VIỆT NAM (NV) - Vào tháng 4 năm 2013, trong khi dọn cỏ mảnh vườn sau nhà, vốn là một “độn” cát để mở rộng nơi canh tác, anh Huỳnh Văn Ðình, nguyên là một hạ sĩ quan Biệt Ðộng Quân (HSQ/BÐQ) và anh Trương Văn Niệm, nguyên trung sĩ nhất (TSI) thuộc Tiểu Khu Quảng Tín, tại xã Phú Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên, đào thấy bốn thi hài quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), với các lại quần áo rằn ri đã mục nát, xương cốt và xương sọ đã bị rễ dương bao bọc.
Bản đồ bãi biển Thuận An-Thừa Thiên.
Bốn tấm thẻ bài được tìm thấy, đọc rõ được tên họ, số quân và loại máu. Căn cứ vào hai số quân đầu của chủ lực quân VNCH, chúng tôi sẽ ghi thêm năm sinh để gia đình dễ nhận ra thân nhân của mình.
Thẻ bài số 1: Ðặng Mòi. SQ: 55/210-905. Loại Máu O. Sinh năm 1935.Thẻ bài số 2: Trần Quang Minh. SQ: 77/111-653. Loại Máu O. Sinh năm 1957.Thẻ bài số 3: Lê Văn Trung. SQ: 73/214-237. Loại Máu O. Sinh năm 1953.Thẻ bài số 4: Trần Phiên. SQ: 73/117-885. Loại Máu B+. Sinh năm 1953.
Khi khai quật, hai anh còn tìm thấy đủ nón sắt, áo giáp, dày da đã mục nát theo thời gian, đã được chôn lại theo hài cốt. Về vũ khí, có lẽ đã bị tịch thu trước khi xác họ bị vùi lấp. Hai anh chỉ còn giữ lại thẻ bài, một số dây đeo, một cái muỗng nhỏ, một quả tim và một chiếc nhẫn bằng nhựa và một chiếc nhẫn bằng kim loại.
Người đưa tin cho chúng tôi, TSI Trương Văn Niệm, quê ở xã Lộc Sơn, xã Phú Xuân, nguyên là quân nhân thuộc Tiểu Ðoàn 102 Ðịa Phương Quân (ÐPQ), Tiểu Khu Quảng Tín, bị thương tại mặt trận, được phân loại 2, làm công chức tại Ty Thuế Vụ Nha Trang trong những ngày cuối cùng. Sau ngày 30 tháng 4 anh trở về làng và chứng kiến nhiều ngôi mộ của anh em quân nhân VNCH tử trận trên đường rút quân vào tháng 3 năm 1975, chôn rải rác rất nhiều trong vùng. Tuy vậy sau vụ cải táng quy mô ở thôn An Dương cho 132 hài cốt quân nhân (chỉ còn được 13 thẻ bài và 1 căn cước) tháng 7 năm 2010, thì chính quyền địa phương ngăn không cho dân địa phương cải táng thêm những nấm mồ xiêu lạc vì sợ ảnh hưởng bất lợi cho chế độ.
Cũng theo anh Trương Ðình Niệm thì hiện nay tại xã Phú Hải, thôn Cự Lại còn một mộ chôn 17 tử sĩ (nghi là anh em Thủy Quân Lục Chiến (TQLC)), không có di vật, riêng 4 hài cốt có thẻ bài đã được hai anh Niệm và Ðình đưa lên vùng đất cao, xây mộ và có gắn bia.
Tưởng cũng nên nói lại, nơi bờ biển này, một số quân nhân TQLC đã lên được tàu hải quân ra đi, có những người bị bắt vào trại tù Cộng Sản như trung úy Cao Xuân Huy, tác giả “Tháng Ba Gẫy Súng,” Thiếu Tá Phạm Cang, tiểu đoàn trưởng (TÐT) Tiểu Ðoàn (TÐ) 7, Thiếu Tá Lê Quang Liễn, TÐP-TÐ7, Thiếu Tá Phạm Văn Tiền, TÐT-TÐ5... Số người chết, trong đó có Thiếu Tá Nguyễn Chí Nam, TÐT-TÐ4, riêng Ðại Úy Tô Văn Chiêu thuộc TÐ4 và hằng trăm người bị chết tại chỗ không tìm được hài cốt.
Qua điện thoại của chúng tôi gọi về Việt Nam nói chuyện với anh Trương Ðình Niệm, anh ao ước chúng tôi sớm đưa tin tức này lên các cơ quan truyền thông hải ngoại, cũng như làm sao đưa tin này trở lại Việt Nam, để thông báo cho bốn gia đình anh em còn thẻ bài nêu trên biết tin, để sớm đưa hài cốt các anh về với gia đình, nhang khói cho ấm cúng sau hơn 38 năm lưu lạc.
Cũng như vào năm 2011, trên nhật báo Người Việt và chương trình Huynh Ðệ Chi Binh/SBTN, chúng tôi đã có cơ duyên may mắn, đưa tin về ngôi mộ tập thể 152 quân nhân tử trận trong ngày lui binh trên bãi biển Thuận An, chúng tôi hy vọng, hôm nay, bài báo này với 4 danh tính tử sĩ nêu trên sẽ đến được với người thân trong những ngày cuối năm này. Gia đình sẽ nhận thẻ bài như là một di vật quý giá còn lại và cải táng hài cốt tử sĩ đưa về quê nhà an táng.
Xin liên lạc với chúng tôi, nếu quý vị cần biết thêm chi tiết, để giữ an toàn cho những người có lòng đang còn ở lại quê nhà.
Trong nỗi đau xót của cả một dân tộc, chúng tôi xin nghiêng mình trước những anh linh tử sĩ và xin gửi lời chia buồn đến với gia đình những người đã khuất.
No comments:
Post a Comment