Nhân dịp ngày Lễ Cha sắp tới, kính gởi lại quý anh chị và các bạn một bài thơ cũ nói về tấm lòng của một người cha được viết cách đây đã gần 13 năm của thi sĩ Trần Văn Lương.**
Dẫn nhập: Cách đây ít tuần (10/2002), tôi được đi dự một tiệc cưới khá đặc biệt. Phía cô dâu có bà mẹ và người cha kế. Người cha ruột ngồi cách tôi không xa, trong khu dành cho khách của nhà gái. Ông ngồi đó, giữa vài người bạn cùng tuổi, như một người khách thường. Bà vợ cũ cùng với ba người con gái, trong đó có cô dâu, không hề đến chào hỏi hay nhìn đến ông một lần. Ông ngồi quay lưng lại sân khấu, mắt nhìn xuống mặt bàn, dáng khắc khổ chịu đựng. Khi giới thiệu tên của bố mẹ cô dâu, thì vị MC đọc tên ông, nhưng bước lên sân khấu lại là người chồng kế của bà vợ. Nhìn nét mặt đen sạm im lìm như khắc vào đá của người cha ruột cô dâu, tôi không biết ông đang nghĩ gì. Tiệc nửa chừng gần đến mục đi chào bàn thì ông đứng lên lẳng lặng ra về, chưa hề nhúng đũa vào thức ăn và cũng không chào hỏi bất kỳ ai. Ba đứa con và người vợ cũ hình như cũng không biết ông ra đi lúc nào. Suốt bữa tiệc tôi cảm thấy thật là bùi ngùi, và các món ăn cũng mất đi nhiều mùi vị. Bài "Lòng Cha" được viết dựa trên tiệc cưới này (Cali 10/2002).
Lòng Cha
(Xin được kính tặng ông Trần Văn T., một người tôi
hoàn toàn không quen biết mà lần đầu tiên,
và có lẽ cũng là cuối cùng, tôi có cơ duyên thấy mặt
trong bữa tiệc đám cưới người con gái út của ông)
Con yêu dấu, lòng Ba mừng khấp khởi,
Được nhìn con trong áo mới cô dâu,
Dẫu biết rằng sẽ chua xót buồn đau,
Gặp lại Mẹ bên kia cầu duyên nợ.
Ba bùi ngùi tiếc nhớ,
Nhớ quê nhà, nhớ thuở bên nhau,
Nhớ lời nguyền dù đời lắm bể dâu,
Ba Mẹ sẽ bạc đầu về chung lối.
Nhưng vận nước xoay chiều trong sớm tối,
Đời tang thương khi con mới đầy năm.
Quê hương chìm vào địa ngục tối tăm,
Ba quằn quại ôm hờn căm uất hận.
Sa cơ thất trận,
Long đong số phận lao tù,
Xác tả tơi dưới nanh vuốt kẻ thù,
Tình máu mủ đành thiên thu vĩnh biệt.
Thân xích xiềng oan nghiệt,
Vợ con nào biết về đâu.
Đêm đêm thao thức nguyện cầu,
Nỗi thống khổ dầy sâu hơn bóng tối.
Giữa ngày tháng gông cùm tù tội,
Ba được Nội cho tin,
Cả nhà đã sớm vượt biên,
Đang sống sót bình yên trên đất lạ.
Ba từ đó luôn nhìn trời cảm tạ,
Dù âm thầm nghe trong dạ đắng cay,
Khi Nội lại cho hay,
Mẹ đã gặp được bờ vai nương tựa.
Ba không trách Mẹ phải đi bước nữa,
Tay con thơ, bơ vơ giữa xứ người,
Cánh vạc gầy lạc giông gió biển khơi,
Thân trơ trọi chốn chợ đời vạn ngả.
Ba cảm kích người đàn ông xa lạ,
Không quản nài vất vả, đã nuôi con,
Đã chăm lo Mẹ, chị được vuông tròn,
Thay cho kẻ mỏi mòn nơi vạn dặm.
Ngày qua như tên bắn,
Ba cuối cùng may mắn sang đây,
Phím đàn cũ khác dây,
Gập ghềnh nẻo đọa đày đơn độc.
Ba chấp nhận mình là người ngoại cuộc,
Đứng từ xa nhìn quyến thuộc ngày xưa,
Những đứa con khi chia cách còn thơ,
Theo năm tháng bây giờ đà khôn lớn.
Rồi lẳng lặng một mình ôm đau đớn,
Không đành lòng khuấy gợn sự bình yên,
Của đàn con nay chắc cũng đã quên,
Người cha ruột sống bên lề hiu quạnh.
Ba chỉ oán số phần mình bất hạnh,
Để con thơ sớm chịu cảnh chia phôi,
Tuy còn cha, nào khác trẻ mồ côi.
Con yêu dấu, Ba suốt đời tạ lỗi.
**
Làn phấn nhạt dịu dàng che dấu tuổi,
Ánh lụa hồng ve vuốt chuỗi trân châu,
Người mẹ cùng chồng kế với cô dâu,
Cười rạng rỡ đón từng câu chúc tụng.
Xập xè loan phụng,
Giọt u buồn rơi rụng trên khăn,
Trong đáy mắt nhọc nhằn,
Ẩn hiện nét băn khoăn sầu tủi.
Người cha ruột, mặt sạm màu gió núi,
Tiệc nửa chừng vội lủi thủi ra đi.
Nhạc vô tình gõ nhịp bước phân ly,
Mảnh khăn ố vỗ về lưng ghế trống.
Trần Văn Lương
Cali 10/2002
No comments:
Post a Comment