhãn lực đã bị giới hạn hai họa sĩ này vẫn tiếp tục vẽ. Thế nhưng những gì Monet và Degas thấy được khi nhìn tranh của họ có hệt những gì chúng ta thấy không? 

Chắc hẳn là không. Chính vì vậy mà Bác sĩ Michael Marmor có lần muốn thử xem cảnh vật sẽ ra sao nếu nhìn qua đôi mắt của hai họa sĩ này. Sau khi viết hai quyển sách nói về họa sĩ và đôi mắt bị tật bệnh, bác sĩ giáo sư tại trường chuyên khoa mắt này tiến tới việc tạo ra những hình ảnh diễn tả họa sĩ với đôi mắt tật bệnh nhìn cảnh giới và tranh của họ ra sao. Kết hợp kỹ thưật máy vi tính và kiến thừc y học của mình, Marmor tạo ra những hình ảnh của vài tác phẩm của Claude Monet và Edgar Degas.

Kết quả gây ngạc nhiên.

Những bức tranh sau này của Degas như "Người phụ nữ đang tắm" bị mờ, rất khó nhận ra những nét cọ.  

Hai bức tranh "Ao Hoa Súng" và "Cây Cầu Nhật Bản ở Giverny" của Monet khi được máy vi tính điều chỉnh cho giống với những gì họa sĩ nhìn thấy với mắt bị đục người ta thấy màu đậm hơn và nhòe. Màu rực rỡ của chữ ký trên bức tranh không còn rực rỡ và nhỏe đi.

Bức tranh "Hong Tóc" do
Edgar khi mắt bị
bệnh võng mạc vẽ ra

Phía dưới là phiên bản
do computer vẽ ra cho
thấy họa sĩ nhìn bức tranh
ra sao.

Bs Marmor nói rằng sự kiện này dẫn đến một câu hỏi là: Trong những tác phẩm cuối đời, các họa sĩ này có thực sự muốn tạo ra những hiệu ứng nghệ thuật như người khác thấy hay không?  Rồi ông trả lời: Thật sự các họa sĩ này không hoàn toàn vẽ để tạo hiệu ứng nghệ thuật như vậy. Tuy nhiên Degas và Monet đồng thời là hai người sáng lập phái ấn tượng và lối vẽ của họ đã vững chắc rất lâu trước khi mắc tật bệnh về mắt.


MẮT BỊ CATARACT

Cái gì xài hoài rồi cũng bị hư hao. Mắt một người xài 60, 70 năm tất bị mờ, y như hai chiếc đèn xe hơi sau năm, mười năm: Kính hết trong, ánh sáng chiếu ra vàng ệch. Đôi mắt tuổi già cũng thế: mờ đục, ra nắng dễ bị lóa, khó chịu. Nguyên do là vì lăng kính không trong như khi còn trẻ nên ánh sáng từ bên ngoài đi vào bị phân tán chứ không gọn. Trường hợp mắt bị lão hóa mờ đục gọi là Cataract.

Thời gian gần đây, buổi sáng vào những ngày nắng chói chang, nhất là ngày với ánh sáng phân tán (Diffuse light) (*) nếu muốn nhìn màu không bị lóa tôi cần đeo kính mát. Thế cho nên tôi cần đi chữa một lần cho xong.

Sau một năm chờ đợi rút cuộc tôi cũng đã vào nhà thương để thay lăng kính. Lăng kính trời ban cho từ khi lọt lòng mẹ đã bị lão hóa, mờ đục, mắt phải nặng hơn mắt trái. Bây giờ cần lấy nó ra và thay vào bằng một lăng kính nhân tạo để mắt nhìn trong hơn bớt hay không bị lóa khi tiếp xức với ánh sáng ngày nắng.

Mắt phải tệ hơn nên được giải phẫu trước cách nay đúng 12 ngày. Thời gian nhỏ thuốc hậu giải phẫu cũng vừa chấm dứt. Mấy hôm nay tôi thường bịt mắt này và nhìn mắt kia, thay đổi như vậy để so sánh:

- Mắt trái chưa giải phẫu thoạt nhìn bị lóa sau đó từ từ mới nhìn rõ. Toàn thể cảnh vật như có phủ một lớp sương nhẹ ngả sắc vàng.

- Mắt phải vừa giải phẫu, ngược lại, nhìn không bị lóa. Rất dễ nhận ra rằng cảnh vật rất trong giống như vừa được tắm gội sau cơn mưa lớn. Nhờ lăng kính mới trong suốt, độ cận viễn thị cũng được cải thiện phần nào(**). Tất nhiên mọi mầu nhìn đều đậm đà hơn (Higher Intensity), nhưng riêng gia đình màu LAM (Blue) nhìn thấy rõ ràng hơn nhiều - Tôi nghĩ vì màn đục lăng kính cũ có ngả màu vàng nên màu blue bị biến dạng nhiều nhất nên nay được giải thoát nhiều nhất.


Tôi phải làm cái công việc so sánh mắt phải và mắt trái, lăng kính cũ và mới để thấy sự khác biệt, vì giữa tháng 12 này mắt trái cũng sẽ được giải phẫu nốt. Và khi hai mắt đều dùng lăng kính mới thì không còn dịp so sánh, không thể phân biệt được cũ mới khác nhau ra sao.

Vào thời Monet và Edgas ngành nhãn khoa chưa tiến đến mức thay thế được lăng kính bị đục. Thế hệ chúng ta hôm nay may mắn hơn họ.

Bức tranh NẮNG THU trên đây tôi vẽ trước khi giải phẫu và hoàn tất nó sau khi mắt phải đã loại sương mù.

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
Cuối thu 2015 
_____________________________________________________________________________ 




Bức tranh
"Cây Cầu Nhật Bản ở Giverny"
của Monet



Cũng bức tranh ấy
máy vi tính giả bộ
nhìn như Monet nhìn
khi mắt bị cataract nặng.




_____________________________________________________________________________

Ghi chú:

(*) Diffuse light:  Diffuse light khiến mắt ta khó chịu nhất là những người bị cataract. Trời nắng khi bầu trời trong chúng ta có ánh sáng trực tiếp (Direct light). Nhưng khi trời nắng có mây che phủ (Overcast) chúng ta có ánh sáng phân tán (Diffuse light). Khi màn mây càng mỏng càng ở trên cao lại càng gây khó chịu nhất là những người con người bị mờ đục.

Hình bên cạnh: Bầu trời với ánh sáng phân tán khiến những con mắt bị cataract xốn xang.

Vật thể chỉ hiện ra khi nhận ánh sáng trực tiếp (Hình bên trái). Ánh sáng càng phân tán vật thể càng mất chiều sâu (Hình bên phải). 

(**): Mắt nhìn trong, nhưng có thể vẫn cần đeo kính nếu lồng cầu bị méo (Astigmatism). Người ta có thể thay với lăng kính mới có điều chỉnh cả độ méo, nhưng hiện nay kỹ thuật chưa bảo đảm, hàm chứa nhiều rủi ro. Mà nếu rủi ro xẩy ra sẽ rất phiền phức. Tốt hơn nên chọn đeo kính vì kính đeo nếu cần dễ đổi hơn.

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...