13 June 2014

Vài cảm nghĩ khi đọc Khởi Thảo Kinh Thi Việt Nam

của Nguyễn Xuân Khoan & Nguyễn Xuân Hương


                                           Bác sĩ Trần Xuân Dũng

Năm 2005, nhà Xuất bản Lạc Việt - Úc Châu xuất bản cuốn Khởi Thảo Kinh Thư Việt Nam, do Giáo sư Nguyễn Xuân Khoan biên soạn.

Đây là một hiện tượng khác thường.

Lạ ở chỗ là ở đầu thế kỷ 21, mà còn có người bỏ tâm huyết  và thời gian ra để phát hiện các giá trị triết học uyên thâm ẩn tàng trong các cổ tích Việt, khai phá văn hoá tư tưởng cội nguồn Việt Nam.
Độc giả không ít. Phần lớn là những người trung niên trở lên, tỵ nạn cộng sản và đang sống ở nhiều nước tự do trên thế giới. Họ ngưỡng mộ  tấm lòng của tác giả, kính phục công trình của người nghiên cứu, mà nhờ đó họ đã tự hào  về văn hoá tư tưởng đích thực Việt Nam. Rất nhiều người đã phải tự nhận rằng, mặc dầu họ đã đọc hay học, hay thuộc cả những truyện cổ tích  được nêu lên, nhưng họ lại chưa từng  nghĩ tới những triết lý sâu xa trong đó.

Đối với người đọc, cuốn sách thật  đủ. Nhưng đối với tác giả, việc chưa hoàn tất. Với bản tánh khiêm ngường, tác giả chỉ bắt đầu tên cuốn sách bằng hai chữ Khởi thảo. Hai chữ thôi, nhưng nói lên cả một hoài bão: Khảo cứu không ngừng. Cũng chính vì thế mà 9 năm sau, vào năm nay là 2014, cuốn sách Khởi Thảo Kinh Thi Việt Nam đã được xuất bản, với hai tác giả Nguyễn Xuân Khoan và Nguyễn Xuân Hương.

Giáo sư Nguyễn Xuân Khoan tốt nghiệp Đại học Sư Phạm và Cử Nhân Văn Khoa  - Sài Gòn. Ông là Giáo sư Trung học Lương Văn Can - Sài Gòn và đã có thời là Hiệu trưởng trường Trung học Đức Hoà, Hậu Nghiã.

Năm 1971 ông là thành viên nhóm Nghiên Cứu Quốc Văn - Sài Gòn. Ông tham gia soạn thảo Chương trình Quốc Văn lớp 12 đầu tiên của Bộ Giáo Dục Việt Nam  Cộng Hoà.

Nguyễn Xuân Hương sinh ngày 4.3.1953 tại Hà nội. Bà cũng là một nhà giáo và hiện đang là Giám đốc Nhà Xuất bản Lạc Việt và là Chủ nhiệm Tuần Báo Tivi Victoria, Úc châu, từ năm 1990 cho đến nay 2014.

Trong lời tựa của tác giả ở đầu sách, chúng ta hãy đọc:

"...Gần 5000 năm trước, Việt Nam từ thời lập quốc hai vị khai quốc là Âu Cơ và Lạc Long Quân đã mạc khải được một hệ thống tư tưởng siêu việt, truyền dạy lại cho nhân quyền xã hội, qua những cổ tích ca dao.

"Chỉ cần kết hợp những câu chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ chính thống của Việt Nam rồi hệ thống hoá, cũng có thể hình thành được một nền triết học uẩn áo, cao thâm: Về  Siêu hình học, về Đạo đức học, về Tâm lý học...


"Tất cả nền triết học uẩn áo trên, được truyền dạy từ mẹ Âu Cơ nên mang đặc tính nữ dịu hiền, có tình có lý, khác hẳn với các giáo điều tôn giáo trên thế giới do nam nhân truyền dạy, mang tính giáo điều có lý mà ít có tình.

"Về Hình Thức truyền bá, Người Việt dùng lối thơ lục bát, điệu chẵn uyển chuyển dịu dàng đầy nữ tính, khác hẳn với các thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn, điệu lẻ cứng rắn đầy nam tính. Những điệu ru lục bát êm ả theo tiếng võng đong đưa trong nhà, những điệu hát lục bát bay bổng trong gió đồng cỏ nội, những điệu hò điệu lý lục bát nhịp nhàng trong công việc hoặc lễ hội còn được luyến láy một cách nghệ thuật rất truyền cảm, khiến ý nghiã các câu lục bát được truyền tải ăm ắp trong cả không gian và thời gian, đi vào tâm thức mọi người, hình thành tâm hồn Việt lúc nào không hay?

"Về Nội Dung truyền bá, các cổ tích ca dao tuy ngắn gọn nhưng lại có nội dung xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ. Nếu nội dung các kinh điển thường chỉ nêu cái tốt nhiều khi cao xa khiến người bình thường khó theo; thì cổ tích, ca dao, tục ngữ Việt thiên về nêu cái xấu để mọi người tránh, dễ theo hơn, theo hình ảnh cây sen trong bùn mà vẫn tỏa hương.

"Đáng kể nhất là cổ tích, ca dao, tục ngữ Việt có nhiều truyện, nhiều câu hoàn chỉnh như một bài học, có thể tùy trình độ mà diễn giải cao thấp khác hẳn nhau.

"Như truyện Thánh Gióng, ngoài chuyện đánh giặc giúp nước không cần kể công, đền công, còn nhiều ý nghiã khác cao thâm khác như:

"Nhân vật Thánh Gióng nhỏ tuổi, lại không biết nói, thể hiện việc chống xâm lăng bảo vệ dân nước, ai cũng có thể làm được bất kể tuổi tác. Việc Thánh Gióng không nói, thể hiện việc chống xâm lăng cần hành động hơn là bàn bạc, nói năng vô ích? Thời Việt Nam Cộng Hoà 1954 - 1975 sở dĩ thua cũng vì các tôn giáo và đảng phái nói nhiều hơn làm, gây mâu thuẫn sát phạt nhau ác liệt, đến như ngay trong một đảng mà cũng chia thành nhiều hệ phái. Tình cảnh bại hoại tới mức bị mất nước chạy ra hải ngoại, mà hầu hết vẫn chứng nào tật ấy?!"

Hai tác giả đã phải bỏ ra gần 9 năm trời mới hệ thống hoá xong và tìm tòi, suy ngẫm ghi lại được những nét tinh hoa trong đời sống tư tưởng, tâm lý, tình cảm truyền thống Việt Nam.

Sách gồm 3 chương.
Chương I: Vũ Trụ Quan Việt Nam
Chương II: Nhân Sinh Quan Việt Nam
Chương III: Nghệ thuật Giáo dục & Đào tạo
Sách đặt nặng về nội dung giáo dục, cho nên chương III là phần chính của cuốn sách, kể từ trang 83 đến hết trang 255. Hai tác giả đã cố gắng làm nổi bật "Nghệ thuật Truyền đạt của phương pháp Giáo dục Cổ Truyền Việt Nam"qua tục ngữ & ca dao, với ưu điểm Thực tế - Dễ dạy - Dễ học - Dễ hiểu và Nhớ lâu."

Chỉ mấy dòng ngắn ngủi, mở đầu chương I nói về Vũ trụ quan Việt Nam, hai tác giả đã có một nhận định vô cùng sáng suốt:

"Các tôn giáo thường Bái Thiên - Bái Địa hoặc Bái Nhân một cách thái quá, coi nhẹ vấn đề Quốc Gia & Dân Tộc của các nước được truyền đạo, nên gây ra sự mâu thuẫn, nhiều khi dẫn tới đối kháng đẫm máu..."

Trong một đoạn khác, tác giả dùng toán học để so sánh cách tôn thờ trong một tôn giáo đối với quan niệm một vũ trụ quan của Việt Nam. Xin mời độc giả đọc đoạn văn dưới đây:

" Các tôn giáo trên thế giới xưa nay, đa số đã bị một số vị cao đồ sân si xây dựng hình thành theo mô hình một Tam Giác Cân Dựng Đứng cao ngất, mà đấng giáo chủ chót vót ngự trị trên đỉnh cao, xa rời nhân thế; biến Bái Thiên thành Bái Nhân, lắm khi còn biến người lãnh đạo tôn giáo chưa xứng đáng thành Giáo Chủ - như kiểu một số Giáo Hoàng, Tăng Thống... làm cho các tín đồ cảm thấy xa cách với Chủ Thể là Đấng Tối Cao, nhiều khi trở thành thấp bé hèn mọn, quay ra khúm núm qùy lạy van vái, hôn tay ôm chân cả người sống đáng tuổi con cháu mình, mất cả nhân phẩm lẫn tư cách - thay vì chỉ cần nghiêm trang bày tỏ sự kính mến các Đấng Tối Cao Siêu Hình?!

Trong khi đó ngay từ xa xưa, Người Việt Nam đã quan niệm một Vũ Trụ quan giữa Thiên - Địa - Nhân theo mô hình một Tam Giác Đều Nằm Ngang, thể hiện không chỉ sự bình đẳng, mà còn đề cao Nhân Hùng - nâng cao địa vị của Nhân để mỗi người phải lo hoàn thiện bản thân sao cho xứng với vị trí bình hòa danh dự trong thế Tam Tài  'Thiên - Địa - Nhân' của mình, qua việc tôn thờ Địa Linh & Nhân Kiệt phổ biến nơi các đình làng.

Đây chính là quan niệm Nhân + Trí = Hùng, từ lòng 'Nhân' qua nghiã 'đồng bào' của Mẹ Tiên Âu Cơ & kết duyên với 'Trí' qua việc 'tri hành hợp nhất' cùng theo con lo việc nước của Cha Rồng Lạc Long Quân & sinh ra các Vua Hùng, xây dựng nhân sinh quan 'Đồng Bào".

Nếu không nhờ sự suy nghĩ thâm trầm của tác giả về việc tôn thờ Địa Linh & Nhân Kiệt thì mấy ai đã thức tỉnh để biết rằng "Quốc Gia & Dân Tộc mới là mẫu số chung mà mọi người có trách nhiệm phải bảo vệ, đề cao, còn tôn giáo, đảng phái, học thuyết chỉ là những tử số riêng biệt, phụ thuộc, nhằm phục vụ cho Mẫu số chung mà thôi".

Cũng trong chương Vũ trụ quan, tác giả còn có một nhận định rất độc đáo, một nhận định không bắt nguồn từ bất cứ sách nào trong Tứ Thư Ngũ Kinh hay Lục Tài Tử của Trung Quốc  mà cũng chẳng suy ra từ bất cứ một triết thuyết hay trường phái Âu Tây nào:

"Tín ngưỡng nguyên thủy của Người Việt mang tính Văn hóa hơn là tính Tôn giáo, tạo được tinh thần 'Anh Hùng: Tự Tin & Tự trọng & Tự Cường và có Trách Nhiệm với Gia Đình & Xã Hội & Dân Tộc & Quốc Gia' - phát triển Nhân Cách xứng đáng với địa vị bình đẳng trong thế Tam Tài 'Thiên - Địa - Nhân'.

"Tín ngưỡng thờ 'Địa Linh - Nhân Kiệt' của Người Việt thể hiện sự Bái Thiên - Bái Địa - Bái Nhân mang tính văn hóa đồng đẳng, giúp thăng hoa Nhân Vị, đề cao Nhân bản, phát huy Nhân Quyền, tôn kính Anh Hùng để bắt chước làm theo chứ không sùng bái... nên không khiến con người trở thành hèn yếu, mất tư cách, phải qụy lụy trước các thế lực siêu hình cũng như hữu hình, dù là Bái Thiên - Bái Địa - Bái Nhân.

"Điều này đã giúp Người Việt bấy nay duy trì được tinh thần truyền thống tự chủ cao đẹp của dân tộc, dù bị nhiều tôn giáo ngoại lai xâm nhập, tìm cách khống chế, tha hóa...

"Người Việt không Bái Thiên - Bái Địa theo cách thông thường của các tôn giáo, mà Bái Nhân Hùng một cách đầy tình lý, qua tín ngưỡng thờ 'Địa Linh - Nhân Kiệt'; nghiã là chỉ đề cao thờ phượng các bậc anh hùng, hào kiệt, liệt nữ có công với dân với nước qua các nơi chốn sinh thành, hoặc diễn ra chiến công cụ thể, thay vì chỉ là những lý thuyết 'bái vọng' xa xôi cách biệt mơ hồ, dễ bị giới tu sĩ lợi dụng làm sai lạc chính kiến, đưa đến thảm cảnh vong thân, vong bản, vong quốc?

"Các địa phương giúp các bậc anh hùng liệt nữ làm nên đại sự, cũng được Người Việt coi là đất linh thiêng, nên thường được lập đền thờ tưởng nhớ đến cả người và nơi chốn làm nên các chiến công vệ quốc hiển hách, trở thành danh lam thắng cảnh được tôn tạo & hành hương tưởng nhớ trong các hèm và lễ kỷ niệm hàng năm.

"Đây chính là một phương pháp giáo dục tinh thần ái quốc sâu rộng tràn lan khắp nơi, đồng thời bảo tồn không gian lịch sử lâu đời của người Việt - cũng là một cách thần kỳ bảo vệ địa thế quân sự và môi trường tuyệt vời.

"Các sự kiện trên cho thấy tín ngưỡng thờ Điạ Linh & Nhân Kiệt của Người Việt mang tính Văn Hoá Giáo Dục gần gũi thân thương tốt đẹp, hơn là tính Tôn Giáo thường mang tính đe dọa gây sợ hãi cách biệt; nên mới có thể duy trì và phát huy tinh thần truyền thống của một dân tộc bất khuất, không chịu luồn cúi thấp hèn trước bất cứ thế lực vô hình hay hữu hình nào.

"Đó chính là nguyên nhân đã giúp dân tộc Việt trải qua bao thăng trầm, từng nhiều phen bị các cường quốc đông tây xâm lăng, thống trị, nhưng cuối cùng vẫn có thể vùng lên, giành lại độc lập tự chủ cho Quốc Gia, giữ vững bản sắc Dân Tộc.

"Trong tình huống thù trong giặc ngoài giày xéo quê hương, gây chia rẽ suy đồi do Cộng sản Việt Nam vong bản bán nước buôn dân gây ra hiện nay, việc phục hưng tinh thần truyền thống Anh Hùng của cội nguồn dân tộc, qua các tinh hoa văn hóa tư tưởng ẩn tàng trong kho tàng Ca dao, Tục ngữ và Cổ tích - có giá trị hơn cả Kinh Thư & Kinh Thi của Trung Quốc - rất cần phục hồi & khai thác khẩn thiết, hầu có thể giúp đoàn kết Dân Tộc, nêu cao chính nghiã Quốc Gia, quên mọi tỵ hiềm nhỏ nhen do khác biệt tôn giáo, chính trị, giáo dục, xã hội, sắc tộc... bấy nay gây ra; hầu chung lưng đấu cật, mới mong sớm quang phục quê hương, phát triển đất nước theo chiều hướng thăng hoa tốt đẹp nhất."

Chương II nói về Nhân Sinh Quan Việt Nam.

Chương này có 5 mục.
1. Thi Lễ Nhạc trong Ca Dao Việt Nam và 4 mục về Giáo Dục.
2. Giáo Dục Cá Nhân
3. Giáo Dục Gia Đình
4.Giáo Dục Đời Sống Xã  Hội
5. Giáo Dục Tinh Thần Quốc Gia Dân Tộc
Về mục 1, tác giả có nhắc lại một chút về Khổng Tử,

"Nếu Khổng Tử cho rằng:
"Hứng khởi cái ý chí là ở Thi, sửa sang phẩm cách cho đứng đắn là ở Lễ, điều hoà tính tình cho hoàn toàn là ở Nhạc"

thì Ca Dao Việt Nam đã bao hàm được cả ba điều Thi Lễ Nhạc, nên mang tính giáo dục truyền cảm hồn nhiên, hơn hẳn những bài giảng dạy giáo điều, quá lý tưởng xa vời thực tế và khô khan của các kinh sách - phần lớn là do các  tu sĩ viết ra để chế ngự tín đồ.

Do vậy có thể nói là người Việt từ xa xưa đã hình thành một nền giáo dục truyền khẩu, qua Cổ Tích & Ca Dao & Tục Ngữ rất uyên bác, vần điệu dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu đạt trình độ mà Lão Giáo từng đề cao là: "Đạo khả đạo phi thường đạo".

Trong phần giáo dục cá nhân, tác giả nêu được một điểm đặc biệt của ca dao Việt Nam là có chủ trương "không xấu cũng đủ tốt". Tác giả đã phân tích hình thức và nội dung bài  cây sen một cách tuyệt vời.

Tới đây, có người sẽ bảo: "Cái có bốn câu đó, chúng tôi đã thuộc lòng từ khi còn ở bậc tiểu học, có gì đâu mà còn phải phân tích, nhận xét dài dòng!"

Nói như vậy là biết một mà chẳng biết hai. Người viết bài này xin mời những vị đó  hãy chịu khó đọc phần viết của tác giả cuốn sách để  thấy rằng cái "thuộc" của mình chỉ dính ở ngoài môi mà chưa hề thấm được một chút gì vào trong "lòng" cả.

"Bài Cây Sen
"Nếu Nho giáo lấy hình tượng Cây Trúc làm biểu tượng cao đẹp rất mực cho Người Quân Tử, nhưng xa rời nhân thế; thì người Việt từ xa xưa đã chọn Cây Sen làm biểu tượng cho Người Việt Nam bình thường, chan hòa trong cuộc sống trần ai; để rồi sáng tác nên bài Cây Sen, được đại chúng truyền tụng trau chuốt qua bao đời, trở thành bài ca dao hoàn hảo về nội dung cũng như hình thức; xứng đáng là một mẫu mực tiêu biểu ưu việt về văn chương, văn học, văn hóa tư tưởng truyền thống Việt Nam.
'Trong đầm gì đẹp bằng sen,
'Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.
'Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
'Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
A/ Về Hình thức:

a/ Từ ngữ: Bài thơ cho thấy sự giàu tình ý của ngôn ngữ Việt, khi một bài thơ 4 câu 28 chữ, nhưng nhờ nghệ thuật hồi văn, điệp ngữ nhằm nhấn mạnh tình ý, chỉ cần dùng có 21 chữ để diễn tả, mà vẫn tinh tế, thanh thoát, trang trọng một cách bác học.

Điều này thuận tiện khi diễn dịch ra ngoại ngữ để giảng dạy ở các trường dạy tiếng Việt tại hải ngoại, giúp dễ học, dễ nhớ, dễ cảm nhận các ý tình thanh cao một cách trực quan và giản đơn.

Đây cũng là một bài ca dao khá hiếm hoi, khi dùng toàn chữ nôm na của Việt Nam, mà vẫn đạt được sự diễn tả rất uyên bác và trang trọng, không kẻ nào còn dám xách mé chê  'Nôm na là cha mách qué'. Cụ thể như dùng chữ 'bông' của Việt Nam, thay cho chữ 'hoa' có nguồn gốc từ chữ Hán, mà người Miền Bắc chịu ảnh hưởng dùng nhiều đến trở thành thông dụng... Qua chi tiết này, đây có thể là một bài ca dao cổ xưa, cách nay nhiều trăm năm?

b/ Bố cục: Ngày xưa người Việt chẳng thể có phi cơ để nhìn từ trên cao xuống cảnh vật như hiện nay, vậy mà bài Cây Sen đã khởi đi bằng cái nhìn từ trên cao bao quát cả hồ sen, rồi như dùng ống kính máy quay phim zoom vào một cây sen nổi bật, soi rọi từ hình ảnh đến màu sắc, đưa ống kính di động từ ngoài vào trong rồi mới từ trong ra ngoài, nhằm diễn tả lần lượt những ý tình cao đẹp trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân giả bình thường, qua  3 màu sắc xanh - trắng - vàng tiêu biểu cho các ý nghiã cao cả khác nhau, thắm đượm các ý tình cao đẹp khác nhau, rất độc đáo của cây sen.
B/ Về Nội dung:

Chỉ trong 4 câu thơ ngắn gọn với âm điệu trầm bổng nhịp nhàng của thể thơ lục bát, ứng dụng tuyệt vời các nghệ thuật điệp ngữ, hồi văn, bài ca dao đã gợi được những ý tình cao đẹp của cuộc sống người Việt, qua hình ảnh một cây sen bình thường rất phổ biến trong các đầm hồ công cộng ở Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ cung vua phủ chúa đến xóm làng đồng ruộng xa gần.

-Câu 1 khẳng định trong các đầm hồ tại Việt Nam, cây sen là cây đẹp nhất, không có cây nào sánh bằng: 'Trong đầm gì đẹp bằng sen'.

-Câu 2 giới thiệu hình ảnh cây sen từ ngoài vào trong, từ lá - hoa - nhị, để miêu tả không gian xã hội xanh tươi giữa thiên nhiên (lá xanh), gia đình có hoàn cảnh phát huy cuộc sống vật chất riêng biệt thanh cao (bông trắng), cá nhân biểu hiện tấm lòng vàng 'đồng bào' cao qúy của truyền thống Rồng vàng (nhị vàng).

-Câu 3 giới thiệu hình ảnh cây sen từ trong ra ngoài, nhắc ngược lại câu 2 để mô tả cuộc sống tinh thần cao qúy như vàng mười, của các tấm lòng vàng cá nhân - xây dựng nên nền nếp gia đình thanh bạch, tạo cảm nghĩ về các ý tình thanh cao nơi một xã hội thôn dã có môi trường sống xanh tươi, hiền hòa - chẳng khác gì các hô hào của tổ chức Green Peace ngày nay.

-Câu 4 dùng cái xấu để nhắc nhở một cách bóng bẩy về cái tốt, khi nói về mùi hôi tanh của bùn, để gợi sự liên tưởng đến mùi thơm thanh nhã của hoa sen; theo tinh thần truyền thống giáo dục 'Không Xấu là Tốt', và hoà đồng trong tình đồng bào không phân biệt tốt xấu, để cùng nhau phát triển cuộc sống đời thường vốn dĩ tốt xấu lẫn lộn.

Điều quan trọng nơi Cây Sen là 'không gần mực thì đen' & mà giúp tha nhân 'gần đèn thì sáng'; khác hẳn câu răn dạy tầm thường thể hiện sự ích kỷ 'Gần mực thì đen - Gần đèn thì sáng' của Nho Giáo, vẫn bị coi là của Việt Nam bấy lâu nay?!

Cả 4 câu đã mô tả một cách cô đọng nhưng rạng rỡ, mượn hình ảnh cây sen để nói về hình ảnh từ đời sống vật chất đến tinh thần của người dân Việt, tuy chân lấm tay bùn nơi đồng ruộng vì sinh kế, nhưng vẫn có tinh thần sống ung dung tự tại, thanh cao đầy thi vị trong làng xóm, giữa đồng nội, khác hẳn cuộc sống tha hóa bon chen chốn thị thành.

Tới phần Giáo Dục Gia Đình, tác giả nêu ra bài Công Cha Nghiã Mẹ:
Công Cha như núi Thái  Sơn
Nghiã Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ, kính Cha
Cho tròn chữ Hiếu mới mà đạo con"
 rồi xác định rõ rệt: "Công Cha & Nghiã Mẹ sinh thành, kết hợp nuôi dưỡng con cái thành dạt, phải được coi là lớn lao nhất trên đời, như quan niệm cổ truyền của người Việt, nên phải "Một  lòng thờ Mẹ, kính Cha" trước tiên và trên cả nhà vua, thánh thần... mới là  hợp tình, hợp lý, hợp đạo làm người hơn cả.

Phần thứ  tư, nói về Giáo Dục Đời Sống Xã Hội.

Chủ đề của phần này là Giáo Dục Xã Hội nơi làng xóm Việt Nam, vì đơn  vị căn bản của xã hội Việt Nam là Làng.

Hai tác giả đã  trích dẫn một số ca dao như bài Làng Ta, việc Đồng Áng... rồi nhận định:

"Trong lũy tre làng, nếu chỉ có một thầy đồ dạy học đạo lý Khổng giáo cho một nhúm trẻ ấu ti còn thò lò mũi xanh, thì có bao nhiêu đàn bà con gái là có bấy nhiêu lời ru, câu hát, điệu hò... một hình thức như những cái máy truyền thanh hiện đại, phát ra những lời lẽ êm ái ngọt ngào, có nội dung giáo dục đánh vào tâm lý và tình cảm của mọi người, từ trẻ đến già - răn bảo nhắc nhở mọi người đừng làm điều xấu kẻo bị chê cười, nên làm các điều tốt đơn giản như ăn ở hiền lành... tạo sự phúc đức cho mai hậu, cũng đủ sức răn dạy giáo hóa có tính hồn nhiên và thường xuyên, giúp ai nấy nhập tâm - biến thành tâm thức lúc nào không hay.

"Như thế trong lũy tre làng, nền giáo dục phổ biến chính là các câu ca dao được ru nhặt khoan, ngân nga theo tiếng võng đưa kẽo kẹt buổi trưa hè êm ắng - tiếng hát véo von ngoài cánh đồng lúa xanh bát ngát - các cổ tích được kể lể lúc màn đêm buông xuống, trăng lên lấp ló sau lũy tre - các tục ngữ được dùng để diễn tả những ý tưởng trong sinh hoạt hàng ngày, theo nền nếp truyền thống lâu đời...

"Đó mới chính là nền giáo dục luân lý xã hội cổ truyền chân chính của đa số người dân Việt Nam, đạt trình độ rất cao thâm về tâm sinh lý, tuy chẳng cần đến trường học hay thầy cô giảng dạy hàng ngày, nhưng vẫn có thể giúp giới trẻ hấp thụ những căn bản kiến thức vừa thực dụng, vừa bay bổng, hàm chứa những ý tình giúp tư tưởng tình cảm thăng hoa mà vẫn gắn liền với thực tế cuộc sống hàng ngày, đem lại những vốn sống qúy giá được lưu truyền gạn lọc từ bao đời trau chuốt, chứ không do một nhân vật, một trường phái hay chủ nghiã duy nhất nào đề ra.

"Do vậy mà nền luân lý truyền thống về gia đình và xã hội của người Việt không bị rơi vào chỗ chủ quan một chiều, luôn có tính khách quan đa chiều, không mâu thuẫn mà rất đại chúng vậy."

Đọc phần thứ năm của Chương Nhân Sinh Quan Việt Nam, người viết bài này thích nhất là đoạn nói về  trò chơi Rồng Rắn Xin Thuốc.

Lúc 8 tuổi, năm 1947, bản thân người viết còn sống ở làng. Buổi tối, thường cùng các anh em họ hơn kém nhau 5, 7 tuổi cùng chơi trò Rồng Rắn Xin Thuốc trên sân gạch phơi thóc của nhà. Nhà nào cũng tối om. Bất quá chỉ có ngọn đèn dầu hoả le lói trong phòng, ánh sáng chập chờn theo gió, lúc sáng lúc tắt. Lúc sáng, đốm lửa trên bấc đèn chỉ bằng hạt đậu xanh, hay bằng hạt đậu phọng là cùng.
Ăn cơm tối xong, dẹp cái nong trên đó cả nhà vưà ngồi ăn sang một góc sân. Đám trẻ bắt đầu trò chơi. Có đưá từ hàng xóm cách đó vài chục  thước, có đưá gần hơn.

Trăm lần như một, người viết rất hăng hái tham dự nhưng vì không phải là lớn nhất,  nên chưa bao giờ được đứng ở  vị trí đầu rồng. Thường là bị sắp vào khúc giữa, thân rồng.

Còn khúc đuôi, là đưá thấp nhất, nhưng đưá phụ trách đầu rồng, khôn hơn cả, lớn hơn cả nên luôn luôn chỉ định đưá đứng chót làm đuôi phải là đưá thật nhanh nhẹn, khoẻ mạnh và chạy nhanh.

Cứ liên tục như vậy cho đến khi người viết lên được Hà Nội. Rồi sau 20.7.1954, người viết di cư vào Sài Gòn. Từ ngày vào Nam, không bao giờ  thấy được trò chơi này nữa. Có lẽ vì cư ngụ tại thành phố. Cũng có thể vì nhà ở khu Bàn Cờ, bề ngang mỗi căn nhà chỉ có ba thước, không ai trong khu này có được một sân trước chứ đừng nói tới sân sau nữa.

Thế là bẵng đi 60 năm, người viết không còn cái may mắn được tham dự trò chơi, cũng không có dịp nghe ai nhắc lại. Tự mình, thỉnh thoảng lắm cũng nhớ lại thời ở làng, mỗi tối được cùng anh em họ hàng vui vẻ chạy nhảy trong trò chơi.

Đúng 60 năm sau, bỗng nhiên đọc được cuốn Khởi Thảo Kinh  Thi Việt Nam, tới phần thứ 5 của chương II, thấy hứng thú lạ thường.

Điều đặc biệt là hai tác giả kể ra thật đúng, cách trẻ chơi trò Rồng Rắn Xin Thuốc, rồi so sánh tỉ mỉ  các phần trên thân thể  rồng với các  thành phần trong một quốc gia, đoạn kể đến nhiệm vụ của mỗi phần và tinh thần cần có  ở mỗi phần để chu toàn nhiệm vụ giao phó, để bảo toàn được nhau và để tồn tại.

Nước Việt Nam Cộng Hoà đã bị Việt cộng xâm lăng, chiếm mất gần 40 năm. Những  người trung niên trở lên, hiện đang sống ở hải ngoại, phần lớn đều không biết đến trò chơi Rồng Rắn Xin Thuốc. Người viết xin trích ra đây, phần này tuy dài, nhưng rất quan trọng.
"Trò chơi Rồng Rắn Xin Thuốc

"Đây là một trò chơi mang tính giáo dục tình ý và hành động về đoàn thể quốc gia rất cao, từ bài hát cho đến cuộc chơi, vừa vui, vừa năng động, vừa có tính chiến đấu mạnh mẽ không khoan nhượng.

"Trò chơi có thể chơi chung cho từ 7 đến 12 em, hình ảnh của một bán tiểu đội đến tiểu đội trong quân ngũ. Độ tuổi tham gia từ 7 đến 13 là thích hợp nhất. Sân chơi phải đủ rộng để trẻ có chỗ đuổi bắt, né tránh.

"Trẻ chơi chia làm hai phe:

-Thầy thuốc là một em lớn tuổi, đứng một mình ở một góc sân chờ đoàn rồng rắn tới xin thuốc.
-Rồng rắn là các em còn lại, do một em lớn nhất làm đầu rồng, các em xếp theo một hàng dọc thứ tự từ cao đến thấp, em thấp nhất làm đuôi, hình thành một con rồng dài uốn khúc linh hoạt khi chạy đuổi. Các em đứng sau phải nắm chặt vạt áo em đứng trước, để khi trốn chạy Thầy Thuốc không bị đứt quãng.

"Trò chơi bắt đầu bằng việc đoàn rồng rắn đi lượn nhanh chậm 3 vòng quanh sân cho thuần thục, vừa đi vừa hát nhiều lần mấy câu mang ý nghiã quân sự, bảo vệ đời sống và lãnh thổ quốc gia:
'Rồng rắn lên mây
'Có nhà trời xây
'Có cây lắm trái
'Có trại điểm binh
'Có dinh ông tướng
'Có ruộng cấy cày
'Có bát cơm đầy
'No ấm ngày ngày.
Hết vòng đi thứ 3, em làm đầu rồng đến trước mặt thầy thuốc hỏi to:
-Thầy thuốc có nhà không?
Thầy thuốc trả lời:
-Thầy thuốc đi vắng rồi.
"Đoàn rồng rắn đi lượn quanh sân thêm một vòng, hát đi hát lại 8 câu hát cũ, rồi đến trước Thầy thuốc, hai bên hỏi đáp như trên vài lần, sau đó Thầy thuốc mới nói:
-Thầy thuốc có nhà, rồng rắn đi đâu đấy?
Đầu rồng trả lời:
-Rồng rắn đi xin thuốc cho gà.
Thầy thuốc hỏi:
-Gà lên mấy?
Đầu rồng đáp:
-Thưa, gà lên một.
Thầy thuốc chê:
-Lên một chẳng ngon.
Đầu rồng nói:
-Thưa, Gà lên hai.
Thầy thuốc vẫn chê:
-Lên hai cũng chưa ngon.
Đầu rồng nói:
-Thưa, gà lên ba.
Thầy thuốc mới chấp nhận:
-Ngon vậy, muốn lấy thuốc cho xin khúc đầu?
Đầu rồng đáp:
-Những xương cùng xẩu.
Thầy thuốc:
-Cho xin khúc giữa?
Đầu rồng đáp:
-Những máu cùng me.
Thầy thuốc:
-Cho xin khúc đuôi?
Đầu rồng đáp:
-Tha hồ thầy đuổi.

"Thầy thuốc chỉ được cho phép lấy khúc đuôi, nên bắt đầu tìm cách tóm em đứng cuối cùng, nhưng bị em làm đầu rồng dang hai tay ra cản, và các em khác cũng phải chạy vòng vèo, ngăn thầy thuốc không thể lại gần em làm đuôi, tạo ra một cuộc tranh tài đuổi bắt và trốn chạy giữa thầy thuốc và đoàn rồng rắn.

"Nếu trong khi chạy đuổi né tránh, em nào tuột tay khỏi áo em phiá trước, thì em làm đầu rồng phải tìm cách chạy chậm cho mình rồng được nối lại, trong khi đó thầy thuốc vẫn có quyền đuổi bắt. Chỉ khi nào thầy thuốc nắm bắt được em bé nhất ở cuối đuôi, thì cuộc chơi mới chấm dứt, đoàn rồng rắn chịu thua, chồng tiền nộp cho thầy thuốc, bằng cách tất cả nắm tay chồng lên nhau như chồng các chuỗi tiền, để thầy thuốc nhận bằng cách đập tay xuống, mỗi lần đập là một nắm tay bật ra, dần dần cho đến hết. Sau đó trò chơi tiếp tục diễn lại từ đầu, nhưng hai bên đã có thêm kinh nghiệm đuổi bắt, nên ngày càng hào hứng hơn trước.

"Phân tích bài đồng dao:

"Nhìn vào trò chơi ta mường tượng hình ảnh Lạc Long Quân xa xưa dẫn con ra biển mở mang cõi bờ, phải cùng các con đương đầu với nhiều khó khăn, nên có thể gọi đây là trò chơi 'Đuổi Bắt Rồng Con', vì Rồng Cha là Lạc Long Quân - cùng Mẹ Tiên Âu Cơ thành lập nước Việt Nam, có ngụ ý chỉ dẫn cách bảo vệ dân con, phát triển quốc gia.

"Nhưng ở đây được gọi là trò chơi 'Rồng Rắn' cho dễ gọi, và có hình ảnh dễ nhớ, là nguyên tắc chung của văn hóa giáo dục Việt Nam từ xa xưa.

"Việc thêm chữ 'rắn' vào, là để biến thành danh từ kép cho thuận miệng, vừa gợi hình ảnh cụ thể của con rồng cũng tựa như con rắn, vừa lý giải chuyện xin thuốc cho gà - vì rắn thường vào nơi gà đẻ nuốt trứng gà, bắt gà con mới nở ăn thịt.

"Do vậy mới phải xin thuốc chữa cho gà, hầu bảo quản nguồn thực phẩm. Nói khác đi, muốn xây dựng một nền kinh tế giàu mạnh, cần thuê mướn trả công cho những bậc thầy về kinh tế cố vấn phát triển, chứ không phải ai cũng có thể đảm đương công việc hệ trọng nhất này.

"Cụ thể như việc sau 1975, Cộng sản Việt Nam đưa nhà thơ Tố Hữu lên làm Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế, chỉ trong mấy năm cả nước lụn bại phải ăn bo bo. Sau đó Tố Hữu mất chức là chuyện nhỏ, mà nền kinh tế Việt Nam từ đó về sau phải mất nhiều thời gian mới tạm phục hồi phần nào, là chuyện lớn.

"Việc Võ Văn Kiệt nhờ Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh trợ giúp, bất kể từng là Phó Thủ tướng đối thủ thời VNCH, chứng tỏ Kiệt đã biết tìm 'thầy' chữa bệnh, đạt thành quả kinh tế sau đó.

"Việc tên y tá xuất thân làm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được 'toàn quyền chỉ đạo' khiến nền kinh tế Việt Nam lần thứ 2 dưới thời Cộng sản lại bị suy sụp, cho thấy sự cần thiết của các bậc 'thầy' về kinh tế quan trọng ra sao?

"Để đòi công, thầy thuốc phải hỏi gà đang ở độ tuổi nào, thịt có ngon hay không.
"Nhưng muốn được trả công bằng gà ngon, thầy thuốc cũng phải làm việc cắt thuốc - ở đây tượng trưng bằng việc qua đuổi bắt để tìm hiểu tình hình, cũng như khả năng nắm bắt tình hình của thầy thuốc.

"Qua đối thoại, cho thấy đoàn rồng rắn là một  tập thể với 3 thành phần:

-Khúc đầu là người lãnh đạo, như vua và các vị tướng nguyên soái ngày xưa, tổng thống, thủ tướng ngày nay. Nhỏ hơn là các lãnh tụ, đảng trưởng. Thành phần này là nòng cốt, không được hy sinh - đem trao đổi dù với bất cứ giá nào, vì sẽ bị tê liệt tất cả 'như rắn mất đầu'.

-Khúc giữa là thành phần điều hành, như các quan triều thần, các bộ trưởng, các lãnh đạo đầu ngành, là máu huyết của đoàn thể, dân tộc, cũng phải bảo vệ, mới có thể điều hành guồng máy hoạt động hữu hiệu. Một khi máu chảy nhiều thì suy nhược, chảy hết thì chết.

-Khúc đuôi là thành phần cấp dưới như lính tráng... dù chấp nhận trao đổi hy sinh, nhưng Đầu Và Thân vẫn phải tìm cách bảo vệ đến cùng.

"Và câu hát cuối 'No ấm ngày ngày' gợi ý đến một tập thể ấm no do quân đội bảo vệ khi bị ngoại xâm lấn chiếm đưa ra các điều kiện, cần chiến đấu với tinh thần kỷ luật cao, chỉ huy giỏi, đối phó hữu hiệu khi đương đầu; không được thí quân để mất mát người hay lãnh thổ, lãnh hải - đồng nghiã với thua thiệt.

"Các trẻ tham gia làm rồng xếp hàng theo thứ tự từ cao đến thấp mà không theo tuổi tác - thể hiện sức mạnh của khả năng hơn tuổi tác khi thành lập đội ngũ chiến đấu; phải nắm chặt nhau, không được rời nhau - thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó, theo một trật tự lớn bé & trên dưới & trước sau chặt chẽ.

"Phân tích trò chơi
"Trò chơi mang ý nghiã Đầu Rồng là thành phần lãnh đạo, ưu tiên bảo vệ. Đồng thời Đầu Rồng cũng phải có đủ tài đức, khả năng chọn lựa xếp đặt nhân sự, tạo nên sức mạnh bảo vệ thân rồng và đuôi rồng.

"Việc không chấp nhận cho Thầy thuốc khúc đầu và khúc giữa, chỉ chấp nhận cho khúc đuôi khi bất đắc dĩ phải đổi lấy thuốc chữa cho gà, tương tự nguồn kinh tế giúp sống còn... nhưng vẫn phải bảo vệ con dân đến cùng, thể hiện chủ trương chính sách lãnh đạo sáng suốt trọng dân rất mực, khiến người ta liên tưởng đến quan điểm 'Chính quyền của dân - do dân - vì dân' - phải đặt quyền dân lên trên hết của Âu Mỹ.

"Trong đời sống chính trị, lịch sử xưa nay cho thấy một khi quốc gia & dân tộc mất người lãnh đạo là bị sụp đổ ngay. Biết điều này, nên hồi 1975 bọn Việt Cộng chỉ 'xin khúc đầu' là đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi, khiến Miền Nam bị sụp đổ rất nhanh?!

"Có thể nói trong cuộc đấu tranh gần trăm năm qua, các đoàn thể tranh đấu phe Quốc Gia tại Việt Nam thất bại, thua Pháp, thua Cộng sản nhanh chóng, chỉ vì không biết triệt để bảo vệ 'khúc đầu'; như Hồ Chí Minh trốn chui trốn nhủi ở hang Pác Bó thủ thân... trong khi đó thì lãnh tụ Nguyễn Thái Học quan niệm 'không thành công, cũng thành nhân' quyết định ở lại trong nước đấu tranh, bị Pháp bắt đưa ra xử tử hình cùng 13 nhân vật cốt cán - chẳng khác gì mất cả đầu lẫn thân?! Hậu quả là cho đến nay Việt Nam Quốc Dân Đảng bị chia rẽ trầm trọng thành gần mười hệ phái, không thể nào kết hợp trở lại được. Do vậy mà không còn đủ sức mạnh lo đại sự, vô hình chung để cho Hồ Chí Minh và bọn Cộng sản Việt Nam tha hồ hoành hành như chỗ không người từ đó đến nay?!

"Gần nhất, Đề đốc Hoàng Cơ Minh của Mặt trận Kháng Chiến, thân chinh về nước chiến đấu, khi lâm trận qua đời, cũng khiến tổ chức chia rẽ đổ vỡ, rất đáng tiếc.
...
"Bài hát và trò chơi còn gợi nhớ đến hình ảnh Cha Rồng ngày xưa, dẫn 50 người con xuống vùng biển bình định mở mang cõi bờ. Đó cũng là hình ảnh những người Cha Việt sau 1975 đưa con vượt biển tìm tự do, bố con phải nắm áo nhau mò mẫm trong đêm đen, cho khỏi lạc nhau, mất nhau. Cả hai trường hợp đều cần đến những người cầm đầu tài đức quả cảm, những người quản lý điều hành giỏi và kỷ luật... mới có thể thành công trong việc tạo dựng một cộng đồng vững mạnh nơi hải ngoại, phát triển tốt đẹp, có khả năng kiến quốc, phục quốc.

"Tất cả những bại vong bấy nay, phải chăng chỉ vì không được hướng dẫn, giải thích khi tham gia trò chơi Rồng Rắn từ thời thơ ấu, để có một tâm thức đấu tranh sáng suốt, người lãnh đạo biết chỉ đạo đoàn kết chặt chẽ, người thừa hành biết tuân thủ giữ kỷ luật khi tiến khi lui như lũ trẻ.

"Vai Đầu Rồng tuy bản thân xông pha đứng ra đối đầu, nhưng không bao giờ chấp nhận cho đối thủ gây nguy hiểm tới bản thân, và các thành phần nòng cốt? Còn phần Thân và phần Đuôi cần tôn trọng và nghe theo người cầm đầu... cũng như phải xiết chặt hàng ngũ, đoàn kết  một lòng, khi tiến cũng như khi lui, lúc thắng cũng như lúc bại...

"Nên phân biệt sự bảo trọng bản thân của người lãnh đạo chỉ huy đại cuộc, khác với sự hèn nhát 'tham sinh - úy tử' tầm thường. Vì chết tuy khó, nhưng dù sao vẫn không bằng sống để có thể tiếp tục đấu tranh gian khổ hơn trước. Vì chọn cái chết chẳng khác gì chấp nhận sớm bản án tử hình cuả kẻ thù, khi vẫn còn cơ hội khi 'thua keo này - bày keo khác' như châm ngôn tranh đấu của tục ngữ Việt Nam?!"

Chương thứ III của cuốn Khởi Thảo Kinh  Thi Việt Nam, nói về Nghệ Thuật Giáo Dục và Đào Tạo.

Chương này gồm 11 phần, mỗi phần đều nói về nghệ thuật truyền đạt giáo dục bằng ca dao, đồng dao, tục ngữ, câu đố v.v...
Có người sẽ hỏi: Nghệ thuật giáo dục về những gì?
Xin thưa: Về tư tưởng, ngôn ngữ, toán học, khí tượng, động vật học, canh tác, địa danh, tình yêu nam nữ, tâm sinh lý, cuộc sống lưá đôi, đời sống tâm lý.
Phần Nghệ Thuật Giáo Dục Tư Tưởng:
a. Điểm đặc biệt trong phần này là hai tác giả đã nêu ra được tính vong bản của những kẻ được giao phó lập trọng trách lập chương trình Quốc Văn của Việt Nam.

"Đường lối Giáo dục Tư tưởng của người Việt thể hiện một cách nhẹ nhàng những ý nghiã sâu sắc lớn lao, đến độ đã khiến nhiều thế hệ học thức cao, được giao phó trọng trách lập chương trình, viết sách giáo khoa bao năm qua... cũng không thể hiểu biết, mới dám coi thường, miệt thị là 'Văn học Bình dân'?!
"Do vậy mới có chuyện chương trình Quốc văn của Việt Nam bấy nay phân biệt:
**Văn chương Bác Học: là loại văn chương của giới theo học các kiến thức của Tàu - Tây... làm ra, chịu ảnh hưởng ngoại lai rất nặng nề.

**Văn chương Bình Dân: là loại văn chương của người dân bình thường làm ra, thể hiện tinh thần truyền thống Việt Nam.

"Đáng ngạc nhiên là chính giới học thức mấy ngàn năm qua viết sách, soạn chương rình giảng dạy Quốc văn, đã vì tha hóa  & vong bản mà thiếu quan tâm - hoặc chưa đủ khả năng để có thể lý giải các nội dung uyên bác ẩn tàng trong nền văn học mà họ miệt thị là 'bình dân'.

b. Qua những bài đồng dao và các truyện dân gian, tác giả nhận ra được hai nhân vật tiêu biểu, đối chọi hẳn nhau.
Một bên là thằng Bờm ngây thơ chân chất, từ chối mọi sự giàu sang không do mình làm ra. Một bên là thằng Cuội, vô cùng gian dối và át sát.

"Bài 'Thằng Bờm' có nội dung giáo dục rất cao, nhưng bấy nay chưa được phân tích ý nghiã uẩn áo, phổ biến sâu rộng, hầu có thể làm một trong những bài giảng quan trọng về nền luân lý cổ truyền của Việt Nam nơi trường học?!

"Các vị anh hùng như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ... đều xuất thân là những 'thằng bé' như Bờm nơi thôn dã. Nhưng nhờ ý chí cao và tinh thần yêu nước & thương nòi mãnh liệt, họ đã dấn thân giúp nước, trở thành những vị anh hùng của dân tộc, được ai nấy tôn kính.

"Phải chăng do ý nghiã nụ cười của Bờm bấy nay chưa được lý giải thỏa đáng, để giới trẻ hay biết; nên mới có hậu quả là giới học thức Việt hầu hết rơi vào tâm lý sống tầm thường, chỉ đủ can đảm vượt khó lo cho bản thân, gia đình - thay vì vượt cao lên tầm mức lo cho xã hội, quốc gia?!

"Trong lịch sử Việt Nam có rất nhiều nhân vật Bờm và Cuội, mà điển hình gần chúng ta nhất là Tổng thống Ngô Đình Diện cũng như nhiều vị quan thanh liêm, khí phách; sẵn lòng từ bỏ quan chức nhiều bổng lộc, để giữ tư cách - nào có khác gì Bờm từ chối sự giàu sang không do mình làm ra, mong tìm công danh qua hình ảnh 'miếng xôi'  phân định danh phận nơi đình chung?

"Còn hình ảnh Cuội có thể thấy rõ qua Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng nói dối từ năm sinh đến tên họ... lừa dối không chỉ vài người như Cuội, mà lừa dối cả một dân tộc, đẩy cả nước vào chỗ chết chìm khi phải vượt biển trốn tránh - nào khác gì Cuội dìm chết từ ông thầy bói đến chú thím cả tin hắn một cách ngờ nghệch? Lời dụ dỗ của Cuội là dưới sông có nhiều tiền bạc, nào có khác gì lời hứa của họ Hồ về một đất nước 'Độc lập - Tự do - Hạnh phúc' khiến bao người sẵn sàng lao đầu vào cuộc chiến tương tàn, chết bi thảm?!

"Hình ảnh đích thực của Bờm và Cuội bấy nay vẫn chưa được đưa vào môi trường giáo dục, quả là một điều vô cùng đáng tiếc. Vì qua hai nhân vật Thiện và Ác này, có thể gợi ra nhiều so sánh - diễn dịch - quy nạp khác nhau, tạo được các tác dụng luân lý rất cao xa vào tâm thức trẻ con lẫn người lớn.
"Một điều đáng lưu tâm là trong khi có rất nhiều câu chuyện kể về những việc nói dối gian ác cực kỳ của Cuội, thì về Bờm chỉ có một bài ca dao duy nhất với nội dung thâm trầm khó hiểu?

"Nguy hại nhất Cuội là đứa trẻ gian dối cùng hung cực ác, bị dân gian cô lập trên cung Trăng, nhằm ngăn ngừa sự dối trá sảo quyệt quá nguy hiểm của hắn, đã không được giải thích cho trẻ hiểu, lại còn bị một số nhạc sĩ, thi sĩ ca ngợi tạo thành hình ảnh 'Chú Cuội' dễ thương???!!!"

Những phần tiếp theo của Chương III, chiếm gần hai phần ba (2/3) cuốn sách:

Các tác giả đã:
1. Sưu tầm trích dẫn thật đầy đủ.
2. Sâu sắc, khách quan khi phân tích.
3. Tinh thế, tìm ra được những ưu việt trong từng vần điệu.
4. Đắm mình trong tinh thần Dân tộc để tìm ra những cao siêu trong tư tưởng của tiền nhân.
5. Và không quên đối chiếu những điểm thăng hoa này với lịch sử  cổ kim.

Thí dụ như trong phần Nghệ Thuật Giáo Dục Đời Sống Tâm Lý, tác giả tìm ra cá tính của người Việt là vươn lên giữa Trời Đất theo hình ảnh của một Tam Giác  Đều Nằm Ngang bình đẳng Thiên Địa Nhân, thể hiện sự tự trọng tự tin và tự lực tự cường... chứ không hề mang ý nghiã tự tôn, hoặc trịch thượng hỗn láo nào.

"Chính điều này đã khiến người Việt trong tín ngưỡng Bái Thiên hay Bái Địa, không qụy lụy mà đứng thẳng để thăng hoa, vươn lên giữa Trời Đất - như cây cối, như các hình ảnh sinh hoạt được khắc trên mặt trống đồng, như Phù Đổng vươn vai đứng lên khi có giặc ngoại xâm thời loạn, như An Tiêm tự sinh tự dưỡng nơi hoang đảo thời bình, như các điệu múa dân gian theo chiều thẳng đứng, như khi lên đồng đứng chèo thuyền khoan thai, ung dung tự tại trước ban thờ trong Đạo Thờ Mẫu của người Việt Nam...

"Trong khi lịch sử Trung Quốc cho thấy chỉ có các dũng tướng, dũng sĩ phục vụ như tôi đòi cho các vua chúa hơn là cho quốc gia đại sự, khiến đất nước luôn bị chia năm xẻ bẩy - hết thời Chiến Quốc đến Lục Quốc, Tam Quốc ... Điều này có thể thấy qua câu nói của Tào Tháo với Lưu Bị: 'Trên đời này chỉ có tôi với ông là anh hùng' - nhưng thực tế cả hai đều là thứ 'gian hùng' kiệt xuất?!

"Sau này CSVN cũng xưng đủ thứ anh hùng, nhưng sau 1975 mới biết bọn lãnh đạo chỉ là lũ gian hùng, bán nước, làm đôi đòi cho Nga Hoa rất hèn hạ - chỉ dám xưng hùng xưng bá với người dân lành, theo kiểu gian hùng tàn ác lưu manh cực kỳ?!"

Hoàn tất cuốn Khởi Thảo Kinh Thi Việt Nam, hai tác giả đã viết ra được nhiều điều mà trong một trăm năm nay chưa ai nghĩ ra được. hay có lòng để tâm tới.

1. Minh định rõ rệt lại rằng sự phân chia văn chương bác học và văn chương bình dân, như các người có bằng cấp hay có vị trí cao trong Bộ Giáo Dục tại Việt Nam Cộng Hoà, trước năm 1975, là một điều hoàn toàn sai lầm và đầy tính vong bản. Họ không bị Hán học ảnh hưởng thì cũng bị Tây học uốn ép đầu óc.

2. Đồng dao, ca dao, câu đố, các câu chuyện dân gian của Việt Nam xưa và nay vốn bị nhóm trên coi thường hay miệt thị là "bình dân" lại chính là thứ văn chương có triết lý cao siêu nhất, đầy dân tộc tính và đã hun đúc nên tính anh hùng, trí vươn lên ngang với Trời Đất của người Việt gần 5000 năm nay. Nhờ những ý tưởng, lời khuyên, lời dạy ẩn tàng  trong đó mà dân Việt đã tồn tại qua 1000 năm bị Tàu xâm chiếm, rồi 100 năm bị Tây đô hộ.
3. Những bài đồng dao, với những lời lẽ ngô nghê, mới nghe tưởng như chẳng ăn nhập gì với nhau, được trẻ ca hát trong những trò chơi, chưá đựng rất nhiều ý nghĩa:Từ phương thức tổ chức, cách hoàn thành, mối liên hệ giữa các phần tử và cách bảo vệ nhau, cũng như tinh thần cần có, để tất cả có thể đối đầu với những kẻ thù địch và tồn tại được - Trò chơi Rồng Rắn Xin Thuốc là một thí dụ.
4. Nhiều bài ca dao, truyện dân gian, giáo dục con người trong cách cư xử.
- Dân đối với quốc gia.
- Người nọ đối với người kia trong một nước.
- Những phần tử trong gia đình đối với nhau: Giữa bố mẹ và con cái, vợ chồng, anh em, họ hàng.
Cách giáo dục trong ca dao Việt Nam cao hơn những khuôn cứng ngắc của Khổng giáo rất nhiều.
Cứ xem cách cư xử của các dũng tướng trong các triều đại bên Tàu làm sao sánh được với tư cách và phong thái cao vời vợi của Phù Đổng Thiên Vương Việt Nam, thì sẽ rõ.
Việt cộng vì không ngấm được những lời dạy trong ca dao:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người chung một nước phải thương nhau cùng

mà chỉ toàn nhiễm bởi chủ nghiã cộng sản ngoại lai, chủ trương "đồng chí" là quan trọng  nhất nên đã thanh toán  bất cứ ai không "đồng đảng", "đồng bọn" với chúng.

Cuốn Khởi Thảo Kinh Thi Việt Nam của hai tác giả Nguyễn Xuân Khoan và Nguyễn Xuân Hương là một công trình khảo cứu công phu.

Có người sẽ bảo: Chắc chỉ có  những ông già bà cả mới đọc sách này.
Xin thưa: Không phải thế.

Ắt có người hỏi tiếp: Vậy những ai nên đọc hay cần đọc sách này?
Xin đáp:

1. Những người cần đọc trước nhất và nên đọc kỹ là những bậc cha mẹ đang có con cái sinh ra và lớn lên tại xứ người. Đọc để có thể dùng phương pháp người xưa vẫn dùng, là ru và nhắc đi  nhắc lại nhiều lần cho trẻ nghe từ lúc còn nhỏ. Có thế, trẻ mới ngấm được những điều cao quý của triết lý Việt Nam, trước khi chúng tới tuổi lớn hơn và dễ bị ảnh hưởng bởi văn hoá của các nước đang cư ngụ. Có thế mới tránh khỏi cái cảnh tuy là trẻ Việt, sống rải rác trên khắp thế giới, mà mỗi  đưá lại coi văn hoá của nước đang cư ngụ là "bác học" và miệt thị những giá trị cao quý của dòng giống Việt.

2. Những vị giáo sư đang dạy ở các trường Việt ngữ cần dùng sách này làm tài liệu giảng dạy.

3. Còn những  người khác cũng nên có sách, để trong nhà. Thỉnh thoảng những lúc trà dư tửu hậu, đem ra, xem, có thể bỗng nhiên thấy sảng khoái lạ thường, thí dụ như khi đọc câu:
"Gió nam thổi tốc yếm đào
Sao anh thấy oản, không vào thắp nhang?"
4. Giới tu sĩ, dù của tôn giáo nào, dù là Thiên Chuá Giáo hay Phật Giáo, cũng nên đọc. Đọc để thấy: "Quốc Gia & Dân Tộc mới là Mẫu Số Chung mà mọi người có trách nhiệm phải bảo vệ, đề cao, còn tôn giáo, đảng phái, học thuyết chỉ là những tử số riêng biệt phụ thuộc, nhằm phục vụ mẫu số chung mà thôi.

Về điểm này, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã thật sáng suốt khi phát biểu: "Trước khi là Linh mục, tôi là một người Việt Nam".

Lại có người thắc mắc: Nhiều tu sĩ Phật giáo, sống với chuà chiền đã nhiều năm. Chức tước của họ, có thể từ hai chữ Đại Đức, Thượng Tọa lên đến 36 chữ, phải in đến 3 dòng chữ in mới hết, rồi mới đến tên. Họ đã đọc  rất nhiều kinh và có khi còn thuộc nữa. Như vậy thì họ cần gì biết thêm một cuốn kinh khác nữa?

Xin thưa: Đi tu là mong được giác ngộ. Những vị có chức tước từ 2 chữ cho đến 36 chữ hay hơn nưã (dù do tự phong hay người khác đặt ra rồi phong cho) thì lại càng nên đọc. Dù đã tụng kinh Cứu Khổ 300 quyển mà vẫn còn bận niệm kinh kệ khác, không có thì giờ, thì họ cũng chỉ cần đọc hết trang đầu tiên của Chương I Vũ Trụ Quan Việt Nam (tức là ở trang 17 của cuốn sách) là đủ, và sẽ "đốn ngộ" trong sát-na.

Bác sĩ Trần Xuân Dũng
__________________________________
Thưa các Anh các Chị,
1-Giáo sư Nguyễn Xuân Khoan, người tôi quen biết từ thời niên thiếu tại Hà-Nội và CVA 51-58, sẽ từ Victoria-Úc Châu sang Nam Cali để ra mắt cuốn sách Khởi thảo Kinh Thi Việt Nam (Phân tích nghệ thuật giáo dục, văn hóa và tư tưởng Việt Nam) tại Thư Viện Việt Nam số 10872 Westminster Blvd, Garden Grove, CA 92843 từ 2 giờ đến 5 giờ chiều ngày chủ nhật 22 tháng 6 năm 2014.
2-Thân chuyển Thiệp Mời của Ban Tổ Chức và bài viết của Bác sĩ Trần Xuân Dũng trong thân Email này và trong attachment 1 và 2 đính kèm.
3-Kính mong các Anh các Chị vui lòng thu xếp thời giờ đến tham dự buổi ra mắt sách và tiếp tay cổ động tới thân hữu.
4-Sự hiện diện và cổ động của các Anh các Chị là một vinh dự cho các soạn giả và cho Ban Tổ Chức.
Thân quý,
Nguyễn Đắc Điều

No comments:

Post a Comment