12 June 2015

Trung Quốc tận thu san hô, rong biển (VN)

Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, cả một vùng san hô và rong biển kéo dài hàng trăm ngàn hecta dọc theo bờ biển Việt Nam đã bị khai thác đến mức gần như không còn gì. Đặc biệt, vùng bờ biển miền Trung kéo dài từ Nghệ An, Thanh Hóa cho đến Phú Yên, Khánh Hòa và những eo biển của Ninh Thuận, Bình Thuận đều bị tận khai thác san hô, rong biển, các bãi tài nguyên ở đây cạn kiệt, trơ gốc. Đến giờ phút này, có thể nói rằng một số người Việt Nam đã tiếp tay cho các nhà buôn Trung Quốc để tàn phá thiên nhiên Việt Nam.

Rừng trong lòng biển đã chết

Ông Thuận, một huấn luyện viên môn bơi lặn, đồng thời cũng là chuyên viên cứu hộ trên biển, ở Cà Ná, Ninh Thuận, chia sẻ: “San hô đó, giờ cũng hiếm lắm. Bây giờ nó đâu có sống nổi đâu. Nó khai thác dữ quá, rong biển cũng vậy, tự nhiên bị phá sạch hết rồi, giờ người ta mới nuôi rong biển theo kiểu công nghiệp trong các trại… Nói chung là bây giờ khó lắm, bị phá dữ quá!”.

Theo ông Thuận, nếu nói về san hô và rong biển tại Việt Nam hiện tại, chỉ có thể nói đúng hai chữ, đó là “hết rồi”. Sở dĩ mọi thứ đến mức thê thảm như vậy bởi suốt gần mười năm nay, đặc biệt là trong ba năm gần đây nhất, giống như ba năm cao điểm, lượng san hô và rong biển của Cà Ná hầu như không còn gì bởi mỗi ngày, người ta khai thác hàng chục tấn rong biển và san hô. Cứ nhân con số mỗi ngày với 365 ngày, sau đó nhân cho ba năm thì sẽ ra con số rất khủng khiếp, không có cây san hô hay rong biển nào mọc kịp để mà khai thác.

Trong khi đó, san hô và rong biển thường phát triển rất chậm, không giống như cây mứt biển chỉ mọc theo mùa trên các tảng đá nổi lưng chừng mặt nước. Rong biển và san hô thường bám gốc vào lớp đá dưới đáy biển có độ sâu từ 1,2 mét cho đến 10 mét. Thậm chí có nhiều loại rong biển và san hô mọc ở độ sâu vài chục mét. Và để có được một cây rong biển với chiều dài 2 mét, biển phải tốn đến ba năm nuôi dưỡng nó.

Trong khi đó, khi khai thác rong biển, người ta chỉ cần tìm những cây rong xanh tốt, non mởn để cắt, đến khi không còn loại rong non mởn, người ta mới chịu chuyển sang cắt những cây rong già tuổi hơn. Và cách khai thác rong biển giống như cắt cỏ ngoài đồng, cứ nhắm ngang mặt môn mà cắt. Sau đó về phân loại trước khi phơi, loại non mởn dành riêng ở sân phơi sạch hơn bởi chúng có giá thành cao hơn.

San hô bày bán bên quốc lộ 1A,
Cà Ná, Ninh Thuận.
RFA PHOTO.

Và cũng chính vì rong non được thu mua giá cao, người ta không ngần ngại phá các cụm rong già để chúng cho ra đọt non mà khai khác. Nhưng rất tiếc, cây rong nếu như liên tục cắt ngang mặt môn trong vòng hai chu kì sinh trưởng, tự bản thân nó sẽ chết khô trong lòng nước. Và chính vì mức giá khá hấp dẫn, có khi lến đến vài trăm ngàn đồng mỗi ký lô bởi các thương gia Trung Quốc đã đẻ ra hàng loạt đầu nậu người Việt Nam, đây mới đích thị là kẻ phá hoại tài nguyên quốc gia.

Bởi theo ông Thuận, nếu không có những đầu nậu, cò con người Việt thì có ăn gan trời người Trung Quốc cũng không dám đến hoành hành trên đất Việt Nam như vậy. Đằng này, họ đánh vào tính tham của một số người Việt, chỉ cần tung ra một ít tiền để mua chuộc nhóm người này, sau đó, nhóm người này sẽ tự nghĩ cách làm sao thu về cho người Trung Quốc những thứ họ cần càng nhiều càng tốt.

Và cũng vì đám người ham tiền này mà các rừng san hô, rừng rong biển khắp duyên hải Việt Nam, đặc biệt là bờ biển miền Trung và miền Nam đã bị tàn phá nặng nề. Như vùng biển Cà Ná, Ninh Thuận, nơi ông Thuận đang sống hiện tại, số lượng san hô và rong biển chỉ còn ước chừng chưa đầy 3% so với cách đây 10 năm. Và điều này sẽ để lại hậu quả hết sức khủng khiếp về tài nguyên biển. Nhất là trong tình hình căng thẳng biển Đông hiện tại.

Hậu quả môi sinh

Bà Kim Thoa, một kĩ sư môi trường, đang sống ở Cà Ná, Ninh Thuận, chia sẻ:“Nó tính theo cái, ví dụ như cái lớn nhứt cũng 120 ngàn đồng, cái nhỏ nhứt 30 ngàn à, sao biển cũng bị khai thác. Hồi xưa dễ lắm, bây giờ cũng khó lắm, chỉ có rong biển loại giống như râu bắp thì còn chứ loại lớn thì hết rồi. Ngày xưa người ta bắt cả rùa biển, rắn bông biển và nhiều thứ khác nữa kia. Bây giờ thì cấm rồi. Mà cũng hết rồi”.

Theo bà, số lượng san hô và rong biển hiện tại, nếu tính chính xác, sẽ còn chừng 3,5% so với trước đây mười năm. Và một khi số lượng san hô và rong biển bị mất đi khủng khiếp như vậy, trước sau gì các làng chài ở đây cũng sẽ chuyển sang đánh bắt xa bờ hoặc bỏ nghề bởi lượng tôm cá đang ngày càng khô cạn.

Bởi lẽ, những loại cá ở gần bờ chỉ dựa vào các cánh rừng dưới lòng biển và các hốc đá để tồn tại, sinh đẻ, thường thì đến mùa đẻ trứng, cá sẽ tìm đến các cụm rong biển, nấp trong đó để đẻ. Sau này, cá con nở ra cũng dựa vào các cụm rong để sống, có thể nói rằng rong biển và san hô là chiếc nôi của các loại cá, tôm sống gần bờ.

Nhưng hiện tại, các cánh rừng rong biển, san hô đã chết, trơ trọi, cá tôm sẽ tự tìm đến nơi khác an toàn hơn để sinh sôi, nảy nở. Chính vì vậy mà ba năm trở lại đây, lượng cá đánh bắt được ở Cà Ná rất thấp. Nếu như trước đây, Cà Ná là một trong ba ngư trường lớn nhất của Việt Nam thì hiện tại, Cà Ná chỉ còn là vùng sản xuất muối lớn nhất Việt Nam, riêng về phần hải sản như tôm, cá, số lượng đã giảm hẳn và người ta không dám gọi Cà Ná là ngư trường lớn nữa.

Đó là chưa nói đến chất lượng cá tôm ở Cà Ná đang ngày một kém đi. Trong khi đó, các khu nghỉ mát của người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc xuất hiện ở đây khá nhiều. Các công ty hải sản ở đây cũng có bàn tay Trung Quốc nhúng vào đầu tư hoặc đứng đằng sau, bỏ vốn cho các đầu nậu Việt Nam đứng tên.

Nhưng đáng sợ nhất vẫn là chuyện một số người Việt Nam đã làm giàu bằng cách làm tay sai cho thương gia Trung Quốc, họ bất chấp mọi thứ, kể cả lừa lọc các ngư dân bỏ thuyền để đi khai thác rong biển, san hô cho họ. Và họ đã đạt được mục đích là phá hỏng môi trường biển ở đây. Với đà này, chẳng bao lâu nữa, biển Việt Nam sẽ thành biển chết. Vì dù nói theo cách gì, một khi biển bị mất đi những cánh rừng san hô và rong biển, tôm cá bỏ đi, cho dù bờ biển có đẹp cách gì đi nữa thì biển đó vẫn không còn sự sống.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
(Nguồn: RFA, via Blog Sầu Đông)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...