06 June 2015

Nhân mùa Phật đản 2560, nghĩ về con đường giải thoát chúng sinh của Đức Phật

Trong mấy tuần qua, các chùa chiền nhiều nơi có đông người Việt ở Hoa Kỳ nói riêng và trên tòan thế giới nói chung, các thượng tọa, đại đức, tăng ni, thiện nam tín nữ đồng hương đã cử hành long trọng nghi lễ mừng mùa Đản sinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Gọi là Mùa Lễ Phật Đản mà không gọi là Ngày Lễ Phật Đản, là vì không có một ngày lễ Phật Đản nhất định chung trên tòan thế giới như ngày Lễ Giáng sinh của Thiên Chúa giáo hay một số tôn giáo khác, mà tùy theo giáo hội địa phương, sẽ chọn ngày giờ thích hợp để mừng Đản sinh Đức Phật, nên có nhiều ngày lễ khác nhau được tổ chức vào hạ tuần tháng 5 và thường kéo dài đến đầu tháng 6 dương lịch.

Trong Mùa Phật Đản, ngoài các nghi lễ tôn giáo và các sinh hoạt Phật sự đặc biệt, còn là dịp nhắc nhở các Phật tử trong việc tu tập, trau dồi Phật pháp, và thực hành giáo lý nhập thế của Ngài trong đời sống nhân sinh. Một giáo lý hình thành từ chính kinh nghiệm tự giác ngộ, tự tu tập của Đức Phật, vốn xuất thân là một thái tử của một tiểu vương quốc Ấn Độ cách nay 2560 năm. Nghĩa là trước khi tìm ra được phương cách tự giải thoát khỏi kiếp luân hồi để thành Phật, tìm ra được con đường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, Ngài không phải xuất thân là một thần linh như giáo chủ một số tôn giác khác, mà là một con người bằng xương bằng thịt, với tất cả tính chất, hệ lụy trong thân phận con người.

Vì vậy, khác với nhiều tôn giáo khác, con người muốn thoát khỏi bể khổ trần gian, phải tự giác, tự hành, tự giải thoát bằng việc tu nhân tích đức, chủ động chứ không thụ động dựa vào sức mạnh siêu nhiên hay cầu cứu thần linh kể cả Đức Phật. Vì Đức Phật không phải là thần thánh, trước khi thành Phật cũng chỉ là con người, nhưng là một con người phi thường vì đã dám từ bỏ cuộc sống trong cung vàng điện ngọc của một thái tử và quyền uy tương lai của một vì vua kế nghiệp vua cha, ra đi tìm đạo và Ngài đã đắc đạo, tìm ra được những quy luật nhân sinh, giúp con người thoát kiếp luân hồi để đến chốn Niết Bàn cực lạc. Bất cứ ai tin, sống, hành động theo đúng các quy luật phát kiến của Ngài đều sẽ đạt được cùng đích thoát khỏi kiếp sống nơi trần gian khổ ải, thành Phật trong cõi Niết Bàn cực lạc sau cái chết.

Một cách khái quát, theo giáo lý Nhà Phật, trong thân phận con người, mọi người đều phải sống trong bể khổ trần gian, với nguồn gốc của khổ lụy là vì bị trói buộc trong tam căn (Tham, Sân, Si) và thất dục (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục), và mãi quẩn quanh trong kiếp luân hồi. Muốn thoát bể khổ trần gian con người phải tu nhân tích đức, làm lành tránh dữ, để tạo công quả như năng lượng thừa đủ của một lực ly tâm tách con người ra khỏi kiếp luân hồi đến nơi cực lạc Niết Bàn hay Cõi Phật.

Tựu chung, đó là những chủ đề thuyết pháp, trọng tâm sinh họat Phật sự của các hòa thượng, đại dức, tăng ni, và suy niệm của Phật tử trong mùa Đại Lễ Phật Đản hàng năm.
Lễ Phật đản tại Hàn Quốc.Lễ Phật đản tại Hàn Quốc.

Trải qua 2560 năm qua, con đường tu đạo tự giác, tự hành của Đức Phật đã giải thoát được hàng tỷ con người qua nhiều thế hệ và thời đại.

Như vậy, chúng ta thấy đã có sự gặp nhau ở cùng đích cuộc sống con người của các tôn giáo có chung niềm tin về một thế giới cực lạc sau cái chết, một thế giới siêu hình như Thiên đàng lạc của Thiên Chúa giáo, Hồi giáo. Và những tôn giáo có chung niềm tin này, thường cũng có chung một cái nhân đưa đến quả theo tuyết nhân quả của nhà Phật, là nếu cuộc sống ở trần gian đã làm được nhiều điều thiện, thì cái quả sau cùng của cái chết sẽ là thế giới cực lạc.

Xem thế Phật giáo nói riêng, tôn giáo nói chung, bàn chất không mang tính chất mê hoặc như người cộng sản từng kết án làm lý cớ đàn áp tiêu diệt, mà tôn giáo đã thực sự góp phần vào nền đạo đức xã hội. Vì rằng, một xã hội có tôn giáo, có thần linh mà tội ác còn gia tăng, thì một xã hội vô tôn giáo, phi thần linh, tội ác chắc chắn phải gia tăng nhiều hơn nữa.

Đó là thực trạng xã hội Việt Nam ngày nay, sau nhiều năm chủ trương bách hại để tiêu diệt mọi tôn giáo nhằm thực hiện chế độ xã hội chủ nghĩa vô thần bị thất bại, đã tạo ra một xã hội hổ lốn, mất căn bản đạo đức xã hội.Vì đảng CSVN đã phá nát các chuẩn mực đạo đức của mọi tôn giáo và luân thường đạo lý truyền thống văn hóa xã hội tốt đẹp bao đời của Việt Nam. Trong khi đảng CSVN lại không hình thành được cái gọi là nền đạo đức văn hóa cộng sản chủ nghĩa, với những con người mới trong xã hội mới xã hội “xã hội chủ nghĩa”,vốn được tuyên truyền là một xã hội ngàn lần tốt đẹp hơn xã hội cũ. Hệ quả là, tại Việt Nam quê mẹ của chúng ta hiện nay, không chỉ tội ác gia tăng số lượng, tính chất tàn bạo ở mức độ đáng quan ngại; không chỉ suy đồi về mặt đạo đức, mà còn suy đồi nhiều mặt khác trong đời sống và xã hội, khiến chúng ta không khỏi lo ngại cho tiền đồ dân tộc và đất nước, nếu chế độ vô thần, độc tài toàn trị cộng sản còn tiếp tục tồn tại trên đất nước ta, dù giờ đây cái gọi là “chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chỉ là cái vỏ. Thực tế cũng như thực chất, chế độ này từ lâu đã biến thể thành một “chế độ đỏ vỏ (cộng sản chủ nghĩa) xanh lòng (tư bản chủ nghĩa)”.

Ước gì Mùa Phật Đản năm nay ánh đạo vàng của Đức Từ Phụ Thích Ca mâu Ni Phật sẽ soi rọi vào tâm thức của những người lãnh đạo đương quyền tại Việt Nam, để họ sám hối, tự giác, tự nguyên từ bỏ tham, sân, si, hỉ, nộ, ai, lạc ái, ố, dục, tự hành theo ước nguyên dân chủ hóa đất nước của nhân dân để tự giải thoát cho chính Đảng CSVN và cho những người đang bị chế độ cầm tù và 90 triệu con người Việt Nam đang sống trong chế độ độc tài toàn trị.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thiện Ý
Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston.
_____________________
(Nguồn: VOA tiếng Việt)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...