28 March 2014

HÀ NỘI, MỘT HOÀI NIỆM

An  Bình

Sau khi dùng bữa tối, An ngồi lặng lẽ một mình nơi phòng khách tĩnh lặng và nhìn ra khung cửa kính phía ngoài.  Ánh đèn từng chiếc xe chiếu sáng con đường hiu quạnh rồi tắt ngúm trả lại sự êm đềm, lặng lẽ thường lệ cho khu phố chung quanh đã bao lâu như vậy.  Quá khứ ngập tràn tâm tư về Hà Nội, thành phố cổ kính, trang nghiêm, mang đầy tính thơ với liễu rũ bên hồ Gươm, tô điểm bằng Tháp Rùa, Cầu Thê Húc cong vút dẫn vào đền Ngọc Sơn luôn phủ trầm hương nghi ngút, thơm ngát, thành phố đã cưu mang An từ tấm bé, nơi chàng đã ngọng nghịu cùng run rẩy tay khi tập đọc, tập viết chữ Phú Lang Sa và chữ Việt đầu đời lại hiện về.

An không thể nào quên được nơi chốn đã cư ngụ tại phố Nguyễn Thượng Hiền, gần Hồ Ha Le (giờ gọi là Hồ Thuyền Quang)  Nhưng chàng lại thường xuyên ra Hồ Hoàn Kiếm vì hồ này nên thơ hơn hồ Ha Le nhiều tuy phải đi bộ xa hơn.

An dạo chung quanh hồ cùng với hai chị em láng giềng với An.  Lúc mỏi chân thì ngồi bệt xuống ven hồ và thi nhau xem ai ném những viên sỏi nhỏ rơi xuống hồ xa nhất hoặc thẩy ngang nhẩy trên mặt nước nhiều lần nhất để rồi thấy vật đó từ từ chìm nghỉm dưới mặt nước sâu phiá dưới.

Cô chị tên Trinh, cô em tên Mi, hai tên tiền định lạ và buồn như cuộc đời.  An tỏ vẻ thân với cô chị nên cô em hiểu ý An và từ từ lảng tránh những cuộc dạo chung ấy.  Trinh tỏ ý vui vì không còn cô em gái cứ quấn quýt sánh bước chung bên cạnh An nữa.  Tuy chỉ có hai người, nhưng vì e lệ, rụt rè thường tình trời ban cho phái nữ nên thường thì Trinh cúi đầu e lệ đi trước, còn An lẽo đẽo, ngẩn ngơ theo sau người bạn bé nhỏ, đôi khi lạng choạng muốn ngã vì vấp phải mô đất.  Hai người cứ lặng lẽ nối bước nhau như vậy thường thì cuộc dạo chung này chỉ chấm dứt khi người nhà đi tìm vì đã quá giờ dùng bữa cơm chiều khi thì Mi tìm, lúc là mẹ An vì chàng là con một chẳng có anh, chị hay em gái gì cả nên người Mẹ thường đi tìm con, đứa con trai duy nhất về nhà, sợ bị ai đó bắt cóc đi mất, bỏ bà ở lại bơ vơ trên cõi trần gian. Tuy vậy hình như cha mẹ của Trinh lẫn An đều hiểu tình cảm hai đứa trẻ dành cho nhau và chấp thuận mối tình nở sớm nếu tính số tuổi của cả hai người và mong mỏi hai đứa nên duyên vợ chồng với nhau khi khôn lớn.

Chưa kịp thề nguyền cùng đính ước gì với nhau vì có lẽ đều nghĩ rằng đã là của riêng nhau rồi thì hai người đành xa nhau vì nguyên do thời cuộc xa vời vợi xẩy đến mà cả hai, cũng như người dân của đôi miền đất nước Việt Nam đều không hiểu nguyên do vì đâu lại xẩy đến: Hiệp Định Genève chia đôi đất nước với ranh giới là Vĩ Tuyến 17.

Thế là xẩy nghé tan đàn, thế là vĩnh viễn chia lìa, đôi khi một gia đình chia hai, chẻ ba, xé nhỏ, kẻ ở lại phương Bắc, người xuôi Nam.  Bố Mẹ An lôi tuột chàng di cư vào Nam trên chiếc máy bay DC 3 của Pháp, gia đình Trinh Mi chọn ở lại Miền Thăng Long Ngàn Năm Văn Vật vì còn nhiều bất động sản chưa kịp bán hết để rồi cha mẹ Trinh Mi chết thảm sau cuộc đổi đời đó không lâu vì cuộc đấu tố với tội địa chủ do Cộng Sản Việt Nam cố tình dựng lên để gây chia rẽ.

An và Trinh gạt lệ trước khi nghìn trùng xa cách cùng hẹn hò sẽ gặp lại nhau vào một ngày không xa và không ngờ điều đó là sự thật, dù là sự thật não nề, bi đát sau này: giữa người thắng và kẻ thua, giữa cai tù và tên tôi đồ của chính quyền mới vì đã phạm phải một tội đáng chết bằng bị tùng xẻo, chết từ từ vị bị gọt da, xẻ thịt, cắt từng ngón tay, lóc gân chân: tội đi theo “ngụy quân, ngụy quyền” để “bán nước, hại dân”.

Trinh chọn vào ngành công an của Cộng Sản vì muốn mọi người quên đi gốc gác địa chủ của cô và quan trọng nhất là nhà cầm quyền lúc bấy giờ muốn vậy để tô son, điểm phấn cho chế độ còn cô em Mi trôi giạt phương trời nào thì không ai rõ.  Cao Xanh đã nghiệt ngã để Trinh gặp lại An khi nắm quyền sinh sát một đội tù gồm khoảng 40 người lẫn lộn quân nhân, công chức, cảnh sát các cấp của Chế Độ Miền Nam chậm chân nên còn kẹt lại Việt Nam sau biến cố Tháng 4 Đen Năm 1975, trong đó có An.

Đôi trai gái tình tự năm nào đã gặp lại nhau như vậy.  An dù đã lớn tuổi hơn xưa nhiều, nhưng nét mặt không khác mấy nên có lẽ Trinh đã nhận ra và nàng xuống tay trả thù như để rửa nhục cho chế độ.

An quằn quại đau đớn, khổ sở, chết dở, sống dở dướt sự hành hạ dã man, tàn bạo của cai tù cái Việt Cộng tên Trinh: bị cùm hai chân chéo vào nhau, hai tay còng sau lưng vì An toan tính vượt ngục bằng cách khoét vách tường đắp bằng đất của trại giam vào ban đêm.  Đằng nào thì cũng chết, chết trong hy vọng sống còn nếu cuộc vượt ngục thành công cho dù xác xuất nhỏ nhoi thì vẫn hơn và chàng đã bị bắt lại trong khuôn viên trại tù khi vừa chui ra khỏi lán tù.

Mỗi ngày được hưởng một xuất cơm thiu đựng trong cái gáo dừa sứt mẻ thêm chút muối hột rắc vào cùng một gáo dừa khác đựng nước uống. Với chân tay bị cùm cùng còng chéo sau lưng như vậy, vì bản năng sống còn, An chỉ còn biết cố trườn, lết đến chỗ gáo dừa đựng cơm, nước mà gục mặt vào liếm láp y hệt một con chó ghẻ lở, đói khát.

Quần áo một bộ tù xanh nhạt duy nhất với dấu chữ “Cải Tạo” đóng bằng hắc ín đen ngòm phía sau lưng, bám trên người An đã lâu, rách bươm, mục nát.  Bị cùm trong thùng connex do quân đội Mỹ để lại và chẳng có thứ gì lót cái lưng trơ xương nên chàng lại càng cảm thấy buốt lạnh tận xương tủy về đêm và nóng hừng hực như đổ lửa làm tan da, nát thịt vào ban ngày.  Với điều kiện sống như vậy, vào lúc đó, An không thể nghĩ rằng chàng có thể tồn tại đến ngày hôm sau.

Nhiệm mầu thay Quyền Năng cao cả của Thượng Đế, An sống sót sau những đòn thù giáng xuống thân thể còm cõi của chàng và thất thểu về lại dương thế như bộ xương khô biết đi mà trở về nhà với vợ dại, con thơ ở Sài Gòn khi chúng thả chàng ra sau sáu năm bị đầy ải.  Tiếp theo những vất vả gian nan thăm nuôi chồng trong trại tù Cộng Sản, vợ An lại tần tảo chăm sóc chồng chóng bình phục khi đi tù về và rồi lại lo cho An vượt biển.  Sau nhiều chuyến đi thật bị lộ phải bỏ nửa chừng cũng như bị lừa, An đã đến được bến bờ tự do, bến mà mọi người đều cho là ảo mộng vì xa xôi quá, là viễn vông, là mộng tưởng, là hoang đường: hải đảo Pulau Bidong của Malyasia rồi cuối cùng đặt chân lên nơi định cư An đã sinh sống từ ngày đó cho đến tận bây giờ: thành phố New York nơi Tượng Nữ Thần Tự Do ngự trị với cây đuốc tỏa sáng trên tay như để hướng dẫn mọi người đến được vùng trời tự do.

Cai tù VC tên Trinh hoàn toàn biến mất khỏi cuộc đời An cũng như ý nghĩ của chàng kể từ khi Cộng Sản chuyển trại nhốt An xoành xoạch cho đến tận ngày hôm nay .

Dù sao thì An cũng mong mỏi Trinh luôn được an bình trong cuộc sống dù biết rằng cô bạn nhỏ bé ngày trước khó mà tồn tại trong mọi cuộc thanh trừng nội bộ của Cộng Sản vì bản tính Cộng Sản là đa nghi và chúng đã tồn tại vì đã áp dụng triệt để cùng cứng ngắc nguyên tắc căn bản này.

An hy vọng sẽ gặp lại cô bạn thanh thanh, dễ mến ngày xưa này để cùng nhau nhắc nhở lại những ngày đánh đáo, nhẩy dây với nhau và cùng nhau thưởng thức món bánh tôm thơm lừng trên đường Cổ Ngư tình tứ nằm uốn mình giữa hai hồ nổi tiếng trong số hàng nghìn hồ của Hà Nội: Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch.

Đâu đây tiếng hát nữ mềm mại vang lên thật tha thiết, ngọt ngào và trữ tình:
“….Hà Nội ơi những ngày vui đã qua đi, 
Biết người còn nhớ nhung chi, hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi dáng huyền ngây ngất đê mê
Tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về….”
Phải, sâu thẳm trong tâm thức, An vẫn mong muốn có ngày trở về lại Miền Đất thanh lịch ngày xưa: Thăng Long Thành cổ kính trong thơ mộng, hiền hoà nhưng trang nghiêm nhưng rồi lý trí An ngăn cản, không muốn chàng trở về Quê Cũ khi quân thù vẫn còn ngự trị, làm mất đi hình ảnh thân yêu một thời.
“…Quê Hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai…”
New York City, Tháng 4 Đen Năm 2014
An Bình Nguyễn Ngọc Cường  ĐS 14
tức Người Bên Lề Nữu Ước

No comments:

Post a Comment